Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Bảo Tồn Văn Hóa Việt Nam


Lời Ngỏ 

Một trong những hướng đi chính của nhóm chủ trương Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt là phát 
huy và bảo tồn nền Văn Hóa Việt Nam . Một nền Văn Hóa có truyền thống bốn-nghìn-năm-
văn-hiến xuyên qua dòng lịch sử của Việt Tộc hùng anh .

Một nền Văn Hóa luôn khẳng định sắc thái nhân bản dân tộc để không bị lệ thuộc hay đồng 
hóa bởi ngoại bang . Bản sắc nhân bản thể hiện từ Lễ - Nghĩa –Trí -Tín trong hành xử đời 
thường, đến Chân -Thiện - Mỹ trong văn chương nghệ thuật, luôn giữ Nghĩa trong Chữ và 
Lời thấu Tình đạt Lý . Nền Văn Hóa tốt đẹp đó được lưu truyền qua bao thời đại đều nhờ 
vào tấm lòng và trách nhiệm của những công dân đối với Quốc Gia Dân Tộc .

Cái nôi Văn Hiến Việt Nam luôn lay động nhịp nhàng trong tâm thức người dân Việt từ lời ru 
của Mẹ Âu Cơ đến tiếng hát hào hùng của những người đi giữ nước . Mỗi một chiến công 
khắc trên mỗi địa danh những dòng thi sử . Chữ Nghĩa sáng lên vừa như ánh đuốc khai tâm
nhắc kẻ vong ân nhớ về Nguồn Cội Văn Lang, vừa sáng rọi lời truyền của tiền nhân qua 
bao thời oanh liệt chống ngoại xâm, giữ vững sơn hà . Tất cả vì Việt Nam, vì Tổ Quốc thiêng
liêng .

Những dòng thi sử tiếp truyền đến mọi nơi và mọi lúc, vượt khỏi biên giới quốc gia, thẩm 
thấu qua nhiều thế hệ . Giữ được nền Văn Hóa là giữ được hồn của Đất và Nước . Giữ 
được Chữ Nghĩa là giữ được tinh thần và sắc thái của Dân Tộc Việt Nam . Mất Văn Hóa là 
mất Nước . Cho nên cuộc chiến đấu bảo tồn nền Văn Hóa cũng cam go và đầy thử thách 
như cuộc chiến đấu bảo vệ nền Tự Do Dân Chủ của một Dân Tộc .

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, do thể chế chính trị mất tự chủ, gây ảnh hưởng không 
tốt về sắc thái Chân Thiện Mỹ của Chữ Nghĩa nói riêng và tác phong đạo đức của nền Văn 
Hóa nói chung . Chữ viết và Tiếng nói bị biến dạng do ý chí độc tôn muốn phủ nhận những 
giá trị vốn có, mà hành xử thô bạo trên giá trị Chữ Nghĩa Nhân Bản . Điển hình là việc tiêu 
hủy gần như hầu hết những chứng liệu ngôn từ thiện mỹ vốn có trước năm 1975 . Để khai 
sinh và phô bày món chữ nghĩa duy vật biện chứng phức tạp và dị ứng với sắc thái nhân 
bản Văn Hóa Dân Tộc .

Sự kiện này được nghe thấy rõ không chỉ trong sinh hoạt đời thường mà trong cả chương 
trình giáo dục; Không chỉ ảnh hưởng xấu ở trong nước mà còn lây nhiễm vào hệ thống 
truyền thông. Khi người phát ngôn viên xử dụng chữ nghĩa không tương xứng với sắc thái 
Dân Tộc . Chẳng hạn như ở đâu đó đã có người nói: Cuộc hội ngộ đồng hương hay buổi ra 
mắt sách, triển lãm tranh này thật “vĩ đại” . Và khi được hỏi về cảm nghĩ của mình khi tham 
gia vào cuộc hội ngộ hay buổi ra mắt sách, thì trả lời là: tôi rất “hồ hỡi” và “phấn khởi” . Thế 
nào là “vĩ đại”, thế nào là “hồ hỡi” và “phấn khởi” ? Toàn là “chữ lạ”, hoàn toàn không tương 
xướng với hiện cảnh hay vấn đề được đặt ra . Người nghe không chỉ dị ứng với chữ nghĩa 
mà còn dị ứng với cả nguồn phát ra món chữ nghĩa phức tạp này . Giá trị của chữ nghĩa xấu
kéo theo giá trị tồi của phong cách truyền thông .

Tránh dùng chữ Hán để khẳng định sự tự chủ của ngôn ngữ Việt là một hướng đi tốt trên 
công trình hoàn chỉnh nền Văn Hóa tiến bộ theo kịp bước phát triển ngôn ngữ đa năng 
trong thời đại tin học toàn cầu . Nhưng nếu nói: “máy bay lên thẳng xuất phát từ tàu sân bay
mang theo các toán lính thủy đáng bộ”, liệu có định vị được giữa lòng người nghe sự thăng 
tiến ấy không ? Chẳng những không mà còn thấy mình chơi vơi trong nền văn hóa lai căng 
mất gốc .

Nhiều học giả, giáo sư ngôn ngữ học đã từng lên tiếng về vấn đề này . Rất tiếc đã không 
được phổ biến rộng rãi, cho dẫu sự lên tiếng đã được in ra thành sách hay trình bày trên 
một số trang web . Nên chưa đại chúng hóa vấn đề, để có một công trình định vị giá trị căn 
bản về Ngôn Ngữ Việt trong tiến trình hình thành một nền Văn Hóa mới . Vừa bảo tồn vốn 
quí xưa, vừa phát triển nét hay trong Chữ và Nghĩa hôm nay. Giúp cho các thế hệ tiếp sau 
từng bước hoàn chỉnh hệ Ngôn Ngữ Việt trong giao tiếp và trong các chương trình giáo dục 
đa dạng .

Đó là niềm mong ước thiết tha của Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt theo tôn chỉ: Tiếng Việt còn, 
nước Việt còn . Bước chuyển tiếp theo hướng đi đã định, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt mở chủ 
đề “Bảo Tồn Văn Hóa Việt Nam”, bằng vào việc thiết lập một không gian nhỏ trên bầu trời 
online để trưng bày những tác phẩm liên quan đến việc phục hưng, phát triển và bảo tồn 
Văn Hóa Việt Nam . Thiết nghĩ đây là việc làm cần thiết và cần sự tiếp tay của mọi người, 
mọi giới còn nghĩ đến nền Văn Hóa như nghĩ đến cội nguồn Dân Tộc Văn Lang . Còn rung 
động với nét đẹp của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam là còn muốn hòa mình vào lời ca 
tình tự quê hương . Ít ra cũng tự hào với chính mình: Tôi là Người Việt Nam .

Chân thành cám ơn quí tác giả có bài biên khảo và tham luận liên quan đến Văn Hóa Việt 
Nam nói chung và Ngôn Ngữ Việt Nam nói riêng, được dẫn trình trong chủ đề này . Vì lợi ích
bảo tồn nền Văn Hóa Việt Nam .

Trong tương lai, nếu được sự đồng ý của quí tác giả, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt sẽ kết hợp 
những bài viết giá trị để in thành sách làm tài liệu tham khảo góp phần vào tiến trình hoàn 
chỉnh Ngôn Ngữ Việt . Một bước đi quan trọng với ước mong có được một "Hàn Lâm Viện 
Văn Hóa" .

Tâm huyết của những người quan tâm đến nền Văn Hóa Việt Nam của thế hệ đi trước theo 
định ước thời gian, đường họ đi không còn dài . Nên thiết tha kêu gọi sự tiếp bước của thế 
hệ trẻ hoàn thành sứ mạng vì Chữ Nghĩa mà lên đường với trách nhiệm bảo tồn Văn Hóa, 
như vì Tự Do mà chiến đấu bảo vệ nền Dân Chủ cho Quê Hương .

Trân trọng .

TM. CLB Hùng Sử Việt VA .
Cao Nguyên 

http://clbhungsuviet.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét