Nhà Việt Nam
" Có câu nói rằng: "Trái tim ta ở đâu, nơi ấy chính là nhà." Nhưng cũng có câu nói khác: "Nơi nào ta muốn sống, nơi ấy chính là nhà". Đối với Cao Nguyên, chắc chắn ông muốn sống tại một xứ sở tự do như Hoa Kỳ, nhưng trái tim vẫn để ở một nơi khác. Vậy thì, nhà của Cao Nguyên ở đâu?
Tác phẩm "Nhà Việt Nam" của Cao Nguyên gồm 42 bài thơ.
Đó là 42 lần đối diện với câu hỏi: "Quê nhà ta nơi đâu?"
Cao Nguyên là một tên không xa lạ với những người Việt yêu thơ. Thơ ông được bạn đọc ưu ái đón nhận vì ý mới, chữ lạ, nhưng lý do chính có lẽ vì bài thơ nào cũng luôn ẩn hiện hai chữ "Việt Nam". Như những vần thơ của bài thơ mang tên "Không":
cứ kể như mình chẳng có chi
danh đành không, lợi chẳng còn gì
ngày sinh, quê quán - ghi trên giấy
nhẹ vóc trần, "sinh ký tử qui"!
mà rõ khổ, "qui" về đâu chứ
quê đã không, nhà cửa cũng không
chỉ còn nhớ cánh đồng quá khứ
thương luống cày, ngô lúa trổ bông
Điểm đặc biệt hiếm có của tuyển tập "Nhà Việt Nam" còn ở chỗ toàn thể 42 bài thơ đều được chuyển qua Anh ngữ, với nguyện vọng chia sẻ cùng những thế hệ trẻ tại hải ngoại. Cao Nguyên đã thổ lộ như sau:
"Dù trong hay ngoài, mọi người đều có chung một ngôi nhà - Nhà Việt Nam - khi dòng máu Lạc Hồng còn luân chuyển trong thân. Hãy gọi điêu tàn thức dậy, để cùng chung tay dọn sạch những rác rưởi, san bằng những đổ nát, xoa dịu những vết thương còn lưu trong ký ức. "
"Bằng sự dấn thân của chữ nghĩa của một trái tim Việt Nam, tôi muốn thực hiện một chương sử thi mới, như một sự đóng góp vào việc phục hưng quốc gia với tinh thần Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm. "
"Nhằm giúp các bạn trẻ trên toàn cầu thấu hiểu được tâm tư của lớp người đi trước trong trách nhiệm giữ nước và dựng nước, hiểu được sức chiến đấu và sự hy sinh của các chiến bình thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, hiểu được tại sao những giọt lệ hồng mãi chảy sau bốn mươi năm kết thúc cuộc chiến bảo vệ Miền Nam Việt Nam."
Tuyển tập thơ Nhà Việt Nam gồm 2 Chương – Chương 1 : Hồi Tưởng , Chương 2 : Hy Vọng . Quả thật, thơ Cao Nguyên dù trong trùng trùng nỗi đau, vẫn trổi lên điều tuyệt diệu: Niềm Tin và Hy Vọng.
Người lính Cao Nguyên dù ở nơi đâu vẫn luôn giữ quê nhà trong tim, trong những giòng thơ, trong những ước nguyện, và trong cả ánh mắt dõi nhìn vào cõi vô cùng:
một mai còn chút lời thơ mộng
sẽ gởi quê mình di chúc thơ
thương yêu, nhân ái và hy vọng
mãi đẹp bên đời như ước mơ
nếu thêm được niềm tin thắp lửa
rọi sáng từng khung cửa phương đông
cho dẫu lịm bên thềm đất hứa
cũng nhẹ hồn vào cõi mênh mông!
-----
Nhà văn Trịnh Bình An giới thiệu tác phẩm "Nhà Việt Nam" trong Chương Trình Văn Học Nghệ Thuật trên đài phát thanh Hoa Thinh Đốn: http://vietwdcradio.com/vhnt-nha-tho-cao-nguyen
----
Giao Cảm từ Tác Giả và Người Chuyển Ngữ
Khởi điểm của tập thơ "Nhà Việt Nam" phát sinh từ sau khi tôi hoàn tất bản thảo tuyển tập "Hành Trình Nhân Ái", với ý nghĩ cần thiết chuyển tải đến các bạn trẻ phần nào về những hệ lụy từ cuộc chiến bảo vệ miền Nam Việt Nam. Đồng thời gợi ý với các bạn trẻ về những đóng góp cần thiết cho một hành trình mới trong cuộc đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ.
Ý nghĩ được thực hiện khi tôi đọc tuyển tập "Thơ Lính Chiến Miền Nam" của tác giả Nguyễn Hữu Thời, gồm 125 bài thơ gom góp được từ những người lính Miền Nam và chuyển sang Anh ngữ với mục đích giữ lại những di chứng chiến tranh qua tâm tư những chiến binh. Đó là sử thi, là những
bức tranh thực cảnh của máu xương trộn cùng hoài bảo của những người đi giữ nước. Nguyễn Hữu Thời là người tái tạo những bức tranh thi sử đó linh động theo màu sắc của ngôn ngữ thứ hai.
Từ sự đồng cảm qua dòng thơ lưu vong của tôi, anh Nguyễn Hữu Thời chấp nhận lời đề nghị chuyển sang Anh ngữ các bài thơ trong tác phẩm "Nhà Việt Nam" trên quan điểm người chuyển ngữ một tác phẩm là tác giả thứ hai của tác phẩm đó.
Do anh Nguyễn Hữu Thời không muốn đặt tên anh nơi trang bìa của tập thơ này, nên tôi muốn ghi lại vài dòng giao cảm như sự tri ân duyên giao ngộ giữa người viết và người chuyển ngữ đang sống ở hai cực địa cầu.
Trân trọng,
Cao Nguyên
Washington DC- Mùa Xuân 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét