Ai cũng hiểu, lý do duy nhất khiến cộng sản Đông Đức phải lập tới 4 trạm kiểm soát cho một đoạn đường ngắn, và phải khám xét, nhận diện, hạch hỏi một cách khắt khe đến như vậy, chỉ là để ngăn chận những người dân từ “thiên đường” Đông Bá Linh trốn sang Tây Bá Linh. Dù vậy, các tài liệu khả tín cho biết, tính từ ngày bức tường Bá Linh được dựng lên (13 tháng 8 năm 1961) cho đến ngày bức tường sụp đổ (9 tháng 11 năm 1989) đã có không dưới 5000 người tìm đủ mọi cách để trốn qua vùng đất tự do, và ít nhất 200 người kẻ cả phụ nữ trẻ em đã bị lính biên phòng Đông Đức bắn chết trong lúc đào thoát bằng ngả “Berlin Wall”. Những con số ấy nói lên rất nhiều. Có lẽ chỉ thua những con số liên quan tới làn sóng thuyền nhân Việt Nam: theo ước tính của Rudolph Rummel (giáo sư chính trị học tại Đại học Hawaii), gần nửa triệu trong số 2 triệu thuyền nhân đã bỏ xác ngoài biển khơi trên đường đi tìm tự do.
Với sự tan rã của Liên bang Xô viết và sự sụp đổ của một loạt các chế độ cộng sản Đông Âu, kể từ đầu thập niên 90 “bức màn sắt” đã lui vào quá khứ; đài tưởng niệm các nạn nhân bức tường Bá Linh hay các “đài tưởng niệm bức màn sắt” ở Cộng hòa Tiệp và ở Hung Gia Lợi nay trở thành những chứng tích lịch sử cho một giai đoạn đen tối của Âu Châu và cả thế giới. Quả thật cuộc chiến tranh lạnh là một giai đoạn đen tối đã qua đi. Tiếc thay, bình minh vẫn chưa thực sự trở về với nhân loại.
....
Lẽ tất nhiên chuyện kiểm duyệt Internet ở Hoa Lục, Cuba, Lào, Bắc Hàn, Việt Nam, hay ở Iran, Syria, Saudi Arabia, Miến Điện… không phải chỉ gói trọn trong việc sử dụng nhu liệu “tường lửa” để hạn chế thông tin. Ngoài “tường lửa”, lực lượng công an mạng của các chế độ độc tài, tùy nơi tùy lúc, còn áp dụng một số biện pháp quái gở hơn, thí dụ như kiểm soát trực tiếp các máy điện toán cá nhân có nối mạng, hoặc kiểm soát lý lịch và động tác của từng khách hàng ở những địa điểm cung ứng Internet, hoặc ký mật ước với các công ty dịch vụ Internet để yểm trợ việc theo dõi những “đối tượng đáng nghi ngờ”, hoặc giản dị, trắng trợn hơn nữa là xông thẳng vào nhà của “đối tượng” và tịch thu nguyên giàn máy computer mang về trụ sở để vừa điều tra vừa vu oan giá họa…
Trong bầu không khí đầy bất trắc đối với tập thể công dân mạng thiếu may mắn phải sống dưới những chế độ như thế, “tường lửa” chẳng khác nào một “bức màn sắt mới”, được dựng lên trong không gian ảo để ngăn họ với thế giới bên ngoài. Nhưng cũng giống như “bức tường ô nhục” cắt đôi thành phố Bá Linh hay các trạm gác biên giới dọc theo “bức màn sắt” thời chiến tranh lạnh, những bức “tường lửa” ngày hôm nay chỉ nói lên sự thất bại của thể chế độc tài. Là vì những con người khao khát tự do bao giờ cũng sẵn sàng trả giá để đổi lấy tự do. Họ dư hiểu mối đe dọa đối với bản thân nếu họ tìm cách “vượt tường lửa”, họ cũng đoán trước các thủ đoạn tàn bạo và thô bỉ có thể được dùng để đối phó với họ, nhưng họ vẫn chấp nhận tất cả, chỉ để gửi những thông điệp bằng tim óc họ cho đồng bào ruột thịt của họ và cho thế giới tự do.
....Rõ ràng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã không ngừng đưa nhân loại đến gần với nhau hơn. Cũng chính vì thế, sự trao đổi kiến thức và luân chuyển tin tức càng giúp ích cho con người bao nhiêu thì càng đe dọa những chế độ độc tài muốn kiểm soát tư tưởng và hành động của con người bấy nhiêu. Người dân Đông Âu phải mất 44 năm trời mới phá tan được “bức màn sắt”, nhưng đến cùng với sự tháo gỡ những biên giới chính trị đầu thập niên 90 là cả một kỷ nguyên thông tin làm thay đổi bộ mặt thế giới. Với đà phát triển không ngừng của mạng lưới toàn cầu, kỷ nguyên ấy được đánh dấu bằng sự ra đời của điện thoại di động, email, các trang blogs cá nhân, trang mạng YouTube để trao đổi videos, rồi các dịch vụ nối kết mạng lưới xã hội như Facebook, Twitter… Và rồi bước sang cuối năm 2010 đầu năm 2011, tất cả những công cụ truyền tin này đã đóng vai trò quan trọng để làm dấy lên một làn sóng biểu tình và cách mạng từ Bắc Phi đến Trung Đông, lật đổ một loạt các chế độ độc tài chẳng khác gì cơn thịnh nộ của những con người cùng khổ đã vùng lên đạp ngã “bức màn sắt” Đông Âu.
Tương tự như đế quốc Liên Xô đã phải dựng “bức màn sắt” để kiểm soát người dân các nước chư hầu, những chế độ độc tài còn lại trên trái đất buộc lòng phải rập khuôn nhau dựng hàng loạt “tường lửa” – vừa bằng kỹ thuật vừa bằng bạo lực – để đối phó với làn sóng phản kháng đã khơi nguồn từ “cách mạng hoa lài Tunisia” và “mùa Xuân Ả Rập”. Thời điểm cuối năm Tân Mão 2011 được đánh dấu bằng hình ảnh đó: những bức tường lửa mong manh như cố gắng tuyệt vọng của một bọn điên rồ muốn níu lại vòng quay của bánh xe lịch sử.
Đào Trường Phúc
@
Xem trọn bài viết: http://phonhonews.com/tu-man-sat-den-tuong-lua-dao-truong-phuc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét