Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

TRƯNG NỮ VƯƠNG



Mê Linh, địa linh nhân kiệt

Mở đầu: Mê Linh là một địa danh lịch sử mà hầu hết người dân Việt đều nghe nói tới. Đó
là nơi đóng đô của Trưng Nữ Vương (40 – 43)

“Đô kỳ đóng cõi Mê Linh”
“Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.” (Đại Nam Quốc Sử diễn ca)

Trước khi tìm hiểu thêm về đất Mê Linh, chúng ta cùng ôn lại vài nét sơ lược về lịch sử
khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đuổi thái thú Tô Định về Tàu.

Chính sách cai trị độc ác của nhà Hán: Năm 111 trước Tây Lịch, nhà Hán tiêu diệt nhà
Triệu và chiếm cứ nước Nam Việt, chia ra 9 quận để cai trị. Những tên Thứ Sử và Thái Thú
sang cai trị nước ta thời đó, đa số đều tham lam, tàn ác. Nhất là tên thái thú Tô Định và
đám quan lại dưới quyền. Chúng vơ vét châu báu, bạc vàng trong nưóc Nam đem về Tàu,
bắt dân Nam xuống biển mò ngọc trai, lên rừng kiếm ngà voi, dân tình khổ ải nên căm hận
khôn xiết.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40): Vì chính sách cai trị độc ác của nhà Hán,
do tên thái thú Tô Định thi hành đã khiến dân Lạc Việt sục sôi máu căm thù. Nhân việc Tô
Định bức hại ông Thi Sách là chồng bà Trưng Trắc, con gái quan Lạc Tướng ở huyện Mê
Linh, Hai Bà Trưng đã cùng phất cờ khởi nghĩa. Theo sử gia Trần Trọng Kim “Vợ Thi Sách
là Trưng Trắc, con quan Lạc tướng ở huyện Mê Linh (làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh
Vĩnh Phúc) cùng với em là Trưng Nhị, nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Bọn Tô Định
phải chạy trốn về quận Nam Hải".(tỉnh Quảng Đông)

Hai Bà Trưng tấn công và chiếm thành Luy Lâu (Liên Lâu) là cơ quan đầu não của Tô
Định và đoàn quân xâm lược. Quân Hán bị tiêu diệt và bị bắt toàn bộ. Tô Định chạy thoát
về Tàu.

Chẳng bao lâu, Hai Bà Trưng đã hạ được 65 thành quách của giặc và thu về bốn quận
Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố (thuộc Quảng Đông tức tỉnh Quảng Châu bên
Tàu ngày nay).

Hai Bà Trưng lên ngôi báu, tức Trưng Nữ Vương, chọn Mê Linh là kinh đô, làm vua được
ba năm mới bị nhà Hán sai Mã Viện sang đánh chiếm lại.

Mê Linh địa linh, nhân kiệt: Huyện Mê Linh ngày nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (Vĩnh Yên và
Phúc Yên), là miền rừng núi trung châu Bắc Việt, cách Hà Nội khoảng 60 Km. về hướng
đông nam, bắc giáp Tuyên Quang, Thái Nguyên, tây giáp tỉnh Phú Thọ và tây nam giáp Hà
Tây. Thời Bắc thuộc, huyện lị là Mê Linh (nay ở làng Hạ Lôi), thủ phủ đầu tiên của quận
Giao Chỉ , đến đời Tề (501 AD) mới bỏ.

Huyện Mê Linh là quê hương cuả hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị, Mê
Linh cũng là kinh đô triều đại nhà Trưng. Hiện nay còn dấu vết thành cổ đắp đất , rộng
hơn 100 mẫu ta (khoảng 800 ngàn mét vuông) chiều dài khoảng 1700m, chiều rộng nhất
là 500m, ở làng Hạ Lôi, huyện Mê Linh.

Lễ Hội tại đền Hạ Lôi (Mê Linh) diễn ra vào ngày 6 tháng giêng âm lịch hàng năm, nơi thờ
Hai Bà Trưng và ông Thi Sách. Có tục rước kiệu và các trò vui dân gian. Tương truyền đây
là ngày khao quân của Hai Bà.Trưng..

Cũng nên biết thêm lễ kỷ niệm hai Bà Trưng được tổ chức tại khắp nước VN và tại Hải
Ngoại vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch, là ngày hai Bà đã phải nhẩy xuống sông Hát tự
tận năm 43 sau khi bị lực lượng quân Hán do Mã Viện chỉ huy đánh bại.

Thành Luy Lâu (Liên Lâu):

Nói đến Mê Linh và lịch sử khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đuổi thái thú Tô Định về
Tàu, ta không thể không nhắc đến địa danh lịch sử “thành Luy Lâu”.
Thành Luy Lâu (Liên Lâu) “tên Việt gọi là Dâu, tiếng Hán là Duy Lâu, quận trị Giao Chỉ
huyện về đời Hán vừa là lỵ sở bộ Giao Chỉ. từ 111 đến 105 tr. TL (sau dời đến Thương
Ngô), ở xã Lũng Khê, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách sông Đuống
5km về phía bắc , trên sông Dâu.” (Đinh Xuân Vịnh - Sổ Tay Địa Danh VN).
Kết quả khảo cổ cho biết:
- Luy Lâu là nơi cư trú – Trung tâm kinh tế và văn hóa của người Việt cổ trước CN
- Luy Lâu cũng là trị sở của quận Giao Chỉ và Giao Châu thời thuộc Hán
- Luy Lâu là trung tâm thương mại của VN thời Bắc thuộc
- Luy Lâu là trung tâm hội nhập, tiếp xúc văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo

Đánh chiếm thành Liên Lâu (Luy Lâu):

Cuộc tấn công thành Luy Lâu tức Liên Lâu của Hai Bà Trưng năm 40, là đánh thẳng vào
cơ sở đầu não của quân Hán do Tô Định cầm đầu. Cũng vì cơ quan đầu não của địch bị
phá vỡ, chủ tướng bỏ chạy về Tàu, nên 65 thành quách của địch ở rải rác khắp nước Nam
mới mau chóng bị nghĩa quân của Hai Bà Trưng đánh chiếm.

Hai Bà Trưng dựng nền Độc lập

“...Bà Trưng quê ở châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân,
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên. (trị sở Giao châu, vùng Thuận Thành)
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành.
Đô Kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
Ba thu gánh vác sơn hà ,
Một là báo phục, hai là bá vương...”
(Lê Ngô Cát – Sách đã dẫn tr. 74, 75)

Kết Luận: Mê Linh và Luy Lâu đều là những địa danh lịch sử Việt Nam, nay dấu vết thành
quách cổ xưa chỉ còn lại nền đất cỏ mọc xanh rì hoặc là bờ ruộng, nương dâu, lơ thơ có
vài căn nhà tranh vách đất.

“Dấu xưa xe ngựa, hồn thu thảo”
“Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương.” (Bà Huyện Thanh Quan)

Mê Linh chính là kinh đô một thời Hai Bà Trưng giành về độc lập trong một thời gian ngắn
ngủi 3 năm, và Luy Lâu là nơi ghi nhớ chiến công hiển hách của Hai Bà Trưng, đánh đuổi
giặc Hán cùng Tô Định về Tàu.

Nhắc đến Mê Linh và Luy Lâu là nhắc đến trang sử Việt oai hùng vậy.

Vương Sinh

Sách tham khảo:

- Việt Nam Sử Lược (Q. 1)- Trần Trọng Kim
- Lịch Sử Dân tộc Việt Nam (Q. 1) - Phạm Cao Dương
- Sổ tay địa danh Việt Nam – Đinh Xuân Vịnh
- Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam - Tập II
- Non nước Việt Nam – Sách hướng dẫn du lịch
- Từ điển địa danh văn hóa và thắng cảnh VN – NXB – KHHN
- Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca – Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái - NXB Xuân Thu.
- Tuyển Tập Kịch Thơ Bất Khuất – Song Thuận – HSV xuất bản năm 2006
- Tài liệu trên Internet


Lễ Tưởng Niệm Hai Bà Trưng

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Giới Thiệu Phim Hồn Việt tại Minnesota

GIỚI THIỆU FILM " HỒN VIỆT QUỐC KỲ QUỐC CA VIỆT NAM "



Những Đóa Hoa Tình
(Tưởng nhớ Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích - Ngày giỗ đầu 02/03/2017)

Đầu Tháng Ba, miền Đông Bắc Hoa Kỳ chưa thoát khỏi những cơn gió lạnh Mùa Đông, máy sưởi vẫn còn rì rào phả ấm vào lúc đồng hồ bật lên một nấc theo nhịp gõ Mùa Xuân.
Anh ra đi giữa lằn ranh Đông - Xuân, giữa lạnh và ấm của Đất và Người. Nắng chưa đủ độ hồng như những đóa hoa từ thân bằng quyến thuộc, từ chiến hữu và văn thi hữu đem đến tặng anh, long lanh đủ các sắc màu mà hoa có được nhờ hơi ấm của tình người.

Tâm trí tôi thầm thì cùng anh, níu ngọn bút xuống ngoằn nghèo trên mặt giấy những vòng chữ như khi tôi nhặt những cánh hoa rơi quanh bờ huyệt thả bay xuống chạm nóc áo quan vốn đã ngập đầy những đóa hoa tình quanh một lẵng hoa hồng rực đỏ có cài giải băng trắng ghi dòng chữ "Của Bé Tặng Anh". Bé Hợi của anh đó - Tình của Chị gởi cho anh quá tuyệt vời. Tuyệt vời như lời cuối của Chị nói theo giọt nước mắt rơi trên những đóa hoa: "Anh an nghỉ nhé trong lòng đất Mẹ, lòng đất không hề phân biệt là đất quê mình hay đất quê người".

Đứng bên Chị, tôi nghe rõ điều đó. Nhìn những hạt cát bám trên cánh hoa tôi vừa nhặt, dẫu biết sau nở sẽ tàn, sau hợp sẽ tan, mọi sinh thể rồi cũng về với đất theo chu kỳ sinh tử hằng nhiên, nhưng mắt mình không ngăn được dòng lệ xót cay!

Nhớ năm kia tôi viết bài "Vãi Chữ Lên Trời" tiếp theo bài "Rải Tro Theo Gió" của nhà văn Nguyễn Tường Thiết về những hạt tro của di thể tướng Ngô Quang Trưởng thoát bay từ đỉnh đèo Hải Vân xuống lòng biển rộng. Hôm nay những cánh hoa thoát bay từ những bàn tay thân thương xuống lòng huyệt lạnh, chỉ khác ở dung tích mà không khác sự dung chứa theo lời nguyện cầu sưởi ấm hồn người đã giã từ nhân thế.
Đất hay Nước vẫn ôm trọn một đời người khi ra đi về cõi vĩnh hằng!

Lúc còn bên nhau, chỉ cần một nụ cười mỗi khi gặp cũng đủ thấy vui. Khi xa nhau, mới cảm thấy ngậm ngùi với bao lời muốn nói. Thế mới hay, sự nhớ thương còn sâu đậm hơn tình thân mến. Lời của trái tim đẹp hơn tiếng nói của vành môi!

Anh Bích ơi! Tôi còn đủ chất lãng mạn ngôn từ như anh đã từng trêu tôi phải không? Thật sự hôm nay tôi rất muốn viết gởi anh một lá thư tình chứa đầy ngôn ngữ của trái tim đã từng thổn thức suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ lịch sử đau thương mà anh em mình đã dấn thân nhập cuộc bảo quốc, an dân.
Như thơ tôi viết tiễn biệt người chiến hữu năm xưa:
Vừa như mới ngã mũ chào
Mà phơ phất bóng chiến bào tầm xa
Ngựa giòn gõ vó bôn qua
Bụi hồng sương quyện lệ nhòa mắt cay!

Anh ra đi cũng quyện vào mắt người ở lại biết bao dòng lệ cay như vậy, anh ra đi đột ngột đến nỗi tôi không tin ở mắt mình khi nhìn anh nằm trong áo quan ở nhà quàn sáng nay!

Chữ nghĩa chứa chất liệu sử thi bao giờ cũng nhuốm nỗi buồn xa cội, rời quê. Muốn đột phá vòng khổ lụy bi ai, cần những lời ca dõng dạt như Người Nguyễn Đức Quang hát vang trong không gian lộng gió:
".. Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Ôm vết thương rỉ máu, vẫn cười dưới ánh mặt trời!"

Anh cũng đã cười dưới ánh mặt trời qua bao cuộc đổi đời nghiệt ngã từ Bắc vào Nam, từ quê nhà ra hải ngoại. Tiếng cười của anh tiếp truyền theo lời anh nhắn gọi tuổi trẻ lên đường phục hưng Tổ Quốc. Tiếng nói của anh lan tỏa trong không gian ba chiều chứa biết bao tâm huyết của một người suốt đời vì nước quên mình.

Chính những khẳng khái của ngôn tự bật lên từ trái tim nhiệt nồng của anh qua những bài thuyết giảng về sự tồn sinh nhân ái chuyển lưu vào mạch sống thế nhân, đã làm mọi người thương tiếc khôn nguôi khi anh ra đi. Ra đi mà hiện hữu, bởi di sản nhân sinh anh để lại cho đời còn đẹp mãi.

Tổ Quốc luôn sinh động dưới màu cờ vàng, mãnh lực của dân tộc chuyển mình xây dựng lại quê hương phát khởi từ một phần của di sản ấy. Những đóa hoa tình của những người thân thương đang trao tặng anh hôm nay, có chứa cả nước mắt và lời nguyện cầu anh mãi bình yên và tiếp trợ cho những sinh lực mới đang nẩy mầm sống đẹp cho mùa Xuân Dân Chủ trên quê hương Việt Nam.

Cao Nguyên
Washington.DC - 12/3/2016

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Chiến Tranh Việt Nam Trên Bức Tường Đá Đen

Destiny Nguyen

Có thể bạn chưa biết trên bức tường đen khắc tên hơn năm mươi ngàn quân nhân Mỹ đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam có rất nhiều tên bên cạnh vẫn còn khắc hình thánh giá thay vì chạm hình diamond. Có nghĩa là cho đến ngày hôm nay những người này vẫn còn nằm trong danh sách những người bị mất tích trong chiến tranh. Đã bốn mươi hai năm trôi qua gia đình họ vẫn không biết con , chồng , cha của mình thân xác đã bỏ nơi đâu trên chiến trường Việt Nam .

Điều an ủi là chính phủ Mỹ họ chưa bao giờ ngưng tìm kiếm hài cốt của những người đã nằm lại nơi không phải quê hương của họ. Và mới đây vào ngày 16 tháng 2 nam 2017 nguồn tin từ toà đại sứ Hoa Kỳ cho biết trung tướng Mark Spindler đã cùng với Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và Cơ quan tìm kiếm tù binh và người mất tích đã gặp đại sứ và đại diện phía Việt Nam để bàn bạc nhằm tiến hành nhiệm vụ nhân đạo mà Trung tướng Mark Spindler được giao phó . Ông cũng cho biết rất trông cậy vào sự hợp tác của phía Việt Nam . Ngay sau buổi gặp mặt thì phía Việt Nam đã trao lại cho phía Mỹ những hiện vật mà hiện nay đang cất trong viện bảo tàng Việt Nam có liên quan đến những người lính Mỹ mất tích trong khi đang làm nhiệm vụ trước đây . Và việc trao trả hiện vật này được coi như là cử chỉ thân thiện nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hai quốc gia từng được xem là cựu thù với nhau .

Như chúng ta đã biết tám năm qua dưới thời TT Obama không thấy V+ làm việc này để tăng cường hợp tác nhưng sao bây giờ khi tân TT Trump vẫn còn rất mới trong vai trò Tổng Tư Lệnh thì V+ lại " tăng cường hợp tác " như vậy ? Và có phải trong cuộc chiến tranh Việt Nam sự chính nghĩa của VNCH ngày càng được sáng tỏ ?

U.S Embassy & Consulate in Vietnam
United States and Vietnam Strengthen Ties with Vietnam War Artifact Handover
HANOI, February 16, 2017– On Monday, the United States Defense POW/MIA Accounting Agency (DPAA) Deputy Director, Brigadier General Mark Spindler, met with the Director of the Vietnam Office for Seeking Missing Persons (VNOSMP), Ambassador Le Thanh Tung, at the VNOSMP’s Ministry of National Defense Office in Hanoi. At the conclusion of the meeting, VNOSMP presented a prisoner-of-war/missing-in-action (POW/MIA)-related museum artifact to DPAA. BG Spindler accepted the artifact and gave special thanks to the people and government of Vietnam. He thanked VNOSMP for its commitment, dedication, and support of the combined efforts to achieve the fullest possible accounting for U.S. personnel lost during the war. DPAA relies significantly on this cooperative relationship with VNOSMP in order to conduct its humanitarian mission.


Ý Thức Tự Do

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Nguyễn Tường Khang

Tháng Ba gãy súng



Tác phẩm “Tháng Ba gãy súng” của tác giả Cao Xuân Huy đã tái bản được 10 lần và chính tác giả cũng bất ngờ với kết quả này. Trong không khí của những ngày cuối tháng Tư, mời quý vị nghe lại một câu chuyện mà bất cứ người dân Việt Nam nào khi nghĩ đến cũng đều xót xa trong lòng cách này hay cách khác.

Gãy súng chứ không buông súng

Cuộc chiến dù đã qua đi nhưng những hình ảnh bạo tàn của nó không dễ gì phai nhòa trong lòng nhiều người, đặc biệt đối với những ai trực tiếp chịu những va đập vào những giây phút cuối cùng trước khi lịch sử Việt Nam lật sang một trang mới.
Cao Xuân Huy: Tôi viết vào khoảng giữa nữa cuối năm 84, lúc mà mới vượt biên qua chừng độ năm bảy tháng gì đó. Bắt đầu viết thì nhà văn Nguyễn Mộng Giác ổng đăng trên tờ báo hàng tuần ở đây, vừa viết xong thì cũng vừa đăng xong rồi thì in luôn thôi, in vào khoảng 85 ông ạ.
Cao Xuân Huy: Thật sự khi mà cầm bút viết tôi chỉ vì một điều ấm ức rằng là một ông tướng cũ của mình ổng tuyên bố rằng "để mất nước (là) tội chung mọi người, lớn tội lớn, bé tội bé" thì tôi không đồng ý điều đó, tại vì chúng tôi đánh nhau đến viên đạn cuối cùng rồi bị bắt thì không phải là chúng tôi có tội. Tôi tức quá về điều đó, tôi viết ra, mà viết nửa chừng rồi thôi, thế rồi vì ở chung nhà với Nguyễn Mộng Giác, ổng lấy ổng đem đăng, xong rồi hết thì ổng thúc, cứ hết thì ổng thúc, hết thì thúc, thì cứ thế mà viết thôi. Đó là cái khởi đầu của quyển sách.Cao Xuân Huy vừa cho chúng ta biết hoàn cảnh ra đời của “Tháng Ba gãy súng”. Một hoàn cảnh khá bất ngờ đối với hành trình đầy thử thách của một nhà văn, khởi đầu một cách tình cờ và kéo dài vài chục năm sau đó chỉ với sức mạnh thôi thúc nói lên một sự thật, sự thật mà nhiều người muốn biết về cuộc chiến này.
Còn sinh hoạt về văn chương, những lúc đó thì tôi không có dính tới văn chương, anh ạ. Mãi về sau này, sau khi quyển sách ra xong rồi người ta gọi tôi là nhà văn, xong rồi lại ở chung với ông Giác, với lại Hoàng Khởi Phong, cùng với nhau làm tờ Văn Học. Thế rồi cuối cùng tôi làm tổng thơ ký tờ báo Văn Học, xong rồi cuối cùng mấy năm sau này thì ông Giác giao luôn tờ Văn Học cho tôi và tôi làm chủ biên luôn. Đến bây giờ thì tờ tạp chí Văn Học đã tạm đóng cửa rồi vì lý do sức khỏe của tôi.
Súng của chúng tôi có phải đã bị bẻ gãy không, khi mà vẫn có thể tiếp tế đạn cho chúng tôi để chúng tôi chiến đâu? Ai đã bẻ gãy súng của chúng tôi?
Nhà văn Cao Xuân Huy
Cao Xuân Huy thú nhận ông không phải là nhà văn ngay từ trang đầu của “Tháng Ba gãy súng”, ông viết chỉ vì khao khát và bị thúc đẩy nhằm phản biện lại lời tuyên bố của một ông tướng.
Trong lời tựa ông viết: "Quyển sách này không hề là tiểu thuyết mà là một hồi ký, bởi vì tôi chưa từng là một người cầm bút và tôi cũng không biết cách sắp xếp câu chuyện như thế nào. "Tháng Ba"thì mọi người đã rõ, còn "gãy súng" - tôi muốn nói lên một điều đau lòng cho những thằng lính cầm súng, khẩu súng mà không có đạn thì giá trị không bằng một khúc cũi mục.
Chính tôi đã dẫn đại đội xung phong lên chiếm mục tiêu mà chỉ bắn bằng mồm. Súng của chúng tôi có phải đã bị bẻ gãy không, khi mà vẫn có thể tiếp tế đạn cho chúng tôi để chúng tôi chiến đâu? Ai đã bẻ gãy súng của chúng tôi?
Tôi đặt chữ "gãy súng" cho quyển sách là như vậy. Tôi gọi "Tháng Ba gãy súng" là hồi ký vì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều tôi viết. Tất cả những địa danh, những tên người, tên đơn vị, tất cả những diễn tiến đều là thật, thật một trăm phần trăm. Tôi không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào. Chắc chắn là tôi đã quên khá nhiều chi tiết. Và với cấp bậc và chức vụ thấp kém của tôi, chắc chắn là có rất nhiều dữ kiện mà tôi đã không được biết."

Hồi ký chứ không phải tiểu thuyết

Tác giả xác nhận không hề có một chút hư cấu nào được ông mang vào tác phẩm. Ông thuật lại những sự việc xảy ra cho ông và đồng đội với tất cả những chi tiết nhỏ nhất. Trong những hoàn cảnh gần kề với cái chết được ông viết lại sinh động đến nỗi khá nhiều độc giả cứ nghĩ đây là những trang tiểu thuyết chiến tranh. Trong một đoạn cuối của lời tựa, ông xác nhận: "Tôi viết lại hoàn toàn sự thật những điều mắt thấy, tai nghe, những điều tôi đã nhận lệnh và đã thi hành.
Cao Xuân Huy: Không có một hư cấu nào hết, tức là tôi nhớ đến đâu tôi viết đến đó, vì nó là hồi ký thành thử ra không có hư cấu. Và nhân vật trong đó là nhân vật thật hết. Một số nhân vật trong đó hiện giờ còn đang sống ở Mỹ này.Nếu "Tháng Ba gãy súng" là tiểu thuyết thì tôi lại phải thêm một câu màu mè đại khái "những nhân vật và những sự việc đều do sự tưởng tượng của tác giả, mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên ngoài ý muốn...", trong khi tôi chỉ có một điều ngoài ý muốn là tôi đã không đủ khả năng để viết tất cả những điều tôi phải viết."
Nơi trang 89, Cao Xuân Huy kể lại một trận đánh được xem là bị buộc phải mở đường máu mà với số lượng binh sĩ hiện diện cùng với tình hình bi đát ở những giây phút cuối của cuộc chiến, ông và đồng đội hiểu rất rõ cái chết đang sát một bên lưng và sự chọn lựa nào cũng đều vô vọng.
Ông viết: "Còn nỗi bi thảm nào hơn tình thế của chúng tôi trong lúc này. Có những người tìm cái sống trong cái chết, ít ra họ còn cái hy vọng tìm thấy cái sống, mặc dù rất nhỏ nhoi, hy vọng nhỏ đến đâu cũng vẫn là hy vọng. Một mảnh ván mục giữa biển cũng là hy vọng. Còn chúng tôi, miếng ván mục cũng không trông thấy. Chúng tôi không thất vọng, chúng tôi không tuyệt vọng, mà chúng tôi vô vọng. Chúng tôi, những thằng thanh niên khỏe mạnh, yêu đời, rất ham sống, đang ngồi mơ được giậm chân tại chỗ này, đánh nhau để rồi chết tại đây cho đỡ mệt chứ không muốn mở đường máu để chết dần chết mòn dọc đường, cuối cùng đến được một chỗ cũng để chết. Cái chết kiểu này quả tình không hứng thú tí nào hết."
Đối với một người lính trong một binh chủng được xem là ưu tú nhất của QLVNCH thì chấp hành lệnh của thượng cấp là điều tất nhiên. Chấp hành bất cứ lúc nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào được người ta gọi đó là kỷ luật quân đội. Tuy nhiên, người lính ngao ngán nhận ra họ tuân hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy trong khi chính những người ra lệnh cho họ cố thủ, mở đường máu hay tấn công, lại không có mặt tại nơi xảy ra cuộc chiến.
Cao Xuân Huy viết: "Nghĩ đến chuyện phải mở đường máu, phải di chuyển cho mệt rồi cuối cùng cũng chết, nhưng đã có lệnh chuẩn bị tức là sẽ đến lúc thi hành, quả là ngao ngán. Tôi không muốn thi hành cái lệnh này, nhưng tôi lại không thể không thi hành lệnh, vậy thì cách giải quyết tốt nhất để không phải thi hành lệnh là chết trước, chết ngay tại đây, trong lúc này. Tôi không muốn mệt nhọc hơn nữa để kéo dài cái sống thêm được vài tiếng đồng hồ.
Tôi đi một vòng dọc theo tuyến của đại đội để kiểm soát lính tráng. Lần này tôi đi theo đúng nghĩa của tiếng đi, thẳng lưng mà đi. Cứ thẳng lưng như vậy tôi đi trong ánh sáng chập chờn của những trái hỏa châu chiếu đến kéo dài những bóng đen rung rinh của những luồng dương mờ dần rồi đen thui. Trời lại sáng lên, bóng đen của những luồng dương lại rõ nét, ngắn hơn, lại kéo dài ra, mờ dần. Đột nhiên tôi bị hất ngã và không biết gì nữa".
Không có một hư cấu nào hết, tức là tôi nhớ đến đâu tôi viết đến đó, vì nó là hồi ký thành thử ra không có hư cấu. Và nhân vật trong đó là nhân vật thật hết. Một số nhân vật trong đó hiện giờ còn đang sống ở Mỹ này.
Nhà văn Cao Xuân Huy
Mở được đường máu chưa phải là kết thúc. Bi kịch chỉ bắt đầu khi tác giả dẫn một toán lính tìm lối thoát vào Nam bằng đường biển. Con tàu duy nhất có thể đón ông và toán lính lại trở thành nơi chiến đấu, chiến đấu giữa những người lính với nhau để giữ mạng sống.
Tại trang 101 ông viết: "Con tàu khá nhỏ, sức chứa tối đa theo tôi ước lượng chỉ có thể chứa được hơn ngàn người, đó là đã kể đến trường hợp nem người như nem cối, vậy mà số người muốn được lên tàu, cũng theo ước lượng của tôi, có đến trên chục ngàn.
Chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc thi tuyển bằng bắp thịt và giá phải trả bằng máu, bằng sinh mạng của từng thí sinh để kiếm được một chỗ trên tàu. Một cuộc thi không có trọng tài, không có giám thị, không có hội đồng giám khảo, mà cuộc thi chỉ có những thí sinh là những người đang chạy cho xa Việt cộng, đang liều mạng sống để khỏi rơi vào tay Việt cộng.
Trước những sự thật được tận mắt chứng kiến với đầy đủ những hình ảnh nản lòng, cảm giác của tác giả ra sao về những người mà trước đây ít lâu là cấp chỉ huy, là những người được xem là anh hùng, dày dạn trong chiến đấu? Cao Xuân Huy cho biết ý nghĩ của mình:
Sự thật có một số những sự việc nó xảy ra mà không được đẹp thì nó không phải là chính cái tính chất của nhân vật đó, mà nó ở cái lúc, cái thời gian đó, cái lúc đó phản ứng của người ta như vậy, chứ không phải là lúc nào người ta cũng thế, thành thử ra lỡ lúc đó phải chịu thôi.
Cuốn sách được khép lại ở những đoạn cuối cùng từ trang 163, Cao Xuân Huy kể lại cảnh những người lính thất thểu một đoàn dài khi trở thành tù nhân bị dẫn đi và bị bắn giết như thế nào. Trong đoạn văn này, từng giọt máu như đang rỉ ra theo gót chân của đoàn tù.
Đoàn tù chúng tôi đi thất thểu trên đường, đoành một tiếng, một xác người ngã xuống bờ ruộng, đoành một tiếng, một xác người nữa ngã xuống bờ ruộng. Một người đi ngay bên cạnh tôi bị bắn vào đầu, máu và óc văng dính cả vào người tôi. Trò bắn giết rất kỳ cục và khó hiểu! Những người bị bắn chết và những người không bị bắn hay chưa bị bắn đều không hiểu tại sao bọn Việt cộng lại bắn người này mà không bắn người kia.Máu theo chân, máu đổ khắp nơi khi từng viên đạn bắn đi, từng người một ngã xuống, ngã xuống...người còn sống không biết bao giờ thì đến phiên mình, tất cả chờ đợi cái chết đến, chờ đợi trong hãi hùng, trong khủng khiếp: "Lúc nãy ở bờ bên kia phá chúng tôi được nếm mùi cướp bóc thổ phỉ và bây giờ trên con đường đất hai bên là ruộng, là lùm, là bụi này, chúng tôi được thưởng thức món giết người.
Chúng tôi rất hoang mang, nhưng lúc này không có ai phản ứng gì. Mọi người vẫn cứ lầm lũi, thất thểu đi. Đói, khát, mệt mỏi và luộm thuộm lếch thếch, chúng tôi đi, hoang mang không hiểu bao giờ đến lượt mình bị bắn. Số người bị bắn mỗi lúc dĩ nhiên mỗi nhiều hơn. Tất cả lon lá đã được gỡ ra từ sáng khi chúng tôi mới nhận được quần áo mang từ bờ biển vào. Râu ria trên mặt biểu hiệu cho chức cấp -hiểu theo nghĩa Việt cộng- cũng không phải, vì nhiều người để râu, trong đó có cả tôi, không hay chưa bị bắn. Nhiều người râu ria nhẵn nhụi thì đã bị bắn."
Đoàn tù chúng tôi đi thất thểu trên đường, đoành một tiếng, một xác người ngã xuống bờ ruộng, đoành một tiếng, một xác người nữa ngã xuống bờ ruộng. Một người đi ngay bên cạnh tôi bị bắn vào đầu, máu và óc văng dính cả vào người tôi.
Nhà văn Cao Xuân Huy
Và cuối cùng thì tác giả cùng nhiều đồng đội của ông cũng dừng chân tại một chỗ không ai mong muốn. Tuy nhiên cái chỗ được gọi là trại giam này lại là nơi quyết định sự sống còn của họ: "Chúng tôi bị đưa về căn cứ La Sơn nhốt tạm để sau đó hạ sĩ quan và binh sĩ bị đưa nhốt ở Khe Tre, Nam Đông. Đám sĩ quan chúng tôi bị đưa về cây số 23, gần ngay chỗ ban chỉ huy Tiểu đoàn 4 ít ngày trước, đối diện với làng Đồng Lâm. Khoảng giữa tháng Tư chúng tôi bị đưa về trại tù binh chính thức nằm phía Bắc Khe Sanh, sát biên giới Lào, ở ngay đầu nguồn sông Bến Hải."
Họ đã được phân phối đi tới các trại tù khác nhau. Số phận những người lính này sau đó không ai biết ra sao, nhưng có một điều Cao Xuân Huy tin chắc rằng, ông và đồng đội của ông đã trả đầy đủ bồn phận đối với tổ quốc, và ông cùng đồng đội có quyền hãnh diện, ưỡn ngực và nói to rằng: họ là người lính chiến, đúng nghĩa là lính chiến trong bất cứ thời đại nào....

Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-05-02