Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

TƯỞNG NIỆM 43 NĂM TRẬN CHIẾN - HOÀNG SA


Hoàng Trường Sa

(Tưởng niệm 43 năm hải chiến Hoàng Sa 
của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 
* 19/01/1974 - 19/01/2017) 


Ơi Hoàng Sa! Hỡi Trường sa! 
Bi thương tiếng gọi sơn hà Việt Nam 
Đang còn bị giặc xâm lăng 
Nước trào rỉ máu, Đất oằn xót đau! 

Ơi Tổ Quốc! Hỡi Đồng Bào 
Yêu thương tiếng gọi thắm màu quê hương 
Âm vang trống giục sa trường 
Bạch Đằng dậy sóng quật cường oai nghiêm! 

Giơ tay cao thét lời nguyền 
Hận thù Bắc Thuộc hịch truyền xuất quân 
Đánh cho giặc Hán kinh hồn 
Muôn đời khiếp sợ tinh thần Văn Lang! 

Hoàng Trường Sa của Việt Nam 
Đã trong sử sách ngàn năm lưu truyền 
Trống đồng hào khí linh thiêng 
Hãy vang lên khắp mọi miền núi sông! 

Triệu con tim một tấm lòng 
Quyết tâm tiêu diệt thù trong giặc ngoài 
Việt Nam ơi! Tổ Quốc ơi! 
Triệu con dân Việt sẽ khơi sử hồng! 

Từ Trường Sơn tới Biển Đông 
Thịt da xương máu con Rồng cháu Tiên 
Núi Sông là một mạch liền 
Không ai có thể đảo điên sơn hà! 

Cao Nguyên 
Đông Bắc Mỹ - Jan 16, 2017 


Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Hồi ức của người lính già Hải quân trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.
Trời  Cam Ranh bây giờ mùa đông, mây trời xám thật buồn và thời tiết thì thật lạnh. Tôi ngồi đây, trong khu vườn nhỏ nhìn ra bầu trời mênh mông lòng không nguôi nghĩ đến những kỉ niệm của ngày xưa, một ngày cuối đông năm Quý Sửu cùng đồng đội chiến đấu trong trận HC HOÀNG SA. Vậy mà đến nay đã được 40 năm. 40 năm dài, lòng tôi đau đáu khi nghĩ về những đồng đội anh dũng, hào hung đã chiến đấu vì Tổ Quốc Việt Nam thân yêu – những người lính VNCH hết lòng vì Tổ quốc đánh giặc ngoại xâm.

Tôi còn nhớ, ngày ấy tôi là SQNV kiêm CTCT trên khu trục hạm Trần Khánh Dư- HQ-4. Đây được xem là chiến hạm hiện đại nhất của HQ/ VNCH bấy giờ. Khoảng trung tuần tháng Giêng-1974, chiến hạm tôi nhận lệnh đi tuần dương miền Trung. Khi tàu chúng tôi tiếp cận khu vực Hoàng Sa cùng HQ-10, HQ16,HQ5 thì biết rằng chiến sự sắp xảy ra với TC. Súng đã lên nòng, chỉ chờ giờ khai hỏa.
 
53c8c-4d
 
 
Tôi vẫn còn nhớ không khí chiến sự vô cùng căng thẳng. Tuy nhiên phía VNCH cố giữ hòa khí, cố tránh xa va chạm. Song tàu của HQ TC thì luôn khiêu khích. Chúng tôi dùng ngôn ngữ Hoa, Anh cũng như quang hiệu, kì hiệu  để báo cho phía Trung Quốc biết rằng đây là lãnh thổ của Việt Nam chúng tôi, không được xâm phạm, nhưng phía Trung Quốc với hành động hiếu chiến, hung hãn, đã chẳng những không lùi mà còn lấn tới.

Tôi còn nhớ rất rõ, đêm đó, sau bữa cơm chiều vội vã, Trung Tá HT. Vũ Hữu San tập trung toàn bộ thủy thủ đoàn trên tàu lại và bằng giọng nói mạnh mẽ, cương quyết. Ông nói:” Đây là cuộc chiến mà chúng ta không chờ đợi, nhưng với sự hiếu chiến của quân thù, chúng ta phải cầm sung để bảo vệ hải đảo của quốc gia. Như các bạn đã biết, đất nước ta bao đời nay đã bị giặc Tàu ức hiếp, xâm lân bờ cõi nhưng dân ta đã một lòng đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

 Đời nhà Trần vào thế kỷ XIII, người Việt Nam ta cũng đã phá tan giặc Nguyên bằng thủy quân và hôm nay, chúng ta sẽ đánh giặc TC lần đầu tiên bằng tàu sắt. Trong trận chiến hôm nay có thể tôi, các anh có thể ngã xuống nhưng quyết chúng ta không chịu lùi bước, chúng ta hãy cùng nhau một lòng đánh giặc”.
Đứng trước hàng quân bằng hào khí oai hung của một người tướng cầm quân ra trận, xem cái chết tựa lông hồng, Trung tá HT Vũ Hữu San dõng dạc đọc lên bài thơ Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão- một danh tướng đời Trần- 1 trều đại oai dùng đã 3 lần đánh giặc xâm lược Nguyên-Mông.
“ Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân hùng  khí át sao Ngưu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”.

Bài thơ được đọc lên với niềm cảm xúc dâng tràn, cho đến bây giờ, tôi vẫn còn hình dung được hào khí ấy vẫn còn sôi sục trong huyết quản của tôi.
 
Suốt đêm 18/1/1974, tôi được HT chỉ thị cho mở phóng thanh lien tục với các bài hùng ca :” Tiếng sóng Vân Đồn” và “ Bạch Đằng giang”. Lời bài hát nay vẫn còn vang vọng trong tôi:”… Đây Bạch Đằng giang song hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống oai hùng Nam-Bắc-Trung…”

Tiếng hát đã làm dậy sóng những tâm hồn trẻ của những chàng trai Việt chúng tôi, làm chí khí chiến đấu trong chúng tôi càng thêm sôi sục. Bởi vì chúng tôi biết rằng trận đánh này mang một ý nghĩa cao cả, đó là chống kẻ thù xâm lược.

Hôm nay ngồi ôn lại quá khứ với hoài niệm chưa chan- 40 năm đã trôi qua; đồng đội tôi ngày ấy kẻ còn người mất, phiêt bạt bốn phương trời. Lòng tôi luôn có một nỗi cảm hoài tiếc thương cho 74 đồng đội chiến sĩ HQ Quân đội VNCH đã hy sinh để bào vệ Tổ quốc, các anh đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả mênh mông.
Cá nhân tôi bây giờ đã bước vào tuổi “ xưa nay hiếm”. Cái tuổi mà Khổng Tử nói “ Sở dục bất du củ” ( ý muốn không ra ngoài khuôn phép) nhưng vẫn muốn rằng: trận chiến Hoàng Sa chống Trung Quốc năm xưa hãy được đưa vào lịch sử- hãy vinh danh những người lính đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc, để lịch sử vẻ vang ngàn đời chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt.

Sắp đến ngày kỷ niệm trận HC Hoàng Sa, báo chí trong vào ngoài nước nhắc nhở nhiều đến sự kiện vẻ vang này làm tôi lại nhớ đến ngày xưa.
– Ngày xưa của một thời tuổi trẻ vàng son. Tôi lại nhớ đến các anh. Các anh ơi-xin hãy yên nghĩ, toàn dân Việt Nam ngàn đời nhớ thương các anh.
 
NGÔ THẾ LONG
 
 
https://i0.wp.com/luotsong.tripod.com/images/HQ4-CangNuocSauDaNang.jpg
 
Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

Giấc Mơ Việt Nam


Giấc Mơ Việt Nam

Hôm nay đọc lại "Giấc Mơ Việt Nam" của Trần Trung Đạo. Trên những nỗi đau của sông núi điêu tàn, của cảnh đời ly tán, của sự sống vượt qua ngưỡng chết bi thảm, của tàn nhẫn và vô luân của thống trị... Là bản phát thảo một quê hương Việt Nam tuyệt vời được xây dựng bằng những giấc mơ.
Lời tựa của "Giấc Mơ Việt Nam" viết ngày 2 tháng 4 năm 2003. Mười ba năm qua, Giấc mơ dựng lại mùa xuân trên Quê Hương vẫn còn nằm trên những trang giấy. Dù sao thì giấc mơ vẫn đẹp hơn thực tại. Mơ để thoát nỗi bi ai, mơ để tái tạo nét đẹp trên những nẻo đường Việt Nam.
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười!
(Thơ Trần Trung Đạo)
Giấc mơ đẹp quá chừng: Giấc mơ Việt Nam, giấc mơ Mẹ, giấc mơ Quê Huơng cứ quyện vào nhau làm thành một nguồn tâm huyết của thế hệ đi trước gởi về sau với bao điều ủy thác: Giữ Thơm Quê Mẹ.
Giấc mơ lớn quá như thơ tôi mơ làm Người Phù Đổng, mơ mặt trời vẫn mọc ở phương đông!
Mơ làm Người Phù Đổng để được nhìn sự tái tạo lớn lên sau hủy diệt.
tay con, lau sậy làm cờ
tựa lưng bia đá đợi giờ ngựa bay
(Thơ Cao Nguyên)
Mơ mặt trời vẫn mọc ở phương đông để biết tính bổn thiện của con người từ khởi thủy nhân chi sơ. Hẳn nhiên là muốn nhìn những hoang tưởng xung đột chính kiến, những va chạm phù phiếm của quyền lực và danh vọng bị đốt thành tro bón đất cho mùa xanh nhân ái mọc lên tươi thắm cõi đời.
đừng khóc nữa, nằm yên nghe mẹ hát
từng khúc buồn, dòng lục bát của ba
người đã mất cả một thời khao khát
quê hương xanh với những bản tình ca
.......
yên chí ngủ con ơi, đừng hoảng sợ
rồi mặt trời cũng mọc ở phương đông!
(Thơ Cao Nguyên)
Không có ước mơ, không có hiện thực.
Không có quá khứ, không có tương lai.
Không có tương lai, không có hy vọng.
Tất cả hy vọng nằm trong giấc mơ Việt Nam: Tự Do, Thanh Bình và Thịnh Vượng.
Ơi những cây bút thần có thể làm phương tiện chuyên chở tuổi trẻ thực hiện ước mơ làm Người Phù Đổng?
đêm con mơ: sông núi hồng
cha nghiêng vai gánh cánh đồng lúa xanh
(Thơ Cao Nguyên)
Hỡi nghị lực và lương tri có chịu cho tuổi trẻ mượn làm đôi hia bảy dặm lên đường thực hiện ước mơ!
Này em hỡi! giữa bộn bề cuộc sống
hãy từ ta, vì khát vọng mà đi
khi yêu thương, chưa tới mùa thất sủng
thôi bâng khuâng và bớt những hoài nghi
(Thơ Cao Nguyên)
Để đi như người làm văn học:
vẫn vững bước trên hành trình nhân ái
được rọi sáng bởi đức tin chân lý
và sự hỗ trợ đắc lực hơi thở nồng nhiệt của chính mình
cho đến khi ngã xuống
dưới chân thánh giá được làm bằng chất liệu cây bút lương tri
mà họ đã nương cậy suốt đời
để thực hiện những trang sử thi!
(Thơ Cao Nguyên)
Và chỉ có thế, giấc mơ Việt Nam mới thực hiện được.
Và chỉ có thế, không băn khoăn quá đỗi khi nhìn vào tủ sách thấy những hàng chữ: Chuông Gọi Hồn Ai, Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Điệu Ru Nước Mắt, Đêm Giữa Ban Ngày ...!
Mong rằng Giấc Mơ Việt Nam sẽ thành hiện thực trong tương lai gần.

Cao Nguyên

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

Ngày Xuân, Nói Chuyện Tháng Giêng


Nói chuyện tháng Giêng là đề tài tôi viết để gửi đăng trên một số các báo xuân ở hải ngoại cách đây nhiều năm. Câu chuyện xoay quanh một số các từ ngữ từ sau năm 1975, vì lý do này hay lý do khác, hầu như không còn được dùng nữa. Người ta, đặc biệt là một số các xướng ngôn viên của các đài phát thanh, đã dùng những từ ngữ khác để thay thế.Trong số đó có từ ngữ tháng Giêng, từ ngữ dùng để gọi tháng đầu tiên của một năm. Thay vì gọi hay đọc tháng này là tháng Giêng, người ta gọi hay đọc nó là tháng Một. Lý do có lẽ là vì khi viết người ta dùng số 1 cho tiện dụng . Từ đó, tháng Chạp trở thành tháng Mười Hai, viết bằng số 12, và tháng Một tất nhiên không còn là tháng Mười Một nữa. Nhớ lại bài học thuộc lòng mà tôi có dịp học hồi còn nhỏ trong đó có các câu:

Tháng Giêng ăn tết ở nhà…
…….
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn.

Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy các thầy cô ở các trường Việt ngữ hiện tại thường nhắc tới, tôi không khỏi bùi ngùi khi thấy một chuyện bình thường người ta không nên để xảy ra, vẫn xảy ra. Đây không phải là chuyện bảo thủ hay không bảo thủ dù là chuyện liên hệ tới ngôn ngữ, mà ngôn ngữ vốn có tính chất qui ước và luôn thay đổi. Có điều qui ước hay không qui ước, thay đổi hay không thay đổi, người nói vẫn không thể vì lý do gì đi chăng nữa làm mất đi tính cách chính xác và phong phú của ngôn ngũ mình sử dụng. Một thí dụ điển hình là người Mỹ nói riêng, và dân của những nước nói tiếng Anh, nói chung, cũng ở vào trường hợp tương tự nhưng họ đã không làm như vậy. Khi viết để cho tiện họ và không chính thức họ vẫn dùng các con số 1 cho tháng Giêng, 2 cho tháng Hai … liên tục cho đến số 12 cho tháng Chạp trong cách ghi ngày tháng của họ. Nhưng khi phải ghi một cách đầy đủ một cách hình thức và tránh nhầm lẫn họ vẫn viết rõ là January, February … December.Còn khi nói, khi đọc, chính thức hay không chính thức, họ luôn luôn dùng các tiếng này chứ không bao giờ dùng các con số thay thế.

Thoáng đó, nhiều năm đã trôi qua. Vì bận rộn với cuộc sống thường ngày, tôi không có dịp theo dõi chuyện này và bây giờ, khi viết bài này, chúng ta đang ở tháng Giêng của năm mới tây nhưng tháng Giêng của năm mới ta thì chưa tới, nên tôi chưa thể nói là bà con ta hiện tại có còn cái tật sử dụng tiếng Việt một cách bừa bài, cẩu thả như vậy nữa không. Nói như vậy vì nói tới tháng Giêng tây nhiều người đã dùng chữ Một, tháng Một và tôi hy vọng các vị này dành hai chữ tháng Giêng cho tháng đầu năm âm lịch.Tuy nhiên nhiều vị khác cũng cảnh cáo tôi là đừng lạc quan hão, đồng thời thỉnh thoảng tôi cũng thấy có người đề cập đến vấn đề này như nói đến một nỗi buồn tiếng Việt. Sự trong sáng và phong phú của ngôn ngữ của chúng ta dường như mỗi ngày một bị thui chột trước cuộc sống mới nặng về thực tế và lúc nào cũng tất bật, vội vã. Người ta đã nại đủ cớ, kể cả ngang ngược tự cho mình là đúng để muốn nói sao thì nói, muốn viết sao thì viết không theo một nguyên tắc nào cả, nhất là khi mọi người, vì lý do này hay lý do khác, kể cả lười biếng, thiếu suy nghĩ, dễ dãi chạy theo thời thượng hay để phá bỏ những gì thuộc một thời xưa cũ.

Bây giờ nói tới chuyện mới.Gọi là mới, nhưng thực sự thì chuyện này đã xảy ra từ hơn mười năm trước.Hồi đó là năm 1995, hai mươi năm sau khi chế độ cộng hòa ở Miền Nam không còn nữa. Để tưởng nhớ tới biến cố quan trọng nhưng vô cùng phức tạp đối với dân tộc Việt Nam này, đài BBC của người Anh, một dân tộc nổi tiếng là lạnh lùng và thực tế, khác hẳn với người Pháp, đã phỏng vấn một số người Việt về sự khác biệt trong cuộc sống của người Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc sau hai chục năm thống nhất đầy bi thương này. Một trong số những người được phỏng vấn là Giáo Sư Sử Học Trần Quốc Vượng thuộc trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội.Tôi không nhớ rõ là để trả lời câu hỏi nào Giáo Sư Vượng đã có dịp đưa ra nhận xét của mình khi đề cập tới tiếng Việt ở Miền Nam. Đại khái câu nói của ông là ông và nhà văn Nguyễn Tuân, một nhà văn rất nổi tiếng trong thời tiền chiến với lối viết tùy bút vô cùng ý nhị, vô cùng bóng bẩy, nặng tính chất hoài cổ của ông, rất lấy làm đắc ý về một câu nói của đồng bào Miền Nam là “vậy mà không phải vậy”.”Phát biểu thế thôi, Giáo Sư Vượng đã không giải thích thêm. Người nghe muốn hiểu sao thì hiểu và áp dụng vào khía cạnh nào của cuộc sống thì áp dụng, trong đó có cả sự kiện Miền Bắc đã dùng bạo lực đánh bại Miền Nam để thống nhất đất nước và tình trạng thống nhất hai chục năm sau đó. Thay vào đó, với thói quen nói lên sự thực của một người dạy và viết sử và với bản tính bộc trực, ông đã thêm một chữ khác hay được dùng ở miền Nam là chữ “nên” khác với chữ “phải” ở Miền Bắc. Với chữ “phải” này, ông chú thích thêm rằng “Đólà tiếng của cán bộ”. Tôn trọng Giáo Sư Trần Quốc Vượng dù cho bây giờ ông đã không còn nữa và để độc giả được thong thả suy luận, theo đúng với tinh thần ra vô thong thả của người Miền Nam, tôi chỉ thuật lại nội dung đại khái của cuộc phỏng vấn này và không bàn rộng hơn nữa.

Trở lại chuyện mùa xuân và tháng giêng. Cũng trong bài học thuộc lòng kể trên, câu thứ hai của bài này là:

Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè…

Hội hè trong sinh hoạt cổ truyền ở Miền Bắc Việt Nam tượng trưng cho tinh thần và cuộc sống hồn nhiên, vui tươi, thoải mái, hoàn toàn tự do không bị ràng buộc của người Việt truyền thống, sau những ngày lao động vất vả với đầy dẫy những lo âu mà trên từ vua chúa, quan lại, dưới đến các nhà đạo đức tôn sùng Khổng giáo hay các bô lão ở các xã thôn đều phải tôn trọng. Người ta đã mở hội để không chỉ riêng dân trong làng vui chơi mà luôn cả dân từ các làng khác hay từ các thành phố về tham dự.

Mùa xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh
Đón tôi về xem hội ở làng bên…

Những hội hè này trong suốt thời Pháp thuộc vẫn đều đặn được mở với tất cả những tiết mục mà một số vượt ra ngoài trí tưởng tượng của người trẻ của thế hệ hiện tại. Trừ một số hội chùa hay một số hội đền, đa số các hội được người ta “trẩy” là để vui chơi, để gặp gỡ và nếu có phải lễ thì lễ ít hơn là hội. Chữ lễ do đó hầu như không được dùng mà chỉ có chữ hội hay hội hè hay hội hè đình đám cho cả trăm hội ở khắp trong nước, ở miền núi cũng như khắp miền xuôi, từ hội đền như Hội Đền Hùng, Hội Đền Kiếp Bạc, … hội chùa như Hội Chùa Hương, Hội Chùa Keo, … hội phủ như Hội Phủ Giầy… đến các hội làng. Tất cả đều là hội.Không hề có hội lễ. Lý do rất đơn giản. Đó là vì hội là mục đích chính và lễ là phụ.người trẩy hội là để vui chơi, để xem hội. Còn có lễ thì càng tốt mà không lễ thì cũng chẳng sao, không bắt buộc. Người Việt bản chất rất bao dung về tôn giáo, tín ngưỡng. Không phải chỉ qua ngôn ngữ bình thường mà qua thi ca, sau này là tiểu thuyết ….người ta cũng thấy phản ảnh rõ rệt điều này.Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Sau một thời gian bị lãng quên vì chiến tranh và vì cách mạng, các hội hè cổ truyền của người Việt, do nhu cầu bảo tồn truyền thống của dân tộc, nhu cầu phát triển du lịch hay nhu cầu thuần túy chính trị…, đã được mở lại. Đây là một cố gắng đáng khích lệ. Nhưng từ hội hè theo đúng tinh thần của những biến cố đặc trưng cho một nếp sống đã tồn tại từ nhiều ngàn năm, đổi sang lễ hội, người ta đã vô tình làm mất đi ý nghĩa hồn nhiên, căn bản ban đầu của một hình thức biểu hiện cuộc sống tập thể ở nông thôn thời xưa của người Việt vậy.

Ngôn ngữ là phương tiện để truyền đạt nhưng không phải chỉ là thuần túy truyền đạt mà còn là một biểu hiện của tinh thần, của nếp sống và rộng ra là của văn hóa của người sử dụng và của dân tộc sử dụng ngôn ngữ ấy. Coi là phương tiện, người ta có thể sử dụng nó một cách tùy hỷ nhưng điều này chỉ nên áp dụng cho những gì liên hệ tới cuộc sống tạm bợ hàng ngày. Đối với những phạm vi khác liên hệ tới quá khứ và tương lai lâu dài hơn, người sử dụng phải vô cùng thận trọng hầu tránh làm mất đi những tính cách chính xác, trong sáng và phong phú của ngôn ngữ mà mình yêu mến và có may mắn được dùng vậy. Việc làm nói ra thì dễ nhưng thực hiện và thường xuyên thực hiện, bắt đầu tự nhắc nhở là nhắc nhở người khác không dễ chút nào.

Phạm Cao Dương