Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Chúc Mừng Năm Mới

 Chúc Mừng Năm Mới




Chúc Mừng Năm Mới
Trước thềm năm mới thân chào chúc bạn mạnh khỏe việc nào cũng vui hợp tâm chung bước đường đời đẹp tình nhân ái tuyệt vời sắc hương
Dâng lời cầu nguyện quê hương núi sông xinh đẹp người thương mến người năm mới khởi sắc vàng tươi
màu cờ Tổ Quốc suốt đời tôn nghiêm

Cao Nguyên

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

NHÀ THƠ TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG

 NGẬM NGÙI TIỄN BIỆT

NHÀ THƠ TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG





Chuẩn bị mở quà Giáng sinh năm 2021 và đón năm mới dương lịch 2022 thì được tin nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương vừa ra đi, tôi nhớ ngay bốn câu thơ đã trở thành “Poetry Logo” gắn liền với tên tuổi của chị mà ai cũng sẽ rất ngạc nhiên nếu có một vị nào đó không thích:
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui,
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời.
(Còn gặp nhau)
Sở dĩ bốn câu thơ nhẹ nhàng, đơn giản và đại chúng đó trở thành “biểu tượng thi ca” của chị vì nó vừa nói lên một điệu sống quá hài hòa và tươi mát, vừa là lời minh họa cho chính cuộc đời riêng tư và nghệ thuật của chị.
Trong thế hệ Chiến Tranh Việt Nam, có hai nữ nghệ sĩ người Huế được dân Huế và đối tượng thưởng ngoạn nghệ thuật khắp nơi hâm mộ tài năng đã đành nhưng còn yêu chuộng phong cách sáng tác và trình diễn nghệ thuật: Đó là ca sĩ Hà Thanh và nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương.
Giáo sư Trần Thanh Đạm đã viết về chị Hỷ Khương:
Vốn biết thi nhân là hiếu nữ,
Nào hay thi sĩ cũng tình nhân.
Hiếu tình ai dễ hai bề trọn,
Tình hiếu mười phân đẹp bội phần…
Từ phía bên này của nửa vòng trái đất, xin được đốt một cây hương thật quý để tưởng nhớ về chị.
Tôn Nữ Hỷ Khương tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, sinh năm 1937 tại Vỹ Dạ (Huế). Chị là ái nữ của nhà thơ nổi tiếng Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Các thi phẩm đã xuất bản: Đợi mùa trăng (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Bâng khuâng tình khúc (2001), Hãy cho nhau (2004), Nước vẫn xanh dòng (2004) và hồi ký Hồi ức cha tôi (1996, tái bản 2002)...
Và bài thơ cuối cùng của chị mà tôi được đọc là Hãy Cho Nhau. Bốn câu mở đầu nói đến biến cố trọng đại nhất của một kiếp người là cái chết, nhưng lời thơ và ý thơ tự tại như một thiền sư thị tịch:
Một cơn gió nhẹ thoảng qua,
Dễ đưa ta đến lìa xa cõi đời.
Để kết thúc một kiếp người,
Mong manh như hạt sương rơi đầu cành.
Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương phản ánh trung thực hoàn cảnh xuất thân, khuynh hướng sáng tạo thi ca, dự phóng cuộc đời rất nề nếp, thuần hậu và cổ kính. Phong cách sống của một tôn nữ đã mở ra cánh cửa thi ca vừa vặn, không phóng khoáng mở tung hay hừng hực bứt phá. Bởi vậy, hai tập thơ đầu Đợi Mùa Trăng (1964) và Mộng Thanh Bình (1970) từ lời thơ cho đến tư tưởng êm đềm như nước sông Hương. Hành trình sáng tạo thi ca 50 năm của Tôn Nữ Hỷ Khương là một dòng nhật ký đầy hương hoa và sương khói của tóc thề áo trắng; tuy biền biệt sương khói ngây ngất mà không làm… chết người bởi cảm xúc và ân tình rất Huế! Cái tài hoa “con nhà… tôn nữ” cũng nhảy múa nhưng êm đềm như phụng vũ hoàng cung; không xảo diệu vỡ bờ như Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Nhã Ca… bay vút ra ngoài bốn cõi của cảm xúc và suy niệm.
Thật thú vị khi Đỗ Hồng Ngọc điểm thơ Tôn Nữ Hỷ Khương thành “thơ nói” bởi những khái niệm cách tân, siêu thực, cải biên, lập dị… hoàn toàn vắng bóng. Tác dụng của tất cả các loại hình nghệ thuật không nằm ở hình tướng mà là dấu ấn cảm xúc sâu, cạn hay đậm, nhạt khi thưởng thức nghệ thuật. Thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương đi vào tâm cảm của người đọc rất dễ dàng, trôi chảy và đồng điệu với đời thường.
Nhớ lần cuối (2013) tôi và Lê (nhà tôi) ngồi uống cà phê với chị Hỷ Khương ở một quán xanh ven sông Sài Gòn, sau khi chị chia sẻ cảm tưởng thú vị đọc những bài viết của tôi về Huế, chị hỏi tôi vì sao tôi thích thơ chị. Lời phát biểu chỉ giới hạn trong 3 chữ. Tôi suy nghĩ và trả lời khá nhanh: Hiền, dễ, thanh. Chị cười thích thú và bắt tôi giải thích đầy đủ ba từ đó. Tôi nói đủ ý kiến của mình về thơ chị rằng, Hiền: là bản chất của thơ chị bởi cả lời thơ, tứ thơ và hồn thơ đều rất “con nhà” và rất Huế. Dễ: Thơ chị không quanh co với triết lý cao xa hay đầy ảo tưởng mà phát xuất từ dòng đời hiện thực nên người đọc ở trình độ nào cũng tiếp thu dễ dàng. Thanh: vì thơ chị là tiếng hát ca dao và nhuốm mùi đạo lý phương Đông cùng tư tưởng Nho và Phật giáo. Rứa là chúng tôi được chị thưởng một gói hột sen Tịnh Tâm mang về Mỹ.
Mới đó mà nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã vĩnh viễn đi rồi!
Lần gặp nhau cuối cùng, chị đọc bài thơ Về Quê Ăn Tết của tôi và khen hai câu:
Gặp nhau cứ kể như lần cuối,
Nâng chén cười tan nỗi ngậm ngùi.
Tôi nói với chị đó là tư tưởng Phật Giáo, tôi chỉ lập lại và đem vào thơ.
Chị Hỷ Khương thương kính ơi! Chị ra đi cũng êm đềm như dòng đời và cả nghìn bài thơ của chị. Xem vô thường là hữu thường để không còn chi mà ngậm ngùi nuối tiếc “cuộc hồng trần xoay vần quá ngán” nầy. Nếu có chăng duyên nghiệp trùng trùng thì con đò thơ một đời đã chở đầy duyên lành và nghiệp thiện của chị sẽ đưa chị về bờ bên tê thinh không an lạc.
Xin bái biệt chị. Trăng lặn. Hoa tàn. Và có một vần thơ!
Sacramento, chiều mùa Giáng sinh 2021
Trần Kiêm Đoàn

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2021

Phân Vân Với Chuyện Đi, Về

 



Phân Vân Với Chuyện Đi, Về?

Từ một góc phố Việt trên xứ người, vào những ngày cuối năm. Tôi (hay bạn) được nghe những mẫu chuyện của người Việt xa quê, quanh chuyện Đi, Về từ nơi mình đang lưu ngụ đến vùng đất quê hương,
nơi mình đã sinh ra, hoặc cưu mang sự sinh ra thế hệ tiếp sau chung cùng huyết thống.

Những mẫu chuyện mình nghe được:

Chuyện giữa chú Ba và thím Bảy:
- Chào anh Ba, anh chị vẫn mạnh khỏe chứ?
- Cám ơn chị Bảy, tôi thì cũng ổn, chỉ có bà nhà tôi không khỏe lắm, vì bị cao huyết áp, hay bị mệt nên bớt đi lại nhiều nơi.
- Tuổi già thật là chán phải không anh, ai cũng bị chữ yếu, chữ bệnh làm phiền.
- Thì sinh, lão, bệnh mà. Tết này anh chị có về Việt Nam không?
- Dạ không. Ông nhà tôi với thằng Út vừa đi chơi ở bển một tháng hồi giữa năm. Còn anh chị thì sao? Có về thăm quê Tết nay không?
- Chưa chị à. Cũng tính đi về một chuyến, mười mấy năm xa đất Tổ, quê Cha cũng nhớ lắm.
-...

Chuyện giữa hai người bạn:
- Hello, Tâm!
- Hello Trọng! Cậu đi đâu biệt tăm, lâu quá không gặp?
- Tớ mới đi theo một tour về Việt Nam ba tuần.
- Thì ra thế, sao không chờ Tết hãy về, có phải là vui hơn không?
- Có phép thì đi thôi, đâu chờ được. Vả lại mình về chơi cho biết thôi mà. Mình không sinh ở đó, nên mọi thứ lạ lắm. Dù mình nghe bố mẹ kể rất nhiều về Sài Gòn và những nơi hai người đã sống qua.
Bố mẹ mình còn có ý định khi về hưu sẽ trở về Việt Nam để sống, với tâm trạng “lá rụng về cội”.
- Thì cũng nên, chim có Tổ người có Tông. Mấy cụ không thích cảnh cuối đời phải gởi thây nơi đất khách.

Những mẫu chuyện bình thường và giản dị như vậy, mình vẫn thường được nghe ở những nơi có người Việt sinh sống. Chủ đề xoay quanh vẫn là chuyện Đi, Về. Dẫu với sự suy nghĩ riêng tư nào thì Việt Nam vẫn là quê hương chính thống của mình. Điều duy nhất tồn tại (trong hôm nay và cả mai này) vẫn là sự không xác quyết về mục đích Đi hay Về Việt Nam?

Từ những mẫu chuyện vừa nghe, liên hệ vào những cảm nghĩ của rất nhiều người về vấn nạn này, như bài "Đi hay Về?" của T. Vấn tôi vừa đọc được trên tạp chí Nguồn (số30), lại đưa tôi vào những băn khoăn trong cùng chủ điểm; Về hay Đi? 
Về, hay đúng hơn trạng thái tâm linh của một con người nghĩ đến nơi chốn trở về là một miền đất bình yên và quen thuộc, là căn nhà xưa đầy ắp những kỷ niệm thuở ấu thời, là mái hiên đất nện lồi lõm vừa nhìn thấy đã ngửi ngay được mùi rơm khô chất đống sau mỗi mùa gặt dù đã nhiều năm xa cách. Còn Đi hay trạng thái tâm linh của những chuyến viễn du về vùng trời xa lạ, hứa hẹn những điều mới mẻ nhưng cũng không kém phần bất trắc, là cái háo hức của những tâm hồn non trẻ muốn tìm nơi tự khẳng định mình"

Về hay Đi, có phải đó là câu hỏi nhói lòng của một thế hệ Việt Nam hiện đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới, và sẽ còn là câu hỏi nhói lòng không kém cho nhiều những thế hệ Việt Nam mai sau trưởng
thành nơi xứ người" (Đi hay Về? – T. Vấn)

Đắc ý với bài viết chứa cả tâm trạng của lớp người cùng lứa, cùng thời phải ra đi và muốn được trở về. Gợi tôi đọc lại những điều mình đã viết từ những năm qua với những bâng khuâng hằn vết trong tâm.
Từ nửa vòng trái đất, nhìn xuyên đại dương, vẫn luôn thấy bên kia bờ:
"... Bên kia bờ, xưa - đi vào kỷ niệm
những núi sông, đồng cỏ, thác hồ
mái rạ vàng theo chiều đổ nhấp nhô
nghé ngọ về chuồng, em ru điệu nhớ
Bên kia bờ, xưa - mãi là sự sống
theo nhịp rung cảm nhận của anh, em
dẫu muôn trùng xa, không thể nào quên
những hẹn ước, những chân tình gởi lại!..."
(Bên Kia Bờ - thơ Cao Nguyên)

Vậy mà biệt ly, vậy mà xa cách muôn trùng! Ôi nhớ! Nỗi nhớ ray rứt trong một đời người về quê hương với nhiều hệ lụy:
"... Biệt Ly!
Sao gọi biệt ly?
chân xa Quê Nội
Tâm ghì mộ bia
sáng đi nước mắt đầm đìa
chiều theo hương khói
chung chia cuộc buồn
khuya nghe ai gõ vào hồn
đưa tay hứng giọt
máu hồng còn tươi
dang chân đụng gốc sinh thời
lắt lay tiếng võng ... ầu... ơi! Mẹ về
Mốt mai hết cuộc xa quê
xác mong nằm ghé
bên lề Cha Ông..."
(Biệt Ly – thơ Cao Nguyên)

Nên chi lòng vẫn thắt thõm với chuyện Đi, Về để ngắm, để nhìn thỏa thuê vùng đất Mẹ. Và chúc phúc cho nhau bạn ta cùng nỗi nhớ, nhắc cháu con còn đó một trời quê:
"... thuở cha mẹ dắt dìu nhau vượt biển
thuyền xuôi dòng, nước mắt ngược vào tim
mong sông núi nương hồn người linh hiển
giữ cho thơm vĩnh viễn mạch quê hương
chúc phúc cho nhau, khi ta còn nỗi nhớ
mãi yêu thương con đường nhỏ về làng
vẫn còn đó những cánh diều lướt gió
vút lên trời tuổi nhỏ tiếng cười vang!..."
(Chúc Phúc – thơ Cao Nguyên)

Mỗi khi khung trời mơ khép lại, mỗi trở mình là thao thức theo chuyện Đi, Về:
"... nếu đi mà thong thả
tội đếch chi quay về
cứ nhìn đời đon đả
ta dõi miết đường mê

nếu về mà an tịnh 
cần quách gì cứ đi
ngồi lê đời bịn rịn
mê hoặc cõi hồ nghi

Đi, Về - đường khúc gãy
chồi nứt ngọn hoài thai
giấc đời xa ngọt ngậy
cong quắp khối hình hài..."
(Gọi Điêu Tàn Thức Dậy – thơ Cao Nguyên)

Về đi! Về đi thôi! Ôi nỗi nhớ Huế, Sài Gòn, Hà Nội... rân trong tim bao nỗi bồi hồi:
"... Hà Nội với anh là kỷ niệm
thuở ấu thơ nghịch sóng Hồ Gươm
đốt lá bàng học bài Quốc Sử
thư trao em dòng chữ xuân thì

Hà Nội với anh là nỗi nhớ
Thăng Long – Bạch Đằng - Thê Húc - Cổ Ngư
ba-mươi-sáu-phố-phường
chân chưa dạo khắp
gói cốm sông Hồng đã nhạt múi hương

Hà Nội với anh - Nửa đời trăn trở
lửa bàng reo cháy vở học trò
nước mắt loang nhòa trang sử cũ
muôn dặm đường qua - giấc mộng hờ!..."
(Hà Nội Với Anh – thơ Cao Nguyên)

"... hất tóc em ngược chiều gió thổi
nhìn vai ngoan vượt nắng qua cầu
quay quắt nhớ, mười hai nhịp đợi
xuôi Nam Giao về Phú Vân Lâu
...
qua Đập Đá tìm về Vỹ Dạ
bao nhiêu năm chưa lạ hàng cau
vẫn quanh quẩn mùi hương tóc sả
Huế chờ em vượt nắng qua cầu..."
(Huế Chờ - thơ Cao Nguyên)

Sài gòn, Em và chiếc áo dài
dựng trước anh chân dung mùa Hạ cũ
có nắng chen mưa đùa ngọn tóc bay
nghe cánh phượng rơi đầy trong sóng mắt

Sài Gòn Xưa, lụa vàng ươm vóc ngọc
mịn hồng da, đuôi tóc ủ vai trần
hăm hở bước nghêu ngao mùa guốc mộc
ngắm thơ tình trên vóc giấy hoa tiên

Sài Gòn đam mê với Thơ và Nhạc
trên hành trình khao khát những dòng sông
sức quyến rủ những con đường, góc phố
chảy dọc đời tóc bạc hóa mây xanh

Sài Gòn ơi! thương quá tiếng Em, Anh
biết dỗ ngọt suốt bốn mùa hoa, trái 84 
áo dài Mẹ, em vẫn còn giữ mãi
từng đường thêu dấu ái vẫn còn xinh..."
(Sài Gòn – Em và Chiếc Áo Dài – thơ Cao Nguyên)

Bằng ấy những nỗi nhớ về quê hương chất đầy trong ký ức. Bạn nói đi, làm sao tôi chẳng mong Về? Dẫu trong lòng còn nỗi phân vân:
"mai Về
chứ chẳng phải Đi
Đi là hồi nẳm,
tưởng Đi không Về

phân vân
mãi chuyện Đi, Về
làm sao lòng biết
chắc Về hay Đi

quê nhà
hương hỏa, triều nghi
tổ tiên hiển hiện
sao Đi không Về

quẩn quanh
đau cuộc sơn khê
người cho tôi biết
nên Về hay Đi
Việt Nam!"
(Phân Vân - thơ Cao Nguyên)

Trả lời chưa được từng ấy câu hỏi. Liệu lòng mình có thanh thản khi Về nơi còn nặng lòng với "hương hỏa, triều nghi"? Thời gian đang cuối bờ Tháng Chạp, Tâm đang giữa vòng luận thức Về, Đi. Đành tản mạn vài dòng cho thỏa chút tâm ý nghĩ về quê hương tuyệt vời xa tít đó!

"... tháng Chạp rồi sao? Ồ sắp Tết
một năm đi, thêm một tuổi về
còn lại chi, những gì sẽ hết
trong cuộc đời lữ khách xa quê?

tháng Chạp đến, Đào Mai chớm nụ
thôn xóm vui chợ búa rộn ràng
mùi bánh mứt thơm lừng góc phố
trẻ con khoe áo mới đầu làng!

tháng Chạp về, những ngày giáp Tết
thương quá chừng, nhớ lắm quê ơi
những nỗi nhớ chưa hề biết mệt
trong tâm tư suốt một đời người!

cám ơn ai nhắc ta tháng Chạp
để không quên vị Tết quê nhà
dẫu thế sự thăng trầm đã khác
đất chôn nhau ấm lạnh trong ta!"
(Tháng Chạp - thơ Cao Nguyên)


Từ những ý từ hôm nay, tôi xin gởi đến mọi người lời chúc vạn sự an bình khi trước mặt đào hồng, mai vàng rộn nở trong nắng ấm của một mùa Xuân Mới, đợi một trả lời tương thích: Đi hay Về Việt Nam! 

Cao Nguyên
 

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

Lưu Bút

 



Ân Tình 

Mỗi cuối năm là khoảng thời gian ngắm lại khoảng đường vừa đi qua, đồng thời nhìn về phía trước trên hành trình nhân ái. 
Ngẫm lại trên suốt những chặng đường qua, bao dấu ấn ân tình còn mãi lưu lại, dẫu có người bạn đã cách xa và những người bạn gần mà lâu chưa gặp lại.
Sự ưu ái của bạn dành cho chữ nghĩa của tôi luôn được trân trọng giữ gìn trên những trang sách. Hôm nay ngắm lại những dòng chữ bạn gửi thật vô cùng cảm động. Xin được nhắc lại như một sự tri ân từ những tri âm. 
Nguyện cầu anh linh bạn cách xa miên viễn an bình 
Chúc các bạn còn gần luôn an vui và mọi việc tốt đẹp. Mong có dịp gặp lại trong tình thân mến trên hành trình nhân ái đồng tâm.

Trân trọng,
Cao Nguyên 

----

Thơ anh phản ảnh một tấm lòng

nồng nàn với quê hương, đất nước, với bè bạn, với đồng bào. 
Mỗi người làm thơ đều có một nét riêng tư, một cung cách đặc biệt của mình. Cũng tình yêu đó nhưng sắc màu có

khác; cũng quê hương đó nhưng mỗi góc nhìn thấy một bản sắc khác nhau; và thơ Cao Nguyên cũng thế, anh với

những nét rất riêng của anh. Xin đơn cử một vài dòng thơ của anh: 

Mỗi bài thơ được các tác giả hình thành thường là một bức tranh đầy màu sắc, có mưa nắng bốn mùa, có thanh âm

nhạc tính, có bố cục mạch lạc. Dù không phải là họa sĩ chuyên nghiệp nhưng những sắc màu trong những bức tranh

thơ của anh cũng rất hài hòa, tươi sáng; cũng có xuân thắm thu vàng; cũng có nghĩa có tình, vô vàn nhân bản. Xin

cám ơn anh trong tình bằng hữu và xin được đồng cảm với tâm tư anh trong thi ca anh viết. 

Kingwood,TX - trọng thu 2013. 
Yên Sơn

@

Nhà thơ Cao Nguyên khá quen thuộc đối với giới văn nghệ sỹ Hải Ngoại. 
Thơ anh nhẹ nhàng, thấm vào lòng người đọc một chất men say ngây ngất. 
Mỗi bài thơ của anh là một suối nguồn tư tưởng. Mỗi câu thơ của anh là một ngụm trà thơm... 
Anh sáng tác rất nhiều bài thơ trên các trang web, và một trong những đề tài quyến rũ người yêu thơ trên

phố ảo là Quê Hương và Tình Yêu. 
Với thơ viết về Quê Hương,“Trái tim Việt Nam” của anh là một đề tài yêu nước phát xuất tự đáy lòng. 
GS.Song Thuận 


@

 

"...Cũng như bao nhiêu nhà thơ trưởng thành của thế hệ đàn anh, đàn chị trước . Cái đặc biệt của anh

Cao Nguyên là rất trầm tĩnh, hay nói rõ hơn là bản tánh thâm trầm nhưng chân tình đầy nhiệt huyết .

Vì vậy hầu hết thơ anh nặng về quê hương . Những bài ca hùng tráng ngày xưa một thời liệt oanh .

Thơ quê hương như những dòng máu trong huyết quản . 
Thơ anh : 
- Với Quê Hương và Đất Nước : nhiệt thành,trách nhiệm 
- Với Tình Yêu và Cuộc Sống : chân tình, nồng nàn … " 
Bình Minh 

@


Thơ Cao Nguyên thật buồn, cứ reo vào lòng người nỗi buồn man mác. ..
Thơ của anh gây xúc động tình người . Nỗi nhớ thương quê hương tràn đầy trong lòng chúng ta
Hoàng Hạc

*

 "... Anh là người của quê hương muôn thuở , trong dòng máu và thơ anh nặng tình quê hương bất diệt ..." 

Vy Sơn


@

 

Thơ Cao Nguyên có nét riêng, rất đặc biệt của mình. cách sử dụng từ, tư tưởng, lối kết cấu, đều hoàn toàn

theo phong cách riêng. Không giống ai mà cũng không ai bắt chước được. K cho đó là nét tài hoa của mỗi

người để không bị loãng tan trong vô số nhà làm thơ hiện nay .
Đặng Lệ Khánh 


@

 

'...những đồng điệu trong tâm hồn kẻ lãng tử và sự cảm nhận nơi trái tim kẻ chính nhân .. đã cho chúng ta

bắt gặp nhau để cùng có dịp suy ngẫm hơn chút nữa những điều đã thấm sâu vào máu huyết và bám chặt

trong tâm thức của mình về trách nhiệm và bổn phận với quê hương, giống nòi mình... 
... không biết từ đâu - những ngọn gió ẩn mình trong "sóng triều âm" riêng một tháng Tư = vết nám không

thể tẩy xóa của lịch sử Việt Nam - khởi đầu từ vùng Cao Nguyên - dải Trường Sơn và kết thúc ở Sài Gòn.

Một kết cuộc bi thương lan tỏa và còn mãi mãi không bao giờ có thể chấm dứt, dù đã sau 35 năm. 
… mỗi thánh Tư về, những linh hồn bắt gặp linh hồn trên đỉnh đầu biết bao nhiêu “ngọn triều âm” như thế

rồi nhỉ? Và, trong những lần chạm tới của hơi thở từ những mồ hoang vào sự linh thiêng và nhiệm mầu của

một Đấng siêu nhiên từ bên ngoài và tận cùng Vũ Trụ - tạo nên một tái tạo của khoảnh khắc tràn đầy bi

thương uất hận ấy. 
Xin được cám ơn cuộc đời và tất cả những gặp gỡ của htmt với những người đã, đang và sẽ lướt qua cuộc

đời và chữ nghĩa cõi trần gian hôm nay và mai sau !

Cảm ơn nhà thơ Cao Nguyên với Ngọn Triều Âm!

Trân Trọng,
Hoàng Thy Mai Thảo 

Paris .


@

 

Anh Cao Nguyên thân mến, 
Cám ơn anh đã cho tôi được thưởng thức các Bài Thơ của Anh trong 
Tập Thơ "Thao Thức”. Vần điệu, âm điệu và chữ nghĩa trong Thơ anh thật 
đánh động sự lôi cuốn. Lời Thơ lại rất nhẹ nhàng nhưng sắc bén, không cầu kỳ. Sự giản 
dị trong sáng và được diễn đạt một cách dễ dàng đi thẳng vào tâm hồn người đọc. 
Anh có một Hồn Thơ và trí tưởng tượng thật dồi dào. 
Đặc biệt lời dẫn của anh trong tập thơ Thao Thức cho tôi cảm nhận rằng: 
Cao Nguyên không hẳn là một Thi Sĩ mà còn là một Văn Sĩ. 
Thân mến 
Hoàng Long 
Maryland Apr 20,2012


@

 

Náo Nức Hội Trăng Rằm – Bài thơ rất chân tình, ngôn ngữ giản dị và rất mới. Mong chúng ta có dịp gặp

nhau ở một tuyển tập văn chương nào đó .

Hồ Trường An (Paris)


@

 

TT thích đọc loại thơ để cười và để khóc.Thơ Cao Nguyên nhiều ý tưởng, đủ để cười và để khóc . Chừ ai

hỏi vì sao khóc, vì sao cười, thì chẳng biết trả lời vì sao! 

Họa Sĩ Thanh Trí (San Jose)


@

 

HN vẫn vào Quán Mây để đọc Thao Thức . Nhưng đọc trên net không “đã” . Có quyển thơ trên tay, để đầu

giường, mỗi đêm tùy ý, cứ thư thả ôm thơ vào mộng, thích hơn anh CN nhỉ?. Vì vậy mà HN nghĩ anh in

Thao Thức đi nhé!. Chúc anh còn hoài nỗi đam mê với nàng thơ, say mê trong sáng tác và không ngừng

khai phá chữ nghĩa, để những vần thơ Cao Nguyên ngày càng quyến rủ

 và lôi cuốn, những vần thơ rất CN, một cõi thơ riêng!.

Vũ Hồng Ngọc (California)


@

 

Thơ đẹp, ý đẹp, truyền cảm trung thực. Vừa là sứ mạng, vừa kiếp nô, vừa chán chường, vừa nhớ thương.

Còn viết được thì vẫn còn cuộc hành trình. Một cuộc hành trình không tới đích, vì tự nó là đích rồi

Mong anh nhận ra còn nhiều người đi bên cạnh trên những cung đường vô tận đó. Mãi mãi cũng gặp nhau.

Tình thân

Lưu Nguyễn Đạt (Washington.DC)


@

 

Tình ngạo khí. Đời cuồng ca 

nhưng trong sâu lắng máu hòa lệ rưng 

Sông mông mênh. Núi chập chùng 

gom vào thơ vẽ tranh hùng tráng bi! 


Hạnh nguyên vào cuộc giao tri 

gởi người thơ chút nghiệm suy thật thà 

Cầu mong chữ nghĩa nở hoa 

đẹp vườn tâm tưởng trong tòa sử thi! 

Hoàng Yến (France)


@

 

Thơ Cao Nguyên rất thơ. Tôi thích lối thơ này. Giản dị, nhưng đầy hơi thở của xúc cảm trong đó.

Thân mến

Phong Vũ


@

 

Anh Cao Nguyên thân 

Đọc " Bọn Mình" . Một bài thơ hay, thấm thía, chan chứa tình người.

Thân 

Tràm Cà Mau


@

 

Đọc bai tho " Bon Minh" cua anh noi ve cuoc doi binh lua cua chung ta tâm hồn tôi xao xuyen chi la. 

cam on anh gui cho nhau bai tho that tuyet voi. 

Phan Kham


@

 

Có cái gì đó rất nhẹ, rất lặng nhưng lại quyết liệt, trong cái tĩnh lại thấy cái động lãng đãng - trong giấc mơ

của thao thức - Thơ anh kỳ diệu thế... 

Thu Hà Nội


@

 

Anh Cao Nguyên quý mến, 

Tôi vừa nghe qua bài thơ phổ nhạc "Rừng Ơi" của anh. Thơ buồn và ý nghĩa lắm của người mong mỏi cố

hương trong ánh nắng nhiều, nghe như "cọp nhớ rừng" vậy. 

Mến chúc anh khoẻ, mong được thưởng thức tiếp thơ của anh. 

Thân kính 

Nhạc Sĩ Châu Đình An


@

 

Thơ Cao Nguyên khi nào cũng chứa chan tình cảm và nhẹ nhàng làm xúc động người đọc. 

Tràm Cà Mau


@

 

Anh có vẻ khiêm nhường trong cách nói về thơ của anh . Việc thi sĩ ra tuyển tập thơ của mình _ không hẳn

chỉ là vấn đề thi sĩ đó biết "tự đánh giá" mình hay không đâu anh CN ! ... Phải đọc qua bao nhiêu bài thơ

viết về Saigon hay có liên quan đến Saigon ( trong TN ) _ mới chọn được bài của anh . Trong bài "Saigon,

Em & chiếc áo dài" _ có những ý tưởng và hình ảnh rất hay về Saigon xa xưa , về anh , về em , về quảng

đời niên thiếu, và nhất là ... về những gì đã qua không còn tìm được nữa .

Chúc anh luôn vui và sáng tác mạnh . 

NS Hoàng Tùng Nguyên 

Dec 26, 2006


@

 

Giọt Lệ Hồng của Một thời Quê Hương mỗi lần Xuân đến ... Không thể không xoáy buốt tâm can của

những người đã từng qua... không thể nào quên... Cám ơn giai điệu lồng lộng của thơ anh... Bàn tay đã

dâng hiến hoa hồng bao giờ cũng ngát hương ... cho dù có đẩm máu vì gai thì những giọt máu kia cũng

thơm mùi hạnh phúc... 

Vương Anh (Sài Gòn)

*

Cảm ơn anh Cao Nguyên. Bài thơ “ Nửa Thế Kỷ Việt Nam” như một thông điệp gửi đến moị tấm lòng,

mọi trái tim chân chính. Đọc lên tôi lại nghe văng vẳng Bình Ngô Đại Cáo của Khai quốc Công thần

Nguyễn Trãi. 

Song Nhị (California)


@

 

Trước khi gặp Cao Nguyên, anh gọi thơ tôi là thơ khẩu hiệu . Tôi giận anh, giận lắm . 

Nhưng khi ngồi trước anh, đúng hơn là trước thơ anh . Tôi cười, hả giận . Vì thơ anh vượt lên bày trước tôi

nỗi nhớ rừng xưa, nhớ đồng đội cũ nơi chiến trường và nơi hỏa ngục! 

Tôi đã khóc trong điện thoại với anh, khi tự tôi đọc anh nghe chính thơ của anh, bài Rừng Ơi .

... thương mùa cây cúi đầu buồn tháng Hạ 

lá chịu tang qua mấy chục năm rồi! 

lúc ta đi, rừng sâu còn ngún lửa 

lửa hận thù, cháy quá nửa đời ta 

cháy bỏng màu da, làm sao lành vết sẹo 

chung niềm đau, ta chẻ máu nuôi rừng ... 

Ôi tiếng kêu não lòng không chỉ với Cao Nguyên mà còn với tôi, với người đọc cảm thấy đau buốt tận

cùng 

... thơ ta đó, rừng ơi! ru chút nhé 

ta chưa về thăm đất mẹ chiều nay 

sợ hàng cây còn long lanh ngấn lệ 

ta với rừng sẽ khóc giữa vòng tay! 

Nhà thơ Cao Nguyên ơi! Tôi đã khóc khi đọc thơ anh . Những giọt nước mắt hạnh phúc vì Rừng, vì Thơ . 

Pittsburgh, 22 tháng 10 năm 2013 

Lê Mai Lĩnh


(Trích những dòng lưu bút trong tác phẩm THAO THỨC)