QUẶN THẮT LÒNG QUỐC
Dân Do Thái trong cuộc lưu đày, đã ngồi bên bờ sông Babylon mà than khóc thương nhớ Sion. Dân Việt, với truyền thống gắn bó với cội nguồn, trong kiếp lưu vong vẫn luôn luôn canh cánh bên lòng hình ảnh quê hương, dù phải vật lộn với cuộc hội nhập vất vả cam go. Trong thi ca, nỗi nhớ quê hương cũng rất đậm đà, tiêu biểu như Lý Bạch với bài thơ Tĩnh Dạ Tứ “ Cử đầu vọng minh nguyệt. Đê đầu tư cố hương”. Riêng thi ca Việt hải ngoại, tâm thức lưu vong cũng rất đận nét với những dòng thơ tha thiết Tô Thùy Yên, Hoàng Phong Linh, Vĩnh Liêm, Quan Dương, Ngô Minh Hằng..Và hôm nay, Cao Nguyên, cũng đã trải hết nỗi lòng thương nhớ quê nhà qua những vần điệu thật truyền cảm làm lòng người thổn thức…
Ra đi, bỏ lại quê hương sau lưng để tìm đất sống nơi quê người đất khách, dân Việt cảm thấy như thể chết đứng giữa hai niềm đau chất ngất. Đau nhìn về đất mẹ buồn thiu tận mãi trời Đông. Đau nhìn vào quê khách lạc lõng dửng dưng nơi trời Tây. Hẳn nhiên không thể chối cãi rằng, cuộc sống tạm dung có nhiều thuận lợi về học vấn, nghề nghiệp và tương lai con cháu, nhưng dân Việt vẫn phải đối diện với những mất mát tinh thần lớn lao, mà những tiện ích vật chất không thể bồi đắp.
bao năm trước, bấy năm sau
tôi đang đứng giữa niềm đau hai chiều
chiều Đông đất mẹ buồn hiu
chiều Tây quê khách quá nhiều dửng dưng
Nhìn về đất mẹ, Cao Nguyên đã cảm thấy đau xót chứng kiến hiện thực đáng buồn trước thái độ thờ ơ tha hóa của nhiều người, đã vội quên qúa khứ đau buồn của dân tộc, đắm mình vào những cám dỗ của cuộc sống mới xô bồ, phồn vinh giả tạo, nhẫn tâm vui hưởng lạc thú trên máu và nước mắt của đồng bào. Võ Thị Hảo, cô giáo Lam đã lên án thái độ vô cảm của đa số dân Việt, để cho con tim hóa đá trước những đau khổ của dân tộc. Bùi Minh Quốc cũng đã thật sự bất bình trước bọn người vô tâm say sưa nhậu nhẹt trên “thân xác em trinh bạch, trên lưng mẹ già còm cõi”. Hôm nay, Cao Nguyên cũng không dấu nổi sự phẫn uất trước thái độ vô ơn và vô thức của nhiều người:
ai đối mặt, ai quay lưng
trước mồ tử sĩ, trước hồn chinh nhân
ngó nhau ngặt nỗi phong trần
lợi danh ám khói còn mong công hầu
Nói chung, đất nước đang trải qua một thảm trạng bi đát hầu như vô vọng. Người đối mặt với hiện thực thì cảm thấy buốt đau vì mặc cảm bất lực như thể đầu hàng. Còn người quay lưng thì chỉ mong chạy trốn hiện tại thê lương, tỏ thái độ vô can khiếp nhược cầu an!
kẻ đối mặt buốt lòng đau
người quay lưng dấu thật sâu đoạn trường
giữa nay sông núi thê lương
tương lai, quá khứ nhiễu nhương cơ cầu
Đối diện với hiện thực đau buồn, có lúc tác giả đã đi vào mộng mơ, muốn thoát ly hiện tại để trở với qúa khứ, mong một ngày lại được nhìn thấy quê hương đẹp tươi ngày nào. Nhưng hình như niềm mong ước đó rất mong manh, bởi lẽ trong giòng thời gian chuyển biến và lòng người đổi thay, nào ai biết được khi trở về cố quận, những nét đẹp thuở ấy còn không, hay chỉ là những kỷ niệm phai mờ?
Trước hết, nhà thơ đã trầm ngâm tự hỏi, nếu một mai có cơ hội trở về, không biết có còn nhìn thấy hình bóng quê hương gấm vóc đã một thời nâng niu ôm ấp không? Xin hỏi rừng còn xanh, gió còn reo và lá còn mừng chào đón con người như thuở nào quê hương thanh bình?
một mai về lại phương trời cũ
biết gió còn reo rủ lá mừng
chiếc bóng ngày xưa vào lữ thứ
đang đứng nhìn rừng núi rưng rưng
Tiếp đến, nhà thơ lại băn khoăn tự hỏi, không biết khi trở về có còn tìm thấy hình bóng ân tình cũ đã một thời đam mê say đắm, đã từng siết chặt vòng tay âu yếm và thỏ thẻ bên tai lời ru tha thiết? Nhiều người vẫn ca ngợi tình yêu dang dở, vẫn thích vẻ đẹp của vầng trăng khuyết. Nhưng không biết ân tình thuở ấy có còn nguyên vẹn đó không, hay đã tàn phai theo năm tháng?
một mai thăm lại ân tình cũ
liệu hình xưa còn đủ đam mê
ngồi giữa đôi vòng tay nhật nguyệt
nghe lời ru tha thiết lòng quê
Tìm thấy hay không tìm thấy hình bóng ân tình cũ, thì nhà thơ cũng cảm thấy an ủi, ấm lòng vì hình như qúa khứ đã trở về trên làn môi ấm đang nở nụ cười, làm tác giả xúc động đến nỗi hai hàng lệ nóng trào tuôn. Dù sao, trong mất mát, cũng còn tìm lại được một chút gì, dẫu tim rối bời, mắt mờ lệ:
nếu thêm được một giòng lệ nóng
chảy vào môi sưởi ấm nụ cười
cho dẫu tim rối bời nhịp đập
cũng thỏa lòng khát vọng làm người
Mong ước tìm lại được cảnh cũ người xưa, Cao Nguyên còn mơ được nhìn thấy cuộc đời tươi đẹp với tình người nồng thắm và hy vọng nở hoa trên quê hương phục sinh. Vẫn biết rằng, quê hương hôm nay là quê hương lưu đày, thiếu khí thở, thiếu tình người, thiếu chất sống, chẳng khác nào vũng lầy tăm tối. Nhưng Cao Nguyên vẫn mơ ước sẽ có một ngày quê hương bừng sáng, thoát khỏi đêm dài lịch sử đang đày đọa dân Việt hôm nay:
một mai còn chút lời thơ mộng
sẽ gởi quê mình di chúc thơ
thương yêu, nhân ái và hy vọng
mãi đẹp bên đời như ước mơ
Từ ước mơ, tác giả đã bước qua một tâm cảm lạc quan hơn và tích cực hơn. Đó là niềm tin vào tương lai dân tộc. Nhà thơ vẫn tin tưởng mãnh liệt và chắc tâm rằng, một ngày không xa, ngọn lửa sẽ bừng sáng từ mỗi khung cửa phương đông. Đó có thể là ánh lửa phục sinh cứu thoát dân Việt khỏi bóng đêm của chết chóc và hủy diệt. Đó cũng chính là ngọn lửa hy vọng le lói như ánh sao trong đêm tối 30! Nếu ngày nào, Nguyễn Chí Thiện đã mơ ước ngọn lửa cách mạng sẽ thiêu rụi hết bọn qủy sứ ma vương “khi đất trời gió nổi.Tàn hung ơi! Bão lửa! trốn vào đâu?bám vào đâu?, thì hôm nay, Cao Nguyên cũng sẽ thỏa lòng, dù có phải bỏ xác nơi quê hương tạm dung, nếu nhìn thấy ngọn lửa bừng cháy trên quê hương dấu yêu:
nếu thêm được niềm tin thắp lửa
rọi sáng từng khung cửa phương đông
cho dẫu lịm bên thềm đất hứa
cũng nhẹ hồn vào cõi mênh mông !
Thế đó! Trong niềm đau nhớ về cố hương, Cao Nguyên nói riêng và dân Việt nói chung đã tìm thấy ánh lửa cứu rỗi. Đó là niềm tin vào truyền thống hào hùng dân tộc, vào sức mạnh Diên Hồng, vào ý chí Phù Đỗng và con tim Lạc Hồng…Hồn Việt còn và sẽ thảnh thơi trong cõi mênh mông…!