Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

Cách Mạng Nhân Bản

Quanh chiều thu xám, giữa lá vàng rơi. Mới thấm sự im lắng với nỗi buồn của kẻ ly hương vọng về cố quốc.
Sau mấy ngày miền Đông Bắc báo bão, mưa gió rì rào đủ cho cái lạnh tràn vào da thịt, chân lười bước dạo quanh rừng phong vào thu tuyệt đẹp với sắc lá vạn màu.
Đang mơn man nghiệm chính điều mình nói về tình đất, chất người trong video clip về buổi giới thiệu Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh vừa nhận qua email, thì người bưu điện gõ cửa.
Lại sách. Chữ nghĩa sao đến nhiều thế. Giá mà bán được vài quyển sách đủ loại vừa nhận được trong tuần, cũng kiếm đủ tiền mua chai rượu sưởi ấm người lính già.
Sách nhận được chiều nay là đặc san "Văn Đàn Thời Đại" số 2 do chủ nhiệm Phạm Trần Anh gởi. Tuyển tập văn thơ không nặng lắm, chỉ trên 300 trang nhưng dung chứa biết bao điều cần được biết qua tự thuật và biên khảo của hơn 40 văn thi hữu bốn phương đã chứng kiến trước và sau cuộc chiến Việt Nam. Tất cả nội dung luôn xoay quanh trục xoáy hướng tâm vào cuộc phục hưng đạo lý, nhân quyền và kỷ cương quốc thổ.
Thời đại mới, văn phong phải mới. Chữ nghĩa phải nhanh mới bắt kịp dòng thời sự của thời đại tin học toàn cầu. Cần biết và hiểu từng sự kiện chính trị diễn biến liên tục tác động từ quốc nội ra hải ngoại và ngược lại. Sự tác động của thời cuộc bùng lên cuộc vận động tri thức của toàn dân chứ không là trí thức khoa bảng giáo điều phục vụ lợi ích cá nhân và phe nhóm.
Bởi thời cuộc ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân, từ ấm no đến hạnh phúc, từ tự do dân chủ đến nhân quyền.
Trong nguồn tri thức toàn dân, phần chủ lực vẫn là các bạn trẻ trong và ngoài nước biết được trách nhiệm của mình là nối bước theo cha ông trên hành trình cứu và giữ nước đúng truyền thống chống ngoại bang Trung cộng và nội thù dân tộc là tập đoàn cộng sản Việt Nam.
Từ các bài học lịch sử qua cuộc chiến Việt Nam, các bạn trẻ trong và ngoài nước ngày càng thấu hiểu nguyên nhân và hậu quả cuộc chiến do tập đoàn cộng sản miền Bắc khởi xướng. Đã giết chết hằng triệu thanh thiếu niên miền Bắc trong cuộc chiến và triệt phá, san bằng nền đạo đức dân tộc Việt sau khi cuộc chiến chấm dứt. Sau 40 năm cộng sản thống trị toàn lãnh thổ, Việt Nam hôm nay là một xã hội hỗn loạn trên hầu hết môi trường sinh thái và nhân bản.
Nền giáo dục giáo điều tạo điều kiện cho bạo lực phát sinh thao túng xã hội phụ họa theo lực lượng cường quyền bạo ác gây tang thương cho nhân dân ở mọi nơi, mọi lúc.
Cuộc cách mạng văn hóa cũng cam go và đầy thử thách như cuộc cách mạng do các phong trào yêu nước đang diễn ra khắp nơi. Mỗi cá nhân của phong trào phải trực diện với kẻ thù hung ác, luôn muốn tiêu diệt sức đề kháng của tự do dân chủ phát sinh từ ý thức căn bản quyền làm người.
Để sống còn đúng nghĩa con người, quyền làm người được xác định từ những người dân bị chính quyền cướp đi tài sản, từ người trí thức bị cơ chế Đảng buộc phải đi theo con đường chủ nghĩa phản quốc và mị dân, từ nhân sinh đòi hỏi quyền được sống trong an vui và tự chủ, từ thế hệ trẻ muốn mở rộng tầm nhìn vào thế giới tự do... Nhưng tất cả đã và đang bị gọng kềm độc tài của chế độ siết chặc và đè nén. Cho nên sự bùng phát để thoát ra khỏi ách thống trị là lẽ đương nhiên và tất yếu, khi con người cần phải được đứng đúng vị trí làm người.
Tôi muốn được làm người! Từ lời than van đến tiếng kêu thống thiết từ mỗi con người hay từ mỗi dân tộc đều làm cho nhân loại bàng hoàng khi nhìn vào nơi phát ra lời kêu cứu. Việt Nam đó, quê hương tôi bây giờ như thế đó. Các hội đoàn và tổ chức nhân quyền trên thế giới đau lòng và phẩn nộ cảnh báo. Thế nhưng tập đoàn cộng sản Việt Nam cứ phớt lờ, mặc cho dân nghèo đói, văn hóa suy tàn, đạo đức dân tộc bị hủy diệt theo chủ trương bất biến của cộng sản: ngu để trị, đói phải theo, sợ hãi phải im lặng!
Cuộc thống trị của cộng sản hơn 70 năm trên đất Bắc và 42 năm trên toàn cõi Việt Nam, đã đưa đất nước Việt Nam vào thời kỳ hỗn loạn và băng rã toàn diện nền văn hóa dân tộc và nhân phẩm con người. Sự rối loạn xã hội đồng thời với sự khuynh đảo của bọn Hán nô nhập cư theo thỏa thuận của Việt cộng và Trung cộng nhằm chiếm hữu từng phần các vùng đất Việt Nam. Báo động toàn dân về thảm họa diệt chủng và mất nước.
Từ lời kêu cứu tôi muốn được làm người đến nổi đau về thảm họa diệt vong, mỗi người dân Việt cần phải hợp lực vùng lên thực hiện cuộc cách mạng để cứu chính mình và thế hệ con cháu mình thoát khỏi cuộc thống trị tàn khốc của cộng sản Việt Nam. Không còn chế độ cộng sản, Việt tộc sẽ vươn lên, đất nước sẽ phú cường. Đó là việc tất yếu mà mỗi người dân có trách nhiệm phải làm đối với quốc gia, dân tộc.
Mùa Xuân 2017 với bao kỳ vọng mong chờ từ khắp nơi vào sinh lực của toàn dân vì tiền đồ tổ quốc. Mùa Xuân hy vọng tự do dân chủ được tái lập trên quê hương Việt Nam với cuộc cách mạng nhân bản được phát động từ quốc nội và sự yểm trợ tích cực của tập thể người Việt hải ngoại.
Cao Nguyên
@
Diễn đọc: Phương Loan
Youtube: An Nhiên TV
Người mẫu: Destiny Nguyen (Hậu Duệ VNCH)

TÔI CHỈ MUỐN LÀM NGƯỜI

Màu sắc áo dài xưa 1954-1975

Chân Dung Áo Dài



Chân Dung Áo Dài 

Chân Dung Áo Dài với tôi, luôn đẹp tuyệt vời, đẹp cả dáng và hồn. Hồn của trái tim Việt Nam trong biểu tượng chiếc Áo Dài.
Nếu thuở ươm thơ vào đường tình, không có sức mê hoặc của tà áo dài, chưa chắc nét duyên Em hiện trên thực thể, chưa chắc mái tóc huyền Em dự lễ đăng quang trong ánh mắt thơ.
Áo dài trắng, mái tóc đen . Đã làm nên một tuyệt tác ảnh đủ sức cảm rung từng con chữ trên cung bậc thơ ca. Vì thế mà tôi đã theo Áo Dài suốt bốn mùa với sắc màu thay đổi. Trắng: trinh nguyên, Tim: nhớ thương, Vàng: đam mê, Đỏ: kiêu hãnh …
Như Sài Gòn, Em và chiếc áo dài đều trong trái tim tôi. Luôn trong tầm nhớ thật gần, tưởng chừng chỉ vói tay là chạm được.
Chẳng thế mà tôi có một bộ sưu tập ảnh “Áo Dài Việt Nam” thời chưa bị biến tấu, chưa bị những thẩm mỹ viện cắt ráp vá khâu thêm những rẻo đời thời thượng!
Tôi hãnh diện khoe sưu tập ảnh cùng kẻ năm châu mỗi khi có dịp. Như khoe mình là con cháu Văn Lang. Nên chi trong dòng thơ khoát danh “Thi Sử” tôi đã đưa tà áo dài em lên cùng với lịch sử Sài Gòn:
Sài Gòn - Em, và chiếc áo dài
Dựng trước anh chân dung mùa Hạ cũ ..

Ơi Sài Gòn! Ơi Áo Dài! Tiếng gọi trầm lắng trong mạch triều âm vỗ hai bờ Đông – Tây biển Thái Bình xanh thẩm. Điều kỳ diệu là thời gian không làm phai nhạt màu sắc của ký ức. Vẫn mãi nhớ ngày mới quen Em nơi bờ sông Quê Nội, nhìn qua gương nước lấp lánh màu sen hồng trên nền áo lụa xanh.
Trời, nước, hoa và áo dài cùng một game màu thanh nhã. Từ đó mỗi lần cùng Em dạo trên những quãng đường chiều, tôi thích Em mặc áo dài màu xanh của biển. Nét tương phản giữa ánh hoàng hôn với màu xanh lung lình sóng biển, đẹp vô cùng. Nắng vàng tạo nên những gợn sóng hừng hực đam mê lăn tăn trên tà áo màu biển xanh. Không còn là màu ẩn dụ, mà là màu thơ, màu của trí tưởng phát họa nên sắc thái hài hòa giữa sự khắc chế của sinh tồn:
ôi tôi đi giữa bồi hồi
một khung trời nhớ đã đời giữa tâm
như người tình cũ bao năm
tưởng như biệt giữa thăng trầm, còn vương ..

Thương vô cùng tiếng gọi Việt Nam, tiếng gọi Sài Gòn. Nhớ vô cùng tà áo dài một thuở đùa vui cùng hoa phượng đỏ, hay trong lất phất mưa rũ lá me bay trong chiều Thu cũ trên từng góc phố thân quen!
Chân dung áo dài, chân dung của tình sử Việt Nam đẹp tuyệt vời .

Cao Nguyên

Tổ Quốc Trong Tâm


Tổ Quốc Trong Tâm

Khi người lính già bước vào dĩ vãng 
gởi những tâm thư theo bóng cờ vàng 
nhắc nhở cháu con từng trang chiến sử 
mong được tiếp truyền vinh dự chinh nhân


Gia tài cha ông chu toàn tâm huyết 
Hậu Duệ Cộng Hòa tha thiết khắc ghi 
Tổ Quốc trong tâm duy trì trách nhiệm 
ân nghĩa Quê Hương ra sức bảo trì


Gìn giữ Cờ Vàng hồn thiêng Dân Tộc 
suốt cuộc hành trình phục quốc vinh quang 
thiết lập kỷ cương hòa bình độc lập 
văn hóa bảo tồn truyền thống Văn Lang


Học lịch sử phải biết làm lịch sử 
độc lập tự do không tự phát sinh 
mà phải đổi bằng chính mình xương máu 
vì non sông và Tổ Quốc Việt Nam


Khi Tổ Quốc gọi tên sẵn sàng đứng dậy 
vui gì hơn làm người lính đi đầu 
chiến đấu vì dân nghĩa tình nhân ái 
dòng máu Lạc Hồng thắm mãi ngàn sau.


Cao Nguyên 
Washington.DC - 27/01/2018

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Tuổi Trẻ Vinh Quang


Tuổi Trẻ Vinh Quang


Xuân đang đến muôn hoa khoe sắc 
Tuổi trẻ ơi cấp bách đồng hành 
Cất lời hát vang trời dậy đất 
Đòi dân sinh dân chủ Việt Nam

Đừng mãi nhìn nỗi buồn dân tộc 
Ngẩng cao đầu quên khóc bi ai 
Quê hương cần bàn tay xây dựng 
Đồng bào mong hạnh phúc tương lai

Phải diệt bọn tham tàn cướp nước 
Đã đưa dân vào cuộc điêu linh 
Tàn phá hết công trình lập quốc 
Quên nghĩa tình xương máu anh em

Lấy hào khí Việt Nam vùng dậy 
Hợp lòng dân tuổi trẻ lên đường 
Hồn dân tộc khởi lên từ đấy 
Quyết đấu tranh giành lại quê hương

Quyết lấy lại núi rừng biển đảo 
Bọn cầm quyền bán tháo cho Tàu 
Đi vì đất vì tình nhân đạo 
Đi để không hổ thẹn làm người

Xuân khởi sắc hồng tươi hy vọng 
Dậy mà đi theo bóng tiền nhân 
Tình thân ái nối vòng tay rộng 
Nguyện kết đoàn xây dựng non sông

Đời cha ông niềm tin trao trọn 
Vào hồn thiêng tổ quốc anh linh 
Giúp cháu con thực thi ước vọng 
Nhìn quê hương dân chủ hòa bình

Hãy cùng đi đến chân trời mới 
Dưới trời xanh phất phới cờ vàng 
Hằng triệu người quê nhà mong đợi 
Tuổi trẻ Việt Nam phục quốc vinh quang.


Cao Nguyên 

@

Lời Cao Nguyên  /  Nhạc Dzuy Lynh 

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa


Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại
Thư Ngỏ
Kính thưa các bậc trưởng thượng, quý đại diện các hội đoàn cùng toàn thể các cựu Dân - Quân - Cán-Chính Việt Nam Cộng Hoà, các bằng hữu và anh chị em hậu duệ VNCH thân mến,
Người lính Việt Nam Cộng Hoà... hơn hai mươi năm chinh chiến với bao nhiêu xương máu đã đổ để bảo vệ từng tấc đất của Miền Nam Việt Nam tự do. Khi vận nước đến lúc điêu linh, thì bao nhiêu thân trai đã mang thân tù đày hay bỏ mình trong rừng sâu nước độc, kẻ sống lưu vong trên khắp năm châu bốn biển. Trong kiếp lưu vong với hai bàn tay trắng, một lá cờ vàng và một ý chí bất khuất, người chiến sĩ xưa lại một lần nữa làm lại cuộc đời, nuôi nấng gia đình, tạo dựng một thế hệ hậu duệ con cháu đa tài, mang vinh danh cho dòng giống Lạc Hồng.
Hôm nay, anh em chúng con, Hậu Duệ VNCH, tuy chân không đi trên đất mẹ, vai không nặng gánh non sông, không kiến thức quân trường, nhưng ý chí bất khuất trước quân thù cộng sản đã thấm nhuần vào dòng máu như lá cờ Vàng của tổ quốc, xin đứng lên đón nhận trọng trách và đi tiếp con đường dang dở của thế hệ cha ông oai hùng, để tinh thần VNCH và ý thức phụng sự cho Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm được duy trì mãi mãi cho thế hệ mai sau.
Anh em Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hoà sẽ cùng nhau đoàn kết góp sức để tiếp tục vinh danh truyền thống và danh dự hào hùng của Quân Lực VNCH, sẽ phất cao cờ Vàng khắp nơi trên thế giới, sẽ xây dựng những trung tâm văn hóa để duy trì di tích lịch sử VNCH, sẽ tạo lên tiếng nói cho thế giới thấy sự tàn ác xảo trá của người Cộng Sản Việt Nam với mưu đồ bán nước hại dân. Hậu Duệ VNCH HN sẽ đào tạo cho con cháu Việt Nam đọc và hiểu tiếng Việt để các thế hệ kế tiếp biết hãnh diện về cha ông mình và tạo cho mình một tương lai vững chắc trong xã hội tự do với kiến thức uyên bác để nhận xét được sự phải trái giữa Quốc Gia và Cộng Sản, và làm hãnh diện cho người Việt Nam Tự Do khắp nơi.
Chúng con, trân trọng kính mời và kêu gọi sự góp mặt của các chú bác, đại diện các đoàn thể về đây để chứng kiến và góp phần xây dựng với chúng con trong dịp ra mắt Nhóm Hậu Duệ VNCH Hải Ngoại. Sự có mặt của các chú bác và anh chị em hậu duệ VNCH là một vinh hạnh lớn lao và là một sức mạnh tinh thần quý báu để giúp chúng con tiếp nối con đường trường trước mặt cho đến ngày quê hương Việt Nam thật sự xoá bóng cộng thù và đất nước được rợp bóng cờ Vàng tự do.

Trân Trọng ! 
Ủy Ban Vận Động 




Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đi Vẽ Hòa Bình


"... rằng ta đi vẽ hòa bình 
trên lưng cuộc chiến để tình thăng hoa ..."
Nhân ngày tưởng niệm Hoàng Sa 
nhớ người chiến sĩ cõi xa hiện về !

*****
Đi Vẽ Hòa Bình
đêm qua, em từ đất về 
hiển nhiên thân xác ê hề bụi vương 
hồn đau, phách đợi thiên đường 
kể từ em bỏ chiến trường ra đi

đá buồn, mưa khắc chữ bi 
mờ trong xa lắc xanh rì cỏ rêu 
tuổi em hồi đó bao nhiêu 
chắc như vừa chỉ biết yêu lần đầu

vậy mà đi hút vào sâu 
không lời kịp nhắn về đâu, chỗ nào 
nền trời vắng một vì sao 
lòng người nước mắt rưng đau dọc đời

em về ngồi giữa chơi vơi 
uống trăng như thể rượu mời thuở xưa 
hỏa châu sáng mấy chưa vừa 
còn chong con mắt thắp thừa lòng tin

(rằng ta đi vẽ hòa bình 
trên lưng cuộc chiến để tình thăng hoa!) 
rừng đang xanh bỗng lửa òa 
đất quằn trong lốc, khói nhòa bóng em!

bao nhiêu năm nhân loại tìm 
chưa ra bản vẽ hòa bình của em 
tấm lưng cuộc chiến còn nguyên 
chỉ thêm vết đạn xuyên tim xoắn vào!

Cao Nguyên 

@

A sketch of peace
You came back yesterday from the ground 
Your body was obviously stained with dust 
Your soul hurt, ready to go to heaven 
Since you left the battle field,leaving this world

On the stone the rain cut in the word of tragedy 
now faded on the green grass after the passing years 
I wonder how old you were then 
Probably a teenager who just learned love the first time

Yet you have gone too far away 
without leaving a notice telling where to 
A star has faded out in the sky 
Only the tears of suffering flowing for life

You returned sitting in solitude 
Enjoying the moonlight as if it were the old days’ wine 
So many shining flares was not enough 
We still lay awake to lighten our faith

(that we set off to draw a sketch of peace 
right in the war to enhance humanity!) 
The green forest was set on fire suddenly 
The earth trembled in the tornado,the smoke blurred your image!

For years one keeps looking forward to 
finding the drawing of peace of your own 
The wounds of the war have been never healed 
Only more bullets perforating the heart mercilessly!

Translator: Nguyễn Hữu Thời

Lễ Khánh Thành Tượng đài Trần Hưng Đạo


Lễ Khánh Thành Tượng đài Trần Hưng  Đạo 

 tại Arlington Texas / Hoa Kỳ 


Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Tưởng Niệm Anh Hùng Dân Tộc Trần Văn Bá

Kỷ Vật Nghìn Năm

Từ Duyên Văn Nghệ đến Kỷ Vật Nghìn Năm
Sáng hôm nay dạo FaceBooK, trên trang của anh Bảo đã thu hút mắt tôi đắm nhìn vào tấm hình ghi lại cảnh một người thiếu nữ cầm sợi dây mang tấm thẻ bài đang áp má vào chiếc nón sắt đặt trên nền cờ vàng đã úa màu. Phía trên tấm hình, anh Bảo ghi: "Xin cho một cái tựa". Dòng chữ của tôi thoát ra từ cảm xúc dâng tràn qua tấm hình. 
Tôi đã viết tựa đề cùng bốn câu thơ:
Kỷ Vật Nghìn Năm 
 
Em úp mặt bên vành nón sắt
Nhìn thẻ bài lóng lánh tên anh
Cờ tổ quốc hoen vàng ánh mắt
Đẹp nào hơn kỷ vật nghìn năm !
Phải rồi, không có gì đẹp hơn những kỷ vật đó. Khi nghĩ về những chiến hữu cùng thời chiến đấu trên các mặt trận với sứ mạng chống quân xâm lược Bác phương để bảo vệ Miền Nam Việt Nam. Phụ họa theo hình và thơ, tôi đưa lên clip video bản nhạc " Góa Phụ Ngây Thơ" của nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn.
https://www.youtube.com/watch?v=7JMF6BTdMZQ
Dòng thơ nhạc cuốn tôi vào nỗi nhớ bâng khuâng về hình ảnh những người thiếu phụ năm xưa đi nhận xác chồng từ nơi hỏa tuyến hay trong các quân y viện.
Nỗi cảm hoài ray rức suốt nửa thế kỷ qua đã bật dậy theo ý nghĩ miên man đến dòng thơ của anh Linh Phương trong bài " Kỷ Vật Cho Em" và của chị Lê Thị Ý trong bài "Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng" với phiên bản sau này mang tựa đề "Tưởng Như Còn Người Yêu".

Tôi chưa có cơ hội gặp anh Linh Phương dù đã biết tên nhau trong nhiều năm qua trên các trang văn học online. Riêng với chị Lê Thị Ý thì tôi đã hân hạnh gặp và kết giao thân tình văn nghệ trong hội Văn Học Nghệ Thuật Hoa Thịnh Đốn, từ thời còn nhà thơ Hà Bỉnh Trung làm hội trưởng. Hiện nay các thành viên của hội vẫn còn gặp nhau trong các sinh hoạt văn học nghệ thuật trong khung cảnh thân tình của hội tại Nhà Việt Nam do em của chị Lê Thị Ý là chị Lê Thị Nhị điều hành.

Nhân buổi sinh hoạt tưởng niệm ngày quốc hận 30 tháng 4 vừa qua, vẫn trong câu chuyện thân tình, tôi gợi lại bài thơ "Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng" với chính tác giả Lê Thị Ý, chị ấy sửa câu thơ thành "phòng không đi nhận xác chồng" và tôi thêm "bởi vì thuở ấy nàng còn độc thân", vì khi làm bài thơ này, chị Ý chưa có chồng. Chỉ vì cảm cảnh hằng ngày nhìn những người thiếu phụ đi nhận xác chồng từ mặt trận trở về mà viết thành bài thơ đầy nỗi ngậm ngùi!
" ... Lúc đó là năm 1970, tôi sống tại Pleiku. Thành phố nhỏ bé này vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep; hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà tôi ở gần nhà xác của quân đội. Tôi chứng kiến cảnh biết bao các bà đi nhận xác chồng. Tôi thấy đàn bà, con nít đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. Rõ ràng nỗi đau của những người có chồng chết trận là nỗi đau của chính mình. Thành thật, tôi vô cùng xúc động và chính tôi sống bằng hình ảnh những người vợ lính, vợ sĩ quan khóc bên xác chồng. Nỗi buồn đau đó là nỗi buồn đau của mình.."
(trích bài cùa nhà báo Đinh Quang Anh Thái phỏng vắn nhà thơ Lề Thị Ý)
https://tuoitrevenguon.blogspot.com/…/ngay-mai-i-nhan-xac-c…
Nội dung bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với tựa “Thương Ca 1”, phiên bản sau này là " Tưởng Như Còn Người Yêu". Lời thơ ngân lên từ các giọng hát đã làm xúc động hằng triệu con tim cùng thời chinh chiến và con cháu hậu duệ VNCH.
Đó là kỷ vật sống bằng ngôn ngữ và âm thanh nổi lên trên những kỷ vật hiện hình của cuộc chiến. Những kỷ vật này mãi mãi được lưu truyền trong dòng văn hóa sử Việt Nam.
Chân thành cảm ơn các tác giả đã làm nên những tác phẩm sống trên dòng tưởng niệm xót xa trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ quê hương .
Cao Nguyên
@



Người Lính Chưa Bao Giờ Giải Ngũ


“Có người lính già thao thức trong đêm
Nghe dấu đạn bom chưa mờ ký ức
Nhìn ánh sao sa mà ngỡ hỏa châu rơi
Gọi tên non sông gọi tên đồng đội
Tàn đêm cô đơn gọi tên chiến trường
Mũ Xanh áo trận mang kiếp sống ly hương…” (Người lính không bao giờ chết)
“Là một người lính, tôi cũng như các chiến hữu, những người đang sống lưu lạc ở xứ người đất khách vẫn quan niệm rằng cái cuộc đời binh nghiệp của mình vẫn chưa chấm dứt sau cái ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cái lý tưởng đó đeo đuổi chúng tôi suốt cả cuộc đời.”
9 giờ sáng ngày 15 tháng 9 năm 1972, đơn vị Thuỷ quân lục chiến tiếp bước con đường của binh chủng nhảy dù vào tái chiếm và lấy lại Cổ Thành Đinh Công Tráng, trong đó, có một người lính trẻ đã bị thương. Lúc đó, nhìn ngọn cờ đất nước bay ngạo nghễ giữa chiến trường chưa tan mùi khói đạn, những hố bom hố đạn loang lổ trên đường, anh lính xúc động trong niềm vui chiến thắng, nhìn và nghĩ đến một ngày hoà bình không xa.
“Sau khi băng bó tạm, sau khi các phóng viên chiến trường cùng Tổng thống Thiệu ra thăm tại mặt trận. Lúc đó cây đàn của tôi bị đạn pháo kích bể hết rồi chỉ còn hai sợi dây thôi. Tôi viết bài Buổi sáng tiếng chim và mặt trời."
“Mặt trời lên mặt trời lên
Xua tan bóng đêm hãi hùng chiến tranh
Cho đất quê ta thôi cày lên xác thù
Hoà bình ơi ơi hoà bình ơi”
Đó là tác phẩm đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của người lính Dzuy Lynh. Thành phố Quảng Trị với Cổ Thành điêu tàn, xơ xác, âm thanh chỉ toàn tiếng súng, tiếng hoả châu. Nhưng người lính trẻ Dzuy Lynh vẫn cảm thấy như tiếng chim đang hót vang trên bầu trời.
40 năm sau kể từ khi ca khúc đầu tiên ra đời với vài câu đơn giản ấy, ông thú nhận rằng mình không thể nào viết tiếp lời thứ hai.
Bài hát trở thành kỷ niệm!
Tất cả nhạc tôi viết ra bằng con tim, bằng ký ức, bằng vết thương lòng. Mà cho đến bây giờ, vết thương đó chỉ có phai mờ đi thôi. Lâu lâu nó cũng bưng mủ và nó làm nhức nhối mình lắm.
Tôi vẫn là người lính
Dẫu cho rằng, thời gian và năm tháng đã bào mòn tuổi tác và sức khoẻ, nhưng với ông, một ngày đi lính, là một đời mang dòng máu lính trong người.
“40 năm trước và 40 năm sau, Dzuy Lynh vẫn là một người lính, vẫn làm thơ, vẫn viết nhạc, và lúc nào cũng hoài hương, nhớ về cố quốc. Tình yêu nước vẫn nồng nàn như xưa không có gì thay đổi.”
Có lẽ vì vậy mà khi nghe nhạc của Dzuy Lynh, bất cứ ai, dù là thế hệ nào cũng có thể nhắm mắt và hình dung được cả một vùng trời chiến thuật. Vì ông đã mang hình ảnh của đồng đội mình, từng người một, từng ngọn núi, từng ngọn đồi trên con đường hành quân ngày trước chuyển hoá thành linh hồn trong ca khúc ông sáng tác.
Nhạc của Dzuy Lynh không ca ngợi chiến tranh, cũng không khóc thương cho cuộc chiến. Mà nhạc của ông là những câu chuyện không bao giờ dứt về cuộc đời của người lính, về những đêm hành quân nhìn hoả châu, về những mật danh oai hùng đã hằn sâu trong ký ức.
“Bài hát đầu tiên mà viết ở Hoa Kỳ là viết để vinh danh những đồng đội trong cuộc chiến, mà cũng là viết cho mình. Có những đêm ngồi nhìn ngôi sao nó sa xuống thung lũng mà cứ ngỡ là hoả châu rơi ngày xưa. Bài hát đó tên là ‘Người lính không bao giờ chết’”
“Nhớ gì không? Khe Sanh, Hạ Lào, Ấp Bắc!
Nhớ gì không? (Thức dậy đi!) Mãnh Hổ, Quái Điểu, Thần Ưng!
Nhớ gì không? Sấm vang Cổ Thành: Lôi Hỏa!
Nhớ gì không? (Thức dậy đi!) Nỏ Thần, Thần Tiễn xé không gian...

Có người lính già đi dưới quân kỳ

Nghe dấu đạn bom nhớ đời Viễn Thám
Dầu đã nát chinh y... dầu đã gãy gươm thiêng...
Còn vòng tay quê hương! Còn tình yêu đồng đội!

Khi người lính già người lính chỉ mờ đi...

Người lính chỉ mờ đi ...
Mà không chết bao giờ!”(Người lính già không bao giờ chết)
Tuy những ngày tháng đó là bất tử trong tâm tưởng của ông, những ông phải chấp nhận rằng mình có những bạn bè, đồng đội đã nằm xuống, ngủ giấc ngủ dài xuyên qua cuộc chiến.
“Hôm nay tôi trở về đây
Ngồi môt mình nghe tiếng dế nỉ non
Một chiều buồn ngủ vội giấc hoàng hôn
Ánh trăng non chốn tha ma mộ địa
Soi bóng một mình tôi bên nghĩa trang buồn...” (Xin cho anh tròn giấc ngủ)
Nền âm nhạc của Việt Nam chúng ta có cố nhạc sĩ Phạm Duy từng có những ca khúc viết về cuộc chiến, viết cho người thương binh, người nằm xuống. nhưng chúng ta sẽ thấy hình ảnh của người lính trận “trở về” trong ca khúc của Phạm Duy mang đậm nét hào hoa diễm lệ, bi tráng với băng ca và trực thăng sơn màu tang trắng.
hqdefault400.jpg
Bài hát Người lính không bao giờ chết của ca nhạc sĩ Dzuy LynhScreenshot of Youtube
Còn người lính trong ngày trở về của Dzuy Lynh là một nghĩa trang buồn, tiếng dế nỉ non thay không có tiếng phi cơ oai hùng. Người thương binh trong ca khúc của ông là những nhân vật tên gọi là mày, là tao. Là những câu chuyện trong đời thường của những người mà ông nói rằng họ đang bị bỏ quên bên lề cuộc sống.
“Tất cả nhạc tôi viết ra bằng con tim, bằng ký ức, bằng vết thương lòng. Mà cho đến bây giờ, vết thương đó chỉ có phai mờ đi thôi. Lâu lâu nó cũng bưng mủ và nó làm nhức nhối mình lắm.”
Trong miền ký ức của người lính Dzuy Lynh, ông dành hẳn một khoảng trời rộng để nghĩ đến những người lính trở về từ cuộc chiến với thân thể không còn lành lặn. Họ không xa lạ, chính là đồng đội của ông, những chứng nhân của cuộc chiến.
“Bài hát này viết ra xong, nhẹ lòng lắm, coi như mình đã trả 1 món nợ cho đồng đội mình, những người đã bỏ quên 1 phần thân thể trên chiến trường mà đồng đội không có thể cầm về cho họ. Giữa quê người tôi vẫn gọi vang tên anh.”
Người Thương Binh Việt Nam non sông nợ ơn Người!
Người Thương Binh Việt Nam Tổ Quốc nhớ công Anh!
Người Thương Binh Việt Nam chúng tôi vẫn nhớ Người!
Người Thương Binh Việt Nam giữa quê người tôi hát nhớ Anh!
Xin viết vần thơ về người thương binh phương Nam…” (Giữa quê hương tôi viết tên anh)
Hình ảnh và những tiếng long trời của đại bác hằng đêm vang cả một góc trời, tiếng gầm thét của những con chim sắt tung mây lướt gió ngoài mặt trận để ngăn bước quân thù, những quả mìn xé nát màn đêm trong phòng tuyến như còn văng vẳng đâu đây. Đó là một trong những miền ký ức của Dzuy Lynh. Từ đó, ông viết lên Giữa quê người tôi hát tên anh.
Buông súng, cầm đàn
Ông rời quê hương, mang theo cuộc chiến đã tàn và một đất nước chỉ còn trong tâm tưởng. Ông nói rằng ông là người lính buông súng cầm đàn, để thực hiện sứ mệnh mà ông chưa bao giờ từ bỏ.
Con đường chúng ta trong tương lai còn rất dài và rất gian khổ. Chúng tôi, thế hệ thứ nhất đã mỏi mòn rồi.bây giờ những người ở lứa tuổi chúng tôi chỉ còn sống trong giấc mộng trầm kha của thời xưa thôi. Người ta nói tuổi trẻ sống cho tương lai, trung niên sống cho hiện tại,  niên lão sống về quá khứ. Những chuyện xảy ra ở mặt trận mấy mươi năm về trước, tôi không thể nào quên được. Không bao giờ!”
Với ca nhạc sĩ Dzuy Lynh, tất cả vẫn còn đó. Lý tưởng, niềm tin, niềm hân hoan sau những trận thắng và cả những nỗi kinh hoàng khi phải đối diện với cái chết của đồng đội vẫn chưa bao giờ bị phai mờ, cho dù ông đã bước ra khỏi cuộc chiến hơn 40 năm. 

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

DU CA

Tưởng Như Còn Người Yêu

Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng

Lê Thị Ý: Tác Giả ‘Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng’ – 

Cuối thập niên 70, trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu” do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Lê Thị Ý gây xúc động lớn lao cho người nghe. Nhà thơ Lê Thị Ý xuất thân trong một gia đình văn nghệ.
Người anh lớn là nhà thơ Vương Ðức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị. Lê Thị Ý làm thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học và viết đều hơn khi theo gia đình vào Nam năm 1954.Nhân dịp từ Virginia đến California ra mắt tác phẩm mới tại phòng sinh hoạt Lê Ðình Ðiểu của nhật báo Người Việt, bà đã dành cho biên tập viên Ðinh Quang Anh Thái cuộc nói chuyện thân mật sau
đây.
-Đinh Quang Anh Thái: Tình khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu”, thơ của bà, Phạm Duy phổ nhạc; tựa đề khởi thủy của bài thơ là gì ạ?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc bấy giờ vào năm 1970, tôi viết 10 bài thơ trong tập thơ “Mười Bài Thương Ca”; bài mà Phạm Duy phổ thành ca khúc là “Thương Ca 1”.
-Đinh Quang Anh Thái: Phải chăng chính bà là người góa phụ đi nhận xác chồng trong bài thơ?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: (cười thoải mái) Không. Cho tới bây giờ tôi vẫn độc thân.
-Đinh Quang Anh Thái: Vậy, bà lấy cảm xúc từ đâu để viết nên bài thơ bất hủ này?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc đó là năm 1970, tôi sống tại Pleiku. Thành phố nhỏ bé này vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep; hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà tôi ở gần nhà xác của quân đội. Tôi chứng kiến cảnh biết bao các bà đi nhận xác chồng. Tôi thấy đàn bà, con nít đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. Rõ ràng nỗi đau của những người có chồng chết trận là nỗi đau của chính mình. Thành thật, tôi vô cùng xúc động và chính tôi sống bằng hình ảnh những người vợ lính, vợ sĩ quan khóc bên xác chồng. Nỗi buồn đau đó là nỗi buồn đau của mình.
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong
-Đinh Quang Anh Thái: Bài “Thương Ca 1”, Phạm Duy phổ nhạc, ngay khi được phổ biến, đã chiếm tâm hồn người nghe. Nhưng cũng có người lên án bài này “phản chiến”; bà nghĩ sao ạ?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi tôi làm thơ, tôi xúc cảm thế nào thì tôi viết ra như thế. Thế thôi. Tôi không nghĩ gì khác cả. Bài thơ được phổ biến cũng là một sự ngẫu nhiên. Một người bạn của anh Vương Ðức Lệ tôi đến nhà chơi, thấy bài thơ bèn đưa cho cụ Nguyễn Ðức Quỳnh – người trụ trì sinh hoạt “Ðàm Trường Viễn Kiến” ở nhà cụ tại Sài Gòn quy tụ rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo – Cụ Quỳnh đọc, thấy hay bèn đưa cho ông Phạm Duy phổ nhạc. Cho nên, bài thơ của tôi được mọi người thương hoặc cho là phản chiến thì cũng là việc tình cờ thôi, may mắn thôi, chứ tôi không chủ ý trước việc phổ biến bài thơ.
-Đinh Quang Anh Thái: Khi phổ thành ca khúc, hình như Phạm Duy có sửa vài lời trong bài thơ?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Ðúng vậy. Có lẽ ông Phạm Duy sửa vài chữ cho nó hòa hợp với âm điệu bài nhạc hơn. Có câu ông Phạm Duy cắt bớt. Thí dụ câu tôi viết, “Chiếc quan tài phủ cờ màu, hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng” thì Phạm Duy sửa thành “Bây giờ anh phủ mầu cờ” và cắt đi câu thơ kế tiếp.
-Đinh Quang Anh Thái: “Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng”, tại sao lại phũ phàng ạ?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi đau đớn thì cái gì cũng phũ phàng cả.Phũ phàng là hình ảnh đau đớn, quằn quại.
-Đinh Quang Anh Thái: Khi nhạc sĩ Phạm Duy đổi chữ và cắt bớt câu thơ như vậy, là tác giả, bà có thấy mất đi nguyên ý khi cảm xúc sáng tác không?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi không nghĩ gì và cũng không thắc mắc, không để ý chuyện đó, vì khi tôi làm thơ, tôi theo vần điệu của thơ, còn ông Phạm Duy làm nhạc thì ông cảm hứng theo nốt nhạc.
-Đinh Quang Anh Thái: Hỏi câu này bà thứ lỗi cho, bà có người yêu là lính không?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: (ngập ngừng…, cười) Chắc cũng phải có chứ ạ!
-Đinh Quang Anh Thái: Bài thơ “Thương Ca 1” do bà sáng tác và Phạm Duy phổ nhạc, đã từ lâu trở thành của quần chúng. Nghĩa là, người ta hát say sưa mà không còn nhớ tới tên tác giả. Nếu tình cờ, ở một nơi chốn nào đó, bỗng nhiên nghe có người hát, có người nói tới bài thơ này, tâm trạng của bà sẽ ra sao?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi vui chứ ạ. Vì tôi thấy tôi may mắn có người biết đến thơ của mình; mà thực sự khi làm thơ, tôi làm vì tôi thấy cần làm thôi, chứ không mang ước vọng có con mắt nào đó để ý đến thơ mình (cười).
-Đinh Quang Anh Thái: Bà có thể đọc cho nghe nguyên văn bài “Thương Ca 1”.
-Nhà thơ Lê Thị Ý:
“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.”
-Đinh Quang Anh Thái: Nếu dùng thơ để kết thúc cuộc phỏng vấn này, bà sẽ chọn những câu thơ nào?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi muốn dùng hai câu thơ cuối của bài “Thương Ca 1” là
“Mùi hương cứ tưởng hơi chồng,
nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai”,
để nói lên tâm trạng người góa phụ trong chiến tranh, trong nỗi đau tận cùng, cảm xúc như mình vẫn còn người mình yêu.
-Đinh Quang Anh Thái: Cám ơn bà đã nhắc nhớ lại một bài thơ bất hủ nói lên nỗi đau của con người và đất nước Việt Nam thời còn chinh chiến. 
Đinh Quang Anh Thái