Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

TÌNH YÊU NHƯ BÓNG MÂY

  
     Đà Lạt xưa kia giống như một thiếu nữ tuổi xuân thì, dáng đài các, đã từng làm siêu lòng biết bao nhiêu là văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ và cả nhiếp ảnh gia nữa… Thật quyến rũ. Thật đắm say. Ghé thăm Đà Lạt để rồi khi chia tay nhau lại bịn rịn.

     
     KHÁNH GIANG năm 1959 viết về “Đà Lạt với du khách” đã nói:

     “Bạn có sống qua những ngày lặng lẽ u buồn ở Đà Lạt, có ngắm qua những buổi hoàng hôn nhuộm đỏ cánh đồi, có ngồi thu mình nhìn qua giọt mưa nặng trĩu rơi trên cửa kính, có dịp trầm ngâm cô độc say mê theo khói thuốc và hương vị tách cà phê phin đen ngòm, có lủi thủi dưới làn mưa bụi về đêm, có nện gót giày đều đều trên đường phố hoang vắng, có sống qua những giờ phút trống rỗng của cuộc đời và lòng có mang ít nhiều kỷ niệm đau thương, bạn mới cảm được cái “tâm hồn” sâu xa và thấm thía của Đà thành. Và lúc ấy, bạn khó lòng mà rời Đà Lạt được nữa.”

     Tình yêu với Đà Lạt thật muôn vẻ. Khi thì lặng lờ như mặt nước hồ thu êm dịu hay cuồng nhiệt như những bọt nước trắng xóa của thác nước bên đèo. Khi thì giăng mắc như sương khói phủ trên khắp cánh rừng thông. Khi thì tan biến vào thinh không theo tiếng chuông chùa Linh Sơn... tiếng chuông nhà thờ Con Gà... Tình yêu vang vọng và lan đi để rồi hội nhập vào núi đồi Đà Lạt mỗi buổi sáng sớm khi mặt trời còn khuất dạng...

     Phải chăng đối với những ai đã từng sinh trưởng tại Đà Lạt, hay đã có một thời gian dài sinh sống tại đây hoặc chỉ là du khách ghé thăm thành phố trong ít ngày thời Đà Lạt của những ngày tháng cũ đã để lại trong tận cùng tâm khảm con người những niềm thương nỗi nhớ sâu đậm và thiết tha… như suối nguồn tuôn chảy. Nói hoài không hết!
     Sau đây chỉ thâu thập và ghi lại được một phần nào cái tình cảm thương yêu và nhớ nhung đó mà thôi! Mỗi người một vẻ! Tình yêu với Đà Lạt bồng bềnh như bóng mây, một thời đã hội tụ quyến luyến trên bầu trời thành phố cao nguyên thời nay lại man mác dàn trải ra khắp cả bốn phương trời… Nỗi nhớ khôn nguôi!
 b3_hoabinhvachodalat.jpg - 258.55 Kb
CHỬ BÁ ANH VÀ VI KHUÊ
     Nhà giáo CHỬ BÁ ANH ngay hồi nhỏ đã theo gia đình từ đất Bắc vào Nam trong một kỳ nghỉ hè và có dịp ghé lên Đà Lạt lần đầu tiên. Bao nhiêu năm sau, trong cuộc sống xa xứ, cái thành phố cao nguyên đó vẫn khắc ghi nhiều dấu ấn và được kể lại:
     “Tôi đặt chân đến thành phố Đà Lạt vào mùa hè năm 1943… Lúc đó ông ngoại tôi vừa mua chiếc xe Simca 9 là loại xe mới nhập cảng vào Việt Nam lần đầu, nên quyết định đưa gia đình đi nghỉ hè tại 4 vùng núi cao của Việt nam, suốt một lộ trình từ Bắc vào Nam. Chuyến đi gồm 4 người, ông ngoại, bà ngoại, cô Ngọc Lan, - cô giáo của tôi - và tôi… 
     Chặng đến cuối cùng là thành phố Đà Lạt, sau khi rời Phan Rang qua đèo Dran, đèo Ngoạn Mục Bellevue, đến Cầu Đất, rồi Trại Mát và trạm dừng chân là khách sạn Lang Biang Palace nhìn xuống hồ Đà Lạt... lúc ấy dân chúng Đà Lạt còn thưa thớt, phương tiện di chuyển là xe ngựa. Cái ấn tượng khắc sâu trong tâm trí tuổi thơ của tôi là tiếng người lái xe ngựa dùng miệng tạo thành một thứ âm thanh kêu “cọt cọt” để điều khiển con ngựa. 
     Rạp ciné Eden nay gọi là Ngọc Lan thuở đó bên trên chưa có balcon chia thành từng ô và thiếu tiện nghi hơn bây giờ. Mãi cho đến khi nhạc gia của nhạc sĩ Hoàng Nguyên làm chủ thì rạp Ngọc Lan và Ngọc Hiệp mới tân trang lại.
     Mặc dầu đó là lần đầu tiên tôi biết Đà Lạt, nhưng nơi đó đã để lại trong ký ức tuổi thơ của tôi nhiều hình ảnh đẹp đẽ mà tôi vẫn giữ mãi cho đến ngày nay dù đang sống xa Đà Lạt muôn ngàn dặm.”
     Mãi về sau này khi trưởng thành CHỬ BÁ ANH trở lại Đà Lạt với nghề giáo chức và lập nghiệp luôn tại nơi này gần 20 năm cho đến khi phải di tản ra nước ngoài:
     “Từ năm 1951 về sau, hàng năm tôi vẫn có dịp lên lại Đà Lạt và cho đến năm 1957 từ Huế tôi nhận được sự vụ lệnh... bổ tôi lên Đà Lạt dạy tại trường Trần Hưng Đạo. Trường lúc đó do cụ Hoàng Khôi làm hiệu trưởng...
     Tôi dạy học ở Đà Lạt liên tiếp từ năm 1957 cho đến cuối tháng 3 năm 1975... chúng tôi về Saigon có việc... cho đến cuối tháng 4 năm 75 thì lên đường di tản sang Hoa Kỳ… 
     Đà Lạt đối với tôi đã có quá nhiều kỷ niệm, từ cuộc sống đến tình cảm. Tôi mong đợi một ngày về thăm Đà Lạt… thăm lại những ngôi trường mà do chính tay tôi xây dựng… gặp lại các bạn đồng nghiệp ngày xưa đã cùng chung sức với chúng tôi trong ngành giáo dục; thăm lại các bạn trẻ học trò cũ.”
     Tiếc thay ước nguyện đó chưa thành đạt thì nhà giáo họ Chử đã từ giã cõi đời tại Virginia, Hoa Kỳ, ngày 12 tháng 3 năm 1996, hưởng thọ 63 tuổi, để lại niềm thương tiếc nơi những nhà văn, nhà thơ thân hữu và nhất là các nhà báo đã sát cánh cùng ông trong lãnh vực này từ bao năm tại nước ngoài. Tất nhiên những người Đà Lạt của ngày tháng cũ cũng khó thể quên ông.
     Nhà thơ, nhà văn VI KHUÊ (Trần Trinh Thuận) là hiền thê của nhà giáo Chử Bá Anh. Sinh tại miền Trung (Huế), là công chức, giáo chức và cũng là hiệu trưởng một trường trung học đệ nhị cấp tại Đà Lạt. Vào năm 1994 VI KHUÊ viết bài thơ “Mà thương đến cả Vệ Đường Hoa”:
“Trái đất có lẽ sẽ phải nổ
lúc ấy rồi ta cũng tiếc thôi
tiếc sao những buổi rong chơi phố
những buổi nhìn mây, buổi ngó trời...
Xuân này ở Mỹ sao mà lạ
bỗng rộn ràng lên chuyện tiếc thương
và nhớ, và yêu Đà Lạt quá
yêu, ồ yêu nhỉ! Nhớ, sao không?  
Nhớ Đồi Cù mướt xanh trong nắng
biệt thự hồ bên đứng ngắm xa
ngựa trắng, tóc hoe vàng, trước ngõ
nàng công chúa Thượng áo hoa cà...                      
Lên đồi. Lên đồi. Lên đồi cao
những cô con gái má hồng au
những chàng trai gắn Alpha đỏ
Đà Lạt mù sương một sớm nao!  
Ai tặng cô em một nhánh đào
một nụ hồng lá thắm xôn xao
và ai âu yếm cài lên tóc
để đến nay cô nhớ ngọt ngào?
Bùi Thị Xuân còn thơm giấc mơ
thì người cứ dệt gấm thêu thơ
còn ai thiếu phụ chiều nay mộng
hãy nhớ sân trường Đại học xưa.
Và rừng. Và thác. Và thung lũng
và gió từng cơn buốt thịt da
Đà Lạt. Trời ơi! Giờ ấm, lạnh?
mà thương đến cả Vệ Đường Hoa!”
     VI KHUÊ viết xong bài thơ trên còn ghi thêm lời đề tặng “gởi người Đà Lạt, xưa, sau”. VI KHUÊ yêu muôn hoa Đà Lạt, yêu cả đến những bông hoa vô danh mọc thản nhiên chen lẫn cùng cỏ dại bên lề đường, nay được đặt tên “Vệ Đường Hoa”.

     Sách đã trích dẫn nhiều bài viết về Đà Lạt của VI KHUÊ. Chỉ ghi lại đây thêm một chút tâm tình của VI KHUÊ về thành phố này:
     “Năm 1972, tôi cùng chồng con sinh sống tại Đà Lạt, một thành phố thơ mộng nhất miền Nam… Đà Lạt của tôi nhỏ bé hơn nhiều. Nhỏ bé nhưng mà đẹp, đến nỗi có lần đã làm sửng sốt một du khách Tây phương đến thăm. Đứng trên sân cù, đưa mắt nhìn bao quát cảnh vật, từ vườn hoa thành phố, Bích Câu, đến những cây cầu đưa ra trên mặt nước hồ Xuân Hương với những chiếc “pê đa lô” màu sắc lộng lẫy đang lướt sóng dưới ánh nắng vàng nhạt, ông ta đã phải thốt lên: “Voilà la huitième merveille de la nature!” Tôi hỏi: “Ông khen cái gì mà tuyệt vời quá vậy?” Ông đáp: “Tôi nói cái thành phố này,” và chỉ tay lên ngọn tháp chuông của ngôi trường học Yersin thấp thoáng phía bên kia, ông ta lại tấm tắc: “Thế mà cái tháp chuông kia còn đẹp hơn!”
     Bây giờ ý nghĩ đó lại đến với tôi, khi tôi tập trung tinh thần để thu gọn cả thành phố vào trong ống kính ký ức. Tôi trông thấy tất cả, tôi nhớ lại tất cả. Đà Lạt mùa xuân năm ấy, nắng ửng lên ở khu phố Hòa Bình. Ở nhà tôi, hoa mimosa vàng rực rỡ trong sân. Bà cụ An Hòa, chủ nhân ngôi chùa có tượng Phật bằng vàng bên cạnh, vừa mang qua tặng chúng tôi một chục hoa lay-ơn trắng muốt như cành huệ, cắm vừa tròn chiếc độc bình pha lê nơi phòng khách.”  
(Trích: “ĐÀ LẠT NGÀY THÁNG CŨ”
Soạn giả: LS. Ngô Tằng Giao) 
@
Nữ Sĩ VI KHUÊ 
(1931 - 2018)
Chúng tôi vô cùng xúc động khi nghe tin Nữ Sĩ VI KHUÊ, khuê danh Trần Trinh Thuận:
Cử Nhân giáo khoa Việt Hán tại đại học Văn Khoa Đà Lạt
- Nguyên là xướng ngôn viên đài Phát Thanh Huế thời Đệ Nhất Công Hòa.
- Nguyên Hiệu trưởng trường Trung Học Tư Thục Đệ nhất và đệ Nhị cấp Văn Khoa Đà Lạt (từ lớp 6 đến lớp 12).
- Nguyên Chủ bút tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn Nam California
- Thành viên Thi Văn Cội Nguồn và ban biên tập tạp chí NGUỒN
- Tác giả nhiều tập Thơ và Truyện xuất bản tại hải ngoại
vừa qua đời vào ngày 25 / 9 / 2018 tại Washington D.C.




@

"TƯỞNG NIỆM NỮ SĨ VI KHUÊ" 


@@

Bài tưởng niệm như nén hương của một đứa em kính gửi tới người Chị kính mến với những cống hiến quý giá cho Văn Học và Giáo Dục.
Kính thư
Trịnh Bình An 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét