Tâm Tình Tiễn Biệt Với Nhiếp Ảnh Gia Quân Đội Nguyễn Ngọc Hạnh.
Chiều nay, lúc 3 giờ chiều, tại nghĩa trang Oak Hill, Anh Em chúng tôi, những người Lính một thời chinh chiến, sẽ tụ nhau để tiễn đưa, một người Lính khác, với khả năng đặc biệt hơn Anh Em chúng tôi, vì người Lính này, cầm cả được súng, lẫn máy, để chiến đấu với quân thù, đó là người Lính Nguyễn Ngọc Hạnh.
Lễ phủ cờ hôm nay sẽ do các Chiến Hữu Mũ Đỏ phụ trách, người trong cuộc mới biết, đây là một thân tình “chiến hữu” rất đặc biệt, trong các quân binh chủng, có lẽ chân dung người Lính Nhảy Dù đã lọt vào ống kiếng của Nhiếp Ành Gia Nguyễn Ngọc Hạnh nhiều nhất, từ cả trong nước đến hải ngoại. Trước 75, nhiều bức hình diễn tả sự nhọc nhằn chiến đấu, tình chiến hữu, tình quân dân cá nước, rung động lòng người nhất trong cuộc chiến, thấp thoáng đâu đó trong tác phẩm của Ông, đều có hình ảnh người chiến sĩ Mũ Đỏ.
Ra đến hải ngoại, tác phẩm đầu tiên trình làng, cũng là chân dung người Lính Nhảy Dù! Với toán quốc quân kỳ oai phong, đồng đội chào tay hiên ngang, in đậm trên bức tường đá đen, nơi in tên gần 60 mươi ngàn chiến sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn.
Tác phẩm này đóng góp rất lớn, xây dựng lại tinh thần của người Lính VNCH tại hải ngoại, những ngày đầu tiên.
Nên Quý Chiến Hữu Nhảy Dù, phụ trách nghi lễ phủ cờ, sẽ không còn ý nghĩa nào hay hơn. Chắc chắn Ông sẽ mỉm cười.
Riêng tôi, chỉ là tên Lính nhí, ngưỡng phục Ông qua những tác phẩm nhiếp ảnh từ thời trung học, được in trên tờ báo Chiến Sĩ VNCH, hay trong buổi triển lãm trước tòa nhà quốc hội, nơi có tượng 2 người Lính Thủy Quân Lục Chiến, những hình ảnh đẹp về người Lính, toát ra cái hồn chiến đấu của người Lính, tình chiến hữu, tình người, đã in đậm vào trong tâm trí tôi. Đến nỗi, khi nhận được giấy gọi nhập ngũ, (lịnh đôn quân, trước cả hơn một năm trời) tôi vẫn vui vẻ ra đi, chẳng nuối tiếc sách vở gì cả, có lẽ chỉ vì tôi là đứa học sinh tồi, lười, dốt, và chắc chắn, những hình ảnh đẹp về người Lính VNCH của Nguyễn Ngọc Hạnh đã in đậm trong tâm trí tôi, coi đó là bổn phận thiêng liêng của người trai trong thời chinh chiến, tôi đã tự nhủ: “Trời ơi, nếu tôi có chết, mà lại có người yêu đễ thương, cầm tấm thẻ bài, nước mắt đầm đề thương tiếc tôi, như trong tác phẩm của Ông, thì tôi…nằm trong hòm…sướng biết chừng nào!” Hên may chuyện này đã không xảy ra, nhưng đó là chuyện đã qua.
Qua cuộc đổi đời, ngay khi nghe Ông định cư tại San Jose, tôi vội vàng đến gặp Ông, chỉ cần một thời gian rất ngắn, Ông và tôi trở thành thân thiết, vì giữa 2 chúng tôi, vừa có tình văn nghệ, vừa là tình Lính, có lần Ông đã khuyến khích tôi: “Em đã có sẵn đôi mắt nghệ thuật, đây là điều khó nhất, giờ chỉ cần học thêm chút kỹ thuật nhiếp ảnh nữa, chắc chắn em sẽ tạo ra những tác phẩm ấn tượng!” Nghe bùi tai, những ngày sau đó, tôi đã xách máy theo “thầy Hạnh!”
Nhưng trở thành nhiếp ảnh gia quá khó hơn tôi tưởng nhiều, tính tôi ham chơi, thích đàn đúm với bạn bè, mà cuối tuần nào cũng phải xách máy theo thầy, tôi chịu không nổi, xin đầu hàng! Được một tấm hình như ý không phải dễ, đừng nói đến hình đẹp, như tác phẩm Dựng Lại Ngọn Cờ, phải trèo lên ngọn đồi sau trường Evergreen, mệt muốn tắt thở, rồi phải chờ hoàng hôn xuống, lấy chút ánh sáng yếu ớt, xuyên qua lá cờ ủ rũ rách nát, để diễn tả trong tác phẩm, nói lên thực trạng đất nước và tia hy vọng tương lai. Rồi những bữa chụp ở công viên đại học Standford, với những hàng cột nâu cổ kính, ghê hơn nữa trong đêm gió lộng, đứng bên Cầu Vàng (Golden Gate,) quay ngược về thành phố Sanfrancisco, lấy đầy đủ ánh đèn của thành phố về đêm! Sau buổi lấy ảnh này tôi bịnh cả tuần lễ, xin thầy cho nghỉ, với lý do, săn hình kiểu này, chắc chắn có ngày té xuống cầu…chết! toi mạng! Giã từ vũ khí, dù chỉ…còn cây súng nhỏ!
Từ đó tôi ít gặp Ông, tuy nhiên những lần tổ chức có mục đích nhân đạo, giúp người, Ông đều tặng một tác phẩm gây quỹ, trong buổi tiệc Kỷ Niệm 35 Năm Cứu Vớt Thuyền Nhân, mới cách đây vài năm, tác phẩm của Ông đã giúp BTC có vài ngàn đô. Tôi cũng có ghé nơi Ông ở một vài lần, gần khu Grand Century Mall, phòng Ông chứa đầy tác phẩm nhiếp ảnh, chỉ còn một lối đi nhỏ, một vài lần thấy ông lê chiếc gậy 4 chân đi bộ, định tới thăm Ông một lần nữa, chưa kịp, thì nay lại được tin Ông đã qua đời.
Đời người ai cũng phải chết, trước sau mà thôi, dù cuộc chiến đã tàn qua 42 năm, nhưng Ông chết như một người Lính ngoài chiến trường, cầm máy ảnh, giống như cầm súng, suốt đời chiến đấu với đồng đội, cho mầu cờ sắc áo, cách sống và chết này đã làm tôi ngưỡng phục. Người như Ông, chắc chắn Chúa sẽ cho vào nước Thiên Đàng.
Tháng tư năm nay, tôi có 2 cái tang, tang cho quê hương, tang cho người Niên Trưởng mà tôi thương mến! Xin Ông nhận đây cái chào tay trang trọng, ân tình nhất! Vĩnh biệt Ông.
Tôi định không khóc, nhưng làm sao giữ được dòng nước mắt!
San Jose, ngày 29 tháng 4 năm 2017.
Người Lính Lê Văn Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét