Từ trái, các giáo sư Đặng Ngọc Sinh, Nguyễn Song Thuận, Bùi Đức Uyên, Phạm Thị Huê, Trần Chấn Trí và Trần Ngọc Dụng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Trong nỗ lực bảo vệ tiếng Việt, ban tổ chức Hội Nghị Thống Nhất Chính Tả Việt vừa có buổi họp báo vào sáng Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu, tại văn phòng Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, Westminster.
Mục đích của buổi họp báo là báo động tình trạng Hán hóa của nhà cầm quyền CSVN qua những đề nghị cải cách tiếng Việt.
Ban tổ chức kêu gọi: “Sau 43 năm xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt tại hải ngoại, chúng tôi mạnh dạn đề xướng hội nghị này và rất mong có sự tham dự của những người còn tha thiết với văn hóa Việt cũng như ngôn ngữ Việt trong sáng.”
Có mặt tại buổi họp báo là các giáo sư Nguyễn Song Thuận – trưởng ban hội nghị, Bùi Đức Uyên – phó trưởng ban chương trình, Phạm Thị Huê – tân chủ tịch Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, Vũ Hoàng – chủ tịch Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California, Trần Chấn Trí, Trần Ngọc Dụng, Trần Huy Bích, Phạm Ngọc Lân, Phạm Kim Long, và đặc biệt là giáo sư Đại Học Fullerton Natalie Trần – người có công tổ chức chương trình huấn luyện các giáo viên của chương trình Song Ngữ Việt-Anh tại California.
Sau nữa, Giáo Sư Song Thuận cho biết, sau sáu năm ròng rã làm việc của nhiều hội đoàn và cá nhân, năm 2017, cộng đồng người Việt hải ngoại đã có “Sổ Tay Chính Tả Tiếng Việt Tập I” và Tập II cũng sắp được hoàn tất.
Ông tiếp: “Sau đó, chúng tôi sẽ hoàn tất việc biên soạn một bộ Từ Điển Tiếng Việt.”
“Đây là một công việc đòi hỏi sự đóng góp của nhiều người. Trước âm mưu Hán hóa tiếng Việt của nhà cầm quyền CSVN, chúng tôi nhận thấy cần có tiếng nói chung của những người Việt hải ngoại,” ông nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Giáo Sư Trần Ngọc Dụng lên tiếng nhắc nhở việc nhà cầm quyền trong nước làm tối nghĩa những từ ngữ vốn đã được người Việt sử dụng trong bao năm qua một cách chính xác.
Ông cho thí dụ: “Chữ ‘ly dị’ bị họ sửa thành ‘ly hôn,’ ‘quan thuế’ thành ‘hải quan,’ và ‘liên lạc’ thành ‘liên hệ’.”
Ông giải thích: “Chữ ‘ly hôn’ có nghĩa là bỏ vợ chứ không thể thay thế cho chữ ‘ly dị.’ Và ‘hải quan’ là nơi kiểm tra những ai vào nước mình bằng đường biển vào chứ không thể nói về nơi kiểm tra đặt trong phi trường.”
Và sự sai lạc lại tiếp tục trong chữ “quan hệ,” một chữ có nghĩa là tiếp xúc với người có huyết thống. ‘Hệ’ là hệ tộc, không thể dùng trong trường hợp tiếp xúc với người ngoài. Chữ chính xác là “liên lạc.”
uổi họp trở nên hào hứng khi nhà báo Thanh Phong của nhật báo Viễn Đông lên tiếng đề nghị mời các đại diện Viện Việt Học đến tham dự Hội Nghị Thống Nhất Chính Tả Việt.
Ông nói: “Chúng tôi thấy nhiều từ ngữ mà Viện Việt Học sử dụng, trong đó có những chữ ‘rất lạ.’ Họ dùng ‘i ngắn’ và ‘y dài’ rất khác với chính tả thông thường xưa nay. Thí dụ, như chữ ‘Hoa Kì.’ Khi chúng tôi nêu thắc mắc trên báo thì bà Kim Ngân bên ấy (Viện Việt Học) lại đến tận tòa soạn Viễn Đông để tỏ ý không bằng lòng.”
Ban tổ chức hy vọng, vì sự đoàn kết của những hội đoàn thực sự quan tâm đến tiếng Việt, Viện Việt Học sẽ tham dự hội nghị vào Tháng Tám.
Trở về việc bảo tồn ngôn ngữ Việt trong sáng, Giáo Sư Phạm Thị Huê nói: “Nhìn quanh trong phòng, tôi thấy đa số chúng ta không dưới tuổi 60. Không biết 20 năm nữa, ai sẽ là người tiếp tục công việc của chúng ta hôm nay. Tôi rất mong những người như Giáo Sư Natalie Trần và những người trẻ tuổi khác sẽ không ngưng làm việc.”
Trong số khách tham dự, nhiều người tán thành việc tổ chức hội nghị cũng như tỏ lòng quan tâm đến tương lai tiếng Việt.
Một cách sơ lược, chương trình hội thảo vào Tháng Tám sẽ gồm có tổng quan về năm quy ước căn bản thống nhất cách viết chữ Việt, quy tắc viết đúng dấu giọng hỏi ngã, những quy luật bất thành văn trong tiếng Việt.
Ban tổ chức cho biết sẽ tổ chức Hội Nghị Thống Nhất Chính Tả Việt vào hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 11 và 12 Tháng Tám, tại giảng đường Đại Học Coastline Community College, 12901 Euclid St., Garden Grove, CA 92840.
(Đằng-Giao)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét