Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

SỰ CẦN THIẾT CỦA GIỚI TRẺ HẢI NGOẠI

 
Thưa quí vị, 

Nhân ngày quốc hận 30-4 này, người Việt hải ngoại cũng như quốc nội, những người còn ưu tư đến tình trạng đất nước, đến Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền của người dân và độc lập của đất nước…vẫn thường phân vân tại sao ngày 30 tháng 4 năm 1975 lại xẩy ra nhanh chóng và tàn bạo tang thương như vậy?
 
Người thì đổ lỗi cho Hoa Kỳ cố tình bỏ rơi Việt Nam, đánh đổi Việt Nam Cộng Hòa /miền Nam Việt Nam để bắt tay với Trung cộng , vì món lời kinh tế với 3 tỷ ngưởi Tầu, đồng thời là cơ hội xé lẻ khối cộng sản quốc tế Nga-Tầu ra làm hai để chúng suy yếu? Cũng có dư luận cho rằng Việt Nam Cộng Hòa  miền Nam không chịu chiến đấu nên để mất miền Nam và nhiều lý do có tính tiêu cực và thiên vị do tuyên truyền của cộng sản  và chính những ngươi bạn Hoa Kỳ nêu ra để có lý do chạy tội vì đã bỏ bạn đồng minh của mình..
 
Ở đây chúng ta không bàn cãi những lý do đó đúng hay sai, bởi lẽ nó không ích lợi mấy cho cuộc tranh đấu của chúng ta hiện nay để giải thể chế độ cộng sản Việt Nam, mang lại tự do cho hơn 80 triệu người dân trong nước và độc lập cho tổ quốc, thoát ách đô hộ của Tàu cộng đang đứng ngay trước cổng đất nước Việt Nam chúng ta.
 
Tuy nhiên Việt Nam chúng ta vẫn là một nước nhược tiểu, chưa đủ sức mạnh để có thể chủ động tranh đấu như chúng ta muốn. Chúng ta vẫn phải nhờ vào các cường quốc, nhất là Hoa Kỳ. Nhưng nói vậy, chúng ta lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn lệ thuộc. Vậy thì phải làm sao đây? Chúng ta phải tự tạo cho mình sức mạnh.
 
Đến đây có vị sẽ hỏi làm sao chúng ta có đủ sức mạnh để tự lực tự cường? Xin thưa. Chúng ta có đủ. Sức mạnh đó là  Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại, ví như một chàng thanh niên có đủ sức mạnh tinh thần và thể lực nhưng chưa vươn vai đứng dậy và hợp lực với toàn thể thanh niên nam nữ người Việt chúng ta ở hải ngoại. Tôi có ý nói đến thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt tỵ nạn cộng sản.
 
Thế hệ người Việt tỵ nạn cộng sản  đầu tiên sau 30-4-75 thì nay đã già nua, cằn cỗi và suy thoát theo với thời gian và đất nước, chỉ mong nhờ vào những thế hệ kế tiếp, sinh ra và lớn lên ở hải ngoại mới có thể cứu lấy đất nước Việt Nam đã mất vào tay cộng sản , nếu họ biết hợp quần và hiểu rõ lỳ do tại sao cha mẹ họ liều chết vượt biên vượt biển ra đi, hoặc HO, hoặc xum họp hầu thoát ách cộng sản  độc tài để nay chính họ mới có được kiến thức khoa học và văn minh như bây giờ, tại sao cha mẹ họ lại chống cộng một cách quyết liệt như vậy...
 
 Hiểu rõ và đúng lý do cha mẹ họ và chính họ phải rời khỏi Việt Nam như thế thì mới mong khôi phục lại đất nước sau bao nhiêu năm bị chết đứng dưới ách cộng sản  độc tài, mới làm cho một Việt Nam đã chết được PHỤC SINH.
 
 
VIỆT NAM PHỤC SINH
 
Phục sinh là sống lại. Chết rồi mà sống lại là chưa chết thực sự. Nếu chết thật mà sống lại là phép lạ, như Chúa Giesu chết rồi ba ngày sau sống lại (Mt. 28:5-9). Người Kito hữu hay Công Giáo tin là Chúa Giesu đã sống lại thực sự. Nếu Chúa không sống lại thì cuộc khổ nạn và cái chết của Người mất hết ý nghĩa. Cái chết của nước Việt Nam , dân tộc Việt Nam , nếu không hồi phục lại được thì những hy sinh đấu tranh của chúng ta cũng trở thành vô nghĩa và mất giá trị.
 
 
NHỮNG CÁI  CHẾT CỦA VIỆT NAM
 
Tại sao tôi nói Việt Nam đã chết? Nước Việt Nam chúng ta, xuyên suốt chiều dài lịch sử từ ngày lập quốc cho đến hiện tại đã bị chết nhiều lần.. Từ “chết” này phải hiểu là đất nước mình không có tự chủ, không còn độc lập, người dân mất tự do và những quyền căn bản của con người vì lý do này hay lý do khác. Người ta nói về 1000 năm Việt Nam bị giặc Tầu dày xéo, 100 năm bị giặc Pháp đô hộ.
 
Từ ngày 30-4-1975 Việt Nam dưới sự thống trị của đảng cộng sản Việt Nam cũng coi như chết, Việt Nam không có độc lập vì nhà cầm quyền là đảng cộng sản  Việt Nam vẫn bị chi phối và lãnh đạo bởi Tàu Cộng; người dân không có tự do, bị tước đoạt hết tất cả những quyền căn bản của con người. Chuyện này là hiển nhiên không cần tranh cãi. Biển đảo, biên giới, đất đai bị Tầu chiếm đoạt một cách ngang nhiên hay dưới chiêu bài bán nhượng rẻ mạt hoạc công khai nhận chủ quyền cùa Tàu cộng trên đất liền và biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa do thủ tướng cộng sản Phạm văn Đồng ký bằng một công hàm chính thức ngày 14-9-1958.
 
Người Tầu được mọi đặc quyền đặc lợi ngay trên đất nước Việt Nam mình, vào ra khỏi nước mình như đi chợ, không cần visa/passport. Những khu tự trị nằm ngay trên đất nước mà không một người Việt Nam nào kể cả công nhân viên nhà nước được phép bén mảng đến gần. Nhà nước nể sợ người Tầu, cay nghiệt với dân. Một cô gái Việt đã tát anh cảnh sát lưu thông vì bị bắt ức đòi hối lộ, khi ra tòa bị 9 tháng tù. Trong khi 2 tên Tàu tấn công cảnh sát lưu thông với lời đe dọa “Tao thách tụi bay dám đụng đến người Trung quốc” thì được tòa tha bổng (Internet TiengGoiNonSong Nov 14, 2017)). Hèn với giặc ác với dân là thế.
 
Việt Nam có một lịch sử Nam tiến. Từ ngày lập quốc vua Đế Minh thuộc họ Hồng Bàng rồi Kinh Dương Vương đến Lạc Long Quân. Tục truyền nàng Âu Cơ sinh được 100 con trai, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống biển và thành lập nước Bách Việt, rồi Văn Lang / Hùng Vương; cứ thế lịch sử trôi nổi bồng bềnh vua nọ đánh vua kia, Chúa nọ cướp quyền Chúa kia, chia đất dành dân đưa đến tình trạng Trịnh Nguyễn phân tranh.
 
Chúa Nguyễn xuống phương Nam lập quốc đã chiếm Chiêm Thành, Chân Lạp, đô hộ cả Ai Lao, Cao Mên và Thái Lan tạo thành một giải đất nước hình chữ S. Cuối cùng lại Bắc Nam hai ngả Cộng Sản-Tự Do do Anh, Pháp, Nga, Tàu và Hồ chí Minh ký kết với nhau năm 1954; hơn triêu người miền Bắc bỏ nhà cửa ruộng vườn trốn độc tài cộng sản  di cư vào Nam.
 
Vì biến cố 30-4-75, Việt Nam lại một lần nữa bị bức tử, tạo thành cuộc Nam tiến. Hết đất đi, hàng triệu người vì không thể sống được dưới ách độc tài cộng sản đã liều chết lao đầu vào đại dương tràn ra khắp thế giới. Một nước Việt Nam mới thành hình. Một nước Việt Nam hải ngoại. Cho đến nay đã có ước chừng 5 triệu người.
 
Tình trạng đất nước ngày nay tuy bề ngoài người dân vẫn sinh hoạt bình thường, tạo vẻ phồn vinh giả tạo tại các thành phố lớn như Saigon, Hanoi, Cần Thơ… nhưng người dân quê và dân sống ở ngoại ô các hành phố lớn vẫn nghèo khổ cơ cực, sống trong những túp lều tranh sơ sài ọp ẹp chỉ một cơn gió mạnh hay cơn mưa lớn là có thể cuốn đi dễ dàng biến họ thành vô gia cư..
 
Chưa hết, người dân còn lo sợ về nạn Hán hóa sắp xẩy ra cùng với biết bao nhiêu lo âu không biết lúc nào công an đến nhà gõ cửa hay còng tay ngoài đường phố vì dám chống đối nhà nước và bọn xâm lăng Tàu cộng. Họ ngóng chờ thế giới tự do giúp họ có lại nhân quyền, nhưng gần nửa thế kỷ rồi, tình trạng vẫn không khá. ổng thống  Donald Trump trong chuyến công du Á Châu và Việt Nam, đã được dân Việt trong và ngoài nước đặt nhiều kỳ vọng.
 
Có người khen kẻ chê trách rằng ông Trump chẳng giúp gì Việt Nam về nhân quyền, nhưng ông ta đã bóng bảy khuyến khích nhà nước và dân chúng bằng cách ca ngợi tinh thần dân tộc chống ngoại xâm của hai bà Trưng bà Triệu, ở hai ngàn năm trước đã dám đứng lên cùng toàn dân phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Tầu dành độc lập.
 
Nói cho cùng, chuyện của mình thì mình phải lo. Lịch sử cho thấy chẳng nước nào thương nước mình bằng chính người mình. Khẩu hiệu tranh cử của ông Trump là “Make America great again” và America first” / Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại và Nước Mỹ trên hết. Chúng ta cũng không nên trách ông Trump. Ông ấy lo chuyện của ông ấy là dĩ nhiên. Mình phải lo chuyện của mình; đảng cộng sản cầm quyền hiện nay phải lo (cho tương lai của Việt Nam) chứ. Tiếc thay chính họ lại là kẻ nội thù rước giặc về giày mả tổ, bức tử dân Việt một lần nữa qua hội nghị Thành Đô năm 1990 với những thực tế đang diễn ra hàng ngày trên đất nước, mà nếu chính thức xẩy ra thực sự vào năm 2020 thì Việt Nam lại một lần nữa bị bức tử, không biết bao lâu nữa đất nước mình mới phục sinh sống lại được?
 
Nhưng chúng ta còn hy vọng một nước Viêt Nam hải ngoại.
MỘT VIỆT NAM HẢI NGOẠI / SIÊU QUỐC GIA VIỆT NAM
Như đã nói lịch sử Việt Nam có một hướng đi rõ rệt là Nam Tiến. Phía Bắc là cường địch, phía Nam là con đường thoát hiểm. Bến bờ hy vọng mở ra ở phương Nam . Sự sống còn của Việt Nam tùy thuộc vào phương Nam . Còn đường Nam tiến, Việt Nam còn tồn tại. Hết đường Nam tiến, Việt Nam lâm thế nguy.
 
Ngày 30-4-1975 chúng ta bị dồn xuống tận cùng Phương Nam. Hết đất đi, chúng ta đã lao vào đại dương. Từ đó Việt Nam thoát xác. Nam tiến trở thành siêu tiến: chúng ta vượt biển để tiến ra thế giới. Trong khoảng 10 năm đầu, hơn hai triệu người đã vượt đại dương tràn ra thế giới. Đến nay số người Việt trên thế giới đã tới khoảng chừng 5 triệu người. Chúng ta đã mất đất nhưng chúng ta có dân. Một nước Việt Nam khác đang thành hình trong lòng thế giới: một Việt Nam diaspora, một siêu quốc gia Việt Nam đang khai sinh [1].
 
Di dân mở nước vốn là truyền thống của con cháu Lạc Hồng.. Vận mệnh Việt Nam đã ra khỏi Việt Nam. Tương lai của Việt Nam không mở ra ở Việt Nam, nhưng sẽ mở ra trên toàn thế giới. Sự sống còn của quê hương Việt Nam tùy thuộc hoàn toàn vào sự lớn mạnh của phần siêu quốc gia Việt Nam này.
Mượn đất người sống đời mình,
Mượn sức người làm việc mình,
Mượn thế người thăng tiến mình.
 
 
Đó là con đường siêu tiến của Việt Nam hải ngoại. Siêu tiến để thực hiện vận mệnh Việt Nam bằng những phương tiện của thế giới. Siêu tiến để chuyển hóa tài lực của thế giới thành tài lực của Việt Nam. Siêu tiến để khai thông những hưng thịnh của thế giới chảy đổ về quê hương mình.
 
Những người Việt Nam trên thế giới liên kết với nhau hoàn thành cuộc siêu tiến này: Chúng ta tiến nhanh, quê hương sẽ thăng tiến nhanh; chậm, quê hương sẽ thăng tiến chậm. Nhưng trên hết và trước hết, chúng ta liên kết với nhau để bảo vệ và thăng tiến chính cuộc đời chúng ta ngay lúc này trong cộng đồng thế giới.
 
Thưa quí vị,
Dân ta có một tiềm năng sống rất mạnh, chịu khó, cần cù, biết thích hợp với hoàn cảnh rất nhanh. Vì vậy chưa đầy 10 năm, nay thì đã hơn 40 năm, phong tục tập quán khác biệt, cộng đồng Việt Nam đã qua mặt một số công đồng dân tộc khác. Chúng ta biết hợp quần biết xây dựng cộng đồng vì tinh thần dân tộc, nhu cầu sống. Khi đã an cư lạc nghiệp rồi thì biết nghĩ đến chuyện giải phóng quê hương xây dựng đất nước.
 
Chúng ta khởi sự những tổ chức hợp quần, hội đoàn rất giỏi, nhưng kết thúc thì lại quá dở. Khi mỗi người đều lo sợ cho cuộc sống bấp bênh của mình thì đoàn kết để thoát hiểm, nhưng khi thoát được hiểm nguy, tập thể bắt đầu có chút ít lợi lộc, thì ai cũng nhìn vào và kiếm cách thủ đắc cho mình. Thế rồi không ai chịu ai, đố kỵ phân hóa, đánh phá lẫn nhau bắt đầu.
 
 
Thêm vào đó -lợi dụng cơ hội- cộng sản đã gài cán bộ, người của chúng vào cộng đồng hải ngoại để gây thêm chia rẽ hoang mang đã làm tê liệt dần dần cơ thể cộng đồng khiến một số người đã thờ ơ với thời sự và đất nước. Ngược lại có người bị chúng lôi kéo mê hoặc, trước kia rất hăng say chống cộng nay bỗng chốc trở thành bạn của chúng, chấp nhận làm kẻ nội thù.
 
 
Một điểm sai lầm nữa, rất sai lầm là chúng ta khi trốn chạy khỏi đất nước thì tâm niệm chỉ trở về Việt Nam khi không còn cộng sản. Nhưng nay nghe lời phỉnh nịnh của cộng sản và cuộc sống no đủ, có đôi chút dư giả, thì thi nhau “áo gấm về làng” đem dollars về nước ăn sài một cách máy móc vô ý thức đã làm giầu cho đám cầm quyền, giúp chúng vững tâm đàn áp ăn cướp của dân. Hàng năm người Việt hải ngoại đã đổ về Việt Nam hàng tỷ dollars. Chính số tiền này đã làm cho bọn cộng sản sống lâu, giàu sang, có phương tiện để đánh phá lung lạc cộng đồng chúng ta. Hãy suy nghĩ đúng và hành động đúng.
 
Tuy nhiên, một điểm son của cộng đồng Việt Nam hải ngoại là trong một thời gian kỷ lục chưa đầy 20 năm ta đã có không biết bao nhiêu sinh viên đủ mọi ngành chuyên môn tốt nghiệp những trường đại học nổi tiếng trên khắp thế giới mà từ xưa đến nay chưa một quốc gia chậm tiến nào có được kể cả Nhật Bản. Tài lực có, trí lực có, nếu thêm được Tấm Lòng, chắc chắn cộng đồng ta sẽ mạnh, quê hương đất nước sẽ được nhờ rất nhiều. Quê hương dân tộc ta nhất định không thể mãi mãi nghèo khổ bất hạnh như hiện nay. Đất nước và hơn 80 triệu đồng bào quốc nội đang trông chờ vào lòng nhiệt thành, yêu tổ quốc của những người Việt hải ngoại
 
 
VIỆT NAM PHỤC SINH
 
Dù cho Việt Nam quốc nội có chết đi nữa thì Việt Nam hải ngoại cũng không thể chết. Vì chính cái chết của Việt Nam quốc nội tự nó đã làm nảy sinh ra một Việt Nam hải ngoại. Việt Nam này không có đất nhưng có dân lại có một tiềm lực trí thức rất dồi dào, những đặc tính trời cho, chúng ta phải giữ lấy và vun trồng để phát triển thành năm thành mười, không cho người ngoài can dự vào việc của chúng ta, bởi lẽ đã có quá nhiều kinh nghiệm đau thương trong lịch sử. Việt Nam phải phục sinh.
 
Câu đời thường nói “chẳng ai thương mình bằng chính mình thương mình” quả là chí lý. Nếu người ta tỏ ra thương mình -không kể những hành động hoàn toàn đạo đức- thì cũng chỉ bề ngoài, thực chất là thủ lợi, nhiều ít, bằng cách nào là tùy.
 
Nhân cuộc chiến Nam Bắc Việt Nam từ sau ngày chia đôi đất nước năm 1954 lấy sông Bến Hải phân chia 2 miền và câu chuyện cuốn phim THE VIETNAM WAR do Ken Burns và Lynn Novick đạo diễn, người Việt quốc gia, nhất là dân chúng miền Nam Việt Nam đã từng sống trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa  miền Nam, sống và tham dự chiến tranh Việt Nam do Bắc Việt xâm lăng thì biết chiến tranh Việt Nam có chính nghĩa thế nào và dưới mắt người Mỹ và chủ trương của chính phủ Mỹ nó thế nào. Việt Nam đã chết từ ngày 30 tháng 4 năm 1975.
 
Chúng tôi lấy cuốn phim “Chiến tranh Việt Nam” vừa được trình chiếu mới đây để có kinh nghiệm, rút ra bài học hầu mong có được một Việt Nam phục sinh. Chúng tôi không đặt nặng việc phê bình cuốn phim vì người coi cũng đã có khá nhiều nhận định rồi, từ nhà văn, nhà chính trị, kể cả trí thức Mỹ lẫn Việt.
 
 Tựu chung, cuốn phim theo đa số người phê bình thì có quá nhiều thiên kiến, thiếu trung thực, chỉ nói ra được một nửa sự thật như ông Nguyễn ngọc Sằng đại diện người lính Việt Nam Cộng Hòa  được mời tham dự bàn luận về cuốn phim được trình chiếu ở tòa tổng lãnh sự Mỹ tại Saigon. Đã là nửa sự thật thì không còn là sự thật nữa, hay một nửa sự thật kia đã bị che dấu để làm cho người xem hiểu sai ý nghĩa của chiến tranh và sự đấu tranh của dân chúng miền Nam Việt Nam chống lại sự xăm lăng của miền Bắc.
 
Cuốn phim chỉ đáng -theo lời của ông Sằng- là “vất vào thùng rác”. Tiến sĩ Nguyễn tiến Hưng cựu bộ trưởng kế hoạch thời Tổng thống  Nguyễn văn Thiệu và là tác giả cuốn sách “Khi đồng minh tháo chạy” đã kết luận “cuốn phim có nhiều khiếm khuyết”, và ngay cả những người làm phim là Ken Burns và Lynn Novick đã ngang nhiên đưa ra nhận xét hoàn toàn có tính thiên vị cố ý để bảo vệ mục đích của mình khi làm cuốn phim và khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam cũng như rút quân khỏi Việt Nam như: “Người Mỹ can thiệp vào Việt Nam vì không hiểu Hồ chí Minh và Mỹ rút khỏi Việt Nam không phải vì thua mà vì Việt Cộng có lý do chính đáng giải phóng miền Nam, và đáng cho chế độ này vị trí đối tác đúng mức..”
 
Thật khôi hài chẳng hiểu gì về tình trạng đất nước và con người Việt Nam ....... Việt Cộng xứng đáng để giải phóng miền Nam sao lại có hiện tượng cả hàng triệu người liều chết trốn khỏi Việt Nam khi Cộng Sản tiến vào Saigon. Và mãi về sau này lẫn cả hiện tại, người dân vẫn rất thèm muốn ra đi thoát khỏi chế độ Cộng Sản, cả dân chúng đã từng sống dưới chế độ Việt Cộng từ năm 1954 ở miền Bắc. Nói về chiến tranh Việt Nam sao lại lơ đi những cố gắng và lý do chính đáng của miền Nam Việt Nam khi chiến đấu chống lại kẻ xâm lăng là cộng sản  miền Bắc?
 
Ông G.Daddis, giáo sư sử học đại học Chapman là cố vấn lịch sử cho cuốn phim cũng nêu lên những thiếu sót và thiên vị của cuốn phim. Ông cho biết cuốn phim chỉ dùng để “kích thích gợi ý cho những bàn luận” mà thôi. Nó không thể coi là “khuôn mẫu / kinh thánh” của Việt Nam và kêu gọi nên đồng cảm. Không thể đồng cảm được khi sự thật không có lại thiếu sót và thiên vị. Nhân đức dở hơi! Cứ nhìn vào sinh hoạt chính trị xã hội Mỹ ngày nay với những tin tức giả tạo, biến trắng thành đen của truyền thông báo chí giòng chính hay phe tả thì biết thái độ và hành động của họ đối với chiến tranh Việt Nam như thế nào.
 
Donald Trump, một tổng thống hợp pháp và hợp hiến còn bị dánh tơi bời bằng những tin tức giả tạo hoặc bia đặt không cần luân lý đạo đức thì cuộc chiến Việt Nam có là gì đối với họ. Họ bia đặt câu chuyện, bóp méo sự thật miễn sao đạt được mục đích của họ. Họ cố tình thiên vị và ngụy tạo tin tức để làm mờ mắt người Mỹ và những ai không hiểu biết tình trạng chiến tranh Việt Nam.
 
Những hậu duệ của người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại, vì ảnh hưởng của giáo dục nhà trường từ trung học đến đại học, vì ảnh hưởng của truyền thống báo chí thiên tả và phản chiến đã hiểu sai lạc ý nghĩa của chiến tranh Việt Nam mà các bậc đàn anh, cha mẹ chúng vì đã về chiều lại quá mệt mỏi với thế sự không muốn nhắc đến chiến tranh Việt Nam nữa; mà dù có cắt nghĩa cho chúng hiểu cái thực chất của chiến tranh, lý do họ đã chạy trốn ách cộng sản để có được như ngày nay thì chúng nghe hay không cũng còn tùy thuộc nhiều lý do và hoàn cảnh.
 
Dù sao việc cắt nghĩa đó vẫn là trách nhiệm của những bậc cha chú. Và nghe theo lẽ phải và sự thật, hiểu đúng sự thật của chiến tranh Việt Nam cũng là bổn phận của giới trẻ ở hải ngoại.
ĐÔI LỜI KẾT:
 
TRÁCH  NHIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI VƯỢT BIÊN TỴ NẠN CỘNG SẢN VÀ BỔN PHẬN CỦA HẬU DUỆ SINH RA VÀ LỚN LÊN Ở HẢI NGOẠI.
 
Đây là điểm chốt mà người chúng tôi ưu tư, bởi lẽ những thế hệ thứ hai, thứ ba và sau nữa có hiểu được lý do tại sao thế hệ cha anh liều chết vượt biên trốn ách độc tài cộng sản, tại sao chúng ta chống cộng mới được sáng tỏ và có ý nghĩa. Hiểu được như vậy mới hy vọng làm cho nước Việt Nam đã chết được sống lại.
Coi và suy nghĩ về cuốn phim Chiến tranh Việt Nam/The VietNam War mới thấm thía câu nói:
 
“The United States uses 10 years to design the death of South Vietnam. Ken Burns and Lynn Novick use 10 years with 30 million dollars to design the death of her legitimacy. The South Vietnam ’s fate is born to die. But her death created the Vietnam diaspora which will become the resurrection of VietNam.”  Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ và nuôi dưỡng Việt Nam Cộng Hòa  của Tổng thống Ngô đình Diệm 10 năm rồi giết nó đi, khiến một Nam Việt Nam xáo trộn để đưa quân đội Hoa Kỳ vào tham chiến tại Việt Nam cũng 10 năm để rồi lại cho nó chết vào ngày 30-4-1975 cũng 10 năm sau. 

Câu nói này đúng hay không, đúng nhiều hay ít cũng rất cần và đáng cho chúng ta suy nghĩ và xót xa cho một Việt Nam đang bị dày xéo và hủy giệt bởi Tàu cộng với sự đồng lõa của bọn Việt gian cam phận làm thái thú cho Tàu cộng là đảng cộng sản Việt Nam.
 
Chúng ta, những người tỵ nạn cộng sản và con cháu chúng ta có bổn phận củng cố một Việt Nam hải ngoại sống động, có sinh khí anh hùng và đồng một lòng muôn người như một Trưng Trắc Trưng Nhị, Ngô Quyền, Trần quốc Tuấn, Hưng Đạo Vương, Lê Lợi, Quang Trung đã từng khởi nghĩa chống ngoại xâm để có một Việt Nam hoàn toàn độc lập và tư do.
 
Để được như vậy, giáo dục con cháu chúng ta là cần thiết để những thế hệ sinh ra và lớn lên ở hải ngoạichúng hiểu rõ lý do chúng ta lìa bỏ quê hương tỵ nạn cộng sản, hiểu đúng và chính xác ý nghĩa của chiến tranh Việt Nam. Tại sao Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh Việt Nam rồi lại rút khỏi Việt Nam để khai tử Việt Nam Cộng Hòa .. Nuôi dưỡng Việt Nam Cộng Hòa rồi giết chết Việt Nam Cộng Hòa  ?.
 
Có như vậy thì một Việt Nam diaspora mới thực sự phục sinh và có ý nghĩa. Có như vậy chúng ta mới giải độc được thế giới, người dân Mỹ, truyền thông Mỹ, các giáo sư đại học Mỹ, những tên phản chiến, cho đến giờ vẫn nhồi sọ con cháu chúng ta là cha ông các cô các cậu đã không chịu chiến đấu, để mất Miền Nam Việt Nam chứ không phải Hoa Kỳ”..
Để rồi con cháu chúng ta, vì không hiểu rõ hoặc bị cộng sản  tuyên truyền, bị những tên việt gian nối giáo cho giặc làm mờ mắt, có đứa trong một đám trẻ nào đó đã ngang nhiên dám mở miệng nói vì các bậc cha ông làm mất nước nên chúng mới phải ly hương”.
 
Chúng đâu có hiểu Miền Nam Việt Nam chúng ta, thế hệ cha ông vì ở thế nhược tiểu đã bị thế lực quốc tế bức tử nên vì tương lai con cháu, vì chúng, mới liều chết ra đi để chúng mới có sự nghiệp như ngày hôm nay.
 
Nếu không phản lại được những tư tưởng chạy tội của thế lực quốc tế, của những kẻ nội thù, đảng cộng sản Việt Nam cam phận làm thái thú cho Tàu cộng thì chúng ta đã không làm tròn bổn phận của người tỵ nạn cộng sản , và phần nào đã tự mình đổ tội lên đầu mình.
 
Một khi có một Việt Nam hải ngoại vững mạnh và tự chủ hiệp lực với sức đối kháng ở quốc nội đồng khởi đập tan cái đảng thái thú cộng sản Việt Nam thì toàn dân Việt sẽ phục sinh cùng thế giới độc lâp dân chủ văn minh và tiến bộ, vui hưởng hòa bình. Ngày đó hẳn không xa.
 
Tin vào hồn thiêng sông núi, sức mạnh của dân tộc, lòng quả cảm, sư cương quyết của giống nòi. Việt Nam phải phục sinh. Phải sống lại.
Hãy suy nghĩ đúng và hành động đúng.
Xin Trời Phật phù hộ cho nước Việt Nam chúng ta.
Chân thành cảm tạ tất cả quí vị.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh
Tampa Bay , Florida
29-4-2018

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

Siêu Quốc Gia Việt Nam


Trước khi vào đề

Tôi khởi sự viết về sự hình thành của thành phần thứ hai của dân tộc Việt ở Hải Ngoại từ tháng Hai năm 1982 sau khi đọc một bài báo tường trình về hội chợ triển lãm Pontiac, Michigan, do Hội Tương Trợ Việt Nam tổ chức một năm trước đó.. Theo tác giả bài báo này, một trong những diễn giả của hội chợ, sau phần ca ngợi nhiệt tâm và những thành quả mà giới trẻ Việt Nam Hải Ngoại đã đạt được, đã đưa ra nhận xétnhư sau:
Tất cả đều là Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam ở Hải Ngoại.  Tự hãnh diện với chính mình, mặc dù đứng trước họ, tôi chỉ là kẻ đã tiêu gần hết cuộc đời mình.  Họ là cái bóng  của chính tôi gần 30 năm trước.  Thế hệ của tôi gây nhiều đổ vỡ hơn xây dựng.  Thế hệ của tôi đã đưa đẩy họ đến phần đất xa lạ này.  Tôi kỳ vọng họ sẽ làm được những gì tốt đẹp hơn là chúng tôi đã làm trong 30 năm qua.”

Tôi đặc biệt chú ý tới ba câu cuối của lời phát biểu này vì chúng gợi cho tôi ý niệm về sự hình thành của thành phần thứ hai của dân tộc Việt Nam ở ngoài nước Việt Nam, bên cạnh thành phần còn lại ở trong nước.  Sự hình thành này tôi cho là cơ bản, vô cùng quan trọng cho lịch sử lâu dài của dân tộc ta.  Tuy nhiên, vì được biết vị diễn giả kể trên từ trước và vì phần nào đồng tuổi với ông, tôi chỉ đồng ý với ông về những gì ông nói trong hai câu sau mà không đồng ý với ông về những gì những ông nóitrong câu trước.  Thế hệ của tôi quả thực có trách nhiệm “đã đưa đẩy giới trẻ Việt Nam đến phần đất xa lạ này và chúng tôi luôn kỳ vọng họ sẽ làm tốt đẹp hơn là chúng tôi đã làm trong 30 năm qua” nhưng tôi không nghĩ là “thế hệ của chúng tôi đã gây nhiều đổ vỡ hơn xây dựng”..  Chúng tôi đã không hề “gây đổ vỡ trong 30 năm qua” mà trái lại chúng tôi là nạn nhân của những gì đã xảy ra từ trước do những thế hệ trước mang lại. Bài viết do đó đã được chuyển sang viết về thế hệ  của chúng tôi và được phổ biến rộng rãi trên các báo chí đương thời, không riêng ở Hoa Kỳ mà ở nhiều nước khác, trong đó có tờ Việt Nam Tự Do của nhà báo Duy Sinh Nguyễn Đức Phúc Khôi(số 80, ra ngày 8 tháng 3 năm 1983)  ở Quận Cam, California và tờ Độc Lập ở Tây Đức.

Đến năm 1989, khi Tạp Chí Thế Kỷ 21 ở Quận Cam, California ra mắt độc giả Hải Ngoại và khi mọi người cả trong lẫn ngoài nước nói nhiều về năm 1010, năm Vua Lý Thái Tổ từ Hoa Lư dời đô ra Thăng Long, tôi lại viết thêm một bài khác hướng về tương lai và tuổi trẻ, đúng hơn về tương lai của người Việt Tị Nạn ở Hải Ngoại.  Bài viết có nhan đề Dân Tộc Việt Nam Trước Viễn Ảnh Của Năm 2010, đăng trong Thế Kỷ21- Bộ 1 – Số 1- Ngày 1 Tháng 5 năm 1989, các trang từ 8 đến 11.  Trong bài này, lần đầu tiên tôi chính thức đưa ra nhận định về sự hình thành của thành phần thứ hai của Dân Tộc Việt Nam, độc lập với thành phần thứ nhất còn lại ở trong nước với một niềm tin tưởng lạc quan về tương lai lâu dài của cả dân tộc thay vì cứ triền miên ở mãi vị thế nhược tiểu như trong các thiên niên kỷ trước.  Tôi dựa vào các sự kiện trong quá khứ để chứng minh rằng, tới một tầm vóc nào đó, lịch sử Việt Nam không thể chỉ đếm bằng năm, bằng chục hay ngay cả trăm năm mà bằng ngàn năm với những điểm mốc là các năm 111 trước Tây Lịch và 1010 sau Tây Lịch với những Thế Kỷ Thứ Nhất và Thế Kỷ Thứ Mười sau Tây Lịch là những thời gian chuyển tiếp nhìn một cách tổng quát, không  nhất thiết phải giới hạn trong các năm 1, 99 hay 900 và 999 mà có thể đẩy tới hay đẩy lui ít chục năm để có thể hiểu trọn vẹn các biến cố trong sự diễn tiến lâu dài và ảnh hưởng lớn lao hơn của các biến cố này.  Ở đây là biến cố 1975 và làn sóng bỏ nước ra đi tìm tự do của hàng triệu dân tị nạn ra khắp thế giới và hậu quả là sang Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, thay vì nói như các trẻ em người Anh trong Thiên Niên Kỷ trước là “mặt trời không bao giờ lặn trên Đế Quốc Anh”, người ta sẽ nói “mặt trời không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt Nam cư ngụ”.. Tôi gợi ý dùng danh xưng Siêu Quốc Gia Việt Nam để gọi thành phần này. Bài này sau đó đã được sửa lại và in chung với nhiều tác giả trong tác phẩm Việt Nam:  Đệ Ngũ Thiên Niên Kỷdo Nhà Báo Vương Kỳ Sơn chủ biên và Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, ở Louisiana ấn hành năm 1994.

Năm 2017, khi cho xuất bản cuốn Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới: Bảo Đại Trần Trọng Kim và Đế Quốc, Việt Nam, tôi lại cho in thêm một bài liên hệ tới tuổi trẻ Việt Nam Hải Ngoại trong một chương riêng, Chương 17, với nhan đề: “Chuyện Ngoài Lề Sử Học: Sự Hình Thành Của Siêu Quốc Gia Việt Nam Thiên Niên Kỷ Thứ Ba” nhân chuyện Cộng Đồng Người Việt ở Quận Cam dựng tượng Đức Trần Hưng Đạo trên Đại Lộ Bolsa, một việc làm liên hệ tới tín ngưỡng chung của người Việt, và tôi so sánh cuộc di cư của người Việt cuối Thế Kỷ 20 với các cuộc di cư của người Hy Lạp và của người Tầu trước kia.  Những người này khi ra đi đã mang theo thần linh của họ.  Người Việt ngày nay cũng vậy.  Tính cách độc lập với nước mẹ như vậy đã tiến xa hơn một bậc. Gọi là siêu vì nó có dân nhưng không có lãnh thổ, không có chánh quyền.  Tôi dùng hai chữ bắt đầu ở đây là vì vậy, bắt đầu là vì nó tùy thuộc vào ý muốn, ý chí và khả năng của  mọi người dân.  Ở đây là người Việt Hải Ngoại. Tôi sẽ xin nói rõ hơn trong phần cuối của bài này.

Kinh nghiệm của một thế hệ

Trở lại với thế hệ chúng tôi.  Vì được quen vị diễn giả kể trên từ khi còn ở quê nhà, tôi được biết là ông và tôi cùng sinh vào giữa thập niên 1930 nhưng theo tinh thần của câu nói của ông, tôi hiểu ông không giới hạn trong mấy năm giữa thập niên 1930 này khi ông nói tới thế hệ của ông mà muốn mở rộng hơn, bao gồm không riêng tất cảnhững người sinh trong thập niên 1930  mà phần nào luôn cả những người sinh vào cuối thập niên 1920 và đầu thập niên 1940. Hiểu như vậy những người thuộc thế hệ anh em chúng tôi đã có dịp sống chung với nhau và chia sẻ nhiều những nỗi vui buồn,cay đắng, chua sót với nhau như anh chị em trong một gia đình đông con, sống chung dưới một mái nhà mà tôi và vị diễn giả kể trên là những người sinh ở giữa. Mặt khác, ở trường học, chúng tôi có thể còn là thày trò của nhau.

Một thời tương đối thanh bình, hạnh phúc

Vì sinh trong thời gian kể trên, chúng tôi đã có may mắn được sống một phần tương đối thanh bình và còn giữ được phần lớn những tập tục cổ truyền của dân tộc với những con người còn sót lại của xã hội thời xưa, đặc biệt là những Nhà Nho đã từng lận đận nơi trường ốc, hay xuất thân là những ông nghè, ông cử, ông kép, ông tú, ông mền, thày đồ, thày khóa... trong những kỳ thi cuối cùng của Nho học ở nước nhà.  Chúng tôi cũng được tiếp xúc, được sống với những người nông dân hiền lành, chất phác, hầu như cả đời chẳng ra khỏi nơi mình ở, được thấy các quan tri phủ, tri huyện, bố chánh, án sát, tuần phủ hay tổng đốc, hay gần gũi hơn, các học quan, như các quan đốc học, kiểm học, giáo thụ, huấn đạo, ngực đeo bài ngà khi các ngài đến thăm trường hay đến thăm vùng mình ở.  Chúng tôi cũng còn được thấy các ngài mặc áo đại trào trong các buổi tế lễ cổ truyền.  Chúng tôi cũng biết chào các bậc tôn trưởng của mình bằng các tiếng“lạy”và “ạ”, biết “lên gối”, “xuống gối” trước bàn thờ tổ tiên nhà mình hay ở các từ đường của dòng họ..  Khi nói chuyện với bạn bè chúng tôi phải gọi nhau bằng “anh, chị” hay cùng lắm bằng “cậu, tôi” hay “đằng ấy” và “tớ” chứ  không được “mày, tao” đúng như cách xưng hô giữa các nhân vật trong “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”của các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đỗ Thận mà chúng tôi là sản phẩm, và tuyệt đối không bao giờ được chửi thề, nói tục.  Chửi thề hay nói tục chắc chắn là bị la rầy và bị phạt, hay nặng hơn, bị ăn đòn hay phạt quỳ. Mặc dù còn nhỏ, chúng tôi còn được thấy, được đọc hay đọc lén, hay ít ra được nghe nói tới những tác phẩm của các nhà văn lớn thời tiền chiến khi những tác phẩm này mới được phát hành, không chỉ riêng các vị trong Tự Lực Văn Đoàn mà còn Tô Hoài, Trần Tiêu, Ngọc Giao, Lan Khai...  Chúng tôi cũng được đọc các báo chí ấn hành hồi đầu thập niên 1940 khi chúng được các bậc cha mẹ, ông bà mua dài hạn và được gửi đến nhà.  Chúng tôi cũng được nghe danh các vị trí thức, khoa bảng lớn đương thời trong đó có anh em hai ông Phan Anh, Phan Mỹ và các ông, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thái Mai, với chữ Thái còn được viết với dấu “sắc” thay vì không có dấu như sau này, luôn cả tên ông Võ Nguyên Giáp... Chúng tôi cũng được nghe những ca khúc của thời tiền chiến và tập hát những bài ca lịch sử như Bóng Cờ Lau, Trên Sông Bạch Đằng,  Bạch Đằng Giang, ... trong lớp học, hay theo người lớn hát  những bài ca trữ tình như Con Thuyền Không Bến, Đêm Thu, Chinh Phụ Ca.... Trong số những bài hát này có bài Tiếng Gọi Thanh Niên sau trở thành quốc ca của người Việt Quốc Gia, hồi ấy còn mang tên là “Tiếng Gọi Sinh Viên” hay “Sinh Viên Hành Khúc”do các sinh viên Đại Học Hà Nội tản cư về tạm cư ở gần nhà dạy. Bài hát này được phổ biến vô cùng rộng rãi dưới thời Chính Phủ Trần Trọng Kim, được người đương thời bán chính thức coi như quốc ca của nước Việt Nam lần đầu tiên được độc lập và được cử hành trong các cuộc biểu tình hay tụ tập đông người.  Chúng tôi cũng còn được xem các phim thời sự trong đó có hình ảnh Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu đến thăm Đế Thiên Đế Thích được chiếu ở sân trường hay các sân vận động, bên cạnh những hình ảnh về kinh thành Huế lúc còn nguyên vẹn và nếu là người Huế thì còn thấy tận mắt kinh thành này với Điện Cần Chánh và Điện Kiến Trung nơi Vua Bảo Đại cư ngụ và làm việc, những điện sau này những người miền Bắc như chúng tôi chẳng bao giờ còn thấy được sau chính sách “tiêu thổ kháng chiến” do Tổng Bí Thư Trường Chinh của Đảng Cộng Sản khởi xướng khi Chiến Tranh Việt-Pháp bùng nổ vào cuối năm 1946cùng với biết bao đền đài, cung điện, dinh thự, miếu mạo, chùa chiền, nhà cửa có giá trị lịch sử khác.  Nói cách khác, khi chúng tôi chưa lớn, hay bắt đầu lớn, đất nước Việt Nam tuy chưa độc lập, tự do, tuy không phải là một nước phú cường và bị người Pháp đô hộ từ cả non thế kỷ nhưng hầu hết tất cả những gì những thế hệ đi trước, hoặc xa hơn do ông bà, tổ tiên xây dựng và để lại, từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước vẫn còn nguyên vẹn.  Anh linh của Quốc Tổ,  của các anh hùng, liệt sĩ nương theo truyền thống thờ phượng của cả dân tộc từ ngàn xưa vẫn còn uy nghi, phảng phất trong không gian và trong lòng trẻ thơ của chúng tôi mỗi khi chúng tôi tới thăm đền thờ các ngài hay mỗi khi nhà trường hay chính quyền địa phương làm lễ kỷ niệm các ngài.  Người nông dân tuy còn ở hoàn cảnh thiếu thốn, tối tăm, vẫn còn được sống cuộc sống hiền lành, chân thật, biết quý trọng tình nghĩa đồng bào, chưa biết  thế nào là căm thù, hằn học, đặc biệt là chưa biết thế nào là giai cấp đấu tranh, là vô sản, bần cố nông, địa chủ, là trí, phú, địa hào. 

Sau này ở các thành phố hay những vùng bị Việt Minh gọi là tạm chiếm, thời Chính Phủ Quốc Gia của Cựu Hoàng Bảo Đại, mọi sinh hoạt hầu như đã được hồi sinh.  Chúng tôi được đi học trở lại hay tiếp tục học cao hơn sau khi thi bằng tương đương.  Nhiều người sau đó được ra ngoại quốc du học khiến cho sau này Miền Nam có đủ một lực lượng trí thức để xây dựng đất nước.  Chúng tôi cũng được dự những buổi tếlễ cổ truyền hay tham gia kỷ niệm các anh hùng liệt sĩ có các quan chức địa phương tới dự.  Chúng tôi cũng được sống lại những ngày Tết với những tập tục cổ truyền.  Chúng tôi cũng được tham gia hay làm khán giả những cuộc tranh đua hay trình diễn thể thao, điển hình là những cuộc đua xe đạp vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm hay vườn hoa Nam Định trong đó già trẻ đều có mặt, đặc biệt là Ông Bát Già, đã ngoài 80 tuổi, nổi tiếng cầm “đèn đỏ” nhưng không bao giờ bỏ cuộc.  Chúng tôi cũng được hát những bài hát tươi vui, lành mạnh, cổ võ cho tinh thần thống nhất đất nước, xây dựng xã hội và tuổi trẻ của các nhạc sĩ đồng thời cũng là các nhà giáo đương thời như Thẩm Oánh, Hùng Lân.... trong đó có Nhà Việt Nam, Cô Gái Việt Nam, Khỏe Vì Nước, Học Sinh Hành Khúc... một thời nhiều người cho là đẹp, với dư âm kéo dài mãi đến những năm  đầu của thập niên 60 của thế kỷ trước.

Khi những biến động bắt đầu

Khi chúng tôi bắt đầu hiểu biết hay bắt đầu lớn lên thì đất nước cũng liên tiếp trải qua những biến động kinh hoàng.  Phải nói chúng tôi, những trẻ thơ Việt Nam được biết và được thấy tận mắt những gì gọi là thân phận của những người dân nô lệ và nhược tiểu dưới thời Pháp, Pháp-Nhật  và sau này là Nhật rồi Tầu, cảnh người Pháp bị đảo chánh sau đó, cảnh các thành phố bị  máy bay Mỹ oanh tạc, cảnh tản cư chạy loạn của dân các thành phố với sự tốt bụng, thương người, nói chung là tử tế của người dân các miền quê.. Tệ hơn hết là“Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu 1945” với hình ảnh của từng đoàn người già trẻ có, lớn bé có, chỉ còn có da bọc xương thay vì béo tốt như trong các phim tài liệu sau này, từ các miền quê kéo nhau lên tỉnh với những bà mẹ đã chết nằm bên vệ đường nhưng đứa con hãy còn nằm trên bụng, miệng nhay vú mẹ, tiếng kêu khóc, rên rỉ suốt đêm của những người bị đói rét hành hạ, phát xuất từ một ngôi đền gần nhà, bị bỏ hoang nào đó.  Chúng tôi cũng được sống, được thấy, đôi khi được tham dự những biến cố sôi sục của lịch sử sau đó, khi những lá cờ thuộc đủ mọi phe nhóm xuất hiện trên đất nước Việt Nam, cùng với sự xuất hiện củanhững cán bộ “răng đen mã tấu” và những thủ đoạn bịp bợm, đôi khi ngu dốt của những người Cộng Sản, kèm theo đó là sự mất tích của một số nhân vật quen thuộc, hay những xác người đầu một nơi, mình một nẻo với một bản án viết nguệch ngoạc cài trên ngực áo.

Cùng với sợ lớn lên của chúng tôi là sự xuất hiện hay trở nên phổ thông trong ngôn ngữ Việt Nam vô số  những từ ngữ mới như cách mạng, cứu quốc, chiến khu, du kích, đồng chí, Việt gian..., đặc biệt là những từ ngữ liên hệ tới các hành vi tra tấn, thủ tiêu như mò tôm, đi tầu bay, tầu ngầm, trước đó chúng tôi không hề được học ở nhà trường.  Chúng tôi cũng không nghĩ chúng là do anh em chúng tôi đặt ra, nhưng chúng tôi đã được chứng kiến những thể hiện cụ thể của chúng, với những buổi sáng thức dậy, mở cửa, ra đường thấy những xác người, tay còn bị trói giật cánh khuỷu, nằm cong queo ở một góc phố hay một bìa rừng nào đó, hay những đầu người, không phải là ngoại quốc, được xâu thành chuỗi vào những chiếc đòn xóc hay đòn càn, xuyên qua miệng và cổ họng, đặt trước một quận đường ngay giữa thành phố hay một văn phòng của một hội đồng xã ở thôn quê.  Sau này, khi đã hồi cư “về thành”, buổi chiều hay những ngày nghỉ, ra sông tắm hay tập bơi thỉnh thoảng chúng tôi cũng thấy hay đụng phải những xác người, kể cả phụ nữ trôi bồng bềnh theo những làn nước đục, giữa những đám cây khô, vô tư, vô giác, phát xuất từ một rừng núi thâm u hay ngay cả một làng thôn gần đó, kèm theo với những cảnh giật mìn, đào đường, đắp ụ mà nạn nhân không phải là lính Pháp mà lại chính là những thường dân vô tội đi lại buôn bán làm ăn nuôi gia đình.

Trong những năm đầu của cuộc chiến tranh chống Pháp giành độc lập, chúng tôi cũng được chứng kiến cảnh đốt phá nhà cửa, đền đài, cung điện của người mình bởi chính người mình và do người mình chủ trương và gây ra trong chính sách gọi là “tiêu thổ kháng chiến” mà anh em chúng tôi chắc chắn không phải là những kẻ đã nhập cảng từ một nước Nga xa xôi nào đó.

Chúng tôi là những người hồi thiếu niên còn được sống dưới chế độ quân chủ, trong đó nước nhà còn có vua, có hoàng hậu, công chúa, hoàng tử.... với cái ấn vua Tầuphong cho vua ta.  Ấn ấy bây giờ nếu còn sẽ là một cổ vật vô giá cho một bảo tàng viện của dân tộc, nhưng người ta đã tẩu tán ngay tự những ngày đầu của cái gọi là cách mạng.  Nó đã bị phá hủy cùng với không biết bao nhiêu là đền đài, cung điện, nhà cửa, cầu cống và các cổ vật vô giá khác.  Người ta, những người tự nhận là cách mạng đã mang những cái bàn chạm trổ công phu, lưu truyền từ nhiều đời lên núi để thái thịt, đã nấu nước trà hay vấn thuốc hút bằng những tờ giấy bản xé từ các tài liệu lấy từ các cơ sở của triều đình cũ.  Chúng tôi cũng một phần là sản phẩm của một nền giáo dục trong đó những quan niệm xưa cũ chưa bị lên án, đả kích hay loại bỏ và thi ca còn được mọi người ưa thích.  Nhưng trong số những thi ca chúng tôi được nghe và ghi nhớ, được các cụ trong vùng lưu truyền rộng rãi với những lời phê bình nghiêm khắc, từ đó học thuộc luôn, có bài thơ của người lãnh đạo đương thời trong đó ông đã tự ví mình với Đức Trần Hưng Đạo và gọi Đức Thánh Trần, vị anh hùng của dân tộc, người đã sống trước ông cả bảy thế kỷ, người đã được toàn thể quốc dân tôn thờ, coi là Thánh, là “bác” và xưng là “tôi”.  Bài thơ tôi còn nhớ đại khái:

Bác trước, tôi sau cũng anh hùng
Cũng gan, cũng góc, cũng kiếm cung.
Bác diệt quân Nguyên thanh kiếm bạc,
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng.
Bác đưa dân đến đừng nô lệ,
Tôi dắt năm châu đến đại đồng.
Bác có anh linh cười một tiếng,
Để cho tôi  sớm được thành công.Bác trước, tôi sau cũng anh hùng
Cũng gan, cũng góc, cũng kiếm cung.
Bác diệt quân Nguyên thanh kiếm bạc,
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng.
Bác đưa dân đến đừng nô lệ,
Tôi dắt năm châu đến đại đồng.
Bác có anh linh cười một tiếng,
Để cho tôi  sớm được thành công.
           
Chưa hết, ngay từ những ngày đầu của niên khóa 1945-1946, bên cạnh bài thơ Ngày Tựu Trường với những hình ảnh và kỷ niệm vô cùng tươi đẹp, trẻ trung của tuổi học trò, với những câu mở đầu mà tôi còn nhớ:

Giờ nao nức của một thời trẻ dại,
Hỡi ngói nâu! hỡi tường trắng, cửa gương!
Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường,
Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc.
                                               
là bức thư gửi “Các em học sinh”cũng của nhà lãnh đạo này với câu mở đầu: 
                                     
Các em học sinh Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn, lúc nào   cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang....”

để đến bây giờ, sau khi ở tuổi trên 80, sống gần trọn cuộc đời, người viết vẫn còn
nhớ trọn cả bài và nhận ra rằng sau này người ta đã sửa đi nhiều lắm. Hóa ra cách mạng là như thế!  Cách mạng là tất cả đều là giống nhau, đều là bằng vai, phải lứa với nhau, để một ông già trên năm mươi tuổi, bắt cả nước phải gọi bằng “Cụ”, gọi những học sinh tuổi chỉ đáng cháu nội hay cháu ngoại mình, là “Các em” và tự xưng là “anh lớn”. Cũng vậy, cách mạng là tất cả gọi nhau bằng “đồng chí”, “Đồng Chí Cha”, “Đồng Chí Con” mà nhiều người lớn tuổi phê bình... Cũng như sau này tiếng trống trường bị thay thế bằng tiếng kẻng của nhà tù với “cái kẻng” là một sản phẩm mới của chính sách “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không, nhà trống” khi người ta bóc đường “rầy” để phá đường xe lửa và dùng những cái “tà vẹc” đem treo làm chuông dùng trong các nhà tù.  Vô tình hay hữu ý, nó đã chiếm chỗ của cái trống và từ tiếng gọi hiền lành, thân yêu hướng vào tuổi trẻ, tiếng trống đã bị thay thế bằng âm thanh chói tai, nhức óc, đầy đe dọa của các trại tù. Những hình ảnh như:

Xuân đi học coi người hớn hở,
Gặp Cậu Thu đi ở giữa đàng
Hỏi rằng sao đã vội vàng?
Trống chưa nghe đánh, đến tràng làm chi?....”. 

quen thuộc với chúng tôi qua một bài tập đọc trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng hoàn toàn không còn nữa.

Những biến cố liên tiếp kể trên đã đưa tới những mất mát và mất mát vĩnh viễn cùng với sự lớn lên và trưởng thành của thế hệ chúng tôi.  Những mất mát, tôi thấy cần phải nhắc lại là hoàn toàn không do anh em chúng tôi gây ra, cũng như sự nhập cảng của một số những gì mới, trong đó có chủ nghĩa cộng sản mà tôi nghĩ là yếu tố chính đã  đưa tới sự phân hóa thê thảm, từ đó sự phá sản trầm trọng của dân tộc.  Nói cách khác, khi chúng tôi lớn lên và trưởng thành, đất nước Việt Nam không còn được như xưa nữa cho chúng tôi tập sự làm công dân của nước Việt Nam độc lập, trong một thế giới đầy ắp những đổi thay và tiến bộ nhanh chóng đến độ làm cho người ta phải chóng mặt.   Bên cạnh đó là một số những tư tưởng và những hiểu biết mới mẻ mà các thế hệ đi trước đã du nhập nhưng chưa tiêu hóa nổi.  Nhưng nếu chỉ có thế thì có gì để nói và nhận định của tôi đã hoàn toàn mâu thuẫn với nhận định của vị diễn giả kể trên.  Thực sự thì thế hệ chúng tôi không phải là thế hệ đã gây ra những đổ vỡ và sau này là sụp đổ.  Như đã nói ở trên, chúng tôi trưởng thành và hoạt động trong những năm năm mươi và sáu mươi của thế kỷ trước và liên tục đến tận bây giờ.   Do đó chúng tôi cũng còn được may mắn hơn những thế hệ đàn em, đàn con hay đàn cháu của chúng tôi đang sống tha hương ở hải ngoại.  Lý do là vì chúng tôi còn có đất nước và đồng bào để phục vụ, một lý tưởng đẹp để hướng tới.  Nói như vậy không có nghĩa là các thế hệ hiện tại không có lý tưởng để tôn thờ mà vì lý tưởng của chúng tôi thời đó vượt lên trên quyền lợi cá nhân, từ đó cao cả hơn, rõ ràng hơn, gần gũi hơn, đơn giản hơn và có vẻ dễ thực hiện hơn.  Chúng tôi còn có nhau, còn quy tụ được với nhau và còn quê hương, còn đồng bào.  Chúng tôi còn có một quốc gia với một thể chế dân chủ tương đối toàn hảo, với đầy đủ những định chế mà bất cứ chế độ dân chủ tân tiến nào cũng phải có và một nền pháp trị không phải hoàn toàn trên giấy tờ.  Tất cả đã được thành hình qua xương máu, mồ hôi, nước mắt của nhiều thế hệ, kể cả thế hệ của chính chúng tôi...  Nhưng cuối cùng thì chúng tôi đã không giữ được dầu cho nhiều người đã nằm xuống một cách âm thầm hay đã ra đi trong tức tưởi. Như một đại hồng thủy, biến cố 30 Tháng Tư 1975 đã cuốn trôi và làm mục nát tất cả giống như biến cố 19 Tháng Tám 1945  đã làm sụp đổ những công trình của Vua Bảo Đại và Chính Phủ của Học Giả Trần Trọng Kim trước đó.  Một lần nữa đất nước Việt Nam lại mất thêm cơ hội trở thành một nước dân chủ tiến bộ mà tình hình thế giới khiến chúng tôi không làm gì được, ngoại trừ đem các con em cùa mình từ bỏ đất nước ra đi tìm một tương lai mới, bất kể mọi mất mát, hiểm nguy, đau đớn, chia lìa..  Tất cả phải làm lại từ đầu, phải học lại từ đầu.  Những người sinh ra trong các thập niên 30 hay 40 của thế kỷ trước nay đã đếm tuổi mình bằng con số bảy mươi hay tám mươi, kể cả chín mươi và một số đã vĩnh viễn ra đi.  Bóng chiều đã xế, đường đi vẫn còn dài.  Có điều tình hình đã hoàn toàn thay đổi và chúng tôi có thể tin là các thế hệ con cháu chúng tôi sau này có thể làm được.

Từ Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại, đến Siêu Quốc Gia Việt Nam của Thiên Niên Kỷ Thứ Ba

Cho tới nay, Cộng Đồng người Việt ở Hải Ngoại đã được ngoài 40 tuổi, đã trải qua giai đoạn sống còn, đã mỗi ngày mỗi thêm vững mạnh về đủ mọi phương diện để trở thành thành phần thứ hai độc lập với thành phần thứ nhất của dân tộc Việt Nam.

Cộng Đồng Hải Ngoại của chúng ta trẻ trung hơn, năng động hơn, có tiềm năng hiểu biết cập nhật hơn, có nhiều khả năng phát triển hơn nhờ đã hình thành và phát triển trong những quốc gia tân tiến nhất trên thế giới, so với thành phần thứ nhất mỗi ngày già cỗi hơn, mòn mỏi hơn, kiệt lực hơn, không còn đủ khả năng nhận thức và ngay cả sử dụng những khả năng trí tuệ vẫn còn tồn tại không ít của mình.  Tuổi trẻ Việt Nam ở Hải Ngoại có thể vào và đã vào bất cứ một đại học danh tiếng nào nếu các em mong muốn và được cha mẹ khuyến khích.  Rất đông các em đã đạt được điều này.  Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đã tự mình hội đủ mọi điều kiện để tự đứng vững.  Chúng ta đã có đầy đủ nếu không nói là khá đông các chuyên viên trí thức thượng thặng từ các khoa học gia, các giáo sư đại học, các học giả tốt nghiệp từ các học viện lớn và hiện đang phục vụ trong các trung tâm, các viện nghiên cứu bậc nhất trên thế giới để góp sự hiện diện của mình với các sắc tộc khác.  Chúng ta cũng đã có những chỉ huy cao cao cấp trong quân đội, kể cả tướng lãnh.   Hãy tưởng tượng hình ảnh một vị chỉ huy dẫn đầu nhiều ngàn sĩ quan, binh sĩ dưới quyền, thuộc đủ mọi thành phần, chủng tộc, trong các cuộc thao diễn, dẫn đầu họ chạy bộ hàng ngày hay nghiêm chỉnh chào cờ trong căn cứ của đơn vị mình. Vị chỉ huy đó là người Việt.  Anh là vị tướng đi sát với binh sĩ của mình, tướng của trận mạc, không phải tướng của phe phái, nói cách khác, tướng cảnh. Chúng ta cũng có những chỉ huy trưởng khu trục hạm tối tân nhất của Hải Quân Hoa Kỳ, những nữ đại tá người nhỏ thó chỉ đứng đến nách những đồng sự hay thuộc cấp của mình nhưng vẫn được họ chào kính một cách trịnh trọng.  Họ thuộc thế hệ một rưỡi, luôn cả thế hệ thứ hai của tị nạn Việt Nam.  Tất cả đều vẫn còn thông thạo tiếng Việt, đã trả lời dễ dàng, trôi chảy các cuộc phỏng vấn bằng tiếng Việt.  Tất cả đều đã trở thành “người”, đã “nên người”, đã lập được sự nghiệp trên quê hương mới mà không cần tới sự trợ giúp của các “đỉnh cao trí tuệ của loài người”.  Chưa hết!  Bây giờ thì họ đã ngồi lại với nhau để trở thành một lực lượng quân nhân gốc Việt, ít ra trong quân đội Hoa Kỳ, và sẽ dẫn đường cho thế hệ thứ ba.  Cầu mong các em sẽ thành công mỹ mãn hơn.  Trong địa hạt chính trị, người Việt nay cũng đã đi rất sâu và rất cao trong hệ thống chính quyền của nhiều nước, ở đủ cả ba ngành, ngay cả ở cấp trung ương.  Nhiều người trẻ cũng đã xuất hiện và đã thành công xuất sắc.  Họ thông thạo ngôn ngữ, được học, được sống và hiểu biết về xã hội nơi họ đang cư ngụ.  Họ bắt đầu thay thế cho thế hệ cha anh đã đến tuổi xế chiều, nhưng vẫn hiểu biết về Việt Nam và thông thạo tiếng Việt.  Trong tương lai, các em sẽ còn đi xa và lên cao hơn nữa.

Sang một địa hạt khác gần gũi với mọi người hơn là địa hạt giáo dục.  Ở đây tôi chỉ nói về các cấp trung tiểu học và mẫu giáo, những cấp học cơ bản liên hệ trực tiếp tới các con em nhỏ của chúng ta trong cộng đồng.  Con số những thày cô giáo người Việt hiện diện trong các trường địa phương mỗi ngày một nhiều.  Nghề làm thày cô giáo không còn bị chê so với các nghề khác như trong những thập niên đầu của thời kỳ di tản.  Nhiều người tỏ ra đã yêu mến nghề dạy học ngay từ khi còn học ở bậc trung và luôn cả tiểu học.  Họ đã đạt được ước vọng và sau nhiều năm hành nghề vẫn tỏ ra yêu nghề hơn bao giờ hết.  Nhiều người đã chuyển sang cấp chỉ huy làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường sau khi phụ trách lớp.  Nên nhớ là, ít ra là ở Mỹ, dạy ở cấp nào cũng được coi là quý, là trọng, không nhất thiết là ở bậc đại học, nơi kiếm được một chỗ làm rất khó vì rất hiếm, vì sự cạnh tranh giữa các sắc dân Á Châu rất nhiều và nạn bè cánh, phe phái rất cũng không phải là hiếm.  Yếu tố quan trọng mà các em phải dựa vào để lựa chọn là chính mình, là thiên tư và hạnh phúc của chính mình.  Kinh nghiệm của cha mẹ, ông bà của các em và những người đi trước thuộc thế hệ của các ngài cũng vẫn còn là những gì đáng quý cho các em khi chọn ngành và nhất là khi hoạt động cộng đồng.

Để hướng về các con em nhỏ trong cộng đồng, riêng ở miền Nam California hàng trăm và có thể hàng ngàn lớp Việt Ngữ đã được thành lập ở các chùa, các nhà thờ hay các phòng ốc mượn của các trường địa phương trong những ngày cuối tuần do các thày cô đã về hưu hay các sinh viên đại học phụ trách. Hàng ngàn thày cô giáo bất đắc dĩ đã tham gia công tác này với hàng chục ngàn trẻ em được cha mẹ mang tới dự.  Hãy tưởng tượng các vị này đã kiên trì, cố gắng như thế nào để cứ tình nguyện mỗi cuối tuần mỗi đến, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, thường xuyên dạy các em, không nửa chừng bỏ dở.  Họ âm thầm làm công việc của mình và dường như ít được cộng đồng biết đến, thăm viếng và khích lệ.

Cộng đồng của chúng ta đã độc lập, đã tự đứng vững và phát triển trong suốt 42 năm qua không hề phải nhờ vả vào chính quốc.  Trái lại, hàng chục tỷ đô la hàng năm đã được gửi về dưới hình thức này hay hình thức khác, gián tiếp làm giàu cho các cán bộ và các đại gia ở trong nước và gián tiếp giúp họ chuyển tiền ra ngoại quốc phòng ngừa khi tháo chạy.  Có điều, thay vì để yên cho thành phần thứ hai của dân tộc ở Hải Ngoại phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau song song phát triển, cùng hướng tới một tương lai dài nhằm biến dân tộc Việt Nam thành một dân tộc lớn của nhân loạithì các “đỉnh cao trí tuệ” ở trong nước đã coi đó như một con gà đẻ trứng vàng, tìm cách ảnh hưởng tới nó, bắt nó đẻ nhiều hơn, thậm chí bắt và giết nó.  Điều này là gì nếu không phải là một tội đại ác đối với dân tộc và đối với chính họ?

Lịch sử dân tộc Việt Nam phải được tính bằng ngàn năm

Trong một bài viết trước đây, nhằm kỷ niệm một ngàn năm Lý Thái Tổ từ Hoa Lư thiên đô ra Thăng Long, đăng trong Tập San Thế Kỷ 21,số 1, số ra mắt, đã nhắc tới trên đây, người viết có đưa ra cái nhìn hơi khác về lịch sử của dân tộc Việt Nam.  Đó là lịch sử phải được tính bằng ngàn năm với ba dấu mốc chính:  111 trước Tây Lịch, 1010 sau Tây Lịch và những năm hiện tại của thiên niên kỷ thứ ba mà chúng ta đang sống, chứ không thể chỉ tính bằng chục năm, bằng trăm năm như lịch sử bình thường.  Nhìn như thế để chúng ta có thể thấy những điều vô nghĩa mà nhiều người đã và đang làm.  Nhìn như thế để chúng ta có thể lạc quan về tương lai của dân tộc Việt Nam qua sự hình thành của Cộng Đồng Người Việt ở Hải Ngoại trong thế kỷ  21 này.
Cơ hội ngàn năm một thuở:  Mặt trời không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt cư ngụ

Sự hình thành của Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại coi như thành phần thứ hai của dân tộc là một cơ hội ngàn năm một thuở chúng ta mới có được, sau nhiều chục năm dài đầy chiến tranh, đau thương, chết chóc và bất hạnh..   Biến cố bi thảm 1975 đã bẩy tung bà con chúng ta ra khắp thế giới để rồi sau ngót bốn mươi năm cũng họ, cũng những bà con đã bị bấy tung ra khắp thế giới ấy, bây giờ là Người Việt Hải Ngoại, đã định cư và đã thành công ở khắp năm châu, không nơi nào là không có.  Chúng ta đã không có được một lãnh thổ duy nhất, một chính quyền chung nhưng chúng ta có những con người, có chung một lịch sử, một nguồn gốc, đã phải bỏ xứ ra đi trong cùng một hoàn cảnh, một thời điểm.   Nói một cách khác, chúng ta đã có một Siêu Quốc Gia Việt Nam không có lãnh thổ, không có chính quyền, không có thủ đô nhưng tất cả đều nằm sâu thẳm trong lòng mọi người dân của Siêu Quốc Gia ấy.  Một SiêuQuốc Gia như vậy thích hợp hơn với sinh hoạt quốc tế trong thời hiện tại, thời mà biên giới giữa các nước đã mờ dần trước sự phát triển chung của cả loài người.  Cũng nói cách khác, nếu trong thế kỷ 19, một học sinh người Anh được học rằng “Mặt trời không bao giờ lặn trên Đế Quốc Anh” thì khác đi một chút, kể từ thế kỷ 20, một học sinh Việt Nam phải được học rằng “Từ sau năm 1975, mặt trời không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt Nam cư ngụ.”   Người Tầu cũng có thể nói câu tương tự.  Họ cũng hiện diện ở khắp nơi trên thế giới nhưng vẫn không thể so sánh với người Việt.  Lý do là vì người Tầu bỏ nước ra đi là họ chọn tha phương cầu thực, do họ chọn lựa còn người Việt thì không được chọn lựa.  Sau ba chục năm triền miên đầy đau thương, giết chóc với ít ra là bốn năm triệu người đã bị hy sinh, nước mắt tràn ngập khắp Trường Sơn, ra tận Biển Đông.  Người Việt đã bất đắc dĩ phải ra đi mà không biết sẽ đi đâu.  Đến bây giờ thì tự mình và với sự giúp đỡ của các chính quyền và của người địa phương, bất chấp những sự dè bỉu, mỉa mai của nhà cầm quyền ở trong nước trong những năm đầu, các cộng đồng Việt Nam ở khắp nới trên thế giới đã trở thành vững mạnh thực sự so với thành phần còn lại ở trong nước.  Bổn phận của chúng ta là phải bảo vệ và phát triển nó.  Chúng ta không thể để cho những người đang nhận sự giúp đỡ vô cùng to lớn của cộng đồng chúng ta, coi cộng đồng chúng ta là con gà mái đẻ trứng vàng bắt nó đẻ nhiều hơn, đẻ mãi, lợi dụng và giết nó.  Chúng ta cũng phải lo cho chính chúng ta và con cháu chúng ta.  Chúng ta đang sống ở đây và sẽ chết ở đây.  Con cháu chúng ta cũng vậy.  Những thế lực luôn luôn gây bất ổn từ bảy mươi năm qua sẽ không tha chúng ta, không để cho chúng ta yên.  Họ luôn luôn muốn làm chủ chúng ta rồi làm chủ con cháu chúng ta như họ đã làm ở trong nước, bây giờ là Cộng Đồng Người Việt ở Hải Ngoại, cơ hội ngàn năm một thuở của chung cả dân tộc, cơ hội sẽ đưa dân tộc ta thoát khỏi tình trạng nhỏ bé và chậm tiến. Bất cứ hành động nào phá hoại Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đều là một tội đại ác đối với dân tộc   Có điều họ sẽ bất cần, sẽ tiếp tục làm như họ đã làm trong quá khứ như các năm 1954, năm 1975.  Nhưng họ sẽ không làm gì được chúng ta.  Chiêu bài độc lập thống nhất không còn hiệu nghiệm nữa.  Chuyện đó qua rồi.  Cộng Đồng Hải Ngoại của chúng ta đã vững mạnh và luôn luôn được các nhà cầm quyền và luật pháp bản xứ che chở.  Chúng ta cũng đã có đủ mọi khả năng để tự mình đứng vững. Chúng ta đã đứng vững ít ra là hai ngàn năm và chắc chắn sẽ còn đứng vững thêm nhiều ngàn năm nữa.  Điều này tùy thuộc ở chính chúng ta. Chúng ta sẽ coi quyền lực, danh, lợi, tiền bạc của cá nhân hay phe nhóm là trọng hay sự tồn vong và phát triển của cả Cộng Đồng, cả dân tộc Việt Nam là trọng. Phải tin tưởng là tới một giới hạn nào đó, Trời đã mở cửa cho chúng ta, đã “Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư”, đúng như tổ tiên ta từ thời Nhà Lý đã tin tưởng Phần còn lại tùy thuộc ở chúng ta, điều mà bà con đang sống trên đất mẹ của chúng ta xem ra khó mà làm được vì dù có muốn họ cũng không được phép làm, chưa kể tất cả hầu như đều đã quá mòn mỏi, khô cằn đến độ gần như vô cảm, nếu không nói là kiệt lực chỉ còn đủ sức kiếm sống, ăn chơi và dễ dàng bị ru ngủ và thụ hưởng.  Tất cả chỉ còn trông cậy ở chúng ta và con cháu chúng ta.  Hãy chứng tỏ chúng ta có đủ khả năng và bản lãnh; chúng ta dời bỏ quê hương ra đi không phải để tha phương cầu thực, để được hưởng “bơ thừa, canh cặn” hay chỉ là “rác rưởi trôi giạt từ bên này đại dương sang bên kia đại dương”.  Cũng không nên và không được quên nửa triệu thuyền nhân đã bỏ mình dưới lòng biển đại dương khiến cả thế giới động lòng và mở rộng cửa đón dân tị nạn chúng ta trong suốt hai thập niên tám mươi và chín mươi của thế kỷ trước, cũng như hàng ngàn tù nhân của các trại học tập sau năm 1975 đã bị thủ tiêu hay qua đời vì bị hành hạ và kiệt sức.

Phạm Cao Dương