Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG


HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG
(Lưu Hữu Phước)
Lưu Hữu Phước (1921-1989) một tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam, danh nhân văn hóa Việt Nam, tác giả hàng đầu của các bản chính ca, hùng ca, hành khúc… . Ông được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao về giá trị mang lại từ các mặt tư tưởng, nghệ thuật đến lịch sử... trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của mình.
Ông là giáo sư, viện sĩ, nhà lý luận âm nhạc; nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Cuối thập niên 30, khi trở thành thủ lĩnh của phong trào sinh viên yêu nước tại Hà Nội, ông đã sáng tác rất nhiều các ca khúc mang tinh thần tranh đấu mà đỉnh cao của thời kỳ đó chính là bài HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG.
HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG được ông viết với mục đích nhằm hun đúc tình thần dân tộc cho thanh niên Việt Nam.
HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG là bản hùng ca thuộc đề tài lịch sử. Năm 1284, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông triệu tập các vị phụ lão trong cả nước trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ hai, mang theo năm mươi vạn quân từ phương Bắc tràn xuống; kết hợp với gần mười vạn quân của Toa Đô từ phía Nam (Champa) đánh lên nhằm trả thù cho lần thất bại đầu tiên vào năm 1258.
Phần lớn các vị bô lão xuất thân từ thường dân, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời… , tưởng như không màng việc thời thế quốc dân vậy mà khi được mời vào cung nghị bàn đại sự, không hề chần chừ, các cụ đều một lòng đồng thuận, nhanh chóng giơ tay đòi QUYẾT CHIẾN.
HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG được xem như hội nghị DÂN CHỦ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các vị phụ lão có thể coi là những đại biểu của nhân dân. Sau hội nghị, chính các phụ lão là những người truyền đạt lại chủ trương của chính quyền đến người dân.
Hai chữ DIÊN HỒNG, từ ấy đến nay thành biểu trưng cho ý chí thống nhất của sức mạnh dân tộc, thể hiện sự đồng lòng, sự gần dân, thân dân giữa nhà nước với người dân, trở thành một giá trị truyền thống mang khái niệm DÂN CHỦ và ngày càng được xác lập rõ hơn trong thời kỳ lịch sử kế tiếp - cận và hiện đại.
**
toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến
hận thù đằng đằng biên thùy rung chuyển
tuôn giày non sông rền vang tiếng vó câu
gây oán nghìn thu
toàn dân tiên long sơn hà nguy biến
người nào hào hùng nên hòa hay chiến
diên hồng tâu lên cùng minh đế báo ân
hỡi đâu tứ dân
kìa vừng hồng tràn lan trên đỉnh núi
ôi thăng long khói kinh kỳ phơi phới
loa vang vang chiếu ban truyền bốn hương
theo gió bay khắp miền sông núi réo đời
lòng dân lạc hồng nhìn non nước yêu quê hương
giống anh hùng nâng cao chí lớn
giống anh hùng đua sức tráng cường.
ta lên đường lòng mong tâu đến long nhan
dòng lạc hồng xin thề liều thân liều thân
đường còn dài
hồn vương trên quan tái
xa xa trông áng mây đầu non đoài
trông quân nguyên tàn phá non sông nhà
đoạt thành trì toan xéo giày lăng miếu
nhìn bao quân thoát lấn xâm tràn nước ta
ôi sông núi nhà rền tiếng muôn dân kêu la
trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
quyết chiến!
trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
quyết chiến!
quyết chiến luôn
cứu nước nhà
nối chí dân hùng anh
thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
hy sinh!
thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
hy sinh!
thề liều thân cho sông núi
muôn năm lừng uy… .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét