Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Tổ Quốc Việt Nam

 Tổ Quốc Việt Nam 

Tổ quốc là gì? Tôi vẫn tự hỏi

Tổ quốc là gì, mà trước khi chết, Frederic Chopin, nhà soạn nhạc lừng danh của Ba Lan (1810 – 1849) cứ khắc khoải dặn dò trong lúc đau yếu, rằng hãy mang trái tim của ông về chôn cất ở quê nhà? Lưu lạc ở Pháp và Anh suốt trong 20 năm, nhưng Chopin luôn ngóng về đất mẹ, kể từ cuộc nổi dậy của người Ba Lan trước ách xâm lược của đế quốc Nga (1831).
Khi nghe tin cuộc cách mạng thất bại, dẫn đến việc hàng ngàn người Ba Lan phải ra đi lánh nạn, Chopin đã khóc và viết bản Etude cung Đô thứ (Op. 10, No. 12), còn gọi là bản etude Cách mạng, để ghi lại như một dữ liệu âm nhạc cho lịch sử đau thương của tổ quốc mình.

Tổ quốc là gì? Tôi vẫn tự hỏi
Với một nghệ sĩ cello tài danh, được cả thế giới chào đón như Mstislav Rostropovich (1927 – 2007), nơi nào cũng có thể là nhà, nhưng năm 1978 khi bị chính quyền Liên Xô cũ tước quyền công dân Nga, không cho trở về quê hương vì thái độ bất đồng chính kiến, ông đã đau khổ nói rằng “Nước Nga mãi trong trái tim tôi. Vậy mà tôi đã không thể quay lại để nhìn thấy tổ quốc và bạn bè của mình”.
Nhưng sau đó, năm 1991, khi Liên Xô tan rã, Rostropovich vội vã tìm cách bay trở lại Nga, xin một khẩu súng để được chiến đấu cho quê hương mình không còn chịu ách độc tài nữa. Lúc đó ông 54 tuổi, và đang được nhiều quốc gia như Anh, Canada, Nhật, Mỹ… sẵn lòng mời ông làm công dân danh dự của nước mình.
Tổ quốc, trong mỗi con người, ắt hẳn đều có những lý lẽ riêng cho sự ràng buộc lạ kỳ đó. Có thể đó là những lý lẽ dài dòng, hoặc chỉ là những cảm giác mơ hồ nhưng khó thể chối bỏ. Tổ quốc có thể gợi nhớ bằng hạnh phúc hay đau thương nhưng ký ức đó thì sẽ mang theo đến tận cuối đời như một món nợ trong tâm thức về nơi chốn.
Tổ quốc – đất mẹ
Thật bí ẩn khi đem vào tâm trạng của con người nỗi buồn ngập đến lúc ra đi, khi thấy mình bất lực. Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888 – 1939) lúc say, đã giắt tấm bản đồ nước Việt rách ở lưng quần, lang thang ca hát nghêu ngao “Dù như sông cạn đá mòn. Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa” (Thề non nước).
Đất mẹ dưới ách thực dân, quan tham dẫy đầy, quân dữ lao nhao, người Việt không còn thương nhau, tổ quốc điêu linh, người trí thức nếu không viết xuống bằng thơ văn, thì biết phải làm sao?”
Tổ quốc là gì mà đời mình phải nhớ, đời sau phải giữ? Nguyễn Phi Khanh (1335 – 1428) khi kháng chiến chống quân Minh xâm lược nước Việt bị bắt, giải qua biên giới chịu tội đã quay lại dặn Nguyễn Trãi (1380 – 1442) rằng hãy quay về tìm cách diệt giặc cứu giang sơn. Trong Hận Nam Quan của nhà thơ Hoàng Cầm có hát lại lời xưa: Về ngay đi, ghi nhớ hận Nam Quan./ Bến Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt,/ Cha nguyện cầu con lấy lại giang san… 

(Tổ Quốc là gì / Tuấn Khanh) 
---
Mỗi khi nhắc đến những khó khăn đất nước, chúng ta thường nghe đến những “bất hạnh”, “nỗi đau”, “tính tự ti mặc cảm”, vâng đó là một thực tế hôm nay, thế nhưng dân tộc Việt Nam “vốn xưng nền văn hiến đã lâu, nước non bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác” như Nguyễn Trãi khẳng định, không phải chỉ biết đau, biết tự ti mặc cảm mà thôi nhưng từ những nỗi đau đã biết lớn lên bằng tự hào và kiêu hãnh làm người Việt Nam. Chỗ dựa tinh thần của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay không có gì khác hơn là lịch sử. Không thể làm nên lịch sử mà không cần học lịch sử. Lịch sử sẽ là vũ khí, là hành trang trong hành trình tranh đấu cho một nước Việt Nam mới, cũng như để xây dựng một Việt Nam tươi đẹp sau này ..

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngoi dậy hùng cường đi lên.

Việt Nam quê hương ngạo nghễ như giọt nước mắt bi tráng của tuổi trẻ Việt Nam ngày nào nhỏ xuống trên quê hương chiến tranh khốn khổ, đã bốc thành hơi, tụ thành mây và sau bao năm vần vũ khắp góc bể chân trời đã trở về quê hương qua ánh mắt của em, qua nụ cười của chị, qua tiếng hát của anh, hồn nhiên và trong sáng.

Từ “vết thương rỉ máu” của một dân tộc đã từng bị nhiều đế quốc thay phiên bóc lột, lợi dụng và hôm nay còn đang chịu đựng trong áp bức của độc tài đảng trị, Việt Nam quê hương ngạo nghễ cất lên như một lời khuyên, hãy sống và hãy vững tin vào lịch sử, sẽ có một ngày, sẽ có một ngày.

( Khi Bài Hát Trở Về / Trần Trung Đạo) 
@
Tổ Quốc Màu Cờ Đã cuối Tháng Tư . Trời không có nắng Đất buồn, cỏ úa màu Nhìn giọt mưa lăn bên ngoài cửa vắng Nhớ mắt người đẫm lệ dưới khăn tang Vẫn thế bao năm Bao mùa thao thức Ngắm lặng dòng miên sầu Chảy mãi không ngưng qua nghìn dâu bể Mỗi chặng nhìn, hỏi: Tổ Quốc ta đâu? Tổ Quốc đây ! Trong con tim rướm lệ Khóc Quê Hương sông núi điêu tàn Hỏi nhân gian Dân Tộc nào đau thương thế Mà hằng triệu người phải bỏ nước ra đi!
Phải ra đi để tránh những đòn thù Phải ra đi để giành khí tiết gởi về sau Phải ra đi dẫu nhớ Quê mình da diết Nhưng phải đi để giữ Tổ Quốc màu cờ .

Cao Nguyên
Đình Đại phổ nhạc và trình bày

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Sức Mạnh Của Âm Nhạc


Sức Mạnh Của Âm Nhạc

Thơ và Nhạc
Có người nói: Chín mươi phần trăm người Việt Nam là nhà thơ. Điều này được hiểu trong khái niệm Tâm Hạnh vốn có trong mỗi người Việt Nam, vừa thoát thai đã rung động cõi tâm hồn qua lời ru của Mẹ ngọt ngào trên từng nốt ca dao. Đó là bản chất ưu việt của dân tộc vốn chỉ thích nghi sống trong thanh bình giữa sông núi hồn nhiên.
Thơ nhạc viết về Quê Hương chan chứa yêu thương tình Đất và Người hòa hợp cùng hồn thiêng sông núi.
Chính hồn thiêng sông núi là khí lực mạnh mẽ nhất yểm trợ tinh thần người làm thơ viết nhạc, tạo hưng phấn hòa mình vào cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn của dân tộc và bảo tồn văn hóa sử việt Nam trải dài theo dòng lịch sử quốc gia.

Những người làm thơ viết nhạc thừa hưởng sự đãi ngộ của hồn thiêng sông núi và ân nghĩa sinh dưỡng của cha mẹ và đồng bào, biết trách nhiệm của mình cần đáp trả công ơn ấy, nên suốt một đời tâm nguyện tiếp bước trên hành trình nhân ái. Tiếp truyền ý chí tiền nhân chống xâm lăng và nội thù dân tộc vào cuộc chiến đấu của thế hệ trẻ với mục đích quang phục quê hương thanh bình và tự do hạnh phúc cho đồng bào thương yêu.
Từ ý niệm sinh tồn trong niềm tin nhân ái đến trách nhiệm dấn thân vào cuộc tranh đấu vì nhân quyền cho quê hương .

Thơ nhạc góp phần vào cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ trên quê hương Việt Nam. Âm Nhạc có sức mạnh lan tỏa và xuyên qua các rào cản thô bạo để thấm nhập vào tình người, tình quê hương dân tộc .

Cao Nguyên

---
Mời các bạn nghe tâm tình của ca sĩ Anh Chi và nhạc sĩ Ngô Thanh Nam về Sức Mạnh Của Âm Nhạc:

https://www.youtube.com/watch?v=06ecOpwBkbs&t=495s




Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2022

Sài Gòn Niềm Nhớ Khôn Nguôi


Thành Phố Mẹ
Từ thuở lững chững biết yêu, đến nay tóc đã nhuốm màu sương khói. Từ lúc mơn man vào hành trình chữ nghĩa, đến nay đường lãng du đã vượt ngàn hải lý. Khi có kẻ năm châu hỏi tôi:
- Đi nhiều thế, thích nhất nơi nào?
- Chẳng ngại ngần: vẫn xứ Việt Nam.
- Đi nhiều thế có gì thương nhất?
- Chẳng ngại ngần: tà áo dài em.
Chẳng thế mà tôi có một bộ sưu tập ảnh “Áo Dài Việt Nam” thời chưa bị biến tấu, chưa bị những thẩm mỹ viện cắt ráp vá khâu thêm những rẻo đời thời thượng!
Tôi hãnh diện khoe sưu tập ảnh cùng kẻ năm châu mỗi khi có dịp. Như khoe mình là con cháu Văn Lang. Nên chi trong dòng thơ khoát danh “Thi Sử” tôi đã đưa tà áo dài em lên cùng với lịch sử Sài Gòn:
Sài Gòn - Em, và chiếc áo dài
Dựng trước anh chân dung mùa Hạ cũ
...
Sài Gòn ơi! thương quá tiếng Em, Anh
biết dỗ ngọt suốt bốn mùa hoa, trái
áo dài Mẹ, em vẫn còn giữ mãi
từng đường thêu dấu ái vẫn còn xinh.
Chân dung Sài Gòn, chân dung Em. Đẹp tuyệt vời, không chỉ với dáng mà cả hồn. Hồn của trái tim Việt Nam trong biểu tượng Sài Gòn và chiếc áo dài.
Nếu thuở ươm thơ vào đường tình, không có sức mê hoặc của tà áo dài, chưa chắc nét duyên Em hiện trên thực thể, chưa chắc mái tóc huyền Em dự lễ đăng quang trong ánh mắt thơ.
Áo dài trắng, mái tóc đen. Đã làm nên một tuyệt tác ảnh đủ sức cảm rung từng con chữ trên cung bậc thơ ca. Vì thế mà tôi đã theo Em suốt bốn mùa với sắc màu thay đổi. Trắng: trinh nguyên, Tím: nhớ thương, Vàng: đam mê, Hồng: thùy mị.
Sài Gòn và Em đều trong trái tim tôi. Luôn trong tầm nhớ thật gần, tưởng chừng chỉ vói tay là chạm được. Thật là thèm chạm vào hơi thở của mưa nắng Sài Gòn:
Sài Gòn nắng chảy tràn đêm
đường mê sảng nóng, Phố thèm giọng ca
tiếc mùa luân vũ biệt xa
gót sen rướm máu trượt qua nguyện cầu!
Thèm được nghe nhịp tim Em rung sau làn lụa nõn, để vào khuya thơ cất giọng ru mơ:
Sài Gòn ru em
khúc tình tháng hạ
bóng cũ bên hiên
buồn nghiêng hoá đá!
Ơi Sài Gòn! Ơi Áo Dài! Tiếng gọi trầm lắng trong mạch triều âm vỗ hai bờ Đông – Tây biển Thái Bình xanh thẩm. Điều kỳ diệu là thời gian không làm phai nhạt màu sắc của ký ức. Vẫn mãi nhớ ngày mới quen Em nơi bờ sông Quê Nội, nhìn qua gương nước lấp lánh màu sen hồng trên nền áo lụa xanh.
Trời, nước, hoa và áo dài cùng một game màu thanh nhã. Từ đó mỗi lần cùng Em dạo trên những quãng đường chiều, tôi thích Em mặc áo dài màu xanh của biển. Nét tương phản giữa ánh hoàng hôn với màu xanh lung lình sóng biển, đẹp vô cùng. Nắng vàng tạo nên những gợn sóng hừng hực đam mê gợn lăn tăn trên tà áo biển xanh. Không còn là màu ẩn dụ, mà là màu thơ, màu của trí tưởng phát họa nên sắc thái hài hòa giữa sự khắc chế của sinh tồn:
Ôi tôi đi giữa bồi hồi
một khung trời nhớ đã đời giữa tâm
như người tình cũ bao năm
tưởng như biệt giữa thăng trầm, còn vương
Sài gòn - nghe gọi mà thương
Duy Tân, Nguyễn Huệ - con đường dư âm
Sài Gòn đâu đó trong tiếng gọi - Hôm qua, mới đó, tức thời... Nghe gọi từ phone, từ radio, từ TV, từ nơi những con phố có người Việt lưu vong! Gọi như nỗi niềm thương nhớ, gọi như một sự khắc khoải trên dấu ấn của một phần người bị tách ra khỏi quê hương mình:
Bẵng thật lâu hơn phần tư thế kỷ
sống ở đâu cũng nghĩ đến Sài Gòn
thế mới biết tấm lòng người viễn xứ
còn thiết tha lời guốc mộc âm vang
Sài Gòn đâu đó trong tiếng gọi
nên mãi chờ về lại lối xưa quen
nhìn áo lụa vàng, nghe lời guốc mộc
đẹp như thơ theo dòng nghĩ vào đêm!
Có ai xa thành phố đó mà chưa một lần gọi nhớ Sài Gòn, của một thời Hòn Ngọc Viễn Đông:
Sài Gòn đó, Sài Gòn bên kia biển
không phải một thời, mà mãi ngàn đời
trong tim người, Hòn Ngọc Viễn Đông
trong Việt Nam, Sài Gòn bất diệt!
Thương vô cùng tiếng gọi Sài Gòn. Nhớ vô cùng tà áo dài một thuở còn bay giữa hai hàng hoa phượng đỏ, hay trong lất phất mưa rũ lá me bay trong chiều Thu cũ!
Ngươi Sài Gòn xa Sài Gòn mà không vương lụy tình xưa mới là chuyện lạ. Cho dẫu Sài Gòn bất chợt nắng mưa, như có nắng chảy tràn đêm, có mưa trút nước bên hiên nắng hồng. Đẹp và lãng mạn quá chừng.
tháng sáu Sài Gòn, trời xanh như ngọc
ve rộn ràng cất tiếng hát rong trưa
gió giục giã gọi em về hong tóc
sợ chiều lên, buồn đuổi kịp theo mưa
tháng sáu Sài Gòn, nắng mưa bất chợt
như chợt cười, chợt khóc giữa lòng em ...
Sao chợt cười, chợt khóc! Có phải Sài Gòn đang ru em khúc tình tháng Hạ, có bóng cũ bên hiên buồn nghiêng hóa đá trong mùa chình phu? Hay do Sài Gòn đổi chủ, những con đường buồn rũ đổi tên. Nét thanh nhã của Tự Do, Công Lý, đã bị son phết lên những màu vẩn đục. Vẩn đục đến nỗi người Sài Gòn không còn nhận ra Sài Gòn thuở nọ!
Cũng may ký ức còn thắp bùng lên một Sài Gòn rạng rỡ:
khi tất cả những căn nhà lên đèn
không còn thấy những con đường nhầy nhụa
từng góc cạnh kim cương lóng lánh
sáng trên nền trời xanh thẳm Việt Nam!
khi những con tim Sài Gòn vụt sáng
ta có đêm Sài Gòn rực rỡ yêu thương
những ánh mắt vượt trùng dương say đắm
tìm thấy nhau - đêm lãng mạn Sài Gòn!
Và ký ức cũng làm sống lại tà áo dài Em:
nhìn áo lụa vàng, nghe lời guốc mộc
đẹp như thơ theo dòng nghĩ vào đêm!
Vào những độ cuối Đông, chờ Xuân mới. Ký ức còn rộn ràng về Sài Gòn và áo dài Em. Tưởng như mình đang chạm mắt vào Sài Gòn trước mặt:
lòng hăm hở giữa Sài Gòn quá rộng
sợ chân đi không khắp những đường quen
từ Đa Kao xuống Bến Thành, Chợ Lớn
phố cũ, đường xưa lẩm nhẩm gọi tên!
tại nhớ quá, anh quên mình xa lắc
lòng nôn nao nên mắt chạm Sài Gòn
vừa tay vói qua nửa vòng trái đất
kịp Giao Thừa hái cánh lộc đầu năm!
Thế nhưng cũng chỉ là hoài niệm. Một hoài niệm dễ thương thế nào cũng bị chùng xuống theo gót buồn thời gian gõ nhịp rong đời về phố cũ. Như tôi đã có lần đứng giữa Sài Gòn đổi mới mà ngỡ ngàng nghe những âm vang của một Sài Gòn xưa:
cổng trường áo trắng tinh khôi
ẩn trong ký ức bồi hồi ngắm đau
ngoái nhìn lạ hoắc trước sau
dẫm chân lên bóng rũ màu thời gian
hẹn nhau đứng giữa chiều tàn
để nghe từng chặp âm vang Sài Gòn
của thời lá rắc thu vàng
trên con đường gót đài trang gõ giòn!
Không gặp Em với áo dài xưa. Chỉ gặp thằng bạn một thời sống chết có nhau dưới chân dãy Trường Sơn trong mùa đỏ lửa. Kể cho nhau nghe chuyện của của những ngày tháng cũ:
ngày hai đứa tựa lưng rừng bốc lửa
muốn vung tay đấm vỡ mặt trời
cho mưa trút xuống phận người khốn khó
mát niềm tin để ngước mặt làm người!
Biết đến bao giờ mới mát được niềm tin, để bạn và tôi khỏi trùng trùng xa cách.
Bây giờ, nơi quan ngoại có rất nhiều những con phố Sài Gòn. Dẫu có đẹp và rất Sài Gòn, tôi vẫn thấy lòng mình ray rức:
Sài Gòn tôi trên xứ người
một thiên tình khúc viết từ nỗi đau!
Cao Nguyên
---
Sài Gòn Niềm Nhớ Khôn Nguôi
Nghê Lữ diễn đọc

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

ƯỚC MƠ VIỆT - thi kỳ IV


ƯỚC MƠ VIỆT là một chương trình khuyến khích trẻ học tiếng Việt trong sáng do một nhóm anh chị em thiện nguyện viên trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ
 
Trang Web Ước Mơ Việt