Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Mảnh Da Vàng

 Dẫn Nhập 

Là một người bạn tâm giao trong nhiều năm qua với anh Chu Lynh (Người tổ chức và điều hành nhóm làm phim tài liệu VietNam Film Club), chúng tôi rất tâm đắc về ý tưởng qua những dòng văn của anh gửi vào mỗi tác phẩm phim truyền hình từ sinh hoạt của các hội đoàn người Việt quốc gia hải ngoại đến các phim lịch sử Việt Nam. 

Riêng tác phẩm Mảnh Da Vàng anh đang thực hiện bằng chính sự trực diện với những thực cảnh thương đau của một quê hương đã phải rời xa trên hành trình tìm tự do. Bằng việc gom lại những những bài viết qua ký ức suốt mấy mươi năm qua làm nên tác phẩm theo dòng văn trong Bi có Thương và trong Thương có Bi. Đã diễn đạt sâu lắng ân tình giữa Đất và Người trên quê hương Mẹ và những vùng đất tự do mà anh đang sống và đến thăm. 

Đọc tựa đề tác phẩm, ba chữ Mảnh Da Vàng nhắc tôi nhớ trong bài thơ Lăng Trì của tôi có hai câu:

Vạch tìm trong đống tro tàn

nhặt lên từng mảnh da vàng còn tươi! 

Đúng là một sự đồng cảm từ mạch chữ đồng âm thuận nghĩa truyền cảm xúc vào những dòng sử liệu bi thương nhưng đậm tình nhân ái. Ba chữ "Mảnh Da Vàng" đủ trân trọng về cội nguồn huyết thống mỗi đứa con của Mẹ Việt Nam luôn muốn được truyền tải từ quá khứ đến tương lai nguồn sử liệu viết bởi những chứng nhân và cũng là nạn nhân của một quê hương đau thương.  

Hân hạnh giới thiệu cùng quý vi tác phẩm Mảnh Da Vàng của tác giả Chu Lynh gồm nhiều chương và được chuyển thành audio với các giọng đọc truyền cảm. 

Trân trọng,

Cao Nguyên 

--- 

Lời ngõ

 

Tôi không phải là nhà văn. Những giòng chữ này không tạo nên một tác phẩm. Nhưng mỗi giòng chữ có nước mắt của tôi hoà vào mệnh nước. Phải chăng cuộc chiến tranh này đã trộn lẫn những tình tiết bí hiểm của Thượng Đế vào giòng máu điên cuồng của thế nhân, tạo nên những trang sử Việt Nam tang thương?


Mảnh Da Vàng viết ra rồi đốt bỏ, viết đi viết lại không biết bao nhiêu lần.  Viết lén lút trong trại giam Sông Măng sát biên giới Miên. Viết trong nỗi kinh hoàng ở trại tập trung Suối Máu.  Viết sau cơn sốt cuồng điên trên đồi gió hú trại tập trung Long Giao.  Viết nắn nót trên những trang giấy rẻ tiền nơi vùng kinh tế mới.  Viết trên giường bệnh viện Bình Dương tồi tàn.  Viết trong nỗi cô đơn ròng rã dưới ngọn đèn dầu le lói nơi căn nhà tranh vách đất Chơn Thành. Và hôm nay, tôi thanh thản viết dưới ánh sáng tràn ngập căn phòng trên đường Melvue, Virginia những ngày đông giá. 

Nơi kia, quê hương tôi có còn tình tự dân tộc? Nơi này là đất khách, tôi lạc lỏng kẻ mất quê hương.


Quê hương tôi ngày nay là những kẻ từ rừng rú chui ra làm đế vương, người từ trên ghế cao xuống làm bần nông.  Tất thảy là đồng bào tôi diễn cảnh nồi da xáo thịt, để hôm nay bên bờ trùng dương, đứng ở ngõ nào, ruột cũng đau chín chiều. 

Nhớ bà mẹ quê là nhớ giòng chảy thăm thẳm của nước mắt.  Nhớ bóng dáng cuối đường của em, là nghĩ đến bước chân em sẽ đi trong bóng tối mênh mang cho hết phần đời còn lại.


Bản thảo này đã theo tôi trên mọi nẻo đường đất nước, từ rừng núi khổ sai đến phố thị ồn ào đi qua các làng quê nghèo đói, cuối cùng chui rúc trong mớ hành lý may mắn đến được xứ người.  Những giòng chữ này như cánh cửa mở ra hình ảnh một dân tộc triền miên chịu đựng, và một đất nước vỡ ra từng mảnh sau ngày đưa tay đón lấy một thứ cứ tưởng hoà bình. 


Trong buổi chiều tà quạnh hiu bên cánh rừng, bỗng nhiên, như được một lực vô hình hướng dẫn, tôi thấy từ xa hình ảnh của Sa Mạc chay tịnh, Vườn Cây Dầu sám hối và những giọt mồ hôi pha máu trên Núi Sọ của đấng Cứu Độ.


Trước khi bóng tối đến phủ trùm lên khu rừng Newington, tôi ngồi vào bàn viết.  Kìa, cô đơn đã đến bên tôi, soi rọi và giúp tôi hoàn tất những giòng chữ cuối cùng.

 

Bên rừng Newington, Virginia, mùa thu 2020 


*** 


Giới thiệu Mảnh Da Vàng 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét