Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

Bảo Tồn Văn Hóa Sử Việt Nam



Bảo Tồn Văn Hóa Sử Việt Nam 

Qua giao tiếp tâm tình cùng quý chiến hữu, quý thân hữu cùng thế hệ 1 của chúng tôi - những người từng là chứng nhân của giai đoạn lịch sử đầy biến động suốt 30 năm (1945 - 1975) - và các bạn trẻ thuộc thế hệ 2 đang sống trên các vùng đất tạm dung, sau biến cố 30/4/1975 phải rời bỏ quê Cha đất Tổ. Mọi người đều có chung nỗi buồn dân tộc do những đổ vỡ trong chiến tranh. Càng đau lòng hơn trong 43 năm tiếp sau ngày quốc hận (30/4/1975), cộng sản đã tàn phá không thương tiếc mọi di sản văn hóa dân tộc do tiền nhân xây dựng. Chúng chủ trương triệt tiêu các công trình văn hóa nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa mang tính lịch sử của dân tộc Việt Nam với truyền thống chống quân xâm lược phương bắc. 
Chúng đập phá các công trình kiến trúc lịch sử từ văn miếu đền đài đến nghĩa trang bia mộ. Do đó, di sản lịch sử nòi giống Lạc Hồng và văn hóa Việt Tộc đã không còn nét đẹp thuở xưa. Ngôn ngữ và kho tàng văn học Việt Nam bị tiêu hủy hay làm biến dạng bằng sức mạnh của chủ nghĩa vô thần. 

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, do thể chế chính trị mất tự chủ, gây ảnh hưởng không tốt về sắc thái Chân Thiện Mỹ của Chữ Nghĩa nói riêng và tác phong đạo đức của nền Văn Hóa nói chung. Chữ viết và Tiếng nói bị biến dạng do ý chí độc tôn muốn phủ nhận những giá trị vốn có, mà hành xử thô bạo trên giá trị Chữ Nghĩa Nhân Bản. Điển hình là việc tiêu hủy gần như hầu hết những chứng liệu ngôn từ thiện mỹ vốn có trước năm 1975. Để khai sinh và phô bày món chữ nghĩa duy vật biện chứng phức tạp và dị ứng với sắc thái nhân bản Văn Hóa Dân Tộc. 

Trước hiện tình bi thảm của nền văn hóa sử Việt Nam, những ai còn thiết tha với cội nguồn dân tộc đều thấy đau lòng. 
Khi thế hệ 1 dần đi vào dĩ vãng, thế hệ 2 còn khó khăn vừa trong hội nhập cuộc sống vào vùng đất mới, vừa chỉnh trang văn hóa sử chính danh Việt Tộc và định hướng phục hưng cho thế hệ tiếp sau với trách nhiệm bảo tồn và phát triển nền văn hóa sử nhân bản từ cái nôi Văn Hiến Lạc Hồng. 

Giữ được nền Văn Hóa là giữ được hồn của Đất và Nước. Giữ được Chữ Nghĩa là giữ được tinh thần và sắc thái của Dân Tộc Việt Nam. Mất Văn Hóa là mất Nước. Cho nên cuộc chiến đấu bảo tồn nền Văn Hóa cũng cam go và đầy thử thách như cuộc chiến đấu bảo vệ nền Tự Do Dân Chủ của một Dân Tộc. 

Với chủ đề “Bảo Tồn Văn Hóa Việt Nam”, bằng vào việc thiết lập một không gian nhỏ trên bầu trời online để trưng bày những tác phẩm liên quan đến việc phục hưng, phát triển và bảo tồn Văn Hóa Việt Nam . Thiết nghĩ đây là việc làm cần thiết và cần sự tiếp tay của mọi người, mọi giới còn nghĩ đến nền Văn Hóa như nghĩ đến cội nguồn Dân Tộc Văn Lang. 

Trên tiến trình Bảo Tồn Văn Hóa Sử Việt Nam, niềm hãnh diện với cộng đồng người Việt hải ngoại và nền tảng khích lệ cho thế hệ trẻ hôm nay là các trường Việt Ngữ được mở ra trên phần lớn các quốc gia có người Việt sinh sống. Vừa bảo lưu ý thức dân tộc qua ngôn ngữ và truyền thống lễ giáo, vừa phát triển ý thức quốc gia dân tộc vào dòng văn hóa toàn cầu. 

Tuy nhiên vẫn còn có sự hạn chế do chưa có động lực mạnh mẽ kết hợp sự sinh động hiện có thành cuộc phát triển chung trong mục đích phục hưng nền văn hóa nhân bản trên quê hương khi chủ nghĩa cộng sản thoái hóa và bị tiêu diệt. Cần có lực đẩy tích cực của thế hệ 1 truyền lửa vào thế hệ 2, 3 và tiếp sau. Cần một cuộc vận động rộng khắp với sự tham gia của mọi người dân Việt còn nghĩ đến tương lai của con cháu chúng ta. Bằng vào việc kết hợp sinh lực các trường Việt Ngữ, các hội đoàn trẻ khắp nơi, thành hình một tổ chức tạm gọi là Tuổi Trẻ Về Nguồn hoạt động văn hóa dưới nhiều hình thức văn thơ nhạc họa phục vụ Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam. Mỗi thành viên trực tiếp tham gia vào tổ chức, thường xuyên trao đổi thông tin về kiến thức ngôn ngữ qua các tác phẩm thành hình từ ý thức dân tộc trong ước muốn phục hưng nền văn học sử nhân bản. 

Mong rằng Tâm Thư này được quý thân hữu hưởng ứng và trợ lực với những góp ý tích cực để phát khởi một phong trào chung vì lợi ích hôm nay và mai sau cho con cháu chúng ta tiếp bước cuộc hành trình bảo tồn nền văn hóa sử Việt Nam. 

Xin đón nhận mọi góp ý từ chủ đề đến cách tổ chức và phương thức hoạt động đạt kết quả tốt. 

Trân trọng, 
Cao Nguyên 
Đông Bắc Mỹ - 01/04/2018 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét