Sau năm 1954 nước Việt Nam bị chia làm hai, từ vĩ tuyến 17 trở vô đến Cà Mau có 20 triệu dân, là vùng đất Tự Do, theo chế độ Cộng Hòa, thủ đô là Sài Gòn. Nước VNCH về hành chánh chia ra 40 tỉnh và về quân sự chia ra 4 vùng chiến thuật.
Vùng I có 5 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi.
Vùng II có 12 tỉnh: Kontum, Bình Ðịnh, Pleiku, Phú Bổn, Phú Yên, Darlac, Khánh Hòa, Quảng Ðức, Tuyên Ðức, Ninh thuận, Lâm Ðồng, Bình Thuận.
Vùng III có 9 tỉnh: Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Bình Dương, Long khánh, Bình Tuy, Gia Ðịnh, Biên Hòa, Phước Tuy.
Vùng IV có 17 tỉnh là Châu Ðốc, Kiến Phong, Kiến Tường, Hậu Nghĩa, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Ðịnh Tường, Long An, Chương Thiện, Phong Dinh, Vĩnh Bình, Kiến Hòa, Gò Công, An Xuyên Bạc Liêu, Ba Xuyên.
Những năm đầu sau khi Pháp rút về nước, giáo dục Việt Nam tiếp tục cái gì có trước. Cho đến Ðại Hội Giáo Dục Toàn quốc năm 1958, VNCH mới xây dựng nền giáo dục độc lập dựa trên 3 nguyên tắc: Nhân Bản-Dân Tộc và Khai Phóng.
– Nhân Bản: Giáo dục coi con người là cứu cánh, tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người.
– Dân Tộc: Giáo dục tôn trọng giá trị của gia đình, quốc gia, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, đạo đức Việt Nam.
– Khai Phóng: Giáo dục theo phương pháp khoa học, nội dung khoa học, theo đà tiến bộ của nhân loại và tôn trọng giá trị các quốc gia khác.
Giáo dục VNCH có ba cấp như các nước trên thế giới là: tiểu học, trung học và đại học.
Bậc tiểu học học trình 5 năm
Từ lớp 1 đến lớp 5. Trẻ em từ 6 tuổi được cha mẹ ghi tên vào lớp 1, học miễn phí. Tuy VNCH không có chủ trương cưỡng bách giáo dục, nhưng do phụ huynh có ý thức cao cho nên tất cả trẻ em hầu như đều học qua bậc tiểu học.
Chương trình học gồm các môn Việt Văn, Toán, Khoa học Thường thức và Ðức Dục hay Công Dân Giáo Dục.
Giáo dục tiểu học thời VNCH phát triển nhanh chóng và vượt trội so với thời Tây đặc biệt về số lượng học sinh.
Thời Tây 1930, toàn Ðông Dương có 406,669 học trò gồm sơ và tiểu học trong đó có 20% là học trò Lào và Miên.
Thời Ðệ I Cộng Hòa, năm học 1960 miền Nam có 1 triệu 214,621 học sinh tiểu học, 112, 129 học sinh trung học. Tăng 200% so với niên học 54-55, lúc mới thâu hồi độc lập từ tay Pháp.
Bậc trung học chia ra 2 cấp
1. Trung Học Ðệ I Cấp/Trung học Cấp I: học trình 4 năm, có 4 cấp lớp 6, 7, 8, 9:
Học sinh vào trường công phải thi tuyển, không đậu có thể học trường tư. Chương trình gồm Việt Văn, Lý Hóa, Vạn Vật, Toán, Sử Ðịa, Công Dân và Sinh Ngữ. Môn Nhiệm Ý là Nhạc, Hội họa, Thể thao, Nữ công dành cho nữ sinh.
Cuối năm thứ Tư/lớp Ðệ Tứ, học sinh thi lấy bằng Trung Học Ðệ I Cấp.
Ðậu bằng Trung Học Ðệ Nhứt Cấp học sinh có thể ra đi làm, có thể thi vào trường Sư Phạm Cấp Tốc để trở thành giáo viên tiểu học; hoặc tiếp tục học tiếp lên.
2. Trung Học Cấp II Cấp/Trung học cấp II: học trình 3 năm, có 3 cấp lớp 10, 11, 12:
Muốn vào học lớp 10, phải có bằng Trung Học Ðệ I Cấp. Học sinh học các môn như Trung Học Ðệ I Cấp nhưng sâu hơn và có thêm môn Triết Học cho học sinh lớp 12.
Từ lớp 10, có phân 4 ban: Ban A Khoa Học Thực Nghiệm), Ban B (Toán), Ban C (Sinh Ngữ), Ban D (Cổ Ngữ). Học sinh tự do chọn ban theo sở thích cá nhân.
Xong lớp Ðệ Nhị tức lớp 11, học sinh thi lấy bằng Tú Tài I. Học tiếp lớp 12/Ðệ Nhứt, thi lấy bằng Tú Tài II.
Trường Trung Học Nguyễn Ðình Chiểu Mỹ Tho là một trường trung học có lâu đời ở miền Nam.
Trường Nguyễn Ðình Chiểu Mỹ Tho khởi đầu từ một trường Tiểu Học (École Primaire) gọi là trường tỉnh, dạy tới lớp Nhứt. Lúc đó trường tiểu học Mỹ Tho bằng lá, cất ở gần khu Nhà Việc làng Ðiều Hòa, nay là khu Trung Tâm Thương Mại Mỹ Tho.
Năm sau trường tiểu học Mỹ Tho dời đến nơi mà trước kia là nhà của vị quan triều Vua Tự Ðức tên là Ngô Phước Hội, gần tòa bố.
Ngày 14 Tháng Sáu 1880, Le Myre de Vilers thống đốc Nam Kỳ ban hành nghị định 17 Tháng Ba 1879, cho phép tỉnh Mỹ Tho thành lập một trường trung học lấy tên là trường là “Collège de My Tho”, trường trung học đầu tiên ở xứ Nam Kỳ.
Collège de My Tho (lúc đầu còn bao gồm cấp tiểu học) thành lập trên khu đất rộng 25,000 mét vuông, 4 hướng bao bọc bởi 4 con đường.
Hướng Ðông có cổng chánh quay ra đường số 9, sau đổi tên là Rue D’Aries, đến 7 Tháng Tư 1954 Thủ Hiến Nam Phần đổi tên là đường Lê Lợi tới nay.
Hướng Tây quay ra đường Filippini nay là Hùng Vương.
Hướng Bắc quay ra là đường số 3, sau đổi tên là Colombert, rồi Maréchal Pétain, Albert Buissiere, đến ngày 7 Tháng Tư 1954 Thủ Hiến Nam Phần đổi tên là đường Ngô Quyền tới nay.
Hướng Nam quay ra đường số 20, rồi sau đổi tên Rue de Landes, ngày 7 Tháng Tư 1954 Thủ Hiến Nam Phần đổi tên là đại lộ Lê Ðại Hành tới nay.
Collège de My Tho hoạt động được 10 năm, đến ngày 11 Tháng Mười Hai 1889 Thống đốc Nam Kỳ ra lịnh đóng cửa hệ trung học (tiểu học vẫn tiếp tục) vì không có ngân sách, cho nên học trò một số có tiền lên Sài Gòn học ở trường Collège D’Adran.
Ðến năm 1894 Collège D’Adran ngưng hoạt động nên Thống Ðốc Nam Kỳ phải mở lại trường Collège de My Tho để thâu nhận học trò Lục Tỉnh.
Năm 1941, Nhật chiếm Mỹ Tho lấy Collège de My Tho làm nơi đóng quân, một số lớp dời đến học tại đình Ðiều Hòa cho tới năm 1942 Nhựt mới chuyển đi nơi khác.
Ngày 2 Tháng Mười Hai 1942 trường đổi tên là Collège Le Myre de Vilers. Năm 1953 tổng trưởng giáo dục Việt Nam là Nguyễn Thành Giung ký Nghị định 179-NÐ ngày 22 Tháng Ba 1953 đổi tên trường Collège Le Myre de Vilers thành trường trung học Nguyễn Ðình Chiểu tới nay.
Giáo viên tiểu học trước năm 1975 có chỉ số 250, giáo học bổ túc là 320, giáo sư Ðệ I cấp chỉ số 400, Ðệ II cấp lên 470. Lương giáo viên, giáo sư như thế so với ngạch công chức và quân đội, tương đối cao, nên đời sống bảo đảm, thư thả; đặc biệt vị trí người thầy luôn được xã hội tôn trọng, cha mẹ học sinh kính nể.
“Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn cho hay chữ phải yêu mến thầy”.
(Ca dao)
Bậc đại học đào tạo cử nhân, cao học và tiến sĩ.
Sau Thế Chiến Thứ II, Pháp trở lại Việt Nam, Ðại Học Ðông Dương ở Hà Nội được đổi tên là Ðại Học Hà Nội, viện trưởng vẫn là người Pháp. Sau đó có một số khoa được mở ở Sài Gòn như Luật, Y khoa và Khoa Học, do phó viện trưởng là người Việt điều hành.
Sau năm 1954, chi nhánh đại học Hà Nội tại Sài Gòn cải tên là Viện Ðại Học Quốc Gia Việt Nam, đến năm 1957 đổi tên là Viện Ðại Học Sài Gòn, tên nầy giữ cho tới năm 1975.
Khi bắt đầu diễn ra Hội Nghị Paris (trong kế hoạch chuẩn bị hậu chiến) năm 1972 VNCH thành lập Hệ Thống Ðại Học Cộng Ðồng, năm sau 1973 Viện Ðại Học Bách Khoa Thủ Ðức thành lập.
Hệ thống đại học ở VNCH không thuộc Bộ Giáo Dục, và cũng không có cơ quan chủ quản (trư trường Y Dược thuộc Bộ Y Tế chủ quản). Ðại học Việt Nam tự trị về học vụ chuyên môn. Ngân sách của đại học là bộ phận trong ngân sách Bộ Giáo Dục do Quốc Hội chuẩn duyệt hàng năm; nhân viên và giáo sư đại học thuộc Tổng Ủy Công Vụ.
Ðại học VNCH bấy giờ có hai hệ thống: Ðại Học Quốc Gia và Ðại Học Cộng Ðồng Ðịa Phương.
Ðại Học cấp Quốc Gia: gồm có
1. Viện Ðại Học Sài Gòn:
Sau năm 1954, Viện Ðại học Hà Nội chuyển vào Nam nhập vào Viện Ðại Học Sài Gòn. Viện có 8 phân khoa là Y, Dược, Nha, Sư Phạm, Khoa Học, Văn Khoa, Luật và Kiến Trúc. Có đại học xá Minh Mạng dành cho nam, Trần Quý Cáp dành cho nữ, có trung tâm Y tế chăm sóc sức khỏe cho sinh viên.
2. Viện Ðại Học Huế:
Thành lập theo sắc lịnh VNCH-1 do Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ký vào Tháng Ba năm 1957 gồm có 4 khoa như Sư Phạm, Y khoa, Văn khoa và Luật.
3. Viện Ðại Học Cần Thơ:
Ðược thành lập ngày 31 Tháng Ba 1966 do nghị định của chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương ký. Có 4 khoa là: Khoa Học, Văn Khoa, Sư Phạm, Luật & Khoa Học Xã Hội.
4. Học Viện Quốc Gia Hành Chánh thuộc Phủ Thủ Tướng:
Học viện được thành lập từ 29 Tháng Năm 1950 theo Quyết Ðịnh của Chánh Phủ Quốc Gia Việt Nam (tên gọi lúc đó), lúc đầu đặt ở Ðà Lạt, năm 1958 dời về đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn.
5. Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, thuộc Bộ Quốc Phòng:
Sinh viên học 4 năm, môn chánh là võ khoa; môn phụ là Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã Hội. Tốt nghiệp bằng Cử Nhơn Võ Khoa, một ngành mới mẻ đối với Việt Nam.
6. Viện Ðại Học Bách Khoa Thủ Ðức:
Thành lập do sắc lệnh của tổng thống VNCH, và hoạt động chánh thức năm 1974.
Viện bao gồm một số trường có trước như Trung Tâm Phú Thọ, Ðại Học Nông Nghiệp, Ðại Học Kỹ Thuật. Viện có lập một số trường mới như là Ðại Học Kinh Thương, Ðại Hoc Khoa Học Căn Bản, Ðại Học Thiệt Kế Ðô Thị và Nông Thôn…
Ðại học Cộng Ðồng Ðịa Phương
Trường Ðại Học Cộng Ðồng Ðịa Phương chỉ huấn luyện về chuyên môn và thực dụng, học trình 2 năm.
Cho tới năm 1975, VNCH có 5 trường:
– Ðại Học Cộng Ðồng Quãng Ðà
– Ðại Học Cộng Ðồng Nha Trang
– Ðại Học Cộng Ðồng Tiền Giang Mỹ Tho
– Ðại Học Cộng Ðồng Long Hồ Vĩnh Long
– Ðại Học Cộng Ðồng Ban Mê Thuột, mới có quyết định.
Giáo Dục Việt Nam trước 1975 ngoài hệ thống công lập còn có hệ thống trường tư.
Ðại học tư trước năm 1975 có:
– Viện Ðại Học Ðà Lạt
– Viện Ðại Hoc Minh Ðức
– Viện Ðại Học Vạn Hạnh
– Viện Ðại Học Cao Ðài/Tây Ninh
– Viện Ðại Học Hòa Hảo/An Giang
Nền giáo dục Việt Nam mình từ thời dạy và học bằng chữ Hán, chữ Tây đến chữ Việt lúc nào cũng lấy phương châm “Tiên học Lễ, Hậu học Văn” làm gốc.
Từ năm 1954 nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa phát triển nhanh, chú trọng chuyên môn khoa học nhưng không buông lơi giáo dục đạo đức-luân lý cho học sinh, nhứt là bậc tiểu học.
Học sinh tiểu học trước năm 1975 được dạy Ðức Dục, Công Dân Giáo Dục từ 2 giờ đến 2 giờ 30 phút mỗi tuần. Học sinh trung học, môn Công Dân Giáo Dục 2 giờ mỗi tuần.
Ngày 16 Tháng Bảy năm 2008
Giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa (1955 – tháng 4 năm 1975)
Viện Việt Học
Để hướng trọng tâm vào sự phát triển một xã hội Việt Nam có Dân-chủ, Tự do thực sự, cần tôn trọng ý kiến của tác giả và đồng thời tôn trọng sự suy xét của độc giả. Tài liệu đọc thêm dưới đây của tác giả Bs Nguyễn H.D. ở Việt Nam hiện nay, do đó văn phong cũng như ý kiến không nhất thiết phản ánh ý kiến của Ban tổ chức buổi Thuyết trình hôm nay cũng như của diễn giả. Ngày 21-VIII-2005.
Nền Quốc Gia Giáo dục miền Nam
Thời kỳ 1955-1975
Sau hiệp định Genève 1954, Chính quyền Miền Nam tiếp thu những thành tựu của nền giáo dục thời Đông Pháp (Đông Dương thuộc Pháp) và dựa theo mô hình giáo dục cùng với kinh nghiệm của nước Pháp chính quốc, để xây dựng nên nền Quốc gia Giáo dục của người Việt Nam.
Mặc dù được sự “vận hành dưới sự chiếm đóng của quân Mỹ” nền Quốc gia Giáo dục mới do người Việt Nam tự chủ từ cấp Tiểu học lên đến Đại học, không có sự chi phối của nước ngoài, mang đậm nét khai phóng con người với ba đặc tính: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng. Nó chọn lọc và kế thừa truyền thống tốt của ba nền giáo dục: Nho học (Cựu học), Tân học (Giáo dục thực dân) và Tây học (Giáo dục Pháp quốc).
Tiếp tục hun đúc và khơi dậy tinh thần dân tộc cho người đi học, nền giáo dục đã ươm mầm cho “phong trào yêu nước chống Mỹ của các Sinh viên Học sinh các thành thị Miền Nam, đấu tranh không mệt mỏi cho nền dân chủ và độc lập tự do của đất nước”.
Nhà thơ cách mạng Giang Nam, từng “yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” của thời đi học, nên đã vào bưng biền theo Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nhiều trí thức trẻ của Miền Nam lúc đó, được cử đi du học nước ngoài, khi tốt nghiệp ra trường, “không trở về Miền Nam lệ thuộc Mỹ, mà lại quay về Miến Bắc độc lập” để phục vụ dân tộc.
Nền quốc gia giáo dục Miền Nam là một nền giáo dục đại chúng, gồm các bậc học: Phổ thông (12 năm). Đại học, hậu Đại học. Hệ giáo dục phổ thông (12 năm) gồm ba cấp: Tiểu học, Trung học Đệ nhất cấp, Trung học Đệ nhị cấp, với chương trình từng bậc, từng lớp và từng môn học được Bộ Quốc gia Giáo dục soạn thảo cụ thể và ban hành, thống nhất áp dụng trong toàn quốc.
Chế độ cũ mở rộng cửa và tạo điều kiện cho tất cả những ai muốn đi học, đều được học và không giới hạn tuổi tác. Hệ giáo dục phổ thông có hai loại trường cho người đi học: Trường công lập (miễn phí) và Tư thục (thu phí). Những ai không đủ điều kiện học Trường công lập (quá tuổi quy định, rớt tuyển sinh hoặc bị Trường công lập đuổi học…) thì vào học Tư thục; bị Tư thục này đuổi học có thể vào Tư thục khác.
Công chức bận làm công sở hoặc người bận sinh kế không đến Trường được, vẫn có thể học lên cao bằng con đường học tại chức, học hàm thụ hoặc tự học, theo đúng Chương trình học thống nhất của Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành. Công chức tự học đậu được bằng cấp cao hơn, đương nhiên được thăng ngạch trật và tiến chức đúng theo tiêu chuẩn quy định. Bên cạnh Hệ giáo dục phổ thông trung học, có Hệ giáo dục dạy nghề (Trung học chuyên nghiệp) cho học sinh không đủ sức tiếp tục học lên bậc Tú tài hoặc Đại học, phải ra đời mưu sinh. Học sinh nghèo học giỏi hoặc thuộc gia đình công chức đông con, được Nhà nước trợ cấp học bổng.
Chương trình học và sách giáo khoa trung – tiểu học được các nhà giáo dục chuyên nghiệp nghiên cứu soạn thảo công phu, bao gồm Đức dục, Trí dục và Thể dục, nhằm rèn dạy nhân cách và trang bị trí thức cho học sinh. Người đi học được học và tiếp cận – qua sách vở – lịch sử và địa dư của các miền đất trên thế giới, các nền văn minh của nhân loại, các học thuyết và và triết thuyết khác nhau – kể cả chủ nghĩa cộng sản – để mở rộng tầm nhìn, mà không bị gò bó ép buộc phải theo chủ thuyết nào.
Có ba kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp ở hệ giáo dục phổ thông: Tiểu học, Trung học và Tú tài. Hai kỳ thi Tiểu học và Trung học không bắt buộc phải thi, nhưng Nhà nước vẫn tổ chức thi hàng năm cho những ai muốn thi lấy Bằng tốt nghiệp, để tiện cho việc mưu sinh.
Tất cả những ai đã đi học đều được dự thi, không có giới hạn tuổi. Học sinh tự học hoặc không theo học trường lớp chính quy được đăng ký thi dưới dạng “thí sinh tự do” và được thi cùng ngày, cùng đề thi, cùng hội đồng thi với những thí sinh khác.
Thi là để xác định trình độ và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Phạm vi ra đề thi là toàn bộ chương trình học cuối cấp, không có giới hạn trong việc soạn thảo đề thi và không có đề thi mẫu. Tùy tính chất của môn học, đề thi có thể được thực hiện bằng bài tự luận hoặc dưới dạng trắc nghiệm (tests), bằng thi vấn đáp hoặc thi viết, hoặc phối hợp các dạng thi. nhiều nhà giáo dục ưa chuộng kiểu thi tự luận, vì nó giúp đánh giá được toàn diện khả năng của thí sinh: chữ viết, chính tả, kiến thức, cách diễn đạt, … Việc học hành và thi cử dưới chế độ cũ được tổ chức rất quy cũ nề nếp, đảm bảo được tính công bằng và bình đẳng cho mọi người đi học. Kỷ cương được tuân thủ nghiêm ngặt, không có ngoại lệ. Học sinh Trung học Đệ nhị cấp (cấp 3) không còn viết sai chính tả; thí sinh Tú tài phạm lỗi chính tả có thể bị điểm loại. Sinh ngữ được xem là chìa khóa mở cửa kho tàng trí thức, giúp người đi học nhìn ra thế giới bên ngoài. Học sinh bắt đầu được học sinh ngữ kể từ lớp Đệ thất (lớp 6) của Trung học Đệ nhất cấp (cấp 2); lên đến lớp Đệ tam (lớp 10) của Trung học Đệ nhị cấp (cấp 3), được học thêm sinh ngữ thứ hai. Sinh ngữ thông dụng thời đó gồm: Pháp ngữ, Anh ngữ, Hoa ngữ, Đức ngữ. Học sinh thi đậu Tú tài sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ đã học, nên không gặp khó khăn khi lên Đại học hoặc đi du học nước ngoài.
Văn bằng Tú tài của Việt Nam lúc đó được nhà nước Pháp công nhận tương đương văn bằng Tú tài (Baccalauréat) của Pháp. Với văn bằng này, người Việt Nam có thể được nhận vào học bất cứ trường Đại học nào trên thế giới, kể cả Pháp và Mỹ, và có trình độ không thua kém người của chính quốc.
Những “Cậu Tú, Cô Tú” nhỏ tuổi thời đó rất được xã hội tôn vinh vì họ là những trí thức trẻ có tri thức rộng, rất có tư cách, bắt đầu thể hiện nhân cách của người lớn để chững chạc bước vào đời và phục vụ đất nước. Đại học Miền Nam trước giải phóng được xem là nơi đào tạo nhân tài và nâng cao dân trí. Học Đại học là học suốt đời, do đó cũng không có giới hạn tuổi tác.
Ngoài các trường Cao đẳng và một số trường Đại học chuyên ngành – như Y khoa, Dược khoa, Nha khoa – cần phải tuyển chọn người vào học, các trường Đại học đều mở rộng cửa cho Sinh viên vào ghi danh học, không phải thi tuyển, như Văn khoa, Khoa học, Luật khoa, … Tự trị Đại học và Dân chủ học đường là động lực phát triển của Đại học Miền Nam trước 1975, theo xu hướng quốc tế.
Viện Đại học được thành lập ở những Trung tâm đô thị lớn trong nước, như Sài Gòn – Huế – Đà Lạt – Cần Thơ, theo mô hình của Đại học các nước Châu Âu và Mỹ. Viện gồm nhiều trường Đại học hợp thành, hoạt động độc lập và tự chủ, không có sự can thiệp của bên ngoài – kể cả Bộ Quốc gia Giáo dục đương thời. Hội đồng Khoa của mỗi trường Đại học gồm những học giả uyên bác hoặc những nhà khoa học hàng đầu trong nước, có nhiệm vụ soạn thảo chiến lược và chương trình đào tạo của Trường mình, xét phong Giáo sư mới và tấn phong Khoa trưởng.
Nhà trường Đại học hoạt động theo cơ chế tập thể lãnh đạo (Hội đồng Khoa) và cá nhân phụ trách (Khoa trưởng). Khoa trưởng đồng thời cũng là người đứng đầu Hội đồng Khoa. Khoa trưởng các Phân khoa Đại học hợp thành Hội đồng Viện Đại học; Hội đồng Viện tấn phong Viện trưởng, chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động đào tạo giữa các Phân khoa Đại học cùng Viện và vạch phương hướng hoạt động chung của toàn Viện. Sinh viên là đối tượng, đồng thời cũng là chủ thể của Nhà trường Đại học trước giải phóng. Bước vào ngưỡng cửa Đại học, người sinh viên được sống trong môi trường học tập và sinh hoạt hoàn toàn khác, so với thời Phổ thông Trung học.
Giảng đường không phải là lớp học mà là nơi sinh viên giao lưu với các học giả và các nhà khoa học lớn, để được hướng dẫn tự học, tham khảo, nghiên cứu và tự vạch cho mình con đường tiếp thu trí thức và phát triển trí tuệ, rộng thênh thanh ở phía trước. Sinh viên không bị điểm danh, không bị gò ép vào khuôn khổ nhất định, mà được tự do chọn học những gì mình quan tâm, được tự nguyện tham gia những sinh hoạt hợp với năng khiếu và sở thích riêng. Sinh viên nhỏ tuổi được xem là trí thức trẻ, bước đầu có nhân cách của người lớn. Với truyền thống dân chủ học đường, Nhà trường tạo mọi điều kiện cho Sinh viên được tự do hoạt động trong khuôn khổ nội quy của trường và không can thiệp vào việc nội bộ của Sinh viên. Bên trong Nhà trưòng Đại học, người Sinh viên được quyền tự do nói lên tiếng nói của mình vế mọi vấn đề của đất nước và của xã hội đương thời, mà không bị bất cứ một sự ràng buộc nào.
***
Nền Quốc Gia Giáo Dục & Ngôn ngữ Việt Nam
Thời kỳ sau 30/4/1975
Sau ngày giải phóng, một cuộc cải cách lớn về giáo dục được người Việt Nam mong đợi nhằm xóa bỏ những dị biệt giữa hai miền, bổ sung và phát huy ưu thế của nhau, cùng nhau ra sức phát triển nền Quốc gia Giáo dục thống nhất của đất nước lên tầm cao mới.
Song, những nhà lãnh đạo giáo dục của chế độ mới, khi nước nhà vừa thoát ách thực dân, đã không xem trọng lợi ích tối cao của Quốc gia Dân tộc và tương lai của các thế hệ trẻ mầm non của đất nước.
Nền giáo dục tự chủ của Miền Nam, từng là niềm tự hào của người dân Miền Nam nước Việt, đã đào tạo ra biết bao nhân tài cho đất nước suốt nhiều thập niên qua, đã lần hồi bị xóa sạch, từ bậc Tiểu học cho đến Đại học, trong đó có giáo dục Y khoa. Hàng chục lần cải cách giáo dục – cải cách, cải cách lại, rồi lại cải cách – suốt 30 năm qua, chỉ nhằm đáp ứng sự “tế nhị” đối với nước bạn này, nước bạn nọ hoặc để thỏa mãn quyền lợi của phe nhóm cầm quyền, không có năng lực lãnh đạo giáo dục.
Dưới chủ trương cải cách giáo dục, người ta xóa bỏ tất cả, xáo trộn thường xuyên việc học của giới trẻ, thay những cái đã có truyền thống tốt từ lâu đời bằng cái mới kém hiệu quả, thậm chí tệ hại. Cải cách giáo dục buộc trẻ con phải thay đổi cách đọc mẫu tự và cách đánh vần tiếng Việt, thay đổi cả chữ viết – vốn đẹp và quen dùng từ thời cha ông xa xưa.
Người ta bỏ những môn học truyền thống, vốn rèn dạy cho người đi học lòng nhân ái, phép tu thân xử thế, quy cách giao tiếp văn minh lịch sự ngoài xã hội, nghĩa vụ và lương tâm nghề nghiệp, như Đức dục, Luân lý của thời Tiểu học, Công dân Giáo dục của thời Trung học, Nghĩa vụ luận Y khoa của thời học Đại học ngành Y.
Bộ sách “Quốc văn Giáo khoa thư” nổi tiếng và lâu đời, kỷ niệm khó quên thời Tiểu học của nhiều thế hệ người đi học, từng có tác dụng hình thành nhân cách và tình “yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”, đã vắng bóng từ lâu trong nhà trường mới. Thay vào đó, người ta áp đặt những môn học mới và sách giáo khoa mới, khô khan, tối nghĩa, kém thực tế, song có tác dụng gieo rắc vào lòng trẻ thơ tính kiêu ngạo, sự dối trá, sự kỳ thị đồng thời kích động lòng hận thù của đấu tranh giai cấp – những môn học mà ngày nay đã bị loại bỏ tại nước Nga xô viết cũ và các nước Đông Âu cũ theo chủ nghĩa xã hội.
Cải cách giáo dục không xem trọng việc giảng dạy Văn phạm – tức Ngữ pháp – cho học sinh từ cấp Tiểu học; vì vậy, ngôn ngữ Việt từ sau giải phóng xuống cấp nghiêm trọng.
Sinh viên, Bác sĩ trẻ đã ra trường, ngay cả nghiên cứu sinh hậu Đại học, vẫn còn viết sai chính tả. Nhà văn, Nhà báo, công chức hành chính sử dụng ngữ pháp và ngôn từ rất tùy tiện, rườm rà, khó hiểu, sai quy tắc, như: “Cửa hàng bách hóa tổng hợp”, “Cửa hàng thịt tươi sống Thanh niên”, “Cửa hàng nội ngoại”, “Phim hoạt hình”, “Thu hình viên”, “Ghi điện viên”, “Xí nghiệp cán kéo quấn cuộn dây đồng”, “Lễ mít tinh kỷ niệm ngày thành lập…”. Người ta không ngại ngùng thay từ Hán-việt thanh nhã bằng những từ bình dân thô tục giữa nơi công cộng: phân/ cứt, tiểu/ đái, Nhà vệ sinh/ Buồng ỉa đái, Phòng sanh/ Buồng đẻ.
Hiện nay vẫn còn tồn tại dư luận về việc một số cán bộ quân quản Miền Bắc lúc mới giải phóng, đã buộc sửa bảng hiệu “Bảo sanh viện Từ Dũ” thành “Xưởng đẻ Từ Dũ”.
Danh từ y học trước giải phóng cũng bị buộc nhường chỗ cho những cụm từ thiếu chuẩn xác, như: “Cơ thể học” (Anatomie) được thay bằng “Giải phẫu học” – trùng lấp với “Giải phẫu học (Chirurgie) là mổ xẻ. Tiếng Việt đang mất dần sự trong sáng và thanh nhã của ngày xưa. Vào giữa thập niên 80, một cán bộ cấp cao của Ban Khoa Giáo Trung ương (ĐQB) đã cảnh báo nguy cơ một sự tan rã từng mãng của nền Quốc gia Giáo dục, nếu tình hình không sớm được cải thiện.
Từ đó đến nay, nền Quốc gia Giáo dục của đất nước vẫn tiếp tục xuống dốc và hiện lâm khủng hoảng trầm trọng, chưa tìm được lối ra. Truyền thống đạo đức và giá trị học đường ngày càng bị xói mòn. Văn bằng Tú tài Việt Nam – trước giài phóng vốn có giá trị quốc tế – nay không còn được Pháp, Mỹ và các nước công nhận. Các nhà lãnh đạo giáo dục chạy theo thành tích, dối trên lừa dưới, có nơi biến học sinh thành “gà chọi” để được dịp thăng quan tiến chức.
Nhà giáo thiếu gương mẫu của người thầy. Nhà trường trở thành trọng điểm của ma túy, nơi thanh toán giữa các băng đảng học sinh, là cái chợ mua bán chữ nghĩa, nơi phô trương thế lực của con cán bộ cách mạng hoặc con nhà giàu.
Thi cử là dịp phơi bày sự thoái hóa nhân cách của kẻ sĩ thời nay: “phao”, quay cóp, đạo văn, thi thuê, giả bằng cấp mua bán luận văn và học vị. Dưới thời bao cấp, giáo viên bị cấm dạy tư, đồng lương không đủ sống buộc họ phải đi làm những việc đau lòng để cải thiện đời sống: đạp xích lô, bồi bàn, bán kem cho học sinh giờ ra chơi, dựng quán cà phê bia hơi, … Sĩ khí truyền thống lừng lẫy của cha ông ngày xưa đã không còn trong nhà trường mới xã hội chủ nghĩa.
Trong lịch sử dựng nước của dân tộc, chưa có thời kỳ nào người trí thức – sĩ phu – bị thoái hóa nhân cách và lâm hoàn cảnh nhục nhã, đoạn trường, như thời nay. Những đợt cải cách giáo dục trong 30 năm qua, trên thực tế đang làm hư hỏng giới trẻ học đường và phá hoại sự nghiệp giáo dục của tiền nhân để lại.
Sự xuống cấp của học đường phổ thông đồng hành và cùng lúc kéo theo sự sa sút của học đường Đại học. Sự chê trách của xã hội về nền giáo dục đương đại và y đức của người thầy thuốc Việt Nam ngày nay, đã làm đau lòng những người Thầy tâm huyết, nặng lòng với dân tộc – trong đó có Giáo sư Ngô Gia Hy. Từ giữa những năm 90, mặc dù đã nghỉ hưu, người ta thấy xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn những bài viết và trả lời phỏng vấn của Giáo sư Ngô Gia Hy về y đức và chấn hưng giáo dục. Thầy đã nêu lên những tiêu cực chính và một số khuyết điểm lớn trong ngành y hiện nay, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục:
Về chất lượng đào tạo và trình độ Bác sĩ Y khoa hiện nay, Thầy nhận định và tha thiết đề nghị: “Nghề Y là một nghề nhân đạo nên cao quý. Một thầy thuốc đúng đắn phải là thầy thuốc giỏi, chứ không phải nói dốt. Dốt là giết người. Điểm đáng sợ hơn hết là giết người mà không biết mình giết người. Không biết vì dốt! Tôi tha thiết đề nghị một số biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo Bác sĩ: không hạ thấp giá trị bằng Bác sĩ ngang với Cử nhân. Để giải quyết tận gốc, tôi đã nói bao nhiêu lần là chúng ta phải đào tạo Bác sĩ từ 8-9 năm, trong đó có 3 năm nội trú bắt buộc, để khi tốt nghiệp, Bác sĩ sẽ là Tiến sĩ Y khoa (MD) và có đủ khả năng điều trị cũng như dự phòng bệnh. Thời gian đào tạo Bác sĩ hiện nay là 6 năm, nhưng thực tế chỉ học 5 năm, ra trường phải thêm 5 năm làm nghề nhưng vẫn yếu. Tất cả các nước đều đặt hệ thống giáo dục Y tế với chương trình đào tạo Bác sĩ là 8-9 năm, trong đó có 3 năm nội trú và họ ra trường với cấp bậc Tiến sĩ Y khoa chứ không phải Cử nhân. Tiến bộ khoa học hiện nay là vô cùng. Từ năm 1979, tôi ra Hà Nội đề nghị lập Viện Giáo dục Y khoa, mời các thầy thuốc giỏi trên cả nước để soạn thảo các chương trình cập nhật hóa cho Bác sĩ. Mỗi thầy thuốc ít nhất một năm phải ba lần dự lớp cập nhật hóa; nếu 2 năm không qua kiểm tra, không có cập nhật, sẽ phải đi học lại hoặc đóng cửa phòng mạch. Bắt buộc phải cải tạo lại toàn bộ hệ thống giáo dục Y khoa, chứ không đổ lỗi cho Bác sĩ. Phải trả lại cho ngành Y địa vị xứng đáng của nó trong xã hội.”
Nam Sơn Trần Văn Chi
http://daodoiquinguyen.com/giao-duc-thoi-viet-nam-cong-hoa/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét