Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

Tiếng Việt Quê Tôi


Tiếng Việt Quê Tôi
Tiếng hát : Mai Thảo
Thơ : Louis Lê Tuấn
Nhạc : Quách Vĩnh-Thiện.
Tiếng Việt Mẹ ru mềm trên môi,
Cho con nằm ngủ ở trong nôi,
Giấc ngủ đầu đời êm đềm đó,
Con đã yêu rồi tiếng nước tôi.
Cánh cò lướt gió nhẹ nhàng bay,
Tiếng Việt hò vang nhánh sông đầy,
Lời ru câu hát còn vang vọng,
Theo mãi cánh diều cuối chân mây.
Tiếng Việt Mẹ ru mềm trên môi,
Tiếng Việt hò vang nhánh sông đầy,
Tiếng Việt Mẹ ru bằng thi ca,
Tiếng Việt chợt buồn lời Mẹ ru.
*
Tiếng Việt Mẹ ru bằng thi ca,
Tình quê duyên thắm quá đậm đà,
Bóng cò xoải cánh trên đồng lúa,
Mang cả hồn ta về quê xa.
Tiếng Việt chợt buồn lời Mẹ ru,
Âm vang rung động cả thiên thu,
Nỗi đau còn nợ tình non nước,
Đất Mẹ ngàn xa khói sương mù.
Tiếng Việt Mẹ ru mềm trên môi,
Tiếng Việt hò vang nhánh sông đầy,
Tiếng Việt Mẹ ru bằng thi ca,
Tiếng Việt chợt buồn lời Mẹ ru.
*****
Đôi Nét Về Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện
http://thienmusic.free.fr/
*
Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện không quá nổi tiếng như một nhạc sĩ chuyên nghiệp với những tác phẩm thành danh, thế nhưng ông lại được biết đến nhờ tài năng cũng như tâm huyết lưu giữ tác phẩm Truyện Kiều cho muôn đời sau bằng một hình thức rất đặc biệt là phổ nhạc cho Truyện Kiều. Điểm đặc biệt hơn là ông đã giữ nguyên vẹn câu chữ của toàn bộ tác phẩm, không thay đổi dù chỉ là một từ.
Thông qua 77 bản nhạc với 7 thể loại nhạc khác nhau, một lần nữa nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã làm sống lại 3254 câu thơ của Truyện Kiều qua những giai điệu đặc biệt và đầy màu sắc, vừa pha trộn nét huyền bí Phương Đông đậm chất dân giân Việt Nam, nhưng cũng vừa mang những nét hiện đại của Tây Phương hay những nhịp điệu hiện đại của rock.
Sau đây là phần trao đổi về những suy tư khi thực hiện công việc phổ nhạc cho Truyện Kiều:
Giữ gìn văn hóa Việt
Vũ Hoàng: Trước hết, Vũ Hoàng có một câu hỏi với ông là có một động lực nào mà ông bỏ ra những 5 năm trời để phổ nhạc cho một tác phẩm thơ vĩ đại của Việt Nam mình như là Truyện Kiều?
Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện: Thưa chuyện này có lẽ cũng là định mệnh thôi. Tại vì trong nhà có một quyển sách Truyện Kiều rất là mục nát và mình cũng không biết quyển sách này là bói Kiều, nhưng mình chỉ dán lại thôi, lúc dán lại xong xuôi đem quyển sách để lại tủ sách nhưng có linh tính, trở ra phòng khách và đọc lại Truyện Kiều. Khi đọc đến câu 890 thì thấy “Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người” thì số phận của mình cũng giống như vậy, tất cả những người Việt Nam hải ngoại, sống nhờ đất khách, khi chết thì cũng chết ở đây. Từ đó, xúc động quá mình muốn làm ra tiếng nhạc, để cho mai sau này, thế hệ trẻ không quên lãng Truyện Kiều. Bước đầu tôi không nghĩ đến danh lợi, đến tiền bạc. Chuyện tôi làm như vậy từ năm 2005.
Vũ Hoàng: Vâng thưa ông, ông bỏ công sức của mình ra những 5 năm để hoàn tất việc phổ nhạc, sáng tác đến 77 bài hát, nhưng điểm đặc biệt là vẫn giữ nguyên được lời chính của Truyện Kiều. Khi mà sáng tác như vậy, thì ông có gặp những khó khăn gì không?
Kỹ sư - nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, viện sĩ hàn lâm viện Âu Châu, người đã bỏ ra 5 năm để phổ nhạc toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện: Dạ rất là khó khăn. Tại vì khi ra đĩa số 1, rất nhiều người gọi điện thoại hỏi sao ông không chịu đổi lời của ông Nguyễn Du, không làm cho nhạc hay hơn, tại sao ông giữ song thất lục bát đúng như vậy. Nhưng Thiện trả lời nói là khi ông Nguyễn Du đặt 3254 câu thơ đã đắn đo về chữ, nếu mình đổi chữ, thì mình đi sai hết vần thơ, mất hết tuyệt tác của ông Nguyễn Du đã được UNESCO công nhận.
Truyện Kiều đó của Thanh Tâm Tài Nhân viết bằng văn xuôi không thành công, sở dĩ UNESCO công nhận là tuyệt tác áng văn hay “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.” Nếu mình đổi một chữ nghĩa là mình đi sai con đường, thành ra trong 3254 câu thơ, mình không có quyền đổi bất kỳ một chữ nào.
Vũ Hoàng: Vâng, cám ơn nhạc sĩ Thiện đã có những chia sẻ về việc ông phổ nhạc là 77 bài hát mà vẫn giữ nguyên lời chính của 3254 câu Kiều. Vũ Hoàng thấy có một điểm đặc biệt nữa là trong những bài hát ông phổ nhạc là thấy ông sử dụng chất liệu là nhạc dân gian rồi cả những chất liệu gọi là âm hưởng tân thời bây giờ. Ông có thể chia sẻ vì sao mà ông có thể sử dụng nhiều chất liệu khác nhau để tạo nên sự phong phú khi mà ông phổ nhạc cho Truyện Kiều?
Về những tháng sau này, thì rất nhiều trường học Việt Nam, thầy cô giáo và học sinh cám ơn Thiện, nói từ khi ông Thiện phổ nhạc Truyện Kiều, chúng em học Truyện Kiều rất là dễ dàng, thấy là mình đã đóng góp phần nào cho văn hóa Việt Nam.
Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện: Vâng, câu hỏi của Vũ Hoàng rất hay. Tại vì trong 6 tháng trước khi phổ nhạc Truyện Kiều, thì đầu tiên Thiện phải thấu hiểu Truyện Kiều, đọc đi đọc lại, trong 6 tháng, Thiện nghiên cứu thì thấy là tại sao Truyện Kiều được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại, tại sao mình không làm nhạc của nhân loại, tại sao mình làm nhạc Việt Nam không thôi.
Từ đó Thiện nghiên cứu và ra 7 CD, mỗi CD có 11 bài, rồi chia ra, CD số 1 Thiện chú trọng nền nhạc dân tộc Việt Nam, CD số 2 Thiện chú trọng nhiều về Âu Châu, đĩa thứ 3 là Âu Châu phía Đông, đĩa số 4 chú trọng nhiều hơn nhạc về đảo, đĩa số 6 là nhạc rất kích động như rock and roll, đĩa số 7, Thiện quay trở về quê hương với nhạc cổ truyền Việt Nam nhưng tân thời hơn đĩa số 1.
Vũ Hoàng: Vâng, cám ơn ông đã có những chia sẻ để thấy được là ông đã dành ra rất nhiều tâm huyết. Câu hỏi cuối, ông muốn chia sẻ thêm bất kỳ điều gì để thính giả hiểu hơn về việc mà ông bỏ công sức để phổ nhạc cho tác phẩm Truyện Kiều không?
Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện: Dạ tình cơ thôi, về những tháng sau này, thì rất nhiều trường học Việt Nam, thầy cô giáo và học sinh cám ơn Thiện, nói từ khi ông Thiện phổ nhạc Truyện Kiều, chúng em học Truyện Kiều rất là dễ dàng, thấy là mình đã đóng góp phần nào cho văn hóa Việt Nam. Học Truyện Kiều qua âm nhạc, lời văn vô người dễ hơn là cầm cuốn sách đọc, có thể trẻ em nghe CD 5-10 lần là thuộc bài, đó là một sự đóng góp về văn hóa Việt Nam cho những trẻ em sau này.
Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, thay mặt cho thính giả của đài ACTD, Vũ Hoàng cám ơn ông rất nhiều đã chia sẻ những thông tin cũng như những tâm tư của ông khi ông muốn gìn giữ gọi là một phần của văn hóa Việt Nam của mình cho thế hệ trẻ về sau, vâng, cám ơn ông rất nhiều.

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

náo nức hội trăng rằm




náo nức hội trăng rằm 
(mến tặng nhà văn Hồ Trường An và những ánh trăng)

náo nức người ơi! náo nức đời 
náo nức như thời vượt trùng khơi 
náo nức như tuổi chờ xuân tới 
vỗ văn thơ náo nức từng lời 

rót đầy nhé vào nhau náo nức 
những tiếng cười trong mắt long lanh 
như chưa từng một lần biết khóc 
như chưa từng nghe đời lầm than 

náo nức người ơi - hội trăng rằm 
với thơ văn, với tình thân thương 
như thảo nguyên xanh thơm cỏ mới 
mỗi ý lời, mỗi độ sắc hương 

uống nhé anh em, rượu hồng náo nức 
thấm chân tình bút mực thơ văn 
đam mê trỗ hoa đàm giữa ngực 
ngát hương quê vừa lúc trăng về 

trăng mọc phương Đông, lặn trời Tây 
trăng mọc trời Tây, lặn phương Đông 
vẫn mãi sáng ánh hồng trong mắt 
chứa yêu thương, chữ nghĩa vô cùng 

náo nức người ơi, náo nức say 
nghe tình thơ hát giữa tim này 
với trăng, với cả hồn dân tộc 
chuyển mạch từ quá khứ vào mai 

tạ ơn đời! tạ ơn lòng trăng 
văn thơ đi qua bao thăng trầm 
mỗi lời ý một vầng tỏa sáng 
giữa đêm vui náo nức hội trăng rằm!(*) 

Cao Nguyên 
__________________________ 

(*) náo nức hội trăng rằm 
Bút khảo của Hồ Trường An viết về 7 cây bút: 

Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội - Bình Nguyên Lộc 
Vi Khuê - Trương Anh Thụy - Nguyễn Thị Thụy Vũ 
Trần Bích San - Nguyễn Thị Ngọc Dung 


Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

Tương Tri



Tương Tri

Cao Nguyên Việt là bút hiệu của Cao Nguyên trước năm 1975 với tác phẩm "Di Bút Từ Mặt Trận" . Trên hành trình chữ nghĩa từ hồi tưởng đi về tương lai trong tinh thần Nhân Bản. 

Trang Facebook này, chúng tôi muốn giới thiệu đến quý thân hữu và bạn khắp nơi những Tác Phẩm của riêng mình như: THAO THỨC, HÀNH TRÌNH NHÂN ÁI, NHÀ VIỆT NAM cùng các CD và Video Thơ Nhạc.

Mong được chia sẽ cùng quý anh chị em tâm tình một người con của Mẹ Việt Nam luôn hướng về quê hương yêu dấu với hoài vọng phục hưng một quốc gia thanh bình và nhân ái
Trân Trọng, 
 Cao Nguyên (Cao Nguyên Việt)

@

Tương tri là những dòng nghĩ thuần thành dẫn vào Văn và Thơ tôi. Mở ra niềm vui vực tôi đứng lên giữa cuộc đời có quá nhiều phế tích. Những phế tích của nguồn cội yêu thương bị chủ thuyết hiện sinh tẩy xóa và bào mòn nhân bản.
Vì khát vọng phục hưng nhân bản, phải đánh thức niềm tin từ điêu tàn hoang hóa. Nên những phế tích hóa văn thơ thành ngôn từ chân thiện. Với vai trò của người cầm bút tri thức. Chữ nghĩa tôi phải lên đường du thuyết đất trổ mùa xanh, vượt lên trên khắc nghiệt của căn nguyên phế tích.
Hồn Tổ Quốc ngậm ngùi bay vất vưởng trên hành trình khiên cưỡng lưu vong, sử thi thêm một lần bi hận. Sự bi hận truyền kiếp trong dòng sinh tồn dân tộc qua những cột mốc thời gian lũ lượt từng đoàn người rời bỏ quê hương đất tổ để tìm sống thoát khỏi bạo quyền hiểm ác và thâm độc.
Nếu người hỏi: Viết để làm gì, và viết cho ai? Xin thưa: Trước tiên viết cho tôi để thỏa mãn cá tính muốn thoát ly các vòng xoắn của chủ thuyết độc tôn khắc kỷ. Viết để chữ nghĩa tự khẳng định mình qua gian truân của dòng sống.
Giữa chuỗi thời gian truân chuyên, đôi khi chọn dịp nhàn cư, khoát y trang lữ khách thả bộ về nguồn giữa chập chùng sương tuyết lạnh xứ người. Khi xuyên qua trũng buồn nhân thế, tâm khách không khỏi chùng, chỉ vì thương quê sữa trộn máu đào, mà lòng nôn nao hướng về cố thổ . Dẫu biết phải đi qua những vùng hoang địa, chỉ còn tro bụi ghi dấu ấn một thời binh lửa. Mồ hôi và máu đã khô dưới bao mùa lá đổ.
Khi đứng giữa ranh giới quê người - quê ta, khách mới thấy hết nỗi cô đơn. Như cái thân đứng trên cái bóng của chính mình ngã xuống vệ đường giữa hai ngả đông – tây. Khách lẩm bẩm: Đúng ta vừa là khách của quê người, vừa là khách của quê ta. Nản lòng chùng bước, khách ghé vào lữ quán uống một tách trà may ra tìm được chút hương quê.
Chiều rơi, trà nhạt, tình chơi vơi. Kẻ đến người đi họa hoằn lắm gặp nhau bằng nụ cười quan ải đồng cảm nhìn áng mây trôi về phương trời đã một thời lặng nghe gió hú trong tầm đạn bay xé toạc tình người. Khách chợt thèm một bát rượu cay và ngã mình vào chỗ ngồi vừa khuyết để được say. nghe âm vang lời sử kinh trong cổ thi:
phải chi ngày chẳng mệt nhừ
đêm nghe tình hát mộng từ chân duyên
quên đời vừa ngấp nghé nghiêng
chỉ hình đối bóng mà huyên thuyên lời
phải chi ngày dợm tốt trời
đêm dư sức vượt đời khơi khơi buồn
tha hồ thơ nõn nà buông
dọc theo thiên lý ngựa giòn vó qua
phải chi ngày góa phụ xa
đêm gom thư cảo ta bà đốt chơi
tàn tro chôn khuất lệ ngời
phẳng lì bia đá nhạt lời di ngôn
phải chi mai ửng trời hồng
bạn-ta đối ẩm ngẫm dòng cổ thi
rảnh tâm thăm cuộc triều nghi
ngắm trăng văn hiến tương tri khói trầm!

Cao Nguyên