Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Liên Khúc Quân Hành Việt Nam Cộng Hòa

Tiếp Bước



Tiếp Bước


Tráng khúc thơ treo đầu súng
chân còn vững nhịp Quân Hành
trăng soi hồng bia đá dựng
sao ai nói núi sông buồn!

Khắp nơi vang lời hy vọng
Việt Nam Tổ Quốc Vinh Quang
Tuổi Trẻ vươn vai Phù Đổng
sao ai nói mộng xưa tàn!

Từ trong màn đêm bi hận
vùng lên theo nắng Xuân về
điệu kèn giục theo trống trận
cùng đi nối mạch tình quê

Tâm thơ gởi người Bạn Trẻ
mừng mai vào lễ xuất quân
nối bước tiền nhân ngạo nghễ
lên đường bảo vệ Quê Hương!

Cao Nguyên

@

Nhạc sĩ Duy Lynh phổ nhạc và trình bày:
https://app.box.com/shared/e3v7caz7r16pbe9vf6jv 

Học Sinh Hành Khúc

Tuổi Trẻ Hải Ngoại và Cội Nguồn

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Nguồn Xanh



Từ "câu chuyện một chiếc cầu" đến niềm hy vọng "Nguồn Xanh" .
Thời gian vốn vô tình! Không đâu . Vừa ai đó nhắc những vết thương trong quá khứ, niềm đau trở mình, con mắt hướng tâm nhìn lại vết thương . Những vết thương còn rướm máu hồng và mắt đời hoen lệ - những giọt lệ hồng:
http://www.art2all.net/tho/tho_cn/giotlehong.html
Những giọt lệ hồng mãi chảy từ quá khứ, râm ran qua hiện tại đến tương lai trên quê hương lầm than sau chiến tranh, với những nỗi lo về thế hệ cháu con sống bằng những rủi ro đã mất quyền định hướng cuộc đời.
Như nỗi lo của người mẹ, mỗi sáng con đi học phải lội sông vượt giòng nước xoáy, liệu chiều về có được bình an?
Dòng Sông và Chiếc Cầu
mỗi cuối tháng thủy triều lên mạnh mẽ
con lại nghe mẹ kể chuyện giòng sông
bởi nghèo quá dân ruộng đồng hóa tệ
một chiếc cầu, mãi để một đời mong
đời dẫu cực, cơm bữa no bữa đói
vẫn mong con được học hỏi nên người
nhưng mỗi sáng nhìn con qua bến lội
cha mẹ lo may rủi một dòng trôi
nay đã có những tấm lòng Gạch Nối
bắt cho con chiếc cầu mới qua sông
con an vui, mẹ không còn bối rối
không còn lo bão nổi, nước triều dâng!
chuyện giòng sông và nỗi lòng của mẹ
mãi sau này, con vẫn kể người nghe
rằng nơi đây, trước chỉ là bến lội
nhờ chiếc cầu đã nối những bờ sông.
Cao Nguyên
Hiểu được nỗi lo của mẹ, có những tấm lòng tự nguyện góp những viên gạch xây một chiếc cầu qua con rạch thay cho chiếc cầu khỉ lắc lư . Để các em bé thơ mỗi sáng đến trường trong niềm hân hoan với bước chân vui, với niềm tin của mẹ .
Câu chuyện đó dường như cổ tích, dẫu công trình tâm huyết mới thực hiện có 3 năm từ những tấm lòng của gạch-nối-online .
Để những ước mơ trở thành hiện thực, và giữ lại hiện thực trong tầm nhìn từ những bước đi của bé thơ, tin yêu vào tương lai với hành trình chính mình tự chọn cho mỗi cuộc đời trỗ biếc mầm xanh, trong nguồn xanh bao la của quê hương .
Như bạn thấy, tôi thường viết về những ước mơ . Một trong những ước mơ đó là xây dựng nhóm "Nguồn Xanh" . Trong một tâm thư gởi những người bạn trẻ với lời khẩn thiết gọi mời những tấm lòng nhân ái họp sức vào việc xóa dần những đau xót hôm nay, cho những tiếng cười vui nở tới ngày mai .
"... những đứa trẻ vốn được sinh ra trên một đất nước đã hòa bình nhưng bị dìm đuối dưới sức nặng của những hậu quả tàn khốc do chiến tranh để lại, do những tàn hại của chủ thuyết thống trị và thụ hưởng. Nghèo đói là nguyên nhân chính buộc cha mẹ không đủ sức nuôi con (dẫu đã bán cả máu mình để mua sữa và thức ăn) . Đến lúc họ kiệt sức đành buông đứa con do mình đứt ruột đẻ ra; Hoặc do cha mẹ đẻ con ra mà quên trách nhiệm nuôi nấng, đành vất con mình ở một nơi không xứng với phận làm người!
Những đứa trẻ đó đang và sẽ sống, lớn lên như thế nào? Khi thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu sự học hành . Đau xót hơn, có những con em chúng ta đang bị bọn buôn người chiếm đoạt cả thân xác và tâm hồn! Đang sống vất vưởng nơi xứ người!
Sao mình không góp sức nâng các em lên, vuốt phẳng những nếp nhăn thân xác nhọc nhằn trước tuổi? Nuôi lớn nó thành người hữu ích cho mai sau với bước đi vững vàng trên con đường nhân ái. Có được một tri thức đủ biết vun xanh một gốc cây đời từ trên những rữa mục của quá khứ, từ trong sự băng hoại hôm nay nơi quê nhà ..."
Ước mơ cài trên niềm hy vọng vẫn cứ bay như những giòng thơ tôi viết về một thảo nguyên xanh:
Ôi Nguồn Xanh - niềm tin của một đời người, Hy Vọng và Hạnh Phúc .
Những ước mơ đến từ những con tim và những tấm lòng . Không đến từ những tên và tuổi của mỗi con người!
Cao Nguyên
MD. Aug 2010

Thương ca tiếng Việt

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Phi Chính Trị


Trên một số trang web, dẫu cho có sự rào đón: “Đây là diễn đàn phi chính trị”. Vẫn không thể loại trừ hẳn những bài viết có xuất phát điểm từ cảm nhận riêng mình về cuộc sống với những hệ lụy quanh đời. Khi chân lý còn là ánh đuốc dẫn đường, thì ưu tư từ những phi lý và bất công của xã hội không thể không nói đến. Và thế là niềm tin của tín ngưỡng, của pháp trị hừng hực trong tư tưởng hồi sinh những sắc thái văn mình trong một xã hội cộng hưởng.
Đó là sự công bằng tất yếu, là hơi thở của cuộc sống, là tiếng nói của trái tim với tất cả những ai còn tin vào chân lý, tin vào lương tri.

Tiếc thay sự công bằng đó bị phá hoại từ khuynh hướng cực tả hoặc cực hữu. Đẩy sự trung dung vào góc tối im lặng. Bày tỏ đồng tình theo một hướng, thường hiểu là cực đoan, là bè phái, là trở cờ!
Sự tranh chấp nẩy sinh từ cái tôi vượt ngoài chủ thể, chỉ biết phủ nhận cái hay của người để cái tốt của mình tồn tại. Cứ như mình là kẻ biết dấn thân còn người khác chỉ chạy theo xu hướng có lợi cho chính bản thân họ. Đâu hay đó chỉ là sự hăm hở của loài tằm muốn nhả tơ, dẫu chưa biết lúc nào mình thoát thai ra khỏi cái kén chật chội và tơ mình sản sinh có đủ tốt dệt nên một chiếc áo khoe đời!
Nếu lỡ gặp người chỉ thích khoát áo lành che đời mưa nắng, lịch sự lắm cũng chỉ gật đầu chào bạn. Nhìn những chiếc áo đủ màu như lá mùa Thu, rồi cũng bay vào mù tăm. Chút ấn tượng còn sót lại trong rực rỡ mùa thu còn chăng chỉ là nỗi băn khoăn về một chu trình sinh diệt. Lá nào may rơi xuống vùng đất hóa thân làm chất hữu cơ, lá nào ngã trên nhúm sỏi đá khô cằn chờ rã mục hóa rêu?!

Nên chi trong mỗi thì thời giao mùa, tôi vẫn khát khao vói những ước mơ lá chẳng xa nguồn. Chí ít sau mùa tàn phai cũng thấm vào mạch đất chút nhựa đời nuôi xanh mầm nguyên khởi. Tiếng reo của lá trong mơn man của nắng gió hiền hòa khai tâm thoát tục vui biết chừng nào. Như may gặp được người chỉ dùng áo che thân qua bốn mùa mưa nắng ta biết được trụ sinh trong cõi diệt. Làm sao không hăm hở đón một nụ cười quen nở trên môi kẻ không màng danh phận để kết thân, cùng trải nghiệm qua đời mà tâm bút tri giao.

Cùng siết tay chào, ơi đó bạn ta như hồng nhan tri kỷ, cùng uống chung hương vị ân tình.
Hiển nhiên thế mà sao người còn nấn ná giữa những hỗn mang đời để vật vã lòng nhau.
Ở đâu cũng thấy dấu vết chì chiết, hằn hộc giăng mắc những cái bẩy gài người, tước đoạt tư duy, hủy diệt tình thân ái!
Chính vì muốn bảo tồn phẩm giá con người mà thanh chắn phi chính trị được dựng lên nơi những khu chợ trời nhiều tạp! Nhằm vô hiệu hóa những cuồng ngôn, lộng ngữ manh động tràn lấp lối đi về chính thiện. Ngày lại ngày, tri thức vượt qua vô thức, vực dậy bản ngã nhân chi sơ thoát sóng đời danh lợi. Thanh chắn phi chính trị chỉ còn là khái niệm, chẳng mấy ai bận tâm khi sự tự phát chính kiến trung thực có sức mạnh xuyên phá bức tường vô đạo lý.

Sống giữa đời, khi bước vào cho đến lúc ra đi đều tự nhiên, sẽ thấy lòng thanh thản. Khắc chế được những tị hiềm ích kỷ, thả cái tôi bay khỏi vòng ôm ấp, sẽ thấy những thương yêu đầy ắp tâm hồn. Đầy ắp tình người, tình núi sông.
Với tình người và tình núi sông, một tâm thư gởi ai đó bên này hay bên kia bờ đại dương. Hát hay nghe một bản nhạc thấm đậm tình tự quê hương, dân tộc. Cũng đã cưu mang trong lòng nỗi khắc khoải của sự chia ly dẫu xuất phát từ những nguyên nhân nào, cũng đã nhập lưu dòng ý thức dân tộc và cội nguồn.

Vậy thì khi khoát tay nói với bạn mình: "Xin đừng nói chuyện chính trị với tôi", có phải tự mình đánh mất tư duy chính mình? Đó là một nghịch lý trong cuộc sống đối với những ai còn hứng khởi trên hành trình về với quê hương từ niềm mong ước thanh thản đi, về!

Phi Chính Trị, là một sự đánh lừa bản ngã và tâm thức của mỗi con người còn thiết tha với cuộc sống chính mình trong nguồn sống chung nhân bản.

Nụ cười đến từ góc độ nào cũng đẹp, và có khả năng vượt qua mọi rào cản vô tri để kết hợp những tấm lòng rộng mở, vì người và vì mình cùng hướng đến ước mơ chung: tự do, thanh bình và nhân ái trên quê hương thân yêu.

Cao Nguyên

Bảo Tồn Văn Hóa Việt Nam


Lời Ngỏ 

Một trong những hướng đi chính của nhóm chủ trương Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt là phát 
huy và bảo tồn nền Văn Hóa Việt Nam . Một nền Văn Hóa có truyền thống bốn-nghìn-năm-
văn-hiến xuyên qua dòng lịch sử của Việt Tộc hùng anh .

Một nền Văn Hóa luôn khẳng định sắc thái nhân bản dân tộc để không bị lệ thuộc hay đồng 
hóa bởi ngoại bang . Bản sắc nhân bản thể hiện từ Lễ - Nghĩa –Trí -Tín trong hành xử đời 
thường, đến Chân -Thiện - Mỹ trong văn chương nghệ thuật, luôn giữ Nghĩa trong Chữ và 
Lời thấu Tình đạt Lý . Nền Văn Hóa tốt đẹp đó được lưu truyền qua bao thời đại đều nhờ 
vào tấm lòng và trách nhiệm của những công dân đối với Quốc Gia Dân Tộc .

Cái nôi Văn Hiến Việt Nam luôn lay động nhịp nhàng trong tâm thức người dân Việt từ lời ru 
của Mẹ Âu Cơ đến tiếng hát hào hùng của những người đi giữ nước . Mỗi một chiến công 
khắc trên mỗi địa danh những dòng thi sử . Chữ Nghĩa sáng lên vừa như ánh đuốc khai tâm
nhắc kẻ vong ân nhớ về Nguồn Cội Văn Lang, vừa sáng rọi lời truyền của tiền nhân qua 
bao thời oanh liệt chống ngoại xâm, giữ vững sơn hà . Tất cả vì Việt Nam, vì Tổ Quốc thiêng
liêng .

Những dòng thi sử tiếp truyền đến mọi nơi và mọi lúc, vượt khỏi biên giới quốc gia, thẩm 
thấu qua nhiều thế hệ . Giữ được nền Văn Hóa là giữ được hồn của Đất và Nước . Giữ 
được Chữ Nghĩa là giữ được tinh thần và sắc thái của Dân Tộc Việt Nam . Mất Văn Hóa là 
mất Nước . Cho nên cuộc chiến đấu bảo tồn nền Văn Hóa cũng cam go và đầy thử thách 
như cuộc chiến đấu bảo vệ nền Tự Do Dân Chủ của một Dân Tộc .

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, do thể chế chính trị mất tự chủ, gây ảnh hưởng không 
tốt về sắc thái Chân Thiện Mỹ của Chữ Nghĩa nói riêng và tác phong đạo đức của nền Văn 
Hóa nói chung . Chữ viết và Tiếng nói bị biến dạng do ý chí độc tôn muốn phủ nhận những 
giá trị vốn có, mà hành xử thô bạo trên giá trị Chữ Nghĩa Nhân Bản . Điển hình là việc tiêu 
hủy gần như hầu hết những chứng liệu ngôn từ thiện mỹ vốn có trước năm 1975 . Để khai 
sinh và phô bày món chữ nghĩa duy vật biện chứng phức tạp và dị ứng với sắc thái nhân 
bản Văn Hóa Dân Tộc .

Sự kiện này được nghe thấy rõ không chỉ trong sinh hoạt đời thường mà trong cả chương 
trình giáo dục; Không chỉ ảnh hưởng xấu ở trong nước mà còn lây nhiễm vào hệ thống 
truyền thông. Khi người phát ngôn viên xử dụng chữ nghĩa không tương xứng với sắc thái 
Dân Tộc . Chẳng hạn như ở đâu đó đã có người nói: Cuộc hội ngộ đồng hương hay buổi ra 
mắt sách, triển lãm tranh này thật “vĩ đại” . Và khi được hỏi về cảm nghĩ của mình khi tham 
gia vào cuộc hội ngộ hay buổi ra mắt sách, thì trả lời là: tôi rất “hồ hỡi” và “phấn khởi” . Thế 
nào là “vĩ đại”, thế nào là “hồ hỡi” và “phấn khởi” ? Toàn là “chữ lạ”, hoàn toàn không tương 
xướng với hiện cảnh hay vấn đề được đặt ra . Người nghe không chỉ dị ứng với chữ nghĩa 
mà còn dị ứng với cả nguồn phát ra món chữ nghĩa phức tạp này . Giá trị của chữ nghĩa xấu
kéo theo giá trị tồi của phong cách truyền thông .

Tránh dùng chữ Hán để khẳng định sự tự chủ của ngôn ngữ Việt là một hướng đi tốt trên 
công trình hoàn chỉnh nền Văn Hóa tiến bộ theo kịp bước phát triển ngôn ngữ đa năng 
trong thời đại tin học toàn cầu . Nhưng nếu nói: “máy bay lên thẳng xuất phát từ tàu sân bay
mang theo các toán lính thủy đáng bộ”, liệu có định vị được giữa lòng người nghe sự thăng 
tiến ấy không ? Chẳng những không mà còn thấy mình chơi vơi trong nền văn hóa lai căng 
mất gốc .

Nhiều học giả, giáo sư ngôn ngữ học đã từng lên tiếng về vấn đề này . Rất tiếc đã không 
được phổ biến rộng rãi, cho dẫu sự lên tiếng đã được in ra thành sách hay trình bày trên 
một số trang web . Nên chưa đại chúng hóa vấn đề, để có một công trình định vị giá trị căn 
bản về Ngôn Ngữ Việt trong tiến trình hình thành một nền Văn Hóa mới . Vừa bảo tồn vốn 
quí xưa, vừa phát triển nét hay trong Chữ và Nghĩa hôm nay. Giúp cho các thế hệ tiếp sau 
từng bước hoàn chỉnh hệ Ngôn Ngữ Việt trong giao tiếp và trong các chương trình giáo dục 
đa dạng .

Đó là niềm mong ước thiết tha của Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt theo tôn chỉ: Tiếng Việt còn, 
nước Việt còn . Bước chuyển tiếp theo hướng đi đã định, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt mở chủ 
đề “Bảo Tồn Văn Hóa Việt Nam”, bằng vào việc thiết lập một không gian nhỏ trên bầu trời 
online để trưng bày những tác phẩm liên quan đến việc phục hưng, phát triển và bảo tồn 
Văn Hóa Việt Nam . Thiết nghĩ đây là việc làm cần thiết và cần sự tiếp tay của mọi người, 
mọi giới còn nghĩ đến nền Văn Hóa như nghĩ đến cội nguồn Dân Tộc Văn Lang . Còn rung 
động với nét đẹp của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam là còn muốn hòa mình vào lời ca 
tình tự quê hương . Ít ra cũng tự hào với chính mình: Tôi là Người Việt Nam .

Chân thành cám ơn quí tác giả có bài biên khảo và tham luận liên quan đến Văn Hóa Việt 
Nam nói chung và Ngôn Ngữ Việt Nam nói riêng, được dẫn trình trong chủ đề này . Vì lợi ích
bảo tồn nền Văn Hóa Việt Nam .

Trong tương lai, nếu được sự đồng ý của quí tác giả, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt sẽ kết hợp 
những bài viết giá trị để in thành sách làm tài liệu tham khảo góp phần vào tiến trình hoàn 
chỉnh Ngôn Ngữ Việt . Một bước đi quan trọng với ước mong có được một "Hàn Lâm Viện 
Văn Hóa" .

Tâm huyết của những người quan tâm đến nền Văn Hóa Việt Nam của thế hệ đi trước theo 
định ước thời gian, đường họ đi không còn dài . Nên thiết tha kêu gọi sự tiếp bước của thế 
hệ trẻ hoàn thành sứ mạng vì Chữ Nghĩa mà lên đường với trách nhiệm bảo tồn Văn Hóa, 
như vì Tự Do mà chiến đấu bảo vệ nền Dân Chủ cho Quê Hương .

Trân trọng .

TM. CLB Hùng Sử Việt VA .
Cao Nguyên 

http://clbhungsuviet.blogspot.com/

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Bình Ngô đại cáo

TIẾNG VIỆT DÙNG TRONG GIỚI TRẺ HẢI NGOẠI


 Chúng ta, những bậc phụ huynh hay nhà giáo dục trong cộng đồng người Việt tại Hoa kỳ, 
chắc có cùng một tâm tư. Chúng ta đã xa quê hương trên 35 năm, đã ít nhiều hội nhập cuộc
sống ở nước sở tại. Cùng với những thành quả tốt đẹp do sự hội nhập đem lại, chúng ta 
cũng phải đối diện với những mất mát không thể tránh. Chúng ta e ngại ngôn ngữ và văn 
hoá Việt đang dần dần phai nhạt trong thế hệ thứ hai và thứ ba. Chẳng vậy mà không biết 
bao nhiêu nổ lực trong cộng đồng đã tiếp nối nhau trong sứ mạng bảo tồn tiếng nói và văn 
hoá: những trung tâm Việt ngữ, những nhật báo, tuần báo, nguyệt san bằng tiếng Việt, 
những đài truyền thanh, truyền hình Việt ngữ, những sinh hoạt giáo dục và văn hoá..., 
tưởng chừng như khó có thể mà quên được tiếng mẹ đẻ và những truyền thống tốt đẹp của 
ông cha với ngần ấy nổ lực của những tấm lòng nặng tình với tương lai cộng đồng người 
Việt hải ngoại.

      Tuy nhiên, nếu chúng ta thử quan sát con em của mình về mặt sử dụng tiếng Việt, 
chúng ta sẽ thấy một hình ảnh khác. Càng sinh sau đẻ muộn tại xứ người, kiến thức và khả 
năng nói tiếng Việt của các em càng yếu kém. Tình trạng này do nhiều yếu tố khác nhau 
gây nên. Vài nguyên nhân nổi bật hơn cả là khi các em và gia đình cư ngụ tại những địa 
phương không có một cộng đồng người Việt đáng kể, hay các em lớn lên trong những gia 
đình mà cha mẹ không khắt khe về việc gìn giữ tiếng Việt. Trong bài này, chúng tôi muốn 
nêu lên một hiện tượng đáng lo ngại hơn nhiều, đó không phải là tình trạng các em thuộc 
những trường hợp kể trên, mà là tình trạng của những em nói được tiếng Việt nhưng lại 
không muốn sử dụng nó như một phương tiện giao tiếp chính trong đời sống hằng ngày, kể 
cả với những em khác cũng nói được tiếng Việt.

      Vừa là phụ huynh của hai con nhỏ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, vừa là người giảng dạy 
tiếng Việt ở bậc đại học tại địa phương, chúng tôi có dịp quan sát các em để xem các em sử
dụng tiếng Việt ra sao, trong trường hợp nào, với ai, và không dùng tiếng Việt trong những 
trường hợp nào. Chúng tôi cũng cố tìm ra một số nguyên nhân khiến cho các em không thể 
hay không muốn nói tiếng Việt. Nguyên nhân chính yếu thứ nhất là nguyên nhân về ngôn 
ngữ. Ngay cả ở một số em sinh ra ở Mỹ, nói giỏi tiếng Việt ở nhà từ khi biết nói đến trước 
khi bắt đầu đi học, tiếng Việt của các em này sẽ biến mất một cách mau chóng chỉ một thời 
gian ngắn ngủi ở học đường. Điều này có thể xảy ra nếu cha mẹ các em không cố gắng giữ 
thăng bằng cho các em về mặt ngôn ngữ. Khi vào lớp, các em này có nhu cầu không muốn 
thua kém các bạn, hay có nhu cầu muốn được làm bạn với những em khác. Muốn vậy, chỉ 
có một ngôn ngữ duy nhất có thể giúp các em đạt được ý nguyện, có là tiếng Anh. Mặt 
khác, tuy thời gian ở trong lớp ngắn hơn là thời gian các em ở nhà, tiếng Anh được dùng để 
truyền thụ kiến thức và dùng trong những sinh hoạt trong lớp hết sức sinh động. Điều đó 
cũng làm cho tiếng Anh trở thành thứ tiếng chủ động trong đầu của các em. Khi các em về 
đến nhà, nhiều khi cha mẹ các em vẫn còn đi làm, môi trường sinh hoạt của các em bị thu 
hẹp lại. Các em không có nhiều cơ hội để dùng tiếng Việt, hay nếu cần dùng, thì chỉ quanh 
quẩn với những sinh hoạt gia đình hạn hẹp. Tiếng Việt của các em không phát triển được 
mà xem chừng có cơ mỗi ngày một giảm sút. Đã vậy, khi các em bật truyền hình lên, những 
chương trình ưa thích của các em lại đem tiếng Anh đến, chiếm thêm thì giờ của các em ở 
nhà.

      Đó là tình trạng của những em nhỏ. Một số các em lớn thuộc trình độ trung học hay đại 
học, không rành tiếng Việt, muốn học các lớp tiếng Việt để khỏi quên và học hỏi thêm, lại 
phải đối phó với một nguyên nhân ngôn ngữ khác. Tiếng Việt, tuy dùng mẫu tự La-tinh, lại 
quá phức tạp đối với các em này, một phần vì hệ thống thanh âm, một phần vì hệ thống 
chính tả cần những dấu biểu hiện thanh và âm khiến các em cảm thấy bị thách thức và đâm
ra nản lòng. Có không ít những học sinh, sinh viên gốc Việt nói tiếng Việt lơ lớ không khác 
gì người ngoại quốc tập nói tiếng Việt. Nói đã khó, viết lại càng khó khăn hơn. Khi học tiếng 
Việt trong lớp, các em nhận ra rằng đây là loại tiếng Việt “học thuật”, tiếng Việt “cao cấp”, 
không phải loại tiếng Việt mà các em dùng ở nhà trong các sinh hoạt thu hẹp ở nhà bếp hay
ở phòng ngủ. Vốn ngữ vựng của các em sao mà ít ỏi, hạn hẹp, so với những từ ngữ dùng 
trong những sinh hoạt mở rộng ra với thế giới bên ngoài. Đã thiếu tự tin, điều mâu thuẫn khi
các em học tiếng Việt là đáng lẽ các em phải thấy tự tin hơn, có khi tình trạng nêu trên lại 
làm cho các em thiếu tự tin hơn nữa.

      Đã học thì phải có hành. Một nan đề khác lại nảy sinh khi các em học thêm tiếng Việt, 
mở rộng phạm vi sử dụng từ ngữ và thành ngữ, lại không có cơ hội để áp dụng những kiến 
thức và khả năng vừa thu nhận trong các lớp tiếng Việt. Rất nhiều sinh viên của chúng tôi, 
khi được hỏi các em đã áp dụng được những gì đối với vốn liến tiếng Việt của mình, chỉ có 
thể kể lại rằng mình đã dùng tiếng Việt khi gọi thức ăn ở nhà hàng hay khi mua bán lặt vặt 
trong khu phố Little Saigon. Chỉ vậy thôi. Còn với bao nhiêu sinh hoạt khác như ngân hàng, 
bưu điện, học đường, công sở, phương tiện chuyên chở công cộng, v.v.  cho dù có những 
nhân viên người Việt dùng tiếng Việt với các em đi nữa, thứ tiếng Việt mà các em có thể 
dùng chỉ là một thứ tiếng pha trộn giữa tiếng Việt và tiếng Anh—trong ngôn ngữ học được 
gọi là code switching—trong đó tiếng Anh có khi là thành phần áp đảo. Chẳng hạn như một 
em sinh viên giỏi tiếng Việt cũng thường chỉ nói được một câu như thế này với nhân viên 
ngân hàng đã là giỏi lắm: “Chị có thể check giùm em xem savings account của em balance 
là bao nhiêu không?”

      Những từ ngữ tiếng Anh trong câu nói trên—check, savings account, balance—không 
phải là các em không được học bằng tiếng Việt trong lớp. Lý do mà đa số các em không 
dùng tiếng Việt không phải thuộc về ngôn ngữ, mà là một điều quan trọng không kém gì 
nguyên nhân về ngôn ngữ, đó là nguyên nhân về tâm lý. Điều này có nghĩa là có những em 
không nói tiếng Việt, không phải là các em đó không nói được tiếng Việt, mà là không muốn 
nói tiếng Việt. Đối với những em này, tiếng Việt chỉ là thứ tiếng bắt buộc phải dùng đối với 
những người không nói được tiếng Anh—như ông bà nội, ông bà ngoại—, hay những người 
đòi hỏi các em phải dùng tiếng Việt—như cha mẹ, thầy cô. Đây là yếu tố tâm lý thứ nhất. Ít 
ai muốn làm điều gì bị bắt buộc phải làm, nếu có điều kiện tránh làm điều đó. Với các bạn 
đồng lứa hay anh chị em trong gia đình, các em dễ dàng nhận ra rằng dùng tiếng Anh để 
tâm sự hay để chơi đùa với nhau lúc nào cũng nhanh hơn là dùng tiếng Việt. Mặt khác, nói 
tiếng Việt nó cứ ngường ngượng thế nào, không tự nhiên được!

      Một yếu tố tâm lý khác đến từ cha mẹ hay thầy cô. Điều này thường xảy ra mà nhiều khi
chúng ta là bậc phụ huynh hay nhà giáo dục có khi không để ý đến. Khi các em nói tiếng 
Việt với chúng ta, lỡ phát âm sai một chữ, hay dùng một câu không chỉnh, chúng ta phì cười
hay sửa các em bằng một thái độ thiếu xây dựng. Thái độ vô tình này có thể gây tổn thương
tâm lý nặng nề cho các em. Những lần tới, hoặc là các em không muốn nói tiếng Việt với 
chúng ta nữa, hoặc là các em nói mà phải dè dặt, đâm ra khó mà nói được lưu loát.

      Trong giới học sinh, sinh viên ở môi trường học đường Mỹ, nơi mà tiếng Anh là ngôn 
ngữ giao tiếp chính, việc nói tiếng Việt với nhau càng là một nan đề. Nếu chúng ta chịu khó 
để ý khi có dịp ở trong môi trường này, chúng ta có thể thấy số học sinh, sinh viên người 
gốc Mỹ La-tinh dùng tiếng Tây-ban-nha với nhau tự nhiên và nhiều hơn là học sinh, sinh 
viên gốc Việt nói tiếng Việt với nhau. Điều này đi đôi với một nguyên nhân lịch sử. Vài chục 
năm về trước, người gốc Mỹ La-tinh, vì muốn hội nhập vào cuộc sống Mỹ nhanh hơn, cũng 
đã trải qua những gì người Việt đang trải qua, nghĩa là đã từng tránh nói tiếng mẹ đẻ là Tây-
ban-nha, để chỉ dùng tiếng Anh trong mọi nơi, mọi lúc. Ngày nay, cộng đồng người Mỹ La-
tinh đang lớn mạnh không ngừng về mọi phương diện, là một lực lượng mà không ai có thể 
phủ nhận có nhiều tiềm năng về kinh tế, chính trị, văn hoá, v.v. Vì thế, người gốc Mỹ La-tinh 
dần dần lấy lại được niềm tự tin, bây giờ đã có thể dùng tiếng Tây-ban-nha nơi công cộng 
một cách thoải mái. Tiếng Tây-ban-nha giờ đây đã là biểu hiện của sự phát triển, của 
những cánh cửa dẫn đến thành công. Cả người Mỹ cũng đua nhau đi học thứ tiếng của họ, 
bảo sao họ không cảm thấy tự hào.

      Tiếng Việt thì chưa được như vậy, dù tương lai của nó cũng đang dần dần mở rộng. 
Càng ngày càng có nhiều trường trung học và đại học ở Hoa Kỳ có chương trình dạy tiếng 
Việt. Cộng đồng Việt đang lớn mạnh cũng đang có một tiếng nói đáng kể về mặt chính trị. Vì
thế mà một số ít chính trị gia đã chịu khó học nói bập bẹ vài câu chào hỏi bằng tiếng Việt để
lấy lòng cử tri Việt.  Tuy vậy, cũng còn lâu lắm tiếng Việt mới có bắt kịp được tiếng Tây-ban-
nha về mặt vai vế ở xứ này. Chừng nào chúng ta còn chưa đến giai đoạn đó, chừng ấy 
chúng ta, nói chung, vẫn còn dùng tiếng Việt nơi công cộng với ít nhiều mặc cảm.

      Nhiều lần, muốn tìm hiểu tâm tư của các em sinh viên gốc Việt, chúng tôi có hỏi vì sao 
các em không dùng tiếng Việt với các bạn cùng lớp. Có em trả lời: “Không hiểu sao khi đi ra 
ngoài mà nghe hai người nói tiếng Việt với nhau, em thấy tiếng Việt họ nói nghe “rẻ tiền” 
hay “nhà quê” quá, thầy ạ! Thầy nghĩ sao về điều này?” Tôi trả lời: “Thầy vừa đồng ý với 
em, vừa không đồng ý với em. Bất cứ thứ tiếng nào trên thế giới, không riêng gì tiếng Việt, 
cũng có thể được nói ra bằng một cách “rẻ tiền” hay “sang cả” hết! Đó chỉ là do mình nói 
thứ tiếng đó như thế nào mà thôi. Cô con gái tuổi mới lớn của tôi cũng có nhận xét tương tự 
như vậy, và tôi cũng giải thích như trên. Một hôm, cháu đi học về và bảo tôi: “Con thấy bố 
nói đúng. Tiếng Việt cũng có thể nghe “sang” được. Hôm nay con đi gần hai ông cụ rất lịch 
sự đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Hai ông nói chậm rãi, từ tốn, không ồn ào. 
Con nghe thấy rất “sang”!” Tôi cười, đáp lời cháu: “Con thấy chưa? Chỉ cần ăn nói từ tốn, 
không ồn ào, dùng những chữ đàng hoàng, không dùng tiếng lóng, là bất cứ thứ tiếng nào 
cũng nghe “sang” được cả!”

      Như vậy thì chúng ta phải làm gì để thế hệ con em của chúng ta ở Hoa Kỳ và các nước 
khác có thể dùng tiếng Việt với nhau đây? Không biết tôi có bi quan không mà cứ tưởng 
tượng đến khoảng hai mươi năm nữa, ở hải ngoại này, các sách báo, băng nhạc, băng hình
bằng tiếng Việt có cho không cũng không ai lấy; các đài phát thanh hay truyền hình sẽ phải 
tự động đóng cửa vì sẽ chẳng có ai nghe hay xem. Tôi cứ tưởng tượng khi thế hệ thứ nhất 
của chúng ta tàn rụi đi rồi, con cháu của chúng ta sẽ không còn ai “canh chừng” xem chúng 
có nói tiếng Việt với nhau hay không, thì tội gì chúng phải nói tiếng Việt với nhau cơ chứ? 
Tôi có hỏi thử vài em sinh viên xem các em ấy có muốn con của mình sau này nói tiếng Việt
hay không. Hầu hết các em đều nói là có. Tôi phì cười và hỏi vặn lại: “Chính các em còn 
không nói tiếng Việt thì lấy đâu mà dạy lại cho con cháu các em?” Chúng chỉ cười trừ.

      Tất cả những sinh hoạt để gìn giữ tiếng Việt và văn hoá Việt ở hải ngoại ngày nay 
dường như chú trọng nhiều hơn về mặt dạy dỗ, tranh tài, mà lơ là đi mặt thực hành và tâm 
lý của nó. Tôi đã từng nghe nhiều em học sinh nhỏ xuất sắc đi dự thi chương trình đố vui 
bằng tiếng Việt nói chuyện và đùa giỡn với nhau bằng tiếng Anh, trước và sau cuộc thi! Đối 
với hầu hết các em này, tiếng Việt chỉ là thứ tiếng để học chứ không phải để hành, chỉ là 
thứ tiếng dùng để thi chứ không phải để nói. Khi các em trình diễn văn nghệ, múa hát bằng 
tiếng Việt, dù đó đã là một điểm son, cũng mới chỉ dừng lại ở việc thuộc lòng tiếng hát, lời 
ca một cách thụ động, chứ chưa phải là trình độ sử dụng tiếng Việt một cách chủ động và 
sáng tạo. Muốn các em có nhu cầu nói tiếng Việt, trước hết phải giúp các em tìm đến sự tự 
nhiên, thoát khỏi những ràng buộc, những mặc cảm. Có rất nhiều hội sinh viên người Việt 
trong các trường trung học và đại học ở Mỹ, nhưng khi các em hội họp với nhau, các em lại 
dùng tiếng Anh! Chính những chỗ ấy là những chỗ chúng ta cần giúp các em “trở về cội 
nguồn ngôn ngữ.” Những câu lạc bộ học sinh, sinh viên gốc Việt cần có những người dìu 
dắt các em, trước hết là làm gương cho các em. Chúng ta có thể tổ chức những buổi nói 
chuyện, mời những diễn giả trong cộng đồng đến nói với em về nhiều đề tài thiết thực và 
dùng một thứ tiếng Việt đơn giản, dễ hiểu cho các em tiếp nhận. Dần dần, chúng ta có thể 
giúp các em tự trở thành những diễn giả dùng tiếng Việt và thảo luận với nhau cũng bằng 
tiếng Việt. Trong những sinh hoạt khác như tiệc tùng, văn nghệ, công việc thiện nguyện, v.
v., chúng ta tìm mọi cách để “Việt hoá” từng chi tiết nhỏ như thông báo, giấy mời, các mẫu 
đơn, chương trình, biểu ngữ, v.v., nhất nhất tất cả đều bằng tiếng Việt. Làm được như vậy, 
dần dần các em mới nhận thức được tiếng Việt quả là một thứ tiếng sống động—một sinh 
ngữ thực thụ—đang được dùng trong mọi sinh hoạt thường ngày của các em. Đây là một 
tiến trình lâu dài, đòi hỏi thời gian, công sức và lòng kiên nhẫn.

      Trong bài viết ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ làm một công việc nhỏ bé—và chưa đầy 
đủ—là thử tìm ra một số nguyên nhân về ngôn ngữ và tâm lý của hiện tượng các em gốc 
Việt không dùng tiếng Việt với nhau trong hầu hết mọi sinh hoạt ngoài gia đình, đồng thời 
tạm đề nghị vài phương pháp để cải thiện tình trạng này. Mỗi người có tâm huyết về tiếng 
mẹ đẻ và văn hoá nước nhà trong chúng ta—cố nhiên—sẽ phải tìm ra nhiều cách thức cụ 
thể để áp dụng vào việc giúp thế hệ con em của chúng ta tiếp tục gìn giữ và trao truyền 
ngọn lửa văn hoá cho những đời sau.

                                                              
GS Trần C. Trí                                                              University of California, Irvine

TÂM-SỰ NGUYỄN TRÃI



TÂM-SỰ NGUYỄN TRÃI
QUA MẤY BÀI THƠ THỂ TÍNH RA NIÊN-ĐẠI 

Nguyễn Trãi sinh năm 1380, cách chúng ta trên sáu thế-kỷ, nên suy nghĩ của ông chắc phải khác chúng ta rất nhiều.  Đây là một điều chúng tôi muốn đem ra cân đo, thử nghiệm trong bài viết sau đây, nhất là trong hoàn-cảnh chúng ta ở Mỹ, nơi mà người ta hay nói về “hố ngăn cách thế-hệ” (“generation gap” trong tiếng Anh) dễ làm cho cha mẹ, con cái không hiểu nhau.  Nếu hai thế-hệ ngay gần kề nhau mà đã có thể không hiểu nhau, thậm chí có thể đi đến cả chỗ xung đột thì 20 thế-hệ hơn (nếu ta tính 30 năm là một thế-hệ), nhất định không thể nào ta dễ hiểu được thơ Nguyễn Trãi.  Đó là chưa kể đến ngôn ngữ rất xa lạ với ngôn ngữ đời thường của chúng ta ngày hôm nay.

Đây là một chuyện mà chúng tôi đã có kinh-nghiệm bản-thân khi giảng dạy về văn-học cận-hiện-đại Việt Nam tại George Mason University cách đây cũng đã hơn 20, gần 30 năm (từ 1979 đến 1989).  Nhiều điều mà thế-hệ tôi coi là đương-nhiên, không cần phải mất công giải thích dông dài, thì lại không đương-nhiên tí nào đối với các em 18, đôi mươi đến lớp tôi những năm đó.  Thí dụ, ta (thế-hệ tôi) đương-nhiên coi truyện của Tự Lực Văn Đoàn là những truyện đáng đọc nhưng khi đưa vào chương-trình bắt các em đọc thì đa-phần không hiểu:
- Sự tổ-chức của xã-hội hồi đó (các em không hiểu vì chưa từng sống dưới một chế-độ thuộc-địa hay quan-liêu, các em không rõ, chẳng hạn, sự khác biệt giữa một ông tổng-đốc và một người cai tổng, hay các em không phân-biệt được giữa một ông tổng-đốc và một ông tuần phủ, lại cũng không rõ là phủ trên huyện hay ngược lại, không tách biệt được tổng hay xã hoặc làng v.v.).
- Những quan-niệm như khao vọng hay “ăn trên ngồi trốc” của thời bấy giờ, tỷ dụ, cách sắp xếp chỗ ngồi ở làng khi có cỗ (“một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”) hoặc chuyện người ta có thể đi đến xô xát vì một cái đầu heo, thủ lợn v.v.).
- Cách ăn nói thời đó, đặc-biệt là những cách rào đón có ẩn-ý, ngụ-ý (tế-nhị và rất xa lạ với cách nói bộc trực, không vòng vo tam quốc của các em lớn lên tại Mỹ).
Tóm lại, thế-giới TLVĐ là một thế-giới rất xa lạ với các em dù như một số vẫn còn đọc và viết khá lưu loát tiếng Việt.  Nhất là các em gốc miền Nam vì các em có hỏi bố mẹ thì kinh-nghiệm của các bậc phụ huynh sinh sống ở miền Nam cũng rất khác kinh-nghiệm của những người cùng lứa ở ngoài Bắc hay ở miền Trung (từ các định-chế xã-hội đến cách cư xử, ăn nói: tỷ dụ, ở miền Nam người làm nhiều khi ăn cùng mâm cùng bàn với chủ trong khi một chuyện tương-tự không thể xảy ra được ở miền Bắc).
Sở dĩ chúng tôi phải hơi dông dài như trên đây, thậm chí còn có vẻ hơi lạc đề nữa, là vì chúng tôi muốn dẫn vào chuyện học hay thưởng thức văn-học VN cách ta nhiều thế-kỷ như trường-hợp thơ Nguyễn Trãi (1380-1442).

***
Tuy sống cách ta hơn 600 năm, Nguyễn Trãi cũng đã để lại cho chúng ta một sự-nghiệp văn-chương khá đồ sộ.  Chỉ riêng thơ Nôm và Hán, chúng ta đã còn giữ được của ông khoảng 340 bài,(1) đủ để cho chúng ta biết khá cặn kẽ về những suy nghĩ, tư tưởng của ông.  Tuy-nhiên, khác với một Nguyễn Chí Thiện, chẳng hạn, người đã ghi lại năm sáng-tác của khoảng 400 trên 700 bài thơ trong tác-phẩm Hoa Địa Ngục, Nguyễn Trãi không có thói quen làm chuyện này trong Quốc-âm thi-tập (QÂTT).  Do đó nên ta buộc lòng phải đi vào tìm kiếm những nội-chứng (internal evidence) trong thơ của ông.

Về phương-diện này, rõ ràng nhất thì ta có 4 bài trong đó ông nhắc đến tuổi đời của ông:
Bài 22(2) (tức bài 21 trong phần II QÂTT, “Ngôn chí,” Nói lên cái chí của mình) trong đó có câu “Chẳng hay rắp rắp đã bốn mươi.” (Câu 1)  Như vậy, bài này đã được viết vào năm 1419 (lối tính là: 1380 + 40 -1 = 1419).
Bài 120 (tức bài 9 trong phần VII QÂTT, “Tự thuật,” Kể về mình) trong đó có câu “Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi.” (Câu 2)  Thế có nghĩa là bài này viết khoảng 1420 hay một hai năm sau đó.
Bài 75 (tức bài 5 trong phần VI QÂTT, “Tự thán,” Than thân, than mình) trong đó có câu “Tuổi đã năm mươi, đầu đã bạc.” (Câu 7)  Tính theo lối trên thì bài này viết vào năm 1429.
Bài 40 (tức bài 4 trong phần IV QÂTT, “Trần tình,” Nói ra lòng mình) trong đó có câu “Ngoài năm mươi tuổi, ngoài chưng thế.” (Câu 7)  Và như vậy, bài này phải viết sau năm 1429, sang thập niên 1430.
Thực ra thì cũng còn có đôi bài khác mà tuổi tác của ông cũng được nhắc tới.  Một là bài 15 (tức bài “Ngôn chí 14” trong phần II QÂTT) với câu “Vừa sáu mươi dư tám chín thu” (Câu 1).  Còn bài kia là bài 130 (tức bài 3 trong phần X QÂTT, “Bảo kính cảnh giới,” Gương quý nhắc nhở) trong đó có câu cuối “Tám chín mươi thì vạn sự không,” nghĩa là “Ở tuổi tám chín mươi thì mọi sự đều là không cả.”  Sở dĩ hai bài này, ta không nên để trong thơ Nguyễn Trãi vì:
Theo bài 15 thì “sáu mươi dư [= thừa ra] tám chín thu” không thể hiểu như Đào Duy Anh mượn lời người khác mà giải thích là “nếu tính vừa 60 thì dư mất 8, 9 tuổi, tức là 51, 52 tuổi, như thế là đúng.”  Đây là một cách đọc rất gượng, khó chấp nhận.  Cách đọc của Nguyễn Thạch Giang, chúng tôi thấy có lý hơn: “Theo câu này thì Nguyễn Trãi bấy giờ 68, 69 tuổi.  Nhưng theo Gia phả dẫn trong mục Sự trạng của sách Ức Trai di tập thì Nguyễn Trãi thọ 63 tuổi.  Chúng ta có nhiều chứng cớ tỏ rằng khi Nguyễn Trãi bị giết thì ông 63 tuổi là phải.”(3)  (Nguyễn Thạch Giang cũng có lý khi cho là dựa vào câu cuối bài này, “Dạy láng giềng mấy sĩ nho,” thì gần như chắc chắn đây là thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm vì chúng ta hoàn-toàn không có thông tin nào là Nguyễn Trãi về già đã từng làm nghề dạy học.)
Còn bài 130 thì ta có hai cách hiểu: Nếu “tám chín mươi” là tuổi thật của tác-giả thì chuyện này chắc chắn không thể là trường-hợp của Nguyễn Trãi (trường-hợp Nguyễn Bỉnh Khiêm thì có thể vì ông sống đến tuổi 95, 1491-1585), còn nếu theo như Đào Duy Anh đây là chuyện giả-thuyết “nếu sống đến tám chín chục tuổi” thì đó không còn là chuyện tuổi thật nữa, trường-hợp đó thì ta không cần bàn tới.

***
Tóm lại, ta có 4 trường-hợp trong thơ Nôm Nguyễn Trãi trong đó ta biết được chắc hay cũng gần chắc tuổi của ông khi ông viết ra mấy bài này:
Ở tuổi (ta) 40 khi ông viết bài 22 trong QÂTT (năm 1419).
Một hai năm sau đó, nghĩa là khoảng tuổi 41-42 trở lên khi ông viết bài 120 QÂTT (khoảng năm 1921-22 hay liền sau đó).
Ở tuổi 50 khi ông viết bài 75 trong QÂTT (năm 1429).
Và ở tuổi 50+ khi ông viết bài 40 QÂTT (sớm nhất là 1429, gần như chắc chắn là sang đầu thập niên 1430), khoảng 10 năm trước khi ông mất (bị giết) năm 1442.

Tâm-sự lúc mới ra thi thố với đời (khoảng 1400-1407)

Nói cách khác, trong mấy bài trên đây ta có được ít nhiều tâm-sự của Nguyễn Trãi ở phần ba cuối đời của ông.  Nhưng liệu ta có bằng-chứng gì rõ ràng về tuổi trẻ của ông mà đến từ tay ông không?  Tôi thiết tưởng ta cũng có thể biện ra mấy bài này mà ta có thể hiểu là ông đã viết khi mới rời việc học:
 Bài 34 (Phần III, “Mạn thuật 12”):
 Trường văn nằm ngả / mấy thu dư,
 Uổng tốn công nhàn / biện lỗ, ngư.
 Còn miệng tựa bình / đà chỉn giữ,
 Có lòng bằng trúc / mỗ nên hư.
 Én từ nẻo lạc nhà Vương Tạ,
 Quạt đã hầu thu lòng Tiệp Dư.
 Chỉn sá lui mà thủ phận,
 Lại tu thân khác, mặc Thi, Thư.
Theo bài này thì ta biết là ông đã có “mấy thu dư” (= mấy năm có thừa) ở “trường văn.”  Song “mấy thu dư” là bao nhiêu thu (= năm)?  Bài 7 (Phần II, “Ngôn chí 6”) xem chừng có thể trả lời được một cách chính-xác:
Trường ốc ba thu uổng mỗ-danh,
Chẳng tài đâu xứng chức “tiên-sinh”!
Cuốc cùn ước xáo vườn chư tử,
Thuyền mọn khôn đua biển lục kinh.
Án sách, cây đèn, hai bạn cũ;
Song mai, hiên trúc, một lòng thanh.
Lại mừng nguyên-khí vừa thịnh,
Còn cậy vì hay một chữ đinh.

Người đọc ngày nay có thể hiểu “ba thu” là đúng 3 năm.  Nhưng có lẽ người xưa dùng thành-ngữ này trong một nghĩa bất định, có nghĩa là ta có thể hiểu thành “vài ba,” từ 2-3 đến 4-5 năm.  Ủng-hộ cho cách đọc này thì ta có một sự mô-tả đích-xác hơn trong bài 36 (Phần III, “Mạn thuật 14”):
Án tuyết mười thu uổng độc thư,
Kẻo còn lọt đọt chữ Tương Như.
Nước non kể khắp quê Hà Hữu?
Sự-nghiệp nhàn khoe phú Tử-hư.
Con mắt hoà xanh, đầu dễ bạc;
Lưng khôn uốn, lộc nên từ.
Ai ai đều đã bằng câu hết:
Nước chẳng còn có Sử Ngư.

Xem ba bài này, ta có thể nghĩ mà không sợ sai là cả ba bài đều nói đến cái ăn học của Nguyễn Trãi.  Dù là “ba thu,” “mấy thu dư” hay “mười thu” thì ta vẫn không thể biết được là tính từ thời-điểm nào.  Vì thế nên ta chỉ có thể đưa ra một vài giả-thuyết:
Cái học mà Nguyễn Trãi nói đến ở đây - “trường văn,” “trường ốc” (= nhà trường), “độc thư” (= đọc sách)—có lẽ không có ý nói đến chuyện đi học “mẫu-giáo” như ta nói ngày nay mà chủ-yếu là nói đến cái học “đại-học,” cái học “Thi, Thư” (tức Kinh Thi và Kinh Thư), cái học “vườn chư tử” và “biển lục kinh” (các kinh Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu).  Như vậy ta phải hiểu là tính từ độ tuổi 17 và như thế, “ba năm” có nghĩa tối-thiểu là 17 + 3 = 20 tuổi, “mấy năm dư” có nghĩa là khoảng 22-23, và “mười thu” có nghĩa là 17 + 10 = khoảng 27 tuổi.
Nếu cách đọc do tôi đề nghị mà có lý thì ở đây ta lại có ba bài cho ta thấy tâm-sự của Nguyễn Trãi ở khoảng tuổi 20-25, nghĩa là khi ông còn đang ăn học, theo đuổi “Thi, Thư” hay mới học xong để có thể thi đậu thái-học-sinh(4) (tương-đương với tiến-sĩ sau này, vào năm 1400) dưới thời nhà Hồ (1400-1407).
Hai bài đầu viết xem chừng không xa nhau lắm nhưng lại phản ánh hai tâm-trạng gần như đối nghịch nhau.  Nếu trong cả hai bài (đều có than là “uổng” công học hành), nhất là trong bài 7, Nguyễn Trãi tỏ ra khiêm nhường về cái học của mình, trong bài 34 ông còn tả một tình-trạng cần phải thủ thân, giữ mình giữ miệng:
  … miệng tựa bình đà chỉn giữ,
  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

  Chỉn sá lui mà thủ phận,
  Lại tu thân khác, mặc Thi, Thư.
Đây có thể là vì bài thơ đã được viết ra vào lúc nhà Trần đang suy sụp và Hồ Quý Ly đang có ý lên thoán ngôi (1400): Chỉ nên rút lui mà giữ lấy cái thân / phận cho mình đã là khó, hãy dẹp bỏ sang bên, quên đi chuyện theo học các thánh hiền qua Kinh Thi và Kinh Thư để tìm đường “tu thân” khác.
Ngược lại, bài số 7 thì lạc-quan hơn hẳn.  Nguyễn Trãi vẫn nói biếm về mình (“Chẳng tài đâu xứng chức ‘tiên-sinh.’ / Cuốc cùn ước xáo vườn chư tử, / Thuyền mọn khôn đua biển lục kinh.”) nhưng tâm-trạng có lẽ đã lắng xuống và ông tỏ ra lạc-quan về đất nước (“Lại mừng nguyên-khí vừa thịnh” lên xong) nên ông hãnh-diện là mới chỉ hay (= biết) có một chữ “đinh” (nghĩa là một chữ quá dễ trong chữ Hán, tượng-trưng cho một cái vốn còn nông cạn) song đã có thể cậy vào đó mà ra phục-vụ, ra giúp nước.
Trong bài thứ ba, tức bài 36, Nguyễn Trãi tỏ ra chán ngán với thế-thái nhân-tình, than van là “ai ai đều bằng câu hết,” nghĩa là ai cũng đã trở nên cong [lưng] như cái lưỡi câu nên Nguyễn Trãi không thể tham-gia vào cái xã-hội đó: “Lưng khôn uốn” nên “lộc” quan đã phải “từ.”
Như vậy, ba bài viết khoảng 20-25 tuổi của Nguyễn Trãi cho thấy là ông, tuy đã được ăn học tử tế song vẫn tỏ ra bi-quan về thời-cuộc, và có lẽ chỉ thấy loé lên một tia hy-vọng khi nhà Hồ vừa mới lên ngôi… để rồi lại vỡ mộng: “Một thân lẩn quất đường khoa mục, / Hai chữ mơ màng việc quốc gia.” (Bài 8 QÂTT, “Ngôn chí 7” viết có lẽ cũng cùng thời với bài 36).  Một khẳng-định về lòng yêu nước mà chưa có lối thoát!
Mười năm nghiền ngẫm (1407-1417)
Giai-đoạn sau trong đời ông, nghĩa là khoảng 10 năm từ 1407 đến 1417, Nguyễn Trãi một mặt thì bị Trương Phụ, tướng nhà Minh, quản-chế ở Đông-quan (tên nhà Minh áp đặt ra cho thành Thăng-long), một mặt thì nhớ lời cha dặn ở ải Nam-quan(5) đem tâm nghiền ngẫm nghiên cứu sách-lược đánh đuổi quân xâm-lăng.
Thời-gian này, ta có thể nghĩ là ông ít có thời giờ hay tâm can nào để làm thơ mà tập trung vào việc suy nghĩ đến chuyện cứu nước với sản-phẩm đúc kết sẽ là cuốn Bình Ngô sách mà theo truyền-thuyết(6), ông đem dâng Lê Lợi như một quốc-sách để đánh đuổi quân Minh khi được gặp ở Lỗi-giang(7) (1421).  Thời-gian này, có lẽ ta chỉ chắc chắn được là ông viết bài thơ nổi tiếng nhất trong Quốc-âm thi-tập, bài để ngay ở đầu tập, bài thủ-vĩ-ngâm “Góc thành Nam lều một căn.”(8)
   Thủ-vĩ-ngâm
 Góc thành Nam lều một căn.
 No nước uống, thiếu cơm ăn.
 Con đòi trốn / dễ ai quyến,
 Bà ngựa già / thiếu kẻ chăn.
 Ao bởi hẹp hòi / khôn thả cá,
 Nhà quen xuế xoá / ngại nuôi vằn.
 Triều-quan chẳng phải, ẩn chăng phải!
 Góc thành Nam lều một căn.

Trong bài này, tâm-trạng của ông xem chừng là tâm-trạng của một nhà nho nghèo (mà người xưa gọi là “hàn-nho”) nhưng có tự-trọng, biết giá trị mình nên không than van, dù có lúc thiếu thốn mà có lẽ là nằm chờ thời, chờ cơ-hội ra giúp nước, cứu dân.  Cơ-hội này, Nguyễn Trãi sẽ có khi tham-gia vào một hội thề chung, cắt máu ăn thề với một số tướng tá đầu tiên trong lực-lượng nghĩa-quân Lam-sơn đi theo về với Lê Lợi năm 1416 ở Lũng-nhai(9).  Vì tầm đặc-biệt quan trọng của bài thơ này nên tôi xin mạn phép dịch nghĩa sang tiếng Việt ngày nay như sau:
 góc phía Nam thành [Hà-nội bây giờ], [ta có] một túp lều,
Nơi đây nước uống thì dư thừa nhưng cơm ăn thì không đủ, bữa có bữa không.
Con ở trốn đâu mất, ý chừng có người đã dụ đi theo họ mất rồi;
Thậm chí con ngựa cái già cũng không có nổi một người dắt đi ăn cỏ.
Do nhỏ tí (hẹp hòi) nên cái ao trước nhà không thả cá được,
Còn nhà ta thì quen xuề xoà [bầy biện qua loa] nên cũng ngại nuôi chó vện.
Quan trong triều đã chẳng phải, làm ẩn-sĩ cũng không!
Ở góc phía Nam thành, ta có một túp lều [gianh, không phải lều vải như bây giờ].

Sáu câu đầu và câu cuối xem ra không có gì khó hiểu: điều đáng chú ý có chăng là cái giọng điệu hơi tự-trào một chút, cười mình nhưng cũng nhẹ nhàng thôi!  Riêng chỉ có câu 7 là đáng nói: “Triều-quan” thì Nguyễn Trãi đã hết làm quan nhà Hồ từ lâu, còn ra làm quan với quân xâm-lược nhà Minh, như Trương Phụ muốn, thì nhất định không thể có chuyện đó rồi.  Nhưng muốn rút lui đi ở ẩn thì cũng không dễ bởi Trương Phụ, nghe theo Hoàng Phúc, đã giam lỏng Nguyễn Trãi ở Đông-quan, cũng tựa như Pháp hơn 500 năm sau sẽ giam lỏng Phan Bội Châu ở Huế trong 16 năm cuối đời ông (1926-1940).
Vào giai-đoạn này, cái bế tắc của đời ông có lẽ là cái day dứt lớn nhất trong suy tư của Nguyễn Trãi.  Vì thế nên có lẽ bài 37 trong QÂTT (Phần IV, “Trần tình 1”) tuy không thuộc về giai-đoạn này (vì theo câu đầu bài, ông đã “gặp hội phong vân,” nghĩa là ra làm quan với nhà Hồ, cõ lẽ thế) song vẫn nói lên cái ưu tư của ông ở thời-gian ông chưa có kế-sách nào để giúp nước cả, đặc-biệt là hai câu 7-8:
 Quốc phú, binh cường, chăng [= chẳng] có chước,
 Bằng [= như] tôi nào thửa ích chưng dân.

Theo Đào Duy Anh, một trong những bài thơ chữ Hán cuối cùng Nguyễn Trãi làm ra trong Ức Trai thi-tập (ƯTTT) trước khi ra làm quan với nhà Lê là bài “Hải-khẩu dạ bạc hữu cảm” (“Làm ra lúc đậu thuyền ban đêm ở cửa biển,” bài 16 trong ƯTTT theo cách tính của cụ)(10).  Nếu cụ Đào đúng thì bài này có lẽ viết trước năm 1427 sau “mấy chục năm” (sổ thập niên) giang hồ, cũng có cùng một tâm-sự (trong hai câu 7-8):
 Bình sinh độc bão tiên ưu chí,
 Toạ ủng hàn khâm dạ bất miên
.
(Cả đời ôm ấp lòng “lo trước” [cái lo của dân]
 Ngồi ôm chăn lạnh thức thâu đêm.)

Hai thập niên cuối đời, ngẫm nghĩ về lòng người và lý-tưởng

Chúng tôi xin trở lại bốn bài thơ nêu ra ở đầu bài viết.  Với lý-tưởng “lo trước cái lo của dân” (tiên-ưu-chí), cố tìm ra “chước” nào có thể đem lại dân (hay ít nhất cũng nước) giàu, binh mạnh, Nguyễn Trãi ở tuổi 37 đã quyết-định đi vào con đường dấn thân kháng-chiến (hội thề Lũng-nhai, 1416).  Từ trước đến giờ đã có một số người nghĩ rằng Nguyễn Trãi đã có Bình Ngô sách ngay từ lúc này rồi và cho rằng ông đã dâng sách ấy lên cho Lê Lợi từ đây.  Thực ra, Lê Lợi đến tháng Giêng năm Mậu-tuất (1418) mới dựng cờ khởi nghĩa ở Lam-sơn và mấy năm đầu (có thể nói là 5 năm đầu, cho đến 1423) hoàn-toàn dựa vào những chiến-thắng quân-sự.  Giai-đoạn này ta chưa trông thấy rõ lắm ảnh-hưởng của lối phối-hợp quân-sự và ngoại-giao mà Nguyễn Trãi chủ-trương như trong Quân-trung từ mệnh tập để bớt phải làm hao tổn xương máu của cả quân ta lẫn quân địch.  Nói cách khác, lúc đầu chưa chắc Nguyễn Trãi đã được tin ngay, Lê Lợi còn nghe những người phụ giúp khác, có lẽ vì thế mà đến năm 1419, trong bài 22, Nguyễn Trãi còn nói ở tuổi 40 (trong hai câu 3-4):
  Thế-sự người no ổi tiết bảy,
  Nhân-tình ai ủ cúc mùng mười?

có nghĩa là tháng 7, ổi chín nên người ta tha hồ ăn no loại trái cây này, đâu còn ai “ủ” (= chăm nom, ủ ấp) “cúc mùng mười,” loại cúc quá đát vì người ta chỉ chơi cúc vào ngày trùng cửu mồng 9 tháng 9 mà thôi.  Tóm lại, ở giai-đoạn này, Nguyễn Trãi chưa đến nỗi bi-quan, giọng bài thơ còn khá vui đời, tin tưởng, lạc-quan (câu 2: “Ngày tháng bằng thoi / một phút cười,” câu 5-6: “Thuyền chèo đêm nguyệt sông biếc, / Cây đến ngày xuân lá tươi.”) và lòng thanh thản (câu 7-8: “Phú quý chẳng tham / thanh tựa nước, / Lòng nào vạy mỗ [mà có thể làm cong được ta] hơi hơi [dù chỉ là tí chút].”  Ông chỉ nhận-định một cách khá khách-quan: Trái cây cũng như hoa lá đều có mùa, ai gặp thời thì ăn, ai quá thời thì bị người ruồng bỏ, thế thôi!  Rất khách-quan!
Ít năm sau (“ngoại tư mươi,” nghĩa là ít năm sau tuổi 40, khoảng đầu thập niên 1420) thì tâm-trạng ông đã đổi khác nhiều.  Cuộc đời dưới mắt ông đã trở thành một bi-hài-kịch và cá-nhân ông tỏ ra khá bi-quan:
 Ở thế nhiều phen thấy khóc cười,
 Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi.
 Lòng người một sự yêm chưng một [mỗi sự là một ghét],
 Đèn khách mười thu lạnh hết mười.
 Phượng những tiếc cao, diều hãy lượn,
 Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi.
 Ai ai đều có hai con mắt:
 Xanh bạc dầu chưng mặt chúng cười.

Tình-hình là mới được dăm năm kháng-chiến, chưa biết ai được cái gì song sự kèn cựa đã thấy hiển lộ: gặp “phượng,” hàng vua của loài chim, thì người ta lại tiếc không cho nó bay lên cao, chỉ cho “diều” tức “diều hâu” (“vultures” trong tiếng Anh) thì tha hồ bay lượn, cũng tựa như “hoa (= cái đẹp) thì hay héo, cỏ (= cái tầm thường thì) thường tươi.”  Chỉ may ra còn vớt vát được sự thật này: Người đời còn biết dành con mắt xanh cho người có giá và con mắt trắng (“bạc” ở thế-kỷ XIII cũng như thời Nguyễn Trãi có nghĩa là “trắng”) cho người mình không ưa hay khinh.
Đến tuổi 50 (vào năm 1429), trong bài 75 QÂTT, Nguyễn Trãi đã thấy “hổ” thẹn (= mắc cỡ) vì hồi trẻ còn thích đua đòi để có tiếng là học giỏi rồi sau đó “luỵ vì danh.”  Giờ đây, ông chỉ còn muốn làm quen với cúc, với thông, còn “lượm chân tay” nghĩa là co chân co tay lại vì ngại đến chốn cửa quyền, dành thời giờ làm thơ, đọc sách.  “Tuổi đã năm mươi, đầu đã bạc, / Ý còn bìu rịn lấy chi vay?”  Nghĩa câu cuối: Vậy thì ý còn nấn ná, bị giữ chân lại, bịn rịn bởi cái gì?  “Đi về sao chẳng về đi?” (dịch “Quý khứ lai từ” của Đào Tiềm)
Ít năm sau nữa, ở tuổi 52-53 gì đó (vào khoảng năm 1431-32, nghĩa là 10 năm trước khi ông gặp nạn), ông xem chừng đã hết tin ở người đời và chỉ còn biết trông vào trời cao (trong bài 40 QÂTT):
 Lồng lộng trời / tư chút đâu!
 Nào ai chẳng đội ở trên đầu?
 Suông cửa ngọc / vân yên cách,
 Giãi lòng đan / nhật nguyệt thâu.
 Chim đến cây cao chim nghỉ đỗ,
 Quạt hay thu lạnh quạt sơ thu.
 Ngoài năm mươi tuổi / ngoài chưng thế,
 Ắt đã tròn bằng nước ở bầu.

Một vấn-đề đặt ra ở đây bởi bài này cũng có thấy ghi trong Bạch-vân thi-tập (bài 59) của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585).  Thành thử chúng tôi không dám mạnh miệng lắm khi khẳng-định đây là những tư tưởng của Nguyễn Trãi khoảng 10 năm trước khi ông chết.  Đến đây, có lẽ ông đã chán đời làm quan vì tất cả những cái ganh tị nhỏ bé của người khác (như Lương Đăng trong việc ấn-định triều-nhạc) hay những âm-mưu của các bà vợ vua nhằm tìm cách đưa con mình lên làm thái-tử, nên ông đã hơn một lần xin về quê hưởng nhàn ở Côn-sơn (“Côn-sơn có suối nước trong, / Suối nghe róc rách như cung đàn cầm…” dịch bài “Côn-sơn-ca”).  Song ông vẫn bị gọi ra, và mỗi lần ra là một lần bực mình - để cuối cùng phải chết thảm vì sự đam mê của vua với nàng Thị Lộ, tiểu-thiếp của ông.
Tới đây, ông kêu lên đến tận Trời cao (mà ta cũng có thể hiểu được là ngụ ý vua Lê Thái-tông nữa) song ông cũng không tin tưởng lắm, vì lời của ông chưa chắc đã thấu được đến Cửu Trùng.  Đó có lẽ là ý như bản dịch nghĩa bài trên cho ta thấy:
 Lồng lộng trời cao, đâu có tư-vị ai đâu!
 Thì ai mà chẳng (phải) đội ở trên đầu?
 Nhìn suông cửa ngọc (lên Thiên-đình) vì có mây khói che,
 Phơi lòng đỏ (= trung) chỉ có mặt trời, mặt trăng thâu nhận.
 Chim đến cây cao chim nghỉ đỗ [là chuyện đương-nhiên],
 Quạt biết thu lạnh thì quạt phải thu về [cũng là dễ hiểu].
 Ngoài năm mươi tuổi là cũng như ra ngoài trần-thế rồi,
 Hẳn đã tròn được bằng nước ở bầu?

Nguyễn Ngọc Bích
Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ
Ngày 19-VII-2007

Chú thích:

1.  Nguyễn Ngọc Bích, “Về lô-gích của cách đọc chữ Nôm,” Văn Học 234 (tháng 11&12, 2006), trang 40.

2.  Trong một thời-gian khá lâu, từ khi Ức Trai di-tập, 7 cuốn (trong đó Quốc-âm thi-tập là cuốn cuối cùng), do Dương Bá Cung (1795-1868) thu thập trong vòng hơn 10 năm, được in thành sách (1868) cho đến năm 1956, người ta chỉ biết thơ Nguyễn Trãi qua một vài bài thơ Nôm lưu-hành (“Ả ở đâu mà bán chiếu gon?” và sách Gia-huấn-ca mà ngày nay gần như không còn ai xem là thơ của ông nữa).  Đến năm sau này, lần đầu tiên Quốc-âm thi-tập được hai cụ Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm phiên âm toàn-bộ sang Quốc-ngữ (NXB Văn Sử Địa, 1956) song vì đây là lần đầu tiên cuốn sách được phiên âm sang Quốc-ngữ nên còn nhiều chỗ đáng ngờ.  Ở trong Nam, Phạm Văn Diêu cũng có một bản phiên âm sang Quốc-ngữ nhưng chỉ lưu-hành rất giới-hạn trong học-giới.  Bản phiên âm của Đào Duy Anh trong Nguyễn Trãi Toàn tập (NXB Khoa Học Xã hội, 1976) được xem là một bản mẫu mực song vẫn còn khá nhiều lỗi do lối làm việc tuỳ tiện của cụ.  Ở bên Pháp, Paul Schneider (Xuân Phúc) có cuốn Nguyễn Trãi et son recueil de poèmes en langue nationale (Paris: CNRS, 1987) đưa ra được một vài cách phiên âm có cơ-sở hơn.  Ở trong Nam rồi ra hải-ngoại, G.S. Lê Hữu Mục cũng đã hoàn-tất (tuy công-trình này mới chỉ được công-bố từng phần) một luận-án nghe đâu tới 1000 trang về cách đọc mà ông cho là chính-xác hơn hết.  Ở đây, chúng tôi xin tạm theo bản phiên âm của Nguyễn Thạch Giang, Quốc âm thi tập (NXB Thuận Hoá, 2000), tuy cũng có chỗ chúng tôi chưa thể hoàn-toàn đồng-ý được.  Bài 22 là ở trang 81 NT Giang 2000, bài 120 ở trang 215, bài 75 ở trang 158, và bài 40 ở trang 108.

3.  NT Giang 2000:68-69.

4.  Năm 1400, “nhà Hồ mở khoa thi Thái học sinh (Tiến sĩ).  Lấy đậu 20 người, trong số đó có Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân…”  (Viện Văn Học [Hoàng Trung Thông và ngkh], Nguyễn Trãi, khí phách và tinh hoa của dân tộc, Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 1980, trang 330)

5.  Sau khi Hồ Quý Ly bị quân Minh đánh bại, cha con Hồ Quý Ly và các triều-thần bị bắt đưa về Trung-quốc, trong số có Nguyễn Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi.  “Được tin cha bị bắt, Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng đến chỗ quân Minh giam giữ tù binh để tìm cha, rồi hai anh em theo đoàn xe tù lên ải Nam-quan với ý định sang bên kia biên giới để hầu hạ cha già trong lúc bị cầm tù.  Nguyễn Phi Khanh biết rằng ông đi chuyến này lả để không bao giờ trở về Tổ quốc nữa, cho nên nhân một lúc vắng vẻ, ông bảo Nguyễn Trãi rằng: ‘Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha.  Như thế mới là đại hiếu.  Lọ là cứ phải đi theo cha khóc như đàn bà mới là hiếu sao?’  ... Nguyễn Trãi gạt nước mắt từ biệt cha và em rồi quay trở lại tìm con đường ‘rửa nhục cho nước, trả thù cho cha,’ đúng như lời giáo huấn [của ông].” (Viện Sử học [Đào Duy Anh và ngkh], Nguyễn Trãi Toàn tập, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, 1976, trang 13)

6.  Trong một thời-gian lâu, vấn-đề Nguyễn Trãi về theo với khởi nghĩa Lam-sơn từ năm nào là một điều không rõ lắm.  Theo Việt-sử thông-giám cương mục và một số tài-liệu từ thế-kỷ XIX (như Nhị-khê Nguyễn-tộc thế-phả và bài đề tựa Ức Trai di-tập của Nguyễn Năng Tĩnh) thì vào khoảng 1421 hay sau đó một chút, ông vào Lỗi-giang (ở Thanh-hóa) tìm gặp Lê Lợi và trao cho ông bản Bình Ngô sách.  Nhưng cụ Hoàng Xuân Hãn, trong “Những Lời thề của Lê Lợi (Văn Nôm đầu thế kỷ XV)” (Tập san Sử Địa số 1/1966, trang 3-23, số 2, trang 11-28), và Đặng Nghiêm Vạn, trong “Tìm thấy gia phả dòng họ Lưu Nhân Chú” (Nghiên cứu lịch sử số 105, tháng 12/1967, trang 42-49, 56), đã chứng minh được là Nguyễn Trãi có mặt ở hội thề Lũng-nhai (1416), một điều được xác-nhận bởi một bản Lam-sơn thực-lục phát hiện được ở trong nhà dòng họ Lê Sát (Ty Văn hóa Thanh Hóa xb, 1978).  Dựa vào những điều mới được phát hiện này, tập-thể tác-giả thuộc Viện Văn học Hà Nội, trong cuốn Nguyễn Trãi, khí phách và tinh hoa của dân tộc (sđd, trang 331) “tạm xếp việc dâng Bình Ngô sách vào thời gian này.”  Chúng tôi cho đây là một sự hiểu lầm vấn-đề.  Ráp tất cả các nguồn tin trên, cả mới lẫn cũ, chúng ta có thể hiểu như thế này:
- Năm 1416, Nguyễn Trãi có mặt ở hội thề Lũng-nhai cùng với 17 người khác để thề bồi với Lê Lợi là tham-gia vào kháng-chiến chống Minh.  Lúc này, chưa có Bình Ngô sách.
- Hai năm sau, đến 1418, Lê Lợi mới thực-sự khởi nghĩa vì cần một thời-gian chuẩn-bị.
- Giai-đoạn đầu, 1418-1421, thuần quân-sự.  Chưa có vấn-đề chiến-lược lớn.
- Năm 1421, đúc kết kinh-nghiệm mấy năm đầu kháng-chiến và có lẽ cũng để tiết-kiệm xương máu, Nguyễn Trãi mới có Bình Ngô sách với quan-niệm “tâm-công” (mà nhiều người đã hiểu lầm thành “công tâm,” đánh vào lòng người) để dâng lên Lê Lợi ở Lỗi-giang.  Từ đó, vai trò của Nguyễn Trãi mới nổi bật khi Lê Lợi cho phép ông đem áp-dụng sách-lược mới, để có thể hạ được 14 thành mà không cần đến đổ máu (như ta thấy còn ghi trong Quân-trung từ mệnh tập).

7.  Theo Viện Văn học 1980:57 thì Lỗi-giang là “tên một miền trên bờ sông Mã nằm giữa huyện Cẩm Thủy, huyện Bá Thước và huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.”  Cũng theo sách này, nơi cước-chú trang 331, thì “trước đây có tài liệu ghi rằng Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi ở Lỗi Giang năm 1420; một số tài liệu khác lại ghi: Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa và dâng Bình Ngô sách năm 1426.”  Đã đến lúc ta phải dứt khoát cho những thông tin này là sai. 

8.   NT Giang 2000:43.  Chữ cuối câu đầu, tôi chủ-trương đọc là “căn” thay vì “gian” như ta thấy trong hầu hết các bản phiên âm khác (Xem NN Bích, bđd, trang 44).
9.  Xem chú-thích 6 trên đây.
10.  Viện Sử học 1976:284.

Tuổi trẻ hải ngoại và cội nguồn

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Tuổi Trẻ Hải Ngoại và Cội Nguồn




Our special guest speaker-Trần Kiều Ngọc biography!
Kiều Ngọc currently lives and works as a lawyer and a legal director of CARES Lawyers in Adelaide, South Australia. Her father was a former SAS commander and was captured by the communists in 1974. He later escaped and arrived in Australia as a refugee in 1981. Kiều Ngoc's family was reunited some years later when she was seven years of age.

During her years at the University of Adelaide, Kiều Ngọc was the president of the Vietnamese Student Association. After graduation, she became an active member of the Vietnamese Professional Society, South Australia chapter.
Kiều Ngọc has always had a deep concern regarding the continuation of the fight for human rights and justice in Vietnam. As a result of this special concern in May 2016, Kiều Ngoc and her young friends established the International Youth Movement for Human Rights, a non-profit organisation for which Kiều Ngọc is currently the director of.
Kiều Ngoc is also a member of the Vietnamese Australian Lawyers' Association; a legal writer for a number of newspapers: Nam Úc Tuần Báo, Adelaide Tuần Báo & Việt Luận. Kiều Ngọc also regularly provides free community legal education for various ethnic communities & women’s associations.

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

CÂU HỎI CHO NHỮNG BẠN TRẺ HÔM NAY


If everything had already been done, there would be nothing left for young people to accomplish. There are always going to be people who run faster, jump higher, dive deeper, and come up drier. (Darrell Royal)
Đúng vậy! Thế giới hôm nay rất cần các bạn trẻ, vì luôn luôn có những điều chưa hoàn thiện trong cuộc sống hằng ngày. Và bàn tay người trẻ chính là nhân tố quyết định làm thay đổi thế giới.
Có bao giờ bạn thử nhìn ra chung quanh mình? gần nhất là gia đình, rồi đến cộng đồng nơi các bạn đang sinh sống, biết bao nhiêu điều đang chờ đợi những người trẻ chúng ta.
Được may mắn sống trong một đất nước tiến bộ, có thể bạn cảm thấy thế là đủ và dễ dàng quên đi những gì còn đang dang dở luẩn quẩn quanh ta. Điều này cũng dễ hiểu! Bởi vì, Bạn là người được hấp thụ một nền giáo dục đầy nhân bản. Bạn được quyền tự chọn tương lai cho mình. Bạn không hề bị đối xử bất công. Bạn chưa từng bao giờ phải khúm núm khi ra vào cửa quan. Phải lắm! Đó là những gì mà nhiều bạn trẻ khác trên thế giới có nằm mơ cũng không thấy.
Bạn có biết, trong khi bạn được tự do nói lên những điều mà bạn không hài lòng. Bạn có quyền hỏi những câu hỏi: Tại sao? Với mục đích gì? Thì những người trẻ cùng tuổi với bạn sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới lại phải im lặng chịu đựng trước những bất công hay không? Đó không phải là những gì ngẫu nhiên mà có. Cũng chẳng ai cho không những quyền căn bản đó. Nhưng là cả một công trình đấu tranh lâu dài.
Bây giờ xin mời bạn hãy ngừng lại và suy nghĩ về các bạn trẻ ở một nơi mà chúng ta gọi là quê hương thân yêu, đất nước Việt Nam chúng ta. Bạn và tôi, chúng ta có cùng một tình yêu, tình yêu quê hương.
Hãy thử tưởng tượng, nếu chúng ta còn sống ở quê nhà, đất nước mà chúng ta yêu mến bằng cả tấm lòng, điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta, những người trẻ không phải con đảng viên, cũng không được sống trong một gia đình lắm tiền nhiều của, bạn sẽ làm gì để kiếm sống? Học Đại Học ư? Phải có tiền. Dù có may mắn học xong đại học, Bạn sẽ kiếm việc bằng cách nào? Chẳng có công việc nào cho không mà không được giải quyết bằng tiền hay bằng tình cảm, quen biết. Có nhiều điều khi nói lên thật đau lòng. Trong cái vỏ bề ngoài với những công trình to lớn, những khu phố sang trọng, những con đường to rộng là biết bao bất công, ngược đãi, những phong bì dấm dúi, những công trình bỏ ngang, những nợ công ngập đầu. Đó là một sự thực hiển nhiên. Không chối cãi. Thế nhưng, khi mà những Người trẻ Việt Nam ngày nay muốn gióng lên tiếng nói thì lại bị trù dập. Cả một hệ thống đàn áp gồm những công an chìm nổi luôn rình rập nhằm ngăn chặn tiếng nói của người dân. Bạn có biết điều đó không?
Nếu không, xin mời bạn vào Youtube và thử đánh hàng chữ “công an đánh dân”, bạn sẽ có khoảng 397,000 kết quả… thật ghê sợ! Con số này tăng lên hầu như mỗi ngày, mỗi giờ!
Đất nước chúng ta như thế đó. Nhan nhản những bất công xã hội. Công an nhiều hơn bác sĩ. Đảng viên nhiều hơn thầy cô giáo. Cán bộ cai trị nhiều hơn nhân viên xã hội. Thử hỏi bạn sẽ phải sống thế nào?
Bạn trẻ thân mến! Bạn đang sống ở đâu? Một đất nước tự do, tiên tiến ư? Hay đang trong lao tù nhỏ lớn? Ở một đất nước nghèo nàn, lạc hậu? Dù ở đâu chúng ta cũng không thể làm ngơ trước những bất công đó. Chúng ta phải nói lên cảm nghĩ của mình. Nhưng tiếc thay, nhiều khi chúng ta chỉ biết thở dài và thốt lên một câu nói bình thường: Thật Đáng Buồn! Nhưng bạn ơi! Không lẽ chúng ta chỉ ngồi mà buồn phiền than trách.
Vì như bạn biết.
Chẳng có cảnh nào đáng buồn hơn là thấy một người bi quan trẻ tuổi. (There is no sadder sight than a young pessimist.)
(Mark Twain)
Chính vì thế, xin mời bạn, chúng ta mỗi người hãy góp một bàn tay xây dựng ngôi nhà dân chủ, nhân quyền. Ngôi nhà đó chúng ta dành để đùm bọc những anh chị em còn khốn khổ ở quê nhà. Và bạn lại hỏi: nhưng tôi có thể làm được gì cho đất nước, quê hương? Câu hỏi đó xin dành cho bạn hãy suy nghĩ!
Ít ra khi đọc xong những dòng tâm sự này, bạn đã tự đưa ra câu hỏi đó. Như thế, bạn và tôi chúng ta đang có cùng chung một ý tưởng. Hay nói đúng hơn, chúng ta có cùng chung một chí hướng. Hy vọng, chúng ta sẽ cùng nhau hành động trong tương lai.
Xin hẹn gặp lại bạn trong bài kế tiếp, người bạn trẻ mà tôi rất trân trọng trong thế giới hôm nay.!
Ban Thông Tin
Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền.
Tháng 8 - 2016

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Hồn Việt Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam

Hồn Việt Nào Cho Em




Có những cuốn phim sau khi coi xong khiến tôi thích thú hoặc bực bội, nhưng cũng có cuốn phim khiến tôi băn khoăn, dường như vui, cũng dường như buồn, cuốn phim đó chính là phim “Hồn Việt”.
“Hồn Việt” là một bộ phim trình bày lịch sử Quốc Kỳ và Quốc Ca của Việt Nam Cộng Hòa – nơi tôi đã sinh ra và lớn lên cho tới ngày mất nước. Đấy chỉ là một bộ phim tài liệu với những dữ liệu thực tế. Lá cờ vàng ba sọc đỏ, quốc kỳ của một chính thể đã bị xóa sổ, không ngờ có ngày tung bay phất phới, đứng ngang hàng với những lá cờ quốc gia khác tại nhiều nơi trên thế giới. Đáng lẽ tôi, một người từng sống trên 10 năm dưới lá Cờ Vàng, phải cảm thấy xúc động và tự hào chứ? Nhưng không hiểu sao tôi chỉ cảm thấy vui buồn lẫn lộn?
Nếu bảo Việt Nam là người mẹ khổ đau qua những năm tháng chiến tranh, thì Việt Nam Cộng Hòa là cha, người cha đã bị bức tử, người cha tôi đã phải xa khi còn tấm nhỏ. Quá nhỏ để hiểu được chiến tranh đang xảy ra khốc liệt chung quanh, quá nhỏ để hiểu đang có rất nhiều người ngày đêm chiến đấu bảo vệ miền Nam, bảo vệ cuộc sống yên ổn cho hàng triệu sinh mạng trong đó có tôi.
Sẽ chẳng ai trách cứ một đứa con gái nhỏ ngượng ngùng với cha nếu nó đã bị lìa xa cha ngay từ lúc nhỏ. Cũng thế, hẳn không ai trách nếu tôi thú thực rằng giờ đây, sau hơn 20 năm trên xứ người, tôi cảm thấy chẳng có mấy rung động trước lá cờ ấy dù lý trí vẫn biết rằng đó là lá cờ Tổ Quốc của mình.
Cho tới khi xem Phim “Hồn Việt”, tới đoạn trình bày về lược sử hình thành Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam, tôi bỗng cảm thấy dâng lên trong lòng một nỗi chua xót xen lẫn giận hờn.
Tôi tiếc ngày ấy đã không được dạy bảo kỹ lưỡng về nguồn gốc Quốc Kỳ và Quốc Ca trong những giờ Công Dân Giáo Dục. Tôi chỉ biết chào cờ và hát quốc ca như một thói quen. Giống như một đứa con, chỉ được nguời ta chỉ vào ảnh cha mà bảo “Cha con đó!” chứ không giải thích thêm cha là ai, cuộc đời cha như thế nào, cha đang chiến đấu nghiệt ngã trong những hoàn cảnh nào…
May mắn thay, trong đại gia đình dân tộc, vẫn còn những người anh, người chị đã từng sống với cha, đã từng biết đến cha. Những anh chị ấy đã giữ cha trong trái tim họ cho đến cuối đời. Tôi muốn nói tới những người Việt lưu lạc khắp nơi trên thế giới, những người đã kiên quyết giữ vững lá cờ Việt Nam tự do, đã đấu tranh không mệt mỏi để cuối cùng lá cờ ấy tung bay cùng với những lá cờ khác tại nơi họ cư ngụ.
Những anh chị ấy đã cống hiến tuổi thanh xuân để xây dựng và bảo vệ miền Nam để những đứa trẻ như tôi được thảnh thơi đến trường. Trên xứ người, những người anh người chị ấy vẫn miệt mài tìm mọi cách gìn giữ những di sản tốt đẹp của đất nước để một ngày nào đó khi chúng tôi – những đứa trẻ đi lạc, muốn quay về sẽ thấy vẫn còn đó mái nhà xưa.
Ngày hôm nay, mỗi khi có những dịp tụ họp đông người, việc chào cờ hay không chào cờ vẫn là một đề tài nhạy cảm, có khi gây tranh cãi. Bên muốn chào cờ cho rằng không thể hưởng niềm vui họp mặt trên xứ sở tự do mà quên đi công lao to lớn của những người đã nằm xuống. Còn bên không muốn chào cờ thì bảo việc cử hành quốc kỳ và quốc ca là nghi lễ trang trọng, nếu làm trong một tiệc dịp tiệc tùng vui chơi sẽ mất đi ý nghĩa và giảm lòng tôn kính.
Cả hai phía đều có lý của họ. Riêng tôi, tôi cho rằng những người thực tâm giữ gìn sự tồn tại của Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam không quanh quẩn trong lý lẽ mà họ chỉ muốn hành động từ tiếng gọi của trái tim.
Nếu không là tiếng gọi từ trái tim, Đại Tá Phạm Bá Hoa đã không kiên trì sưu tầm mọi tin tức và hình ảnh về các cuộc tranh đấu của người Việt khắp nơi để cho Quốc Kỳ Việt Nam được công nhận tại các thành phố trên khắp thế giới. Mỗi một chiến thắng là một tin vui làm nức lòng người Việt hải ngoại, và là kiểu mẫu cho những nơi khác noi theo, để rồi chiến thắng nối tiếp chiến thắng. Kết quả là cho tới nay, trên đất nước Hoa Kỳ đã có 16 tiểu bang, 8 quận hạt, 103 thành phố công nhận lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là đại diện của Việt Nam đã công nhận lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là đại diện của Việt Nam.
Nếu không là tiếng gọi từ trái tim, ông Chu Lynh đã không quyết tâm bắt tay vào việc thực hiện cuốn phim “Hồn Việt” dù biết sẽ rất khó khăn, lấy ý nghĩ từ chuyến đi thăm nghĩa trang Biên Hoà năm 2003. Nhìn tấm bia mộ của một người lính, lá cờ nhỏ bé khắc trên ấy bị đục nát chỉ còn dấu vết lờ mờ, ông đau thắt lòng. Người lính, người đồng đội của ông, cả một đời hy sinh chẳng được gì, đến khi chết chỉ có mỗi lá cờ, vậy mà người ta vẫn nhẫn tâm tước đoạt.
Và nếu không từ tiếng gọi từ trái tim, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, người đã đưa âm nhạc Việt Nam đến với thế giới, đã không thể soạn hòa âm phối khí cho bản quốc thiều Việt Nam trở nên sống động tha thiết đến thế. Và những nhạc sỹ Ukraina – những người vừa thoát khỏi địa ngục cộng sản, đã cảm thông, đã bắt nhịp cùng tiếng gọi trái tim ấy để tấu lên một bản quốc thiều hùng tráng gây rúng động lòng người.
Tôi muốn ngừng lại một chút để kể một câu chuyện lý thú về lá cờ hiện nay của nước Nga mà lịch sử của nó có đôi điều tương tợ với lá Cờ Vàng VNCH.
Bắt đầu từ năm 1896, Quốc Kỳ Nga có ba màu: trắng, xanh dương và đỏ. Sau Cách Mạng Tháng Mười 1917, lá cờ ấy bị bỏ đi, thay bằng cờ đỏ búa liềm. Đến năm 1991, khi chế độ cộng sản tan rã, Liên Bang Xô Viết (Soviet Union) trở thành Liên Bang Nga (Russian Federation), cờ đỏ búa liềm bị dẹp bỏ, người Nga quay về với lá cờ ba màu -Триколор (Tricolor) lúc trước.
Có nhiều giải thích cho nguồn gốc ba màu trên quốc kỳ Nga. Một giả thuyết cho rằng đó là huy hiệu trên khiên của vương quốc Grand Ducchy of Moscow. Huy hiệu này có hình thánh Saint George mang giáp bạc, cỡi ngựa trắng, choàng khăn và cầm khiên màu xanh trên nền đỏ. Một gỉa thuyết khác lại cho rằng đấy chính là ba màu trên khăn áo Đức Mẹ Maria.
Như thế, nước Nga – cái nôi sản sinh ra chủ nghĩa cộng sản, cuối cùng đã quay về với lá cờ truyền thống. Một lá cờ với ba màu hòa dịu, ẩn chứa những niềm tin thiêng liêng, có thể đó là lòng dũng cảm quên mình của thánh St. George, cũng có thể là lòng từ ái bao la của Đức Mẹ.
So sánh với lá cờ nước Nga, lá cờ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ cũng có màu sắc hòa dịu với những ý nghĩa nhân ái: Màu vàng tượng trưng cho dân tộc Việt. Ba sọc đỏ là ba miền Nam Trung Bắc. Tuy người dân thuộc ba miền (ba sọc đỏ) nhưng vẫn sống chung một nhà (nền vàng). Dưới mái Nhà Việt Nam, con dân muôn đời thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Màu đỏ trên nền vàng còn là màu của nhiều lá quốc kỳ Việt Nam qua nhiều triều đại khác nhau.
Khi kể câu chuyện nước Nga tìm về lá cờ dân tộc phải chăng tôi muốn nói đến việc phục hoạt lá cờ vàng truyền thống của nước Việt Nam?
Hoàn toàn không. Lá Cờ Vàng đã được chính quyền của môt số thành phố và tiểu bang Hoa Kỳ công nhận là “Lá Cờ Tự Do và Di Sản” (Heritage and Freedom Flag). Người Việt tị nạn sau khi nhập tịch là nguyện đứng dưới lá cờ của đất nước thứ hai. Việt Nam tuy vẫn là tổ quốc thân yêu nhưng không còn thuộc quyền quyết định của những người chúng tôi. Việc chọn lá cờ nào, bài hát nào cho Việt Nam tương lai sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào một chính phù và một quốc hội không còn cộng sản.
Những người ấy sẽ hiểu biết thấu đáo về lịch sử của những lá cờ để nhìn cho ra lá cờ nào mang “Hồn Việt”, còn lá cờ nào chỉ mang giả trá và thương đau.
Nếu đã nói tới quốc kỳ thì không thể không nhắc tới quốc ca. Nghe ban nhạc Ukraina hòa tấu Quốc Thiều Việt Nam, tôi mới thấy Quốc Ca Việt Nam có giai điệu thật phong phú, khi hùng tráng, khi du dương như một nhắn nhủ thiết tha.
Là một học sinh qua hai chế độ, tôi vẫn không thể quên bài hát Tiến Quân Ca của cộng sản. Nhạc điệu quân hành nhưng khá nhạt nhẽo, chưa kể trong đó có những lời lẽ khát máu đến ghê người. Một ca khúc tầm thường, thậm chí vô nhân có thể nào xứng đáng làm biểu tượng cho một dân tộc lãng mạn và hiếu hòa như người Việt chăng? Nhưng công bằng mà nói, bài hát Tiến Quân Ca có lịch sử riêng của nó và xứng đáng được ghi nhận như ca khúc của một thời. Những người dân Việt trong tương lai sẽ tìm ra quyết định cho quốc ca cũng như quốc kỳ vậy.
Phim “Hồn Việt” ra đời, hai năm tôi sau mới biết, cũng như tôi đã không biết rõ về Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam sau hơn hàng chục năm. Thật khá trễ tràng. Cảm giác buồn vui lẫn lộn, vui vì biết được thêm quá khứ anh dũng của cha anh, buồn vì suốt bao lâu nay lơ đãng trước những hy sinh cao cả ấy.
Mong sao bộ phim tài liệu “Hồn Việt” sẽ giúp cho những thế hệ sau hiểu rõ về quốc kỳ và quốc ca, từ đó thấy rõ tính cách Việt, mơ ước Việt, tâm hồn Việt thể hiện thế nào qua quốc kỳ và quốc ca, để rồi có quyết định sáng suốt về con đường đi tới của dân tộc.
Tổng Thống Woodrow Wilson từng nói:
“The things that the flag stands for were created by the experiences of a great people. Everything that it stands for was written by their lives. The flag is the embodiment, not of sentiment, but of history.”
(Những gì một lá cờ biểu tượng, đó là những kinh nghiệm đã được tạo dựng bởi một dân tộc tuyệt vời. Tất cả những gì lá cờ biểu tượng đã được viết nên từ chính mạng sống của họ. Lá cờ là hiện thân, không phải của cảm xúc, mà là của chính lịch sử).
Qua phim “Hồn Việt” tôi thấy lời của Tổng Thống Wilson thật đúng, Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam thực sự đã được viết nên từ mạng sống của biết bao người con dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu vì Đất Nước, vì Hòa Bình, vì Tự Do. Tôi dù biết điều ấy trễ nhưng vẫn còn chưa quá muộn. Khi hiểu ra được như thế tôi chợt thấy mình tháo gỡ được mối băn khoăn.
Người cha bị bức tử của tôi chưa bao giờ chết. Người vẫn còn đó cùng Lá Cờ Vàng lồng lộng bay trong gió như chuyển trao mọi nỗi bi thương nhưng đồng thời cũng là niềm hân hoan về một Đất Việt, một Dân Việt, và một Hồn Việt muôn đời.
Trịnh Bình An – 9/2014