Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

ƯỚC MƠ VIỆT


Bài Ước Mơ Việt trình bày với tiếng hát của cháu Việt Khuê 
cùng tiếng đàn của hai cháu  Việt Khôi và Việt Khải trong một gia đình.
Đặc biệt cháu Việt Khuê mới có 6 tuổi đã diễn đạt lời Việt rất rõ và truyền cảm.

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

Nhạc sĩ Lam Phương

NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG

(1937 - 2020)



Trăm Nhớ Ngàn Thương... Một vì sao sáng trên bầu trời nghệ thuật đã vừa vụt tắt. Một trong những tên tuổi lớn nhất của âm nhạc Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi. Nhạc sĩ Lam Phương vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6:07pm ngày 22 tháng 12, 2020 tại thành phố Fountain Valley, California. Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937.

Ông là một trong những người tiên phong của tân nhạc miền Nam với gia tài sáng tác gồm hơn 200 tác phẩm trải rộng trong nhiều đề tài như thân phận con người, thăng trầm đổi thay của mệnh nước, ca ngợi quê hương, tình mẫu tử, tình lính và tình yêu. Nổi danh từ năm 17 tuổi với 2 sáng tác Chuyến Đò Vĩ Tuyến và sau đó là Kiếp Nghèo, Lam Phương là 1 trong những tác giả có sức ảnh hưởng và được yêu mến nhất với vô số những tác phẩm nổi tiếng như Thành Phố Buồn, Duyên Kiếp, Tình Bơ Vơ, Đèn Khuya, Nắng Đẹp Miền Nam, Khúc Ca Ngày Mùa, Tình Anh Lính Chiến, Đoàn Người Lữ Thứ, Biển Tình, Lầm, Say, Bài Tango Cho Em, Mùa Thu Yêu Đương, Tình Vẫn Chưa Yên... Dòng nhạc Lam Phương có sức lan tỏa rộng rãi tới khắp mọi tầng lớp trong xã hội, được thuộc nằm lòng và yêu chuộng qua nhiều thế hệ cho đến tận bây giờ. Cuộc đời đầy thăng trầm biến động của người nhạc sĩ tài hoa đã khép lại. Sự ra đi của ông là 1 mất mát to lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam. Trung tâm Thuý Nga cùng toàn thể các ca nghệ sĩ xin tri ân nhạc sĩ Lam Phương cho tất cả những đóng góp của ông, và thành kính phân ưu cùng tang quyến. Cầu mong nhạc sĩ yên nghỉ nơi cõi lành. “Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh...”

---
Trang lưu niệm về nhạc sĩ Lam Phương:

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

Thầm Lặng

 Giới thiệu sách mới THẦM LẶNG



NGHE TRONG THẦM LẶNG
(Nhân đọc tập truyện Thầm Lặng (*) của Doãn Kim Khánh)
Phan Ni Tấn
Tôi còn nhớ năm 1979 cuối con hẻm nhỏ trên đường Thành Thái, Sài Gòn có một căn nhà nhỏ của một gia đình di cư không giàu có. Dĩ nhiên có thể nói họ nghèo nhưng tên tuổi, đạo đức và khí khái thì mênh mông. Đó là gia đình nhà giáo kiêm nhà văn Doãn Quốc Sỹ, tác giả của những tác phẩm giá trị trên văn đàn Việt Nam. Căn nhà cuối hẻm của nhà văn, vào thời buổi nhiễu nhương tuy không an toàn, nhưng với tôi, lại là nơi ấm áp nhất trần đời.
Đó là nơi tôi đã đến trú ngụ, dù chỉ một đêm thôi, nhưng đã để lại trong tôi một ngọn lửa hồng, một sự biết ơn. Đêm nằm trên bộ salon màu đỏ, đã cũ ngoài phòng khách, dù êm ấm tôi vẫn không ngủ được. Một du tử ngủ bờ ngủ bụi như tôi lúc bấy giờ, thấm thía cái lạnh nửa đêm ở Sài Gòn ra sao thì cái ấm áp dưới mái nhà này làm tôi bồi hồi, thao thức. Trong bóng tối lờ mờ tôi bỗng chú ý tới một bức tranh treo trên vách.
Đó là bức mộc bản của họa sĩ Võ Đình khắc họa một Cây Tổ trăm năm cằn cỗi, trên cành trụi lá có một con trâu bị chém treo ngành, dưới gốc cây một người đàn ông cụt giò, đứng chống nạng, con mắt trắng dã đau đáu nhìn vào cõi khôn cùng.
Đứng lặng trong đêm tối trước Cây Tổ tôi chợt thấy mình mỉm cười chua chát. Mình đang an trú ở đây trong khi gia trưởng, tức nhà văn Doãn Quốc Sỹ, một "biệt kích văn hóa" lại bị tù đày đâu đó trong một trại giam trên cao nguyên Gia Lai xa mù. Còn người bạn của gia trưởng, họa sĩ Võ Đình thì đang tha phương nơi xứ lạ quê người.
Sáng ngày hôm sau từ giã Doãn gia tôi tiếp tục lang thang trên nẻo đường vô định. Những tưởng sẽ không bao giờ tôi còn gặp lại những người tử tế này, nhưng không. Dòng đời đôi khi có những điều kỳ lạ mà không ai đoán trước được. Khi qua Mỹ gặp lại Doãn gia tôi như mở cờ trong bụng. Bước vào căn nhà họ Doãn ở Quận Cam tôi nhớ ngay tới các thành viên của "bản dinh" xưa trong con hẻm Thành Thái, Sài Gòn. Chính cái chân tình cố hữu, cái tư cách làm người của Doãn gia đã làm họ đứng thẳng, và làm cho căn nhà trở nên ấm áp hơn, hạnh phúc và thơ mộng hơn.
Lúc tôi gặp lại Doãn gia thì mẹ Thảo, người bạn đời của bố Sỹ, không còn nữa. Bù lại, đối diện với tác giả trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau tôi thấy thương ông già nhiều hơn. Nhà văn yêu nước này, không riêng gì tôi mà những ai ưu thời mẫn thế đều ngưỡng mộ và kính trọng nhân cách của ông từng đứng trước bạo quyền nói lời khẳng khái. Và bên cạnh ông là cô giáo Doãn Kim Khánh, thứ nữ của nhà văn yêu nước, lần đầu tiên tôi được gặp.
Ông bà Doãn Quốc Sỹ có tám người con, từ chị hai Thanh rồi Khánh, Liên, Thái, Vinh, Hưng, Hiển cho tới cô út Hương, tất cả đều giống bố, ưa chuộng văn chương và có năng khiếu về văn học nghệ thuật; chọn một điển hình là cô giáo Khánh.
Doãn Kim Khánh, một tâm hồn đôn hậu, có đôi mắt biết cười, tươi như môi. Tuy là thứ nữ, nhưng vì vóc người nhỏ nhắn nên cô giống như con chim sẻ nhỏ trong gia đình, con chim mô phạm, con chim biết hành văn. Nhưng Khánh không ồn ào viết mà âm thầm lặng lẽ và kiên trì viết để rồi Khánh từ tốn cống hiến cho đời một tác phẩm mang tên Thầm Lặng.
Thầm Lặng là tập truyện đầu tay của Doãn Kim Khánh, do chính Doãn gia phụ trách từ A đến Z, trình bày, in ấn và phổ biến. Ngoài tiếng Việt còn có phần Anh ngữ do Doãn Ngọc Thanh tuyển dịch. Thanh là trưởng nữ của ông bà Doãn Quốc Sỹ.
Đọc Thầm Lặng, ta nhận ra mỗi câu chuyện của Khánh là một bức khắc họa bằng những nét chữ mộc mạc, giản dị, sinh động mà hiền như nước mưa. Khánh viết như thể Khánh nhớ gì thì viết nấy, không cầu kỳ, bí hiểm nhưng không kém phần tế nhị, sâu sắc.
Dạy học là nghề, văn chương là nghiệp, Doãn Kim Khánh bộc bạch "diễm phúc được là một trong những đứa con hưởng 'tay cầm bút' của bố." Thật vậy, ngoài dạy học như bố, cuộc sống nội tâm đã thúc đẩy Khánh đi vào con đường văn chương với tất cả tâm tình, không những cô tìm thấy tâm hồn mình trong đó mà có cả hình bóng của người thân, của gia đình Trường Tộ, của gia đình Thành Thái, của bạn bè, của thầy cô, của các "trò" già lẫn trẻ, của thiện ác, của tuổi thơ, của chiếc lá và của… chiếc bánh đi chơi.
Điểm cao quí nhất trong văn chương Thầm Lặng là tình gia đình. Trong cảnh đời khốn khó của cuộc di cư vào Nam năm 1954, Doãn Kim Khánh, sau này kể:
"Tháng 9 năm 1954, mẹ theo bố vào Nam. Trước đó bố hoạt động ngang dọc, sáng ngời lý tưởng rồi ê chề thất vọng. Quyết định vào Nam là của bố, mẹ chỉ bế hai con và dắt cô em chồng mười bảy tuổi theo."
Ta thấy ở đây có hai hình bóng thầm lặng, là người mẹ "một đời thầm lặng mẹ theo bố" và cô em chồng tức em của bố. Ngòi viết của Doãn Kim Khánh chấm xuống tình ruột rà thương mến, cảm thông nhau và che chở cho nhau trong hoàn cảnh luôn bất lợi mà phải bỏ chòm xóm ra đi. Tình cảnh này được mô tả trong truyện "Bố và Cô" qua đó bố đưa vợ và hai con vào Nam, ông cũng đưa cả người em theo:
"Năm ấy bố 31 tuổi và cô 17. Cô ở chung nhà với bố mẹ được tám năm thì cô đi lấy chồng. Những tưởng cuộc đời trôi dạt cô ra khỏi vòng tay bố mẹ, để rồi 66 năm sau, cô và bố lại ở hai căn nhà sát vách nhau trên đất Mỹ. Hai căn nhà cùng địa chỉ, cô gọi nhà cô là ‘căn A’ và nhà bố là ‘căn B’. Ngày nay bố đã 97 tuổi và cô 83. Bố không còn mẹ đã 9 năm và cô đã không còn chú từ tháng Ba năm nay."
Người ra đi, kẻ ở lại qua bút pháp thật giản dị và vô cùng cảm động của Doãn Kim Khánh dễ làm xao xuyến lòng người; truyện "Lá" chẳng hạn.
Đó là câu truyện tình người buồn man mác, thấm thía và đẹp như thơ được Khánh mô tả qua hình ảnh chiếc lá. Dưới cái nhìn của Khánh cho ta thấy chiếc lá có hồn, và tiếng rơi của lá nghe như hồi chuông sinh tử của một kiếp người. Khánh tâm sự: "Mỗi chiếc lá rụng như có một tâm sự riêng. Thấy người nào sống với niềm u uẩn, tự nhiên tôi muốn so sánh họ với những chiếc lá rơi." Oái oăm thay, những chiếc lá rơi đó có tên Andrew và Sean Harvell, là hai chiến sĩ có số phận nghiệt ngã, như Khánh cho biết. Người em chết trận ở Afghanistan, người anh sống sót trở về từ chiến trường Iraq và Afghanistan nhưng mang chấn thương não và suy sụp tâm thần để cuối cùng chết đuối ở biển Long Beach. Và bà mẹ bất hạnh của hai người con anh hùng bạc mệnh kia cũng được tác giả Thầm Lặng hóa thành "chiếc lá vàng trời bắt sống để khóc chiếc lá xanh."
Ở đời có buồn thì cũng phải có vui. Vui buồn lẫn lộn trộn vào nhau thành vui sầu. Có những lần sau buổi dạy ra về thấy trời đã tối và se lạnh tự dưng cô giáo nhận ra tự đáy lòng dâng lên từng đợt sóng cảm hoài. Cô sầu với quãng đời dạy học trên đất khách quê người nơi mà truyền thống tôn sư trọng đạo hầu như vắng mặt. Khi nhớ lại những ngày dạy học ấm cúng xa xưa của cô ở quê nhà lòng cô chùng xuống. Và với niềm hoài cổ da diết, tự nhiên mấy câu thơ ông đồ già của cụ Vũ Đình Liên lại len vào hồn:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Lan man thầm hỏi xong cô Khánh lại nhẩn nha trôi ngược vào dĩ vãng để đi tìm ông thi sĩ Bùi Giáng lấy vui sầu làm mồi lửa thắp sáng lòng yêu mến trần gian. Gặp được người thơ bụi bặm phong trần rồi, Khánh vừa thương ông lại vừa thở dài sườn sượt nhận ra trần gian, quả như thi sĩ nói, sầu vui tiếp nối chuyện vui sầu:
Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc
Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay (BG)
Nhưng xuyên suốt qua 215 trang Thầm Lặng (không kể phần Anh ngữ) không phải truyện nào của Doãn Kim Khánh cũng mang tâm trạng u uất, não nề. Có truyện Khánh viết thật nhẹ nhàng như truyện "Đẹp Xấu", có truyện ẩn chứa một triết lý nhân sinh như truyện "Thím", truyện "Chuyện Kể Tại Một Văn Phòng", có truyện buồn cười mà dễ thương như "Tuổi Thơ Nhút Nhát", có truyện rưng rưng mà sảng khoái trước cái hào sảng thơ ngây của hai chị em Maya và Zayn như truyện "Chị Em". Có truyện Khánh viết thật dí dỏm pha chút xởi lởi giọng quê Nam trong đó có thằng Tư Ển nói ngọng, có Út Dzai chọc quê Út Gái… như truyện "Các Út Nhà Họ Doãn".
Bút pháp của Doãn Kim Khánh thật phong phú. Khánh dẫn người đọc đi qua từng trang sách với nhiều trạng thái khác nhau, từ trang buồn thầm lặng đến trang náo nhiệt vui. Ngược với tiếng nói của thầm lặng là tiếng cười nói hồn nhiên và ồn ào của thế giới trẻ con lẫn người lớn.
Trong Thầm Lặng, Khánh viết tặng hai "con guộc" của Doãn gia như truyện "Con Guộc" với tràn trề niềm vui của tiếng hát, ràn rụa sức mạnh của dây đàn. Cứ thế, dưới sự lãnh đạo của tay Dân Vận gộc vừa được thả từ trại "cải tạo" về - như Khánh cho biết - đã đẻ ra cái gọi là "Hội Ca Cầm" với Ngô "hát hay", Bồ "hay hát" hợp với ban văn nghệ nhà đồng cất lên tiếng hát sung mãn, tiếng hò ào ạt, vang vang, bền bỉ, dắt díu nhau qua từng vận nước, vận nhà nổi trôi, mặc cho bao nỗi đe dọa ngoài con hẻm của xóm lao động hiền hòa kia.
Cũng trong Thầm Lặng, truyện "Chuyện Ba Đứa Nhóc", Khánh viết tiếng Anh, Má Thùy dịch tiếng Việt, với sự hiện diện của ba vai chính: nhóc Oui(3 tuổi) hay hờn mác và nhõng nhẽo, nhóc Nô (10 tuổi) cứng đầu và rất có tâm hồn ăn uống, cu Bí (11 tuổi) lớn nhất nhà nên tự xưng mình là "anh Bí" quyền uy cao ngất như ông ngoại. Và, ba nhóc tì dưới hình thù của một con chuột, một con heo và một con gà trống mỗi lần tụ lại thì chị Na của tụi nó gọi là cuộc họp thượng đỉnh, thì thôi rồi: như giặc vào nhà, náo loạn cả trần gian lan lên tới thiên đình. Tuy bực, nhưng cuối cùng chị Na cũng kết luận chắc nịch: "Trong ba thằng quỷ sứ này cũng có ba thiên thần."
Ở đời có người thích cái này ghét cái nọ, ruồng cái khó bó cái khôn; người ước trúng số độc đắc, người sợ con số 13 v.v… Riêng tác giả Thầm Lặng lại yêu chữ H. Cái chữ H tiền định hóa ra là dòng mật thủy ngọt ngào , phù hợp với cái nao nức vốn có của hai con tim chân chính biết yêu. Sự tin cậy vào chữ H và tinh thần lạc quan của Khánh sau nhiều năm chung tay đã bện thành một sợi xích-thằng bền bỉ để rồi hồn nhiên tỏa sáng trong câu chuyện "Chữ H Huyền Diệu". Nghe Doãn Kim Khánh thổ lộ tâm tình thấy mà thương:
"Tôi sống vững chãi về tinh thần, nhờ có gia đình bên cạnh và nhất là vững tin nơi bờ vai mạnh mẽ của anh. Anh chính là chữ H huyền diệu và quan trọng cuối cùng trong đời tôi."
Và cũng vì tác phẩm mang tên Thầm Lặng nên truyện ít có lời đối thoại. Nhưng không vì vậy mà Khánh bị giới hạn, ngược lại miêu tả cách đối thoại phong phú của Khánh cho thấy điểm nổi bật tinh thần nhân bản và vẻ đẹp của tình người. Hãy nghe ở đây cách đối đáp đáng yêu nhất của tình cô cháu trong nhà:
"Các cháu khuyến khích cô viết về bốn đứa con của cô, cô viết vài dòng sơ sài rồi đóng quyển sổ lại, lại bị các cháu chê:
- Em của nhà văn sao dở vậy?
- Anh tao số 1! Khỏi so sánh.
Các cháu lại phải nhắc nhở:
- Anh cô nhưng bố tụi cháu.
Cô cương quyết:
- Đã đành bố các cháu, nhưng anh của cô!
Các cháu đành nhượng bộ:
- Vâng anh của cô."
Đọc Doãn Kim Khánh thấy hầu hết Thầm Lặng được viết theo lối văn tường thuật. Già nửa số truyện Thời Trang Và Từ Thiện, Bạn, Cho và Nhận, Nhà Giàu, Ứng Xử, Việt Kiều… là những truyện ngắn tiêu biểu cách xử thế đáng yêu mà cũng đáng ghét của sự sống con người. Chỉ cần ngần ấy nhan đề cũng đủ để nhà văn kể lại toàn bộ cuộc sống hiện thực, viết xuống cái nhân tình thế thái xẩy ra thường ngày bằng lời lẽ thân tình, cử chỉ thân mật, vui có buồn có, có gặp gỡ có chia xa, có hạnh phúc lẫn khổ đau. Đưa cái eo xèo, hỗn độn, cái ngả nghiêng chao đảo, cái trơ trẽn trật khớp của con người lẫn cái thiện cái ác, cái hồn nhiên của tuổi thơ vào văn xuôi là nghề của Khánh.
Đọc văn của Doãn Kim Khánh cho thấy nhà văn Thầm Lặng có tâm hồn hoài cổ, yêu quê xưa, mến người thân và bạn bè cũ mới tận đáy lòng bằng cách dùng ngòi viết để tường thuật những câu chuyện thường tình xảy ra trước mắt của mình và các đối tượng.
Cuối cùng, với tôi, tập truyện Thầm Lặng của nhà văn Doãn Kim Khánh khởi đầu từ căn nhà nhỏ trong con hẻm Thành Thái năm xưa ra tới ngoài nước ngày nay đều toát ra vẻ hiền hòa, chân thực. Quê hương xa xăm và tình người bên cạnh là tố chất đáng yêu đã giúp Khánh khéo léo trong cách hành sử văn chương để gói trọn chữ nghĩa trong tâm hồn bình dị và thầm lặng của mình.
Văn là Người. Người còn đó nên văn chương của Thầm Lặng vẫn có đó, còn đó và mãi mãi bay cao bay xa.
(*) Tìm mua tập truyện Thầm Lặng trên Website: Lulu.com

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

Xuân Tho

 Xuân Thơ

Bên này bờ đại dương nhìn về quê hương vào mỗi cuối Đông lòng cứ nôn nao. Mùa Xuân Bên Ấy thế nào hỡi em?
gọi em môi hồng của nắng
viết lời tình khúc vào Xuân
Nỗi háo hức của tôi mong một chuyển mùa từ Đông vào Xuân có nắng ấm, hoa tươi với tình đời nhân ái. Chứ không phải trong tâm trạng người lữ khách đi Tìm Lại Mùa Xuân trong khu rừng phong trụi lá nơi vùng Đông Bắc Mỹ buổi tàn Đông với nỗi băn khoăn:
có gì vui trên bước lưu vong
có gì vui trên miền đất lạ
có gì vui trong Tết xa nhà
có gì vui bạn bè trôi nổi
có gì vui trong men rượu cay!
Đã Tháng Chạp ta, cây trong rừng phong vẫn khẳng khiu, cành trơ trong gió xoáy, chưa thấy mầm nào chớm nẩy chồi xanh.
Sương vây trắng quanh ngọn nắng đầu ngày, mà cũng đủ lóe lên tia sáng tin yêu và hy vọng.
Niềm hy vọng Em Mãi Là Mùa Xuân trên Thảo Nguyên xanh với những cụm hoa dã quỳ vàng mượt, cuốn hút thơ tôi vào mộng đời xanh. Thơ xoãi bước thong dong từ cao nguyên về duyên hải để ngắm những hạt pha lê cát bám bờ vai nâu thấm mặn trùng dương. Thơ tiếp bước về phố thị tìm hương hoàng lan thoang thoảng trên làn tóc mịn. Bằng ấy dáng xưa đơm mùa Xuân tuổi ngọc. Nhưng:
nắng lên mà rét chưa buông
nên hoa chậm mở cánh vườn Xuân em!
Chiều cuối năm, mở cửa ra hiên cầm chai rượu hồng bám đầy tuyết trắng, tôi lại thèm uống giọt nắng xưa vào mùa phượng trỗ. Uống ngụm rượu lạnh thơm mùi dâu chín, đâu đủ độ say sao lòng chao nghiêng trong mùa Đông băng giá xứ người! Tạo nên ảo giác một cuộc hẹn tương phùng cùng em trên vùng đất hứa:
mai em nhé mình về nơi ấy
anh ươm thơ trên môi em ngoan
nghe khúc khích tiếng cười trẻ dại
nũng nịu em bay theo diều hồng
em có thấy một dòng sông mới
dâng phù sa vào gốc mạ thơm
trên cánh đồng anh vừa nghĩ tới
không hề lưu dấu vết căm hờn !
Khuấy trộn mùa quanh cho trí lẫn vào tiềm thức, bật lên nỗi nhớ da vàng bọc huyết thống Văn Lang. Quấn quít dòng thơ chảy ngược từ tâm thức tràn lên ngõ mắt găm chữ vào từng bước lưu vong. Từng bước xoãi dài từ quê nội ra quan ngoại, gói ghém theo nỗi nhớ ngút ngàn về phố chợ quê tôi mùa Tết ngày xưa.
Nhớ từng gánh hàng hoa trong phiên chợ sớm, nhớ từng màu mứt và trái cây tươi khoe sắc dưới lung linh ánh nến trên bàn thờ Tổ Tiên. Nhớ cả mùi hương trầm và khói pháo từ nhà ra ngõ của làng, của phố, của một quê hương nặng nghĩa ân tình.
về thôi, Tết đã đến rồi
Mẹ chờ đun lửa canh nồi bánh chưng
Cha chờ rót chén rượu mừng
đêm chờ ngày mới núi rừng rộ hoa
về thôi, ừ nhỉ, về đi
để xem Hồng Lĩnh, Ba Vì còn không
Cao Nguyên còn bạt ngàn thông
Miền Tây còn những tấm lòng rất Thơ
Sự rủ rê mơn trớn hồn thơ từ háo hức đến nghẹn ngào. Ôi ngàn thông xưa nơi cao nguyên đang hóa đá. Hồng Lĩnh, Ba Vì nay đã rêu hoang! Nên mãi Thơ chờ Xuân nở hừng đông trên mặt đất để được:
uống no một bữa khát khao
nước nguồn sông Mẹ ngọt trào đáy tim
nghe không em! triệu lời chim
reo vui tấu khúc Bình Yên Lạc Hồng!
Những thân thương chỉ còn trong luyến nhớ, bởi cánh tay trần không thể chạm tới dấu yêu xưa. Đành dùng cánh tay thơ vói qua hoài niệm để chạm mùa Xuân. Chạm vào mạch đất quê mình đã khuất xa từ thuở lưu vong sau cuộc đổi đời, để thoát khỏi những đòn thù hung hiểm của bạo lực. Những đòn thù đập nát tình người, vùi chôn phẩm giá. Tàn phá cả một nền văn hóa Việt Nam vốn được xây trên nền tảng lễ giáo và nhân nghĩa!
Nỗi khắc khoải nhớ thương Quê Mẹ đối với người lưu
vong, quật xuống dòng thơ những vết hằn u uẩn! Cho dẫu tôi đã chọn hướng nhân bản cho chữ nghĩa bước đi, đau thương và chua xót vẫn ẩn sau mặt nổi của Thơ. Viết từ quán triệt mà đọc như mặc niệm ngôn từ. Cánh thơ rũ xuống ngấm vào mạch đời những trầm khúc đau lòng. May còn chút hương thơ tỏa trong gió viễn phương nối nhịp tình người giữa hai bờ Đông Tây tạo nên nét sử thi làm quà giỗ Tết:
mùa Tết mà rưng cay khoé mắt
phải anh vừa nhắc chuyện Mậu Thân
Huế chít khăn sô buồn thấm đất
mưa phùn phủ trắng mộ đời hoang !
Để Thơ không lịm chết khi mùa Xuân hoài vọng chưa về. Tôi phải nhờ dáng thơ làm cứu cánh, giúp tôi đi nhẹ hẫng bước đời trên hành trình tìm lại mùa Xuân Văn Lang của giòng giống Lạc Hồng.
Thơ không chết vì Xuân còn sống mãi
Đời lại vui từ ấy có Xuân Thơ!
Cao Nguyên
Bắc Mỹ cuối Đông 2011
@

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

Cầu Nguyện

 



Cầu Nguyện

Đón mừng Thiên Chúa giáng sinh
Hợp lời cầu nguyện an bình khắp nơi
Nhân sinh ổn định cuộc đời
Quê hương tươi thắm tuyệt vời lá hoa

Cao Nguyên


Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Công Viên Anh Hùng

 Công Viên Anh Hùng – Công trình tâm huyết sử thi


Ngay khi chọn mỗi chuyến đi mở rộng tầm nhìn trên cảnh sắc từ ruộng đồng, núi sông và phố thị. Trong sự miên man giăng tỏa sức sống của Người và Đất trên vùng ngụ cư, những giọt nghĩ về cố hương vẫn gõ đều lên lý ức . Trộn lẫn hoài cảm với hiện thực, vẽ lên bức tranh với sắc màu cảm giác sâu lắng.

Như không gian chạm tới của chiều nay khi đứng ngắm công trình “Công Viên Anh Hùng” tại Thành Phố Midway ở Nam California do Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt đang khởi công xây dựng. Tâm trí tôi lại quay về những bài học lịch sử từ thuở mở nước Văn Lang đến thời định vị pháp chế tự cường của một dân tộc luôn bị thế lực ngoại xâm manh tâm chiếm đoạt và đồng hóa.

Nhìn cái bệ ciment kiên cố với 5 ô trống chờ được gắn lên 5 bảng sắc đúc những giòng chữ nổi ghi tóm lược tiểu sử và công đức của 5 vị anh hùng có công mở và dựng nước từ Quốc Tổ Hùng Vương đến Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Lòng tôi dấy lên sự xúc động về những con người luôn nghĩ đến quê Cha, đất Tổ. Họ bền tâm làm việc chỉ với niềm mong ước lưu lại cho những thế hệ tiếp sau cái hào khí của tiền nhân để nhớ đến cội nguồn Việt Nam.

Tôi muốn nói đến các anh chị trong Ban Điều Hành Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt California, đã không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp về nền Văn Hóa Sử Việt Nam.

Trong 10 năm qua, từ khi thành lập đến nay, các anh chị vẫn nhiệt tình truyền bá di huấn của Tổ Tiên,
Nhắc nhở con cháu “uống nước nhớ nguồn”, bảo tồn truyền thống tốt đẹp nền văn hóa Việt Nam qua bốn nghìn năm văn hiến với mọi thể loại sinh hoạt thơ, văn, nhạc, kịch, hội họa, điêu khắc …

Thường xuyên xuất bản những cuốn sách văn hóa sử và giáo dục nhằm góp công vào mục đích hướng dẫn thế hệ trẻ dù sống ở đâu cũng không quên nguồn gốc Tổ Quốc Việt Nam. Để tiếp tục cuộc hành trình của Cha, Ông trong công cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc.

Lịch sử nhân loại phát triển trên nền tảng công lý nhân bản, thì tư tưởng cực đoan chủ nghĩa sẽ bị thoái hóa theo thời gian. Văn Hóa Sử chính thống như dòng thác khai hóa tư duy xoáy vào và cuốn trôi những phù danh và hư ngôn xảo ngữ của những kẻ vong quốc.

Từ những ý nghĩ sâu lắng của tôi bổng trổi lên niềm ước mơ hòa nhịp vào sự nhiệt tâm của các anh chị trong CLB Hùng Sử Việt trước công trình mang tính sử thi.

Sắp đến khi công trình “Công Viên Anh Hùng” hoàn tất. Đứng nhìn những giòng chữ vinh danh công đức tiền nhân mà thấy được ánh sáng tâm linh dẫn đường vào lịch sử kiêu hùng của một dân tộc. Thấy được niềm kỳ vọng vào thế hệ tiếp sau luôn nhiệt thành tha thiết “Giữ Thơm Quê Mẹ”.

Thời gian không giết chết những ước mơ đẹp và không gian bao la không làm mờ những nụ cười nở trên những ước mơ .
Cám ơn những ước mơ làm nên công trình tâm huyết sử thi – Công Viên Anh Hùng .

Cao Nguyên
Maryland, May 2010 

Đài Kỷ Niệm 5 vị Anh Hùng Dân Tộc Việt (Hùng Vương, Trưng Nữ Vương, Hưng Đạo
Đại Vương, Vua Lê Lợi và vua Quang Trung)


Thi Sử

Theo dòng thi sử xem kỳ tích
trống Phú Xuân, vó ngựa Thăng Long
thuở dựng nước trời xanh ngọc bích
thời xây non đất ánh hồng tâm

truyền thuyết Âu Cơ, lời linh hiển
kẻ lên non, người ra biển tạo đời
kẻ lên non quên lời mẹ dặn
khi vỡ nương, chặt đứt dây nôi

đất vỡ mạch, đời lầm than quá đỗi
hồng hạc bay cánh mỏi nhớ rừng ngô
trên phế tích quách thành chen cỏ rối
người trầm ưu, mùa đợi gió hong mồ

nghiêng bia vỡ, soi trăng tìm cổ tự
viết lại dòng thi sử đã mờ rêu
thắp sáng trầm hương ngày tháng cũ
ghi ơn Tiên Tổ dựng Non Sông !

Cao Nguyên 

@

Dòng Sử Việt oai hùng

Anh tự hào Lạc Việt
Chị hãnh diện Âu Cơ
Em thương nòi Bách Việt
Tôi tiếc Động Đình Hồ

Những gì trong truyền thuyết
Là cội rễ cha ông
Đời đời ghi nhớ mãi...
Dẫu nước có xa nguồn

Giặc Tần sang cướp đất
Nam Việt dựng Phiên Ngung
Ta một thời đứng dậy
Toan phục quốc vua Hùng

Nhưng số trời cay nghiệt
Giặc Hán tràn Quảng Đông
Quảng Tây cũng thất thủ
Ta trụ ở sông Hồng

Từ đó mình ý thức
Đất nước, là của chung
Hơn ngàn năm tranh đấu
Để khỏi bị vong thân

Từ đó thù chất ngất
Xương máu đẫm cùm gông
Chị em Trưng nổi dậy
Khơi dòng sử kiêu hùng

Bốn mươi năm độc lập
Từ Ngô lập chiến công
Đại Cồ Việt sóng gió
Giặc Tống lại xâm lăng!

Ôi! Không có Lê Hoàn
Và Thái Hậu họ Dương
Thêm ngàn năm Bắc thuộc
Nước ta còn hay không?

Lý, Trần tiếp Sử hùng
Tống, Nguyên mộng xâm lăng
Nhưng chúng đều thất bại
Xác giặc không mồ chôn

Chính sự Hồ phiền hà
Giặc Minh chiếm nước ta
Hơn mười năm chiến đấu
Lê giành lại sơn hà

Rồi Mạc nhiễu triều trung
Khiến Nam Bắc phân tranh
Nhờ Tây Sơn khởi nghĩa
Thông dòng máu Tiên Rồng

Mãn Thanh tràn biên cương
Toan chiếm giữ Thăng Long
Vua Quang Trung tuốt kiếm
Giặc Mãn phải tan hàng!

Nhà Nguyễn được Ngai vàng
Thực dân Pháp bạo tàn
Thêm trăm năm kháng chiến
Tiếp nối chí hùng anh....

Hôm nay ta nhắc lại
Dòng Sử Việt oai hùng
Gươm thiêng xin cầm lấy
Vận nước cùng lo chung!

Song Thuận (2007) 


Phối Âm

Phối Âm 

Phối Âm là những nhịp thơ đồng cảm ngân lên nối thành mạch sống giao hòa tâm ý với nhau. Đặc biệt hôm nay, tôi muốn chia sẻ cùng quý thân hữu những bài thơ phối âm giữa tôi và anh Nguyễn Song Thuận (bút hiệu: Vương Sinh) như một sự tưởng nhớ đến anh, khi anh vừa bỏ cõi trần đi về miền vĩnh phúc. 
Trân trọng, 
Cao Nguyên 
Washington.DC - 16/11/2020 

 *** 
Trà Duyên 
bữa ngồi ở quán đạo trà 
mắt nhau đã nói gặp là ngộ duyên 
hiểu lòng em rót lời thiền 
vào ly tâm hạnh và nhiên ý mời 
trà duyên hương vị tuyệt vời 
giao thoa sóng ánh trên lời thiền chao 
rót đi em, rộn ý vào 
cho ly tâm hạnh ngọt ngào ánh duyên! 
Cao Nguyên 

 --- 
Nâng niu chén hạnh cửa thiền 
Mới hay hồn vẫn triền miên cõi nào 
Này hương thiền tỏa dạt dào 
Này sen Bồ tát rót vào đáy tim 
Uống đi, giọt đắng ưu phiền 
Bấy lâu chất chứa u minh một đời 
Rồi đêm, giấc ngủ tinh khôi 
Tìm nhau bỗng thấm, trên môi vị trà...! 
Vương Sinh 

 @ 

 Quán Tâm
 
lòng em như quán đạo trà 
tình anh độc ẩm sau tòa chân kinh 
bỏ tham, lánh cuộc đắm nhìn 
sợ sân si buộc bóng hình vào tim  

ý vờ thiền tịnh an nhiên 
lời còn quán tính xoay nghiêng tầm nhìn 
đổ thừa tại gió lay kinh 
nên công quả mọn nhiệm tình quán tâm 
 
lòng em hay gió thì thầm 
vừa như tấu khúc nguyệt cầm khởi duyên! 

Cao Nguyên 

 --- 
Phiến tình khởi dậy từ nhiên 
Tưởng như chớp mắt, một thiên hận sầu 
Lời kinh trấn áp nhiệm mầu 
Em như vạt nắng tan vào hư vô 

Bỏ miền phố thị từ xưa 
Bước chân thanh tịnh, tâm chùa, trí kinh 
Lòng trần, quán định chưa thành 
Bỗng dưng đuôi mắt chia lằn quả - nhân! 
 
Thì thôi, một kiếp vong thân 
Tìm nhau tu tiếp thêm lần mai sau!  
Vương Sinh 

 @ 

 Ảo 

Lạc vào hư vô Vẫn ngờ là ảo! 
Chợt thấy mình, ai dấu trong tim?
Vo tròn với mảnh hoa tiên 
Nghìn năm có lẻ để quên chốn này! 

Tò mò hỏi chủ quán Mây 
Hồn ta trăm mảnh, nơi này có, không? 
Thôi thôi bán hết ưu phiền 
Bán ngay nhung nhớ, bán liền đợi trông 

Bán cả ngóng, bán cả mong 
Thênh thênh tay trắng, bỏ dòng thơ xanh 
Lại về dấu kín trong tim 
Từ nơi thăm thẳm ai tìm thấy ai?
 
Vương Sinh 

--- 
Thực 

 Đi vào cõi Thực Tình ngỡ là Không! 
 Duyên may gặp những mảnh hồn 
Bay vào ngõ ý đời hồng hiển nhiên 
Mua này, bán nhé ưu phiền 
Cả nhung nhớ nữa bao tiền cũng mua 

Đem về trộn ánh trăng xưa 
Thành hưong tương tửu mời vừa tâm giao 
Thơ xanh kê mộng gối đầu Quán Mây 
ngọa giấc tiêu sầu phù vân! Cao Nguyên 

 @ 

Tìm Lời
tìm lời như thể tìm tâm 
là đem giao khúc phối âm tri tình 
cám ơn cánh cửa nhân sinh 
mở cho ta một khe nhìn chân ngôn 

tìm lời, mắt ngắm xuyên hồn 
nhặt trong âm sắc hạt hồng tâm tư 
kinh thi hồi vọng tràng cưỡi 
lẫn trong nhật nguyệt ý người, lời ta 

dựa đêm gõ phiếm quan hà 
ngữ ngôn mê hoặc sa đà cội ưu 
tìm lời - người tìm ra chưa 
có không một cõi đón đưa mệt nhoài? 

thôi về ngủ dưới gốc nôi 
gối hơi sữa mẹ nghe lời ru mơ 
nhẹ tênh vóc ngọc tâm thơ 
ừ duyên ở đó cứ chờ lời mê! 

Cao Nguyên 
--- 

Sắp Chữ 

Tôi sắp chữ "Em" bên chữ "Anh" 
Chữ "Tình" bát ngát giữa mây xanh 
Chữ "Yêu" hòa lẫn trong nhân loại 
Hai chữ "Tâm Hồn" cạnh bức tranh 

Rồi đêm trần thế sáng long lanh 
Sao đổi ngôi nên chữ đổi hàng 
"Tình Yêu" đến cạnh "Em Anh" đó 
"Hồn" lạc, "Tâm" an giấc mộng lành 

Vương Sinh 

 @ 
 
Mừng Sinh Nhật 
(tặng anh Vương Sinh) 

hôm nay ngày sinh nhật anh 
chọn lời ý đẹp gởi nhanh làm quà 
mỗi tình là một đóa hoa 
này nhà, này nước, này bôn ba đời 

mỗi cười là một tuyệt vời 
này con, này cháu này người đồng hương 
mỗi nhìn là một luyến thương 
này sông, này núi, này quê hương mình 
món quà nhỏ, chứa nặng tình 
gởi mừng sinh nhật Vương Sinh bạn hiền. 

Cao Nguyên 

--- 
Tạ Ơn 

Tạ ơn bạn đã chúc mừng 
Ngày sinh có núi, có sông nặng tình 
Có bè bạn, đồng hương mình 
Có bầy con cháu vững bền phương xa... 

Giật mình: nguồn cội sinh ta 
Bây giờ còn nhớ hay là đã quên?! 

Vương Sinh 

 @ 
 
Về Thôi 

về thôi, Tết đã đến rồi 
Mẹ chờ đun lửa canh nồi bánh chưng 
Cha chờ rót chén rượu mừng 
đêm chờ ngày mới núi rừng rộ hoa 

về thôi, kẻo lỡ đời qua 
lỡ em một dịp khoe tà áo xinh 
lờ anh cuộc hẹn xuân tình l
ỡ mùa hương khói cung đình tôn nghiêm 

về thôi, ừ nhỉ, về đi 
để xem Hồng Lĩnh, Ba Vì còn không 
Cao Nguyên còn bạt ngàn thông 
Miền Tây còn những tấm lòng rất Thơ? 

bao nhiêu tình, ở đó chờ t
ại thao thức mãi, trễ giờ vào Xuân 
về thôi, hẹn giữa ngập ngừng l
ửa còn đỏ ngọn, bánh chưng trái mùa! 
 
Cao Nguyên 

 --- 
Chưa Về 

Tết rồi, tôi cũng muốn về 
Quê hương ai chẳng não nề nhớ thương 
Rưng rưng giọt lệ tủi hờn 
Bao nhiêu xa cách nỗi buồn bấy nhiêu 

Chưa về, nắng đã xiêu xiêu 
Biết còn kịp chuyến đò chiều nữa chăng? 
Nao nao nhớ hội đình làng 
Nhớ đôi mắt ấy ngỡ ngàng nhìn nhau 

Chưa về, biển đã xanh dâu 
Đổi thay từng cả ngõ đầu, ngách tim 
Cũng đành lỗi hẹn với tình 
Thêm bao năm nữa trồng thêm nụ hồng? 

Nhớ thương quanh quẩn trong lòng 
Xuân xanh đã lỡ cũng đừng trách thơ 
Chưa về, vẫn nhớ vẫn chờ 
Quê hương trái ngọt, giấc mơ vẫn đầy! 

Vương Sinh

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Tưởng nhớ nhạc sĩ Hiếu Anh

 Nhạc sĩ Hiếu Anh và tôi 

Vừa với tay tắt ngọn đèn ngủ thì chuông điện thoại reo, tôi thầm trách : ai mà gọi vào giữa khuya thế này, lạ thật. 

Chuông reo tới lần thứ 4, tôi bắt điện thoại, vừa alô ai đó thì nghe tiếng của Hồng Phúc gọi từ Texas: 

- Anh Cao Nguyên phải không? 

- Cao Nguyên đây. Có gì lạ không cô em? 

- Biết giờ này anh sắp đi ngủ, nhưng có tin quan trọng, Phúc phải báo anh biết ngay. 

- Tin gì mà khẩn cấp vậy? 

- Anh Hiếu Anh mất rồi. -

 Cái gì? Phúc nói lại đi. 

- Nhạc Sĩ Hiếu Anh mất rồi! 

Tôi bàng hoàng đến choáng người, không tin được đó là sự thật. Vì mới hôm qua tôi còn đọc cái thư của Nhạc Sĩ Lê Mộng Nguyên trả lời thư của anh Hiếu Anh hỏi về sức khỏe của NS Lê Mộng Nguyên nhắn qua Chị Minh Hồ ở Paris. 

Như vậy là không còn nghi ngờ gì nữa, tôi đã mất anh rồi, Hiếu Anh ơi! Người bạn xa 40 năm vừa tìm thấy lại, và đang hẹn nhau vào mùa Xuân gặp mặt ở Washington DC cùng với mấy anh cùng khóa 22 Thủ Đức. 

Cầm cái list điện thoại trong tay, tôi muốn gọi báo cho vài người. Nhưng đang là giữa khuya, thôi để mai. Suốt đêm tôi chập chờn ngủ giữa những gì tôi có được về một người bạn vừa tìm thấy lại. Vâng, chỉ mới thấy lại bằng hình ảnh, điện thoại và Email...trong gần 2 năm qua. Khởi đầu, tôi nhận ra anh Hiếu Anh viết nhạc trên trang web . Sau những lần nhắn tin, Email, vào mỗi cuối tuần; Hoặc cách vài tuần 1 lần, tôi và anh Hiếu Anh thủ thỉ với nhau qua điện thoại về đủ thứ chuyện ngày xưa, từ hồi chúng tôi còn "luận kiếm" ở Thủ Đức của 40 năm trước, đến thời "hành hiệp giang hồ" ở Pleiku. 

Mặc dù Hiếu Anh chỉ ở Pleiku bằng 1/3 thời gian của tôi ở đó. Anh Hiếu Anh theo ngành Quân Nhạc sau khi rời Thủ Đức, vì vậy mà chúng tôi ít khi gặp nhau, thậm chí khi anh dạy nhạc ở trường Thiếu Sinh Quân và Trường Trung Học Minh Đức. Tôi thì tay bút, tay gươm đây đó lung tung, cho đến lúc rã đàn, đứa lên non, đứa xuống biển theo sấm truyền của thuở Mẹ Âu Cơ. Từ ấy, không ai biết về ai nữa, cho đến lúc gặp nhau trên xứ ảo giữa trời. 

Thật tình mà nói, cám ơn trinhnu.net đã cho tôi cái cơ duyên gặp lại những "cố nhân". Mỗi lần trò chuyện và phiếm luận về thơ nhạc, chúng tôi tâm đắc về một chữ "Tình" xuyên suốt qua Thơ và Nhạc. Thỉnh thoảng chúng tôi gởi cho nhau vài sáng tác mới, tôi đọc thơ và anh hát cho tôi nghe. 

Trong sáng tác nhạc, anh Hiếu Anh rất cẩn trọng về nguyên tác bài thơ do anh phổ nhạc. Những chỗ cần thay đổi lời thơ cho hòa hợp với tiết tấu nhạc, anh đều hỏi ý tác giả bài thơ. Về cái hứng sáng tác thì anh gọi là "bất chợt". Có khi mơ màng sắp ngủ thì anh bật dậy, vào bàn viết một đoạn hay cả bản nhạc mà quên cả thời gian. Điều đáng nói là tấm lòng của anh Hiếu Anh với bạn bè và những-đứa-em-thơ-nhạc thật nhiệt tình và hết mực thương mến. Ai đã từng có duyên với nhạc sĩ Hiếu Anh trong Thơ và Nhạc chắc đều cảm thấy như vậy. 

Giữa tháng 10 năm 2005, anh Hiếu Anh gởi cho tôi CD nhạc "Ngày Tháng Cô Đơn", anh nói là vừa thu âm xong, chưa phát hành. Vì anh cũng muốn anh Vũ Hối vẽ lại cái hình bìa của CD. Rồi mới đây, tôi gợi ý anh phổ nhạc cho một số anh em bạn thơ cùng khóa 22 Thủ Đức để làm kỷ niệm một thời có nhau. Anh nói với tôi là trên bàn của anh có mấy chục tập thơ của bạn chưa đọc hết để chọn bài phổ nhạc, nhưng sẽ ưu tiên cho "Bọn Mình"(*). Bao nhiêu việc còn đợi anh, nhưng tiếc, rất tiếc, anh không thực hiện được ý định đó. 

Anh ra đi, bỏ lại phía sau tất cả những gì anh đang có trong nỗi đam mê thực hiện vì dòng nhạc đang chảy trong anh cho tình người và tình của quê hương. Ngay vào lúc 9 giờ ngày 27 tháng 11 năm 2005, tôi thật sự mất anh. Không, không thể nào. Tôi chỉ mất Hiếu Anh với cái thân xác đã bắt đầu rung chuyển theo thời khí của bốn mùa. Mà Hiếu Anh, ngay cả tiếng cười và giọng nói trong cái nguồn sống tình cảm của anh vẫn còn đó, trong tôi. Như tiếng anh hát trong điện thoại cho tôi nghe một tình khúc về "Em Pleiku" hồi cuối tuần vừa qua. Bài hát gợi tôi nhớ đến những nơi hoang dại rất thơ và nồng nàn rất nhạc của Phố Núi một thời đến, ở và đi. Đi rồi ngoái lại qua tầm nhìn xuyên suốt thời gian trên 3 thập niên, trong không gian 3 chiều thương nhớ đợi. 

Thương ư! Cả áo rách vai và quần thủng đáy, nhưng biết gói gọn trong lòng mình cái duyên dáng hồn nhiên và chất phát của Buôn, Làng. Nhớ ư! Nhớ tất cả những người cùng thời "luận kiếm", trên điêu tàn vẫn khí khái rong ca theo hồn thiêng Sông núi! Đợi ư! Đợi một cuộc trùng phùng cho hết thảy nhừng gì thất lạc trong cơn hồng thủy. 

Hiếu Anh ơi! Nhớ lắm rồi, anh hát nữa đi, đừng ngưng nghỉ: từng lời hát hương quê nhà vực dậy từng dòng thơ tự biết nẩy mầm xanh ươm giữa tháng năm khúc quân hành anh viết! Cám ơn anh, tôi còn đang đi trong khúc quân hành ấy bằng cả tâm và trí nhớ về. Tiềm thức mở ra một cổng thành Pleime (**) cho những tấm lòng hào phóng đi về. Đi cũng lắm, về cũng nhiều. Như anh Kim Tuấn, anh Phạm Huấn... và hôm nay là anh - đang trên đường về với Mẹ. 

Một nốt nhạc ngân lên từ cây đàn thùng thoát trên thinh không âm thanh "Mẹ", có mãnh lực làm ta rối cả nhịp tim và những dòng nước mắt ngỡ đã khô mà vẫn chảy. Thế đấy, Hiếu Anh ơi! Bạn làm tôi choáng ngợp cả hồn, khi Bạn khoát tay, chợp mắt đi, về! Cao Nguyên Virginia - 29/11/2005 

Thoáng Anh 

(thương nhớ về nhạc sĩ Hiếu Anh) 

mới tuần trước, anh hát trong điện thoại

 cho tôi nghe tình khúc "Em Pleiku" 

nơi hai đứa sống cùng thời rất vội 

trên đỉnh cao, lửa khói trộn sương mù 

thời trộn niềm tin yêu vào ánh thép 

cho lời thơ, ý nhạc sáng hồng lên 

cả những cánh lan rừng, những dòng thác đẹp

 cũng nồng nàn những tấu khúc không quên 

mới tuần trước, tôi gợi lời, anh hứa 

sẽ phổ thơ thành nhạc của bọn mình (*) 

những bản chúc thư của tình và lửa 

viết trong chiến tranh, viết giữa hòa bình 

"ngày tháng cô đơn" - mười bốn tình khúc mới(**) 

những bản nhạc cuối cùng anh viết gởi thân thương 

có những thoáng em tình còn vời vợi (***) 

sao thoáng anh, mới đó đã đi rồi? 

đi thanh thoát, Hiếu Anh ơi! đi nhé 

mọi người thân đang hát tiễn đưa anh 

bằng những ca khúc suốt đời anh viết 

cho quê hương và yêu dấu nhiệt thành 

trời Kentucky, chiều Đông buồn lệ tuyết 

chuông nguyện cầu vĩnh biệt một tài năng 

khúc thánh ca lời lặng trầm tha thiết 

ru hồn anh yên nghỉ cõi vĩnh hằng! 

Cao Nguyên Virginia - 28/11/2005 

------------- 

(*) "Bọn Mình"- thơ Cao Nguyên (**) CD "ngày tháng cô đơn" - 14 tình khúc mới của NS Hiêu Anh (***) "Thoáng Em" - thơ Cao Nguyên Hiếu Anh phổ nhạc trong CD "Ngày Tháng Cô Đơn" 

Đưa Anh Vào Cõi Mênh Mông 

(biệt khúc tặng Chị Hiếu Anh) 

đưa anh vào cõi mênh mông 

gót tình lướt trên bụi hồng 

lòng em không nguôi bối rối 

anh đi xa rồi, thật không? 

là không, muôn lần là không

nụ hôn anh trao còn nồng 

lời tình còn say đắm đuối 

sao anh vội vàng qua sông? 

chân em đứng giữa bụi hồng 

vẫy chào anh trong hư không 

chiều đông chuông ngân thánh thót 

tuyết rơi tràn lạnh vào hồn! 

anh đi vào cõi mênh mông 

em về trong đêm bụi hồng 

từng bước lòng nghe chới với 

xa anh thật rồi, phải không? 

xa anh thật rồi, phải không? 

là không, vạn lần là không 

hãy như bên sông anh đợi 

chờ em đem lại đóa hồng! 

Cao Nguyên 

Nhạc sĩ Hiếu Anh đã ra đi. Nhưng, mãi mãi anh, trong dòng nhạc tình giữa cõi người, qua mọi thời vẫn luôn tồn tại. Mấy trăm tình khúc anh để lại, mọi người đang hát, còn mãi hát cho quên nhọc nhằn, cho yêu thương thường hằng, cho long lanh giữa lòng người những đóa hồng nhân ái không bao giờ phai nhạt, như mặt trời không bao giờ tắt ở phương Đông với hy vọng của niềm tin yêu luôn được thắp sáng trong một thế gian u uẩn trầm buồn! Dòng sông tin yêu của anh mãi chảy trong dòng đời xuyên suốt qua lòng anh, thánh thót rơi trên từng nốt nhạc và chuyển tải qua các giọng ca tuyệt vời, với những lời thơ nồng nàn gởi đến non sông và lòng người.

Đêm rồi, sau khi đọc qua điện thoại để Hoàng Lan Chi thu âm bài thơ "Thoáng Anh" cho chương trình phát thanh Thơ Nhạc của nhạc sĩ Hiếu Anh trên Radio Hải Ngoại ở Washington DC. Cao Nguyên muốn gởi lời chân thành cám ơn đến tất cả các anh chị em thân hữu của Cao Nguyên, qua sự đồng cảm sâu sắc về nỗi buồn của một người bạn mất một người bạn. Đã gởi đến Cao Nguyên những lời chia buồn, như thể Cao Nguyên là một người anh em ruột thịt với nhạc sĩ Hiếu Anh. 

Chia buồn với một người bạn mất một người bạn, có thể là câu thơ hay nhất được diễn đạt qua tấm lòng mỗi người khi nghĩ đến nhau. Dòng truyền cảm này là một tình khúc tuyệt vời luân lưu chảy ấm nồng trong những trái tim luôn rung động với tình Đất và Người mình đã cưu mang. Lời thơ của các thi hữu thân quen là những bản tình ca vút bay lên không trung chuyển vào lòng người bằng những giọng ca truyền cảm khắp năm châu. 

Di sản Thơ Nhạc của nhạc sĩ Hiếu Anh mãi mãi luân lưu và thẩm thấu trong hôm nay và ngày mai. 

Cao Nguyên Virginia - 12/2005 

Trang tưởng niệm nhạc sĩ Hiếu Anh:

http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=269&Itemid=47

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Bão Cuồng


 Bão Cuồng

người ơi! đốt lửa giùm em
cho tan đói lạnh qua đêm bão cuồng
lũ dồn, sóng quặn, xoáy nguồn
xé rừng, toạt đất, vỡ cồn lúa khoai
quê ta nghèo đói luân hồi
mãi râm ran khóc rối bời ruột gan
năm nào bão chẳng dập ngang
còn đay nghiến gió cho oan nghiệt tràn
mẹ ôm cái bóng ru giòn
thân con nước cuộn hồn còn quẩn quanh
xót đời cha níu mái tranh
đã tan hoang vỡ tanh banh cột kèo
tội em náu giữa quê nghèo
đời qua đếm tuổi trên điều rủi may
chưa về buồn đã quắt quay
gặp em nước mắt chắc đầy ngợp tim
chỉ đành đốt lửa giùm em
xua tan đói lạnh qua đêm bão cuồng
ngủ đi em nhé, ngủ ngon
đừng kinh hãi mẹ ru giòn bóng con!
Cao Nguyên

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

Thành Phố Tím


Thành Phố Tím 

Email của em hôm qua chạm vào cái ổ khóa trên khung cửa ký ức. Cùng lúc anh đang đọc "Con Gái Của Sông Hương" của nhà văn Dương Như Nguyện. Sự trùng hợp ngẫu nhiên thương chi lạ. Nguyên ba chữ "thương chi lạ" đủ mở cửa xem kỳ thư của Huế, ngắm những dấu lặng luyến láy đến mê hồn. Ngôn ngữ Con Gái Sông Hương chỉ danh Huế là Thành Phố Tim với những con đường sử thi. 

Màu tím tỏa ra từ nỗi lòng cung phi, từ cánh sen Hồ Tịnh Tâm, từ những vết hoen thời gian chạm trổ trên bề mặt của chiếc lư đồng trước điện Thái Hòa... 

Tất cả rất Huế của Em, và của những người có duyên với Huế. Trong đó có anh - chàng lãng tử (theo cách gọi của em)- chỉ một lần ghé Huế để nhìn "lá trúc che nghiêng mặt chữ điền". Vậy mà ánh nước Sông Hương còn âm ba sóng. 
Huế chừ không Huế của Em 
Bài thơ giữa nón đã mềm cánh bay...
(CN) 

Em chỉ còn nỗi nhớ Huế, tím những cơn buồn trong ngân âm hồi chuông Thiên Mụ quyện lời kinh Mệ tụng thường ngày. Nỗi nhớ kết chuỗi gây thành sóng, vỗ Huế bùng lên trong khói sương trầm mặc. 
Từ Huế lên Tuần ngang qua chùa Từ Hiếu, lăng Tự Đức, đồi Thiên An... 
Chỉ một cung đường của Huế gợi lên mà nỗi nhớ xốn xang là thế. Liệu em còn đủ sức đi hết những cung đường của Thành Phố Tím. Khi nỗi buồn vì nhớ nặng trĩu chân, chùn nhịp thở! 

Đồng Khánh ơi, Huyền Trân xưa đó 
Lắm tang thương vùi dập Huế vô chừng 
Sông, nước, biển, trời... đâu cũng có 
Nhưng não nùng làm Huế đẹp rưng rưng... (*) 

Nếu không thế, Hàn Mặc Tử đâu viết được "Đây Thôn Vỹ Dạ", Thanh Tịnh cũng không đắm mình với "Nhớ Huế Của Tôi" và Thu Bồn không dùng dằng khi "Tạm Biệt Huế" 
Chiếc cầu cong và con đường thẳng 
Một đời anh đi mãi chẳng về đâu 
Con sông dùng dằng con sông không chảy 
Sông chảy về lòng nên nhớ Huế rất sâu... (**) 

Khép lại cánh cửa ký ức nhé em, nếu không mình sẽ sụt sùi. 
Khi ở Huế thấy Huế buồn chi lạ 
Xa Huế rồi thấy Huế quá mênh mông 
Trong nỗi nhớ, một cũng là tất cả 
Khi yêu thương tất cả sẽ vô cùng (*) 

Tấm lòng xa quê như thế đó, Huế ơi! 

Cao Nguyên 

------------------- 
(*) thơ Trần Kiêm Đoàn 
(**) thơ Thu Bồn