Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Học Tiếng Việt qua bài hát

Học Tiếng Việt Qua Bài Hát

Học Tiếng Việt Qua Bài Hát, một CD gồm nhiều bài hát Việt, giúp trẻ học và đánh vần tiếng mẹ một cách vui vẻ nhẹ nhàng.
Người bỏ công thu thập những bản nhạc dành cho thiếu nhi vào trong CD Học Tiếng Việt Qua Bài Hát là Phạm Mê Linh, nữ sinh lớp 11 trung học Irvine, Nam California. Phạm Mê Linh cũng là một đoàn sinh Hướng Đạo từ năm Lớp 1, đến giờ em được 16 tuổi và hiện là thanh sinh Thanh Đoàn Bách Việt, Liên Đoàn Hướng Việt Hướng Đạo Việt Nam, cùng lúc là Girl Scout Troop 1809 Hướng Đạo Hoa Kỳ.

Công trình thực hiện cho Gold Awards

Đĩa CD Học Tiếng Việt Qua Bài Hát, Sing And Learn Vietnamese With Ease là công trình mà Phạm Mê Linh phải thực hiện cho Gold Awards, đẳng hiệu Hoàng Kim mà bất cứ một nữ hướng đạo sinh nào cũng mơ ước và được khuyến khích đạt tới:
Tại vì em thấy nhiều gia đình có con không nói tiếng Việt thì không gần gũi ông bà. Trong Hướng Đạo các em không hát được nhạc Việt và không hiểu được sinh hoạt Việt. Em chọn dự án này cũng tại vì em thích hát, khi hát em thấy vui và hăng hái, em muốn dùng bài hát để các em nhỏ thấy học tiếng Việt vui và dễ.  Em làm một CD nhạc Việt Nam để giúp các em nhỏ.
Thứ Bảy ngày 10 tới đây, CD Học Tiếng Việt Qua Bài Hát, Sing To Learn Vietnamese With Ease, sẽ được giới thiệu tại hội trường nhật báo Người Việt ở quận Cam. Dịp này, Phạm Mê Linh và các bạn Hướng Đạo sinh trong Liên Đoàn của em sẽ trình bày những bài hát đã thâu thanh trong CD, nhằm chứng minh cho mọi người thấy nhạc Việt với lời lẻ đơn giản trong sáng là cách giúp học sinh Mỹ gốc Việt cảm thấy thích thú và học tiếng Việt dễ dàng hơn:
Trước tiên em chọn bài hát và xin phép tác giả, rồi em kêu gọi những người giúp vào hai nhóm, nhóm beginner và nhóm lớn hơn. Em nhờ bác Hiếu, là tác giả, là người viết nhạc, và mẹ em giúp dạy hát và dạy Việt ngữ cho mấy em. Bác Hiếu viết bài Vần A, Vần O và Vần U, rồi em nhờ các nhạc sĩ làm nhạc đệm cho các bài hát.
Chia sẻ với Thanh Trúc, em nói đây là kết quả làm việc 3 tháng qua với sự giúp đỡ của rất của rất nhiều người chứ không chỉ mình em mà được.
Sau đó em nhờ bố thu âm các bài hát, em xin bảo trợ để có tiền in CD. Em và các bạn không giỏi tiếng Việt và không có đủ thòi giờ vì có quá nhiều việc khác phải làm như là homework, SAT, nhiều concert khác. Em rất vui khi nghe các bạn trong đoàn hát to và hăng hái, nhất là khi các em thi đua với nhau.
Ngay từ đầu, một CD nhạc Việt để học tiếng Việt mà Phạm Mê Linh nhắm tới cho Gold Award Project Dự Án Hoàng Kim đã được các trưởng Hướng Đạo trong liên đoàn cân nhắc, suy xét một cách nghiêm túc. Một trong những người đó là chị Trương Trà My, trưởng trực tiếp nắm đoàn của Phạm Mê Linh:
Theo vai trò của một trưởng thì mình hướng dẫn các em tìm cái dự án nào có ý nghĩa và phải đúng theo môi trường Gold Award. Trà Mi phụ cho Mê Linh viết dự án xong nộp lên Hội Đồng Cố Vấn Gold Award của Hướng Đạo Hoa Kỳ thì họ rất thích. Họ hướng dẫn em tới mức đó rồi sau đó em tự đứng ra kêu gọi người khác phụ em làm.
Phải nói thật Mê Linh sanh ở đây, nói tiếng Việt rất ngọng, coi như không rành rỏi như mình muốn. Nhưng cái mà Gold Award muốn là mình phải mạnh dạn đứng ra kêu gọi người khác tới phụ cho mình. Công nhận em Mê Linh kêu gọi được mọi người tới, dạy cho các em khác hát thì em cũng ngồi em học luôn, thành thử Gold Award giúp cho một cá nhân Mê Linh mà còn giúp cho những bao nhiêu người khác. Trong đoàn là các em Chim Non, Sói Con, Thiếu Nữ, Thiếu Nam, Thanh Đoàn, mấy em trong Hướng Đạo đều được vào học hát và làm ra một đêm gọi là hát cho mọi người nghe để giới thiệu cái CD học cách đánh vần, cách nói lễ phép của người Việt vì những bài hát có nội dung như vậy.
Được biết sau buổi ra mắt ngày thứ Bảy này, dự tính của Phạm Mê Linh là tặng CD cho các Trumg Tâm Việt Ngữ, các liên đoàn Hướng Đạo, các nhà thờ và các chùa... là những nơi thường có lớp dạy tiếng Việt mỗi cuối tuần:
Em sẽ post lên you tube, em để ở thư viện Việt Nam để càng nhiều người nghe càng tốt. Em chỉ tặng miễn phí thôi. Em sẽ tổ chức một buổi concert để ra mắt CD của em vào ngày 10 thang Mười Hai ở báo Người Việt. Em sẽ tăng CD free cho mọi người.
Điều này là một phần của dự án Gold Award đẳng hiệu Hoàng Kim mà một đoàn sinh nữ phải chu toàn, có nghĩa khi một công việc xã hội hay một công tác giáo dục đã hoàn thanh thì đó phải là thành quả từ nhiều người cùng tham gia, kế đến dự án phải có giá trị sử dụng về lâu về dài. CD Học Tiếng Việt Qua Bài Hát của Phạm Mê Linh đáp ứng được hai điều kiện như vậy.
Mẹ của Phạm Mê Linh, bà Phạm Đỗ Thiên Hương, vừa là một cô giáo Việt ngữ vừa là một trưởng Hướng Đạo nhưng không trực tiếp dẫn dắt đoàn của con gái, cho hay một CD với những bản nhạc tiếng Việt là ý kiến mà Mê Linh ấp ủ từ lâu:
Thật sự những project như thế này người lớn mình làm rất gọn nhưng mình không thể tự làm. Mê Linh phải đứng ra nói chuyện với phụ huynh, liên lạc với nhạc sĩ, nói chuyện với các em nhỏ để kêu gọi các em tập hát.
Em cũng không thể nào một mình em làm hết project này tại vì trong tinh thần của Gold Award Project bổn phận là người khởi xướng thì em phải tìm người thích hợp để nhờ làm. Nếu chọn một dự án mà em tự làm từ đầu tới đuôi thì lại không được chấp nhận. Thành ra em phải liên lạc người này, liên lạc người kia, càng nhiều người cộng tác với em thì dự án càng ý nghĩa. Đòi hỏi của Gold Award là CD em làm ra phải có tác dụng lâu dài.

Được sự khuyến khích từ nhiều phía

Để thuyết phục ba mẹ cũng như bạn bè trong đoàn ủng hộ dự án của mình, Phạm Mê Linh đã phải bắt đầu bằng nhiều bước như viết một thư giới thiệu dự án, trình bày với các trưởng về chi tiết, ý nghĩa và cách thực hiện. Sau khi được chấp thuận bởi Hội Đồng Cố Vấn Gold Award Project Hướng Đạo Hoa Kỳ và bởi các trưởng trong Liên Đoàn Hướng Việt Hướng Đạo Việt Nam, Phạm Mê Linh phải tự xoay sở phương tiện trước khi thuyết phục được sự hỗ trợ ở người chung quanh:
Liên Đoàn Hướng Việt có 300 đoàn sinh tức cũng khoảng 200 gia đình. Khi có buổi họp khoáng đại của tất cả phụ huynh trong liên đoàn thì Mê Linh phải viết một lá thơ để trình bày, em phải đứng ra trước buổi họp để nói cái prtoject em làm gì, em cần bao nhiêu tiền. Em cũng nói em muốn dành bao nhiêu thì giờ em có vào việc tập hát, thâu nhạc, chuẩn bị.
Phụ huynh rất ủng hộ, mỗi người đóng góp một tí, ngoài ra cũng có một số người có lòng trong cộng đồng và em cũng có được vài người bảo trợ.
Được sự khuyến khích từ nhiều phía, thoạt đầu Phạm Mê Linh dự định chỉ làm một ngàn CD nhưng cuối cùng em đã có đủ tiền để hoàn tất được hai ngàn cái.
Những người viết nhạc thiều nhi mà Phạm Mê Linh liên lạc để xin được hát và thâu lại những tác phẩm của họ trong CD của em là nhạc sĩ Nguyễn Đình Hiếu, tác giả loạt bài học vần qua nhạc, nhạc sĩ du ca Nguyễn Quyết Thắng, nhạc sĩ nhạc thiếu nhi Hồng Trang và nhà soạn nhạc lừng danh Lê Văn Khoa. Bên cạnh đó còn một số người chơi nhạc khác tình nguyện đệm đàn cho nhóm hát của Mê Linh.
Đánh đàn cho em trong CD này thì có chị Đỗ Bằng Lăng và chồng, Thụy Khanh là một người trong liên đoàn, anh Doãn Quốc Hưng là một người bạn trong gia đình.
Thật sự mất rất nhiều thời giờ nhưng tôi rất là vui tại vì ít nhất những đứa trẻ bây giờ cũng còn tha thiết với tiếng Việt, cũng còn có nghĩ đến vấn đề phải làm sao để có thể nói tiếng Việt giỏi hơn. Thực sự em Mê Linh nói tiếng Việt rất ngọng nghịu, rất là yếu nhưng nó cố gắng, nó nghĩ nếu giúp được các bạn cũng là giúp được chính mình. Thấy được điều đó mình rất mừng và mình rất khuyến khích.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Hiếu, đang phụ trách Giờ Sinh Hoạt Học Đường tại trường Việt ngữ Viện Việt Học ở California, kể về mối tương quan âm nhạc giữa ông với Phạm Mê Linh:
Trong CD của cháu Mê Linh thì tôi được cháu chọn 5 bài tối viết từ hồi 1984. Năm bài nguyên âm tiếng Việt A, E, I, O, U thì cháu chọn 4 bài nguyên âm và thêm một bài nữa là Chúng Con Nhớ Ơn Cha Mẹ mà tôi viết ở Mỹ cách đây 2 năm.
Cháu Mê Linh có tài về âm nhạc, đồng thời rất khát khao biết tiếng Việt, yêu quí tiếng Việt và truyền bá tiếng Việt. Cháu cũng đồng quan điểm với tôi là làm sao để mỗi bài hát là một bài học nhỏ vừa vui vừa dễ nhớ? Âm nhạc là phương tiện dễ nhất để truyền bá một ngôn ngữ, những điều mình muốn nói đến người nghe. Thành ra khi cháu Mê Linh làm cái dự án này thì mình ủng hộ thôi.
Hiếm có một cháu nào nhỏ tuổi mà dám làm chuyện như vậy. Kể cả các trường Việt ngữ ở đây có mấy người dám đưa âm nhạc vào để dạy tiếng Việt đâu. Dạy các cháu hát rất là khó vì các cháu đâu có quen hát tiếng Việt. Thứ hai nữa, nguồn nhạc cho thiếu nhi thì cũng nhiều nhưng kiếm những bài đơn giản dễ hiểu thì cũng không dễ.
Từ miền Đông Bắc, ông Võ Thành Nhân, chủ tịch Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam, ghi nhận CD Học Tiếng Việt Qua Bài Hát của Pham Mê Linh là một sáng kiến đặc biệt và có giá trị văn hóa:
Có dịp tham dự nhiều chương trình của các em đạt đẳng hiệu Hoàng Kim hoặc Đại Bàng thì chúng tôi ghi nhận là thường các em chọn những dự án nhằm phục vụ cho cộng đồng, cho giáo xứ của mình hay là nơi mà đơn vị Hướng Đạo của mình sinh hoạt.
Đặc biệt kỳ này chúng ta thấy một ems anh ra ở Mỹ chọn một dự án có giá trị về văn hóa. Em muốn dùng bài hát để học tiếng Việt, dùng bài hát để dạy cho các em khác hiểu biết cái chìa khóa văn hóa của mình là ngôn ngữ. Đây là một ý rất hay, giúp các em nhỏ sau nàu hiểu được Hướng Đạo Việt Nam ở tại Hoa Kỳ cần phải bảo vệ những cái gì tốt đẹp, mà công việc bảo vệ tốt đẹp đầu tiên là ngôn ngữ của chúng ta. Là một trưởng Hướng Đạo bản thân chúng tôi cảm nhận rằng đây là một project có thể giúp không những ở địa phương của em đó, chung quanh em đó mà còn giúp cho nhiều Hướng Đạo sinh khác trên thế giới hoặc giúp học trò các trường Việt ngữ biết được phương pháp học Việt ngữ qua cách hát.
Câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi, Học Tiếng Việt Qua Bai Hát Sing And Learn Vietnamese With Ease do một nữ sinh 16 tuổi thực hiện xin được kết thúc ở đây. Thanh Trúc hẹn lại quí vị thứ Năm tuần tới.
Thanh Trúc - Phóng viên RFA
2016 
---
Nghe Mê Linh nói chuyện với Thanh Trúc:

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi

Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi

"Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi"   là chủ đề của một bài hát mà cháu Mê Linh trình bày trong show nhạc kỷ niệm sinh nhật thứ 20 của mình  Điều đáng nêu lên là các món quà do cô bác anh chị em tặng cháu Mê Linh trong lần sinh nhật này, Cháu sẽ chuyển đến Mẹ là chi Phạm Đỗ Thiên Hương, dùng làm phần thưởng cho các thí sinh đoạt giải trong kỳ thi tiếng Việt lần thứ 2 của Chương Trình Ước Mơ Việt .

MÊ-LINH'S 20th BIRTHDAY CELEBRATION 


ƯỚC MƠ VIỆT là một chương trình khuyến khích trẻ học tiếng Việt trong sáng do một  nhóm anh chị em thiện nguyện viên trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ sáng lập.  
Người đại diện cho chương trình và cũng là người đứng ra tổ chức là bác sĩ Phạm Đỗ Thiên Hương với sự hợp tác của các thầy cô giáo Việt ngữ và Hướng Đạo Sinh  Liên Đoàn Hướng Việt California. 

Tiếp theo kỳ thi thứ nhất 1/1/2020 - 30/5/2020), kỳ thi thứ hai bất đầu từ đầu tháng 7 và kết thúc vào đầu tháng 9/2020 , theo sự hướng dẫn: 


Nhạc hiệu của chương trình và cũng là bài hát mà mỗi thí sinh dự thi phải học thuộc lời bài hát khi dự thi. 

Bài hát "Ước Mơ Việt

Thơ: Cao Nguyên.
Nhạc: Đình Đại.
Trình bày: Hướng Đạo Sinh Liên Đoàn Hướng Viêṭ, Irvine, CA.

Ước Mơ Việt 

Ước Mơ Việt - Ước Mơ Chung 
Suốt giòng con cháu Lạc Hồng Văn Lang 
Ước Mơ về một Việt Nam 
Rạng danh Nòi Giống, vẻ vang Sơn Hà 

Ước Mơ Việt - Ý Tâm Hòa 
Đang bừng nhiệt huyết, đang tha thiết đời 
Cám ơn tuổi trẻ tuyệt vời 
Dám mơ ước, dám vì người hy sinh 

Ước Mơ vào cuộc hành trình 
Rọi hồng Nhân Ái khắp miền Quê Hương 
Vì Lẽ Sống, vì Yêu Thương 
Nối vòng tay thực hiện đường Ước Mơ 

Cảm ơn nhiệt huyết tuổi thơ 
Việt Nam Tổ Quốc đang chờ các em . 

Cao Nguyên  






MÊ-LINH'S 20th BIRTHDAY CELEBRATION

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Tin Sách

Tin Sách
 


 
Tin là sống với tấm lòng mở rộng
Tin là đem hy vọng tới ngày mai
Tin để nhớ về cội nguồn huyết thống
Tin để thương nòi giống Việt bi hoài

Mỗi niềm tin khởi nguồn từ trang sách
Chữ nghĩa đời ghi lại những tâm tư

Sách mãi đấy dòng suối nguồn tư tưởng
Sách luân lưu âm hưởng của từng thời
Sách trao ban kiến thức tới muôn nơi
Sách nhắn gởi tình yêu thương bất diệt

Nếu tin sách hãy tin điều có thật
Không tin vào những bất nhất điêu ngôn
Tin lịch sử với kỷ cương nước Việt
Không tin điều chì chiết phản lương tri!

Xin cảm ơn những tấm lòng giữ sách
cho tin yêu vượt thử thách phong ba
qua thời gian sẽ rõ ràng minh bạch
người chính nhân và những kẻ gian tà!

Cao Nguyên

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Du Ca



Du Ca

anh - chiếc đàn guitar
em- một cây sáo trúc
ta - dòng thơ ngạo cuồng
đã lên đường du ca!

1-

hát cho rừng núi nghe
hát chờ đêm bạn về
hát quên ngày hoang vu
hát giữa thời hôn mê!

hát cho đồng loại nghe
hận thù và dối trá
hát cho bạn bè vui
vơi đau thương ngậm ngùi!

2 -

thuở ấy thơ ta - lời trộn lửa
cung đàn anh - nửa máu nửa hồn
tiếng sáo em - chập chờn tiếng khóc
rong lời ca vào đêm vô biên!

hát trong mùa Xuân điên
hát giữa Hè đỏ lửa
hát trên miền cao nguyên
hát bên niềm cô đơn!

3 -

đàn anh vỡ trong đêm thoát ngục
cây sáo em chìm vực trùng dương
ta vỗ tay không - hát lời thao thức
hát nhớ núi rừng - mênh mông quê hương!

Cao Nguyên

**
Phổ nhạc: Nguyễn Hải & Hà Lan Phương
Hòa âm: Nguyễn Hải
Trình bày: Hà Lan Phương

Ước Mơ Việt

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

Rượu Mặt Trời


Rượu Mặt Trời

Thơ: Cao Nguyên

Phổ nhạc: Nguyễn Hải & Hà Lan Phương
Trình bày: Hà Lan Phương

Mặt trời!, tượng trưng cho một uy lực tối cao độc tôn. Ở đây tác giả thơ đã dùng nó thay rượu để chứng tỏ cái hùng tráng một thời của mình, để say, quên đi những dối gian của thế sự. Nguyễn Hải & Hà Lan Phương cố gắng diễn tả bài thơ qua âm nhạc để hy-vọng chấp cánh cho nó đến được với mọi người nhất là những cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa oai hùng thuở xưa.



Rượu Mặt Trời

Tác giả: Cao Nguyên
ta còn một chút lòng ngây
rủ người một bữa uống say lịm đời
rượu? không, ta uống mặt trời
say cho ngượng mặt ý lời dối gian

nề hà chi khoảng không gian
cứ say trên bãi điêu tàn thuở qua
uống cho nắng rợn vàng da
vết đau chủng tộc vỡ òa máu rưng

uống cho tê liệt tận cùng
con đường nước mắt đã từng xót xa
say cho ta biết còn ta
sau cơn hồng thủy tràn qua núi đồi

rót tràn đêm, rượu mặt trời
uống đi người hỡi một đời mấy khi
say quên mặt đã lầm lì
biết ta chưng hửng đã đi vào đời

uống đi, say nhé người ơi
giữa ta có ánh mặt trời xuyên tâm
nóng ran như vết đạn găm
tim đau nhói ngược, bạn trăm năm rồi!

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

THƯƠNG CA TIẾNG VIỆT


Quốc Ngữ Xuân Thì 


những con Chữ đừng nên ngủ muộn 
dậy mà đi kẻo quá giấc Xuân 
theo mạch đất trở về đồng ruộng 
mở tim ra đón lúa lên hương ! 

mỗi Chữ vướng trên từng nỗi nhớ 
lúc nào nhìn cũng thấy yêu thương 
những mùa Xuân da vàng máu đỏ 
theo Nghĩa đi rộn rã vô cùng ! 

quê hương Mẹ ngàn năm còn đó 
mãi trong lòng Con Cháu muôn phương 
mong ước được một lần gặp gỡ 
trong một ngày Sông Núi toả hương ! 

Nghĩa trăm năm từng con Chữ nhớ 
gọi vào Xuân rạng rỡ cùng đi 
nối lời viết nồng nàn nhịp thở 
Quốc Ngữ ơi ! Mãi mãi Xuân Thì ! 

Cao Nguyên 

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

Đồng Bào

Đồng Bào 

Đi theo dòng thời gian, có những cột mốc phải dừng lại để ngắm trước sau và chung quanh . Vừa hồi tưởng những khoảng đường đi qua còn những tang thương hiện hình rõ nét trên quê hương, dẫu mình đã trót là người lưu vong rời xa đất Tổ . 

Điều may mắn có được là mình còn những chân tình trao đổi qua online đồng cảm nhận về những tang thương và động viên nhau đứng lên tiếp tục cuộc hành trình còn dang dở theo tâm nguyện góp phần làm đẹp lại quê hương, xóa tan hận thù và gian ác với hoài mong phục hưng nền nhân bản dân tộc . 

Cột mốc của tháng 7 ghi đậm nét nhất là cuộc hành trình tìm tự do của hơn một triệu người rời đất Bắc vào miền Nam do những bi thảm sau khi đất nước chia hai theo Hiệp Định Genève ngày 20-7-1954 .

Chính vì sự kiện này, mà trong ngày hôm nay, gần 200 người đã share lại nội dung tóm tược về Hiệp Định Paris trên group "Sau Lưng Cuộc Chiến" . Đa số những người share lại nội dung này là những người đang ở Việt Nam . Phải chăng chính những người Việt Nam đang sống trên quê hương muốn ngắm lại cho thấu đáo hơn về một hiệp định nói về cuộc chiến do cộng sản miền Bắc khởi động để xâm chiếm miền Nam. Đồng thời mong muốn sự phục hưng một quốc gia Việt Nam thanh bình và nhân ái . 

Với tư cách là Admin của group "Sau Lưng Cuộc Chiến", tôi gửi lời kính chúc an lành đến quý vị đang quan tâm về sự kiện  này. Đồng thời cảm ơn quý vị đã inbox muốn được liên kết với Group "Sau Lưng Cuộc Chiến" . 

Trân trọng,
Cao Nguyên 
Đông Bắc Mỹ - 14/7/2020 



Đồng Bào Trăm Họ Thai Chung 

là người dân Việt lưu vong
còn ai chưa biết thù trong giặc ngoài
hãy nhìn minh chứng bi ai
mất đất nước, mất giống nòi Lạc Long 

phục hưng Tổ Quốc đồng lòng 
diệt tan cộng sản phục hưng Sơn Hà 
tái lập thể chế Cộng Hòa 
mới mong kiến tạo quê nhà Việt Nam 

từ Cà Mau đến Nam Quan 
giang sơn một cõi từng trang sử hồng
từ Trường Sơn tới Biển Đông 
ngàn năm sử tích cha ông lưu truyền 

đã đến lúc giành chủ quyền
thoát cơn Hán hóa bình yên cội nguồn
đồng bào trăm họ thai chung 
Quê Hương - Tổ Quốc - Lạc Hồng - Việt Nam 

Cao Nguyên

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

Việt Nam Cộng Hòa

Việt Nam Cộng Hòa
Việt Nam Cộng Hòa thành lập ngày 26/10/1955, đang lúc chiến tranh nên quốc sách bảo vệ tự do được ưu tiên, nhưng không phải vì thế mà quên lãng mục đích xây dựng một xã hội dựa trên triết lý nhân bản, khai phóng và dân tộc.
Lời mở đầu Hiến Pháp 1956 ghi rõ: "…dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mạng trước đấng Tạo hóa và trước nhân loại là xây dựng một nền văn minh và nhân bản bảo vệ phát triển con người toàn diện."
Còn Điều 11 của Hiến pháp 1967 ghi rõ "Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản."
---
Bài diễn thuyết của khoa học gia Dương Nguyệt Ánh tại đại hội Hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại.
Một lần nữa, chúng ta ngẩng cao đầu nói với thế giới rằng: Tinh thần VNCH vẫn bất diệt .

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Người Đi, Non Nước Ở Lại

Người Đi,  Non Nước Ở Lại 






Nén hương lòng của kẻ hậu sinh
Kính dâng anh linh nhà ái quốc Nguyễn Ngọc Huy
Chu Lynh


Những dữ kiện trong bài này được thu thập từ những tài liệu, bài viết, tiếp xúc, phỏng vấn các nhân chứng đã từng kề cận nhà ái quốc Nguyễn Ngọc Huy: ông Nguyễn Ngọc Diệp, nhà văn Đỗ Tiến Đức, ông Trần Sĩ Hải, ông Vương Từ Mỹ, ông Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa, Giáo sư Tạ Văn Tài, cô Nguyễn Ngọc Thúy Tần, Giáo sư Nguyễn Toản, ông Nguyễn Phước Trang, ông Trần Cẩn Trọng, và ông Nguyễn Cao Tuấn.

Chuyến bay định mệnh
Phi trường Zaventem, Brussels, 
Vương Quốc Bỉ

Khởi hành từ New York, chiếc Boeing đáp xuống phi trường Zaventem trễ ba mươi phút.  Trong lúc chuẩn bị rời máy bay, hành khách bỗng phát giác một người bất tỉnh trên ghế ngồi.  Người đàn ông lớn tuổi, ốm yếu, da mặt xanh xao.  Một lát sau, ông tỉnh lại.  Một tiếp viên thấy ông không thể di chuyển được, liền gọi xe cấp cứu. 
Hôm ấy là ngày 20 tháng 7 năm 1990.  Người hành khách bất tỉnh đi trên chuyến bay mang số 34 của hãng hàng không Pan Am mang tên: Nguyễn Ngọc Huy.  Người Việt hải ngoại thường gọi ông là Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, người ngoại quốc thích gọi ông là Tiến sĩ Nguyễn.  Ông ghé Brussels theo lộ trình tham dự Đại Hội Thế Giới tại Hòa Lan của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, một tổ chức chính trị do ông thành lập từ mười năm qua.
Khi nhân viên xe cứu thương hỏi ông cần đi bệnh viện không, ông từ chối và yêu cầu chở vào phòng đợi, viện lẽ đã hẹn người nhà ra đón
Ba người đến đón ông: Nguyễn Kim Luân, Trần Qúy Phong, Nguyễn Ngọc Vinh.  Họ đã không tìm ra ông trong đám hành khách đang đứng quanh quẩn bên thang máy bay chờ nhận hành lý. Họ chia nhau tìm kiếm.
Khi được nhân viên phi trường cho hay tin, họ trở lại phòng đợi, thấy ông Nguyễn Ngọc Huy đang đứng với một người Việt Nam.  Nhưng xem ra ông quá mệt mỏi chẳng nghe người bên cạnh nói gì.
Trên đường về nhà với giọng rất yếu, ông hỏi có ai biết cạo gió không.  Một người lễ phép thưa sẽ cạo gió cho ông khi về đến nhà.
Khoảng 12 giờ 30, chiếc xe về đến nhà. Ông Diệp thực sự xúc động khi nhìn thấy cơ thể của ông quá tiều tụy.  Ông bắt đầu cạo gió.  Không có gió ở phía sóng lưng bên trái, nhưng bên phải và cổ, da thịt đỏ ửng lên.  Nhờ xoa bóp toàn thân, người ông ấm lên, ông cho biết đã đỡ hơn. 
Giọng nói của ông thều thào, phát âm không rõ, hậu quả của chứng ung thư lưỡi từ tám năm nay. Ông cho hay: "Trước khi đi bị cảm lạnh, rồi mất ngủ suốt đêm, trên phi cơ cũng không ngủ được.  Qua đây lại bị trúng gió ..."
Trong căn phòng gia đình đã chuẩn bị cho ông, để sẵn hai tờ báo Le Monde và Le Soir, có lẽ chủ nhà biết thói quen của ông.  Qua cửa kính mờ, hình ảnh một ông già ốm yếu lom khom đọc báo, tay phải cầm cây viết ghi chép, khiến mọi người muốn rơi lệ. Bên ngoài phòng, các đoàn viên của ông đã hội ý nhau và quyết định mời bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Quỳnh đến chăm sóc cho vị lãnh đạo của mình.  
Tuy mệt, ông vẫn ra phòng khách nói chuyện, vẫn trả lời thông suốt các câu hỏi, nhưng luôn luôn hỏi lại "Tôi nói các anh nghe có rõ không?"
Bác sĩ Ngọc Quỳnh khám rất kỹ.  Bà cho biết, áp huyết bệnh nhân rất thấp, mạch tim đập yếu, các bộ phận khác cũng yếu.  Muốn hồi sức, phải tiếp nước biển. Nhưng nếu tiếp nước biển ở nhà, luật lệ y tế ở Bỉ đòi hỏi phải thử nghiệm máu, và một số thủ tục khắt khe khác, nên cấp thời chỉ còn cách chích thuốc khoẻ.  Bà cũng không có sẵn loại thuốc này.
Cuối tuần, chỉ có nhà thuốc trực, nên nửa giờ sau, mới tìm mua được thuốc. Việc chích thuốc cho ông cũng không mấy dễ dàng.  Mười phút sau, bác sĩ khám lại.  Bệnh nhân có phần tươi tỉnh. 
Gia đình bưng đến một chén súp.  Mỗi lần đưa được một muỗng súp vào miệng là ông ho sặc sụa, phải uống thêm nước cho thông cổ. Trước đây, ông xin mọi người đừng hỏi khi ông đang ăn.  Lần này, không ai lên tiếng, nhưng ông vẫn cứ ho liên tiếp, có khi không nuốt được phải nhả ra.  Mồ hôi từng giọt hai bên cổ.  Ông cúi đầu xuống, nhắm mắt lại chịu đựng cơn đau.  Mọi người nhìn ông ứa nước mắt.  Khoảng nửa giờ sau, ông đưa vào miệng được gần một chén súp nhỏ.  Sau đó, ông dùng một ly crème flanc, nuốt vào ít khó khăn hơn.
Ăn xong, ông tiếp tục hỏi thăm mọi người, kể cả những người vắng mặt.  Ông Diệp còn nhớ, những lần đến Brussels, ông Nguyễn Tấn Liêm thường tiếp ông Nguyễn Ngọc Huy tại nhà, tâm đắc nhắc những kỷ niệm xa xưa, vì hai người cùng tuổi, cùng học trường Petrus Ký Sài Gòn. Có lần ông Nguyễn Tấn Liêm tâm sự: 
"Bây giờ chỉ còn có anh là thỉnh thoảng tôi gặp, còn mấy người khác chẳng bao giờ tôi thấy.."  Ông chậm rãi đáp lại: "Còn chút sức khỏe, tôi còn cố gắng đi.  Vài ba năm nữa thôi, cũng sẽ hết đi nổi.  Mỗi năm tôi ở nhà bốn tháng, còn tám tháng ở nhà anh em.."
Đêm hôm đó, dù đã khuyên thầy mình đi ngủ sớm, ông Diệp vẫn thấy bóng ông lờ mờ sau cửa kiếng.  Ông đang viết, khom người trên nệm. Đồng hồ chỉ 1 giờ 30 sáng.
Mọi người sắp xếp đưa ông về Paris, vì điều kiện chăm sóc y tế ở đó khả quan hơn ở Bỉ. Hơn nữa, ngày Thứ Bảy 21-7-1990, ông có cuộc họp quan trọng ở Paris.
Khoảng 1 giờ trưa ngày 21-7, các ông Trần Cẩn Trọng, Thái Quan, và Lê Chí Thiện đến dùng cơm chung với ông và gia đình.  Ông cũng chỉ nuốt được một muổng cơm.
5 giờ 40, ông chuẩn bị rời Brussels.  Hành trang của ông gồm mấy cái xách tay, cặp da đầy sách vở, áo quần, thuốc men, và một máy xay thức ăn nhỏ.  Ông để lại một số vật dụng, dự tính sẽ trở lại Brussels để đi Hòa Lan sau đó.
Ông đưa tay chào gia đình.  Không ngờ đó là lần cuối cùng gia đình ông Nguyễn Ngọc Diệp tiếp người thầy của mình.

Paris ngậm ngùi
Thứ Bảy 21-7-1990.  Ông Trần Cẩn Trọng đưa ông về nhà mình, và gọi điện thoại ngay cho một bác sĩ quen đến vào nước biển cho bệnh nhân.  Nhưng khi vào được khoảng 300cc thì bệnh nhân than mệt phải ngưng lại.  Buổi chiều, ông ăn được cơm và cho biết đã khỏe lại một chút.
Thứ Ba 24-7-1990, ông họp toàn thể Liên Khu Bộ Âu Châu đến 11 giờ khuya.
Thứ Tư, ngày 25-7-1990. Thức dậy, ông cảm thấy bình thường.  Nhưng đến trưa thì ông than mệt.  Bác sĩ Nguyễn Minh Tân đến chích nước biển cho ông, nhưng chỉ được 250cc rồi ngưng lại.  
Tối đó trưởng nam của ông, Nguyễn Ngọc Quốc Thụy đến thăm.  Bác sĩ Tân đề nghị gia đình nên đưa bệnh nhân về Hoa Kỳ chữa trị.   Cô Nguyễn Ngọc Thúy Tần, ái nữ của ông, từ New York gọi điện thoại qua, ông nói không ngủ được, vì thời tiết Paris quá nóng.
Thứ Năm, 26-7-1990.  Ông cố gắng nuốt được hai muỗng súp, nhưng vẫn chưa mất hết vị giác, vẫn còn muốn dùng thức ăn như bí, cá mòi. Bác sĩ Tân chích một liều thuốc an thần.
Thứ Sáu, 27-7-1990. Ông có cảm giác buồn ngủ.  Bác sĩ chích một mũi thuốc Kenacort.  Ông ngủ được đêm hôm đó.
Thứ Bảy, 28-7-1990.  Sáng thức dậy, ông nói với ông Trọng đã ngủ ngon đêm qua.  Ông Trọng làm cho ông một ly sữa hột gà.  Ông căn dặn ông Trọng xem lại bài thuyết trình ông đã soạn sẵn để tiến hành Đại Hội Hòa Lan.
Quốc Thụy đi mua vé máy bay cho ông trở về Hoa Kỳ.  Chiều trở về dùng cơm với ông.  Bác sĩ Tân chích thêm nước biển, nhưng ông từ chối vì mệt.  
Đến chiều, bác sĩ tiếp tục chích nước biển.  Nhưng khi chích vào gân nào, thì bể mạch máu đến đó, nơi chích bị sưng phù lên.  Bác sĩ đành phải chích vào thịt loại Cortine Naturale.
Khoảng 8 giờ tối, ông ra phòng khách nói chuyện với bác sĩ Tân, ông Trọng và một số đoàn viên. Bác sĩ Tân hỏi ông cần dùng gì thêm không, ông nói muốn uống hết lọ Renutryle để thay cho thức ăn.  Bác sĩ kiếu từ ra về.
Khi người nhà bưng ly trà sâm lên, ông không thể uống được vì còn quá nóng.  Nghe xong, ông Trọng đi xuống bếp.
9 giờ 15, Quốc Thụy gọi ông Trọng cho hay ông mệt và hơi thở có dấu hiệu khác thường.  Ông Trọng thấy ông hắt hơi, khó thở. Cả ba người, ông bà Trọng, và Quốc Thụy cùng đở ông lên giường.  Ông Trọng gọi điện thoại cho bác sĩ Tân.
Bác sĩ Tân đến ngay.  Người thầy thuốc tận tụy những ngày cuối cùng với bệnh nhân, cũng là nhân chứng cho giờ phút lâm chung của người bạn chí thiết Nguyễn Ngọc Huy.  Ông thở hắt hơi ra vài lần.  Rồi lịm dần, lịm dần…
Ông trút hơi thở cuối cùng trên tay người con trai, kết thúc một định mệnh sáu mươi sáu năm trên cõi nhân gian này, vĩnh biệt các môn sinh và bằng hữu, để bước qua một thế giới khác lúc 9 giờ 30 tối ngày 28-7-1990. 
Trên bầu trời hải ngoại, ngọn hải đăng Nguyễn Ngọc Huy đã vụt tắt.

Nỗi đau sâu thẳmhaaThaTh
Cuối thập niên 1970, và đầu thập niên 1980, trong lúc người Việt tỵ nạn cộng sản khắp nơi náo nức với phong trào trở về chiến đấu giải phóng quê hương, thì ông Nguyễn Ngọc Huy là người đi tiên phong mở mặt trận nhân quyền làm vũ khí đấu tranh, vì ông nhận thấy giải pháp quân sự rất khó thực hiện.  
Ông thành lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, quy tụ nhiều thành phần trí thức và tâm huyết. Rồi ông vận động các chính khách ngoại quốc, tướng lãnh, dân biểu, nghị sĩ của nhiều quốc gia để thành lập Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do.  Hai thành quả vượt bực của nhà vận động Nguyễn Ngọc Huy.
Có thể ví ông như “Thiên tài là cái đồng hồ đi trước” khi ông đi trước quần chúng một khoảng cách xa.  Không phải dễ dàng hướng dẫn dư luận.  Nhưng các thành viên của hai tổ chức này lạc quan về triển vọng cuộc tranh đấu sẽ thành công. Trong cuộc nói chuyện tại Calgary, Canada ngày 21-12-1986, ông tin rằng cộng sản sẽ sụp đổ, nếu người Việt biết vận dụng các yếu tố: tổ chức lực lượng trong nước, người Việt hải ngoại yểm trợ, và vận động quốc tế yểm trợ cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Việt.
Nhưng mệnh trời đã không cho ông đi nốt cuộc đấu tranh mà ông đã khổ công đeo đuổi hơn bốn mươi năm qua. Căn bệnh ung thư lưỡi kéo dài nhiều năm, nay đã đến giai đoạn cuối. Bác sĩ kinh ngạc khi thấy ông đã coi thường căn bệnh hiễm nghèo, vẫn sống, vẫn bôn ba khắp nơi, vẫn lạc quan về tương lai Việt Nam. 
Hình ảnh của ông những ngày cuối cùng trên giường bệnh, không phải trong bệnh viện đủ tiện nghi, mà tại nhà một người bạn, mới biết ông đã chiến đấu với tử thần, dũng cảm như một chiến sĩ ngoài trận đa.  Vẫn đọc, vẫn viết, vẫn hội họp.  Như thể ông có thể thắng trong cuộc chạy đua với thời gian. Nhưng hơn ai hết, ông linh cảm tử thần đã lảng vảng bên mình khi nhận ra cuộc chiến đấu với căn bệnh đã đến hồi kết thúc.
Đức độ và tài năng của ông Nguyễn Ngọc Huy đã khiến dân biểu Canada, ông David Kilgour đã ví ông như một Gandhi Việt Nam.  Nhưng ông lại đảm trách quá nhiều vai trò, từ trên chính trường đến hậu trường. Là con người nhìn xa trông rộng, hẳn ông đoán được đoàn thể của ông sẽ đối diện với nhiều khó khăn nội bộ lẫn với bên ngoài khi ông nằm xuống.
Nhiều người hối thúc ông dự liệu một truyền nhân thay thế ông tiếp tục lèo lái hai tổ chức quan trọng này.  Nhưng, theo nhà văn Đỗ Tiến Đức cho biết, nhiều lần được hỏi, ông Nguyễn Ngọc Huy vẫn chưa có câu trả lời.  Có lẽ đây là nỗi ưu tư lớn nhất những ngày cuối đời của ông.
Ngày 16-4-1974, bà Dương Thị Thu, người vợ của ông do bạn bè mai mối, đã chết trong một tai nạn tại bãi biển Vũng Tàu.  Người đàn bà đảm đang, không bao giờ xen vào công việc của chồng, chăm sóc và dạy dỗ con cái để ông có thì giờ hoạt động.  Trong mọi hoàn cảnh, bà đã chu toàn bổn phận người vợ trong âm thầm, như một anh hùng vô danh trong bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” của ông. 
Ông mang nỗi đau khổ này trong lòng, suốt phần đời mười sáu năm còn lại.  Nghĩ đến tình yêu, lòng chung thủy và hy sinh của bà đã dành cho ông trong nghĩa vợ chồng hai mươi hai năm, từ đó ông không còn tha thiết người đàn bà nào nữa.
Thật lạ lùng, cùng ngày tháng ấy, đúng tám năm sau, 1982, tai nạn thứ hai lại đến với ông.  Đứa con út 17 tuổi, Nguyễn Ngọc Khánh Thụy, chết ngộp trong xe hơi trong nhà để xe của một người bạn Mỹ, ông William Littauer, tại Iang Larchmont, New York.  Lúc đó, ông đang ở Cambridge, Massachusetts, và ái nữ Nguyễn Ngọc Thúy Tần đang học ở Albany, New York. 
Đây là đứa con ông yêu thương nhất, vì cậu bé mồ côi mẹ từ nhỏ, thường xuyên vắng cha, và người chị lại đi học ở xa. Cậu đã tự vận bằng hơi thán khí xe tỏa ra. Nỗi đau của người cha biến thành nỗi ân hận suốt đời.  
Trong một lần nói chuyện với ông Tạ Văn Tài, người cộng tác với ông những năm khảo cứu tại Đại Học Harvard, khi nói về cái chết của đứa con, ông đã tâm sự: “Tôi luôn luôn lo việc đoàn thể và đất nước, nhưng đời riêng của tôi gặp nhiều bất hạnh”
Phải chăng, những câu thơ của ông trong tập thơ nổi tiếng Hồn Việt ngầm báo trước một định mệnh khắc nghiệt: 
Éo le thay muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến
Trong cuộc phỏng vấn tại California, ông Vương Từ Mỹ đã nói về một phiên họp đặc biệt của đảng Tân Đại Việt và Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, được tổ chức tại đường Bà Triệu ở Chợ Lớn, vài ngày trước khi miền Nam mất vào tay cộng sản. Lần đầu tiên, thủ lãnh Nguyễn Ngọc Huy đã khóc trước những người đã từng sát cánh hoạt động với ông trong một giai đoạn lịch sử đầy giông bảo. Ông cương quyết ở lại cùng sống chết với anh em.  Ông nghĩ rằng thuyền trưởng phải chết theo con tàu.  Nhưng tổ chức đã phân tích lợi hại, và quyết định vị thủ lãnh phải ra đi.


Nhìn bức hình của ông, được chụp lại từ một đoạn phim tài liệu.  Đôi mắt nhân chứng, đôi mắt hồi tưởng về một quá khứ đầy những hoài bảo xây dựng đất nước.
Hồi tưởng những năm giảng dạy ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh để đào tạo các cán bộ cho nhu cầu hành chánh của Vit Nam Cng Hòa. Vào năm 1974, cùng với Giáo sư Nguyễn Văn Ngôn, Bác sĩ Mã Xái, Tiến sĩ Phan Văn Song, Tiến sĩ Đỗ Thành Chi, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trinh, và Giáo sư Trần Minh Xuân, ông đã thành lập Trường Cao Đẳng Thương Mại Minh Trí nhằm đào tạo một đội ngũ cán bộ có kiến thức và chuyên môn để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn hậu chiến tranh.  
Đôi mắt ấy chắc cũng hồi tưởng về một quê hương thân yêu trên đường xây dựng tương lai, với một chính nghĩa sáng rực, bỗng chốc bị cướp sạch, bị đào xới tận gốc rễ bởi bàn tay người cộng sản.  Làm sao thấu được nỗi đau đoạn trường bên trong con người ấy?  Hẳn đây là nỗi đau lớn nhất của ông và cũng là nỗi đau của bao người Việt tỵ nạn cộng sản nơi xứ người.

Để lại cho đời
Ông Nguyễn Ngọc Huy ra đi, để lại cho đất nước và các thế hệ đi sau một tấm gương phục vụ đất nước, những công trình nghiên cứu về chính trị và văn hóa, chủ trương xây dựng tương lai Việt Nam, và các tổ chức chính trị do ông thành lập vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Nhưng có thể tóm gọn lại hai di sản quan trọng nhất ông để lại cho hậu thế: Sự hy sinh cho đất nước và nỗ lực quảng bá nền văn minh pháp trị các bậc tiền bối để lại.
Di sản thứ nhất rất cần cho những người lãnh đạo chính trị, những nhà tranh đấu cho tương lai Việt Nam.  Ông đi xe buýt, ngủ nhà anh em.  Nơi ông, không có chỗ cho danh vọng bạc tiền, chỉ có đất nước, chỉ có Quốc Dân. Ông là người “Làm việc nước chỉ thấy nước” như câu nói của ký giả Phạm Thái. Với ông, “Tổ Quốc Trên Hết”, không mơ hồ, mà thể hiện cụ thể bằng chính đời sống hiện tiền của ông. 
Ông coi đảng phái chỉ là phương tiện.  Ông chưa bao giờ xưng danh chức vụ lãnh đạo của mình khi đi diễn thuyết.  Ông thuyết phục người khác không phải bằng tài năng hay kiến thức lỗi lạc của mình, mà bằng lý lẽ và tấm chân tình của ông. 
Có những tài năng người ta chỉ đứng xa xa mà thán phục.  Còn tài năng Nguyễn Ngọc Huy, người ta lại muốn gần gũi. Giáo sư Jerome Cohewn, Giám đốc đầu tiên của Chương Trình Luật Á Châu đã nói về ông: 
“Ông là người uyên bác, phong nhã, và dí dỏm, ai gần gũi ông đều vui thích” 
“He was a learned, gentle, humorous person who was always a joy to be near”
Đọc những tác phẩm ông để lại về khảo luận, nghiên cứu cả hai lãnh vực chính trị và văn hóa, mới thấy sự uyên bác của học giả Nguyễn Ngọc Huy.  Không thể không nói đến thi ca của ông, với những vần thơ đầy ắp tình yêu nước, sáng tác để ca tụng các anh hùng lịch sử của dân tộc Việt Nam. 
Giữa những tác phẩm đa dạng ấy, chỉ cần dẫn chứng một bộ sách hiện trưng bày tại thư viện trường Luật Đại Học Harvard, thành phố Cambridge của Hoa Kỳ: The Le Code: Law in Traditional Vietnam. Đây là một công trình nghiên cứu rất công phu gồm 3 tập, trên 1000 trang, viết bằng Anh ngữ cùng với ông Tạ Văn Tài, vừa dịch thuật, vừa chú giải bằng các dữ kiện lịch sử và luật pháp đối chiếu.
The Le Code chính là di sản về nền pháp trị cổ truyền, là nền tảng của nhân quyền và dân chủ có giá trị trường cửu. Công trình của ông đã đóng góp vào việc vinh danh nền pháp trị cổ truyền của Việt Nam, không những là di sản cho các học giả người Việt, mà còn cho thế giới Tây phương. Giáo sư Alexander Barton Woodside, một học giả nổi danh tại Đại Học Harvard cho rằng bộ sách này là:
“Một trong vài cuốn sách rất hiếm về Việt Nam có giá trị hoàn hảo.  Chắc chắn đó là thành tích học thuật quan trọng nhất xuất phát từ hàng ngũ trí thức Việt Nam lưu vong ở hải ngoại sau năm 1975.  Đó cũng là tiêu mốc đánh dấu kỷ nguyên mới trong tương quan văn hóa Việt Nam và Tây phương”
“One of those very rare works about Vietnam that may claim to be definitive.  This is undoubtedly the most important single achievement in scholarship to come thus far from the ranks of Vietnamese intellectuals exiled from Vietnam since 1975.  It also represents a significant landmark in Vietnamese-Western Cultural relations
Bổ túc cho giá trị của tác phẩm, Giáo sư Douglas Pike của Đại Học University of California-Berkeley đã phê bình:
“Đây là tác phẩm học thuật gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong thập niên vừa qua” 
“The most impressive piece of Vietnamese scholarship in the past decade”
Trong một xã hội cộng sản đầy ảo tưởng muốn nhào nặn mọi lãnh vực theo quan điểm Mác Lê, hôm nay bộ sách The Le Code đang được trưng bày tại Viện Sử Học ở Hà Nội, đã nói lên vừa là giá trị bền vững về công trình nghiên cứu của học giả lỗi lạc Nguyễn Ngọc Huy, vừa là một nghịch lý cho người cộng sản hiểu rằng họ không thể nào tiêu diệt được văn hóa dân tộc.  Chỉ có trở về nguồn dân tộc mới mong bảo vệ được non sông Việt Nam.
Nguyện vọng của ông Nguyễn Ngọc Huy là muốn được hỏa táng và đem tro cốt về quê nhà.  Dù nguyện vọng chưa thực hiện được, nhưng sự hiện diện tác phẩm The Le Code đã nói lên sự kính trọng công trình trí tuệ của ông ngay tại trung tâm quyền lực của một nước cộng sản, đồng thời như một điềm báo trước, sớm muộn cộng sản Việt Nam sẽ cáo chung và dân tộc sẽ sinh tồn như đã sinh tồn mạnh mẽ bốn ngàn năm nay.

Non nước ở lại
Nhìn chiều dài cuộc tranh đấu, sự nghiệp của nhà lãnh đạo chính trị Nguyễn Ngọc Huy đã nửa đường đứt gánh.  Nhưng nếu nhìn toàn phía cuộc đời ông, thì đây là một bức tranh hoàn hảo với một nội dung sống động, những đường nét và màu sắc ý nghĩa, làm nên một tác phẩm giá trị gần như khó tìm được tác phẩm thứ hai. 
Nỗi đau về những mất mát trong gia đình, nỗi buồn về công lao bao nhiêu năm tranh đấu tan tành sau ngày cộng sản cướp đoạt miền Nam, nỗi đau thể xác ròng rã tám năm chiến đấu với trọng bệnh, và những chướng ngại trên đường hoạt động, ông đã vượt qua, đã chiến thắng nghịch cảnh.
Ông đã sống, đã tranh đấu, đã cống hiến cho đất nước Việt Nam trong mọi thời điểm của lịch sử, từ tham gia kháng chiến đến lãnh đạo các tổ chức chính trị, từ giảng huấn đến biên khảo, từ hợp tác bước qua vận động quốc tế.  Ông đã làm nên tấm gương một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, đầy viễn kiến và thuyết phục, đem lại cho những người theo ông niềm tin về triển vọng thành công cuộc tranh đấu dân chủ hóa Việt Nam. Ông đã tạo được ảnh hưởng sâu rộng, không những trong cộng đồng người Việt, mà cả trên thế giới. 
Hình ảnh một nhà lãnh đạo chính trị sức cùng lực kiệt, lại mang trọng bệnh ung thư, lầm lũi trên đường thiên lý bất kể nắng mưa sương tuyết, để tìm phương cứu vớt đồng bào khỏi xiềng xích cộng sản, là hình ảnh của tình nhân ái vô cùng lớn lao trong thời đại ngày nay.
Ông Trần Sĩ Hải cho rằng sự ra đi của ông là tổn thất lớn nhất của Cộng Đồng Người Việt hải ngoại, vì sự nghiệp chính trị của ông quá lớn lao, con người ông quá vĩ đại, con đường ông vạch ra quá rõ ràng. 
Ông đã dành trọn cuộc đời phụng sự đất nước, từ tuổi thanh xuân đến hơi thở cuối cùng. Không có gì dang dở nơi ông.  Những kẻ ở lại, những người từng theo ông, cần tiếp tục đi nốt phần còn lại của cuộc tranh đấu ông đã vạch ra.  Như một lời tự vấn mà Giáo sư Nguyễn Toản muốn trong lòng mỗi người Việt: “Hãy làm gì để khỏi hổ thẹn với người quá cố”

Người đi, đã ra đi vĩnh viễn, để lại cho các thế hệ Việt Nam những thông điệp mạnh mẽ, tiềm tàng trong hai di sản vàng ròng: Sự hy sinh cho Đất Nước và nền Dân Chủ Pháp trị cho tương lai Việt Nam.

Virginia, tháng 7-2011

Chu Lynh