Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

bảo vệ tiếng Việt

Từ trái, các giáo sư Đặng Ngọc Sinh, Nguyễn Song Thuận, Bùi Đức Uyên, Phạm Thị Huê, Trần Chấn Trí và Trần Ngọc Dụng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Trong nỗ lực bảo vệ tiếng Việt, ban tổ chức Hội Nghị Thống Nhất Chính Tả Việt vừa có buổi họp báo vào sáng Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu, tại văn phòng Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, Westminster.
Mục đích của buổi họp báo là báo động tình trạng Hán hóa của nhà cầm quyền CSVN qua những đề nghị cải cách tiếng Việt.
Ban tổ chức kêu gọi: “Sau 43 năm xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt tại hải ngoại, chúng tôi mạnh dạn đề xướng hội nghị này và rất mong có sự tham dự của những người còn tha thiết với văn hóa Việt cũng như ngôn ngữ Việt trong sáng.”
Có mặt tại buổi họp báo là các giáo sư Nguyễn Song Thuận – trưởng ban hội nghị, Bùi Đức Uyên – phó trưởng ban chương trình, Phạm Thị Huê – tân chủ tịch Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, Vũ Hoàng – chủ tịch Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California, Trần Chấn Trí, Trần Ngọc Dụng, Trần Huy Bích, Phạm Ngọc Lân, Phạm Kim Long, và đặc biệt là giáo sư Đại Học Fullerton Natalie Trần – người có công tổ chức chương trình huấn luyện các giáo viên của chương trình Song Ngữ Việt-Anh tại California.
Sau nữa, Giáo Sư Song Thuận cho biết, sau sáu năm ròng rã làm việc của nhiều hội đoàn và cá nhân, năm 2017, cộng đồng người Việt hải ngoại đã có “Sổ Tay Chính Tả Tiếng Việt Tập I” và Tập II cũng sắp được hoàn tất.
Ông tiếp: “Sau đó, chúng tôi sẽ hoàn tất việc biên soạn một bộ Từ Điển Tiếng Việt.”
“Đây là một công việc đòi hỏi sự đóng góp của nhiều người. Trước âm mưu Hán hóa tiếng Việt của nhà cầm quyền CSVN, chúng tôi nhận thấy cần có tiếng nói chung của những người Việt hải ngoại,” ông nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Giáo Sư Trần Ngọc Dụng lên tiếng nhắc nhở việc nhà cầm quyền trong nước làm tối nghĩa những từ ngữ vốn đã được người Việt sử dụng trong bao năm qua một cách chính xác.
Ông cho thí dụ: “Chữ ‘ly dị’ bị họ sửa thành ‘ly hôn,’ ‘quan thuế’ thành ‘hải quan,’ và ‘liên lạc’ thành ‘liên hệ’.”
Ông giải thích: “Chữ ‘ly hôn’ có nghĩa là bỏ vợ chứ không thể thay thế cho chữ ‘ly dị.’ Và ‘hải quan’ là nơi kiểm tra những ai vào nước mình bằng đường biển vào chứ không thể nói về nơi kiểm tra đặt trong phi trường.”
Và sự sai lạc lại tiếp tục trong chữ “quan hệ,” một chữ có nghĩa là tiếp xúc với người có huyết thống. ‘Hệ’ là hệ tộc, không thể dùng trong trường hợp tiếp xúc với người ngoài. Chữ chính xác là “liên lạc.”
uổi họp trở nên hào hứng khi nhà báo Thanh Phong của nhật báo Viễn Đông lên tiếng đề nghị mời các đại diện Viện Việt Học đến tham dự Hội Nghị Thống Nhất Chính Tả Việt.
Ông nói: “Chúng tôi thấy nhiều từ ngữ mà Viện Việt Học sử dụng, trong đó có những chữ ‘rất lạ.’ Họ dùng ‘i ngắn’ và ‘y dài’ rất khác với chính tả thông thường xưa nay. Thí dụ, như chữ ‘Hoa Kì.’ Khi chúng tôi nêu thắc mắc trên báo thì bà Kim Ngân bên ấy (Viện Việt Học) lại đến tận tòa soạn Viễn Đông để tỏ ý không bằng lòng.”
Ban tổ chức hy vọng, vì sự đoàn kết của những hội đoàn thực sự quan tâm đến tiếng Việt, Viện Việt Học sẽ tham dự hội nghị vào Tháng Tám.
Trở về việc bảo tồn ngôn ngữ Việt trong sáng, Giáo Sư Phạm Thị Huê nói: “Nhìn quanh trong phòng, tôi thấy đa số chúng ta không dưới tuổi 60. Không biết 20 năm nữa, ai sẽ là người tiếp tục công việc của chúng ta hôm nay. Tôi rất mong những người như Giáo Sư Natalie Trần và những người trẻ tuổi khác sẽ không ngưng làm việc.”
Trong số khách tham dự, nhiều người tán thành việc tổ chức hội nghị cũng như tỏ lòng quan tâm đến tương lai tiếng Việt.
Một cách sơ lược, chương trình hội thảo vào Tháng Tám sẽ gồm có tổng quan về năm quy ước căn bản thống nhất cách viết chữ Việt, quy tắc viết đúng dấu giọng hỏi ngã, những quy luật bất thành văn trong tiếng Việt.
Ban tổ chức cho biết sẽ tổ chức Hội Nghị Thống Nhất Chính Tả Việt vào hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 11 và 12 Tháng Tám, tại giảng đường Đại Học Coastline Community College, 12901 Euclid St., Garden Grove, CA 92840.
 (Đằng-Giao)


Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

Hội Nghị Diên Hồng

HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG


HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG
(Lưu Hữu Phước)
Lưu Hữu Phước (1921-1989) một tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam, danh nhân văn hóa Việt Nam, tác giả hàng đầu của các bản chính ca, hùng ca, hành khúc… . Ông được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao về giá trị mang lại từ các mặt tư tưởng, nghệ thuật đến lịch sử... trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của mình.
Ông là giáo sư, viện sĩ, nhà lý luận âm nhạc; nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Cuối thập niên 30, khi trở thành thủ lĩnh của phong trào sinh viên yêu nước tại Hà Nội, ông đã sáng tác rất nhiều các ca khúc mang tinh thần tranh đấu mà đỉnh cao của thời kỳ đó chính là bài HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG.
HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG được ông viết với mục đích nhằm hun đúc tình thần dân tộc cho thanh niên Việt Nam.
HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG là bản hùng ca thuộc đề tài lịch sử. Năm 1284, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông triệu tập các vị phụ lão trong cả nước trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ hai, mang theo năm mươi vạn quân từ phương Bắc tràn xuống; kết hợp với gần mười vạn quân của Toa Đô từ phía Nam (Champa) đánh lên nhằm trả thù cho lần thất bại đầu tiên vào năm 1258.
Phần lớn các vị bô lão xuất thân từ thường dân, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời… , tưởng như không màng việc thời thế quốc dân vậy mà khi được mời vào cung nghị bàn đại sự, không hề chần chừ, các cụ đều một lòng đồng thuận, nhanh chóng giơ tay đòi QUYẾT CHIẾN.
HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG được xem như hội nghị DÂN CHỦ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các vị phụ lão có thể coi là những đại biểu của nhân dân. Sau hội nghị, chính các phụ lão là những người truyền đạt lại chủ trương của chính quyền đến người dân.
Hai chữ DIÊN HỒNG, từ ấy đến nay thành biểu trưng cho ý chí thống nhất của sức mạnh dân tộc, thể hiện sự đồng lòng, sự gần dân, thân dân giữa nhà nước với người dân, trở thành một giá trị truyền thống mang khái niệm DÂN CHỦ và ngày càng được xác lập rõ hơn trong thời kỳ lịch sử kế tiếp - cận và hiện đại.
**
toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến
hận thù đằng đằng biên thùy rung chuyển
tuôn giày non sông rền vang tiếng vó câu
gây oán nghìn thu
toàn dân tiên long sơn hà nguy biến
người nào hào hùng nên hòa hay chiến
diên hồng tâu lên cùng minh đế báo ân
hỡi đâu tứ dân
kìa vừng hồng tràn lan trên đỉnh núi
ôi thăng long khói kinh kỳ phơi phới
loa vang vang chiếu ban truyền bốn hương
theo gió bay khắp miền sông núi réo đời
lòng dân lạc hồng nhìn non nước yêu quê hương
giống anh hùng nâng cao chí lớn
giống anh hùng đua sức tráng cường.
ta lên đường lòng mong tâu đến long nhan
dòng lạc hồng xin thề liều thân liều thân
đường còn dài
hồn vương trên quan tái
xa xa trông áng mây đầu non đoài
trông quân nguyên tàn phá non sông nhà
đoạt thành trì toan xéo giày lăng miếu
nhìn bao quân thoát lấn xâm tràn nước ta
ôi sông núi nhà rền tiếng muôn dân kêu la
trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
quyết chiến!
trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
quyết chiến!
quyết chiến luôn
cứu nước nhà
nối chí dân hùng anh
thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
hy sinh!
thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
hy sinh!
thề liều thân cho sông núi
muôn năm lừng uy… .

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế 2017 tại New York

Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế Tại New York 2018


Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế 2018 
với chủ đề: Phù Đổng Thiên Vương
Mong Anh Chị Em vui lòng vận động quý đồng hương và các Hội đoàn tại địa phương của mình đi tham dự ngày Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế. Bởi vì đây là danh dự, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, với truyền thống anh dũng, bất khuất, dù hơn 42 năm lưu vong, tản mác khắp mọi phương trời, vẫn đoàn kết, vẫn một lòng kiên trì tranh đấu cho quê hương VN thân yêu có một ngày mai tự do, dân chủ, nhân quyền và hạnh phúc.
Xin Trân trọng kính chào.
Lê Thanh Liêm
561-460-7988
CT HĐĐB/TBFL

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

LÊ VĂN KHOA - MỘT ĐỜI CHO NGHỆ THUẬT


Hân hạnh giới thiệu đến Quý Vị cuốn phim tài liệu được chuẩn bị công phu nhất từ trước đến nay của Vietnam Film Club

LÊ VĂN KHOA  -  MỘT ĐỜI CHO NGHỆ THUẬT

Cuốn phim được chuẩn bị từ năm 2013, thu hình tại Melbourne - Úc Châu, Kyiv - Ukraine, Paris - Pháp, và các tiểu bang Hoa Kỳ. 

Vietnam Film Club thực hiện trên 20 cuộc phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ thuật Việt Nam và ngoại quốc để thẩm định về sự nghiệp văn hoá và nghệ thuật, với hoài bảo suốt đời của người nghệ sĩ Lê Văn Khoa: Đưa nhạc Việt ra khỏi biên cương Việt Nam để hoà nhập vào bầu trời âm nhạc thế giới.

Kính mong được tiếp đón Quý Vị tại:
 James Lee Community Center
(703)-534-3387
 Lúc 2 Giờ Chiều Chúa Nhật – Ngày 22 Tháng 7 Năm 2018
(Tiếp Tân bắt đầu từ lúc 1:30 PM) 

Ban Tổ Chức:
Hội Nhiếp Ảnh Vùng Hoa Thịnh Đốn (VNPS)
Vietnam Film Club (VFC)
Chân thành cảm tạ.

Xin liên lạc: 
Đỗ Lịnh Dũng 703-786-2782
Trần Thụy Định 703-732-3194
Trịnh Bình An 301-648-4392
Chu Lynh 703-732-3194