Hạnh Phúc Bất Chợt
Có những mắc xích lịch sử đau thương đan xen nhau trong cùng một thời điểm làm tâm trí mình giao động chông chênh qua từng cảm xúc và sự kiện.
Hôm qua đi xem phim “Ride the Thunder” và hôm nay đi diễn hành nhân ngày chiến sĩ trận vong của Hoa Kỳ (Memorial Day). Những hình ảnh về chiến tranh và hòa bình tạo nên những xung đột qua cảm xúc từ an tới nguy, từ nhân bản đến tội ác.
Nhân Bản là nguyên ủy của sự sống, Tội Ác phát sinh từ sự sống, một luân chuyển nhịp nhàng nhưng đối nghịch. Mức độ tội ác trong chiến tranh cũng nẩy sinh khác biệt giữa một xã hội quyền sống của con người được minh định và bảo vệ bởi luật pháp như Hoa Kỳ, khác với tội ác trong chiến tranh được khởi xướng bởi chủ nghĩa tàn bạo được xác mình trong chủ thuyết của đảng cộng sản “thà giết lầm hơn bỏ sót” bất cứ ai có thể gây hại đến hệ thống đảng trị và nhân sự điều hành guồng máy chiến tranh.
Trong cuộc chiến 20 năm tại Việt Nam vừa qua (1954 – 1975) cộng sản đã giết mấy triệu người dân vô tội dưới đủ mọi hình thức. Số lượng người dân bị giết chết qua thống kê không còn lạ với tầm nhìn và ý nghĩ của nhân loại trên khắp địa cầu.
Riêng với phim “Ride the Thunder” ngoài tính chất ác liệt của cuộc chiến, người xem càng thấy rõ hơn sự bạo tàn của chủ nghĩa cộng sản đối với những người của “bên thua cuộc” (theo cách nói của cộng sản). Chúng bất chấp quy ước về tù binh chiến tranh của Liên Hiệp Quốc, tàn bạo vượt quá sức tưởng tượng ngay khi người xem liên tưởng và so sánh với tội ác chiến tranh của Đức quốc xã.
Phim diễn đạt từ truyện, truyện diễn tả thực trạng của các nhân vật trong mỗi sự kiện với sự dẫn trình của các nhân chứng còn hiện hữu. Ai đã từng bị giam trong các nhà tù cộng sản hẳn đã phải chịu sự khổ nhục. lắm lúc muốn tự hủy mình vì danh dự của một người chiến binh và nhân cách của một con người, nhưng đồng thời luôn nhắc nhủ mình cần phải sống. Sống để chống lại sự tàn ác, sống để còn cơ hội gặp lại những thân thương của gia đình và bằng hữu đã bị bức bách chia xa.
Tình cảm gia đình đã dìu người tù binh gượng dậy với ý chí kiên trì sống vượt qua sự khổ nhục để khỏi phụ lòng mong đợi của người thân. Đúng là người tù binh phải “Cỡi Ngọn Sấm” (tựa của bản dịch Việt ngữ) để sống còn.
Bối cảnh chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1970 qua sách và qua phim “Ride the Thunder” với tôi là rất thực. Bởi tôi vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân của giai đoạn lịch sử đau thương đó.
Thực trạng của mỗi sự kiện tôi đều đã trải qua, nên sự xúc động càng dấy lên mạnh hơn với cảnh người tù binh quay lưng bước trở vào phòng giam theo lệnh, cũng là lúc hai dòng nước mắt của người vợ vỡ òa qua rèm mi vừa chớp. Nước mắt được nén lại trong đôi mắt khổ đau đến cùng tận khi nhìn thấy thân thể chồng mình quá đỗi suy nhược.
Sự xúc động lắng trong tôi làm loạn nhịp thở, tay tôi bấu vào mép ghế ngồi chạm phải tay người Mỹ ngồi bên cạnh. Chúng tôi nhìn nhau như có cùng một luồng cảm xúc. Qua va chạm bất thường và qua chuyện trao đổi, tôi biết người Mỹ là hậu duệ của một cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến bên cạnh quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Thêm một kỷ niệm đáng nhớ trong buổi xem phim là sau khi rời phòng chiếu ra về. Đến cầu thang tôi gặp thêm một hậu duệ chiến binh Mỹ khác đang đứng nói chuyện với 2 cháu nhỏ mặc quân phục thủy quân lục chiến Mỹ.
Tôi dừng lại gợi chuyện và muốn được chụp một tấm hình kỷ niệm với hai cháu bé đẹp và dễ thương. Lời yêu cầu của tôi được chấp thuận và chính người mẹ của hai cháu chụp cho chúng tôi tấm hình kỷ niệm. Tôi bắt tay tạm biệt hai cháu với lời cảm ơn, tiếng cười phả lấp nỗi buồn còn tồn động trong tôi từ cảm xúc của phim.
Không hiểu tôi có gì hấp dẫn khi nói chuyện với các cháu trẻ, mà cháu nào cũng vui vẻ và thân thiện với tôi. Như hôm nay đi diễn hành, tôi cũng được làm quen thêm vài cháu nữa. Và lại có thêm vài tấm hình kỷ niệm với hậu duệ của hậu duệ chiến binh Mỹ. Cuộc sống được những niềm vui bất chợt cũng tạo nên hạnh phúc.
Cảm ơn đời, cảm ơn tình thân mến người với người trao nhau.
Cao Nguyên
Washington D.C. – 30/5/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét