Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Ðài Phát Thanh Quân Ðội VNCH

Văn Quang và Phạm Hậu, hai ‘linh hồn’ của Ðài Quân Ðội 

Cựu Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến, tức nhà văn Văn Quang 

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sau 42 năm, nhắc về Ðài Phát Thanh Quân Ðội không thể thiếu tiếng nói của hai vị quản đốc cuối cùng của hệ thống phát thanh nổi tiếng một thời Việt Nam Cộng Hòa, cựu Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến (nhà văn Văn Quang) và cựu Trung Tá Phạm Hậu (nhà thơ Nhất Tuấn).
Người gắn bó với đài cho đến ngày mất nước là nhà văn Văn Quang. Hiện ông 84 tuổi và còn ở Sài Gòn, Việt Nam. Còn nhà thơ Nhất Tuấn, thời điểm đó ông là tổng giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã, hiện ông 82 tuổi và ở tại Seattle, Washington.
Văn Quang – người quản đốc cuối cùng
Nói qua điện thoại với phóng viên nhật báo Người Việt, nhà văn Văn Quang gần như không nghe được. “Tai tôi yếu rồi, rất khó nghe điện thoại, thường là ai gọi đến cũng phải nhờ bà xã tôi nghe rồi nói lại,” ông nói.
Vậy nhưng, khi nói về Tháng Tư Ðen, ông cho hay: “Sau 42 năm mất nước, Tháng Tư Ðen lại đang đến gần. Năm nào tôi cũng bùi ngùi tưởng nhớ đến những ngày đau buồn này của dân tộc chúng ta. Có lẽ chẳng phải chỉ mình tôi mà hầu như cả những người ở miền Bắc xưa và người Việt ở khắp nơi trên thế giới cũng mang tâm trạng đau buồn này.”
“Tôi là quản đốc Ðài Phát Thanh Quân Ðội VNCH, nhận thấy mình cũng có một phần trách nhiệm trong trách nhiệm gìn giữ đất nước này. Những ngày cuối cùng là những ngày buồn nhất của chúng tôi. Anh chị em chúng tôi còn làm việc và ở lại ngay tại trụ sở đài cho đến khi những chiếc xe tăng địch kéo qua cầu Thị Nghè, qua cổng đài. Lúc đó chúng tôi mới ngơ ngác đứng nhìn nhau, có người rơi lệ khóc thầm rồi ôm nhau nói lời từ biệt. Ðó là những giây phút tôi chưa bao giờ quên trong cuộc đời mình,” ông kể.
Ông tâm sự: “Bây giờ, nếu có dịp gặp lại những anh chị em cũ của đài chắc tôi không thể nói được điều gì ngoài việc nhìn nhau với những thăng trầm biến đổi trên nét mặt từng người như gặp lại người anh em ruột thịt của mình. Thật ra hồi đó cùng làm việc với nhau, chúng tôi vẫn coi nhau thân thiết như anh em một nhà. Hầu như chưa từng có bất cứ một sự việc đáng tiếc nào xảy ra.”
“Tôi nhớ từng người. Chưa bao giờ tôi quên các bạn dù có bất cứ chuyện gì xảy ra,” ông bùi ngùi nói.
Nhắc lại những kỷ niệm về đài, ông cho hay: “Anh em phóng viên của đài hầu hết có tuổi đời còn rất trẻ. Những ‘ông trời con’ này cũng ngang ngang bướng bướng chứ không vừa đâu. Ăn chơi văng mạng và làm việc cũng hết mình. Anh nào cũng nghèo trơ xương, có khi đi công tác mà trong túi chẳng còn đồng xu teng nào, vậy mà vẫn xách ba lô và máy thu thanh lên đường đến các chiến trường xa. Ðến đơn vị nào cũng ăn đậu ở nhờ thôi.”

“Hồi đó chiến trận ở khắp nơi, có khi đang ở Huế, vừa làm xong công tác bị điều động đến ngay chiến trường Pleiku, Kon Tum, hay Bình Long, bởi vì lúc đó chỉ có chừng hơn 10 phóng viên thôi. Ðôi khi tôi phải nhờ các cô nữ phóng viên đi thay,” ông kể.
Cựu Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến (nhà văn Văn Quang) năm 1964, khi còn là chủ bút báo Chiến Sĩ Cộng Hòa. (Hình: Văn Quang cung cấp) 


“Tình trạng thiếu phóng viên mỗi lúc một gay go nên chúng tôi tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh phóng viên ở ngay tại sư đoàn, gọi là các phóng viên tại đơn vị. Nhờ đó, có tin gì các anh này gọi thẳng về đài mà không phải qua bất kỳ sự kiểm soát nào của Bộ Tham Mưu Sư Ðoàn,” ông kể tiếp.
“Lớp huấn luyện này ở ngay đài do anh Dzương Ngọc Hoán làm giám đốc khóa học và trực tiếp giảng bài. Anh Hoán từng được cử đi học làm phóng viên tại nước ngoài gồm nhiều quốc gia có nhân viên theo học ở đây. Anh là một trong những học viên xuất sắc nhất của khóa học này rồi trở về làm trưởng ban tin tức của đài. Sau khóa học, các phóng viên sư đoàn được Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị cấp giấy chứng nhận là phóng viên chính thức của quân đội. Từ đó chúng tôi giải quyết được việc thiếu phóng viên,” ông kể thêm.
Nói về cơ duyên đến với đài, ông cho hay: “Năm 1960, tôi vừa là trưởng phòng báo chí, vừa làm chủ bút báo Chiến Sĩ Cộng Hòa và là phụ tá chuyên môn của Khối Kỹ Thuật-Cục Tâm Lý Chiến. Khi đó Khối Kỹ Thuật gồm có năm phòng chuyên môn về các công tác báo chí, phát thanh, truyền hình, ấn họa và phòng văn nghệ.”
“Giữa năm 1969, anh Phạm Hậu được điều động sang Bộ Thông Tin làm giám đốc Ðài Phát Thanh Quốc Gia Sài Gòn, tôi được lệnh về thay thế anh,” ông hồi tưởng.
“Cần nói rõ thêm là tình hình chính trị vào lúc đó rất phức tạp vì có nhiều đoàn thể, đảng phái, tôn giáo có những lập trường khác nhau. Vì vậy, việc phổ biến tin tức thời sự cần phải rất thận trọng. Quân đội là của toàn dân và có nhiệm vụ bảo vệ an ninh tổ quốc, không nghiêng theo bất cứ đoàn thể hay giáo phái nào. Phải giữ vững lập trường đó để làm tình hình chính trị, kinh tế ổn định hơn,” ông nhấn mạnh.
Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, cũng như mọi sĩ quan Quân Lực VNCH khác, ông bị đưa qua nhiều trại tù từ miền Nam tới miền Bắc trong thời gian dài hơn 12 năm, ở K5 Vĩnh Phú và K2 thuộc Z30 tại Hàm Tân.
Tháng Chín, 1987, ông được thả ra. Trở về Sài Gòn, ông từ chối đi theo diện H.O., và quyết định ở lại Việt Nam.
“Tôi vẫn cho rằng những người bạn tôi đi định cư hầu hết vì lo cho tương lai của con cái, cho cuộc sống gia đình. Họ có lý do chính đáng để ra đi. Còn tôi chẳng có lý do gì. Khi tôi ở trại tù ra, vợ con tôi đã vượt biên rồi. Bốn đứa lớn tôi cho đi học ở Mỹ và chúng nó bảo lãnh cho nhau đi Mỹ hết rồi. Hiện nay tôi có tám người con ở Mỹ và tất cả đều lập gia đình. Chỉ còn mình tôi ở lại đây thôi,” ông kể.
“Ðời sống kinh tế rồi cũng ổn định, bằng việc học điện toán, rồi ra ‘hành nghề’ đánh vi tính thuê và làm lay-out cho các tiệm sách báo. Hồi đó Sài Gòn có rất ít máy điện toán và người làm được công việc này càng hiếm. Cái may mắn của tôi là ngay khi ở trại tù ra, tôi đã tò mò đi học khóa đầu tiên. Sau khi học xong vài khóa, tôi được các cháu ở Mỹ yểm trợ cho mấy cái máy và máy in laser để hành nghề. Công việc kiếm ăn khá phát đạt. Vì thế tôi thấy không cần phải đi đâu nữa cả. Hơn thế, vợ cũ của tôi và các cháu cũng đã ‘yên bề gia thất’ nên tôi không muốn khuấy động cuộc sống của gia đình mình, gây thêm những thắc mắc vướng bận cho những người thân,” ông kể thêm.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, ông cho biết: “Cuộc sống của tôi bây giờ cũng ung dung và yên ấm rồi. Chẳng còn gì phải đi đâu nữa. Ở đây còn có nhiều đề tài sống để viết nên tôi ở lại tiếp tục làm công việc mình cần làm. Tuy bây giờ tuổi đã cao, tôi không còn được minh mẫn như ngày nào, nhưng mỗi tuần tôi vẫn cố gắng nắm bắt và phân tích tình hình kinh tế chính trị, văn hóa nhất là đời sống của người dân từ thành thị tới nông thôn để viết một bài tường thuật. Tôi nói lên tiếng nói của người dân không thể nói được những mong ước của đời mình. Những bài nay tôi chỉ gửi ra báo ở nước ngoài thôi.”
“Ðôi khi có một số anh chị em là phóng viên cũ của đài có dịp về Việt Nam ghé thăm tôi, ngồi nhắc lại chuyện xưa. Thú thật, tôi nhớ nhớ quên quên có khi nói mãi mới nhận ra người bạn xưa của mình là ai. Những lúc như thế tôi nghĩ đây là lần gặp nhau cuối cùng trong đời. Khi các anh chị ấy ra về, tôi còn ngẩn ngơ đứng sau khung cửa hẹp nhìn theo bóng dáng người bạn xưa,” ông tâm sự.
Và cũng vì viết bài “gửi ra báo ở nước ngoài” mà cách đây chừng 5-6 năm, ông bị công an Sài Gòn tịch thu hết máy móc nên “tất cả hình cũ không còn cái nào nữa,” ông tiếc rẻ nói.

Vợ chồng cựu Trung Tá Phạm Hậu và cựu Ðại Úy Dzương Ngọc Hoán (phải) trong lần gặp mặt năm 2017. (Hình: Dzương Ngọc Hoán cung cấp)
Năm nay, ở tuổi 82, cựu Trung Tá Phạm Hậu phải cố gắng lắm mới ôn được chuyện xưa. Nhiều lúc ông cần có sự trợ giúp của vợ, bà Bạch Thị Hoàng Oanh.

Ông kể: “Tôi về làm việc tại đài năm 1968. Lúc này, đêm nào Cộng Sản cũng pháo kích hỏa tiễn vào Sài Gòn. Tôi liên lạc với Biệt Khu Thủ Ðô để có tin và loan tin cho thật nhanh. Bản tin cũng phải viết cẩn thận, chính xác mà lại không cho địch biết chúng đã pháo trật hay trúng mục tiêu.”
Nói về một chương trình nổi tiếng của đài, ông cho hay: “Chương trình Dạ Lan, một chương trình dành cho lính rất nổi tiếng, cũng phải tạm ngưng một thời gian vì cô Dạ Lan nghỉ việc. Thư lính gửi về đài tràn ngập mỗi ngày, than phiền vì chương trình hay quá mà tại sao không phát thanh đều. Tôi trình với cựu Thiếu Tá Lê Ðình Thạch, khi đó là chánh sự vụ Sở Kỹ Thuật của Cục Tâm Lý Chiến, để coi kỹ lại chương trình này.”
Ông cho hay, chương trình binh vận của đài, Dạ Lan, mới đầu do xướng ngôn viên Hoàng Xuân Lan, tức Dạ Lan 1, phụ trách từ năm 1964 tới năm 1966 thì nghỉ việc. Từ năm 1967 đến 1975, xướng ngôn viên Hồng Phương Lan, tức Dạ Lan 2, còn có tên Mỹ Linh, người từng trông coi chương trình Nhạc Yêu Cầu của đài từ năm 1957, thay Dạ Lan 1 khi cô nghỉ việc.
Những năm làm việc tại đài, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là lần được mời ăn cơm chiều tại Dinh Ðộc Lập.
Ông khoe: “Ðây là lệnh trực tiếp chứ không phải thông qua thượng cấp của tôi. Nhóm chúng tôi, có anh Nguyễn Ðạt Thịnh bên phòng báo chí, được ông Hoàng Ðức Nhã, bí thư kiêm tham vụ báo chí tổng thống, đón tiếp. Ông Nhã nói với chúng tôi, ‘Tổng thống nghe tường trình về các anh em, và tổng thống cũng nghe radio, đọc báo thường xuyên, biết các anh em làm việc vất vả, lâu lâu cũng muốn anh em thoải mái một chút. Bữa nay đẹp trời, tổng thống cho mời anh em tới nói chuyện và ở lại ăn cơm chiều với tổng thống.’”
“Chừng nửa giờ thì Tổng Thống Thiệu từ Dinh Ðộc Lập đi ra. Ông bắt tay mỗi người, ngồi xuống nói chuyện với ông Nhã và toán 10 người chúng tôi thật là vui. Vì ông Thiệu ở trong quân đội lâu năm trước khi làm tổng thống, ông dùng ngôn ngữ nhà binh nói chuyện với chúng tôi về đời quân nhân nhiều hơn là chính trị. Bữa cơm chiều từ nhà hàng đem tới khá ngon; hơn nữa, chúng tôi hãnh diện vì được ăn trong hoa viên của Dinh Ðộc Lập với tổng thống,” ông nói.
Nhắc về nhân viên cũ, ông nói rằng ai được nhận vào đài cũng có tài cả. Nhưng có một người đặc biệt là Trung Úy Quách Vĩnh Trường. “Tôi rất phục anh ấy. Anh cụt một tay và một chân vì cứu 30 anh em binh lính trong lúc chuẩn bị hành quân. Sau khi bị thương 170% như vậy, anh vừa làm việc tại đài, vừa là sinh viên trường luật nữa.”
Ông kể: “Giữa năm 1969, vì lý do riêng, tôi nộp đơn xin theo học khóa chỉ huy tham mưu cao cấp trên Ðà Lạt, và bàn giao đài lại cho anh Văn Quang. Sau đó, tôi làm quản đốc Ðài Phát Thanh Sài Gòn. Ðến năm 1971 thì làm giám đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh (Hệ Thống Truyền Thanh Việt Nam). Và gần cuối năm 1974 tôi về làm tổng giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã. Nhưng chưa làm được bao lâu thì lại có thay đổi nội các. Tôi bàn giao cho anh Nguyễn Ngọc Bích rồi về lại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Và tan hàng!”
Bà Hoàng Oanh, vợ ông, nhắc lại kỷ niệm với đài: “Tôi thuộc ban biên tập. Công việc hằng ngày của tôi là liên lạc với Việt Tấn Xã hoặc gọi điện thoại trực tiếp cho các sĩ quan ở mặt trận để lấy tin nóng hổi nhất. Sau đó tôi viết thành bản tin rồi đợi các sĩ quan trưởng ban như ông Dzương Ngọc Hoán hoặc Nhật Bằng duyệt xong rồi chuyển ra cho các xướng ngôn viên phát thanh.”
Ngày 30 Tháng Tư, 1975, sau khi ông Dương Văn Minh đầu hàng, ông Phạm Hậu quyết định đưa vợ vượt thoát ra ngoại quốc.
“Khoảng 2 giờ chiều hôm ấy vợ chồng tôi thoát khỏi Sài Gòn trong đường tơ kẽ tóc. Lúc đó đang ở Nhà Bè, nên tiện đường chúng tôi xuống một cái ghe nhỏ, lái ra đến Phú Quốc. May quá, ông nhà tôi liên lạc được với một người bạn đang ở trên chiến hạm với ông Hoàng Cơ Minh. Biết tin về chúng tôi, ông Minh điều chiến hạm HQ 5 là chiếc đi sau cùng, quay lại đón và đưa chúng tôi đến đảo Guam,” bà cho hay.
Sang Mỹ ở tuổi 40, ông bà cùng làm việc cho chính phủ Mỹ cho đến khi về hưu tại Seattle, Washington.
Trong những năm gần đây, bà luôn sát cánh bên chồng để giúp ông đương đầu với chứng bệnh Alzheimer’s.
Quốc Dũng & Ðằng-Giao/Người Việt




Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Tiễn Biệt Nhiếp Ảnh Gia Quân Đội Nguyễn Ngọc Hạnh


Tâm Tình Tiễn Biệt Với Nhiếp Ảnh Gia Quân Đội Nguyễn Ngọc Hạnh.

Chiều nay, lúc 3 giờ chiều, tại nghĩa trang Oak Hill, Anh Em chúng tôi, những người Lính một thời chinh chiến, sẽ tụ nhau để tiễn đưa, một người Lính khác, với khả năng đặc biệt hơn Anh Em chúng tôi, vì người Lính này, cầm cả được súng, lẫn máy, để chiến đấu với quân thù, đó là người Lính Nguyễn Ngọc Hạnh.

Lễ phủ cờ hôm nay sẽ do các Chiến Hữu Mũ Đỏ phụ trách, người trong cuộc mới biết, đây là một thân tình “chiến hữu” rất đặc biệt, trong các quân binh chủng, có lẽ chân dung người Lính Nhảy Dù đã lọt vào ống kiếng của Nhiếp Ành Gia Nguyễn Ngọc Hạnh nhiều nhất, từ cả trong nước đến hải ngoại. Trước 75, nhiều bức hình diễn tả sự nhọc nhằn chiến đấu, tình chiến hữu, tình quân dân cá nước, rung động lòng người nhất trong cuộc chiến, thấp thoáng đâu đó trong tác phẩm của Ông, đều có hình ảnh người chiến sĩ Mũ Đỏ.

Ra đến hải ngoại, tác phẩm đầu tiên trình làng, cũng là chân dung người Lính Nhảy Dù! Với toán quốc quân kỳ oai phong, đồng đội chào tay hiên ngang, in đậm trên bức tường đá đen, nơi in tên gần 60 mươi ngàn chiến sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn.
Tác phẩm này đóng góp rất lớn, xây dựng lại tinh thần của người Lính VNCH tại hải ngoại, những ngày đầu tiên.
Nên Quý Chiến Hữu Nhảy Dù, phụ trách nghi lễ phủ cờ, sẽ không còn ý nghĩa nào hay hơn. Chắc chắn Ông sẽ mỉm cười.

Riêng tôi, chỉ là tên Lính nhí, ngưỡng phục Ông qua những tác phẩm nhiếp ảnh từ thời trung học, được in trên tờ báo Chiến Sĩ VNCH, hay trong buổi triển lãm trước tòa nhà quốc hội, nơi có tượng 2 người Lính Thủy Quân Lục Chiến, những hình ảnh đẹp về người Lính, toát ra cái hồn chiến đấu của người Lính, tình chiến hữu, tình người, đã in đậm vào trong tâm trí tôi. Đến nỗi, khi nhận được giấy gọi nhập ngũ, (lịnh đôn quân, trước cả hơn một năm trời) tôi vẫn vui vẻ ra đi, chẳng nuối tiếc sách vở gì cả, có lẽ chỉ vì tôi là đứa học sinh tồi, lười, dốt, và chắc chắn, những hình ảnh đẹp về người Lính VNCH của Nguyễn Ngọc Hạnh đã in đậm trong tâm trí tôi, coi đó là bổn phận thiêng liêng của người trai trong thời chinh chiến, tôi đã tự nhủ: “Trời ơi, nếu tôi có chết, mà lại có người yêu đễ thương, cầm tấm thẻ bài, nước mắt đầm đề thương tiếc tôi, như trong tác phẩm của Ông, thì tôi…nằm trong hòm…sướng biết chừng nào!” Hên may chuyện này đã không xảy ra, nhưng đó là chuyện đã qua.

Qua cuộc đổi đời, ngay khi nghe Ông định cư tại San Jose, tôi vội vàng đến gặp Ông, chỉ cần một thời gian rất ngắn, Ông và tôi trở thành thân thiết, vì giữa 2 chúng tôi, vừa có tình văn nghệ, vừa là tình Lính, có lần Ông đã khuyến khích tôi: “Em đã có sẵn đôi mắt nghệ thuật, đây là điều khó nhất, giờ chỉ cần học thêm chút kỹ thuật nhiếp ảnh nữa, chắc chắn em sẽ tạo ra những tác phẩm ấn tượng!” Nghe bùi tai, những ngày sau đó, tôi đã xách máy theo “thầy Hạnh!”
Nhưng trở thành nhiếp ảnh gia quá khó hơn tôi tưởng nhiều, tính tôi ham chơi, thích đàn đúm với bạn bè, mà cuối tuần nào cũng phải xách máy theo thầy, tôi chịu không nổi, xin đầu hàng! Được một tấm hình như ý không phải dễ, đừng nói đến hình đẹp, như tác phẩm Dựng Lại Ngọn Cờ, phải trèo lên ngọn đồi sau trường Evergreen, mệt muốn tắt thở, rồi phải chờ hoàng hôn xuống, lấy chút ánh sáng yếu ớt, xuyên qua lá cờ ủ rũ rách nát, để diễn tả trong tác phẩm, nói lên thực trạng đất nước và tia hy vọng tương lai. Rồi những bữa chụp ở công viên đại học Standford, với những hàng cột nâu cổ kính, ghê hơn nữa trong đêm gió lộng, đứng bên Cầu Vàng (Golden Gate,) quay ngược về thành phố Sanfrancisco, lấy đầy đủ ánh đèn của thành phố về đêm! Sau buổi lấy ảnh này tôi bịnh cả tuần lễ, xin thầy cho nghỉ, với lý do, săn hình kiểu này, chắc chắn có ngày té xuống cầu…chết! toi mạng! Giã từ vũ khí, dù chỉ…còn cây súng nhỏ!

Từ đó tôi ít gặp Ông, tuy nhiên những lần tổ chức có mục đích nhân đạo, giúp người, Ông đều tặng một tác phẩm gây quỹ, trong buổi tiệc Kỷ Niệm 35 Năm Cứu Vớt Thuyền Nhân, mới cách đây vài năm, tác phẩm của Ông đã giúp BTC có vài ngàn đô. Tôi cũng có ghé nơi Ông ở một vài lần, gần khu Grand Century Mall, phòng Ông chứa đầy tác phẩm nhiếp ảnh, chỉ còn một lối đi nhỏ, một vài lần thấy ông lê chiếc gậy 4 chân đi bộ, định tới thăm Ông một lần nữa, chưa kịp, thì nay lại được tin Ông đã qua đời.

Đời người ai cũng phải chết, trước sau mà thôi, dù cuộc chiến đã tàn qua 42 năm, nhưng Ông chết như một người Lính ngoài chiến trường, cầm máy ảnh, giống như cầm súng, suốt đời chiến đấu với đồng đội, cho mầu cờ sắc áo, cách sống và chết này đã làm tôi ngưỡng phục. Người như Ông, chắc chắn Chúa sẽ cho vào nước Thiên Đàng.

Tháng tư năm nay, tôi có 2 cái tang, tang cho quê hương, tang cho người Niên Trưởng mà tôi thương mến! Xin Ông nhận đây cái chào tay trang trọng, ân tình nhất! Vĩnh biệt Ông.
Tôi định không khóc, nhưng làm sao giữ được dòng nước mắt!

San Jose, ngày 29 tháng 4 năm 2017.
Người Lính Lê Văn Hải






Niềm Đau Vô Tận 

mai - ba mươi 
bữa nay - hai chín 
ta đếm thời gian 
câm nín 
ngược dòng !


nay - hai chín 
bữa qua - hai tám 
ta nghe không gian 
vỡ rạn 
vết thù găm !


ta nhớ Tháng Tư
còn rõ hơn ngày 
mẹ sinh ta ra 
làm người mặt đất 
vừa lọt lòng 
đã khóc 
lầm than !


ta nhớ Tháng Tư
còn dài hơn 
cuộc đời đang có 
nghe vết máu rơi 
gõ xuống mặt đời 
khốn khó 
trăm năm !


ta ư ? 
một kẻ Việt Nam 
ngồi đếm thời gian 
chạy ngược 
trên không gian 
thiếu trước 
hụt sau 
mà niềm đau 
đã sâu vô tận !


Cao Nguyên

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Nỗi Đau Còn Đó

Tranh: ViVi Võ Hùng Kiệt

Mùa Xuân 1975, trời bỗng nhiên trở gió. Ngọn gió Bắc Nam gầm rú và cuồng xoáy. Mây chập chùng đùn lên đen kịt khắp vùng trời Tây Nguyên. Cơn bão lửa trào lên đốt cháy những Buôn Làng, Phố Thị. Lửa luồn lách qua các chiến hào, nung chảy những hàng rào kẽm gai vốn để ngăn chặn thế lực tàn ác được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa thù hận tràn vào vùng đất đang an vui trong tình thương yêu đồng chủng.
Cơn bão lửa tàn khốc của Quá Khứ Hãi Hùng quật một cú thật mạnh, hất tung tôi và những đồng đội bay khỏi đỉnh núi Chư Prong trên cao nguyên Trung Bộ và vất chúng tôi xuống một khe núi của dãy Hoàng Liên Sơn thuộc miền Tây Bắc Bộ.
Cố gắng giữ lại chút sinh lực, chúng tôi cố bám vào Tương Lai Tự Do ngóc dậy, bò lên. Nhưng mãi đụng vào tảng đá cộng sản khắc nghiệt. Những vết thương trong các trại tù và trên các công nông trường khổ sai luôn mưng mủ và tóe máu gây nhức nhối toàn thân suốt nhiều năm.
Mặc kệ thân xác, chúng tôi cứ trườn người tới theo bản năng sinh tồn, để có được cuộc sống tự do trên con đường Hiện Tại Lưu Vong.
Trong cuộc đời, mỗi chợt nhớ thường ngày, hay phải nhớ đúng ngày chúng tôi bị cơn bão lửa thổi bay vào miên viễn xót xa. Nỗi đau lại dấy lên . Nỗi đau của ngày 30 tháng 4 năm 1975 không thể nguôi ngoai. Mãi mãi nỗi đau còn đó.
Những đồng đội của tôi, những thân thương và những người đã chịu sự hệ lụy tàn khốc bởi cơn lửa hận thù của 42 năm về trước, xin đừng quên ngày Quốc Hận - 30 tháng 4 năm 1975 !
Thương và Đau lắm đồng bào ơi! Nhân loại ơi!

@

Những Ngày Tháng Không Quên
42 năm về trước: Ngày 23 tháng 3 năm 1975 khoảng 7 giờ chiều, chiếc chinook cấp cứu của Không Đoàn 72 Chiến Thuật bốc gia đình tôi từ một đỉnh đồi tranh bên tả ngạn sông Ba đưa về Tuy Hòa / Phú Yên. Nơi tập trung sơ khởi để các đơn vị quân nhân và gia đình kiểm điểm quân số và người thân trong cuộc triệt thoái từ Tây Nguyên về Duyên Hải, xuyên qua tỉnh lộ số 7 thuộc tỉnh Phú Bổn.
Đoạn đường từ Pleiku đến tả ngạn sông Ba không dài lắm, thế mà chúng tôi đã đi suốt một tuần lễ, bắt đầu từ sáng ngày 16 tháng 3 theo lệnh triệt thoái của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Một cuộc triệt thoái không có báo trước, dù quân dân trên khắp miền Tây Nguyên đang hoang mang bởi áp lực của Cộng quân dọc biên giới, sau khi Ban Mê Thuột thất thủ.
Sáng hôm nay, ngày 23 tháng 4 năm 2017, tôi đã đến Eden Center / Virginia đứng lặng nhìn các thân hữu thuộc cộng đồng người Việt và các chiến hữu thuộc Liên Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam Cộng Hòa trong vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và phụ cận, làm lễ kéo cờ rũ để tưởng niệm 42 năm ngày Quốc Hận: 30/4/1975 - 30/4/2017.
Bốn mươi hai năm - hơn mười nghìn đêm mất ngủ
không riêng tôi, riêng anh. Mà cả chúng ta
những người đã sống hơn nua thập kỷ
lúc chiến tranh yên nghỉ, đã mệt nhoài!
Đúng là đã mệt nhoài với cuộc sống lưu cư trên vùng đất bạn. Thế nhưng trong hơn mười ngàn ngày tỉnh thức, mỗi người Việt lưu vong luôn biết mình còn nhớ lắm quê hương, còn thương lắm những người thân đã ra đi trong nghẹn ngào uất hận vì hậu quả của cuộc chiến tang thương, còn tiếc lắm một cuộc sống thanh bình giữa núi sông và ruộng đồng yêu dấu Miền Nam.
Riêng tôi, trong từng lúc mệt nhoài tôi hỏi anh em, hỏi bạn, hỏi những thân thương liệu mình còn mấy thời gian trên hành trình chữ nghĩa viết về tình người, tình núi sông?
Bao năm qua, tôi đã viết gì về Tháng Tư và những vòng xoáy đời quanh Tháng Tư với những Ấn Tượng nhói lòng? Không nhiều, nhưng đủ chứa cả môt góc nhìn se thắt từ chính mình, từ những thân thương!
Thưở mình đi ngược gió
Quê Hương ở đằng sau!
Tưởng là ta bỏ quên ta từ độ ấy. Nhưng không, không thể nào quên những ngày tháng có thể làm mình gục ngã. Khi còn biết cảm ơn đất, cảm ơn trời, cho tôi còn đứng giữa đời hôm nay, thì còn phải biết làm gì không thẹn với lương tâm, với thân nhân trước nỗi đau dân tôc.
Còn nhớ đến tình chiến hữu, còn thương sắc áo màu cờ của một quân lực mà mình đã phục vụ vì lý tưởng bảo vệ quốc gia. Còn biết hát bài quốc ca và vui mừng ngẩng mặt nhìn lá cờ tung bay trong gió là còn biết lương tri mình gởi về đâu. Còn biết gọi hồn thiêng Tổ Quốc theo lời nguyện cầu khôi phục quê hương sau sự cưỡng chiếm và tàn phá của tập đoàn cộng sản Việt Nam và ngoại thù phương Bắc.
Những giọt lệ rưng rưng trong lòng mỗi người khi nhìn lá quốc kỳ dừng lại giữa trụ cờ, trời lất phất mưa. Phải chăng, Trời cũng động lòng thương cảm tâm trạng những con dân Việt đang sống lưu vong:
Những giọt mưa hợp triệu nguồn nước mắt
triệu đứa con nhớ Mẹ, khóc Việt Nam!
Cao Nguyên
Washington.DC - 23/4/2017

Đại Lộ Kinh Hoàng 1972

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Xin Đừng Quên Ngày Đó


XIN ĐỪNG QUÊN NGÀY ĐÓ
Tác giả bài viết tên thật là Phạm Mạnh Hùng, sinh năm 1982 tại Hà Sơn Bình, trong một gia đình cộng sản. Tốt nghiệp khoa Công nghệ Thông tin Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau loạt bài vạch mặt chế độ đăng trên trang mạng Dân Làm Báo dưới bút hiệu Đặng Chí Hùng, anh bị công an cộng sản Việt Nam truy đuổi, phải trốn qua Thái Lan. Nhờ quốc tế can thiệp, sau đó anh được tỵ nạn tại Canada. Các tác phẩm đã xuất bản: “Dựng Lại Việt Nam”, “Vòng Quay Hèn Nhát”, “Những Sự Thật Cần Phải Biết” (gồm tập 1 và tập 2, do Tủ Sách Tiếng Quê Hương xuất bản và phát hành năm 2015-2016).
Lại gần đến 30/4, một dấu mốc đau thương của không chỉ dân Miền Nam mà cả của dân tộc. Dấu mốc đó đã khiến cho cả đất nước phải sống trong sợ hãi bởi bàn tay độc ác của cộng sản. Dấu mốc đó cũng là chỉ dấu cho tiến trình Hán hóa ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam. Và hơn thế nữa, nó đã đẩy hàng triệu người ra biển, vào tù, trong số đó có hàng trăm nghìn người đã bỏ thân xác nơi rừng sâu hoặc biển Đông dậy sóng.
Giờ đây, có hàng triệu người Việt đang sinh sống tại nước ngoài.
Cộng sản cần những đồng đô-la xanh biếc, những đồng Euro dày bản để nuôi sống công an, tham nhũng và bán nước. Vì vậy chúng thực hiện cái gọi là “nghị quyết 36” với tên gọi mỹ miều “Việt kiều yêu nước”. Rõ ràng những ai ý thức được trách nhiệm của mình đối với Tổ tiên Dân tộc đều coi ngày 30/4/1975 là ngày dân tộc đã không còn tự do và cả đất nước là một trại tù khổng lồ cho đến hôm nay. Những người sống ở hải ngoại cũng không phải là “Việt kiều” bởi đơn giản chúng ta là người Việt Nam, chứ không phải là “kiều bào” của Việt cộng. Chúng ta chưa bao giờ và cũng không bao giờ đứng chung hàng ngũ với cộng sản cả. Bởi thế, đừng ai nhầm lẫn giữa khái niệm người Việt Nam tự do với “Việt kiều” của CSVN.
Cũng có không ít những người sau khi thành đạt đã tìm cách về Việt Nam ăn chơi, họ thản nhiên quên đi vì sao họ, cha mẹ họ, anh em họ phải bỏ nước ra đi. Họ đã quên đi việc họ đang làm chính là tiếp tay cho cộng sản tiếp tục duy trì hệ thống bán nước, độc tài.
Quyền tự do đi lại, làm gì là của mỗi chúng ta, không ai có quyền ngăn cản cả. Nhưng giá như ai cũng nghĩ đến hậu quả của việc mình làm đang tiếp tay nuôi sống cộng sản thì có lẽ cộng sản đã sụp đổ vì kinh tế từ rất lâu. Tiếc là bản thân chúng ta chưa cùng nhau làm được việc đó.
Cứ mỗi dịp gần Tết nguyên đán Việt Nam, chúng ta lại thấy cảnh phi trường dưới chế độ cộng sản Việt Nam vốn chật chội đã len kín người vì người hải ngoại về ăn tết và chơi bời. Trong số đó có nhiều người về thăm thân nhân bị bệnh, qua đời, có thể thông cảm. Nhưng cũng không ít về để tiêu những đồng tiền giúp cho cộng sản tiếp tục gây đau thương cho dân tộc.
Người viết cũng là một người đang phải xa quê hương để tị nạn cộng sản. Chúng ta luôn nhớ về đất mẹ Việt Nam. Nhưng chúng ta phải thấy rằng đừng bao giờ nên làm những điều vô tình tiếp tay cho cộng sản. Vẫn biết là vô tình, nhưng sự vô tình đó đẩy chính những bà con, họ hàng, đất nước của mình tới họa diệt vong và nô lệ thì thật đáng buồn. Mong rằng những giòng tâm sự của người viết nhân dịp dấu mốc đau thương của dân tộc lại gần về có thể nhắc nhở chúng ta đừng quên trách nhiệm của mình đối với cái chung của cả Đất nước và Dân tộc.
Cho đến giờ phút này, nếu chúng ta không thắng cộng sản trong vấn đề kinh tế thì khó có thể mong điều đổi thay đến với dân tộc, bởi sự vô cảm, ích kỷ và cam chịu đã ăn sâu vào tiềm thức đa số người Việt sau gần 100 năm sống dưới ách cộng sản. Đừng trông chờ gì vào một phép mầu trong chuyện cổ tích mà hãy nhìn vào thực tế tình hình đất nước. Chỉ có con đường không tiếp tay chuyển tiền, tiêu tiền vào với cộng sản, thì bè lũ độc tài mới chịu bó tay mà thôi.
Người viết đã không dưới 3 lần viết bài về chủ đề này, những nhận thấy nó vẫn còn chưa đủ để góp phần thay đổi những sự vô tình đáng trách của một số không nhỏ người Việt tại hải ngoại. Bởi thế, người viết lại một lần nữa phải nói về chủ đề này dù nó rất khó nói và được coi là một sự “tế nhị”. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục làm ngơ về chuyện này thì tương lai đất nước chỉ là mầu xám xịt…
Xin gửi đến quý vị một bài thơ không hay của người viết để mong tất cả cùng chung tấm lòng với mẹ Việt Nam và đừng bao giờ quên ngày 30 tháng Tư là ngày đau thương khiến chúng ta đang phải xa xứ kiếm tìm tự do…
Tình Quê
Tôi yêu đất nước hình cong
Nép mình uốn lượn, dòng sông con đò
Tôi yêu có những câu hò
Cánh đồng mùa gặt trâu đàn gọi nhau.
oOo
Tôi yêu những lũy tre xanh
Trưa hè tiếng sao đu mình thinh không
Tôi yêu non nước quê mình
Mang dòng máu đỏ Lạc Hồng ngàn năm.
oOo
Tôi yêu câu hát mẹ ru
Công cha nghĩa mẹ mặn mà sớm trưa
Tôi yêu cánh võng đong đưa
Cánh diều no gió chiều chưa muốn về.
oOo
Tôi yêu đất nước của tôi
Đau thương, nghèo khó vì người tham lam,
Chiều buông tôi ngóng hồn quê
Gió đâu buốt lạnh, chạnh lòng đau thương.
oOo
Tôi đi cuối đất cùng trời
Yêu quê yêu đất gắn liền bước chân.
Mong ngày mai nắng lên dần
Xóa tan đau khổ tôi về cùng quê
oOo
Người còn mong lắm lợi danh
Tôi rằng chỉ muốn vui vầy tình quê
Ngày đi vẫn nhớ câu thề
Nếu còn giặc cộng không về chốn xưa!
Đặng Chí Hùng (18/01/2016)

@

Tháng 4 của những xót xa-Đặng Chí Hùng 


Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Người Việt Nam Tồi Tệ


Người Việt chúng ta tự hào về điểm mà ta thường được nghe trong các bài diễn thuyết về văn hóa, thường đọc trong sách… Việt: chúng ta có hơn bốn ngàn năm văn hiến.
Nhưng bản tính người Việt hiện nay, sau khi trải qua hơn bốn ngàn năm văn hiến, như thế nào thì ta phải xét kỹ.
Bàn về tính tình của người Việt, hơn 100 năm trước, cụ Phan Bội Châu đã viết:
“(…) Vì vậy, giờ đây tôi xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân cùng biết: Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư. Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm. Dân được cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc đó, người nước ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì nói là vì không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí vào những việc vô ích xa hoa rồi.” (Việt Nam Quốc sử khảo, chương thứ năm – xuất bản năm 1909)
Mười năm sau (1919), trong Việt Nam Sử Lược, cụ Trần Trọng Kim cũng đã ghi khá rõ rệt:
Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt có cả các tính tốt và các tính xấu. Ðại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy, vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn có sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật.
Hay gần đây, Nguyễn Hưng Quốc, nhà phê bình văn học, đã tóm tắt:
Người Việt rất đáng yêu trong quan hệ cá nhân và ở những nơi quan hệ cá nhân đóng vai trò chủ đạo: gia đình, bàn tiệc, quán nhậu, và hàng xóm. Ở những nơi đó, người Việt, nói chung, rất nhiều tình cảm và tình nghĩa. Và cũng ở những nơi đó, ít ai phàn nàn về người Việt.
Nhưng vượt ra ngoài quan hệ cá nhân thì khác. Bước vào không gian công cộng ở Việt Nam, nhất là không gian công cộng thuộc quyền nhà nước, từ uỷ ban nhân dân đến công an phường, quận, thành phố; từ bưu điện đến bệnh viện; từ bàn hải quan đến văn phòng xuất nhập cảnh, v.v…ở đâu người Việt Nam cũng dễ ghét.” (Trích blog Nguyễn Hưng Quốc).
Nhưng ta không thể mãi tự mãn với “Người Việt Đáng Yêu” (Doãn Quốc Sỹ) hay “Người Việt Cao Quý” (A. Pazzi, tức Vũ Hạnh) mà phải luôn sửa mình bằng cách bỏ dần tật xấu còn tồn tại và tập những nết tốt học được từ người cho đồng bộ với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Do đó mới có phương pháp tu thân là “Thuốc đắng giã tật”, người ta thường nói. Trong tác phẩm nổi tiếng “Người Trung Quốc xấu xí” xuất bản vào hậu bán thế kỷ trước, Bá Dương đã thẳng thừng vạch ra nhiều nét xấu của dân Trung Quốc. Tác phẩm này đã trở thành một cuốn sách bán chạy. Chẳng biết thực tế tác dụng của những bài tham luận mà Bá Dương đã đọc có cải biến người Trung Quốc được mấy phần?
Còn với người Việt thì sao? Không cần phải tìm tòi đâu xa, người Việt hiện nay khá mang tiếng xấu trên thế giới với những tổ chức băng đảng quốc tế khai thác dịch vụ cần sa ma túy, tật ăn cắp vặt, tải hàng lậu, khai gian thuế, hối lộ, bằng giả bằng dỏm và chiếm ngôi vị đầu của cuộc tranh giải xì phé thế giới (poker)… Nói tóm lại, hơn bốn ngàn năm văn hiến để có một di sản là người Việt như thế này hay sao? Có cần một “liều thuốc đắng” cấp kỳ không?
Trong chiều hướng đó, tác phẩm “Người Việt Nam Tồi Tệ” của Lâm Nhược Trần có thể coi là một bước đầu trong chuỗi: nhận biết bịnh, tìm nguyên nhân gây bịnh, trị bịnh và phòng bịnh.
Tương tự như Bá Dương, trong “Người Việt Nam Tồi Tệ”, Lâm Nhược Trần đã khai triển những tật xấu của người Việt, bằng cách liệt kê ra những chi tiết, gồm ít nhất 63 thói tật sau đây: dân trí thấp kém, giáo dục bất cập, văn hóa lạc hậu, gia trưởng, độc đoán, bảo thủ, thiếu trung thực (hay gian dối), xảo trá, lật lọng, thiếu uy tín, vô cảm, thiếu tự trọng, vô trách nhiệm, thiếu ý thức (quan hệ cá nhân và cộng đồng), tùy tiện, cẩu thả, thiếu kỷ luật, thiếu óc tổ chức, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tinh thần cầu thị, xuề xòa, thiếu nguyên tắc, mơ hồ, nhập nhằng, thiếu minh bạch, hay nói nước đôi lập lờ, tính thực dụng, cảm tính, nhẹ dạ, cả tin, mê tín dị đoan, khôn vặt, ăn xổi ở thì, làm ăn chụp giật chỉ thấy cái lợi trước mắt, tham lam, nhiều chuyện, hay ganh ghét, đố kỵ, thích gièm pha, bôi nhọ và đâm thọc, hay bắt chước, a dua, học đòi, vọng ngoại, xô bồ, nhếch nhác, ăn dơ ở bẩn, thích ăn nhậu bài bạc, lưu manh, thích bạo lực, hay nổ, háo danh, hay khoe khoang, tự cao tự đại, thích phô trương và chuộng hình thức bề ngoài, cậy thần cậy thế, cửa quyền, đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm…
Đọc một danh sách dài với gần như tất cả tĩnh từ chỉ thói hư tật xấu của con người, ai không sợ.
Khác hơn Bá Dương, một nhà văn kiêm nhà báo dùng lối văn châm biếm điểm chút hài hước để chuyển tải ý tưởng, Lâm Nhược Trần (một bác sĩ Tâm lý đã sống ở Hòa Lan hơn 20 năm) đã dùng kinh nghiệm ông có được qua hơn 10 năm làm việc chung với người Việt trong nước cộng thêm những dữ kiện thu thập qua báo chí để khai triển đề tài này theo phương pháp thống kê khoa học.
Tác phẩm là kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu về văn hóa và điều tra về xã hội, như đã ghi trong tiểu tựa. Trong 18 bài tiểu luận, ông đã phân những tật xấu của người Việt thành từng nhóm. Những trích dẫn từ báo chí, trang mạng là từ những tờ báo, trang mạng có uy tín trong nước, và phần lớn được dẫn nguồn. Đại đa số những dữ kiện này được ông thu thập trong hai năm 2015 – 2016, chứng tỏ sự cập nhật của tác phẩm.
Để tránh hiểu lầm, tác giả cũng minh định là “…đối tượng tôi muốn đề cập là cái số đông, là những phần tử chiếm đa số trong hơn 90 triệu dân đang sinh sống trên cái mảnh đất hình cong như chữ S này…” (tr. 30). Người gốc Việt sống ở hải ngoại thoát nạn. Hú vía.
Với tựa đề “Người Việt Nam Tồi Tệ”, những điểm son của người Việt hay của xã hội Việt Nam trong tác phẩm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hình như tác giả chỉ muốn nêu những điểm này ra cho thấy có một chút xíu khía cạnh tích cực của xã hội Việt Nam mà thôi. Bởi vì luận đề của tác phẩm là “tồi tệ”, không phải một cuộc nghiên cứu hai chiều. Nhưng mà phải vậy thôi, nếu muốn trị bịnh bằng thuốc đắng.
Từ những dữ kiện trích dẫn, ông đã đưa ra một số nhận định về nguyên nhân đưa đến những tính xấu này, mà có cội nguồn sâu xa là vì do hấp thụ một nền giáo dục truyền thống, và có gốc từ một xã hội thuần nông:
“… Đó là nguyên nhân chính đưa đến sự trì trệ lâu dài mang tính hệ thống khiến cho xã hội và đất nước chậm phát triển so với tiềm năng thực tế mà thật ra nó phải có” (tr. 82).
Và cũng chính vì tính đặc thù của gia đình họ hàng Việt Nam làm cho con người khó có thể theo được sự tiến hóa của xã hội: “…do nhận thức thấp kém cùng sự thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của đa số người dân, cái quan hệ chằng chịt bởi nếp sống ràng buộc của đại gia đình Việt Nam không thường xuyên mang lại niềm vui và sự hạnh phúc, nó hầu như chỉ đem đến những khó khăn sự phức tạp và nỗi thống khổ cho những người trong cuộc.” (tr. 49).
Và do “…nền tảng văn hóa bị đánh mất, nền giáo dục thì trì trệ, bất cập và lạc hậu, từ đó, dân trí sẽ chậm phát triển nên ý thức của người dân không có điều kiện và cơ sở để được nâng cao…” (tr. 174).
Tóm lại, lỗi phần lớn, theo Lâm Nhược Trần, nằm ở một số khía cạnh đặc thù của bản sắc dân Việt. Nhưng vì sao đến nông nỗi này, trong khi nếp sống gia đình làng xã của Việt Nam khá giống xã hội nơi một số nước tiến bộ khác trong vùng Đông Nam Á?
Tuy tác giả không nói trắng ra vì sao đất nước, con người Việt trở nên tệ hại như thế nhưng người ta có thể đọc giữa những hàng chữ là trách nhiệm lớn nằm ở bộ máy cầm quyền, đã dung túng cho thuộc hạ các cấp từ cao tới thấp mặc tình thao túng theo một chính sách tùy tiện, chắp vá. Chính sách này, cộng thêm một số thói tật đã tạo nên một “…tư duy mang ơn, cảm ơn theo cái cách quỳ lụy, xin xỏ cũng rất phổ biến… Nghĩ cũng lạ, mà người dân có hiểu gì đâu, dân đóng thuế để nuôi cán bộ, cán bộ có trách nhiệm giải quyết những bức xúc của dân, nhưng họ vẫn có thói quen một cách rất quan liêu, ban ơn và hành dân.” (tr. 142). “Thực tế là như vậy, nhưng để biện minh cho sự yếu kém, cho tiêu cực và những bất cập tồn tại trong xã hội, nhiều người, nhất là các cơ quan công quyền thường hay có thói quen đổ lỗi cho nhau hay cho kinh tế thị trường… Sai phạm xảy ra, nếu chi với điệp khúc ‘rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ’ rồi ‘khiển trách hay cảnh cáo’ như trò trẻ con sẽ không giải quyết được vấn đề.” (tr. 173).
Và còn nhiều nữa…, như “chạy theo thành tích là một vấn nạn có hệ thống và đã trở thành một nếp sống xã hội mang tính tiêu cực trầm trọng” (tr. 42), là điều bất cứ người nào khi nhìn vào những công trình hoành tráng kiểu đồ hàng mã đầy dẫy ở Việt Nam đều thấy rõ và ngán ngẩm trò đời lẫn ngán sợ tai nạn chưa biết sẽ xảy ra lúc nào do tắc trách.
Đọc hết 360 trang với đầy dẫy lời kết tội, khi gấp sách lại, người đọc sẽ bàng hoàng tự hỏi: có thật vậy chăng? Nếu quả tình 90% dân Việt mang nhiều tính xấu như vậy thì đất nước sẽ ra sao? Bởi vì, ngay chính bản thân họ (có lẽ cũng do cảm tính chăng?), họ thấy những tật xấu này không nằm trong họ và có lẽ những thành viên trong gia đình họ đâu có xấu xa như thế.
Một câu hỏi nhức nhối đã được tác giả đưa ra cho mọi người, bất kể ở đâu, tự suy ngẫm: “Bạn muốn con mình trờ thành người thế nào? Tử tế, có cuộc sống hạnh phúc? Bạn thực sự nghĩ rằng bạn có thể dạy con thành người tử tế, khi chính bản thân các bạn đang bị cuốn theo cái xã hội đầy xấu xa, và các bạn không thèm làm gì khác ngoài nương theo cái xấu xa ấy để sống?…” (tr. 104).
Nhưng thực tế có lẽ đây là bài toán không lời giải, bởi vì: “…Một số người bạn của tôi làm việc trong giới khoa học và nghệ thuật… trong lúc bàn luận chuyện thế sự, nhìn thấy tình hình đất nước, xã hội, con người ngày nay, họ cảm thấy ‘bó tay toàn tập’, không làm gì được chỉ biết nhìn nhau mà chửi thề…” (tr. 112).
Đương nhiên, vì đúng như trong nhận định của Nguyễn Hưng Quốc nêu ở phần đầu về tâm tính của người Việt, là “khi ra ngoài quan hệ cá nhân thì mọi chuyện sẽ khác ngay”. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây, là một cuộc nghiên cứu dựa trên tài liệu từ báo hàng ngày hay báo mạng bằng cách rút tỉa chọn lọc không có được sự trung thực đúng mức. Báo chí đưa nhiều tin “giựt gân”, tai nạn cướp bóc, chuyện gây sốc… để câu độc giả, điều đó ai cũng biết. Đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của những tờ báo đại chúng ngày nay, bất kể ở nước nào. Đó là chưa nói tới chuyện ở Việt Nam, sự lèo lái quần chúng để họ chỉ chăm chăm bàn tán về những tệ nạn xã hội, về cuộc sống xa hoa của đại gia với siêu sao chân dài… theo kiểu những bài trên báo sẽ làm cho dân chúng bớt quan tâm tìm hiểu thêm về những vấn nạn gốc rễ của xã hội, nhìn theo mặt chính trị, văn hóa chính thống.
Vì thế, nếu chúng ta đọc những trang mạng hay blog của các tổ chức tranh đấu chẳng hạn, thì ta sẽ có cảm giác phần lớn người dân trong nước hằng ngày quan tâm đến việc tranh đấu cho tự do dân chủ. Nếu chúng ta đọc những thông tin từ những cơ sở tôn giáo thì chúng ta sẽ thấy người dân nhường cơm xẻ áo cho nhau trong cơn hoạn nạn…
Người đọc tinh ý có thể thấy những dữ kiện tác giả dẫn chứng phần lớn là những trường hợp cá biệt. Sự giải quyết (hay không giải quyết) của chính phủ Việt Nam trước những tệ nạn này không thấy tác giả đề cập. Hơn nữa, có những chuyện không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam, như chuyện các quan chức đổ lỗi cho nhau khi có sai phạm, như chuyện ăn tô phở 25.000 VND vừa phải chịu đựng một cung cách phục vụ bất lịch sự, vừa bị nghe chửi khi đưa tờ 500.000 (bằng 20 lần giá tô phở hay 1/10 của tháng lương của dân trung bình) để trả tiền, hoặc như trường hợp của chính tác giả “…sau khi tôi chính thức cho phát hành một văn hóa phẩm, một nhà văn nổi tiếng rất có uy tín, lại là bạn thân, đã không ngần ngại, thẳng thừng đặt điều kiện để anh ấy viết một bài quảng bá cho ấn phẩm.” (tr. 177-178). Tuy nhiên, bên cạnh đó phải nói là còn có rất nhiều “chuyện lạ bốn phương” động trời được tác giả nêu ra, mà nếu tác phẩm được dịch ra ngoại ngữ và phổ biến thì chắc lượng du khách tới Việt Nam sẽ sụt giảm đáng kể.
Do đó, nhận xét tác giả đưa ra trong Lời Mở Đầu là “…dân tộc nào cũng có cái hay cái dở, nhưng cái xấu xí của người ta nó hạn chế, bình thường, có thể chấp nhận được, chưa cần phải uống thuốc dể điều trị, còn cái tồi tệ của người Việt Nam chúng ta thì thật sự đã ‘hết thuốc chữa rồi’!” (tr. 28) tôi cho là có phần nào tiêu cực. Dù sao, không thể chối cãi được là những tệ nạn ở Việt Nam đã lan tràn quá mức, đến nỗi Việt Nam hiện đang đứng ngang hàng với nhiều nước ở Phi châu hay Nam Mỹ châu. Đó là cái nhục chung của người Việt chúng ta, nhưng lời giải thì không đơn giản. Đúng như tác giả nhận định: mọi người đã trở nên vô cảm.
Tác phẩm “Người Việt Nam Tồi Tệ”, xét cho cùng, sẽ tìm được hai đối tượng. Thứ nhất là tuyệt đại đa số những người tị nạn trên khắp thế giới thuộc thế hệ thứ nhất, họ mang theo những nét văn hóa đẹp của một xã hội Việt Nam hơn 40 năm về trước để rồi chỉ thấy những chuyện trái tai gai mắt họ gặp trên internet hay qua lời kêu rêu của thân nhân từ trong nước, thì tác phẩm này là một sưu tầm khá đầy đủ những gì họ đã biết và đang muốn biết. Thứ hai là những người trong nước còn đang trăn trở tìm một giải pháp khả thi để có thể cùng nhau cứu vãn sự tuột dốc của văn hóa Việt một khi nước nhà tới vận hội chuyển đổi, thì có thể coi tác phẩm này là một phân tích khá có hệ thống những thói tật của đa số người Việt trong nước.
Nguyễn Hiền
https://caoniendc.com/doc-nguoi-viet-nam-toi-te-cua-lam-nhuoc-tran/

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

Nhà văn Ngọc Cường và tác phẩm ‘Hệ Lụy:’



Hệ Lụy”  là một tập truyện gồm các truyện ngắn được tuyển chọn hệt như một bức tranh lắp ghép mở ra những câu chuyện sống vui buồn, những mảnh đời thăng trầm của người Việt tị nạn khắp nơi tại hải ngoại. Văn phong của Ngọc Cường giản dị, dễ hiểu, không hề có nét bí hiểm nhưng không kém phần sâu sắc. Người xem có thể đọc từ tốn hay đi một mạch xuyên suốt mà không phải vấp ngã bởi bất cứ từ ngữ hay ẩn dụ khó hiểu nào trên con đường chuyên chở văn chương trong tác phẩm của ông… Tình bạn, tình gia đình là những ràng buộc mến yêu được tác giả trân trọng lồng vào những nghịch cảnh, trái ngoe, đắng chát của nhân vật trong truyện. Cái lõi trần trụi muôn mặt của cuộc sống được tác giả bóc ra và bầy rõ.” 
( nhà văn Trịnh Thanh Thủy)
----------------

 “Đọc Hệ Lụy của Ngọc Cường phải kiên nhẫn để cùng tác giả đi vào tâm tư tình cảm của tác giả mới thấu được cái hay. Đừng tìm sự lôi cuốn của câu chuyện (như trong tiểu thuyết trinh thám) sẽ không thấy có trong “Hệ Lụy,” bởi “Hệ Lụy” là những tư duy, những băn khoăn, những thắc mắc từ cuộc sống đan chéo nhau bằng những hệ lụy không một ai tránh khỏi" 
(nhà văn Ngũ Lang)

@

Giới Thiệu Tác Phẩm Văn Chương
Hệ Lụy
Của nhà văn Ngọc-Cường
( Nguyễn Tường-Cường )
Tại Hội Trường Hội Người Việt Cao Niên
Vùng Hoa Thịnh Đốn
Vào lúc 2 đến 5 giờ trưa ngày Chủ Nhật 4 Tháng Sáu Năm 2017
Kính mời Quý đồng hương và Quý chiến hữu QLVNCH
Tham dự buổi giới thiệu tác phẩm Hệ Lụy và thưởng thức phần ca nhạc do  Bích-Định và Thân Hữu phụ trách.
Diễn giả :
Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đức Liêm (Giới thiệu tác giả)
Nhà văn, GS Nguyễn Lân (Giới thiệu tác phẩm )
Tổ Chức và Điều khiển chương trình :
Bích-Định và Nhất-Hùng
(Địa chỉ Hội Cao Niên : 6131 Willston Dr. Suite 107, Falls Church, VA 22044
ĐT Liên lạc : Nhất-Hùng (301) 529-5603, Bích-Định (301) 332-6046
@@
Tác giả Ngọc Cường ra mắt sách Hệ Lụy tại Hội trường Nhật báo Người Việt