Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

Happy Father’s Day

Mừng NGÀY HIỀN PHỤ
( Happy Father’s Day )


Sách Gia Huấn Ca đã dạy: “ Ai yêu mến Cha mình, thì đền bù tội lỗi( Hc 3,3). Ai
thảo kính Cha mình, sẽ được sống lâu dài” (Hc 3,6). Và tục ngữ Việt Nam ta có câu:
“Công Cha như núi Thái sơn” đã nói lên công sức vất vả của người Cha trong việc
nuôi nấng, dạy dỗ con cái, vì vậy ngày lễ Hiền Phụ hằng năm không chỉ để vinh
danh Cha của mình mà còn là dịp tri ân mọi đấng bậc mang chức danh Cha, về thể
xác lẫn tinh thần.

I.- NGUỒN GỐC NGÀY HIỀN PHỤ QUA THỜI GiAN NĂM THÁNG

Ngày của Cha (Father’s Day) Người Việt ta quen gọi là ngày Hiền Phụ có nơi
còn nói là Từ Phụ, và theo các Sử gia cho rằng di tích ngày lễ Cha xưa nhất được
tìm thấy trong đống tàn tích của Babylon cách nay trên 4.000 năm, một chàng
thanh niên tên Elmenu đã khắc vào một mặt phẳng bằng đất sét pha đá vôi những
dòng chữ mừng ngày Hiền Phụ, ước mong Cha mình có sức khỏe tốt và sống lâu,
Tại Hoa Kỳ việc ăn mừng ngày của Cha được biết sớm nhất ở Fairmont phía
tây Virginia vào ngày 5.7.1908 do bà Grace Golden Clayton tổ chức với ý vinh danh
cuộc đời Cha mình bị mất ngày 06 / 12 / 1907 trong thảm họa Monongah Mining,
nhưng việc này bị lu mờ bởi các sự kiện khác dồn dập xẩy ra trong thành phố, nhất
là Tiểu bang Tây Virginia không chính thức công nhận, nên ngày lễ này chẳng được
tổ chức trở lại nữa.

Việc hình thành chính thức Ngày của Cha lại do Bà Sonora Louise Smart Dodd,
ở Thành phố Spokane, tiểu bang Washington, đã có ý tưởng muốn tôn vinh cha
mình là Ông William Jackson Smart một cựu chiến binh, vợ qua đời, Ông chịu cảnh
“Gà Trống” bằng tất cả lòng yêu thương đã tận tình nuôi 6 đứa con thơ và trông
coi một trang trại. Kế hoạch tổ chức tốt đẹp này được Thành phố Spokane chấp
thuận và cử hành từ năm 1910 vào dịp kỷ niệm sinh nhật của Ông ngày 19 tháng
6. Thấy nhiều người tụ họp kỷ niệm ngày Hiền Phụ nên Tổng thống Woodrow
Wilson ủng hộ lễ này vào năm 1916.

Tiếp đến năm 1924 Tổng thống Calvin Coolidge công khai ủng hộ kế hoạch
lập một ngày làm Father’s Day toàn quốc. Sau đó năm 1966 Tổng Thống Lyndon
Johnson tuyên bố Fathe’s Day là ngày lễ chính thức toàn quốc. Kết thúc vào năm
1972 Tổng thống Richard Nixon ký thành luật công nhận Father’s Day được cử
hành cố định tại Hoa kỳ vào Chúa nhật thứ ba trong tháng 6 hằng năm. Nhờ thế
việc chi tiêu tại Mỹ trong dịp lễ người Cha có lúc lên đến 12.7 tỷ Mỹ kim. Riêng
hãng Hallmark chuyên bán thiệp Father’s Day cho biết đây là cơ hội lớn đã tiêu thụ
được khoảng 74 triệu Thiệp gửi đi khắp nơi vào dịp này.

II.- THỜI BIỂU MỪNG NGÀY LỄ CHA TRÊN THẾ GIỚI 

Để đền đáp công ơn người Cha là nghĩa vụ của tất cả con cái trên khắp thế
giới, do đó không chỉ tại Hoa Kỳ hay Âu châu mới có ngày lễ Cha, mà nhiều nơi trên
khắp hoàn cầu, đã xuất hiện từ lâu ngày dành riêng để vinh danh người Cha. Mỗi
địa phương một khác, tùy tập tục địa phương, hình thức có thay đổi, nhưng ở đâu
cũng chung một tâm tình là tôn vinh công lao của những người Cha và bày tỏ lòng
yêu thương đấng sinh thành.

Nay xin đan cử thời biểu hằng năm Lễ của Cha của một số Quốc gia trên Thế
giới:
- Ngày 23.02 : Nước Nga.
- Ngày 19.03 : Ý Đại Lợi – Tây Ban Nha – Portugal.
- Ngày 08. 05: Nam Hàn.
- Ngày lễ Chúa Thăng Thiên, tháng 5: Nước Đức.
- Chúa nhật đầu tiên tháng 6: Lithuania.
- Chúa nhật thứ hai tháng 6: Bỉ quốc – Áo quốc.
- Chúa nhật thứ ba tháng 6: Anh - Ấn Độ - Argentine - Bulgarie – Canada -
Chilê – Cuba – Hoa Kỳ - Hồng Kông – Hòa Lan – Irlande - Nam Phi - Nhật –
Mã Lai - Malte – Mễ Tây Cơ – Pháp – Pérou – Phi Luật Tân – Singapour –
Slovaquie – Thổ Nhĩ Kỳ - Venezuela. (23 quốc gia).
- Ngày 23 tháng 6: Nicaragua.
- Chúa nhật cuối tháng 7: Dominique.
- Chúa nhật thứ hai tháng 8: Brasil.
- Ngày 08 tháng 8: Đài Loan.
- Chúa nhật đầu tiên tháng 9: Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan.

- Chúa nhật thứ hai tháng 11: Thụy Điển – Estonia – Phần Lan – Na Uy.
- Ngảy 5 tháng 12: Thái Lan.
Riêng tại nhiều Quốc gia có đa số là người Công giáo thì ngày của Cha được
mừng vào ngày 19 tháng 3 lễ kính Thánh Giuse.

III.- HÂN HOAN TẠ ƠN MỪNG NGÀY HIỀN PHỤ 

Theo định nghĩa trong Tự Điển, người Cha là người sinh ra hay nuôi dưỡng một
đứa con. Đặc biệt về danh xưng người Cha của các con ở Việt Nam có một số địa
phương thay đổi cách gọi là: - Bố (Mẹ) – Ba (Má) - Cha (Mẹ) – Thầy (U hoặc Bu) –
Chú (Thím) - Cậu ( Mợ) – Bò (Bầm). Trong lãnh vực tinh thần có Cha Linh hướng –
Bõ ( Vú ) đỡ đầu Rửa Tội hoặc Thêm Sức.

Qua tập tục ở các quốc gia, việc tổ chức Ngày của Cha đã đi vào nề nếp, từ
những ngày tháng trước đó, con cái cháu chắt đã chuẩn bị sắp xếp công việc, thời
giờ để về thăm, chung vui trong bầu khí đầm ấm mừng người Cha cột trụ của gia
đình, và cũng không quên để tâm trí mua sắm quà cáp, bánh trái, gửi thiệp, các vật
dụng cần thiết trao đến tay tạo niềm vui cho Cha “ Vì của dâng cho Cha, sẽ không
rơi vào quên lãng” (Hc 3,16)

Riêng tại Việt Nam ta, trong khuôn khổ tập tục gia phong “Quân, Sư, Phụ “, dù
không có ngày riêng nhưng việc tôn trọng Cha đã được xếp vào một trong ba bậc
quan trọng nhất ngang hàng với nhà Vua và Thầy dạy, vị trí người Cha thập phần
quan trọng vì “Con không Cha như nhà không nóc” đã nói lên tầm ảnh hưởng của
Cha người chủ gia đình.

Gần đây Ngày của Cha mới được du nhập vào nước ta và dù chưa chính thức
trở thành ngày lễ kỷ niệm lớn, thế nhưng vào ngày này dù ở đâu đi nữa những
người con cũng đã thu xếp về thăm Cha và gia đình, đó là một nét đẹp trong đời
sống mà chúng ta cần duy trì và phát huy.

Nhân dịp Ngày lễ Cha năm nay, mong rằng người Việt ở muôn nơi hãy làm
gương và nhắc nhở, dạy dỗ con cháu hiểu rõ ý nghĩa cao quý về sự hiếu thảo đối
với các bậc làm Cha Mẹ. Và nên nhớ rằng việc đón mừng ngày Hiền Phụ không chỉ
giúp những người con có cơ hội để bày tỏ Lòng Yêu Thương và Sự Kính Trọng đối
với Cha mình, mà còn giúp củng cố mối quan hệ cha con, phát triển tình cảm của
người con dành cho Đấng nuôi dưỡng mình.

Hoa Thịnh Đốn, Ngày Tri Ân Cha 16.6.2019


Vinh sơn VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét