Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

Lâu Đài Thế Kỷ




Lâu Đài Thế Kỷ 
( gởi những người bạn trẻ Hong Kong
đang xây dựng lâu đài dân chủ )

Tuổi trẻ xây lâu đài thế kỷ 
Bằng niềm tin khát vọng tự do 
Mỗi khát vọng đo bằng nhịp đập 
Từ trái tim truyền đến trái tim

Lịch sử không đợi chờ đánh thức 
Tự đứng lên đi tới ngày mai 
Hành trình mở triệu người tiếp bước 
Cùng đồng tâm kết ước dân quyền

Hãy đến với lâu đài thế kỷ 
Hòa mình vào chân lý tự do 
Làm sáng đẹp ý lời tuyệt mỹ 
Trong tuyên ngôn độc lập mong chờ

Hãy đi từ lâu đài thế kỷ 
Với hành trang yêu quí tình người 
Truyền tiếp lửa con đường dân chủ 
Hạnh phúc ngời vũ trụ ngày mai

Cảm ơn nhé những người bạn trẻ 
Xây lâu đài thế kỷ tuyệt vời 
Bằng tâm huyết niềm tin khát vọng 
Vì tự do dân chủ loài người !

Cao Nguyên

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

Huỳnh Công Ánh - Vượt Tù, Vượt Biển

Giới thiệu Huỳnh Công Ánh 

1/ Tác Giả và Tác Phẩm:

Kính thưa quí vị niên trưởng
Kính thưa quí chiến hữu, quí văn thi hữu và quí thân hữu
Thưa các bạn trẻ cùng cùng có mặt tại đây hôm nay để nghe tâm tình qua Thơ và Nhạc của nhạc sĩ hưng ca Huỳnh Công Ánh.

Giới thiệu những tác phẩm thơ và hồi ký của Huỳnh Công Ánh, mà tôi lại ưu tiên nhắc đến anh như là một nhạc sĩ hơn là một nhà thơ hay nhà văn. Bởi lẽ nhiều người biết anh trên con đường hưng ca hơn là biết anh trên hành trình chữ nghĩa.

Thơ của Huỳnh Công Ánh đến với người nghe là ý lời truyền tải tâm cảm trước các sự kiện và biến cố suốt dòng lịch sử Việt Nam thời hiện đại.
... Non sông vào thời u uẩn quá
Ta với người đau nỗi đau chung ..


Với tôi, Huỳnh Công Ánh là một văn nhân phong trần tải đạo từ tâm của một chinh nhân dang dở mộng xây thành trì tự do và dân chủ cho quê hương Việt Nam.

Một lời gọn như vậy cũng đủ giới thiệu người anh em cùng chung mộng ước được diễn trình lại những trắc trở trên đường chinh nhân, những băn khoăn về tình Đất và Người đã biệt xứ hoặc còn lưu đầy trên chính quê hương mình. Từ đó nảy sinh lòng khát vọng được gởi những tâm tình khắc khoải từ quá khứ và hôm nay về với mai sau. Mong cùng các bạn trẻ đồng hành trên con đường tranh đấu vì một Việt Nam dân chủ, tự do và thịnh vượng.

Qua Thơ, Huỳnh Công Ánh có những tác phẩm đã xuất bản như: Hạnh Ngộ Bên Trời, Quẳng Gánh Lao Đao Giữ Nụ Cười, Ơn Nghĩa Trùng Trùng, Cát Bụi Lăn Trầm ...

Thưa quí vị,
Tôi đang nâng những tác phẩm của Huỳnh Công Ánh, để giới thiệu cùng quí vị với lòng trân trọng. Bởi chữ nghĩa của anh gắn liền với máu thịt và tâm hồn của một con người chân chính. Cả những lời anh viết gởi các con của anh, cũng là viết gởi những người bạn trẻ hiểu về sự hy sinh của cha mẹ đã vượt khó khổ dưỡng nuôi với mong ước con cháu mình thành người hữu dụng cho đời. Bằng cách giải trình từng đoạn đời người cha ra đi trên hành trình giữ nước, trên lối đi vào cửa ngục trần gian và trên những gập ghềnh hiểm nguy từ ngục tù cộng sản vượt biển khơi tìm đến bến bờ tự do.

Tất cả thơ văn của Huỳnh Công Ánh là một câu chuyện dài trực tiếp nói với người nghe bằng ngôn ngữ chân thành và thoải mái thoát qua sự dằn vặt của hận thù. Hơn thế, chữ nghĩa và ngôn từ còn được tác giả phả vào âm nhạc lan tỏa hơi ấm vào lòng thế nhân trên khắp mặt địa cầu.

Riêng tập thơ Cát Bụi Lăn Trầm được giới thiệu hôm nay, là những nốt chữ nghĩa khảy lên trên những cung bậc thăng trầm của một người Việt Nam nặng lòng với non sông và tổ quốc. Những nốt trầm diễn đạt thân phận con người bị đè nén dưới bạo lực vẫn cố ngoi lên trong khát vọng sinh tồn. Mong cầu khát vọng được thăng hoa nở tình nhân ái.

Một con người biết hội tụ hai dòng Thơ và Nhạc để đi tới, vừa nuôi sống sinh lực bản thân, vừa làm nên chất thi ca dâng hiến cho đời thật đáng trân trọng. Huỳnh Công Ánh là một trong những con người đó. Anh không chỉ dùng lời thơ anh làm nhạc hát suông mua vui vài trống canh cho đời. Mà nhạc thơ anh chuyển tải cả khát vọng làm người, mở xích ngục tù đi đến tự do, nhân quyền và bác ái.

Chất thơ nhạc của Huỳnh Công Ánh trên con đường hưng ca làm bùng dậy chí khí người dân Việt bất khuất trước bạo quyền và tội ác. Làm bừng sáng ngọn lửa đâu tranh vì sinh tồn của nòi giống Lạc Hồng. Hào hùng và trong sáng là tố chất thơ của Huỳnh Công Ánh:

"..Khi tim mình máu quật cường Rồng Tiên nòi giống còn căng
Những mùa Xuân xứ người tuyết giá lạnh căm
Mà lòng ta nóng mong ngày về rừng rực
Yêu nước, thương nòi không có lằn ranh tuổi tác
Lòng dặn lòng khi rời nước ra đi
Là nung nấu ngày về lồng lộng cờ bay đuổi giặc ..

Nhưng anh và đồng bạn của anh đã bỏ nước ra đi trong nghẹn ngào tức tưởi, sống nhập cuộc lưu vong nơi miền đất lạ gần nửa đời người vẫn chưa được quay về nơi cố quốc để thăm đất quê cha và viếng mồ đồng đội của một thời bảo quốc an dân! Bởi ở đó còn bọn cường quyền thống trị .
"..Xuân nào cha, ông ngẩng đầu ưỡn ngực
Thù trong, giặc ngoài đánh dẹp. Vinh quang
Xuân nào cháu con ngậm ngùi, tủi nhục
Đứa gông cùm, đứa lưu lạc, lang thang ..!

Đã mấy mươi mùa Xuân lưu lạc
Hẹn hoài về thăm mẹ, thăm quê
Lần lữa Xuân này rồi Xuân khác
Mẹ héo hắt trông, con vẫn chưa về .."

Nỗi hận mất nước hòa vào nỗi buồn viễn xứ đã làm nhà thơ nghẹn uất tim đau suốt bao nhiêu năm làm người bất hạnh:

".. Mài gươm mãi đến bao giờ nhỉ?
Bao giờ chém chết nỗi đau xưa
Nỗi đâu vẫn đó, ngày Quốc Hận
30 tháng 4 sông núi ngẩn ngơ
..

Ôi Tổ Quốc! Ôi hồn thiêng người bất hạnh
Ôi Tự Do! Ôi khát vọng con người
Ôi nòi giống! từng ngàn năm kiêu hãnh
Sao bây giờ đành bỏ nước ra khơi!

Tự Do ơi! Mẹ Việt Nam ơi!.."

Cùng bất hạnh và cùng nỗi đau chung với anh là hằng triệu người Việt bỏ nước ra đi tránh ngọn đòn thù, tránh lũ cuồng nô hiểm ác:
"Non sông vào thời u uẩn quá
Ta với người đau nỗi đau chung .."

Nước mắt nhà thơ đã chảy thấm những chấn song cửa nhà tù cộng sản, chảy trên đường đi tìm tự do. Một sự tự do không chỉ cho riêng bản thân anh, là tự do cho cả những thiết thân mà anh đã ôm trọn trong vòng tay: Tình Nước và Nghĩa Đồng Bào. Đó là niềm khát vọng trong thơ nhạc của Huỳnh Công Ánh. Niềm khát vọng hóa thân thành từng lời nhắn nhủ với anh em và con cháu trên từng quãng đường anh đi qua trên hành trình hưng ca:
".. Hãy bước tới, sống từng giờ ý nghĩa
Hãy nhớ quê hương, tổ quốc, giống nòi
Hãy quí trọng người già, con trẻ
Tình yêu thương sống mãi muôn đơi,
Làm người muôn đời
Là làm người Việt Nam .."

Thêm một điều cần nói đến là chất thơ Huỳnh Công Ánh rất giản dị như chính cuộc sống của anh. Lời thơ nhiều khi giống như lời nói bình thường giữa niềm xúc động dâng cao trong thổn thức với quê hương, với cha mẹ. Hoặc với lời nhắn nhủ cùng con cháu biết trách nhiệm mỗi con người đối với Quê Hương và Tổ Quốc. Như chính anh nhớ ơn nghĩa Mẹ Cha:
".. cha truyền giòng máu Lạc Hồng
ở trong con
Truyền dạy tấm gương anh dũng
Lý, Lê, Trần
Dạy học làm người
Phải yêu thương, chia sớt
Làm người muôn đời
Là làm người Việt Nam .."
..
Con đi ngày ấy tóc còn xanh
Lặng lẽ trông theo mắt mẹ đoanh tròng
Đất khách, đầu con giờ đã bạc
Ngày về xa, xa thăm thẳm ước mong
Làm sao? Biết làm sao mẹ ơi!"

Hoặc như anh nói chuyện với con trai Huỳnh Công Việt:
".. Đặt cho con chữ đầu tên nước
Là niềm tin, là hy vọng vô biên
Là tất cả những gì mong ước
Con hãy giữ gìn nòi giống Rồng Tiên."

Nên thơ anh rất dễ đi vào lòng người đọc như lúc khát khô được uống một ly nước mát từ nguồn cội quê hương .

Bạn hãy tin tất cả lời tôi dẫn trình sẽ có đủ trong "Cát Bụi Lăn Trầm". Như thể trên thân cát bụi vỗ về lòng nhau. Bạn thử vỗ về dòng thơ Huỳnh Công Ánh, bạn sẽ thấy sự khát vọng tỏa sáng trên hành trình đi tới ngày mai trong mưu cầu hạnh phúc đơn sơ mà phải có trong mỗi cuộc đời: Thanh Bình, Tự Do và Nhân Ái. Như anh mời gọi:

".. Mời em vào nghe trường ca đời tôi
Trường ca không đổ nát
Trường ca muôn thuở gào
Để cháu con thấu được
Những nỗi lòng quạnh đau
Những người xa Tổ Quốc
Luôn nhớ màu Quê Hương ..
Luôn mong cầu hạnh phúc
Hạnh phúc có từ tâm ta
Có từ cùng bước chân hướng tới
Một niềm mơ
Một mái gia đình bình yên
Ngập tràn tìn yêu của mọi người .."

Thơ Nhạc của Huỳnh Công Ánh là thế đó. Hạnh phúc, niềm mơ mở cửa trong hồn.

Như trong bài "Du Ca" tôi đã viết:
Anh chiếc đàn guita
Em một cây sáo trúc
Tôi dòng thơ ngạo cuồng
Đã lên đường du ca
Hát cho rừng núi nghe

Hát chờ đêm bạn về
Hát giữa thời hôn mê...

Có lúc Huỳnh công Ánh cũng hát giữa thời hôn mê. Hôn mê từ những chiến binh xưa đã quên thời dùng máu xương đáp lời sông núi... Hôn mê từ các bạn trẻ đang sống ở Việt Nam bị cộng sản vô hiệu hóa tình dân tộc, nghĩa đồng bào và nhiễm khuẩn Mác Lê ngợi ca chủ thuyết vô thần.

Kính thưa quí vị,
Trước khi nói về hồi ký "Vượt Tù - Vượt Biển", chúng tôi xin tóm lược qua tiểu sử tác giả Huỳnh Công Ánh"
- Sinh năm 1946 tại làng Phú Kim, quận Phù Cát, tỉnh Bình Định
- Học qua các trường: Lasan và Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định.
- Tổng động viên năm 1968, tốt nghiệp khóa 3/68 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.
- Tù cải tạo năm 1975
- Vượt ngục cuối năm 1980
- Vượt biển năm 1981
- Sáng lập Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị năm 1985
- Sáng lập Phong Trào Hưng Ca Việt Nam năm 1985
- Sáng lập Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do năm 1986
- Sáng lập tổ chức Liên Kết Văn Nghệ Sĩ, Thanh Niên, Sinh Viên Việt Nam Tự Do năm 2013
(Tham khảo thêm về tiểu sử và hoạt động văn hóa, xã hội... trong Hồi Ký)

2/ Hồi ký "Vượt Tù, Vượt Biển"

Thú thật, tôi rất dị ứng với chữ "Hồi Ký", vì lẽ có một số hồi ký của những người đã trực tiếp tham dự vào cuộc chiến Việt Nam, tôi không đọc trọn. Bởi qua hồi ký, cái "tôi" của một cuộc đời thường được tuyên dương qua lời văn của chính tác giả.
Những thất bại, những lỗi lầm của mình đối với thế nhân, đối với lịch sử qua hồi ký của từng nhân vật đã bỏ quên lời xin lỗi riêng mình mà đẩy sự sai lầm về phía tha nhân cùng thời trách nhiệm.
Do đó, tôi biết mình khó giới thiệu với người đọc về thể loại hồi ký, vì dễ bị hiểu sai lệch về thiển kiến của mình.

Thế nhưng chuyện ngoại lệ cũng đến, khi anh Huỳnh Công Ánh đề nghị tôi điểm qua hồi ký "Vượt Tù - Vượt Biển" của anh. và tôi đã nhận lời cách đây hơn một năm sau một lần duy nhất được gặp anh trong buổi giới thiệu tác phẩm "Chính Luận" của Trần Trung Đạo. Chỉ một lần gặp nhau qua nhân dáng nhưng tôi đã gặp chữ nghĩa của anh Huỳnh Công Ánh nhiều lần qua các tập thơ đã xuất bản .

Tác phẩm chính được giới thiệu hôm này là quyển hồi ký "Vượt Tù - Vượt Biển".
Trong lời mở của hồi ký, chính tác giả đã viết:
Cuộc đời rồi sẽ qua đi
Những gì còn lại được ghi trong này ...

Không có lời ngỏ nào giản dị và trung thực hơn về một hồi ký được xem là bản tự truyện một đời người. Những gì còn lại của cuộc đời Huỳnh Công Ánh từ chiến sĩ đến nhạc sĩ và ngục sĩ đáng được gom vào một chữ: Sĩ Phu.
Với gia đình, anh là một người chồng, người cha đã tận tình và tận việc cho mái ấm và hạnh phúc chung cùng.
Với xã hội, anh là người đàn ông đi qua chiến tranh và hòa bình với tinh thần được hun đúc từ trường võ khoa Thủ Đức: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm. Như chính ước mơ của anh khi viết tập hồi ký này: “Ước mơ và khát vọng lớn nhất là tôi làm tròn vai trò người chứng nhân của lịch sử" 

Thật là tuyệt vời với trách nhiệm của một sĩ phu với niềm khát vọng hằn sâu trong tâm thức của một người yêu nước. Muốn tiếp truyền đến thế hệ mai sau hoài bão và trách nhiệm của một công dân.

Là một chiến hữu với tác giả, cùng trong cuộc tan hàng gãy súng, cùng sống trong các trại tù cộng sản và cùng biệt xứ lưu vong tìm tự do. Chúng tôi hiểu và cảm nhận sâu sắc từng câu chữ, từng ý lời của tác giả trong từng nỗi đau se thắt hay trong từng tiếng cười vui giữa hai bờ sinh tử của dòng chảy nhân sinh.

Bốn mươi hai năm thao thức ngẫm đời đau và thấm thía về thân phận của một chiến bình đã không hoàn thành trách nhiệm bảo quốc an dân. Những ai cùng chung số phận, đều có chung hệ lụy với những khổ đau và tủi nhục với một quân đội bị bức tử, hãy cùng chúng tôi mặc niệm cho những hy sinh của những vị anh hùng tuẩn tiết trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975 hoặc bị kẻ thù giết chết trong các nhà tù.

Qua nội dung hồi ký "Vượt Tù - Vượt Biển", chúng tôi muốn được vinh danh anh là người tù kiệt xuất của thời đại. Anh đã vượt qua cửa nhà tù một cách hiên ngang, và đã vượt biển với niềm tin và nghị lực đối mặt tử thần. Chấp nhận đối đầu với dã thú và sóng gió biển khơi.

Trong chuyến vượt biển đi tìm tự do, anh đã bị cướp ba lần. Chút tài sản mọn có gì phải tiếc. Điều tôi muốn nói là không riêng anh Huỳnh Công Ánh, mà cả những người tù cải tạo đã vượt biên, vượt biển đi tìm tự do đã bị mất ba điều lớn nhất trong gia sản của một đời người tận hiến bản thân cho quê hương. Sự đáng tiếc là chúng tôi đã bị mất tổ quốc, mất danh dự và mất trách nhiệm khi bạn chém sau lưng, kẻ thù đâm trước ngực. Với dòng sống chân chính của thế nhân, chúng tôi xem đã chết theo sinh mệnh bị bức tử cùng quê hương vào đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Khi bị quăng vào nhà tù cộng sản, sự sống mong manh giữa trăm ngàn đe dọa bởi hận thù và sự tàn ác. Chỉ biết tự mình dặn mình phải sống vì những hệ lụy ân tình của thân quyến gần xa.
Trong sự sống lây lất đó, giữa những rủi ro người tù Huỳnh Công Ánh tìm được điều may mắn do căn nguyên đạo hạnh kết hợp với duyên văn nghệ mà có được những giao hòa ân nghĩa ngay trong hàng ngũ kẻ thù khi họ nhận ra không có gì quí hơn sự lương thiện và lòng chân thật giữa người với người trong cuộc sống. Chính những cá nhân lương thiện này đã cứu anh khỏi chết mấy lần và tạo điều kiện cho anh vượt thoát khỏi nhà tù cộng sản.

Xuyên suốt trong 21 chương của “Vượt tù - Vượt biển” người Đại uý Sư đoàn 22 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hoà, người tù trốn trại T3 Tân Kỳ / Nghệ Tĩnh, người lái tàu vượt biển hai lần, mới đến được bến tự do đảo Pulau Bidong năm 1981.
Trên vùng đất tự do này anh đã sáng lập và chủ tịch đầu tiên Tổng hội cựu tù nhân chính trị Cộng Sản VN năm 1987.
Anh là người sáng lập Phong trào Hưng ca Việt Nam. Với quan niệm dùng văn nghệ như một lợi thế đấu tranh chính trị tác động tình thần thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước tham gia cuộc cách mạng nhân bản giải phóng dân tộc, chống lại bạo quyền cộng sản.
Hoạt động hưng ca của anh được tổ chức ở nhiều nơi, hát cho tuổi trẻ Việt Nam hoặc trong chương trình thi ca quốc hận.

Từ chinh nhân đến chứng nhân và nạn nhân của chiến tranh, người chiến binh Huỳnh Công Ánh đã hơn chúng tôi với những thành tích đáng khâm phục. Tấm lòng từ ái và niềm tin nhân bản, Huỳnh Công Ánh đã vượt qua gian nan để có được sự thành công trên dòng đời hôm nay.

Huỳnh Công Ánh là sáng lập viên Phong Trào Hưng Ca Việt Nam (Tháng Tư, 1985) và đồng sáng lập viên Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do (1986). Trong thời gian này, anh sáng tác nhiều bản nhạc tranh đấu cho quyền làm người và cho tự do của quê hương.
Năm 1992, nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh được tuyên dương tại Quốc Hội Hoa Kỳ, có sự hiện diện của đại diện Tổng Thống George H. W. Bush, 50 thượng nghị sĩ và dân biểu, vì thành tích hoạt động xã hội và đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam của anh.

Chúng tôi chúc mừng người chinh nhân thuở ấy đã gầy dựng nên nền tảng vững chắc cho tương lai các con mang tên Cẩm Tú Sơn Hà Việt Nam. Đặt tên con đúng niềm khát vọng xứng danh một con người Việt Nam là tấm lòng Huỳnh Công Ánh gởi đến tương lai sau khi đã thành công chuyện vượt tù, vượt biển.

Khi quí vị đã cảm thông nỗi lòng người chinh nhân lỡ vận, xin quí vị cầm lấy quyển hồi ký. Đọc để thấm và để ngẫm về một tự truyện tưởng như có mình trong từng sự kiện của một giai đoạn lịch sử thương đau của dân tộc Việt Nam.

Kính chúc quí vị và gia quyến luôn được nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

Trân trọng,

Cao Nguyên
Washington.DC - 18/6/2017



Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

Happy Father’s Day

Mừng NGÀY HIỀN PHỤ
( Happy Father’s Day )


Sách Gia Huấn Ca đã dạy: “ Ai yêu mến Cha mình, thì đền bù tội lỗi( Hc 3,3). Ai
thảo kính Cha mình, sẽ được sống lâu dài” (Hc 3,6). Và tục ngữ Việt Nam ta có câu:
“Công Cha như núi Thái sơn” đã nói lên công sức vất vả của người Cha trong việc
nuôi nấng, dạy dỗ con cái, vì vậy ngày lễ Hiền Phụ hằng năm không chỉ để vinh
danh Cha của mình mà còn là dịp tri ân mọi đấng bậc mang chức danh Cha, về thể
xác lẫn tinh thần.

I.- NGUỒN GỐC NGÀY HIỀN PHỤ QUA THỜI GiAN NĂM THÁNG

Ngày của Cha (Father’s Day) Người Việt ta quen gọi là ngày Hiền Phụ có nơi
còn nói là Từ Phụ, và theo các Sử gia cho rằng di tích ngày lễ Cha xưa nhất được
tìm thấy trong đống tàn tích của Babylon cách nay trên 4.000 năm, một chàng
thanh niên tên Elmenu đã khắc vào một mặt phẳng bằng đất sét pha đá vôi những
dòng chữ mừng ngày Hiền Phụ, ước mong Cha mình có sức khỏe tốt và sống lâu,
Tại Hoa Kỳ việc ăn mừng ngày của Cha được biết sớm nhất ở Fairmont phía
tây Virginia vào ngày 5.7.1908 do bà Grace Golden Clayton tổ chức với ý vinh danh
cuộc đời Cha mình bị mất ngày 06 / 12 / 1907 trong thảm họa Monongah Mining,
nhưng việc này bị lu mờ bởi các sự kiện khác dồn dập xẩy ra trong thành phố, nhất
là Tiểu bang Tây Virginia không chính thức công nhận, nên ngày lễ này chẳng được
tổ chức trở lại nữa.

Việc hình thành chính thức Ngày của Cha lại do Bà Sonora Louise Smart Dodd,
ở Thành phố Spokane, tiểu bang Washington, đã có ý tưởng muốn tôn vinh cha
mình là Ông William Jackson Smart một cựu chiến binh, vợ qua đời, Ông chịu cảnh
“Gà Trống” bằng tất cả lòng yêu thương đã tận tình nuôi 6 đứa con thơ và trông
coi một trang trại. Kế hoạch tổ chức tốt đẹp này được Thành phố Spokane chấp
thuận và cử hành từ năm 1910 vào dịp kỷ niệm sinh nhật của Ông ngày 19 tháng
6. Thấy nhiều người tụ họp kỷ niệm ngày Hiền Phụ nên Tổng thống Woodrow
Wilson ủng hộ lễ này vào năm 1916.

Tiếp đến năm 1924 Tổng thống Calvin Coolidge công khai ủng hộ kế hoạch
lập một ngày làm Father’s Day toàn quốc. Sau đó năm 1966 Tổng Thống Lyndon
Johnson tuyên bố Fathe’s Day là ngày lễ chính thức toàn quốc. Kết thúc vào năm
1972 Tổng thống Richard Nixon ký thành luật công nhận Father’s Day được cử
hành cố định tại Hoa kỳ vào Chúa nhật thứ ba trong tháng 6 hằng năm. Nhờ thế
việc chi tiêu tại Mỹ trong dịp lễ người Cha có lúc lên đến 12.7 tỷ Mỹ kim. Riêng
hãng Hallmark chuyên bán thiệp Father’s Day cho biết đây là cơ hội lớn đã tiêu thụ
được khoảng 74 triệu Thiệp gửi đi khắp nơi vào dịp này.

II.- THỜI BIỂU MỪNG NGÀY LỄ CHA TRÊN THẾ GIỚI 

Để đền đáp công ơn người Cha là nghĩa vụ của tất cả con cái trên khắp thế
giới, do đó không chỉ tại Hoa Kỳ hay Âu châu mới có ngày lễ Cha, mà nhiều nơi trên
khắp hoàn cầu, đã xuất hiện từ lâu ngày dành riêng để vinh danh người Cha. Mỗi
địa phương một khác, tùy tập tục địa phương, hình thức có thay đổi, nhưng ở đâu
cũng chung một tâm tình là tôn vinh công lao của những người Cha và bày tỏ lòng
yêu thương đấng sinh thành.

Nay xin đan cử thời biểu hằng năm Lễ của Cha của một số Quốc gia trên Thế
giới:
- Ngày 23.02 : Nước Nga.
- Ngày 19.03 : Ý Đại Lợi – Tây Ban Nha – Portugal.
- Ngày 08. 05: Nam Hàn.
- Ngày lễ Chúa Thăng Thiên, tháng 5: Nước Đức.
- Chúa nhật đầu tiên tháng 6: Lithuania.
- Chúa nhật thứ hai tháng 6: Bỉ quốc – Áo quốc.
- Chúa nhật thứ ba tháng 6: Anh - Ấn Độ - Argentine - Bulgarie – Canada -
Chilê – Cuba – Hoa Kỳ - Hồng Kông – Hòa Lan – Irlande - Nam Phi - Nhật –
Mã Lai - Malte – Mễ Tây Cơ – Pháp – Pérou – Phi Luật Tân – Singapour –
Slovaquie – Thổ Nhĩ Kỳ - Venezuela. (23 quốc gia).
- Ngày 23 tháng 6: Nicaragua.
- Chúa nhật cuối tháng 7: Dominique.
- Chúa nhật thứ hai tháng 8: Brasil.
- Ngày 08 tháng 8: Đài Loan.
- Chúa nhật đầu tiên tháng 9: Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan.

- Chúa nhật thứ hai tháng 11: Thụy Điển – Estonia – Phần Lan – Na Uy.
- Ngảy 5 tháng 12: Thái Lan.
Riêng tại nhiều Quốc gia có đa số là người Công giáo thì ngày của Cha được
mừng vào ngày 19 tháng 3 lễ kính Thánh Giuse.

III.- HÂN HOAN TẠ ƠN MỪNG NGÀY HIỀN PHỤ 

Theo định nghĩa trong Tự Điển, người Cha là người sinh ra hay nuôi dưỡng một
đứa con. Đặc biệt về danh xưng người Cha của các con ở Việt Nam có một số địa
phương thay đổi cách gọi là: - Bố (Mẹ) – Ba (Má) - Cha (Mẹ) – Thầy (U hoặc Bu) –
Chú (Thím) - Cậu ( Mợ) – Bò (Bầm). Trong lãnh vực tinh thần có Cha Linh hướng –
Bõ ( Vú ) đỡ đầu Rửa Tội hoặc Thêm Sức.

Qua tập tục ở các quốc gia, việc tổ chức Ngày của Cha đã đi vào nề nếp, từ
những ngày tháng trước đó, con cái cháu chắt đã chuẩn bị sắp xếp công việc, thời
giờ để về thăm, chung vui trong bầu khí đầm ấm mừng người Cha cột trụ của gia
đình, và cũng không quên để tâm trí mua sắm quà cáp, bánh trái, gửi thiệp, các vật
dụng cần thiết trao đến tay tạo niềm vui cho Cha “ Vì của dâng cho Cha, sẽ không
rơi vào quên lãng” (Hc 3,16)

Riêng tại Việt Nam ta, trong khuôn khổ tập tục gia phong “Quân, Sư, Phụ “, dù
không có ngày riêng nhưng việc tôn trọng Cha đã được xếp vào một trong ba bậc
quan trọng nhất ngang hàng với nhà Vua và Thầy dạy, vị trí người Cha thập phần
quan trọng vì “Con không Cha như nhà không nóc” đã nói lên tầm ảnh hưởng của
Cha người chủ gia đình.

Gần đây Ngày của Cha mới được du nhập vào nước ta và dù chưa chính thức
trở thành ngày lễ kỷ niệm lớn, thế nhưng vào ngày này dù ở đâu đi nữa những
người con cũng đã thu xếp về thăm Cha và gia đình, đó là một nét đẹp trong đời
sống mà chúng ta cần duy trì và phát huy.

Nhân dịp Ngày lễ Cha năm nay, mong rằng người Việt ở muôn nơi hãy làm
gương và nhắc nhở, dạy dỗ con cháu hiểu rõ ý nghĩa cao quý về sự hiếu thảo đối
với các bậc làm Cha Mẹ. Và nên nhớ rằng việc đón mừng ngày Hiền Phụ không chỉ
giúp những người con có cơ hội để bày tỏ Lòng Yêu Thương và Sự Kính Trọng đối
với Cha mình, mà còn giúp củng cố mối quan hệ cha con, phát triển tình cảm của
người con dành cho Đấng nuôi dưỡng mình.

Hoa Thịnh Đốn, Ngày Tri Ân Cha 16.6.2019


Vinh sơn VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2019

Father’s Day

Lịch sử ngày Lễ Cha 


Thuở Thượng Cổ  xa xưa, thế giới còn ở chế độ Mẫu Hệ và Mẫu Quyền vì bấy giờ  đứa con 
chỉ biết  có  mẹ. (Ngày nay còn một số sắc tộc ở VN , thí dụ người Chàm, vẫn  còn theo chế 
độ Mẫu hệ: Con gái có quyền “Cưới chồng”, chỉ con gái mới được chia gia tài. Con gái út 
được chia nhiều nhất vì phải nuôi bố mẹ già).

Khi loài người biết sống quây quần thành Bộ Lạc, bố mẹ ở với nhau, cùng lo cho con cái, 
dần dần người cha làm chủ gia đình và loài người tiến sang chế độ Phụ Hệ (Nhưng phần 
lớn người Mẹ vẫn còn có quyền như  quyền”nâng khăn sửa túi -  quyền Nội Tướng -  quyền 
kinh tế … nhất là người phụ  nữ  Việt Nam):

“Lệnh ông không bằng cồng bà” (tục ngữ)

Khi theo chế độ phụ quyền, người cha được coi là nhất, có rất nhiều quyền hành: Vua, 
Quan, Trưởng Tộc…thường là đàn ông.

Đạo Công gíáo, trên trời có Đức Chúa Cha,  Đức Giáo Hoàng là Đức Thánh Cha, Linh Mục 
giảng đạo được gọi là Cha . Chữ Paster (Pastor) theo nghĩa chữ La Tinh là tạo hóa.
Đạo Phật cũng gọi Đức Phật Thích Ca Mâu Nì là đấng Từ Phụ (người cha hiền từ).

Vì cha rất nghiêm khắc đối với con cái, nên người Trung Hoa gọi là “Nghiêm Đường”.
Trong gia đình Việt Nam, cha là người quan trọng  hơn cả và ở địa vị cao nhất, ví như cái 
nóc nhà:

“Con có cha như nhà có nóc”

Ở  Việt  Nam, tuy người cha có địa vị cao như thế, nhưng  vẫn luôn luôn mong con hơn 
mình để xã hội được tiến hóa, khác với người Trung Hoa mong con sinh ra theo kịp bố (Hổ 
phụ sanh hổ tử) , và người Pháp mong con cái bằng mình (Ton père, ton fils)

Ở Mỹ, ngày lễ Father’s Day   được tổ chức  đầu tiên vào 19 tháng 6  năm 1908 tại 
Washington State trong một nhà thờ, nhân ngày tưởng niệm những người cha di dân từ Ý 
đến, bị chết trong một tai nạn nổ hầm mỏ giết hại 361 người.

Bà Sonora Smart Dodd sinh tại Creston, Washington State, đã nghĩ đến người cha thân 
yêu, một cựu chiến binh thời nội chiến (Civil War) sau ngày lễ Mother’s Day.
Ông W. J. Smart đã ở vậy nuôi sáu đứa con nên người. Bà Sonora tưởng niệm ngày cha 
mất vào 5 tháng 6, nhưng vì thông báo trễ, nên ngày lễ được dời lại đến Chủ Nhật thứ 3 
trong tháng 6. Như vậy, ngày lễ Father’s Day trong tháng 6 được tổ chức đầu tiên tại Mỹ 
vào June 19, 1910 tại Spokane, WA. cách nay vừa đúng 100 năm.

Tổng thống Calvin Coolidge đề nghị Father’ Day là ngày nghỉ lễ quốc gia vào năm 1924, và 
tổng thống Lyndon Johnson chọn ngày Chủ Nhật thứ 3 trong tháng 6 là ngày nghỉ lễ Father’
s Day. Tuy nhiên, mãi tới năm 1972, 
thời tổng thống Richard Nixon, Father’s Day mới trở 
thành ngày lễ chính thức của Hoa Kỳ.
Ngày Lễ Cha tại Việt NamNgày nay cũng theo Mỹ kỷ niệm ngày Lễ Cha vào chủ nhật thứ 3 của tháng 6,  nhưng 
không phải là ngày lễ chính thức (được nghỉ).

Ba ngày Tết Việt Nam bao gồm đầy đủ các ngày lễ trong năm của các nước Âu Mỹ ngày 
nay, đó là Mồng Một Tết  dành cho Cha, Mồng Hai Tết  dành cho Mẹ, Mồng Ba Tết dành 
cho Thầy..
“Mồng một ăn tết nhà cha
Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy” (ca dao).
Tương tự ngày Lễ Mẹ, trong ngày Lễ Cha. hoa hồng đỏ dành cho ai còn cha và hoa hồng 
trắng dành cho ai đã mất cha.
Những ngày Lễ Cha trên thế giới

Đức:
 Tổ chức vào ngày lễ Thăng Thiên (Ascension). Đàn ông Đức chở cả xe bia về vùng 
quê nhậu! Hoặc đến các Bar uống rượu. Con cái tặng quà cho cha.

Thụy Điển: Tổ chức vào ngày thứ 2 của tháng 11 .
Ý: Tổ chức vào 19 tháng 3 ( Festa Del Papa.) (Ngày Thánh Joseph) không phải là ngày nghỉ.Pháp: Fête des Pères (Giống  nước Mỹ).
Nam Hàn : 8 tháng 5, 
Thái Lan: 5 tháng 12 (sinh nhật vua), 
Đài Loan : 8 tháng 8. 


Theo đạo Nho :
I.  Đạo lý của cha (Tam cương, ngũ thường): tam là ba, cương là giềng mối. Tam 
cương là ba mối quan hệ: quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu phụ (vợ chồng).
1.  Quân thần: ("Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung" nghĩa là: dù vua có bảo cấp 
dưới chết đi nữa thì cấp dưới cũng phải tuân lệnh, nếu cấp dưới không tuân lệnh thì cấp 
dưới không trung với vua)Trong quan hệ vua tôi, vua thưởng phạt luôn luôn công minh, tôi 
trung thành một dạ.
2.  Phụ tử: ("phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu nghĩa là: cha khiến con chết, con 
không chết thì con không có hiếu)")
3.  Phu phụ: ("phu xướng phụ tùy" nghĩa là: chồng nói ra, vợ phải theo)


II.  Ngũ thường: ngũ là năm, thường là hằng có. Ngũ thường là năm điều phải hằng có 
trong khi ở đời, gồm: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
1.  Nhân: Lòng yêu thương đối với muôn loài vạn vật.
2.  Nghĩa: Cư xử với mọi người công bình theo lẽ phải.
3.  Lễ: Sự tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người.
4.  Trí: Sự thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai.
5.  Tín: Giữ đúng lời, đáng tin cậy.
Đạo lý của Mẹ (Tam tòng, tứ đức): tam là ba; tòng là theo. Tam tòng là ba điều người phụ nữ phải theo, gồm: "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử"

1- Tại gia tòng phụ: người phụ nữ khi còn ở nhà phải theo cha,
2-  Xuất giá tòng phu: lúc lấy chồng phải theo chồng,
3-   Phu tử tòng tử: nếu chồng qua đời phải theo con"
Tứ đức: tứ là bốn; đức là tính tốt. Tứ đức là bốn tính nết tốt người phụ nữ phải có, là: công - dung - ngôn - hạnh.

1-  Công: khéo léo trong việc làm.
2-  Dung: hòa nhã trong sắc diện.
3-  Ngôn: dịu dàng trong lời nói
4-  Hạnh: nhu mì trong tính nết. 


Tham khảo:
 Tài liệu trên Internet - Wikipedia 


@@

Ngày Quân Lực và ngày Lễ Cha (Father’s Day) 

Trên thế gian này, những giá trị tinh thần thường được tồn tại mãi mãi theo cùng với thời gian, trong khi vật chất phù hoa chỉ hiện diện rất ngắn, sẽ tan biến trong khoảng không gian nhỏ hẹp một thời.

Cũng vì thế, những đoàn nghĩa binh hay những tổ chức quân đội tham gia các cuộc chiến chống ngoại xâm sẽ được ghi nhớ  đời đời vì giá trị đích thực là bảo vệ quê hương đất nước và dân chúng. Ngược lại, những đoàn quân chiến thắng một thời, nhưng sau đó lại “hèn với giặc, ác với dân” trước sau rồi cũng sẽ bị đào thải, hậu thế chẳng ai thèm nhắc nhở khi chế 
độ tạo ra chúng không còn tồn tại nữa.

Đoàn nghĩa binh Lam Sơn hay đoàn quân bách chiến bách thắng Quang Trung sẽ đời đời được nhắc nhở, ghi ân,  mặc dù nhửng binh đoàn đó không còn nữa…

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng không còn nữa Trang sử đẫm máu cũng đã tạm thời khép lại để mở ra trang sử đấu tranh mới. Tuy nhiên, đoàn quân chính nghĩa vì Tổ Quốc và Danh Dự, có Trách Nhiệm bảo vệ non sông, quần chúng sẽ sống mãi mãi với thời gian. Ngày Quân Lực 19 tháng 6 mỗi năm sẽ lại về cùng với ngày lễ kỷ niệm những cha thân yêu, đã từng đổ mồ hôi gầy dựng gia đình, dạy dỗ con cái nên người và góp máu xương ngoài chiến trường để bảo vệ quê hương cùng đời sống dân chúng hậu phương…