Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017
Ngày Xuân, Nói Chuyện Tháng Giêng
Nói chuyện tháng Giêng là đề tài tôi viết để gửi đăng trên một số các báo xuân ở hải ngoại cách đây nhiều năm. Câu chuyện xoay quanh một số các từ ngữ từ sau năm 1975, vì lý do này hay lý do khác, hầu như không còn được dùng nữa. Người ta, đặc biệt là một số các xướng ngôn viên của các đài phát thanh, đã dùng những từ ngữ khác để thay thế.Trong số đó có từ ngữ tháng Giêng, từ ngữ dùng để gọi tháng đầu tiên của một năm. Thay vì gọi hay đọc tháng này là tháng Giêng, người ta gọi hay đọc nó là tháng Một. Lý do có lẽ là vì khi viết người ta dùng số 1 cho tiện dụng . Từ đó, tháng Chạp trở thành tháng Mười Hai, viết bằng số 12, và tháng Một tất nhiên không còn là tháng Mười Một nữa. Nhớ lại bài học thuộc lòng mà tôi có dịp học hồi còn nhỏ trong đó có các câu:
Tháng Giêng ăn tết ở nhà…
…….
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn.
Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy các thầy cô ở các trường Việt ngữ hiện tại thường nhắc tới, tôi không khỏi bùi ngùi khi thấy một chuyện bình thường người ta không nên để xảy ra, vẫn xảy ra. Đây không phải là chuyện bảo thủ hay không bảo thủ dù là chuyện liên hệ tới ngôn ngữ, mà ngôn ngữ vốn có tính chất qui ước và luôn thay đổi. Có điều qui ước hay không qui ước, thay đổi hay không thay đổi, người nói vẫn không thể vì lý do gì đi chăng nữa làm mất đi tính cách chính xác và phong phú của ngôn ngũ mình sử dụng. Một thí dụ điển hình là người Mỹ nói riêng, và dân của những nước nói tiếng Anh, nói chung, cũng ở vào trường hợp tương tự nhưng họ đã không làm như vậy. Khi viết để cho tiện họ và không chính thức họ vẫn dùng các con số 1 cho tháng Giêng, 2 cho tháng Hai … liên tục cho đến số 12 cho tháng Chạp trong cách ghi ngày tháng của họ. Nhưng khi phải ghi một cách đầy đủ một cách hình thức và tránh nhầm lẫn họ vẫn viết rõ là January, February … December.Còn khi nói, khi đọc, chính thức hay không chính thức, họ luôn luôn dùng các tiếng này chứ không bao giờ dùng các con số thay thế.
Thoáng đó, nhiều năm đã trôi qua. Vì bận rộn với cuộc sống thường ngày, tôi không có dịp theo dõi chuyện này và bây giờ, khi viết bài này, chúng ta đang ở tháng Giêng của năm mới tây nhưng tháng Giêng của năm mới ta thì chưa tới, nên tôi chưa thể nói là bà con ta hiện tại có còn cái tật sử dụng tiếng Việt một cách bừa bài, cẩu thả như vậy nữa không. Nói như vậy vì nói tới tháng Giêng tây nhiều người đã dùng chữ Một, tháng Một và tôi hy vọng các vị này dành hai chữ tháng Giêng cho tháng đầu năm âm lịch.Tuy nhiên nhiều vị khác cũng cảnh cáo tôi là đừng lạc quan hão, đồng thời thỉnh thoảng tôi cũng thấy có người đề cập đến vấn đề này như nói đến một nỗi buồn tiếng Việt. Sự trong sáng và phong phú của ngôn ngữ của chúng ta dường như mỗi ngày một bị thui chột trước cuộc sống mới nặng về thực tế và lúc nào cũng tất bật, vội vã. Người ta đã nại đủ cớ, kể cả ngang ngược tự cho mình là đúng để muốn nói sao thì nói, muốn viết sao thì viết không theo một nguyên tắc nào cả, nhất là khi mọi người, vì lý do này hay lý do khác, kể cả lười biếng, thiếu suy nghĩ, dễ dãi chạy theo thời thượng hay để phá bỏ những gì thuộc một thời xưa cũ.
Bây giờ nói tới chuyện mới.Gọi là mới, nhưng thực sự thì chuyện này đã xảy ra từ hơn mười năm trước.Hồi đó là năm 1995, hai mươi năm sau khi chế độ cộng hòa ở Miền Nam không còn nữa. Để tưởng nhớ tới biến cố quan trọng nhưng vô cùng phức tạp đối với dân tộc Việt Nam này, đài BBC của người Anh, một dân tộc nổi tiếng là lạnh lùng và thực tế, khác hẳn với người Pháp, đã phỏng vấn một số người Việt về sự khác biệt trong cuộc sống của người Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc sau hai chục năm thống nhất đầy bi thương này. Một trong số những người được phỏng vấn là Giáo Sư Sử Học Trần Quốc Vượng thuộc trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội.Tôi không nhớ rõ là để trả lời câu hỏi nào Giáo Sư Vượng đã có dịp đưa ra nhận xét của mình khi đề cập tới tiếng Việt ở Miền Nam. Đại khái câu nói của ông là ông và nhà văn Nguyễn Tuân, một nhà văn rất nổi tiếng trong thời tiền chiến với lối viết tùy bút vô cùng ý nhị, vô cùng bóng bẩy, nặng tính chất hoài cổ của ông, rất lấy làm đắc ý về một câu nói của đồng bào Miền Nam là “vậy mà không phải vậy”.Phát biểu thế thôi, Giáo Sư Vượng đã không giải thích thêm. Người nghe muốn hiểu sao thì hiểu và áp dụng vào khía cạnh nào của cuộc sống thì áp dụng, trong đó có cả sự kiện Miền Bắc đã dùng bạo lực đánh bại Miền Nam để thống nhất đất nước và tình trạng thống nhất hai chục năm sau đó. Thay vào đó, với thói quen nói lên sự thực của một người dạy và viết sử và với bản tính bộc trực, ông đã thêm một chữ khác hay được dùng ở miền Nam là chữ “nên” khác với chữ “phải” ở Miền Bắc. Với chữ “phải” này, ông chú thích thêm rằng “Đólà tiếng của cán bộ”. Tôn trọng Giáo Sư Trần Quốc Vượng dù cho bây giờ ông đã không còn nữa và để độc giả được thong thả suy luận, theo đúng với tinh thần ra vô thong thả của người Miền Nam, tôi chỉ thuật lại nội dung đại khái của cuộc phỏng vấn này và không bàn rộng hơn nữa.
Trở lại chuyện mùa xuân và tháng giêng. Cũng trong bài học thuộc lòng kể trên, câu thứ hai của bài này là:
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè…
Hội hè trong sinh hoạt cổ truyền ở Miền Bắc Việt Nam tượng trưng cho tinh thần và cuộc sống hồn nhiên, vui tươi, thoải mái, hoàn toàn tự do không bị ràng buộc của người Việt truyền thống, sau những ngày lao động vất vả với đầy dẫy những lo âu mà trên từ vua chúa, quan lại, dưới đến các nhà đạo đức tôn sùng Khổng giáo hay các bô lão ở các xã thôn đều phải tôn trọng. Người ta đã mở hội để không chỉ riêng dân trong làng vui chơi mà luôn cả dân từ các làng khác hay từ các thành phố về tham dự.
Mùa xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh
Đón tôi về xem hội ở làng bên…
Những hội hè này trong suốt thời Pháp thuộc vẫn đều đặn được mở với tất cả những tiết mục mà một số vượt ra ngoài trí tưởng tượng của người trẻ của thế hệ hiện tại. Trừ một số hội chùa hay một số hội đền, đa số các hội được người ta “trẩy” là để vui chơi, để gặp gỡ và nếu có phải lễ thì lễ ít hơn là hội. Chữ lễ do đó hầu như không được dùng mà chỉ có chữ hội hay hội hè hay hội hè đình đám cho cả trăm hội ở khắp trong nước, ở miền núi cũng như khắp miền xuôi, từ hội đền như Hội Đền Hùng, Hội Đền Kiếp Bạc, … hội chùa như Hội Chùa Hương, Hội Chùa Keo, … hội phủ như Hội Phủ Giầy… đến các hội làng. Tất cả đều là hội.Không hề có hội lễ. Lý do rất đơn giản. Đó là vì hội là mục đích chính và lễ là phụ.người trẩy hội là để vui chơi, để xem hội. Còn có lễ thì càng tốt mà không lễ thì cũng chẳng sao, không bắt buộc. Người Việt bản chất rất bao dung về tôn giáo, tín ngưỡng. Không phải chỉ qua ngôn ngữ bình thường mà qua thi ca, sau này là tiểu thuyết ….người ta cũng thấy phản ảnh rõ rệt điều này.Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Sau một thời gian bị lãng quên vì chiến tranh và vì cách mạng, các hội hè cổ truyền của người Việt, do nhu cầu bảo tồn truyền thống của dân tộc, nhu cầu phát triển du lịch hay nhu cầu thuần túy chính trị…, đã được mở lại. Đây là một cố gắng đáng khích lệ. Nhưng từ hội hè theo đúng tinh thần của những biến cố đặc trưng cho một nếp sống đã tồn tại từ nhiều ngàn năm, đổi sang lễ hội, người ta đã vô tình làm mất đi ý nghĩa hồn nhiên, căn bản ban đầu của một hình thức biểu hiện cuộc sống tập thể ở nông thôn thời xưa của người Việt vậy.
Ngôn ngữ là phương tiện để truyền đạt nhưng không phải chỉ là thuần túy truyền đạt mà còn là một biểu hiện của tinh thần, của nếp sống và rộng ra là của văn hóa của người sử dụng và của dân tộc sử dụng ngôn ngữ ấy. Coi là phương tiện, người ta có thể sử dụng nó một cách tùy hỷ nhưng điều này chỉ nên áp dụng cho những gì liên hệ tới cuộc sống tạm bợ hàng ngày. Đối với những phạm vi khác liên hệ tới quá khứ và tương lai lâu dài hơn, người sử dụng phải vô cùng thận trọng hầu tránh làm mất đi những tính cách chính xác, trong sáng và phong phú của ngôn ngữ mà mình yêu mến và có may mắn được dùng vậy. Việc làm nói ra thì dễ nhưng thực hiện và thường xuyên thực hiện, bắt đầu tự nhắc nhở là nhắc nhở người khác không dễ chút nào.
Phạm Cao Dương
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét