Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

Thầm Lặng

 Giới thiệu sách mới THẦM LẶNG



NGHE TRONG THẦM LẶNG
(Nhân đọc tập truyện Thầm Lặng (*) của Doãn Kim Khánh)
Phan Ni Tấn
Tôi còn nhớ năm 1979 cuối con hẻm nhỏ trên đường Thành Thái, Sài Gòn có một căn nhà nhỏ của một gia đình di cư không giàu có. Dĩ nhiên có thể nói họ nghèo nhưng tên tuổi, đạo đức và khí khái thì mênh mông. Đó là gia đình nhà giáo kiêm nhà văn Doãn Quốc Sỹ, tác giả của những tác phẩm giá trị trên văn đàn Việt Nam. Căn nhà cuối hẻm của nhà văn, vào thời buổi nhiễu nhương tuy không an toàn, nhưng với tôi, lại là nơi ấm áp nhất trần đời.
Đó là nơi tôi đã đến trú ngụ, dù chỉ một đêm thôi, nhưng đã để lại trong tôi một ngọn lửa hồng, một sự biết ơn. Đêm nằm trên bộ salon màu đỏ, đã cũ ngoài phòng khách, dù êm ấm tôi vẫn không ngủ được. Một du tử ngủ bờ ngủ bụi như tôi lúc bấy giờ, thấm thía cái lạnh nửa đêm ở Sài Gòn ra sao thì cái ấm áp dưới mái nhà này làm tôi bồi hồi, thao thức. Trong bóng tối lờ mờ tôi bỗng chú ý tới một bức tranh treo trên vách.
Đó là bức mộc bản của họa sĩ Võ Đình khắc họa một Cây Tổ trăm năm cằn cỗi, trên cành trụi lá có một con trâu bị chém treo ngành, dưới gốc cây một người đàn ông cụt giò, đứng chống nạng, con mắt trắng dã đau đáu nhìn vào cõi khôn cùng.
Đứng lặng trong đêm tối trước Cây Tổ tôi chợt thấy mình mỉm cười chua chát. Mình đang an trú ở đây trong khi gia trưởng, tức nhà văn Doãn Quốc Sỹ, một "biệt kích văn hóa" lại bị tù đày đâu đó trong một trại giam trên cao nguyên Gia Lai xa mù. Còn người bạn của gia trưởng, họa sĩ Võ Đình thì đang tha phương nơi xứ lạ quê người.
Sáng ngày hôm sau từ giã Doãn gia tôi tiếp tục lang thang trên nẻo đường vô định. Những tưởng sẽ không bao giờ tôi còn gặp lại những người tử tế này, nhưng không. Dòng đời đôi khi có những điều kỳ lạ mà không ai đoán trước được. Khi qua Mỹ gặp lại Doãn gia tôi như mở cờ trong bụng. Bước vào căn nhà họ Doãn ở Quận Cam tôi nhớ ngay tới các thành viên của "bản dinh" xưa trong con hẻm Thành Thái, Sài Gòn. Chính cái chân tình cố hữu, cái tư cách làm người của Doãn gia đã làm họ đứng thẳng, và làm cho căn nhà trở nên ấm áp hơn, hạnh phúc và thơ mộng hơn.
Lúc tôi gặp lại Doãn gia thì mẹ Thảo, người bạn đời của bố Sỹ, không còn nữa. Bù lại, đối diện với tác giả trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau tôi thấy thương ông già nhiều hơn. Nhà văn yêu nước này, không riêng gì tôi mà những ai ưu thời mẫn thế đều ngưỡng mộ và kính trọng nhân cách của ông từng đứng trước bạo quyền nói lời khẳng khái. Và bên cạnh ông là cô giáo Doãn Kim Khánh, thứ nữ của nhà văn yêu nước, lần đầu tiên tôi được gặp.
Ông bà Doãn Quốc Sỹ có tám người con, từ chị hai Thanh rồi Khánh, Liên, Thái, Vinh, Hưng, Hiển cho tới cô út Hương, tất cả đều giống bố, ưa chuộng văn chương và có năng khiếu về văn học nghệ thuật; chọn một điển hình là cô giáo Khánh.
Doãn Kim Khánh, một tâm hồn đôn hậu, có đôi mắt biết cười, tươi như môi. Tuy là thứ nữ, nhưng vì vóc người nhỏ nhắn nên cô giống như con chim sẻ nhỏ trong gia đình, con chim mô phạm, con chim biết hành văn. Nhưng Khánh không ồn ào viết mà âm thầm lặng lẽ và kiên trì viết để rồi Khánh từ tốn cống hiến cho đời một tác phẩm mang tên Thầm Lặng.
Thầm Lặng là tập truyện đầu tay của Doãn Kim Khánh, do chính Doãn gia phụ trách từ A đến Z, trình bày, in ấn và phổ biến. Ngoài tiếng Việt còn có phần Anh ngữ do Doãn Ngọc Thanh tuyển dịch. Thanh là trưởng nữ của ông bà Doãn Quốc Sỹ.
Đọc Thầm Lặng, ta nhận ra mỗi câu chuyện của Khánh là một bức khắc họa bằng những nét chữ mộc mạc, giản dị, sinh động mà hiền như nước mưa. Khánh viết như thể Khánh nhớ gì thì viết nấy, không cầu kỳ, bí hiểm nhưng không kém phần tế nhị, sâu sắc.
Dạy học là nghề, văn chương là nghiệp, Doãn Kim Khánh bộc bạch "diễm phúc được là một trong những đứa con hưởng 'tay cầm bút' của bố." Thật vậy, ngoài dạy học như bố, cuộc sống nội tâm đã thúc đẩy Khánh đi vào con đường văn chương với tất cả tâm tình, không những cô tìm thấy tâm hồn mình trong đó mà có cả hình bóng của người thân, của gia đình Trường Tộ, của gia đình Thành Thái, của bạn bè, của thầy cô, của các "trò" già lẫn trẻ, của thiện ác, của tuổi thơ, của chiếc lá và của… chiếc bánh đi chơi.
Điểm cao quí nhất trong văn chương Thầm Lặng là tình gia đình. Trong cảnh đời khốn khó của cuộc di cư vào Nam năm 1954, Doãn Kim Khánh, sau này kể:
"Tháng 9 năm 1954, mẹ theo bố vào Nam. Trước đó bố hoạt động ngang dọc, sáng ngời lý tưởng rồi ê chề thất vọng. Quyết định vào Nam là của bố, mẹ chỉ bế hai con và dắt cô em chồng mười bảy tuổi theo."
Ta thấy ở đây có hai hình bóng thầm lặng, là người mẹ "một đời thầm lặng mẹ theo bố" và cô em chồng tức em của bố. Ngòi viết của Doãn Kim Khánh chấm xuống tình ruột rà thương mến, cảm thông nhau và che chở cho nhau trong hoàn cảnh luôn bất lợi mà phải bỏ chòm xóm ra đi. Tình cảnh này được mô tả trong truyện "Bố và Cô" qua đó bố đưa vợ và hai con vào Nam, ông cũng đưa cả người em theo:
"Năm ấy bố 31 tuổi và cô 17. Cô ở chung nhà với bố mẹ được tám năm thì cô đi lấy chồng. Những tưởng cuộc đời trôi dạt cô ra khỏi vòng tay bố mẹ, để rồi 66 năm sau, cô và bố lại ở hai căn nhà sát vách nhau trên đất Mỹ. Hai căn nhà cùng địa chỉ, cô gọi nhà cô là ‘căn A’ và nhà bố là ‘căn B’. Ngày nay bố đã 97 tuổi và cô 83. Bố không còn mẹ đã 9 năm và cô đã không còn chú từ tháng Ba năm nay."
Người ra đi, kẻ ở lại qua bút pháp thật giản dị và vô cùng cảm động của Doãn Kim Khánh dễ làm xao xuyến lòng người; truyện "Lá" chẳng hạn.
Đó là câu truyện tình người buồn man mác, thấm thía và đẹp như thơ được Khánh mô tả qua hình ảnh chiếc lá. Dưới cái nhìn của Khánh cho ta thấy chiếc lá có hồn, và tiếng rơi của lá nghe như hồi chuông sinh tử của một kiếp người. Khánh tâm sự: "Mỗi chiếc lá rụng như có một tâm sự riêng. Thấy người nào sống với niềm u uẩn, tự nhiên tôi muốn so sánh họ với những chiếc lá rơi." Oái oăm thay, những chiếc lá rơi đó có tên Andrew và Sean Harvell, là hai chiến sĩ có số phận nghiệt ngã, như Khánh cho biết. Người em chết trận ở Afghanistan, người anh sống sót trở về từ chiến trường Iraq và Afghanistan nhưng mang chấn thương não và suy sụp tâm thần để cuối cùng chết đuối ở biển Long Beach. Và bà mẹ bất hạnh của hai người con anh hùng bạc mệnh kia cũng được tác giả Thầm Lặng hóa thành "chiếc lá vàng trời bắt sống để khóc chiếc lá xanh."
Ở đời có buồn thì cũng phải có vui. Vui buồn lẫn lộn trộn vào nhau thành vui sầu. Có những lần sau buổi dạy ra về thấy trời đã tối và se lạnh tự dưng cô giáo nhận ra tự đáy lòng dâng lên từng đợt sóng cảm hoài. Cô sầu với quãng đời dạy học trên đất khách quê người nơi mà truyền thống tôn sư trọng đạo hầu như vắng mặt. Khi nhớ lại những ngày dạy học ấm cúng xa xưa của cô ở quê nhà lòng cô chùng xuống. Và với niềm hoài cổ da diết, tự nhiên mấy câu thơ ông đồ già của cụ Vũ Đình Liên lại len vào hồn:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Lan man thầm hỏi xong cô Khánh lại nhẩn nha trôi ngược vào dĩ vãng để đi tìm ông thi sĩ Bùi Giáng lấy vui sầu làm mồi lửa thắp sáng lòng yêu mến trần gian. Gặp được người thơ bụi bặm phong trần rồi, Khánh vừa thương ông lại vừa thở dài sườn sượt nhận ra trần gian, quả như thi sĩ nói, sầu vui tiếp nối chuyện vui sầu:
Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc
Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay (BG)
Nhưng xuyên suốt qua 215 trang Thầm Lặng (không kể phần Anh ngữ) không phải truyện nào của Doãn Kim Khánh cũng mang tâm trạng u uất, não nề. Có truyện Khánh viết thật nhẹ nhàng như truyện "Đẹp Xấu", có truyện ẩn chứa một triết lý nhân sinh như truyện "Thím", truyện "Chuyện Kể Tại Một Văn Phòng", có truyện buồn cười mà dễ thương như "Tuổi Thơ Nhút Nhát", có truyện rưng rưng mà sảng khoái trước cái hào sảng thơ ngây của hai chị em Maya và Zayn như truyện "Chị Em". Có truyện Khánh viết thật dí dỏm pha chút xởi lởi giọng quê Nam trong đó có thằng Tư Ển nói ngọng, có Út Dzai chọc quê Út Gái… như truyện "Các Út Nhà Họ Doãn".
Bút pháp của Doãn Kim Khánh thật phong phú. Khánh dẫn người đọc đi qua từng trang sách với nhiều trạng thái khác nhau, từ trang buồn thầm lặng đến trang náo nhiệt vui. Ngược với tiếng nói của thầm lặng là tiếng cười nói hồn nhiên và ồn ào của thế giới trẻ con lẫn người lớn.
Trong Thầm Lặng, Khánh viết tặng hai "con guộc" của Doãn gia như truyện "Con Guộc" với tràn trề niềm vui của tiếng hát, ràn rụa sức mạnh của dây đàn. Cứ thế, dưới sự lãnh đạo của tay Dân Vận gộc vừa được thả từ trại "cải tạo" về - như Khánh cho biết - đã đẻ ra cái gọi là "Hội Ca Cầm" với Ngô "hát hay", Bồ "hay hát" hợp với ban văn nghệ nhà đồng cất lên tiếng hát sung mãn, tiếng hò ào ạt, vang vang, bền bỉ, dắt díu nhau qua từng vận nước, vận nhà nổi trôi, mặc cho bao nỗi đe dọa ngoài con hẻm của xóm lao động hiền hòa kia.
Cũng trong Thầm Lặng, truyện "Chuyện Ba Đứa Nhóc", Khánh viết tiếng Anh, Má Thùy dịch tiếng Việt, với sự hiện diện của ba vai chính: nhóc Oui(3 tuổi) hay hờn mác và nhõng nhẽo, nhóc Nô (10 tuổi) cứng đầu và rất có tâm hồn ăn uống, cu Bí (11 tuổi) lớn nhất nhà nên tự xưng mình là "anh Bí" quyền uy cao ngất như ông ngoại. Và, ba nhóc tì dưới hình thù của một con chuột, một con heo và một con gà trống mỗi lần tụ lại thì chị Na của tụi nó gọi là cuộc họp thượng đỉnh, thì thôi rồi: như giặc vào nhà, náo loạn cả trần gian lan lên tới thiên đình. Tuy bực, nhưng cuối cùng chị Na cũng kết luận chắc nịch: "Trong ba thằng quỷ sứ này cũng có ba thiên thần."
Ở đời có người thích cái này ghét cái nọ, ruồng cái khó bó cái khôn; người ước trúng số độc đắc, người sợ con số 13 v.v… Riêng tác giả Thầm Lặng lại yêu chữ H. Cái chữ H tiền định hóa ra là dòng mật thủy ngọt ngào , phù hợp với cái nao nức vốn có của hai con tim chân chính biết yêu. Sự tin cậy vào chữ H và tinh thần lạc quan của Khánh sau nhiều năm chung tay đã bện thành một sợi xích-thằng bền bỉ để rồi hồn nhiên tỏa sáng trong câu chuyện "Chữ H Huyền Diệu". Nghe Doãn Kim Khánh thổ lộ tâm tình thấy mà thương:
"Tôi sống vững chãi về tinh thần, nhờ có gia đình bên cạnh và nhất là vững tin nơi bờ vai mạnh mẽ của anh. Anh chính là chữ H huyền diệu và quan trọng cuối cùng trong đời tôi."
Và cũng vì tác phẩm mang tên Thầm Lặng nên truyện ít có lời đối thoại. Nhưng không vì vậy mà Khánh bị giới hạn, ngược lại miêu tả cách đối thoại phong phú của Khánh cho thấy điểm nổi bật tinh thần nhân bản và vẻ đẹp của tình người. Hãy nghe ở đây cách đối đáp đáng yêu nhất của tình cô cháu trong nhà:
"Các cháu khuyến khích cô viết về bốn đứa con của cô, cô viết vài dòng sơ sài rồi đóng quyển sổ lại, lại bị các cháu chê:
- Em của nhà văn sao dở vậy?
- Anh tao số 1! Khỏi so sánh.
Các cháu lại phải nhắc nhở:
- Anh cô nhưng bố tụi cháu.
Cô cương quyết:
- Đã đành bố các cháu, nhưng anh của cô!
Các cháu đành nhượng bộ:
- Vâng anh của cô."
Đọc Doãn Kim Khánh thấy hầu hết Thầm Lặng được viết theo lối văn tường thuật. Già nửa số truyện Thời Trang Và Từ Thiện, Bạn, Cho và Nhận, Nhà Giàu, Ứng Xử, Việt Kiều… là những truyện ngắn tiêu biểu cách xử thế đáng yêu mà cũng đáng ghét của sự sống con người. Chỉ cần ngần ấy nhan đề cũng đủ để nhà văn kể lại toàn bộ cuộc sống hiện thực, viết xuống cái nhân tình thế thái xẩy ra thường ngày bằng lời lẽ thân tình, cử chỉ thân mật, vui có buồn có, có gặp gỡ có chia xa, có hạnh phúc lẫn khổ đau. Đưa cái eo xèo, hỗn độn, cái ngả nghiêng chao đảo, cái trơ trẽn trật khớp của con người lẫn cái thiện cái ác, cái hồn nhiên của tuổi thơ vào văn xuôi là nghề của Khánh.
Đọc văn của Doãn Kim Khánh cho thấy nhà văn Thầm Lặng có tâm hồn hoài cổ, yêu quê xưa, mến người thân và bạn bè cũ mới tận đáy lòng bằng cách dùng ngòi viết để tường thuật những câu chuyện thường tình xảy ra trước mắt của mình và các đối tượng.
Cuối cùng, với tôi, tập truyện Thầm Lặng của nhà văn Doãn Kim Khánh khởi đầu từ căn nhà nhỏ trong con hẻm Thành Thái năm xưa ra tới ngoài nước ngày nay đều toát ra vẻ hiền hòa, chân thực. Quê hương xa xăm và tình người bên cạnh là tố chất đáng yêu đã giúp Khánh khéo léo trong cách hành sử văn chương để gói trọn chữ nghĩa trong tâm hồn bình dị và thầm lặng của mình.
Văn là Người. Người còn đó nên văn chương của Thầm Lặng vẫn có đó, còn đó và mãi mãi bay cao bay xa.
(*) Tìm mua tập truyện Thầm Lặng trên Website: Lulu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét