Từ ngả ba Biên Giới (Việt-Miên-Lào), xuống đến vùng Bù Gia Mập dọc chân dãy Trường Sơn và những điểm nóng của miền duyên hải Trung Phần (từ Bắc Bình Định vào Nam Bình Thuận); Đi và Đến, Thấy và Hiểu cái nghĩa của chữ chiến tranh dưới tầm nhìn của một chiến binh, hoặc của một người dân, sự kết thúc trên bất cứ hiện trường nào cũng đều bi đát và tang thương!
Máu, nước mắt, và những tiếng rên đau, tổng hợp thành những bi khúc triền miên. Những bi khúc theo dòng thời gian chưa hề bị gián đoạn trong suốt hơn nửa thế kỷ qua vẫn còn được viết tiếp khi bước chân của người Việt lưu vong, dẫu đã hay chưa từng đặt lại bước chân mình trên vùng đất khổ.
Chính tôi cũng đang bị sức cuốn của các bi khúc dẫn dắt vào ngòi bút ngay khi đặt thân tâm mình trên vùng đất đó.
Những biến cố thời cuộc như một con giốc oan nghiệt mà mệnh số đẩy tôi tuột xuống đáy vực bi thương. Không chỉ mình tôi, cả hàng triệu người cùng chung số phận. Nên nhiều lúc tôi không tin ẩn tích trên những đường chỉ trong lòng bàn tay, khi nhớ lại đã có lần xem tử vi được Thầy phán: Đường sinh đạo của nhà ngươi rất là may mắn!
Trên một đất nước vừa nghèo đói, lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá bao nhiêu năm. Thử hỏi những gì còn tồn tại mà không bị tì vết của bi thương hằn dấu? Những thực thể của một quê hương yêu dấu đã bị rạch nát, niềm tin của con người cũng bị băm vụn ra. Không thể nào lắp ghép và hàn gắn nguyên lành cho một tổng thể quê hương hùng vĩ và hoàng tráng.
Có thể nói, khi tôi đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên, vừa lúc cuộc chiến Việt Nam lan rộng và vượt lớn ngoài sự tiên liệu, ngay cả các nhà chiến lược cũng không tính được dã tâm của cuộc chiến, bi thảm và tàn khốc như thế. Từng khối lửa úp chụp xuống những Thôn Làng, và cả những Thị Trấn, Thành Phố. Trên từng không gian đó, con người luôn ngửi thấy mùi khét cháy của thịt da. Xương máu lấp lánh dưới ánh hỏa châu suốt nhiều đêm, nhiều tuần, nhiều tháng, qua các địa danh mà mỗi khi nhắc đến còn thấy rợn người: A-Shao, A-Lưới, Ban hét, Dakto, Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả, An Lộc...!
Những điểm đỏ nhấp nháy trên bản đồ chiến trận đã hất tung lên một hợp chất gồm cỏ xanh, lúa vàng, mái tranh, xác xương người, trộn lẫn với hỗn loạn âm thanh của những tiếng thét, tiếng rú, tiếng rên la gào khóc, đã làm thành những bi khúc thời đại.
Điển hình cho những bi khúc là "Thung Lũng Hồng", một điểm dừng trên đường triệt thoai quân từ tây nguyên về duyên hải:
Đây không phải là "thung lũng hồng" của Đà Lạt - thung lũng đẹp và thơ mộng, đã có biết bao lời thơ,tiếng hát nói về nó.
Thung- lũng- hồng mà tôi nói ở đây, đối với tôi là một địa danh buồn, mãi mãi buồn. Ba chữ THUNG LŨNG HỒNG được viết bằng sơn xanh màu lá trên một mảnh kim loại xám, được dựng ở ven đường Liên Tỉnh Lộ 7 (vùng Cheo Reo / Phú Bổn). Khi thấy cái địa danh này, trong thoáng chốc tôi đã quên đi cái vùng lửa từ phía sau đang cuộn tới bén gót chân đoàn người di tản từ cao nguyên xuống đồng bằng - họ đi tìm Sống - vào những ngày cuối tháng 3/1975.
Thung-lũng-hồng! Một ngữ âm buồn mà đẹp, một chất giọng thơ nẩy lên từ vùng đất chết, đã đẩy tôi đến một nghịch thường: thi vị hóa một hiện trường đầy máu và nước mắt của thân quyến tôi, của bạn bè tôi. Phải chăng đó là nét bi tráng? Một tấu khúc toàn những vọng âm buồn nổi lên trên cái nền nhạc Jazz cuồn cuộn lửa.
Những dòng thơ tôi viết từ hiện trạng đó, bây giờ đọc lại, lòng vẫn còn nao nao xúc động - một xúc động nghẹn ngào - khi nét mặt bạn tôi hiện lên rõ nét, mà nó thì mãi mãi nằm xuống trên thung lũng buồn. Rồi còn mãi thấp thoáng trong ký ức tôi những giòng nước mắt.
Thung Lũng Hồng
Trưa đong đầy nắng Hạ
đi qua thung lũng hồng
nơi đây vùng đất lạ
sao nghe buồn mênh mông
bên trái - những cánh đồng
đạn cày,bom gieo hạt
bên phải - giòng sông Ba
với đôi bờ xơ xác
vách núi cao dựng đứng
bờ vực thăm thẳm sâu
xác người vắt lơ lửng
dọc hai bên thành cầu
bầy chiến xa quay đầu
đạn cày tung vách đá
rừng núi bỗng đổi màu
hồng hoang ngày tháng Hạ
lửa trào lên cuồn cuộn
đốt cháy thung lũng hồng
bạn bè vừa ngã xuống
ta rơi vào hư không!
Cao Nguyên
Nha Trang mùa Hạ 1975
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét