Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

Thi Họa Vũ Hối

 

THI HỌA VŨ HỐI - 60 NĂM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT 


Danh họa Vũ Hối, bút hiệu Hồng Khôi là một họa sĩ, một thi sĩ và nhà nhiếp ảnh, nổi tiếng về hội họa của Việt Nam và quốc tế.
Ông sinh ngày 22 tháng 11 năm 1932 tại làng Dương Đàn, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, vùng đất có năm ngọn núi tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ kết thành Ngũ Hành Sơn, nổi tiếng là vùng “Địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh nhiều nhân tài của đất nước.
Nghệ thuật có mục đích ghi cũng như thực hiện những cái Đẹp trong vũ trụ mà văn chương, âm nhạc, hội họa là những nghệ thuật phổ cập hơn hết và Vũ Hối đã chọn hội họa cùng văn chương để gởi gấm con tim, khối óc, lý tưởng của mình vào đó hầu làm cho đời đẹp hơn lên. Muốn nói đến thi-họa-sĩ Vũ Hối, quý vị cũng như chúng tôi phải cần đến một pho sách dày mới nói hết về những đóng góp cho văn học và nghệ thuật trong hơn nửa thế kỷ cầm cọ, cầm bút của ông.
Chúng ta được biết những thành tích của Vũ Hối qua:
- Đã từng du học ở Hoa Kỳ tại các tiểu bang South Carolina và Georgia vào năm 1960
- Tên tuổi của Vũ Hối cũng đã đi vào Bách Khoa Tự Điển Larousse, bộ tự điển nổi danh nhất của Pháp và thế giới
- Được mời vẽ chân dung tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy
- Được mời vẽ chân dung Đại tướng Creighton W. Abrams, Tổng Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ ở Việt Nam
- Giải Khôi Nguyên Hội Họa Quốc Tế năm 1963 tại Hoa Kỳ
- Có tên trong Văn Học Tự Điển thời Việt Nam Cộng Hòa
- Sáng lập trường phái Luân Vũ Họa (Paintings In Motion) và Thư Họa (Handwriting Painting)
- Được ghi danh trong Tuyển Tập L’ art de l’ecriture, Paris 1993
- Nghệ sĩ Á Châu duy nhất được vinh danh về Sáng Tạo Nghệ Thuật cho thế giới, tại Atlanta – Hoa Kỳ ngày 5-11-1994
- Được tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel tiếp kiến và nhận tranh “The Dream of Peace” tại dinh tổng thống Praha ngày 5-9-1995
- Có tên trong “Vẻ Vang Dân Việt II” (The Pride of The Vietnamese Edition II) trong Tự Điển Danh Nhân Thế Giới, ấn hành tại Anh Quốc năm 1998 (Dictionary of International Biography 1998 – Cambridge – England)
- Tên tuổi Vũ Hối được ghi trong “5000 Persionalities of The World”, do American Biographical Institute ấn hành năm 2000
- Có tên trong “Tự Điển Một Phần Tư Thế Kỷ Việt Nam Hải Ngoại” do Hội Văn Hóa Pháp-Việt (France-Vietnam Culture), ấn hành năm 2003 – Paris
- Nhà Thư Họa Việt Nam duy nhất được ghi tên trong “Tuyển Tập Thư Họa Bậc Thầy Đông Phương”, ấn hành tại Tokyo – Nhật Bản năm 2006 (Volume 6 International Edictonal – Tokyo – Japan)
- Được Nghị viện Hoa Kỳ vinh danh là Chiến Sĩ Văn Hóa và Chiến Sĩ Nhân Quyền tích cực đấu tranh cho Tự Do–Dân Chủ–Nhân Quyền do nghị định số 322 tại Hoa Kỳ
Ngoài danh tài về họa, Vũ Hối còn là một nhà văn, nhà thơ. Văn ông trong sáng, súc tích còn thơ ông nhẹ nhàng, truyền cảm và ông đã xuất bản:
- Mùa Giao Cảm (Thơ) 1958
- Vần Thơ Màu Trắng (Thơ) – La Poésie de Couleur Blanche, được phiên dịch ra Anh và Pháp ngữ năm 1959 tại Sài Gòn
- Những Dấu Chân Đi (Truyện Ngắn), xuất bản năm 1960
- Hợp Tấu Thi Tuyển cùng 26 nhà văn hiện đại – Nhân Loại xuất bản năm 1969
- Chiêm Bao Trở Giấc (Thơ), xuất bản năm 1997
- Nghìn Thương Đất Mẹ (Thơ và Thư Họa), năm 1999
- CD Vũ Hối và Thơ Nhạc Trong Tranh do Nhật Trường Production thực hiện năm 2000
- CD Thơ Chiêm Bao Trở Giấc do nghệ sĩ Bích Ty- Hà Phương phát hành
- Thư Họa Trích Kiều, xuất bản năm 2003
- Thơ Vũ Hối (CD ngâm thơ)
- Tuyển Tập Mây Ngàn (Thơ – Thư Họa Vũ Hối), ấn hành tại Norway năm 2004
- Nghệ Thuật Thư Họa, năm 2007
( Trích bài viết của nhà văn Lê Thương)
Mời xem Nhà Văn Lê Thương và Đỗ Bình viết về Nhà Thư Họa Vũ Hối:


Trong nhiều năm qua, mỗi khi có buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật trong vùng Hoa Thịnh Đốn, đều có anh Vũ Hối tham dự và chúng tôi gọi anh là Nghĩa Huynh với nụ cười hiền hòa thoáng nở trên môi cùng lời chào thân ái gửi đến mọi người.
Chúng tôi cũng được mấy lần đến nhà anh, uống trà cùng nói chuyện thi họa trên hành trình nhân văn qua từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử Việt Nam, có sự hiện diện của chính chúng tôi vừa là chứng nhân và nạn nhân trên dòng lịch sử này.
Mấy năm gần đây do tình trạng dịch bệnh bất ổn, chúng tôi chưa đến thăm anh được. Hôm nay xem lại tuyển tập "Vũ Hối - 60 Năm Văn Học Nghệ Thuật", chúng tôi thật nhớ anh. Xin gửi đến quý thân hữu kỷ niệm của chúng tôi với anh Vũ Hối như nhắc mình giữ nghĩa tình Huynh Đệ. Nguyện ơn trên ban hạnh phước cho nghĩa huynh An Lạc Thân Tâm
Cao Nguyên 


Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

KỶ NIỆM NGÀY QUÂN LỰC VNCH 19 tháng 6-2022- Phần 5 - Kết


KỶ NIỆM NGÀY QUÂN LỰC VNCH 19 tháng 6-2022- Phần 5 PARIS TRÀ ĐÀM rất hân hạnh được gửi đến quý vị Chương trình Đặc Biệt gồm có 5 phần. KỶ NIỆM NGÀY QUÂN LỰC 19 tháng 6. Với sự tham gia của. Thiếu Tá Biệt Đội Trưởng- Biệt Đội Thiên Nga NGUYỄN THANH THỦY. Hải Quân Trung Úy - ĐINH QUANG TRUẬT. Ca sĩ THU SƯƠNG (Đức Quốc) Nhạc sĩ ĐÌNH ĐẠI (Pháp Quốc)

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Hồi Ký Miền Nam | Rải Tro Theo Gió


Vãi Chữ Lên Trời
“lệnh sáng giữ, lệnh chiều bỏ Huế
Bao chiến công … cũng thế mà thôi
Hải Vân … tro rắc bốn trời
Hạt tro nào … lạc vào nơi Cổ Thành!”
Nhất Tuấn
Trời Đông Bắc Mỹ những ngày cuối Đông xám xịt sau trận tuyết phủ trắng mặt đất. Không thể đi đâu và không thể viết gì lên trời sáng nay vì mất điện.
Cánh cửa thông ra thế giới bên ngoài bị đóng lại. Đành đi vào thế giới bên trong những trang sách. Mắt tôi dừng lại nơi “Rải Tro Theo Gió” của nhà văn Nguyễn Tường Thiết trong Giai Phẩm Xuân 2011/ Người Việt . Kể chuyện những người thân của tướng Ngô Quang Trưởng vãi di thể tro của Ông trên đỉnh đèo Hải Vân.
Đúng là một đoản văn hay, những con chữ cuốn tôi theo dòng hồi tưởng qua một thời đoạn trong chu kỳ sinh tử của một đất nước, một đời người.
Với đất nước:
Trong khoảng thời gian 30 năm, từ lúc nhà văn Nguyễn Tường Thiết gặp tướng Ngô Quang Trưởng lần đầu ở Thủ Đức/Việt Nam (1962), đến lần gặp cuối ở Virginia/Hoa Kỳ (1993). Tôi cũng từ một chinh nhân đi xuyên qua chiến tranh và hòa bình. Một chiến tranh mang đủ chất bi tráng và một hòa bình đau thương trong lòng người dân Việt luôn khát khao ánh sáng tự do và công lý. Bởi nhiệt huyết dấn thân bảo vệ quê hương bị phản bội bởi đồng mình và nội thù.
Điều còn lại sau cuộc chiến là những hồi tưởng xót lòng khi nhìn chút long lanh trong những hạt bụi của những nhân dáng chinh nhân “vị quốc vong thân” và văn thi nhân “phong trần tải đạo”. Rồi cũng thế …mà thôi! Lời thơ của Nhất Tuấn buồn u uẩn! Chấm một dấu than hay bỏ lửng … cũng làm chùng tâm người lữ khách của hai miền nội, ngoại cả trong giá rét mùa Đông hay trong nắng ấm Xuân về. Hạt tro nào … quyện vào hồn thiêng Tổ Quốc! Hạt tro nào là vóc thân em hiện về …
em về ngồi giữa chơi vơi
uống trăng như thể rượu mời thuở xưa
hỏa châu sáng mấy chưa vừa
còn chong con mắt thắp thừa lòng tin
(rằng ta đi vẽ hòa bình
trên lưng cuộc chiến để tình thăng hoa!)
Thế nhưng …
bao nhiêu năm nhân loại tìm
chưa ra bản vẽ hòa bình của em
tấm lưng cuộc chiến còn nguyên
chỉ thêm vết đạn xuyên tim xoắn vào!
Cuộc dấn thân đi vẽ hòa bình trong tình nhân ái đã không được hồi báo theo lòng ước nguyện. Sự tàn bạo của cơn hồng thủy phủ tràn lên đất nước một lớp sóng hòa bình giả tưởng trên những thực thể điêu tàn đến thê lương. Để tôi có những ngày ngồi nơi Quán Gió
ngồi đây nghe tiếng vó câu
vang sâu thẳm, đáy cốc sầu rượu xưa
chiến bào, màu hổ phách khua
kiếm loang loáng sáng, đắng thừa chạm môi
Và hơn thế, nhìn xuyên đêm qua khung cửa, thấy sương pha trăng rót lấp loáng trên cành cây, ngỡ như còn rõ mặt kiếm cung:
Đêm nhìn sương trăng thấy cành nhớ kiếm
kiếm gãy xuyên đêm rơi xuống đất cằn
mộ lá vàng khô gió xếp trăm năm
đá chạm chữ khua lòng ta thao thức!
Với đời người:
Những giọt lệ hồng pha sương đêm thấm đẫm vào suy tưởng có không thân phận một đời người trong vòng thiên mệnh. Biết có, để thấy sự hợp lý của những thử thách sinh tồn vì cuộc dấn thân. Không tự đứng lên là bị dìm xuống dưới khắc nghiệt của thế thời. Biết không, để thôi chấp ngã về những vọng niệm đi về giữa tử sinh, vinh nhục. Cho nhẹ hều thân tâm chờ hóa bụi bay vào vô định!
Giữa khi còn có, còn không . May được nỗi vui giữa những bồi hồi chữ nghĩa gởi cho đất và người những bản chúc thư trầm mặc chờ một cơ duyên hạnh ngộ dẫu như hoang tưởng:
đất không nước và ta người tàn phế
vói đôi tay không thể chạm quê hương
còn hoang tưởng chẻ không gian ngồi ngắm
nước thời gian chảy thấm mạch yêu thương!
Còn hoang tưởng chẻ không gian ngồi ngắm, là còn thấy yêu thương cả trong vụn vỡ một đời người đến độ hóa tro vẫn chứa sự long lanh của dòng nước mắt. Từ những dòng thơ của nhà thơ Nhất Tuấn đến “Rải Tro Theo Gió” của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, tôi lan man nghĩ đến và nhớ về những người anh, người bạn hân hạnh biết trên đường chinh chiến và trên hành trình chữ nghĩa đã vào nơi vô định, yên phận tử sinh như các anh Phạm Huấn, Kim Tuấn, Hiếu Anh, Vương Đức Lệ … Dẫu họ đã hóa tro bay vào thinh không, những tinh thể vẫn sáng trong tâm tôi . Nếu những hạt tro của thân thương được vãi lên từ một đỉnh cao của quê hương như những hạt tro của tướng Ngô Quang Trưởng được thoát bay từ đỉnh Hải Vân thì quá tuyệt vời. Ai mà không ham tro mình được vãi vào lúc cuối đời! Của phù du trả về cát bụi!
Cho nên vào những ngày cận Tết như hôm nay, sao tôi mong được người về ngồi đối ảnh, dù biết …
còn có gì đâu mà khoản đãi ...
ngoại trừ dòng chữ rót đau thương
ly biệt xin thôi đừng nhắc mãi
buồn nẫu lòng ta hoài cố hương
người về cũng chỉ là nhân ảnh
ly rượu mời sóng sánh khói hương
Xuân muộn hay trời Đông Bắc lạnh
mà hoa chạnh nở đóa vô thường ..
Ôi những đóa vô thường dễ thương biết mấy, những đóa hoa yêu thương chẳng bao giờ tàn. Dù khi người về thoát đó lại đi . Chỉ còn lại những dòng chữ lung linh dưới ánh nến chiều cuối năm chạm cửa đêm trừ tịch, đang chờ mùi trầm hương với men rượu hồ trường. Bùi ngùi của quá khứ đủ cho một trầm khúc mới níu gót chân xuân chạm vào hành trình còn mở để nghe ngân tấu bài sử thi ngạo nghễ lời huyết mạch Văn Lang:
Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng
(Nguyễn Đức Quang)
Ôi triệu khối kiêu hùng trong lòng người dân Việt đang chờ được hát tiếp lời ngạo nghễ, với hành trang mới lên đường thực hiện giấc mơ cũ của cha, ông trong sứ mạng bảo vệ non sông Tổ Quốc.
Hành trình đi lên còn mở, những ước mơ chưa hề khép lại . Như tôi đang hăm hở chào mùa Xuân khi mùa Đông còn sương tuyết trắng . ..và em còn những băn khoăn ...
em hỏi: còn Đông sao chào Xuân?
thưa rằng: đời vẫn đợi tin mừng
từ trong sương tuyết hừng đông mới
nắng cứ xôn xao rộn cả lòng!
Giữa hai cuộc gọi trưa nay, một với nhà thơ Nhất Tuấn – người cùng thời đã tặng tôi những ân tình chữ nghĩa, và một với trung tá Tôn Thất Tuấn – một hậu duệ đã gởi tôi những tâm cảm chân thành về thế hệ đàn anh. Đã làm thành một chiếc cầu vồng quá đẹp nối hai nhịp quá khứ với tương lai. Chiếc cầu vồng lấp lánh sáng những hạt tro hồng vãi bay theo gió trên đỉnh Hải Vân, trên đỉnh cao của tình người miên viễn trân trọng phẩm giá nhân sinh công bằng và bác ái.
Cám ơn nhà văn Nguyễn Tường Thiết đã cho tôi cảm hứng gõ thêm những giọt chữ trên dòng sông tâm thức nối mạch đông tây và sau trước của một phận người còn hào sảng với những ước mơ . Còn rưng lòng cảm xúc tri ân những hạt tro hồng… vị quốc vong thân!
Chỉ còn chờ có điện, đèn bật sáng, tôi vãi chữ lên trời! Lời thong dong bay trong cõi đời hư ảo!
Cao Nguyên
---
Nghê Lữ diễn đọc:
@
Vãi Tro Theo Gió / Nguyễn Tường Thiết

Tháng Ngày Qua

 

THÁNG NGÀY QUA

Hồi ức của NGUYỄN TƯỜNG NHUNG
Trưởng nữ Nhà văn Thạch Lam
Phu nhân Trung Tướng Ngô Quang Trưởng QL VNCH



Sách in màu, bìa cứng, dày 412 trang
Thạch Ngữ xuất bản 2021

Biên tập: Nguyễn Tường Giang
Đọc bản thảo: Trần Thị Nguyệt Mai & Nguyễn Tường Giang
Thiết kế hình ảnh: Nguyễn Tường Tâm
Thiết kế bìa: Đinh Trường Chinh
Chân dung tác giả trang bìa: Họa sĩ Thanh Trí
Trình bầy và Dàn trang: Nguyễn Đồng

Chân thành cảm ơn Nhà văn Nguyễn Tường Nhung
và Bác sĩ / Nhà thơ Nguyễn Tường Giang cùng Nhà xuất bản Thạch Ngữ.

Trích giới thiệu từ bìa sau

Thạch Lam, nhà văn tài hoa trong Tự Lực Văn Đoàn, ông sống một cuộc đời giản dị và thanh bạch. Ông mất đi khi còn trẻ, để lại một vợ và ba con thơ. Tác giả Nguyễn Tường Nhung là con gái đầu của ông, lúc đó mới sáu tuổi, đã phải phụ giúp mẹ trong cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Đọc những trang hồi ức của tác giả để thấy lại sức phấn đấu, nhẫn nại của phụ nữ Việt Nam trong thời nhiễu nhương những năm tháng chiến tranh…
Tướng Ngô Quang Trưởng là một vị tướng nổi danh trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, được coi là trong sạch, liêm khiết và đức độ. Người ta chỉ biết đến tài chỉ huy quân sự của ông, nhưng ít ai biết về đời sống gia đình thường ngày và nhất là cuộc sống của ông khi lưu vong nơi xứ người. Hồi ức Tháng Ngày Qua đã soi tỏ một đời sống có thể nói là quá bình thường của vị tướng lãnh quyền lực nhưng đầy lòng nhân hậu, đồng cảm thương xót quân nhân thuộc cấp. Ông cũng là một người chồng đầy tình cảm lãng mạn, một người cha nhiều trách nhiệm, đã sống một cuộc đời khiêm nhường, khép kín nhưng có lẽ thật bình yên, hạnh phúc như một di dân tị nạn tại Hoa Kỳ…

Nhà xuất bản Thạch Ngữ

 

Đây không chỉ thuần là một tập hồi ức, mà còn là những trang tư liệu rất quý về gia đình nhà văn Thạch Lam và tướng Ngô Quang Trưởng, một trong những vị tướng lãnh rất giỏi và trong sạch của Quân lực VNCH, được thuộc cấp nế phục. Và riêng tôi cũng rất kính phục và ngưỡng mộ từ đã rất lâu… Tác giả tuy là vợ tướng lãnh một vùng, nhưng bà sống rất giản dị, bình dân, lo cho chồng, cho con, biết thông cảm với mọi người. Những đoạn viết về thời tuổi trẻ quá cơ cực của bà dễ làm độc giả chảy nước mắt…

Nhà thơ Trần Thị Nguyệt Mai 

Đọc sách “Tháng Ngày Qua” của Nguyễn Tường Nhung: