Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Mùa Xuân Dân Tộc Sẽ Đến Từ Nghệ Tĩnh?



Mùa Xuân Dân Tộc Sẽ Đến Từ Nghệ Tĩnh? – Sơn Tùng
Trước thảm họa cá chết ở vùng biển bốn tỉnh miền Trung vào đầu tháng 4.2016, những cuộc biểu tình tự phát để phản đối khởi đầu từ Vũng Áng, Hà Tĩnh, ngày 6.4.2016, rồi sau đó đến lượt Quảng Bình, Thừa Thiên, Huế, Quảng Trị… rồi Sài-Gòn, Hà-Nội, và đã bị đàn áp tàn bạo.
Đồng thời, bạo quyền Hà-nội đã thất bại sau khi làm mọi cách để chạy tội cho Formosa, nào là cá chết vì thủy triều đỏ, nào là vì thay đổi khí hậu… cuối cùng sự thật vẫn là sự thật không thể chối cãi, chiều ngày 30.6.2016, Trần Nguyên Thành, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cùng các thành viên khác cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo của ngụy quyền Hà-nội nhìn nhận chính nước thải từ nhà máy của Formosa đã gây ra thảm họa cá chết. Formosa đã nhận lỗi, xin lỗi và bằng lòng “bồi thường” 500 triệu Mỹ kim, trong khi một nguồn tin khác lại nói là hơn 1 tỉ Mỹ kim.
Nhưng, dù 500 triệu hay 1 tỉ Mỹ kim thì cũng không phải là cái giá để có thể bán dân tộc Việt Nam. Và, đúng như lời Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã nói khi tới thăm Nghệ Tĩnh: “Tôi thấy cái chết của biển cũng như của cá, nó chỉ là cái ngọn vấn đề, cái chính gây ra cái chết này là do cái chết của tâm hồn con người. Tôi thấy có ít nhất có bốn cái chết: cái chết của lương tâm, cái chết của luân lý, cái chết của lý trí, cái chết của chính trị”.
Thật vậy, thảm họa đang diễn ra tại các bờ biển miền Trung Việt Nam không phải chỉ có cá chết và người chết, hay sẽ chết. Và, quả thật đây chỉ là “cái ngọn của vấn đề”.
Vụ “cá chết” đã phơi bày cái “thây ma chính trị” của một chế độ độc quyền về chính trị, rao giảng rất nhiều về chính trị, nhìn đâu đâu cũng thấy chính trị, cái gì cũng chính trị. Một thứ chính trị đồng nghĩa với chết chóc, chết từ trong tâm hồn tới ngoài xã hội. Chết của lương tri. Chết của đạo đức. Chết của chữ nghĩa.
“Chính trị”, nghĩa chính xác là quản trị đất nước làm cho dân giàu nước mạnh, đã bị những đồ đệ mê-muội của Mác-Lênin biến thành một tà đạo hắc ám lấy bạo lực và lừa dối làm phương tiện để dựng lên một chế độ khốn kiếp cho phép thiểu số nắm toàn quyền sanh sát, mặc sức làm giàu trên sự thống khổ của người dân và sự suy tàn của đất nước, trong lúc tự nhận là một chế độ thực hiện công bằng xã hội, xóa bỏ cảnh người bóc lột người. Chúng độc quyền “làm chính trị” theo nghĩa thứ hai. Người nào muốn làm chính trị theo nghĩa thứ thứ nhất, nghĩa đúng của danh từ ấy, thì bị kết tội “phản động”, hay chống đối, âm mưu lật đổ “nhà nước nhân dân”. Chính trị thực sự đã chết dưới chế độ cộng sản.
Vụ “cá chết” chỉ là thảm họa mới nhất, rõ rệt nhất, tai ương lớn nhất, đánh mạnh nhất vào đời sống của mọi người, đã khiến mọi người không thể ngồi yên, từ thôn quê tới thành thị, từ già tới trẻ, nam hay nữ. Trừ bọn công an, đồng phục hay giả dạng côn đồ, những tên tôi tớ không còn nhân tính, trực tiếp đánh đập người dân tay không xuống đường đòi quyền sống cho cá và cho người. Trừ những kẻ học cao, bằng lớn nhưng tâm hồn đã chết, những bồi bút văn nô cam tâm làm thân trâu ngựa phục vụ ngụy quyền tiếp tay che giấu sự thật, bênh vực thủ phạm, lừa dối người dân.
Sau khi những cuộc biểu tình không bạo động tự phát ở nhiều nơi bị đàn áp thẳng tay bằng bạo lực, tình hình có vẻ lắng dịu. Bất ngờ, ngày Chủ nhật 2.10.2016, khoảng trên mười ngàn người, phần lớn là ngư dân, đã hẹn nhau xuống đường biểu tình bên ngoài nhà máy luyện thép Formosa tại Hà Tĩnh. Khí thế bừng bừng, tuy không bạo động, họ mang theo những biểu ngữ có vẻ chống Formosa (“Formosa cút đi!”), nhưng đã đồng thời đập thẳng vào mặt bè lũ cầm quyền: “Đừng vì Formosa mà phản bội nhân dân”“Chúng tôi cần biển, cần tôm, cần cá, không cần sắt thép!”
Cảnh sát cơ động và quân đội được huy động tạo thành rào cản nhưng đã phải tháo lui, “bỏ chạy” trước khí thế quyết liệt của những người biểu tình. Hàng ngàn người đã tiến vào địa điểm tập trung bên ngoài cổng Nhà máy Formosa mà không bị đàn áp, và đã không xảy ra bạo động hay đập phá. Cuộc biểu tình đầy khí thế đã chấm dứt trong vòng trật tự sau nhiều giờ tập họp để truyền đạt nguyện vọng và đòi hỏi của người dân trong Vùng Nghệ Tĩnh: Chúng tôi cần sự sống cho cá và cho người, gián tiếp trả lời câu hỏi xấc láo của kẻ nào đó: “Muốn sắt thép hay tôm cá?”
Trước cuộc biểu tình một tuần, ngày 26.9.2016, một phái đoàn đông đảo người dân Nghệ Tĩnh đã nạp đơn kiện tại tòa án địa phương đòi Formosa phải đóng cửa và bồi thường thiệt hại do chất độc từ nhà máy thải ra gây thảm họa nhiễm độc cho bờ biển bốn tỉnh miền Trung khiến cá chết hàng loạt, hoạt động ngư nghiệp và du lịch bị tê liệt kéo dài chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.
Vụ kiện này và cuộc biểu tình ngày 2.10.2016 ở Nghệ Tĩnh đã và đang được nhiều người quan tâm theo dõi, đặc biệt là những người đang dấn thân vào cuộc tranh đấu cho một “Mùa Xuân Dân Tộc” sớm trở về trên đất nước Việt Nam sau hơn 70 năm đắm chìm trong thống khổ, thù hận, chiến tranh, ô nhục do đảng CSVN gây ra.
Phải chăng “thảm họa cá chết” ở bờ biển bốn tỉnh miền Trung, khởi đầu từ Nghệ Tĩnh, sẽ là sự lặp lại của một bi kịch dài trong lịch sử Việt Nam mà đây là màn chót với hồi kết đảo ngược, đem lại Tự Do và Nhân Quyền cho dân tộc Việt Nam?
Có thể, những người cầm đầu đảng CSVN ở Ba Đình, Hà-Nội, cũng đang lo sợ trước viễn ảnh hãi hùng của màn kết của thiên bi kịch 86 năm về trước, do chính họ dựng ra, cũng tại Nghệ Tĩnh, và đã được tô vẽ như bước khởi đầu oanh liệt của “đảng”: “Xô-Viết Nghệ Tĩnh”.
Thật vậy, theo sử sách của Đảng CSVN, chín tháng sau ngày thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương (3.2.1930), tiền thân của đảng CSVN, ngày 18.11.1930, dưới sự xúi giục và cầm đầu của những người cộng sản VN, dân nghèo Nghệ Tĩnh đã nổi dậy, dùng bạo lực cướp chính quyền theo kiểu của Lê-nin tại nước Nga năm 1917 nên được gọi là chính quyền “Xô-Viết Nghệ Tĩnh”. “Chính quyền Xô-Viết” lai căng này không sống lâu vì đã bị quân đội thực dân Pháp dẹp tan đẫm máu mà CSVN giải thích như “một cuộc diễn tập” khởi đầu của cách mạng vô sản do quần chúng nổi dậy dùng bạo lực để cướp chính quyền nhằm dựng lên nhà nước xã hội chủ nghĩa theo chủ thuyết Mác-Lênin.
Ngày nay, chủ nghĩa Mác-Lênin đã mồ yên mả đẹp hơn một phần tư thế kỷ, nhưng CSVN vẫn ngoan cố tiếp tục núp sau cái bóng ma cộng sản để nắm quyền và gây tội ác với bộ máy đàn áp vô nhân tính được gọi là “chuyên chính vô sản”. Nhiều người thường nói thực dân Pháp khi cai trị nước ta đã thi hành chính sách thâm độc nhằm ru ngủ dân ta với “bơ thừa sữa cặn”, ăn chơi đồi trụy, văn chương lãng mạn, rươu chè, bài bạc… Và ngày nay, Việt cộng cũng theo chính sách ấy để làm cho người dân không còn ý thức đấu tranh, hay chống đối. Thật ra, không chỉ ru ngủ, Việt cộng còn súc vật hóa con người, biến con người thành nửa người nửa súc vật, sống như một con vật, chỉ có cái bao tử mà không còn cái đầu, có mồm nhưng chỉ để đưa thức ăn vào nuôi sống cơ thể, không còn được nói ra những điều để phân biệt con người với con vật: những suy tưởng tự do từ óc não. Chẳng khác nào một bầy cừu, dắt đi đâu thì ngoan ngoãn đi đó.
Người cộng sản lên nắm quyền bằng bạo lực, tồn tại bằng bạo lực, và cũng sẽ tan rã bởi bạo lực. Phải chăng vì lý‎ do đó mà công an và bộ đội ở Nghệ Tĩnh đã không dám dùng bạo lực để giải tán đám biểu tình với hơn mười ngàn người, dù tay không tấc sắt? Họ đã học được điều gì từ sự sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu và sự tan biến của Liên bang Xô-Viết chăng? Và họ đã biết số phận ấy rồi cũng sẽ đến với mình.
Nhưng, từ cuộc biểu tình tại Nghệ Tĩnh ngày 2.10.2016, “mặt trận không tiếng súng” của toàn dân Việt Nam cũng đã rút tỉa được những điều quý báu. Trong đó, điều quan trọng nhất: nếu tập họp được một khối quần chúng lớn với vài chục ngàn người, bạo quyền sẽ không dám đàn áp, như đã giải tán thô bạo những đám biểu tình với vài trăm người trước đây. Điều quan trọng thứ hai: đừng sợ. Đòi lại quyền làm người đã bị tước đoạt là chính đáng. Của mình bị cướp mình không dám đòi lại thì ai đòi cho mình? Chính kẻ cướp phải sợ mình chứ không phải mình sợ kẻ cướp. Điều quan trọng thứ ba: đừng vô cảm. Thấy người khác đứng lên bị đánh đập, hành hạ, tù tội đừng dửng dưng như kẻ vô can. Đó là những người dũng cảm tranh đấu cho mình, mình phải can thiệp, cứu giúp, phản đối. Tóm lại, khi mọi người đồng lòng cùng sát cánh bên nhau đòi lại quyền làm người thì không có bạo lực nào đàn áp được. Một việc tưởng là khó sẽ trở thành dễ nếu mọi người cùng nhận thức và hành động như người dân Nghệ Tĩnh.
Nghệ Tĩnh đã làm được. Sài-Gòn, Hà-Nội… cũng sẽ làm được, và “Mùa Xuân Dân Tộc” sẽ về trên đất nước Việt Nam. Mùa Xuân vĩnh cửu sẽ về trên đất nước Việt Nam khi mỗi người dân Việt là một con én.
Và, sao lại không thể trong năm Đinh Dậu?
Sơn Tùng (12-2016)
http://phonhonews.com/mua-xuan-dan-toc-se-den-tu-nghe-tinh-son-tung/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét