Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

giá trị của văn hóa Sài Gòn xưa

Sự trở lại những giá trị của văn hóa Sài Gòn xưa 



Sài Gòn, tên gọi đó không mất đi trong lời ăn tiếng nói, văn chương báo chí chính thức hiện nay, mà ngày càng được sử dụng thường xuyên.
Tên Sài Gòn xuất hiện ngày một dày hơn trên các bìa sách, bằng cách này, cách khác. Các nhà làm sách cũng hiểu rằng, thực tế thị trường cho thấy nếu đặt hai chữ “Sài Gòn” vào một nhan đề sách, hẳn nhiên sẽ được độc giả tiếp nhận tích cực hơn. Bởi ở đây, đơn giản Sài Gòn không còn là một danh từ đơn thuần, mà hàm nghĩa phẩm cách và giá trị.
Nơi trưng bày hình ảnh các ca nghệ sĩ một thời của Sài Gòn trước 1975 được dân chúng đặc biệt quan tâm
Nhưng vấn đề không chỉ dừng ở sự hiện diện của cái tên Sài Gòn trên những bìa sách. Vài năm gần đây, thị trường xuất bản Việt Nam chứng kiến sự sôi động trở lại của dòng sách viết về đô thị Sài Gòn trong quá khứ. Các tác giả: Nguyễn Đức Hiệp, Phạm Công Luận, Nguyễn Đình Đầu,… ít nhiều, theo những phương pháp riêng, có sự tiếp cận Sài Gòn với tham vọng chạm đến tầng sâu của đời sống, văn hóa đô thị này, phục hiện lại trên văn bản những điều từ lâu có thể không được chú ý, bị vùi lấp theo thời gian.
Nếu bước vào hiệu sách Phương Nam – một hệ thống nhà sách lớn nhất hiện nay – khách quan sẽ dễ dàng nhìn thấy cả một khu vực trang trọng nhất được trưng bày riêng một chủ đề sách, gọi là sách về Sài Gòn xưa với hàng chục tựa đề khác nhau.
Còn biết bao cuộc kiếm tìm hình bóng quá vãng, dĩ vãng vàng son ẩn nhẫn, nhiệt tâm, thầm lặng, xem như là những cách thế hàn gắn những gì có thể sau các đứt gãy tức tưởi mà lịch sử nghiệt ngã tạo ra trên số phận thăng trầm của một thành phố.
Những sách vở xuất bản trước 1975 tìm cách hợp thức hóa để công khai xuất hiện trở lại trên thị trường ở một tư thế bình đẳng, thậm chí áp đảo về giá trị so với những xuất bản phẩm mới, chính thống. Ngay trên con đường sách Nguyễn Văn Bình ở trung tâm Quận Nhứt, những hiệu sách cũ tự do bày bán trở lại sách Duyên Anh, Phạm Công Thiện, Nguyễn Mạnh Côn, Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan… với giá cao ngất ngưỡng.
Một cửa hàng kinh doanh sách xưa quý hiếm mà phần lớn là của Sài Gòn xưa
Những cuốn sách thoát khỏi mồi lửa của họa đốt sách một thời nay phục sinh với hình thái lộng lẫy. Có nhà sưu tập sách cũ, sách hiếm còn tổ chức photo những sách này bán với giá ngang với… sách mới. Sau đó, các nhà kinh doanh sách nhạy bén với xu hướng tìm về văn hóa, giá trị miền Nam cũng tìm cách giới thiệu lại những tác phẩm một thời của Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến, Lê Tất Điều, Trần Thị NGH… với sự trân trọng đặc biệt, dù biết trước, đây là con đường hẹp và không tránh được những rủi ro từ phía kiểm duyệt.
Phục hưng giá trị
Sài Gòn “phục hưng” không dừng lại ở sách vở. Giới mê phòng trà hẳn nhận ra sự trở lại của những phòng trà mô phỏng không gian Sài Gòn trước 1975, níu giữ cái lịch lãm trong sinh hoạt văn hóa đô thị một thời. Các nhạc phẩm của Lê Uyên Phương, Phạm Duy, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Lam Phương, Trầm Tử Thiêng… được trình diễn một cách tự do ở những tụ điểm này, không nhà quản lý văn hóa nào đủ ba đầu sáu tay để quản nổi.
Phòng trà ca nhạc hiện nay mô phỏng không gian Sài Gòn trước 1975
Boléro được coi là dòng nhạc đặc sản trong sinh hoạt âm nhạc đại chúng miền Nam trước 1975 cũng sống lại một cách ngoạn mục trên các game show truyền hình của các đài truyền hình miền Nam ngày nay với một thế hệ ca sĩ mới, một tâm thức hát mới.
Ngoài ra, thú chơi tờ bướm nhạc trước 1975 gần đây rộ trở lại. Những tờ nhạc lưu dấu kỷ niệm của nhiều người, được chuyền tay và trải qua biết bao thăng trầm thế cuộc nay được nâng niu, được các nhà kinh doanh gọi… giá trên trời.
Các loại máy hát đĩa, phát phát băng cối ngày xưa, nay trở lại nhộn nhịp ở thị trường của dân chơi nhạc xưa. Các loại băng cối gốc được mua lại với giá trên trời. Ngay cả băng cối được sang lại (không phải băng gốc) cũng có giá từ 500.000 đến 1 trtiệu đồng.
Các quán cà phê đậm màu hoài niệm có thể tự do mở, nghe những ca khúc mà có thể chưa được cấp phép lưu hành, trình diễn. Không hề chi, sức mạnh của văn hóa nằm trong dân chúng như dòng nước mạnh không thể ngăn chặn.
Trong lĩnh vực điện ảnh, nhiều phim nhựa chỉ cần quảng cáo là có một vài bối cảnh phục dựng lại Sài Gòn xưa là có thể thu hút rất nhiều khán giả đến xem, đó là phim Cô Ba Sài Gòn, Tháng Năm Rực Rỡ…
Tuy nhiên, những điều trên chưa phản ánh hết được sức sống phục hưng của văn hóa Sài Gòn trong đời sống đương đại. Sức sống mạnh mẽ nhất có lẽ vẫn nằm ở trong tâm tính, lối sống tự nhiên của thị dân, đó là một tâm thức Sài Gòn bao dung, hào sảng chi phối trong từng chuyện ăn, chuyện nói, chuyện xuất xử ở đời.
Trích lược theo bài của An Nam – báo Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét