Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Áo Dài Quê Hương


Từ thuở lững chững biết yêu, đến nay tóc đã nhuốm màu sương khói. Từ lúc mơn man vào hành trình chữ nghĩa, đến nay đường lãng du đã vượt ngàn hải lý. Khi có kẻ năm châu hỏi tôi: 
- Đi nhiều thế, thích nhất nơi nào? 
- Chẳng ngại ngần: vẫn xứ Việt Nam. 
- Đi nhiều thế có gì thương nhất? 
- Chẳng ngại ngần : tà áo dài em. 

Chẳng thế mà tôi có một bộ sưu tập ảnh “Áo Dài Việt Nam” thời chưa bị biến tấu, chưa bị những thẩm mỹ viện cắt ráp vá khâu thêm những rẻo đời thời thượng! 
Tôi hãnh diện khoe sưu tập ảnh cùng kẻ năm châu mỗi khi có dịp . Như khoe mình là con cháu Văn Lang . Nên chi trong dòng thơ khoát danh “Thi Sử” tôi đã đưa tà áo dài em lên cùng với lịch sử Sài Gòn: 

Sài Gòn - Em, và chiếc áo dài 
Dựng trước anh chân dung mùa Hạ cũ 
… 
Sài Gòn ơi! thương quá tiếng Em, Anh 
biết dỗ ngọt suốt bốn mùa hoa, trái 
áo dài Mẹ, em vẫn còn giữ mãi 
từng đường thêu dấu ái vẫn còn xinh ... 

Chân dung Sài Gòn, chân dung Áo Dài. Đẹp tuyệt vời, đẹp cả dáng và hồn. Hồn của trái tim Việt Nam trong biểu tượng Sài Gòn và chiếc Áo Dài. 
Nếu thuở ươm thơ vào đường tình, không có sức mê hoặc của tà áo dài, chưa chắc nét duyên Em hiện trên thực thể, chưa chắc mái tóc huyền Em dự lễ đăng quang trong ánh mắt thơ. 
Áo dài trắng, mái tóc đen . Đã làm nên một tuyệt tác ảnh đủ sức cảm rung từng con chữ trên cung bậc thơ ca. Vì thế mà tôi đã theo Áo Dài suốt bốn mùa với sắc màu thay đổi. Trắng: trinh nguyên, Tim: nhớ thương,Vàng: đam mê, Đỏ: kiêu hãnh … 

Sài Gòn,Em và chiếc áo dài đều trong trái tim tôi. Luôn trong tầm nhớ thật gần, tưởng chừng chỉ vói tay là chạm được. Thật là thèm chạm vào hơi thở của mưa nắng Sài Gòn: 

Sài Gòn nắng chảy tràn đêm 
đường mê sảng nóng, Phố thèm giọng ca 
tiếc mùa luân vũ biệt xa 
gót sen rướm máu trượt qua nguyện cầu ... 

Thèm được nghe nhịp tim Em rung sau làn lụa nõn, để vào khuya thơ cất giọng ru mơ: 

Sài Gòn ru em 
khúc tình tháng hạ 
bóng cũ bên hiên 
buồn nghiêng hoá đá ... 

Ơi Sài Gòn! Ơi Áo Dài! Tiếng gọi trầm lắng trong mạch triều âm vỗ hai bờ Đông – Tây biển Thái Bình xanh thẩm. Điều kỳ diệu là thời gian không làm phai nhạt màu sắc của ký ức. Vẫn mãi nhớ ngày mới quen Em nơi bờ sông Quê Nội, nhìn qua gương nước lấp lánh màu sen hồng trên nền áo lụa xanh. 
Trời, nước, hoa và áo dài cùng một game màu thanh nhã. Từ đó mỗi lần cùng Em dạo trên những quãng đường chiều, tôi thích Em mặc áo dài màu xanh của biển. Nét tương phản giữa ánh hoàng hôn với màu xanh lung linh sóng biển, đẹp vô cùng. Nắng vàng tạo nên những gợn sóng hừng hực đam mê lăn tăn trên tà áo biển xanh. Không còn là màu ẩn dụ, mà là màu thơ, màu của trí tưởng phát họa nên sắc thái hài hòa giữa sự khắc chế của sinh tồn!



Image result for áo dài Viet^. Nam
Tranh Áo Dài: họa sĩ Thanh Trí

Sài Gòn, Em và chiếc áo dài 
Sài gòn, Em và chiếc áo dài
dựng trước anh chân dung mùa Hạ cũ
có nắng chen mưa đùa ngọn tóc bay
xua cánh phượng rơi đầy trong sóng mắt

Sài Gòn, Anh của một thời xa lắc
bon bon vui thoang thoắt bánh xe quay
theo nón em che nghiêng bờ ngực dậy
mơ môi hồng, tuổi ngọc, rượu tình say

Sài Gòn Yêu, suốt những chiều biết đợi
đếm lá me bay về cuối giảng đường
mắt đau đáu nhìn cổng trường mở vội
dáng gầy em cợt vói gọi yêu thương

Sài Gòn Xưa, lụa vàng ươm vóc ngọc
mịn hồng da, đuôi tóc ủ vai trần
hăm hở bước nghêu ngao mùa guốc mộc
ngắm thơ tình trên đọt giấy hoa tiên

Sài Gòn Nhớ, của riêng mình hai đứa
khung trời thương hẹn hứa gởi mây chiều
nhiều biết mấy bao nhiêu điều chưa nói
thời gian đi, quyện rối những đường tơ

Sài Gòn đam mê với Thơ và Nhạc
trên hành trình khao khát những dòng sông
sức quyến rủ những con đường,góc phố
chảy dọc đời tóc bạc hóa mây xanh

Sài Gòn ơi! thương quá tiếng Em, Anh
biết dỗ ngọt suốt bốn mùa hoa, trái
áo dài Mẹ, em vẫn còn giữ mãi
từng đường thêu dấu ái vẫn còn xinh .

Cao Nguyên

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

Chúng Ta là dân nước Nam !

SĨ PHU VIỆT NAM ĐỜI XƯA VÀ NAY

Quan niệm xưa về Kẻ Sĩ như thế nào?
 
Sĩ là gì?  -Kẻ Sĩ là người xuất thân từ khoa bảng.  Đó là lớp người được đào tạo để trị nước, an dân.  Học là cơ sở để trở thành Kẻ Sĩ.  Kẻ Sĩ có đầy đủ những đức tính Nhân, Trí, Dũng.  Mục tiêu phục vụ của Kẻ Sĩ là Chân-Thiện-Mỹ mà thực tiễn là Giúp Đời, làm cho cuộc sống của người dân trong sạch, có đạo đức, và tươi đẹp. 
 Kẻ Sĩ là hiện thân của người Quân Tử mà Khổng Tử đã viết: “Có thể đem vận mệnh quốc gia mà giao phó cho họ.  Dẫu có gặp nguy hiểm đến tính mạng thì họ cũng không dao động.”
 
Trong thi văn, cụ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) là Nhà Nho đã đề cao vai trò của Kẻ Sĩ rõ nét nhất.   Ông viết:
 
Tước hữu ngũ, Sĩ cư kỳ liệt   
Dân hữu tứ, Sĩ vi chi tiên                  
Có giang san thì Sĩ đã có tên
Từ Chu, Hán, vốn Sĩ này là qúy
 
Suốt cuộc đời của ông là gương sáng của Kẻ Sĩ: tận tụy phục vụ cho lợi ích của nhân quần, xã hội với tinh thần công, minh, chính, trực.
 
Chính từ quan niệm rất cao đẹp về Kẻ Sĩ kể trên mà từ trước đến nay đất nước Việt ta vẫn luôn luôn sản sinh những con người đã sống đúng với tinh thần của Kẻ Sĩ. 
 
Sở học của Kẻ Sĩ ngày trước bao gồm đủ cả thiên văn, địa lý, dịch lý, tướng số, văn học, lý luận, số học, và đạo đức chính trị dựa vào học thuyết của Khổng Mạnh mà mẫu người của thời đại là Quân Tử. 
Quân tử là gì?  Không có một từ ngữ nào của Tây Phương dịch đúng ý nghĩa từ quân tử.  Những từ như true gentleman, superior man, hay man-at-his best, chỉ diễn đạt được một phần hình ảnh của người quân tử.
Khổng Tử, khi mô tả về người quân tử, đã đưa ra nhiều dẫn dụ về phẩm chất tương phản cụ thể giữa tiền nhân và quân tử như:
 
Quân tử hoà nhi bất đồng.
Tiểu nhân đồng nhi bất hòa.
(Quân tử hòa mà không đồng; kẻ tiểu nhân đồng mà không hòa.)
 
Quân tử khoan hòa mà không kiêu căng.
Kẻ tiểu nhân kiêu căng mà chẳng khoan hoà.
 
Quân tử chi giao đạm nhược như thủy.
Tiểu nhân chi giao điềm như mật.
(Lòng người quân tử giao thiệp trong như nước) [ai cũng thấy được]
Lòng kẻ tiểu nhân giao thiệp kín đặc như mật).
 
Nhưng không phải Kẻ Sĩ nào học sách thánh hiền đều trở thành người quân tử cả.  Có nhiều Kẻ Sĩ giả nhân, giả nghĩa, đời gọi là ngụy quân tử.
 
Nước ta trong suốt thời gian lập quốc từ thời Nhà Đinh (968-1009), Lê, Lý, Trần Lê, đến thời Nhà Nguyễn (1802-1955), tinh thần Nho Giáo, Phật Giáo, đã là nòng cốt để tạo nên những bậc Sĩ anh hùng, hào kiệt tên tuổi còn để lại đến ngày nay như Ngô Quyền, Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Vương), Trần Quang Khải, Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liêm, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Lê Qúy Đôn, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Trường Tộ, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thần, …
Điểm đặc thù trong trong quá trình tranh đấu của nước ta chống ngoại xâm đặc biệt chống Trung Quốc xâm lược, hầu hết các chiến sĩ đều là thi sĩ.
 
Cố thi sĩ Trần Quốc Thái (CA) viết trong Lời Mở trong thi phẩm Bài Thơ Trên Cát của ông:
 
Tự phân tích bản than tôi, tôi khám phá ra một điều rất kỳ thú: cái hồn thi nhân tạo ra cái thần chiến sĩ … Hầu hết các đại thi hào của dân tộc ta, điển hình là hai thời vàng son – Lý và Trần - đều là những chiến sĩ anh hùng kiêm thi sĩ.  Thừa hưởng di thống của tiền nhân, hấp thụ khí thiêng của sông núi, con cháu đời này sang đời khác đều là chiến sĩ kiêm thi sĩ.
 
Thi sĩ Trần Quốc Thái đã ra người thiên cổ, nhưng những lời thơ khảng khái của ông còn đây trong bài “Bức Thư Không Gửi”:
 
Cha ơi,
Con sẽ về dựng cờ cho lá cây rừng mở hội
Chặt xích xiềng cho toàn dân vùng lên hỏi tội
Loài Cộng nô quên gốc cội Tiên Rồng
 
Trước tham vọng xâm lăng của Nhà Tống, Trung Quốc, Thi Chiến Sĩ Lý Thường Kiệt viết lên bốn câu thơ bất hủ:
 
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư                                    Đất nước Nam ta Nam Đế ngự
Tiệt nhiên định mệnh tại Thiên Thư                Tuyệt nhiên số đã định nơi Trời
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?                    Cớ sao nghịch tặc qua xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư                     Nhất định nếm mùi thất bại thôi
 
Trong cuộc kháng chiến chống quân nhà Nguyên (Mông Cổ), kẻ sĩ Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời Thoát Hoan: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc.”
 
Kẻ Sĩ Cận Đại
 
Trong giai đoạn đất nước lâm nguy sắp sửa rời vào tay thực dân Pháp, nhiều sĩ phu đã vùng lên kháng Pháp như Nguyễn Công Trực, Trương Định, Thiên Hộ Vương, Đoàn Hữu Trưng, Thủ Khoa Huân, Đặng Như Mai, Tôn Thất Thuyết, Vua Hàm Nghi, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Bội Châu, Vua Duy Tân, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Giang, Lý Đông A, Nguyễn Hải Thần, …
Họ là những Kẻ Sĩ mạnh dạn đứng lên xướng nghĩa hay ứng nghĩa, lãnh đạo những phong trào chống thực dân Pháp, tiếp nối ngọn lửa đấu tranh của dân tộc Việt từ ngàn xưa cho đến khi giành được độc lập, tự chủ mới thôi.
 
Nhóm lãnh đạo của Đảng Cộng Sản VN như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Phạm văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, v.v. có thể coi là Kẻ Sĩ không?
 
Câu trả lời là “Không” bởi vì nhóm CS này đã mắc vào một phẩm tính đại kỵ đối với Kẻ Sĩ là “lừa dối” hay “trí trá” có nghĩa là Đảng CS chủ trương sử dụng mọi phương tiện dù có đê hèn hay dã man đến đâu để họ đạt được mục đích.  Đó đó là phương châm hành động mà họ đã dạy cho tất cả các đảng viên: “Cứu cánh biện minh phương tiện”. 
Tóm lại, các chính sách của Đảng CSVN đưa ra đều đã và đang thất bại và càng ngày càng đưa đất nước đến chỗ tan rã về mọi mặt. 
 
Đảng CS Trung Quốc và đất nước TQ cũng thế: đang đứng trước một sự tan rã không thể tránh được khiến lãnh tụ Tập Cận Bình đã lập đi lập lại câu hỏi: “Tôi còn biết làm gì bây giờ?” trong bài nói chuyện nội bộ mới đây được lọt ra ngoài đăng trên Tạp Chí Tiền Tiêu ở Hồng Kông, số ra Tháng 4/2013. 
Trong bài nói này, họ Tập nêu ra những hiện tượng (Đổi Mới) của Khrushchev, Gorbachev (nga) và khuynh hướng thượng tôn pháp luật ở TQ hiện nay.  Và ông đưa ra những thú nhận rằng:
 
 Kỳ thực, tôi chỉ  là người duy trì sự cân bằng quyền lực của nhóm lợi ích”;  quân đội của chúng ta hiện có thực sự đáp ứng được không khi chiến tranh xảy ra?”, “chủ nghĩa duy vật đã làm cho con người mất đi niềm tin chân chính, chạy theo vật chất và vụ lợi”, “Bản thân lý luận của chúng ta có mâu thuẫn”; “Chúng ta lại đang mất đi niềm tin vào chính lý luận và chính thể chế đang tồn tại hiện nay do chúng ta lập ra”; và “Vấn đề hiện nay không phải là giữ cho lá cờ hồng bay được bao lâu mà là vấn đề bảo vệ non sông đất nước này được bao lâu”. …
 
Những sự kiện này có phải là những chỉ dấu cho thấy rằng CSTQ sẽ phải có sự thay đổi lớn để tránh một cuộc cách mạng mới như ở Tunisia, Libya, và Syria hiện nay?
 
Kẻ Sĩ Thời Nay
 
Kẻ Sĩ Việt khoa bảng thời nay nhiều lắm nhưng bị phân hoá khiến cho một số không ít đã đứng bên ngoài dòng chính của thời cuộc.  Mặt khác, một số vẫn còn mang nặng tính cục bộ, địa phương, bè phái, và những tư tưởng lỗi thời khiến cho những nỗ lực đất tranh cho quê hương sớm thoát khỏi ách Cộng Sản bị trì trệ.  Từ đó, cộng đồng Việt ở hải ngoại chưa có một tiếng nói thống nhất, chưa có lãnh tụ.  Một lý do khác nữa là quá trình xây dựng cộng đồng Việt còn quá non trẻ.  Có lẽ chúng ta còn phải chờ cho lớp trẻ, lớp thế hệ thứ ba hay thứ tư đứng ra lãnh đạo mới đủ điều kiện (kiến thức, điạ vị, và tài chính) để có thể có sức mạnh đáng kể. 
 
Tuy nhiên, trước sự lãnh đạo hèn kém và tàn bạo của các Đảng Cộng Sản, nhiều Kẻ Sĩ của thời đại ở trong nước  đã can đảm lên tiếng chống chế độ kể từ những ngày Đảng CSVN mới tiếp thu Miền Bắc vào năm 1954.
 
Nhóm nhân vật rất đông đứng lên chống chế độ rất sớm là:
 
Kỹ Sư Hồ Đắc Liên (con của ông Hồ Đắc Điềm), Học Giả Đào Duy Anh, Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường,  Triết Gia Trần Đức Thảo, Nhà Văn, Nhà Báo Phan Khôi,  Nhà Thơ Trần Dần, Nhà thơ Phùng Quán, nhà văn Bùi Quang Đoài, nhà văn Minh Hoàng (Vũ Tuyên Hoàng), nhà văn Phùng Cung (viết “Con Ngựa Già của Chúa Trịnh”), nhà giáo Trần Lê Văn (viết “Bức Thư Gửi Người Bạn Cũ”), kịch tác gia Hoàng Tích Linh (em nhà văn Hoàng Tích Chu, viết vở: “Xem Mặt Vợ”), nhà soạn ca khúc kiêm họa sĩ Văn Cao (viết bài “Đàn Chim Việt”, “Tiến Quân Ca”, “Không Quân Việt Nam”, “Hải Quân VN”), nhà nghị luận Trần Duy (viết bài: “Những Người Khổng Lồ”), kịch tác gia kiêm trước tác giả Hoàng Cầm (viết: kịch thơ “Viễn Khách”, sách dịch “Một Nghìn Đêm Lẻ”), nhà văn kiêm nhà thơ Hữu Loan (viết: “Màu Tím Hoa Sim (thơ), “Cũng Những Thằng Nịnh Hót”, Lộn Sòng”, hoạ sĩ Sĩ Ngọc (Hà Nội, viết bài “Làm Cho Hoa Nở Bốn Mùa” nhằm đả kích Trường Chinh), nhà soạn giả kiêm đạo diễn Chu Ngọc (Vĩnh Yên, viết “Chúng Ta Gắng Nuôi Con” nhằm chế diễu cái thói xấu đương thời.); Kịch tác gia kiêm nghệ sĩ Như Mai (Hà Nội, viết “Tiếng Trống Hạ Hồi” và “Thi Sĩ Máy” chế diễu  chính sách chỉ huy văn học của Đảng CS.); nhà biên soạn từ điển Đào Duy Anh (Thanh Hoá, viết bài “Muốn Phát Triển Học Thuật” nhằm chỉ trích chủ nghĩa  giáo điều và tôn sung lãnh tụ và đề cao tự do sáng tác.); nhà triết học Trần Đức Thảo (Hà Nội, viết bài “Nội Dung Xã Hội và Hình Thức Tự Do” phê phán chính sách Cải cách Ruộng Đất” và đề quyết rằng bịnh giáo điều, quan liêu, bè phái, và sùng bái cá nhân là căn nguyên làm xã hội trì trệ.”   Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (Hà Nội, viết bài “Những Sai Lầm Trong Chính Sách Cải Cảch Ruộng Đất (CCRĐ)” mạnh dạn lên án chính sách CCRĐ của Mao Trạch Đông là dã man và ông nêu câu: “Người nào chỉ biết khóc thôi, hoặc cười thôi, không phải là trí thức” và “Kẻ thù số một của trí thức là bọn chụp mũ.”) [xem Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, Mặt Trận Bảo Vệ Tự Văn Hóa, Nhà In Lion Press, 3018 S Akron CT, Denver, CO 80231]

Hải Bằng
*

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Từ Hành Trình Nhân Ái đến Mục Tiêu Nhân Quyền



Đứng trên đỉnh đồi Hy Vọng, nhìn toàn cảnh địa cầu qua màn sương thu mờ ảo, những núi sông xanh lấp loáng trên từng điểm sáng mặt trời soi rọi . Trí tưởng vận động ánh mắt hướng tầm nhìn thật xa về phương Đông tìm lại núi sông của quê hương quyện trong từng nỗi nhớ.

Xuyên suốt cuộc hành trình Nhân Ái đang đi, khát vọng bừng lên thật ấm lòng làm nảy sinh những ước mơ thường hằng ấp ủ trong lồng tim còn đủ sự nhiệt thành dấn thân đến mục tiêu dân chủ và nhân quyền trên mọi nẻo đường đất nước. Một đất nước mà tình đồng bào ta với ta đang dần phai nhạt. Như mặt đất đã biến dạng và ngã màu nâu sẫm bởi người dân mất quyền làm chủ để chăm nom và bảo trì nguồn sống xanh tươi. Quyền thụ hưởng gia tài của mẹ bị tước bỏ và cả tính mệnh cũng bị đe dọa bởi một đảng cướp chuyên quyền thống trị.

Những tấm lòng yêu tổ quốc, thương đồng bào đang phải chiến đấu trong sự nghiệt ngã của số phận. Thật chẳng thể yên lòng mỗi khi nhìn về quê hương đầy xót thương như thế. Tôi muốn hét lên thật lớn để phá vỡ vùng mù sương, cho nhân sinh nảy lộc xanh tươi trên từng vùng đất khổ. Xanh! Xanh lên hỡi cỏ cây! Hồng! Hồng lên hỡi tình người thân ái! Thương yêu lắm từng mạch sống vì nghĩa sinh tồn đang cuồn cuộn trào dâng nhấn chìm sự tha hóa bẩm sinh xuống hố sâu oan nghiệt. Từng mạch sống đang dồn sức bước tới trên hành trình nhân ái rất thiết tha được yểm trợ bởi sức mạnh tổng hợp mọi nguồn động lực có cùng nỗi khát khao một đời vì Nước và vì Người.

Mỗi người đi lên trên hành trình nhân ái đã thật can đảm giũ bỏ mọi vẩn đục lợi danh, nghiền nát những đốm đen tham vọng cá thể để cùng cộng sinh và cộng hưởng quyền được làm người trong cuộc sống và quyền làm chủ đất nước mình. Họ đã thấu hiểu nghĩa sinh tồn nhờ vào sự tác động hoàn thiện hợp kết từ nhiên cảnh đến tình người theo nguồn nghị lực thân tâm và nhân sinh nhất thể.

Ý nghĩ thiện mỹ đang lan tỏa trong tâm trí khi dung thân vào khát vọng hôm nay. Ước chi được sự cảm nhận của mọi người cùng trên hành trình nhân ái dấn thân vào mục tiêu thực hiện quyền làm người, khôi phục tình đồng bào ta với ta trong cái nôi văn hiến Lạc Hồng.
Bước. Bước lên người hỡi, nắm chặt tay nhau trong tinh thần đoàn kết để chiến thắng kẻ thù chung đang dày xéo quê hương và hủy hoại tình người. Nâng đỡ nhau cùng tiến bước đến mục tiêu phải thực hiện cho chu toàn tâm huyết hiến dâng.

Thật trân trọng những tấm lòng vì tình dân tộc, vì nghĩa đồng bào mà hy sinh quên cả bản thân của mình. Đất nước đang điêu linh, phận làm dân phải nhiệt tình chiến đấu để khôi phục truyền thống đạo đức và văn hóa, xây dựng lại quê hương Việt Nam tươi đẹp sau những tang thương do cộng sản gây ra.
Hiệp thông tâm lực và hiệp đồng nhân lực mới phá hủy toàn bộ các rào cản nhân sinh để cùng đồng tiến trên hành trình nhân ái đến mục tiêu nhân quyền với năng lực tiếp thu từ nguồn nhân bản dân tộc.

Cao Nguyên

Những Tế Bào Nhân Bản



Địa cầu và thời tiết ngày càng thay đổi. Mặt đất biến dạng sau những cơn bão lũ khắp nơi trên toàn cầu. Ngoài nguyên nhân chính do tác động thiên hà vào lực và hướng quay của vũ trụ, còn có sự vi phạm của loài người vào sinh thái thiên nhiên. Nơi này cháy rừng, nơi kia sạt đất, cuốn trôi cả công trình xây dựng và sinh mạng con người.

Sự vi phạm của loài người vào sinh thái, gồm cả sự bạo loạn tất yếu của kẻ ác đã gây ra biết bao sự thương đau của nhân loại. Sức mạnh tàn ác của chủ nghĩa cộng sản là ghê gớm nhất suốt các thời kỳ lịch sử. Bao nhiêu triệu người bị cộng sản giết hại do tham vọng bành trướng chủ nghĩa vô luân, và vì lợi ích riêng của những người cộng sản trên khắp các quốc gia mà chúng thống trị.

Riêng tại Việt Nam, qua các cuộc cách mạng do cộng sản phát động đã giết chết nhiều triệu người. Cuộc tàn sát vẫn đang tiếp diễn nhằm ngăn chặn sức đề kháng của người dân chống lại sự thống trị tàn ác.

Ngay trong cách mạng mùa thu 1945, cộng sản đã chủ trương giết để trị theo phương châm "thà giết lầm hơn bỏ sót" những thành phần phản kháng. Cho nên khi nào cộng sản còn thống trị đất nước, bất cứ ai ưa chuộng dân chủ và công lý đều bị cộng sản sát hại dưới mọi thủ đoạn.

Sau chiến tranh, cuộc tàn sát tập thể được khởi động qua các cuộc đầu độc bằng hóa chất trên khắp đất nước, cùng với việc làm băng hoại đạo đức xã hội nhằm đẩy dân tộc vào cuộc tự diệt ý chí và sinh lực. Tư tưởng quốc gia và giá trị nhân bản của người Việt bị biến dạng dưới mưu đồ Hán hóa của Tàu cộng. Nhằm tái diễn cuộc Bắc thuộc trên quê hương Việt Nam!

Thế nhưng phần lớn người dân vẫn sống thụ động, sống theo nhu cầu cơm áo của bản năng sinh tồn. Cho nên những sự vận động về một cuộc cách mạng nhân bản nhằm tiêu diệt chế độ cộng sản tàn ác, vẫn chỉ là những lời hiệu triệu vô vọng.

Sự khắc nghiệt của thiên nhiên và lòng người hiểm ác sẽ gây ra cuộc hỏa thiêu đốt cháy cả một nền nhân bản dân tộc. Thảm họa của dân tộc và đất nước Việt Nam không tránh khỏi cuộc tiêu vong. Khi con người chỉ sống bằng sự cầu mong nương tựa vào sinh lực ngoại thân thì tránh sao khỏi bị hủy diệt bởi chính mình!

Thấm thía về những vết thương chủng tộc và những nỗi đau trên quê hương do thế lực tàn ác gây nên, mới thấy mình bất lực trước cuộc hỏa thiêu!

Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ có thấu hiểu những đứa con của Mẹ đang đau đớn như thế nào không? Hiểu thấu thì Mẹ hãy khóc, khóc thật nhiều cùng các con, nguồn nước mắt thương cảm về sự tồn vong của quốc gia có cơ may làm dịu lắng cuộc hỏa thiêu, tạo nguồn sống mới cho những tế bào nhân bản lan tỏa phá vỡ sự khắc nghiệt của mặt đất và lòng người. Chuyển đổi trận hỏa thiêu thành trận hỏa công đốt cháy lũ bạo tàn.

Khi nào lượng tế bào nhân bản phủ rợp trên một xã hội trầm uất, nguồn nước mắt của Mẹ và các con sẽ khởi động cuộc cách mạng nhân bản, phục sinh sắc thái tinh thần dân tộc.

Cuộc cách mạng nhân bản cam go hơn cuộc cách mạng vũ trang, bởi sau khi tiêu diệt sự tàn ác, để phục hoạt giá trị nhân văn cần trải qua một thời gian dài với quyết tâm của mỗi tế bào nhân bản Việt Nam vì một Tổ Quốc thương yêu .

Cao Nguyên
Mùa Thu 2018

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Nói Chuyện Với Thơ


Một Ý Kiến Về
Giới Thiệu Tác Phẩm & Phê Bình Văn Học
Như có lần tôi đã trình bày trong một trang viết đăng trên tạp chí Nguồn số 54 về sự tương quan như thế nào giữa việc giới thiệu một tác phẩm và bộ môn Phê Bình Văn Học.
Xin thưa, viết tựa cho một quyển sách hay giới thiệu một tác phẩm là một việc làm mang tính ước lệ. Người viết thường trích dẫn từ trong sách những đoạn văn, những câu thơ ưng ý để minh họa cho nhận định mà mình đồng cảm, tâm đắc với tác giả. Người giới thiệu tác phẩm thường có vai trò khác với độc giả của tác phẩm đó – nghĩa là không làm công việc bình phẩm khen chê.
Về bộ môn thơ, có một nhận định chung là tất cả các tập thơ - của bất kỳ tác giả nào, không phải toàn bộ thi phẩm đều là những bài thơ có cùng phẩm chất. Và rằng một người làm hàng trăm bài thơ, có được năm, ba bài; hoặc năm, bảy câu thơ được người đời nhắc nhở, truyền tụng thì đó là một tác giả thành công và là một nhà thơ thành danh.
Người thưởng ngoạn thơ, khi đọc một bài thơ, một tập thơ, cảm xúc của người đọc sẽ hòa lẫn vào cảm xúc của người viết. Tác giả truyền dẫn tâm sự của mình vào tâm hồn người đọc nếu bài thơ được viết ra từ rung cảm, từ sự trăn trở, từ nỗi niềm tận đáy lòng mình. Ngược lại là những bài thơ khó làm rung động lòng người, dù bài thơ vẫn nghiêm chỉnh ngữ nghĩa, vần điệu, niêm luật.
Người đọc tác phẩm và giới thiệu đến độc giả tác phẩm đó rất khác với công việc phê bình tác phẩm. Người giới thiệu tác phẩm cũng có vai trò như một độc giả, đọc và thưởng thức nội dung tác phẩm rồi lượm lặt ra những bài thơ, đoạn thơ, câu thơ tâm đắc, ưng ý mà viết ra, nói ra chia sẻ với người khác.
Người giới thiệu tác phẩm không làm công việc của nhà phê bình: tìm tòi, phân tích những cái hay, cái dở trong từng câu từng đoạn - văn cũng như thơ. Và sau cùng có thể định hình một cách khách quan giá trị nội dung của tác phẩm. Nhờ đĩ tác giả có thể nhìn nhận (hoặc phủ nhận) ý kiến của nhà phê bình, một cách không chủ quan, để hoàn chỉnh lại tác phẩm của mình. Và độc giả cũng nhờ đó mà tìm được những tác phẩm ưng ý.
Bộ môn phê bình văn học đã bị bỏ trống từ nhiều thập niên ở trong nước và hoàn toàn thiếu vắng ở hải ngoại.
Từ thời Đệ nhất Cộng Hòa, sau Bản tuyên bố trong cuộc hội thảo về “Vấn đề phê bình văn nghệ” tổ chức ngày 15 tháng 1 - 1967 tại Chợ Lớn, với trên 250 nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, ký giả, sinh viên tham dự... cho đến nay chưa có một cuộc tập họp nào thảo luận về đề tài này. Sở dĩ người ta “tránh né” vì Phê bình văn học “chính là một nguồn dư luận, với một chủ đích nhất định, nhưng lại khó chấp nhận ở loại công chúng chủ động...” (*). Bất cứ một tác phẩm nào muốn gây được sự chú ý của dư luận và muốn được dư luận chú ý thì phải chấp nhận “bị ném đá” như câu ngạn ngữ khá phổ biến trong giới văn nghệ: “Chỉ những cây có quả mới bị ném đá”.
Trong “Nói Chuyện Với Thơ”, 
Chương I – “Vai Trò Và Sứ Mệnh Của Thi Sĩ” là phần nhận định của tôi về thơ của các tác giả: Tuệ Nga, Vi Khuê, Cao Mỵ Nhân, Phan Thị Ngôn Ngữ, Cao Nguyên, Cung Diễm, Duy Năng, Hương Giang, Hàn Thiên Lương, Hà Trung Yên, Luân Hoán, Song Thi, Sương Mai, Thường Quân, Võ Ý, Vương Nhân cũng cùng “thể loại” với các tác giả viết về thơ Song Nhị.
Nói chung trong cả hai chương I và II đều có một cách viết giống nhau, đúng như tựa đề quyển sách “Nói Chuyện Với Thơ”.
Chương II - Thơ Song Nhị - Giòng Sử Thi Buồn Của Đất Nước (*) là phần giới thiệu thơ Song Nhị của những cây bút quen thuộc như: Trần Tuấn Kiệt, Trần Kiêm Đoàn, Nguyễn Thùy, Diên Nghị, Hồng Vũ Đông Sơn, Phan Bá Kỳ, Diệu Tần, Hà thượng Nhân… mà không phải là Phê Bình Văn học. Các tác giả chỉ lượm lặt ra những câu thơ, ý thơ hay, cốt lõi để giới thiệu…
Tuy nhiên, là những người cầm bút (tự trọng), chúng tôi chịu trách nhiệm về những bài viết của mình trước dư luận. Trong phần viết về thơ Phan Thị Ngôn Ngữ, tôi có lời bộc bạch như sau:
“Tôi không có ý cường điệu khi đưa ra nhận định này. Tôi không viết cho tôi và cũng không phải viết cho tác giả. Sự khen chê thiếu vô tư trong sáng sẽ là điều lố bịch”. (trang 200)
Nhân dịp ấn hành tác phẩm này, đây là lúc tôi có cơ hội được nói lời cảm tạ tấm thịnh tình của các nhà văn, nhà thơ trong Chương II đã ưu ái dành cho tôi những bài nhận định công phu sắc bén về Thơ Song Nhị.
Đây cũng là dịp tôi được nói lời cảm tạ đến các Nhạc sĩ đồng cảm đã đem thơ Song Nhị lồng vào dòng nhạc của các bạn. Số nhạc phẩm tôi có khá nhiều, nhưng cho tới nay chỉ mới thực hiện được một CD “12 Tâm Khúc…”.
Có một số bản nhạc của các nhạc sĩ Tô Dương Tử (Saigon 1969) và NS Hiếu Anh (Hoa Kỳ) đã qua đời, cùng một số bản nhạc khác bị thất lạc nên không có để in vào trong sách. Xin tạ lỗi. Nay các bạn đã ra người thiên cổ.
Sau cùng xin được nói lời cảm tạ đến các nhà thơ đã ủy thác cho Cội Nguồn xuất bản tác phẩm để tôi có dịp được đọc và viết về thơ của quý bạn.
Xin cảm ơn nhạc sĩ trần Hưng Nguyên, người bạn tù và cũng là bạn văn nghệ đã nhiệt tình giúp tôi trong phần kỹ thuật thực hiện CD và các bản nhạc.
Sau hết, tôi xin cáo lỗi với một số nhà thơ khác như Ngân Phi Thư (Australia), Việt Bằng, Duy An Đông, Ngô Đức Diễm, Kha Lăng Đa, Mạc Phương Đình, Mặc Lan Đình, Lê Nguyễn…. mà bài viết của tôi về thơ của các bạn phần bị thất lạc, phần chưa hoàn chỉnh nên không in được trong quyển sách này.
Một số bài viết về các tác phẩm văn/truyện của các tác giả khác sẽ in trong tập “Khoảnh Vườn Văn”, đã hoàn tất bản điện tử và đang chờ đợi... được ấn hành.
Song Nhị, 4/2014
----------------------------
(*) Những nghịch lý của phê bình - Lại Nguyên Ân



Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

Nhớ Sài Gòn

Nhớ Sài Gòn 

Sài Gòn thuở ấy, Sài gòn với những hàng lá me bay, những tà áo dài bên những bộ quân phục chỉnh tề của các anh sĩ quan trong những ngày cuối tuần dạo phố. Nắng Sài Gòn cũng chợt dịu mát những con đường tình ta đi. Rồi những cơn mưa bất chợt như chút nũng nịu của nàng trong những lần hò hẹn. 
Sài Gòn bây giờ chỉ còn những nét đẹp trong mơ. Anh đã xa thật rồi, xa cuộc tình xưa đầy thơ mộng. Giờ chỉ còn là nỗi nhớ vô biên. 

chiều nay sao thấy buồn chi lạ 
nhớ Sài Gòn – nhớ lây sang em 



Nhớ Sài Gòn 

chiều nay sao thấy buồn chi lạ 
nhớ Sài Gòn – nhớ lây sang em 
nắng nghiêng xuống mưa tuôn hối hả 
tay che đầu giữ tóc thôi bay 

nhớ môi em run theo gió lạnh 
quàng tay nhau chân bước như say 
lời em nói dường như đặc quánh 
khi nụ hôn miết xuống môi đầy 

chiều nay sao thấy buồn chi lạ 
nhớ Sài Gòn – thương cuộc tình xưa 
nghe tiếng ve gọi tình ra rả 
vòng đôi tay đan võng đong đưa 

mưa phủi nắng chảy trên sóng lá 
xô giọt buồn lóng lánh trôi xa 
cứ thấp thoáng trong anh tháng Hạ 
giọng cười em rộn rã trong mưa 

chiều nay sao thấy buồn chi lạ 
em ơi Sài Gòn! Tình, Nắng và Mưa 
anh nghiêng vai trút đời vất vả 
hồn mân mê tìm chút hương xưa 

chiều nay sao thấy buồn chi lạ 
nhớ Sài Gòn – nhớ lây sang em 
khi mưa rào xô tan đọt nắng 
chờ anh về hong tóc qua đêm. 

Cao Nguyên 



Nhạc: Đình Đại / Ca sĩ: Anh Chi