Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Tủ sách Tuổi Hoa

Tủ sách Tuổi Hoa được thành lập trước năm 1975 và do những cây bút chuyên viết cho các tạp chí như Thiếu Nhi, Thằng Bờm, Tuổi Hoa cộng tác.
    Các tác phẩm của Tủ sách Tuổi Hoa được chia làm 3 loại :
    * Loại hoa đỏ: phiêu lưu, mạo hiểm, trinh thám
    * Loại hoa xanh: tình cảm gia đình, bạn bè
    * Loại hoa tím: dành cho tuổi 16 - 18
Những tác phẩm này đã từng một thời là "món ăn tinh thần " của thanh thiếu niên Việt Nam vì nó không những giáo dục những đức tính tốt cho con người mà còn giúp thanh thiếu niên tập trau chuốt lời văn để học văn tốt hơn.
Ngoài ra, Bán Nguyệt San Tuổi Hoa cũng là một tờ báo đã đi vào lòng của thanh thiếu niên Việt Nam vào thập niên 60, đầu thập niên 70. Những giá trị tinh thần do Bán Nguyệt San Tuổi Hoa đem lại rất nhiều và hầu như các truyện dài được đăng trong Bán Nguyệt San Tuổi Hoa đều được Nhà xuất bản Tuổi Hoa in thành sách, chính là các truyện loại hoa đỏ, hoa xanh và hoa tím mà chúng ta đang sưu tầm.
Hiện nay Tủ Sách Tuổi Hoa và Bán Nguyệt San Tuổi Hoa đang bị mai một nên có lẽ đến một ngày nào đó sẽ không ai còn nhớ và còn biết trong văn hóa Việt Nam có một giai đoạn thịnh hành của sách báo Thiếu Nhi, đã góp phần trong việc giáo dục tạo nên một thế hệ Thanh thiếu niên ưu tú. Việc sưu tầm và tái lập Tủ sách Tuổi Hoa cũng như Bán Nguyệt San Tuổi Hoa sẽ giúp chúng ta ghi dấu lại giai đoạn đáng nhớ đó và mặc dù hiện giờ các tác phẩm của Tủ Sách Tuổi Hoa và các Bán Nguyệt San Tuổi Hoa bị thất lạc rất nhiều nhưng mong rằng với thời gian và với công sức của tất cả những người đã, đang và sắp là fans của Tuổi Hoa, chúng ta sẽ cùng nhau tái lập lại đầy đủ các tác phẩm, các tập san của Tuổi Hoa khi xưa.
Cám ơn quý tác giả của Tủ sách Tuổi Hoa, dù không trực tiếp gửi sách nhưng những giá trị tinh thần của các tác phẩm mà quý vị cho ra đời thật là vô giá. Mong rằng quý vị sẽ thông cảm và bỏ qua cho việc không xin phép của chúng tôi khi đưa các tác phẩm của quý vị vào website bởi vì sau bao nhiêu sự thăng trầm, khó mà tìm lại được quý vị.
Chân thành cảm ơn.




Đề nghị các website hay các bạn đọc khi copy những truyện của Tủ sách Tuổi Hoa xin ghi rõ nguồn gốc Tủ Sách Tuổi Hoa để trân trọng công sức của những người đã sưu tầm, scan và đánh máy đưa truyện vào website này. Cám ơn nhiều !

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

TÌNH YÊU NHƯ BÓNG MÂY

  
     Đà Lạt xưa kia giống như một thiếu nữ tuổi xuân thì, dáng đài các, đã từng làm siêu lòng biết bao nhiêu là văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ và cả nhiếp ảnh gia nữa… Thật quyến rũ. Thật đắm say. Ghé thăm Đà Lạt để rồi khi chia tay nhau lại bịn rịn.

     
     KHÁNH GIANG năm 1959 viết về “Đà Lạt với du khách” đã nói:

     “Bạn có sống qua những ngày lặng lẽ u buồn ở Đà Lạt, có ngắm qua những buổi hoàng hôn nhuộm đỏ cánh đồi, có ngồi thu mình nhìn qua giọt mưa nặng trĩu rơi trên cửa kính, có dịp trầm ngâm cô độc say mê theo khói thuốc và hương vị tách cà phê phin đen ngòm, có lủi thủi dưới làn mưa bụi về đêm, có nện gót giày đều đều trên đường phố hoang vắng, có sống qua những giờ phút trống rỗng của cuộc đời và lòng có mang ít nhiều kỷ niệm đau thương, bạn mới cảm được cái “tâm hồn” sâu xa và thấm thía của Đà thành. Và lúc ấy, bạn khó lòng mà rời Đà Lạt được nữa.”

     Tình yêu với Đà Lạt thật muôn vẻ. Khi thì lặng lờ như mặt nước hồ thu êm dịu hay cuồng nhiệt như những bọt nước trắng xóa của thác nước bên đèo. Khi thì giăng mắc như sương khói phủ trên khắp cánh rừng thông. Khi thì tan biến vào thinh không theo tiếng chuông chùa Linh Sơn... tiếng chuông nhà thờ Con Gà... Tình yêu vang vọng và lan đi để rồi hội nhập vào núi đồi Đà Lạt mỗi buổi sáng sớm khi mặt trời còn khuất dạng...

     Phải chăng đối với những ai đã từng sinh trưởng tại Đà Lạt, hay đã có một thời gian dài sinh sống tại đây hoặc chỉ là du khách ghé thăm thành phố trong ít ngày thời Đà Lạt của những ngày tháng cũ đã để lại trong tận cùng tâm khảm con người những niềm thương nỗi nhớ sâu đậm và thiết tha… như suối nguồn tuôn chảy. Nói hoài không hết!
     Sau đây chỉ thâu thập và ghi lại được một phần nào cái tình cảm thương yêu và nhớ nhung đó mà thôi! Mỗi người một vẻ! Tình yêu với Đà Lạt bồng bềnh như bóng mây, một thời đã hội tụ quyến luyến trên bầu trời thành phố cao nguyên thời nay lại man mác dàn trải ra khắp cả bốn phương trời… Nỗi nhớ khôn nguôi!
 b3_hoabinhvachodalat.jpg - 258.55 Kb
CHỬ BÁ ANH VÀ VI KHUÊ
     Nhà giáo CHỬ BÁ ANH ngay hồi nhỏ đã theo gia đình từ đất Bắc vào Nam trong một kỳ nghỉ hè và có dịp ghé lên Đà Lạt lần đầu tiên. Bao nhiêu năm sau, trong cuộc sống xa xứ, cái thành phố cao nguyên đó vẫn khắc ghi nhiều dấu ấn và được kể lại:
     “Tôi đặt chân đến thành phố Đà Lạt vào mùa hè năm 1943… Lúc đó ông ngoại tôi vừa mua chiếc xe Simca 9 là loại xe mới nhập cảng vào Việt Nam lần đầu, nên quyết định đưa gia đình đi nghỉ hè tại 4 vùng núi cao của Việt nam, suốt một lộ trình từ Bắc vào Nam. Chuyến đi gồm 4 người, ông ngoại, bà ngoại, cô Ngọc Lan, - cô giáo của tôi - và tôi… 
     Chặng đến cuối cùng là thành phố Đà Lạt, sau khi rời Phan Rang qua đèo Dran, đèo Ngoạn Mục Bellevue, đến Cầu Đất, rồi Trại Mát và trạm dừng chân là khách sạn Lang Biang Palace nhìn xuống hồ Đà Lạt... lúc ấy dân chúng Đà Lạt còn thưa thớt, phương tiện di chuyển là xe ngựa. Cái ấn tượng khắc sâu trong tâm trí tuổi thơ của tôi là tiếng người lái xe ngựa dùng miệng tạo thành một thứ âm thanh kêu “cọt cọt” để điều khiển con ngựa. 
     Rạp ciné Eden nay gọi là Ngọc Lan thuở đó bên trên chưa có balcon chia thành từng ô và thiếu tiện nghi hơn bây giờ. Mãi cho đến khi nhạc gia của nhạc sĩ Hoàng Nguyên làm chủ thì rạp Ngọc Lan và Ngọc Hiệp mới tân trang lại.
     Mặc dầu đó là lần đầu tiên tôi biết Đà Lạt, nhưng nơi đó đã để lại trong ký ức tuổi thơ của tôi nhiều hình ảnh đẹp đẽ mà tôi vẫn giữ mãi cho đến ngày nay dù đang sống xa Đà Lạt muôn ngàn dặm.”
     Mãi về sau này khi trưởng thành CHỬ BÁ ANH trở lại Đà Lạt với nghề giáo chức và lập nghiệp luôn tại nơi này gần 20 năm cho đến khi phải di tản ra nước ngoài:
     “Từ năm 1951 về sau, hàng năm tôi vẫn có dịp lên lại Đà Lạt và cho đến năm 1957 từ Huế tôi nhận được sự vụ lệnh... bổ tôi lên Đà Lạt dạy tại trường Trần Hưng Đạo. Trường lúc đó do cụ Hoàng Khôi làm hiệu trưởng...
     Tôi dạy học ở Đà Lạt liên tiếp từ năm 1957 cho đến cuối tháng 3 năm 1975... chúng tôi về Saigon có việc... cho đến cuối tháng 4 năm 75 thì lên đường di tản sang Hoa Kỳ… 
     Đà Lạt đối với tôi đã có quá nhiều kỷ niệm, từ cuộc sống đến tình cảm. Tôi mong đợi một ngày về thăm Đà Lạt… thăm lại những ngôi trường mà do chính tay tôi xây dựng… gặp lại các bạn đồng nghiệp ngày xưa đã cùng chung sức với chúng tôi trong ngành giáo dục; thăm lại các bạn trẻ học trò cũ.”
     Tiếc thay ước nguyện đó chưa thành đạt thì nhà giáo họ Chử đã từ giã cõi đời tại Virginia, Hoa Kỳ, ngày 12 tháng 3 năm 1996, hưởng thọ 63 tuổi, để lại niềm thương tiếc nơi những nhà văn, nhà thơ thân hữu và nhất là các nhà báo đã sát cánh cùng ông trong lãnh vực này từ bao năm tại nước ngoài. Tất nhiên những người Đà Lạt của ngày tháng cũ cũng khó thể quên ông.
     Nhà thơ, nhà văn VI KHUÊ (Trần Trinh Thuận) là hiền thê của nhà giáo Chử Bá Anh. Sinh tại miền Trung (Huế), là công chức, giáo chức và cũng là hiệu trưởng một trường trung học đệ nhị cấp tại Đà Lạt. Vào năm 1994 VI KHUÊ viết bài thơ “Mà thương đến cả Vệ Đường Hoa”:
“Trái đất có lẽ sẽ phải nổ
lúc ấy rồi ta cũng tiếc thôi
tiếc sao những buổi rong chơi phố
những buổi nhìn mây, buổi ngó trời...
Xuân này ở Mỹ sao mà lạ
bỗng rộn ràng lên chuyện tiếc thương
và nhớ, và yêu Đà Lạt quá
yêu, ồ yêu nhỉ! Nhớ, sao không?  
Nhớ Đồi Cù mướt xanh trong nắng
biệt thự hồ bên đứng ngắm xa
ngựa trắng, tóc hoe vàng, trước ngõ
nàng công chúa Thượng áo hoa cà...                      
Lên đồi. Lên đồi. Lên đồi cao
những cô con gái má hồng au
những chàng trai gắn Alpha đỏ
Đà Lạt mù sương một sớm nao!  
Ai tặng cô em một nhánh đào
một nụ hồng lá thắm xôn xao
và ai âu yếm cài lên tóc
để đến nay cô nhớ ngọt ngào?
Bùi Thị Xuân còn thơm giấc mơ
thì người cứ dệt gấm thêu thơ
còn ai thiếu phụ chiều nay mộng
hãy nhớ sân trường Đại học xưa.
Và rừng. Và thác. Và thung lũng
và gió từng cơn buốt thịt da
Đà Lạt. Trời ơi! Giờ ấm, lạnh?
mà thương đến cả Vệ Đường Hoa!”
     VI KHUÊ viết xong bài thơ trên còn ghi thêm lời đề tặng “gởi người Đà Lạt, xưa, sau”. VI KHUÊ yêu muôn hoa Đà Lạt, yêu cả đến những bông hoa vô danh mọc thản nhiên chen lẫn cùng cỏ dại bên lề đường, nay được đặt tên “Vệ Đường Hoa”.

     Sách đã trích dẫn nhiều bài viết về Đà Lạt của VI KHUÊ. Chỉ ghi lại đây thêm một chút tâm tình của VI KHUÊ về thành phố này:
     “Năm 1972, tôi cùng chồng con sinh sống tại Đà Lạt, một thành phố thơ mộng nhất miền Nam… Đà Lạt của tôi nhỏ bé hơn nhiều. Nhỏ bé nhưng mà đẹp, đến nỗi có lần đã làm sửng sốt một du khách Tây phương đến thăm. Đứng trên sân cù, đưa mắt nhìn bao quát cảnh vật, từ vườn hoa thành phố, Bích Câu, đến những cây cầu đưa ra trên mặt nước hồ Xuân Hương với những chiếc “pê đa lô” màu sắc lộng lẫy đang lướt sóng dưới ánh nắng vàng nhạt, ông ta đã phải thốt lên: “Voilà la huitième merveille de la nature!” Tôi hỏi: “Ông khen cái gì mà tuyệt vời quá vậy?” Ông đáp: “Tôi nói cái thành phố này,” và chỉ tay lên ngọn tháp chuông của ngôi trường học Yersin thấp thoáng phía bên kia, ông ta lại tấm tắc: “Thế mà cái tháp chuông kia còn đẹp hơn!”
     Bây giờ ý nghĩ đó lại đến với tôi, khi tôi tập trung tinh thần để thu gọn cả thành phố vào trong ống kính ký ức. Tôi trông thấy tất cả, tôi nhớ lại tất cả. Đà Lạt mùa xuân năm ấy, nắng ửng lên ở khu phố Hòa Bình. Ở nhà tôi, hoa mimosa vàng rực rỡ trong sân. Bà cụ An Hòa, chủ nhân ngôi chùa có tượng Phật bằng vàng bên cạnh, vừa mang qua tặng chúng tôi một chục hoa lay-ơn trắng muốt như cành huệ, cắm vừa tròn chiếc độc bình pha lê nơi phòng khách.”  
(Trích: “ĐÀ LẠT NGÀY THÁNG CŨ”
Soạn giả: LS. Ngô Tằng Giao) 
@
Nữ Sĩ VI KHUÊ 
(1931 - 2018)
Chúng tôi vô cùng xúc động khi nghe tin Nữ Sĩ VI KHUÊ, khuê danh Trần Trinh Thuận:
Cử Nhân giáo khoa Việt Hán tại đại học Văn Khoa Đà Lạt
- Nguyên là xướng ngôn viên đài Phát Thanh Huế thời Đệ Nhất Công Hòa.
- Nguyên Hiệu trưởng trường Trung Học Tư Thục Đệ nhất và đệ Nhị cấp Văn Khoa Đà Lạt (từ lớp 6 đến lớp 12).
- Nguyên Chủ bút tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn Nam California
- Thành viên Thi Văn Cội Nguồn và ban biên tập tạp chí NGUỒN
- Tác giả nhiều tập Thơ và Truyện xuất bản tại hải ngoại
vừa qua đời vào ngày 25 / 9 / 2018 tại Washington D.C.




@

"TƯỞNG NIỆM NỮ SĨ VI KHUÊ" 


@@

Bài tưởng niệm như nén hương của một đứa em kính gửi tới người Chị kính mến với những cống hiến quý giá cho Văn Học và Giáo Dục.
Kính thư
Trịnh Bình An 


Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

Sinh Nhật Hội Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn năm thứ 41


Thư Ngỏ 

Buổi dạ tiệc mừng sinh nhật Hội Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn năm thứ 41 (1977 - 2018). 
Được tổ chức vào lúc 6 giờ chiều ngày 5 tháng 10 năm 2018 tại nhà hàng Fortune 
(6249 Arlington Blvd . Falls Church . VA 22044) 

Trân trọng mời quý hội viên và gia đình thân hữu đến tham dự. Đây là dịp để Hội gửi lời cảm ơn đến quý hội viên trong Hội Đồng Quản Trị và Ban Chấp Hành  đã đóng góp tâm sức vào các hoạt động của Hội. 
Nhân dịp này, Hội gửi lời cảm ơn đến cô Kim O . Cook (Giám đốc Hội Người Việt)  đã giúp cho Hội có nơi sinh hoạt hằng tháng và các sinh hoạt khác của Hội 
Nhờ hệ thống email, và trang web  <caoniendc.com>, mọi sinh hoạt của Hội được thông báo nhanh chóng  với các Bản Tin mỗi đầu tháng. 

Mỗi năm trôi qua dù có một số hội viên ra đi, nhờ có thêm những hội viên mới đã giúp cho Hội duy trì được về mặt tổ chức và các sinh hoạt thường xuyên trong tinh thần: Sống Vui Khỏe - Đoàn Kết và Hợp Tác. 

Qua dòng thời sự với những biến động trong nước, chúng ta vẫn giữ niềm tin và hy vọng về Quê Hương Việt Nam sớm được Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền .

Chúc quý hội viên Thân Tâm An Lạc, sức khỏe dồi dào . Mong được tiếp đón quý vị trong Dạ Tiệc Kỷ Niệm Mừng Hội Cao Niên Được 41 Tuổi .

Trân trọng, 
Nguyễn Văn Đặng 

Liên lạc: Nguyễn Văn Đặng: (571) 236 1908
Văn phòng: 6131 Willston Drive, Suite 107 (P.ỌBox 4283) Falls Church VA 22044 .

Trang web Hội Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn:

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

Viết Để Làm Gì? Tại Sao Viết?

Câu hỏi này, hay các câu tương tự đã được hỏi đi hỏi lại nhiều lần trong giới báo chí, văn học, hay ngay cả những nơi tụ họp trà dư tửu hậu của giới cầm bút. Người ta cũng trả lời dễ dàng, nhanh chóng, nhưng thử hỏi mấy ai đã thật sự hài lòng về câu trả lời của mình? Đa số có cớ rất chính đáng là trong một câu trả lời vắn tắt, không thể nói hết ý được. Trong bài này tôi cũng không có tham vọng làm được việc đó một cách đầy đủ hay chính xác… chỉ dám thử nhìn vào chính mình, phân tích chính lòng mình xem tại sao mình viết? Viết để làm gì?

Viết để làm gì?

Nhu cầu muôn thuở của con người là chia sẻ. Một người ích kỷ nhất trên đời cũng có nhu cầu chia sẻ, nhưng có thể trong một phạm vi nhỏ hẹp hơn như chỉ ở trong gia đình, bà con, bạn bè họ… chẳng hạn.
Bill Gates và bà vợ Melinda đang và sẽ chia sẻ phần lớn gia tài của họ cho xã hội, nhân quần. Ông chủ Domino’s Pizza, Tom Monagham, tuyên bố : “I will die broke” (Tôi sẽ chết không còn đồng xu nào.) Ông Milton S. Hershey, người sáng lập hãng kẹo chocolate Hershey đã bỏ ra hàng tỷ đô-la xây trường nuôi dạy trẻ mồ côi. Có không ít các em xuất thân từ các trường này ra đời rất thành công, có địa vị cao trọng trong xã hội… cùng với bao nhiêu nhà tỷ phú khác trong nước Mỹ, trên thế giới đang làm những chuyện tương tự. Còn thiếu gì những người kiếm chỉ đủ sống mà cũng chia sẻ cho người thiếu thốn hơn mình trong khả năng của họ, mà thành phần làm việc âm thầm này lại nhiều vô kể. Sẽ có người cho rằng đây chỉ là vấn đề “nhân đạo.” Song tên gọi là gì thì cũng vẫn phải phát xuất từ tấm lòng muốn chia sẻ, muốn chia sẻ sản sinh hành động nhân đạo.
Từ cái nhu cầu chia sẻ bẩm sinh đó, với tâm hồn nhà văn vốn đa tình, đa cảm… thì tâm tư, tình cảm họ hẳn lúc nào cũng chan chứa trong lòng… làm sao họ có thể giữ mãi bên trong mà không bằng cách này hay cách khác chia sẻ ra với những người cảm thông được với họ. Viết là cách thông thường nhất.
Vì nhu cầu chia sẻ thôi thúc, con người đi tìm đối tượng để chia sẻ. Người trí thức đi tìm người có trình độ có thể hiểu được mình để trao đổi kiến thức đầy một bộ óc; đôi bạn gái có tâm sự đầy ắp lồng ngực tưởng như sắp muốn nổ, cần được thổ lộ ra, để cùng khóc, cười hay buồn, giận… Nếu ở đời có một Bá Nha mà lại gặp được một Tử Kỳ thì thật là quý hiếm! Những người đó người ta gọi là tri âm, tri kỷ.
Đó là các trường hợp cá nhân, nhỏ hẹp. Trong một quy mô rộng lớn hơn, ở tầm mức quốc gia, xã hội, thế giới, nhân loại… thì nhu cầu chia sẻ vẫn còn đấy. Chia sẻ cái gì? Chia sẻ niềm đau mất nước, sự bất bình trước bất công xã hội… hay sự hoang mang trước viễn ảnh địa cầu đang bị hâm nóng, sự đổi thay đến chóng mặt của thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá… Hoặc giả chia sẻ cái cảm xúc của mình trước một nghĩa cử cao thượng nào đó, hay một cảnh thiên nhiên hùng vĩ đến lạnh người… Văn chương sản sinh từ đấy.
Trong quốc nạn 30 tháng Tư, cảnh sẩy đàn tan nghé, cảnh trả thù tàn bạo của “bên thắng cuộc”, cảnh thuyền nhân, nạn hải tặc… gây xúc động đến cả những con tim bình thản nhất, những con người ù lì nhất, từ đó đã khơi dậy biết bao nhiêu nghĩa cử nhân đạo… Nếu không có chuyện gì xảy ra thì chưa chắc mấy người này đã xuất hiện. Hay chính những người đó cũng không biết, không ngờ là mình biết làm gì, mình sẽ phản ứng thế nào cho đến khi có tai họa giáng xuống đầu họ hay họ là chứng nhân, do đó ngẫu nhiên sản sinh biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ… bất đắc dĩ. Rõ ràng là một sự ngẫu nhiên, không chọn lựa, nhưng họ có nhu cầu chia sẻ và đã để lại không thiếu những tác phẩm để đời.
Tại sao viết?
Ở đầu sách của cuốn tiểu thuyết Chuyển Mùa, tôi đề tặng và cám ơn song thân, trong đó có câu: “… Người đã dạy con làm thơ, viết văn và biết phẫn nộ trước bất công và bạo lực.”
Nghe lạ! Có người sẽ hỏi tại sao phải được dạy mới “biết phẫn nộ trước bất công và bạo lực”? Dạ đúng vậy. Sinh ra trong một gia đình có những người luôn “phẫn nộ trước bất công và bạo lực”, một trẻ thơ không thể không bị ảnh hưởng trong cái không khí, môi trường đó. Đừng nghĩ phải có bài có vở, có các buổi thuyết trình hay trường ốc hẳn hoi, một đứa trẻ chỉ cần nhìn thấy người lớn chung quanh mình làm gì, tốt cũng như xấu, sẽ tiêm nhiễm… rồi hành động giống như vậy. Gia đình đóng vai trò giáo dục con em mình chẳng kém học đường, có khi còn quan trọng hơn. Đứa trẻ được dạy trong trường có bốn, năm tiếng đồng hồ một ngày, trong khi ở với gia đình tất cả số giờ còn lại.
Từ được chứng kiến những cảnh bạo lực, bất công đến rúng động thế giới như vụ 9.11 ở Nữu ước năm 2001, đến việc ở tầm mức quốc gia, cục bộ như chuyện nhà nước cộng sản Việt Nam cướp nhà cướp đất của dân đen khiến biết bao nhiêu dân oan không nhà không cửa, kéo nhau lên thành phố khiếu kiện năm này qua năm khác mà chẳng được giải quyết, gây uất ức đưa đến các vụ tự thiêu, tự tử… Rồi những cảnh công an, “đầy tớ của dân” mà lại được nhà nước nuôi dưỡng như những ông Trời con, thả cửa đánh đập tàn nhẫn những con dân yêu nước đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược… Tôi thấy như tôi đang đứng trước mấy vụ cướp ngày trên quê hương tôi, mà lại thiếu vắng một Lục Vân Tiên:
“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
“Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
(Trong Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, có nghĩa là thấy việc nghĩa mà không làm là không phải anh hùng.)
Và Đông (Lục Vân Tiên 1822-1888) – Tây gặp nhau ở chỗ này: “The world will not be destroyed by those who do evil, but by those who watch them without doing anything.” Albert Einstein (1879-1955)
(Thế giới sẽ không bị hủy diệt bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả.)
Tôi, một khúc gậy của Lục Vân Tiên cũng không có, nói gì đến súng đạn, thì ngòi bút của tôi sẽ làm công việc không chỉ “đứng nhìn”, mà tả thật, tả chân những điều nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy… Ngòi bút của tôi chạy theo cảm xúc tôi, lương tâm tôi… “Sản phẩm” cuối cùng có được việc gì hay không, có thắp sáng thiên lương những con quỷ nằm trong xác người phần nào hay không, tôi không dự kiến trước. Kết quả ra sao thì cũng hoàn toàn tự nhiên như gieo hạt nào thì hái quả đó.
Tôi không tự khoác lên mình một sứ mệnh. Tôi cũng sẽ không dám nhận nếu ai đó khoác lên tôi một sứ mệnh, tôi sợ nếu tôi lách ngòi bút theo một “sứ mệnh” tôi sẽ hết tự do và thành thật. Đứng trước một hoàn cảnh ngang trái, chẳng đặng đừng tôi phản ứng theo bản năng tự nhiên, không đắn đo suy nghĩ, không cân đong kết quả, hậu quả… , cho nên không ít người dựa trên tác phẩm tiểu thuyết Chuyển Mùa của tôi để bảo rằng tôi là một tác giả “can đảm, dám nhảy vào đề tài nhạy cảm”. Chả biết thế là khen hay chê, nhưng có một điều chắc chắn là việc làm của tôi có rất ít chọn lựa.
Sống và được chiêm nghiệm biết bao chuyện chướng tai gai mắt…, người cầm bút, cầm cọ, cầm đàn, cầm micro (ca sĩ)… đều đã nhiều lần, vô tình hay hữu ý, làm công việc “tâm công” của cụ Nguyễn Trãi.* “Tâm công” là lấy lòng mình mà tấn công vào lòng quân địch. “Quân địch” đây không nhất thiết chỉ là “phía bên kia” trong một mặt trận, có lính tráng, tàu bay, tàu bò… mà còn là “phía bên kia” của cái thiện, cái đẹp, cái tự nhiên của một tâm hồn đẹp… Bạo lực luôn luôn là võ khí của kẻ yếu. “Tâm công” là võ khí của người đạo đức, tài năng, của các nghệ sĩ, của người cầm bút… Người ta trải lòng trên ngọn bút chứ không trải lòng trên họng súng!
Người ta đâu chỉ cầm bút khi có chuyện cần phải “nổi đóa”? Người ta cũng “cầm bút để làm đẹp cho đời” như nhiều người đã nói, và nhiều nhà phê bình văn học đã bảo thế. Thế nhưng tôi xin hỏi, khi người ta đặt bút xuống ca ngợi một bông hoa đang hé nở trong nắng sớm… với tất cả cảm xúc thành thật của mình, người đó có cùng một lúc nghĩ mình đang “làm đẹp cho đời” không? Hay cứ viết, cứ vẽ, cứ làm nhạc… rồi… từ một tài năng nằm trong một “tâm hồn đẹp” đã phục sẵn trong cốt tủy, nó sẽ thăng hoa thành một sản phẩm gồm đủ CHÂN, THIỆN, MỸ? Sản phẩm đó làm đẹp cho đời mà không có sự cố ý, cố nặn, “đo may” (to tailor) nào… của người nghệ sĩ. Tự nhiên, ngẫu nhiên… là ở chỗ đó.
Nhà văn Hồ Trường An viết trong một cuốn biên khảo văn học rằng “những bài thơ ngắn của Trương Anh Thụy có thiền phong thiền vị.” Khi có dịp gặp mặt tôi cãi chối chết là tôi có biết thiền là cái gì đâu! Anh lại bảo “Ấy không biết thiền là gì nhưng nếu làm thơ với tâm thiền thì cái thiền phong thiền vị nó tự tỏa ra nườm nượp. Có những bài thơ đầy những chữ trong kinh kệ mà vẫn chẳng thấy thiền ở đâu cả.” Nói vậy thì biết vậy, tôi vẫn chỉ làm thơ theo cảm hứng bất chợt. Còn như thơ, văn tôi thuộc trường phái nào thì đấy là công việc của các nhà phê bình văn học.
Sau khi phân tích lòng mình để trả lời hai câu hỏi “Viết để làm gì?” và “Tại sao viết?” liệu tôi có thể từ đó rút ra cho mình một “Sứ mệnh của người cầm bút” hay không?
Hình như vẫn là “không”!
Sứ mệnh của người cầm bút
Thú thật, nhân được xem đám tang của nhà văn Jean d’ Ormesson (mùng 8 tháng 12, 2017) vừa qua trên màn ảnh, tôi mới nảy ra ý định viết bài này. Hình ảnh trên màn hình, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang cúi khom người đặt một chiếc bút chì lên quan tài ông trong một buổi lễ quốc táng đã khơi dậy trí tò mò của tôi khiến tôi tìm hiểu về ông và được biết ông là giám đốc của nhật báo Le Figaro từ năm 1974 cho đến ngày ông mất, mùng 5 tháng 12, 2017. Ông cũng là viện trưởng của Viện Hàn Lâm Pháp (Académie Française), tác giả của hơn 40 tác phẩm gồm nhiều loại: tiểu thuyết, tùy bút, biên khảo… Ông là một nhà văn thuộc dòng dõi quý tộc, thuộc giới trí thức hàng đầu của nước Pháp . Tuy nhiên, theo tôi, tất cả các sự kiện đó không phải là lý do để tổng thống Pháp phải làm quốc táng cho ông, mà vì ông là một nhà văn nhân bản, những gì ông viết ra là những vấn đề của đời thường, ông là người bạn tâm giao đồng cảm, xuyên suốt nỗi thống khổ và khát vọng ngàn đời của mọi tầng lớp xã hội. Nước Pháp muốn nói lên rằng mọi thành phần dân Pháp đang để tang ông, và nước Pháp muốn chia sẻ cái tang này với cả thế giới. Sự mất mát to lớn này thuộc về cả nhân loại chớ không phải chỉ của riêng nước Pháp.
Do một bài tường thuật/biên khảo của nhà văn Từ Thức (bên Pháp), tôi được đọc những câu trích dẫn từ nhà văn D’ Ormesson như sau: ‘’Có hai cái hầu như không thể đạt được, là sự thực (la vérité) và sự công bằng, công lý (la justice). Tôi ghét hai loại người: những người nghĩ mình nắm sự thực và công lý trong tay; và những người nghĩ không nên bận tâm bởi vì sự thực và công lý sẽ không bao giờ có trên đời. Không, biết là không làm được, nhưng vẫn phải tranh đấu đi tới.‘’ Nhà văn Từ Thức thêm: Không xa tư tưởng của Scott Fitzgerald mà ông (D’ Ormesson-chữ thêm của người viết) ngưỡng mộ: ‘’Hãy ý thức rằng tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng vẫn phải hành động để thay đổi. » **
Ôi! Mục tiêu của hai nhà văn trên vĩ đại quá ! Cao thượng quá! Hèn chi các nhà phê bình văn học chẳng, bằng một cử chỉ ưu ái, khoác lên nhà văn một sứ mệnh to tát: Làm thay đổi nhãn quan, định kiến, tâm địa…vv…và vv… của con người, của cả một xã hội, rồi đến cả nhân loại… Các nhà biên khảo phê bình văn học rất có lý, vì trước mắt họ còn vô số những đầu óc vĩ đại khác như Balzac, Camus, Thạch lam, Nam Cao… kể sao cho hết! Những nhà văn này xứng đáng được mệnh danh là những thiên thần, là những vị thánh cứu nhân độ thế, là những sứ giả mang một sứ mệnh Trời trao…
Dù cho thế đi nữa, con đường văn mà nhà văn đi tới, theo tôi, vẫn là có nhiều ngả. Một nhà văn ngẫu nhiên “Gặp một chuyện hay, nghe một chuyện cảm động, lại thấy chuyện bất bình hay chứng kiến một cảnh dởm, trưởng giả học làm sang, người viết truyện nếu thật với mình sẽ ghi nhận, để cho câu chuyện nung nấu trong đầu, trong óc, trong tâm can, rồi một ngày nào đó, câu chuyện chín muồi đem trải ra mặt giấy… thành ‘truyện’.” (“Vào Tập” của tập truyện Ánh Mắt-1998.) Quá trình dựng truyện như thế thiết tưởng cũng nhiều nhà văn đã làm, chẳng có gì đặc biệt,đặc biệt chăng là ở mức độ tài năng của nhà văn, ở khả năng biết nhận diện cái “thiện” để mà đề cao, cái “ác” để mà tiêu diệt, và ở tâm hồn đẹp luôn hướng thiện, hướng thượng… Có được các đặc tính đó rồi thì tự nhiên sản phẩm của họ sẽ đem lại kết quả ĐẸP. Vậy thì cái gì đến trước? Cứ viết đi, rồi vì văn tài, vì những rung cảm tự nhiên, không làm dáng, không biếm họa… nhà văn sẽ tạo ra được một tác phẩm đẹp, hay, khoác lên mình một sứ mệnh rồi viết ra một tác phẩm đẹp? Tinh thần Lục Vân Tiên chắc cũng không xa quan niệm này. “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha.” (LVT.) Chí ít cũng phải “giữa đường thấy chuyện bất bình” (ngẫu nhiên, không chọn lựa) rồi mới “chẳng tha” (kết quả tất yếu).
Qua lối suy nghĩ rất cô đơn này, tôi ý thức được rằng tôi đang lội ngược dòng, đang xâm nhập vào một lãnh vực nhạy cảm, một thành trì kiên cố của đại đa số những người có thẩm quyền hơn tôi! Tuy nhiên tôi nghĩ không có gì buồn nản bằng điều mình nói ra được mọi người đồng ý hết, như vậy là mình chẳng học được điều gì mới lạ, hay còn tệ hơn nữa là mọi người thờ ơ với đề tài nhàm chán này.
Tôi rất mong được đón nhận những ý kiến, đồng tình hay phản biện xây dựng và tương kính của các thi, văn, nhạc, họa sĩ, các nhà biên khảo, các độc giả… hầu làm sáng tỏ một vấn đề mà vẫn còn có người cầm bút trong chúng ta đang loay hoay, trăn trở tìm câu trả lời mà chưa có./.

Trương Anh Thụy

Chú thích:
* “Tâm công” nghĩa là “đánh vào lòng người”, là một chiến lược cơ bản trong Bình Ngô Đại Cáo, cuốn sách mà cụ Nguyễn Trãi là tác giả, đệ trình lên vua Lê Lợi dùng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. “Đánh vào lòng địch” là chính sách mà vua Lê Lợi và cụ Nguyễn Trãi đã xử dụng để kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao… chủ đích là dùng tâm lý, đạo lý dụ các tướng lĩnh, binh sĩ địch và ngụy quân về hàng. Khi thì dùng hòa đàm, tạm thời hòa hoãn với địch để đợi thời cơ, khi ưu thế thuộc về mình thì dùng lý lẽ cảm hóa, làm suy sụp tinh thần chiến đấu của quân địch, làm chúng nao núng không còn ý chí chiến đấu.
** “One should be able to see things as hopeless and yet be determined to make them otherwise.”
F. Scott Fitzgerald (Mỹ) – (Nguồn:Từ Thức)

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Hải quân Trung Tá Nguyễn Cẩm Vân

Hải quân Trung Tá Quân Y Phi Hành Nguyễn Cẩm Vân
(U.S Navy Commander (CDR) Flight Surgeon)
fe0e1aeff6e8458d94701cfb376bf37b.jpg
Tháng 4, 1975, trong dòng người di tản, có một sĩ quan hải quân trẻ, tên là Nguyễn Văn Huấn. Anh rời Việt Nam trên một con tàu, mang theo cô con gái nhỏ tên là Minh Tú vừa mới tròn thôi nôi và bỏ lại đàng sau giấc mộng hải hồ của người sĩ quan hải quân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH)… 

Sang định cư tại Hoa Kỳ, tại vùng phía bắc tiểu bang Virginia sát cạnh thủ đô Hoa Thịnh Đốn, gia đình ông Huấn sinh hạ thêm một cháu gái vào năm 1977 với tên Việt là Cẩm Vân và tên Mỹ là Josephine Nguyễn. 

Sẽ chẳng có chuyện gì đáng nói, nếu người sĩ quan hải quân ấy hàng ngày “đi cày” kiếm tiền nuôi con, cho con học hành, đỗ đạt thành tài… 

Chuyện đáng nói ở đây là người sĩ quan trẻ phải giã từ màu áo chiến binh ngày nào đã nối dài ước mơ đời lính của mình tới hai cô con gái yêu quý cuả anh… 

- Từ huyền thoại người lính QLVNCH … 

Hai cô gái nhỏ Minh Tú và Cẩm Vân lớn lên nơi vùng đất lạ, tiểu bang Virginia và không ít lần thắc mắc về cuộc đời của bậc sinh thành, nguồn gốc của mình. Ông Huấn nhiều khi kể cho con nghe về quá khứ của mình, về hình ảnh anh dũng của người lính QLVNCH, về cuộc chiến Việt Nam, về quê hương bỏ lại nghìn trùng xa cách bên kia bờ Thái Bình Dương… 

Hai cô con gái nhỏ ngồi nghe chuyện kể của cha như nghe những chuyện cổ tích từ nhà trường như "Cuộc Chiến Thành Troy", như "chuyện cổ Hy Lạp Odyssey", như nhiều chuyện cổ tích thần thoại khác,… 

Và có ai ngờ rằng những câu chuyện kể về một cuộc chiến đã qua, về những trận đánh oai hùng trong quân sử hải quân QLVNCH lại trở thành những hạt giống nhỏ, những chồi non và qua thời gian trở nên lớn dần, nẩy mầm, sinh chồi nảy lộc trở thành những ước mơ đời lính trong tâm hồn của các cô gái Mỹ gốc Việt, dù rằng các cô lớn lên trong xứ sở an bình, ở một nơi chốn bình an,… Các cô lớn dần và giấc mộng hải hồ đời lính cũng lớn dần theo năm tháng… 

Chính Cẩm Vân cũng tiết lộ trong bài “Female cadets finally take command with top Naval Academy graduating honors” của hãng thông tấn Associated Press vào ngày 27 tháng 5, 1999 là quyết định theo đuổi ngành hải quân của cô là do ảnh hưởng của cả từ người cha và người chị. Cô nói: “Chúng tôi lớn lên trong những câu chuyện kể về sự nghiệp hải quân của cha tôi.” Ngoài ra, một động cơ khác sâu lắng hơn, tiềm ẩn hơn để cô quyết định vào hải quân là ý tưởng đền ơn đáp nghĩa theo truyền thống báo đáp của người Việt. Cẩm Vân nói trong bài viết nói trên của AP: “Bạn muốn đền đáp lại cho đất nước đã giúp đỡ rất nhiều cho gia đình bạn.” 

- Con đường vào binh nghiệp lận đận của người chị Minh Tú.
Thoạt tiên, ngay khi vừa tốt nghiệp trung học, Minh Tú muốn vào Học Viện Hải Quân Annapolis ngay để nối tiếp sự nghiệp còn dang dở của người cha, thế nhưng con đường vào binh nghiệp của Minh Tú – chị của Cẩm Vân – thật là gian nan. Cô ta bị Học Viện Hải Quân từ chối đến 3 lần, và cuối cùng cô phải đi một con đường vòng để thực hiện được ước mơ: gia nhập lực lượng trừ bị (ROTC: Reserve Officers’ Training Corps)! Minh Tú bộc lộ trên báo Mỹ: “Tôi nộp đơn vào Học Viện Hải Quân ngay khi xong trung học, thế nhưng, đơn của tôi bị bác đến 3 lần. Tôi đành phải đi học tạm tại trường đại học George Mason và năm sau lại nộp đơn gia nhập quân ngũ, nhưng vẫn bị từ chối.” Dẫu vậy, Minh Tú không phải là người dễ dàng chấp nhận bỏ cuộc, cho nên cô nghĩ ra cách đi đường vòng. Cô ta kể lại: “Tôi gia nhập Lực lượng Trừ Bị (ROTC), xuất sắc nên được sự đề cử của tổng trưởng Hải Quân vào Học Viện Hải Quân. Và sau gần một năm dưới màu áo Trừ Bị, tôi được chọn lựa vào trường Dự Bị của Học Viện Hải Quân tại Rhode Island”. Cô ta kể lại rằng đạt mục đích này là giấc mơ sắp thành tựu. 

Vào năm 1995, Minh Tú chính thức được nhận vào Học Viện Hải Quân và cũng vào năm này, một niềm vui lớn cũng đến với cô là người em gái Cẩm Vân được nhận ngay vào Học Viện Hải Quân. Cả hai chị em, một sinh năm 1974 và một sinh năm 1977, đều vào quân ngũ. 

Những câu chuyện kể về người lính hải quân QLVNCH ngày nào từ người sĩ quan trẻ Nguyễn Văn Huấn đã được chính hai cô con gái của anh viết tiếp trong trang sử quân nhân trên đất nước Hoa Kỳ. 

Vào năm 1999, sau khi ra trường, Minh Tú trở thành sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. 
-Cẩm Vân và những cánh cửa cơ hội rộng mở. 

Nếu Minh Tú sẵn sàng cuộc đời quân nhân sau khi tốt nghiệp Trung Học (sau khi giải ngũ binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, cô Minh Tú trở thành luật sư và nay là công chức liên bang tại Hoa Thịnh Đốn), thì cô em Cẩm Vân có ý định vào chuyên khoa, vì cánh cửa đại học chuyên môn đã rộng mở ngay sau khi cô tốt nghiệp trung học ..

Vừa tốt nghiệp trung học , Cẩm Vân được nhiều trường đại học uy tín như Stanford, Brown, Princeton và Yale nhận vào học. Cô muốn vào một trường nổi tiếng, ra trường với mảnh bằng bác sĩ . 

Thế nhưng, lời thuyết phục của người cha và người chị khiến cho Cẩm Vân thay đổi quyết định, và đã chọn lựa con đường gai góc hơn, con đường thử thách hơn mà đi: Gia nhập học viện hải quân vào năm 1995, cùng khoá với người chị – Minh Tú. 

Con đường nhập ngũ của Cẩm Vân suông sẻ hơn con đường gồ ghề gian nan hơn của người chị – Minh Tú. 

Cẩm Vân thú nhận rằng cô rất vui khi làm theo lời khuyên của gia đình… 

Và từ ấy, quân lực Hoa Kỳ có thêm hai nữ quân nhân… người Mỹ gốc Việt! 

Khi những giọt nước mắt đã biến ý chí người nữ quân nhân gốc Việt thành thép. 

Hai chị em Minh Tú và Cẩm Vân tốt nghiệp Học Viện Hải Quân khóa 1999. Riêng Cẩm Vân tốt nghiệp á khoa (hạng nhì) trong một khóa ra trường trên 900 tân sĩ quan và cô cũng là trung đoàn trưởng, lãnh đạo 2,000 sinh viên sĩ quan. Vị thủ khoa chỉ huy toàn thể 4,000 sinh viên sĩ quan trong Học Viện Hải Quân.  
Cần nói thêm là Quân Lực Hoa Kỳ có 3 đại học quân sự huấn luyện các sĩ quan, cùng với đại học quân y tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
- Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến (Annapolis) U.S Naval Academy, tọa lạc tại Maryland .
- Lục Quân (West Point) U.S Military Academy, ở tiểu bang New York .
- Không Quân (Colorado Springs) U.S Air Force Academy, trong tiểu bang Colorado.
Thông thường các sĩ quan tốt nghiệp đầu bảng các đại học quân sự là các nam sinh viên sĩ quan, năm 1999 có một hiện tượng đặc biệt là tại US Naval Academy, nơi đào tạo các danh nhân như tổng thống Carter, Nghị Sĩ John S. McCain, đỗ đầu là một nữ sinh viên sĩ quan và hạng nhì là một nữ sinh viên gốc Việt, hải quân thiếu úy Nguyễn Cẩm Vân .
Theo hệ thống tự chỉ huy, sinh viên thủ khoa chỉ huy toàn thể 4,000 sinh viên sĩ quan, sinh viên á khoa là phụ tá và chỉ huy 1 trung đoàn 2,000 sinh viên, sinh viên có hạng thứ ba chỉ huy trung đoàn khác.

- Vì sao một cô gái Việt nhỏ nhắn lại có thể vượt qua những nam sinh viên sĩ quan người Mỹ to lớn về thể chất như thế? 
- Điều gì đã làm cho cô gái Việt trở thành một sĩ quan á khoa và là một trung đoàn trưởng được 2,000 sinh viên sĩ quan người Mỹ nễ phục và tuân lệnh? 

Chắc quý vị cũng tò mò trước những câu hỏi như thế! 
Trong bài viết "Godfrey, Nguyen, Lentz reach pinnacle for '99 của USNA Public Affairs", thì cô Cẩm Vân tốt nghiệp á khoa với 3.98 điểm trong số điểm tối đa 4.0, và ba yếu tố cấu thành là : kiến thức văn hóa, khả năng quân sự , yếu tố vượt qua khó khăn. Ông phó khoa trưởng giáo dục Frederic I. Davis của Học Viện Hải Quân nói rằng “bạn không thể nào có thứ hạng cao mà không tỏ ra xuất chúng trong ba lãnh vực nói trên.” 
Nói về học tập thì cô gái Việt Nam có thể so tài với người Mỹ, thế nhưng, làm sao một cô gái Việt Nam nhỏ bé lại có thể xuất chúng hơn những chàng trai Mỹ to lớn, khoẻ mạnh để trở thành một trung đoàn trưởng lãnh đạo 2,000 sinh viên sĩ quan và tốt nghiệp á khoa? 

Chúng tôi bị thu hút vào câu hỏi này và càng tò mò về nữ bác sĩ Hải Quân người Mỹ gốc Việt này, sau thời gian 6 năm trong hạm đội trọng lực lượng ứng chiến tiến phương tại Nhật Bản (forward-deployment naval forces), vị bác sĩ này tu nghiệp chuyên môn 2 năm tại University of Pennsylvania Medical Center, một trong các trường trong Ivy League, hiện nay (2018) bác sĩ Nguyễn Cẩm Vân có cấp bậc trung tá, phục vụ tổng y viện quốc gia của Quân Lực Hoa Kỳ (Walter Reed National Military Medical Center) tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. 
- Cẩm Vân kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cô như sau… 

Cô ta vẫn nhớ như in trong đầu những ngày đầu của một sinh viên sĩ quan trong Học Viện Hải Quân. Đó là muà hè nắng cháy tới 105 độ. Trong 6 tuần hè đó, mà những tân sinh viên sĩ quan thường gọi là 6 tuần hỏa ngục (thời gian huấn nhục). Dưới cái nắng cháy da trong quân trường đổ lửa, các tân sinh viên sĩ quan, dù nam hay nữ, dù Mỹ trắng hay người Mỹ gốc Phi, gốc Á đi nữa vẫn phải học giống nhau từ môn chạy vuợt chướng ngại vài dặm mỗi ngày cho đến bắn súng, hít đất, lăn lộn, bò càng,… 
Không chỉ tập luyện rất gay go như thế mà nhiều khi còn bị đàn anh, đàn chị la hét, khi cô tỏ ra mệt mỏi. 

Cô ta kể lại, có lần mệt nhoài, cô núp vào một góc và suýt bật lên tiếng khóc. Cô muốn khóc cho lớn để vơi đi những nỗi buồn bị la rầy từ cấp trên. Một hôm một nữ sĩ quan huấn luyện bắt gặp và mời cô lên văn phòng an ủi là mọi chuyên sẽ trở nên tốt đẹp, và cô không nên tự ái khi bị la vì nhờ vậy cô mới trở nên khá hơn, thoát bỏ đời sống và lối suy nghĩ dân sự để trở thành một quân nhân, một sinh viên sĩ quan… 

Cô Cẩm Vân kể lại là khi buớc ra khỏi văn phòng sĩ quan cán bộ này, cô bớt buồn và quyết tâm thành công hơn trong thời gian huấn luyện, quyết tâm ở lại quân trường và quyết tâm ra trường với kết quả thứ hạng hàng đầu. Nhiều khi, cô tự an ủi mình là người con gái Việt không nên để người ta cười, người ta chế giễu, người ta lấy làm đề tài cho những chuyện vui đùa khôi hài tại quân trường… 

Quyết tâm đó đã giúp cô làm quen với cường độ tập luyện ngày càng gia tăng nặng nề hơn. Những giọt nước mắt, những tự ái và tự hào người Việt hun đúc trong cô, biến ý chí của cô trở nên cứng rắn như sắt thép, và từ đó, những ngày tháng nơi quân trường chỉ thấy mồ hôi của cô chảy và không bao giờ thấy nước mắt chảy nữa. 

Ngày xưa, chúng ta nghe đến câu chuyện người thiếu phụ hóa đá và bây giờ, chúng ta nghe câu chuyện về nước mắt tự ái đã biến trái tim và ý chí của cô gái Việt trở nên cứng rắn như đá, như thép. 

Cô ta kể lại, như để trả lời câu hỏi là làm sao cô có thể vượt lên trên cả ngàn tân binh to lớn người Mỹ như thế, như sau: 

- Trong quân trường, dưới cái nắng thiêu người như thế, trên một lộ trình chạy vượt chướng ngại dài và những bài tập thể lực căng thẳng, sau những đêm, ngày thiếu ngủ, dù ai đi nữa, dù Mỹ trắng, dù Mỹ gốc Phi hay gốc Á, dù là nam tân binh hay nữ tân binh,… cũng sẽ mệt nhoài, kiệt sức, và trong hoàn cảnh ấy, ai cũng giống ai cả, cũng gần ngã gục cả, và chỉ có một thứ làm mình đứng dậy, hiên ngang lao tới là ý chí , là tự ái, là tự tin và tự hào, là tâm lý không muốn cho người ta coi thường, cười nhạo báng người con gái Việt… Người con gái Việt phải vượt lên, lao tới, trở thành ưu tú… 

Và cô đã lấy nước mắt pha lẫn mồ hôi, cộng với ý chí kiên cường, cộng với niềm tự hào về đời quân ngũ của người cha mà viết tiếp trang quân sử tuyệt vời mà thân phụ đã dang dở năm nào,… 

Cô nói: All I can say is "sure they're stronger than I am, but when we're all in the same boat, when it's 105 degrees outside, when we're all exhausted from lack of sleep, doing hundreds of pushups and from running numerous miles, it's your determination that will keep you going". I never gave up. I never fell out of the runs… 

Và cô đã làm được điều đó: Tốt nghiệp á khoa và được là trung đoàn trưởng, lãnh đạo, quản trị chỉ huy 2000 sinh viên sĩ quan. 

Đọc câu chuyện về cô, nghe kể về cô, trái tim tôi xúc động trước sự rực rỡ ý chí của một người con gái Việt trẻ tuổi. 

Không những ý chí của cô là một tượng đài tuyệt đẹp mà nhân cách của một cô gái Việt cũng được chứng minh, được khẳng định trong quân trường… 

Cô kể lại rằng khi sĩ quan cán bộ yêu cầu một phiên làm vệ sinh quân trường, thì cô là người tình nguyện đầu tiên để nhận lãnh trách nhiệm ấy. Chính việc làm này càng làm tăng thêm uy tín cho cô và càng ngày cô càng được các khóa sinh kính trọng và yêu mến… 

Và từ đó, ngay trên quân trường, một khả năng lãnh đạo phát sinh trong người con gái Việt. 

Cô kể lại rằng nhiều người quan niệm là khả năng lãnh đạo là thiên phú, là trời cho, thế nhưng cô nghĩ là trong mỗi chúng ta đều có năng lực trở thành một người lãnh đạo thành công và giỏi. Năng lực lãnh đạo phát sinh từ thực tế công việc, từ sự cần cù và những học hỏi từ sai lầm mà mình đã vấp. Và đó là những đặc điểm độc đáo từ Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ, một nơi mà theo cô là một phòng thí nghiệm tuyệt vời về khả năng lãnh đạo và chỉ huy. 

Hành trình 4 năm tại học viên Hải quân, Cẩm Vân đi từ một cô gái rụt rè, sợ hãi, đến một vị trí Trung Đoàn trưởng, chỉ huy 2000 sinh viên sĩ quan, thì bài học nào cần thiết được rút ra cho khả năng lãnh đạo chỉ huy? 

Cô đắn đo suy nghĩ và rút ra năm kinh nghiệm sau đây: 

1. Đặt lợi ích của người khác trước lợi ích của mình. 

Cô nói rằng thuộc cấp của bạn sẽ biết rõ ràng rằng liệu bạn có thật sự lo cho họ hay không bằng cách bạn đối xử với họ thế nào. Nên nhớ bao giờ cũng thực hiện tối đa nguyên tắc này và bạn sẽ được thuộc cấp nể phục. 

2. Đừng chẻ sợi tóc làm tư. Đừng micro-manage (đừng quản trị chi tiết): 

Nếu bạn giao cho ai việc gì, bạn đề nghị cho họ cách thực hiện và cho họ biết là bạn tin tưởng vào khả năng làm việc của họ. Hãy để cho họ tìm cách riêng để hoàn thành công việc. Hãy để họ bàn với bạn phương cách làm việc và chính họ là người hoàn thành công việc. Làm như thế họ sẽ tự hào về khả năng của họ và cần mẫn làm việc hơn bao giờ hết. Người ta sẽ làm việc hết mình nếu lãnh đạo tin vào họ. 

3. Lấy mình làm gương: 

Nếu bạn muốn mọi người có mặt vào lúc 8 giờ, thì bạn phải có mặt vào lúc 7:50, chứ đừng đến 8:05 hay 8:10. Châm ngôn trong quân đội là đúng giờ tức là đến trước giờ. 

4. Luôn làm điều đúng dù không có ai quan sát hay theo dõi bạn. Có lúc, làm khác đi, bạn sẽ ân hận và bị ám ảnh điều đó. 

5. Khen công khai, phê bình kín đáo: 

Nhiều thượng cấp và cả cha mẹ phạm sai lầm là la con cái hay thuộc cấp trước mặt mọi người. Làm như thế sẽ hạ thấp, làm mất thể diện người khác và bạn sẽ mất đi sự kính trọng và lòng trung thành của người đó. 

Trong xã hội ngày nay, nhiều người quên một điều quan trọng nhất trong đời sống. Đó không phải là tiền tài hay địa vị mà đó là cuộc sống của bạn sống thế nào, ảnh hưởng đến xã hội và người khác ra sao, dù chỉ một người mà thôi,… Chính điều này, sự ảnh hưởng xã hội và người khác một cách tốt đẹp mới là giá trị quan trọng của đời sống… 

Tính cách lãnh đạo chỉ huy và quan niệm thay đổi đời sống đang hun đúc giá tri người lãnh đạo của một cô gái Việt này và giúp cô vượt lên từ một cô gái Việt bình thường thành một sĩ quan tốt nghiệp á khoa và là một trung đoàn trưởng của Học viện Hải Quân Hoa Kỳ. 
- Nguồn cảm phục: Những gương tiền nhân trong dòng sử Việt 

Sinh ra trên đất Mỹ và lớn lên ở xứ người, cũng như những người cùng hoàn cảnh, nhiều lúc Cẩm Vân tự hỏi mình: Tôi là người Mỹ hay người Việt? 

Cô phải trải qua một quá trình dài để nhận ra sự khác biệt này, chấp nhận căn cước bản thể của mình, và yêu mến cộng đồng của mình, di sản dân tộc mình… 
Cô tâm sự: “Sự thừa nhận nguồn gốc đã làm cho tôi cảm thấy tự tin hơn, cởi mở hơn với sự đa dạng trong đời sống và có thêm nhiều ý kiến khác biệt. Tôi phát hiện ra những sự dị biệt trong con người và và điều đó làm cho tôi thấy mỗi người trở nên đẹp đẻ hơn đối với tôi… 

Trong hành trình tìm thấy bản thể của mình, cô trân quý cha mẹ của cô. Cô nói: Cha mẹ tôi đã liều thân đưa chúng tôi ra đi để có một tương lai tươi sáng hơn, và do đó tôi mới có mặt cùng quý bạn trên đất nước này. Khi nghĩ về điều đó, tôi cảm thấy nợ cha mẹ tôi rất nhiều, và cũng như nhiều cha mẹ khác đã cũng hy sinh như thế vì tương lai của các con cái… 

Và tôi luôn muốn nói với mọi người và với bạn là tôi muốn vinh danh cha mẹ tôi, vinh danh cha mẹ bạn, vinh danh tất cả những bậc cha mẹ đã hy sinh liều chết đưa con cái ra đi để có tương lai tươi sáng, vinh danh họ vì những nỗi nhọc nhằn, hy sinh, tủi cực mà họ đã trải qua để có cuộc sống tươi đẹp cho con cái, và vinh danh cả tình yêu mà thế hệ cha anh đã dành cho chúng ta… 

Cô tâm sự: “Tôi đã từng khóc trên quân trường, trong cuộc đời vì tự ái. Bạn và tôi có bao giờ nhìn thấy nước mắt của cha mẹ mình chảy ròng trên má để mang lại cuộc sống đầy đủ cho gia đình trên xứ lạ quê người?"…
 
Cô ta kể lại rằng từ nơi xa xôi ấy, cô vẫn đọc sách sử về văn hóa Việt và cô tự hào về gia sản văn hóa của mình và trong những đêm ngồi đọc sử Việt, cô ngưỡng mộ rất nhiều những nữ anh hùng đất Việt như Bà Trưng, Bà Triệu… Cô tâm sự rằng hình ảnh Bà Triệu làm cô ngưỡng mộ và xúc động nhất. Mới tuổi 20, Bà Triệu đã lãnh đạo khởi nghĩa chống quân Trung Hoa xâm lược, để bảo vệ giang sơn bờ cõi của tiền nhân, và khi mộng không thành thì chấp nhận quyên sinh chứ không nộp mình cho giặc… 

Lênh đênh trong hạm đội ứng chiến trên Thái Bình Dương, khi một mình trong văn phòng y khoa trên hàng không mẫu hạm luôn trong tình trạng ứng chiến tại phía bắc Thái Bình Dương, nhiệm vụ chính của bác sĩ phi hành Nguyễn Cẩm Vân là phụ trách lo liệu y tế cho các phi công trong phi hành đoàn của đủ loại phi cơ, Cẩm Vân tự nhủ: Chúng ta còn quá nhỏ bé so với tiền nhân! Và mỗi lần nghĩ về đất nước, mỗi lần mệt mỏi gần gục ngã, hình ảnh Bà Triệu, tấm gương Bà Triệu như là nguồn sinh khí cho cô đứng dậy và vươn lên…
 
Nguyễn Viết Kim