Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

Kỷ Niệm Văn Hoc

Kỷ Niệm Văn Học
Rất tình cờ tôi quen biết nhà thơ và người bạn Cao Nguyên, dù chỉ quen biết anh qua thế giới ảo, trong lãnh vực thơ văn.
Từ những năm cuối thiên niên kỷ, tôi đã bắt đầu đọc biết thơ anh; nhóm văn thơ nào tôi biết tới đều thấy có sự hiện diện của anh, hoặc đơn thuần góp bài hoặc phụ giúp điều hành trang thơ trong vùng trời đó. Một thời gian không lâu tôi đã cảm nhận ra năng lực khác thường của người thơ này.
Cao Nguyên làm thơ cách dễ dàng như người ta ăn cơm, uống nước nhưng không kém phần sâu sắc, truyền cảm. Từ thơ trữ tình, thơ tình yêu lãng mạn, đến thơ dành cho tình yêu quê hương đất nước... mỗi mỗi đều thể hiện được giá trị văn chương riêng biệt.
Mấy năm sau này tôi rất vui thấy anh cùng sinh hoạt trong tập thể Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Mãi tới cuối tháng 3/2013, khi tôi có dịp về thăm mùa hoa anh đào ở Washington DC tôi mới gặp anh, bằng xương bằng thịt, cùng với anh chị em văn hữu Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ.
Qua văn thơ của anh, tôi vẽ một Cao Nguyên nhiệt tình, lãng mạn… Trong thực tế trông anh hiền lành, đạo mạo như một thiền sư; dáng người nho nhã như một ông đồ dù nét chân tình vẫn biểu tỏ qua lời nói, qua cách cư xử. Tôi rất tâm đắc với anh trong cách nhìn về văn chương, chữ nghĩa; rất trọng sự thành tín, lòng chân thực của anh.
Mới đây, anh mời tôi tham gia viết qua đề tài “Sau Lưng Cuộc Chiến” trên Face Book. Vâng, sau lưng cuộc chiến là những tỳ vết khó phai; những đau thương chất ngất; những hạnh ngộ bất ngờ. Thơ anh phản ảnh một tấm lòng nồng nàn với quê hương, đất nước, với bè bạn, với đồng bào.
Mỗi người làm thơ đều có một nét riêng tư, một cung cách đặc biệt của mình. Cũng tình yêu đó nhưng sắc màu có khác; cũng quê hương đó nhưng mỗi góc nhìn thấy một bản sắc khác nhau; và thơ Cao Nguyên cũng thế, anh với những nét rất riêng của anh. Xin đơn cử một vài dòng thơ của anh:
… một tấm lòng tha thiết với quê hương:
Anh vẫn nhớ những con đường quê cũ
Cong theo chiều của tổ quốc yêu thương
Nghìn sao lạ sáng soi bờ liễu rũ
Thời hoa niên theo giấc mộng vô thường
Còn ở đó một quê nghèo nắng bỏng
Vết chân mòn trên những cánh đồng khô
Chiều viễn xứ anh ngồi nghe tiếng sóng
Đời mười năm chưa hết nợ giang hồ
… một cảm nhận khi nhìn một bức tranh “Lan”:
hấp thụ khí đất trời mà bén rễ
kết tinh hương nhật nguyệt để ra hoa
giữa hoang dã . em mỉm cười thanh thoát
trước mặt đời . em đài các thanh cao
em là Lan . nàng tiên ta đã gặp
từ núi rừng Việt Bắc đến Tây Nguyên
dẫu năm tháng chân đời đi xa lắc
vẫn theo ta . em duyên dáng bên hiên
… một “quê hương vẽ từ ký ức”:
bắt đầu nhớ, từ Em - về quê Ngọai
những con đường đá sỏi chạy quanh thôn
cái giếng nước bên góc cau cao vọi
chỗ ghế đá này, mình hẹn hò nhau ...
bắt đầu nhớ, từ Anh - về quê Nội
những cây dừa cao quá mái tranh
phía trái căn nhà, hai cây vú sữa
Ba vẫn thường mắc võng mỗi trưa Hè ...
… một tình yêu nhẹ nhàng qua bài thơ “Nhớ Huế”:
gởi người em gái Thần Kinh
vẩn vơ "nhớ Huế" chút tình buồn vui
với anh, Huế vẫn ngậm ngùi
từ thời phượng nở giữa trời khói bay
nhớ người, con mắt chớm cay
cổng trường Đồng Khánh còn đây bóng chờ
tìm hoài vẫn nửa bài thơ
nửa kia lạc mất bên bờ sông Hương!
Mỗi bài thơ được các tác giả hình thành thường là một bức tranh đầy màu sắc, có mưa nắng bốn mùa, có thanh âm nhạc tính, có bố cục mạch lạc.
Dù không phải là họa sĩ chuyên nghiệp nhưng những sắc màu trong những bức tranh thơ của anh cũng rất hài hòa, tươi sáng; cũng có xuân thắm thu vàng; cũng có nghĩa có tình, vô vàn nhân bản.
Xin cám ơn anh trong tình bằng hữu và xin được đồng cảm với tâm tư anh trong thi ca anh viết.
Kingwood,TX - trọng thu 2013.
Nhà Thơ Yên Sơn
(Trích Hành Trình Thơ trong tuyển tập THAO THỨC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét