Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

20 Câu Của Tuổi Trẻ

Xin thời gian đừng phai lạt thơ ngây
Xin mùa Thu đừng héo hắt tim này
Xin mùa Đông đừng khô cằn tuổi trẻ
Xin mùa Hè đừng thiêu đốt niềm tin!

Xin thời gian một cơn ngủ mê say
Cho mùa Xuân lịm trong giấc mơ dài
Ta của nhau, tựa sông ngòi của biển
Của chúng ta, rừng núi của trời mây

ĐK: 
Để hai người, được trao hết những yêu thương
Chúng tôi đang ngồi dưới ánh trăng sao
Chúng tôi đang ngồi giữa miền cỏ hoa
Chim muông ơi! Hãy về tấu những lời ca

Xin thời gian ngừng đây đừng trôi mau
Xin mùa Thu đừng vương ánh trăng sầu
Xin mùa Đông đừng mưa buồn lạnh giá
Xin mùa Hè đừng u uất niềm đau

Cho tình yêu trọn kiếp người bên nhau
Như mùa Xuân đẹp hoa nắng muôn màu
Cho ngày mai còn như tình vừa chớm
Dệt khúc ca Tình Ái gởi ngàn sau

CODA:
Cho tình yêu trọn kiếp người bên nhau,
Cho cuộc đời từ nay hết ... thương ... đau 

*** 

CA KHÚC "20 CÂU CỦA TUỔI TRẺ" 
 NHẠC SĨ NGUYỄN HIỀN PHỔ NHẠC TỪ BÀI THƠ CỦA THI SĨ SONG HỒ (1932-2009)

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Mắt Chạm Sài Gòn

Mắt Chạm Sài Gòn
mùa sắp Xuân, tháng ngày đang giáp Tết 
anh lại nôn nao về với Sài Gòn 
giữa nhộn nhịp những con đường hoa quả 
và ngọt ngào thơm bánh mứt quê nhà


lại thèm đi dạo Chợ Hoa Nguyễn Huệ 
ngắm hoa tươi trên từng nét mặt người 
dường như thể mỗi cuộc đời quen quá 
Chú Bác Anh Em - gọi giữa tiếng cười


lòng hăm hở giữa Sài Gòn quá rộng 
sợ chân đi không khắp những đường quen 
từ Da Kao xuống Bến Thành, Chợ Lớn 
phố cũ, đường xưa lẩm nhẩm gọi tên!


tại nhớ quá, anh quên mình xa lắc 
lòng nôn nao nên mắt chạm Sài Gòn 
mong tay vói qua nửa vòng trái đất 
kịp Giao Thừa hái cánh lộc đầu năm!


Cao Nguyên





Hát Cho Quê Hương Việt Nam

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

DỰNG NÊU ĂN TẾT, NÉT VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG

 


 Hôm nay là rằm tháng chạp, chỉ còn 8 ngày nửa là ngày đưa ông Táo về trời, cũng là ngày ở các vùng quê VN chúng ta bắt đầu dựng nêu để đón Tết, một nét văn hoá truyền thống có từ lâu đời ở nước ta. Mấy câu thơ của tác giả Trường Phong trong bài thơ "Đón Xuân" cho thấy một quang cảnh ngày Tết được gói ghém trong mấy câu thơ dưới đây:

Nẩy lộc chồi mai đẹp mỹ miều 
Trước nhà ba mới dựng cây nêu 
Bánh chưng mẹ nấu thơm mùi nếp 
Áo mới em thay dáng diễm kiều. 

(Trích bài thơ "Đón Xuân " của tác giả Trường Phong)

Cây nêu được Ba dựng trước nhà nói lên được một phong tục tập quán của Việt Tộc trong mấy ngày trước Tết Nguyên Đán. Thế nhưng không ai có thể biết chính xác nêu xuất hiện từ bao giờ? Có hai nguồn gốc khác nhau về sự hiện diện diện của cây nêu:
1. Căn cứ vào câu đối được lưu truyền trong dân gian:
Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ.
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Nếu căn cứ vào hai câu thơ bên trên, có một số nhà văn học cho rằng nguồn gốc của cây nêu có từ thời Hùng Vương thứ VI, tức có cùng thời với sự xuất hiện của bánh chưng -thời Hoàng tử Lang Liêu ?! Như vậy phong tục trồng nêu đã có trên 3000 năm ?!
2. Căn cứ vào truyền thuyết dựng nêu theo lăng kính Phật giáo, thi phong tục dựng nêu xuất hiện ở nước ta xuất hiện trên dưới 2000 năm, vì Phật Giáo được truyền đến Việt Nam cách nay khoảng 2000 năm, do nhà sư người Ấn Độ là Mahajivaka (Ma Ha Kỳ Vực) truyền bá đạo Phật vào Việt Nam năm 188 trước Công Nguyên nguồn: 

Với hai nguồn xuất xứ như vậy, cho nên, tới nay vẩn chưa ai có thể khẳn định chắc chắc là phong tục này của người Việt có chính xác từ thời điểm nào?

CÂY NÊU RA SAO?

Cây nêu là một thân cây được người dân Việt đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán về, trên ngọn cây nêu có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc.
Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè.

Cây nêu là một thân cây tre dài, thẳng, được dựng nơi trang trọng, rộng rãi; đầu thân tre được buộc một dải vải điều (màu đỏ) có ghi những lời cầu nguyện hoặc lời chúc năm mới, và một cái giỏ tre,. trong đó có đựng cau, trầu, rượu, hoặc một số phẩm vật khác theo phong tục từng miền. Cây nêu làm bằng tre, bởi vì cây tre có tính kiên định, dẻo dai, chịu đựng…và cũng là một trong những đặc trưng cho phẩm chất cao đẹp của dân tộc Việt. Trồng cây nêu là tục lệ Tết phổ biến của người Kinh, Thái, Mường  cho đến Ba Na, Gia Rai... Trên ngọn nêu, người ta thường treo một túm lá dứa, lông gà, cành đa, lá thiên tuế, những chiếc khánh và con cá bằng đất nung, cùng một tán tròn bằng tre nứa dán giấy đỏ. 

Dĩ nhiên cây nêu phải được chôn chặt và neo nhiều phía để tre đứng vững, khi đó tre chứng tỏ sự dẻo dai bền bỉ, dầu gió nhẹ hay mạnh, dù gió đông bắc hay tây nam, tre có nghiêng qua nghiêng về thì phần chính cây vẫn thẳng và cây không gãy. Người ta ví sự dẻo dai và vững chãi của tre như sức sống Việt tộc..
Tại các miền quê cây nêu thường được người Việt dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo quân về trời, với quan niệm rằng chính từ chính vì từ ngày này cho tới đêm giao thừa, vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy .

CÂY NÊU TRONG VĂN HỌC

Em về mọi thứ hiển linh
Cây nêu trước ngõ cũng thình lình chao
(trích bài thơ Mai Vàng Nhoẽn Nụ của Tác giả: Tuyền Linh)

Cây nêu ai cắm còn tươi 
Cột đu ai dựng,tiếng cười làng thôn 
( trích bài thơ Bản Sắc Quê Hương,Tác giả: Minh Tuấn)

Ngày xưa ,xuân tới xanh trong 
mừng vui mấy lượt trong lòng quê hương 
cây nêu, xác pháo ven đường 
ngàn hoa thơm ngát quyện hương đất trời.

( trích Khúc Sầu Xuân.Tác giả: Minh Tuấn)


CÂY NÊU VẬT THỂ HIỆN CHỦ QUYỀN

Cây nêu còn được gọi là cây chủ quyền vì nơi đâu có cắm nêu là xác định nơi đó đã có chủ, nó không khác nào bản tuyên ngôn độc lập của "Lý thường Kiệt (năm1019 – 1105). Nam quốc sơn hà nam đế cư". Lý thường Kiệt đã xác định được ranh giới giửa Đại Việt và Đại Hán. Cây nêu mang ý nghĩa là dùng để phân ranh giới giửa người và quỷ dữ. Nơi nào đã cấm nêu, thì quỷ không được bén mãng tới, không có một ai có thể xâm phạm, nếu như có ý đồ xâm phạm quấy phá thì sẽ bị đánh tơi bời, như Lý Thường Kiệt (1019–1105) từng đánh bại quân Tống tơi bời.

Dựng nêu cần phải được phục hồi để hồn Việt tồn tại, tinh thần đoàn kết đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước phát triển, một ý thức cao trong việc giử nước, đẩy lùi sự vô cãm đã từ lâu ngự trị trong tư duy của thanh niên, học sinh, sinh viên... đó là hàng ngũ rường cột cho mọi cuộc đấu tranh chống bất công xã hội, họ chính là những con người đi đầu trong mọi sinh hoạt cứu dân cứu nước. Cây Nêu ngày tết còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết giử nước giử nhà, nếu như tập tục nầy bị thoái hoá - thông điệp giử nước của tiền nhân sẽ bị quên lãng. Hãy dựng nêu ăn tết! để báo, cho bầy quỷ dử biết ngày tàn của chúng sẽ đến, đồng thời xác định lại chủ quyền của đất tổ từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau và Hoàng -Trường Sa. 
Hình ảnh cây nêu còn là nơi hội tụ tinh thần quyết chiến với của người dân với bầy quỷ đỏ, một hình thức xác lập chủ quyền của khu vực mình đang sinh sống. Nếu được dựng trong những ngày cuối năm Mậu Tuất 2018 được coi như là thông điệp cảnh báo đến bạo quyền cộng sản trong việc cướp phá làng trong những ngày cận Tết. Rất mong đồng bào VN tiếp tay khôi phục lại truyền thống văn hoá đẹp trong ngày Tết. Cây nêu còn được gọi là cây chủ quyềnmột thông điệp của tiền nhân nhắc nhở vào mổi độ xuân về, ý thức cao trong trách nhiệm bảo vệ sự toàn vẹn đất nước và nhất là chủ quyền Hoàng Sa -Trường Sa là của VN.

Hậu duệ VNCH Lê Kim Anh, 20.1.2019 


TC: http://kimanhl.blogspot.com/?fbclid=IwAR0uec8qzjIsaCQc0VUe-IggcQyxuE91AGXpMTkPY7u0WZ1pfW_N-O-TypY

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

THƯ XUÂN



Thư Xuân
(Mến gởi những tù nhân lương tâm Việt Nam)
Em đang đọc thư Mẹ gởi vào tù 
Gợi anh nhớ thuở trong tù anh nhận thư 
Âm thầm khóc qua từng nét chữ 
Cha anh dặn: "Hãy giữ lòng tin

đời là một hành trình khó nhọc 
mỗi bước đi phải thật đàng hoàng 
và biết sống với lòng tử tế 
ngẩng cao đầu nhìn mặt kẻ thù!"

*
Cảm ơn em cũng vì tình dân tộc 
Đã lên đường nhập cuộc đấu tranh 
Em bước tới với chân thành tâm nguyện 
Vì dân sinh quên tuổi trẻ chính mình

Anh và Em, hai thế hệ một kẻ thù 
Hai không gian nhưng cùng chung dòng máu 
Vững tin nhé, những người em yêu dấu 
Đường đi lên cần phấn đấu nhiệt thành

*
Bao mùa xuân em nhìn qua song cửa 
Tù giam em chứa đầy ắp hận thù 
Chúng giam em cho chùng lòng tranh đấu 
Mà quên cùng một dòng máu Việt Nam

Nếu phải khóc vì lá thư Mẹ gởi 
Khóc đi em cho Tổ Quốc hài lòng 
Vì Quê Hương còn những người như thế 
Trong đau thương vẫn ngạo nghễ tiếng cười!

Cao Nguyên

@

A spring letter
(To the prisoners of conscience in Vietnam)
You’re reading the letter from your mom 
I remember once in jail I received a letter 
I was quietly sobbing over each word 
My dad’s advice: “ Keep your firm belief

Life is always a hard journey 
You should keep your steps steady 
and live as an upright man 
Always hold your head up in front of the enemy!”

*
Thank you for your love of the people 
Having set off to join the long struggle 
you moved onwards with your frank wishes 
for the people you risked your own prime

We are two different generations but have the same enemy 
We live in two different places but of the same origin 
Keep your firm belief, my beloved brothers and sisters 
The road to success can only be shortened by great efforts

*
You have spent many springs behind the bars 
of a jail loaded with hatred and rancour 
They imprisoned you to destroy your fighting will 
to make you forget the heroic bloodline of Vietnam

If you have to cry because of Mom’s letter 
just cry for our Fatherland,to feel more at ease 
As there are always the good in our country 
who still laugh off sufferings and adversities !

NHT
-----
Phổ nhạc và trình bày: Dzuy Lynh

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

Hoàng Trường Sa



Hoàng Trường Sa 



(Tưởng niệm 45 năm hải chiến Hoàng Sa 
của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa * 19/01/1974 - 19/01/2019) 


Ơi Hoàng Sa! Hỡi Trường Sa! 
Bi thương tiếng gọi sơn hà Việt Nam 
Đang còn bị giặc xâm lăng 
Nước trào rỉ máu, Đất oằn xót đau! 

Ơi Trường Sa! Hỡi Hoàng Sa! Ơi Tổ Quốc! Hỡi Đồng Bào! 
Yêu thương tiếng gọi thắm màu quê hương 
Âm vang trống giục sa trường 
Bạch Đằng dậy sóng quật cường oai nghiêm! 

Giơ tay cao thét lời nguyền 
Hận thù Bắc Thuộc hịch truyền xuất quân 
Đánh cho giặc Hán kinh hồn 
Muôn đời khiếp sợ tinh thần Văn Lang! 

Hoàng Sa,Trường Sa là của Việt Nam 
Đã trong sử sách ngàn năm lưu truyền 
Trống đồng hào khí linh thiêng 
Hãy vang lên khắp mọi miền núi sông! 

Triệu con tim một tấm lòng 
Quyết tâm tiêu diệt giặc ngoài thù trong 
Việt Nam ơi! Tổ Quốc ơi! 
Triệu con dân Việt sẽ khơi sử hồng! 

Từ Trường Sơn tới Biển Đông 
Thịt da xương máu con Rồng cháu Tiên 
Núi Sông là một mạch liền 
Không ai có thể đảo điên Sơn Hà! 

Cao Nguyên 


Paracel- Spratly Islands 

In memory of Paracel sea battle (Jan. 19,1974- Jan. 19, 2019) 

Oh! Hoàng Sa! Trường Sa! 
How moanful the call of Vietnam’s mountains and rivers is! 
When the islands are still occupied by the invaders 
The sea is stained in blood,the ground overturned in anguish! 

Oh Trường Sa ! Oh Hoàng Sa! Oh Fatherland! Fellow citizens! 
The loving call is attached to patriotism 
The wardrum urges the troops to go out to battle 
The river of Bạch Đằng rolls with raging indomitable waves! 

Let’s raise hands shouting the oath 
The feud with Chinese invaders becomes a proclamation to dispatch troops 
We will fight until they are frightened out of their wits 
and always terrified of the spirit of Văn Lang! 

The islands of Paracel and Spratly belong to Vietnam 
That has been recorded in the history of thousands of years 
Beat the sacred brass drum of supernatural power 
Let it resound everywhere in the country! 

A million hearts but only one love 
A determination to destroy the internal enemy and the external invaders 
Oh Vietnam ! Our fatherland ! 
Millions of the children of Vietnam will rewrite the history! 

Everywhere from Trường Sơn Mountain to the East Sea 
We can see the blood and bones of the offsprings of fairy and dragon 
The mountains and the rivers are undivided 
Nobody can profane the lands of the country! 

Cao Nguyên 

@ @ 

Hoàng Trường Sa 
thơ Cao Nguyên | nhạc & trình bày Dzuylynh 
album Việt Nam Minh Châu Trời Đông 



Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

Thời Gian



Thời Gian 


Thời gian còn đủ không em 
Để mình nhớ lại mông mênh tình người 
Thực, không thực - chuyện đầy vơi 
Cưu mang cho lắm, rốt đời ảo hư

Thời gian còn đủ không ư 
Sẽ như sắp hết, đã từ nguyên khai 
Thực, không thực - chuyện nay mai 
Rảnh đâu ngồi đếm tóc bay cợt mùa

Thời gian còn đủ - thiếu, thừa 
Cũng cười cho thỏa cái vừa ngắm, ưng 
Rồi mai, bước chạm vô cùng 
Còn nghe lời ấm dưới tầng đất rêu

Thời gian còn đủ - ít, nhiều 
Cùng đi em nhé, vào điều đã như 
Buộc tơ mà chặc khư khư 
Cái vòng duyên định, vạch từ cõi không!

Cao Nguyên

***
Time
Is there enough time, my darling,
For us to reflect on the vastness of human compassion.
Is it real or not real, the events of this world 
To overburden one’s heart, but then only to find Life’s a dream.

Is there not enough time in life 
Seems like only a little left from the very beginning
Is it real or not real – the stories of some tomorrow
But I’m too busy for idle thinking or regretting youth

There’s still enough time, even if a little lacking,
I will laugh, and enjoy Life’s beautiful offerings
And then one day, when my feet touch the other world
Will still feel the warmth of Love under the moss-covered earth.

There’s enough time in life, by a little or a lot
We will be together, my darling, for it’s been determined
The strands of love have been woven tight
It’s our destinies, planned from the Blue Sky!

English translation by Vương Thanh

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019

Văn Học Việt Nam


Giới thiệu sách Văn học Việt Nam của Trần Bích San

Chúng ta đã có nhiều công trình biên khảo về nền văn học dân tộc của Dương Quảng Hàm, Nghiêm Toản, Phạm Thế Ngũ, Hà Như Chi, Phạm Văn Diêu v.v..Đó là chỉ nói về Miền Nam, dưới chế độ quốc gia. Ở Miền Bắc cũng có nhiều tuyển tập văn học sử, phần lớn do một tập thể biên soạn.

Các tác giả sáng tác theo tinh thần quốc gia chỉ nhắm mục đích là cung cấp cho giới đọc sách một cái nhìn tổng quát về văn học sử Việt Nam. Đến lượt mình, Trần Bích San nêu rõ tâm nguyện khi chấp bút nơi trang 25 sách Văn học Việt Nam :Sách này được soạn thảo với mục đích bảo tồn sự trung thực của lịch sử văn học Việt Nam.“ Như vậy, khác hẳn các nhà nghiên cứu văn học sử tiền bối, Trần Bích San không những là một người biên khảo văn học mà còn là một người lính chống cộng.

*

Tác phẩm Văn học Việt Nam phát hành cuối năm 2018, dày 1200 trang, in chữ cỡ lớn, do Nhà Xuất bản Cỏ Thơm ấn loát và tác giả cùng thân nhân phát hành. Sách gồm 31 chương, bắt đầu với Chương 1 Nguồn gốc Văn học Việt Nam rồi qua các Chương 2 Chữ Việt Thượng Cổ, 3 Chữ Hán Chữ Nho, 4 Chữ Nôm, 5 Chữ Quốc Ngữ; kế tiếp là các Chương 6 Giáo Dục Nho Học, 7 Giáo Dục Pháp Thuộc, 8 Giáo Dục Quốc Gia, 9 Giáo Dục Cộng Sản, rồi đến các Chương 10 về Nho Giáo, 11 Quan Niệm Quân Tử-Đại Trượng Phu, 12 Mẫu Người Kẻ Sĩ, 13 Danh Vị Tam Nguyên, 14 Học Vị Phó Bảng. Từ Chương 15 Văn Khảo Khái Luận qua các Chương 16 Phương Pháp Biên Soạn Văn Học Sử, 17 Sai Lầm, Nghi Vấn Trong Văn Học Sử, 18 Trở Ngại Biên Khảo Nho Nôm, sách trình bày cung cách và tầm nhìn văn học sử cùng với những vấn đề tồn nghi. Lịch sử văn học dân tộc được ký thác trong các Chương 19 Trương Vĩnh Ký, 20 Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong Tạp Chí, 21 Tự Lực Văn Đoàn, 22 Các Nhà Văn Nữ Chữ Việt, 23 Trào Lưu Văn Chương Lãng Mạn, 24 Khuynh Hướng Trào Phúng, 25 Thơ Văn Yêu Nước, 26 Thi Ca Dục Ái. Phần cuối gồm những Chương 27 Câu Đối, 28 Phê Bình Văn Học, 29 Truyện Ngắn, 30 Phóng Sự-Tuỳ Bút và 31 Ca Dao. Sách chấm dứt với ba Phụ Lục : Các Nhà Văn Nữ Chữ Quốc Ngữ, Mục Lục Tác Gia, Nhân Vật và Tiểu Sử Tác Giả.

Sáng tạo

Chương 2 Chữ Việt thời Thượng cổ là một chương mới, các sách viết về văn học sử dân tộc trước kia không có. Chương này trình bày các luận cứ nhằm chứng minh là người Việt có văn tự riêng từ đời thượng cổ căn cứ vào các di tích khảo cổ học

Các chương dành riêng cho hai vấn đề Danh vị Tam nguyên và Học vị Phó bảng là những chương chỉ giáo quí báu và khoa học, chúng được trình bày một cách có hệ thống về hai học vị thời phong kiến kèm theo danh tính và tiểu sử các vị tam nguyên (Lê Quý Đôn, Trần Bích San, Nguyễn Khuyến, Vũ Phạm Hàm cùng với giai thoại văn học) và một số vị phó bảng (như Nguyễn Văn Siêu, Hoàng Diệu, Kiều Oánh Mậu, Phan Chu Trinh v.v..). Riêng đối với Kiều Oánh Mậu, sách Văn họcViệt Nam chỉ ghi nhận Ông là tác giả Bản triều Bạn nghịch Liệt truyện.Thực ra Kiều Oánh Mậu còn là một nhân vật văn học sử rất quan tâm đến nền văn học chữ Nôm nên đã diễn nôm các truyện Tỳbà,Hương sơn Quan thế âm. Đáng nói hơn nữa, Kiều Oánh Mậu đã tiến hành chú thích rất công phu Truyện Kiều của Nguyễn Du, phân biệt rõ ràng các bản phường, bản kinh và trả lại tên gọi chính thức Đoạn trường tân thanh cho Truyện Kiều.

Chương 17 Sai lầm, Nghi vấn trong Văn học sử có thể được xem như một bản tập đại thành về những vấn đề còn tồn nghi liên quan đến thành phần chính thức của Tự lực Văn đoàn, đến năm sinh năm mất của một số nhân vật, đến hành trạng tiểu sử của một vài khuôn mặt, đến tác giả đích thực của một số tác phẩm văn học v.v..

Ca dao đã được đề cập đến ở Chương 1 nhưng Chương cuối, Chương 31 lại cũng mang tên Ca dao. Đúng ra nó phải mang tên “Ca dao Lịch sử“ vì Chương này trình bày ca dao thời Nguyễn triều và nhất là ca dao thời hiện đại, ca dao đả kích chế độ cộng sản, gồm từ trang 997 đến trang 1023 với những tiểu mục Sau tháng Tư đen, Đổi tiền, học tập cải tạo, Hợp tác xã, Đi kinh tế mới, đào kinh, Phí phạm công quỹ, Vượt biên, vượt biển, Cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979, Việt kiều, Khối Cộng sản tan rã, Đổi mới, Chế độ, Dân biểu nghị gật, Lãnh tụ, Cán bộ cao cấp, Đường lối cai trị, Tham nhũng thối nát, Phẩm chất Việt xuống thấp, Bán nước.

Kèm theo những phần do chính tác giả phụ trách viết, có những phần gọi chung là “Bài đọc thêm“, những phần này góp công vào việc giải thích chi tiết hơn, chu đáo hơn, cụ thể hơn những điều đã được ký thác trong văn bản chính.

Thiếu sót

Có những chi tiết tác giả chưa biết để nêu ra trong thành quả trí tuệ của mình.  Không những chỉ có Nam Phong được chuyển toàn bộ vào sáu dĩa DVD (tr. 644) mà Bách Khoa cũng được tàng trữ nguyên vẹn tại Thư viện Quốc gia của Quốc Hội Hoa Kỳ và thư viện Đại học Yale; mới đây tạp chí này còn được Diễn đàn Thế kỷ bên Mỹ số hoá toàn bộ và 426 số báo đã được điện tử hoá, qua công trình của nhà nghiên cứu văn học Phạm Phú Minh.

Trần Thanh Mại đã tìm ra khuê danh của Bà Huyện Thanh Quan là Nguyễn thị Hinh. Chữ “hinh“ viết với bộ “hương“ trong chữ Hán nghĩa là mùi thơm lan toả mạnh và xa, như nói hinh hương đảo chúc nghĩa là đốt hương cầu khấn; thuỳ hinh thiên tự nghĩa là để lại tiếng thơm ngàn năm. Khi Hiệp khách hành của Kim Dung sắp chấm dứt, người đọc có dịp làm quen với nhân vật nữ tên họ là Mai Văn Hinh, Văn Hinh có thể chuyển sang Anh ngữ thành literary perfume, một cái tên thực đẹp.

Trong tác phẩm của mình, Tác giả Trần Bích San chỉ có thể trình bày những kiến giải tưởng chừng đã ổn định nhưng thực ra không phải hoàn toàn chính xác.

Ví dụ, đối với Kinh Dịch, tác giả chấp nhận là đã được “Khổng Tử giải nghĩa“ (tr. 290). Đó là một phần nội dung thuyết tác dịch tam thánh của Trịnh Huyền đời Đông Hán, theo thuyết này, truyền thuyết cho rằng Phục Hy chế ra quẻ, Chu Văn Vương viết Quái từ và Không Tử viết Thập dực. Tuy nhiên theo khảo chứng của các tác giả gần đây, thuyết này không đáng tin vì Phục Hy là một nhân vật hư cấu, huyền thoại, không có thật; vả lại Kinh Dịch không phải là tác phẩm do một nhân vật viết trong một thời đại. Chu Dịch đã được nhiều tác giả chuyển sang Việt ngữ, như Phan Bội Châu, Ngô Tất Tố v.v.

Nơi trang 125, tác giả cho rằng Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận soạn có 9.353 chữ. Sự thực lịch sử phức tạp hơn. Hứa Thận căn cứ vào kinh điển cổ văn cùng các sách Sử lựu thiên Thương Hiệt thiên để biên soạn thành bộ tự điển Thuyết Văn Giải Tự vào năm Kiến Quang nguyên niên đời Hán An đế (121). Công trình trước tác đòi hỏi 23 năm. Nguyên bản sách này đã bị tàn khuyết, triều Nam Đường thời Ngũ Đại, Từ Huyền hiệu đính xác định văn bản thu chép được 10.516 chữ, trong đó có 1163 chữ trùng lắp, còn lại 9.353 chữ. Năm 1963 sách được Trung Hoa Thư cục xuất bản. Trong lịch sử qua các triều đại, các bản chú thích Thuyết văn Giải tự có rất nhiều, ảnh hưởng lớn nhất là Thuyết văn Giải tự chú của Đoàn Ngọc Tài đời Thanh do Thượng Hải Cổ tịch Xuất bản xã phát hành năm 1981.

Chế độ quốc gia vốn quan tâm rất lớn đến kho tàng văn học chữ Hán nên đã có nhiều cống hiến rất đáng biểu dương và trân trọng như thành lập Uỷ ban Dịch thuật thuộc Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hoá với người đứng đầu cơ quan là Mai Thọ Truyền, kế đó lại thành lập Trung Tâm Học Liệu với trụ sở ở đường Trần Bình Trọng. Ngoài ra còn có những tổ chức dịch thuật từ Hán sang Việt khác như Uỷ ban Phiên dịch của Viện Khảo cổ Sài Gòn, Uỷ ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam của Viện Đại học Huế, Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên lạc Văn hoá Á châu v.v.. Riêng Uỷ ban Dịch thuật của Phủ Quốc vụ khanh qui tụ nhiều ban ngoài ban Hán, ban Nôm còn có các ban Trung Hoa học, Anh, Pháp, Nhật, Đức v.v..Mỗi ban lại chia ra nhiều tổ chuyên môn như ban Hán văn có các tổ Sử, tổ Địa, tổ Triết. Đội ngũ dịch giả khá đông đảo, dễ đến hơn trăm người, nhiều người có danh vọng và uy tín như Đoàn Trung Còn, Lê Xuân Giáo, Lê Mạnh Liêu, Hoàng Khôi, Lê Xuân Mai, Tạ Quang Phát. Những dịch phẩm đã hoàn tất bao trùm các lĩnh vực văn, sử, triết, luật, địa, kinh...Xin liệt kê vài tác phẩm đáng để ý vì có giá trị đặc biệt về văn học lịch sử, do từng cá nhân hoặc do Phủ Quốc vụ khanh phụ trách dịch thuật, ấn loát và phát hành:

Quốc triều Hình luật do Cao Nãi Quang dịch, xuất bản năm 1956;
An Nam Chí lược, do Uỷ ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam Viện Đại học Huế xuất bản năm 1961;
Ô Châu Cận lục do Bùi Lương dịch, xuất bản năm 1961;
Sử ký Tư Mã Thiên, Nhượng Tống dịch, xuất bản năm 1964;
Ức Trai tập, Hoàng Khôi dịch, xuất bản năm 1972 v.v..

Ngoài ra Công dư Tiệp ký của Vũ Phương Đề, Vân đài loại ngữ, Kiến văn Tiểu lục của Lê Quí Đôn, Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú v.v..cùng với Tứ thư Ngũ kinh của Nho giáo cũng được Trung tâm Học liệu tổ chức dịch thuật và ấn loát, phát hành trong khi Truyện Kiều bản Chiêm Vân Thị in tại Nhà in Tương Lai, đường Võ Tánh, Sàigòn cũng được đích thân Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên tái bản năm 1973 với phần chữ Nôm in rất mỹ thuật. Các tài liệu tham khảo này in và đóng thành sách với trang giấy cỡ lớn, văn bản ít lỗi ấn loát và nhất là với ưu điểm nổi bật mà chỉ có sách dịch dưới chế độ quốc gia mới làm được, đó là việc in nguyên văn chữ Hán chữ Nôm kèm theo ở phần sau hoặc xen kẽ với phần dịch. Công việc in nguyên văn Hán tự không những giúp phổ biến rộng rãi các tác phẩm cổ mà các nguyên bản chữ Hán đính kèm dịch phẩm còn có tác dụng giúp người đọc có phương tiện và cơ hội thẩm tra lại những chỗ còn nghi vấn khi cần thiết hoặc cung cấp thêm tài liệu cho giới nghiên cứu tiến hành khảo dị.

Bổ túc

Chúng tôi trộm nghĩ sách Văn học Việt Nam cần được bổ túc bằng một chương riêng liên quan đến thi loại từ trong văn học Việt Nam.

Tất cả các tài liệu văn học sử Việt Nam từ trước đến nay không có tài liệu nào trình bày về thi loại từ. Trường Đại học Văn khoa Hà Nội trước 1954 và Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn trước 1975, cả hai trường đều không có một giờ nào giảng về từ cho sinh viên. Thậm chí Giáo sư Văn khoa Trần Trọng San còn cho rằng “trong văn học Việt-Hán chỉ có độc nhất một bài từ : bài này làm theo điệu Vương lang qui do Đại sư Ngô Chân Lưu tặng sứ thần nhà Tống Lý Giác ở thời Lê Đại Hành (năm 907); trong văn chương chữ Nôm chỉ có mấy bài từ làm theo điệu Tây giang nguyệt trong truyện Sơ kính tân trang của Phạm Thái ở đời Hậu Lê“. Đến lượt mình, tác giả Trần Bích San chỉ có một lần duy nhất đan cử thể từ nơi trang 183 một cách ngắn ngủi, nguyên văn : “các bài từ của Phạm Thái“.

Từ là một thể loại thi ca cổ điển của Trung Hoa. Từ manh nha thời Nam triều, trưởng thành vào đời Đường, thịnh hành ở thời Tống. Từ sản sinh sớm nhất trong dân gian, gốc gác của nó vốn là chốn thanh lâu và các chuyên viên trình diễn từ đầu tiên là giới kỹ nữ.Từ là tổng hoà thi và nhạc bởi vì mỗi bài từ đều được viết theo một nhạc phổ mà thuật ngữ chuyên môn gọi là từ phổ và công việc đặt lời ca cho từ phổ được gọi là điền từ.

Bài ca của Đại sư Ngô Chân Lưu sáng tác để tống tiễn sứ thần Lý Giác thực ra làm theo điệu Nguyễn lang qui chứ không phải Vương lang qui. Nhà Trần tiếp sứ Nguyên là Trần Phu đã cho cử nhạc gồm các điệu Trang Chu mộng điệp, Bạch Lạc Thiên, Mẫu biệt tử, Vi sinh, Ngọc tiêu, Đạp ca, Thanh ca, Giáng chân long, Nhập Hoàng đô, Yến giao trìNhất thanh phong. Đó là những khúc hát đã được Lê Quí Đôn ghi lại trong Kiến văn Tiểu lục, dựa theo Giao châu Thi tập của Trần Cương Trung; rất có thể đây là những điệu từ. Điệu Đạp ca chẳng hạn có lẽ là điệu Đạp ca từ. Bài từ cuối cùng là của Tản Đà, đó là bài Tống biệt viết vào năm 1917 theo điệu Hoa phong lạc.

Giữa hai thời điểm 907 và 1917 – hơn mười thế kỷ – thỉnh thoảng cũng có tác gia vận dụng thể từ. Về phái nữ có Liễu Hạnh tiên chúa với những bài theo các điệu Bộ bộ thiềm, Xuân quang hảo, Cách phố liên, Nhất tiễn mai; Trương Quỳnh Thư trong Sơ kính tân trang với hai điệu Tây giang nguyệtNhất tiễn mai; Hồ Xuân Hương với điệu Xuân đình lan.

Về nam giới có thể kể chúa Trịnh Cương với điệu Kiều dương cách; Ngô Thì Sĩ với điệu Tô mộ già; Tùng Thiện Vương với rất nhiều điệu tập hợp trong từ tập Cổ duệ từ như Hoãn khê sa, Thanh bình lạc, Dương châu mạn, Mô ngư nhi, Giải bội lệnh, Lưỡng đồng tâm, Kim nhân bổng ngọc bàn, Pháp khúc hiến tiên âm; Đào Tấn với gần hai mươi điệu trong Mộng mai từ tập : Mãn giang hồng, Bồ tát man, Nhất lạc sách, Ngư phủ từ, Lâm giang tiên, Trường tương tư, Giá cô thiên, Ức Vương tôn, Ức Giang nam, Hậu đình hoa, Ỷ la hương, Ngu mỹ nhân, Tiểu trùng sơn, Như mộng lệnh, Điệp luyến hoa, Chuyển ứng khúc, Bốc toán tử v.v..Thi hào Nguyễn Du cũng có ít nhất một bài theo điệu Hành lạc từ và mười lăm bài theo điệu Trúc chi từ (mà tác giả Truyện Kiều gọi là Trúc chi ca). Ngoài ra các nhân vật hư cấu truyện Nôm như Vương Thuý Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tô Hữu Bạch trong Ngọc Kiều Lê tân truyện của Lý Văn Phức cũng đều có điền từ.

Phần “Bài Đọc Thêm“ của Chương này sẽ giới thiệu vài ba bài từ kinh điển, quen thuộc chữ Hán của các tác gia Trung Hoa nổi tiếng bên cạnh các bài từ cùng điệu bằng chữ Hán hay chữ Nôm của nam nữ từ gia Việt Nam.

*

Khoa văn học sử có nhiệm vụ nghiên cứu các hiện tượng văn học, các phong trào văn học, các tác giả văn học. Văn học sử tìm hiểu quá trình phát triển của nền văn học dân tộc, khám phá những qui luật nội tại của văn học giúp áp dụng những qui luật ấy vào công việc phê bình và đính chính văn học. Văn học sử cố gắng giải thích những điều kiện lịch sử trong đó nền văn học dân tộc đã hình thành và tồn tại.

Văn học của một dân tộc có những đặc điểm không giống với văn học của các dân tộc khác và nhiệm vụ của văn học sử là nghiên cứu những đặc điểm liên hệ; ví dụ một đặc điểm của nền văn học Việt Nam là sự phát triển song song của nền văn học viết bằng chữ Hán và nền văn học viết bằng chữ Nôm trong khung thời gian dài nhiều thế kỷ, hoặc một đặc điểm khác là sự chống đối mãnh liệt giữa hai nền văn học tạm gọi nôm na là văn học Việt quốc và văn học Việt cộng.

Ra đời trong bối cảnh lưu vong, Văn học Việt Nam của Trần Bích San đáp ứng được phần lớn nhiệm vụ mà văn học sử đã uỷ thác cho nó. Nó là một trân phẩm hiện đại, khoa học, nhân bản, khai phóng; nó đáng được xem là của gia bảo đối với những ai còn nặng lòng với tiếng Việt chữ Việt.

Trần Văn Tích
Bonn, CHLB Đức, 09.01.2019

----------
Địa chỉ mua sách :
Tiến sĩ Trần Gia Thái, Ph.D. hoặc Trần Ngọc Châu, P.O.Box 740248, New Orleans, LA 70174, USA. ĐT : (504) 615-5606, (504) 263-5661; E.mail : chautran6@aol.com.
Giá bán sách : $50. Độc giả ở Hoa Kỳ được miễn bưu phí. Tất cả tiền bán sách dùng tặng quỹ yểm trợ Thương Phế Binh VNCH của Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn.