Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

Hạt Mầm Việt Nam


Kính gửi đến quý vị và các anh chị một sáng tác mới dành cho các em thiếu nhi, những hạt mầm tương lai của cộng đồng người Việt chúng ta ở hải ngoại.
Tuy xa quê cách một nửa vòng
Hà Nội, Huế, Sài Gòn xa xăm
Nhưng trong em vẫn giữ cội nguồn
Nhờ Cô, Thầy, Cha, Mẹ chăm lo
Với mục đích giúp cho các em hiểu biết thêm về văn hóa và lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam cũng như học tiếng Việt qua âm nhạc và có dịp tham gia các sinh hoạt của cộng đồng, CLB Tình Nghệ Sĩ đã thực hiện chương trình Đào Tạo và Phát Triển Tài Năng Trẻ trong hơn 2 năm qua với các lớp dạy múa và hát hoàn toàn miễn phí dành cho các em.
Video này với hình ảnh của các em thiếu nhi, các thầy cô và một số phụ huynh sinh hoạt trong hơn 2 năm qua.
Xin cám ơn quý vị và các anh chị luôn quan tâm, hỗ trợ và cùng chăm lo những "hạt mầm Việt Nam" của chúng ta bằng cách này hay cách khác. 

 CLB Tình Nghệ Sĩ 

Thôi Em Về Đi Nhé

Thôi Em Về Đi Nhé 

Thôi em về đi nhé 
anh trở lại rừng phong 
chia ly lời rất nhẹ 
sao nặng sóng trong lòng? 

Chiều xuống dần thật lẹ 
chiếc lá rơi nhẹ tênh 
nếu em về quá trễ 
gió sẽ buốt vai mềm 

Thôi em về đi nhé 
anh trở lại với anh 
bước chân buồn quạnh quẽ 
chạm hạt sương long lanh 

Thu đã buồn như thế 
sao còn mãi gọi tên 
mà lá vàng cũng tệ 
cứ khua mãi không quên 

Cho lòng anh luyến nhớ 
những giây phút bên em 
giá mà không gặp gỡ 
xa mãi rồi cũng quen 

Thôi em về đi nhé 
thương nhớ giữ trong lòng 
gọi tên nhau lặng lẽ 
qua cả một mùa Đông! 

Cao Nguyên 



Phổ nhạc: Nguyễn Tuấn 
Hòa âm: Đăng Lâm 
Ca sĩ: Nguyễn Quang 
Desing Youtub: Hoàng Việt

Tình Ca Tiếng Nước Tôi

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

Ngày Ghi Ơn


Ngày Ghi Ơn

Tiếng hát: Cẩm Sa
Thơ: Cao Nguyên
Nhạc: Như Ngọc Hoa
Hòa âm: Đặng Vương Quân
@


Cuối tháng Năm nghĩa trang buồn tiếng gió
Vườn mộ Người hoa nở đỏ trong tim
Những tiếng khóc lặng yên vừa trở giấc
Nghe thân thương theo mạch đất rong tìm

Tìm Người đến nơi cõi về vĩnh viễn
Khoác tay chào trận tuyến phía sau lưng
Giữa ánh nến chập chùng đêm đưa tiễn
Hoa trao Người từng cánh lệ rưng rưng

Ngày Ghi Ơn nhớ Người ta về phố
Thành phố bình yên hoa nở bốn mùa
Trời cuối tháng Năm đất buồn nhịp thở
Vi vu thầm câu chuyện chiến trường xưa

Nghe rất rõ những ước mơ rơi vỡ
Trong những trái tim ngóng đợi giao mùa
Mùa của lúa xanh mọc trên lửa đỏ
Mùa của sen hồng ngát giữa hố bom

Mỗi giao mùa tim quặn nghìn tiếng nấc
Chiến tranh đau và nhức nhối hòa bình
Người ở giữa thành phố này rất thật
Một đời đi tất bật đến vô thường

Cao Nguyên

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Bài Ca Bình Bắc




Kể từ đây đã sáu mươi ngàn lần                                       
Mặt trời mọc ở phương Ðông ngùn ngụt lửa                          
Mặt trời lặn ở phương Ðoài máu chứa chan.

Kể từ đây cũng đã sáu mươi ngàn lần
Trăng tỏ bóng nơi rừng thiêng đất Bắc
Trăng mờ gương nơi đồng lúa miền Nam.

Ruộng dâu kia bao độ sóng dâng tràn
Hãy dừng lại thời gian 
Trả lời ta - có phải
Dưới vầng nguyệt lạnh lùng quan ải
Dưới vầng dương thiêu đốt quan san.
Sóng hưng phế xô nghiêng từng triều đại
Mà chí lớn dọc ngang 
Mà mộng lớn huy hoàng
Vẫn nghìn thu còn mãi
Vẫn nghìn thu người áo vải đất Quy Nhơn.

Ôi người xưa Bắc Bình Vương
Ðống Ða một trận năm đường giáp công
Ðạn vèo năm cửa Thăng Long
Trắng gò xương chất đỏ sông máu màng
Giờ đây lại đã xuân sang
Giữa cố quận một mùa xuân nghịch lữ
Ai kia lòng có chợt mang mang
Ðầy vơi sầu xứ

Hãy cùng ta 
Ngẩng đầu lên
Hướng về đây tâm sự
Nghe từng trang lịch sử thét từng trang.

Một phút oai thần dậy sấm
Tan vía cường bang
Cho bóng kẻ ngồi trên lưng bạch tượng
Cao chót vót mây năm màu chiêm ngưỡng
Dài mênh mông một dải tới Nam Quan

Bóng ấy đã in sâu vào tâm tưởng
Khắc sâu vào trí nhớ của nhân gian
Một bành voi che lấp mấy ngai vàng

Ôi Nguyễn Huệ người anh hùng áo vải. 
Muôn chiến công một chiến công dồn lại
Một tấm lòng muôn vạn tấm lòng mang
Ngọn kiếm trỏ bao cánh tay hăng hái
Ngọn cờ rung bao tính mệnh sẵn sàng
Người cất bước cả non sông một dải
Vươn mình theo dãy hoành sơn mê mải
Chạy dọc lên thông cảm ý ngang tàng
Cùng chồm dậy đáp lời hô vĩ đại

Chín con rồng bơi ngược Cửu Long Giang
Người ra Bắc oai thanh mờ nhật nguyệt
Khí thế kia làm rung động càn khôn
Hịch ban xuống lời lời tâm huyết
Lệnh truyền quân ai dám bước chân chồn.
Gươm thiêng cựa vỏ giặc không mồ chôn
Voi thiêng chuyển vó nát lũy tan đồn 
Ôi một khúc hoàn ca, hề gào mây thét gió
Mà ý tướng lòng quân, hề bền sắc tươi son

Hưởng ứng sông hồ giục núi non
“Thắt vòng vây lại” tiếng hô giòn
Tơi bời máu giặc, trăng liềm múa
Tan tác xương thù, ngựa đá bon

Sim rừng, lúa ruộng, tre thôn
Lòng say phá địch, khúc dồn tiến quân
Vinh quang hẹn với phong trần
Ðống Ða gò ấy mùa xuân năm nào

Nhớ trận Ðống Ða hề thương mùa xuân tới
Sầu xuân vời vợi
Xuân tứ nao nao
Nghe đêm trừ tịch hề, máu nở hoa đào
Ngập giấc xuân tiêu hề, lửa trùm quan tái
Trời đất vô cùng hề, một khúc hát ngao
Chí khí cũ gầm trong da thịt mới
Vẳng đáy sâu tiềm thức, tiếng mài dao
Ðèo Tam Ðiệp hề, lệnh truyền vang dội
Sóng sông Mã hề ngựa hí xôn xao
Mặt nước Lô Giang hề, là trầm biếc khói
Mây núi Tản Viên hề, lọng tía giương cao
Rằng: “Ðây bóng kẻ anh hào
Ðã về ngự trên ngã ba thời đại”
Gấm vóc giang sơn hề, còn đây một dải

Thì nghiệp lớn vẻ vang
Thì mộng lớn huy hoàng
Vẫn ngàn thu còn mãi
Ôi ngàn thu người áo vải đất Quy Nhơn

Nay cuộc thế sao nhòa, bụi vẩn
Lũ chúng ta trên ngã ba đường
Ghi ngày giỗ trận
Mơ BẮC BÌNH VƯƠNG
Lòng đấy thôn trang hề, lòng đây thị trấn
Mười ngã tâm tư hề, một nén tâm hương
Ðồng thanh rằng: “Quyết noi gương”

Ðể một mai bông thắm cỏ xanh dờn
Ca trống trận thôi lay bóng nguyệt
Mừng đất trời gió bụi tan cơn

Chúng ta sẽ không hổ với người xưa
Một trận Ðống Ða ngàn thu oanh liệt
Vì ta sau trước lòng kiên quyết
Vàng chẳng hề phai đá chẳng sờn.

 Vũ Hoàng Chương 

@

Trần Lãng Minh diễn ngâm :

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

Việt Nam Tôi Đâu


Việt Nam Tôi Đâu 
(Cảm ơn nhạc sĩ Việt Khang
đã dùng lời hát viết trang sử hồng)
 


Khi em hỏi: Việt Nam tôi đâu 
quê hương đang bị giặc Tàu xâm lăng 
Tổ Tiên dựng nước ngàn năm 
bị cộng sản phá điều tàn non sông 

Triệu con tim Lạc Hồng uất nghẹn 
lòng sục sôi bao nỗi hờn căm 
quên an toàn của bản thân 
viết lời báo động thù trong giặc ngoài 

Phận người dân giữa thời loạn thế 
chí làm trai không kể gian nan 
em hỏi: Việt Nam tôi đâu 
làm thức tỉnh lương tâm người yêu nước 

Phải đòi lại sơn hà đã mất 
dậy mà đi cho thật hào hùng 
cùng đồng lòng Bắc Nam Trung 
tiếp truyền dòng máu Quang Trung kiên cường 

Cất lời hát rọi nguồn hy vọng 
vang lời ca đánh động tình người 
Việt Nam Tổ Quốc tôi ơi 
phục hưng thắm sắc vàng tươi màu cờ . 

Cao Nguyên 





Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Trầm Tư




Trầm Tư 


thơ anh viết vẫn giữa dòng sông nhớ 
nên nặng hoài những đợt sóng cưu mang 
giữa trầm tích vỡ ra lời thương cảm 
tuôn theo dòng huyết lệ chảy qua thơ 


những cuộc đời đi quên lời tiễn biệt 
nghẹn lòng đau tha thiết biết chừng nào 
mai gặp lại trăng tàn trong đáy huyệt 
đèn phù du siêu độ những vì sao 

vốc nắm đất phù sa bờ sông Cửu 
thơm ngạt ngào mùa ngô lúa đơm bông 
nhặt viên sỏi trên lưng đèo Ngoạn Mục 
nghe cồng chiêng vui dạ khúc Trường Sơn 

đạp sóng nước cửa sông Tiền, sông Hậu 
rộn tiếng hò theo mái đẩy duyên đưa 
nghe tiếng võng vui đùa trưa tháng Hạ 
thèm chùm bông so đũa bữa canh chua 

chiều trầm lắng tiếng chuông chùa ngược gió 
reo bồi hồi ngói vỡ nóc hoàng cung 
tranh cổ sử ngựa chùn cương mạt lộ 
dãy chiến bào ướt đẫm lệ chinh phu 

tiếng rít rợn cửa sắt tù thế kỷ 
ngợp rừng thiêng hồn theo gió vi vu 
góp tất cả những hành trang hệ lụy 
theo trăng về Cội Rễ để trầm tư! 

Cao Nguyên  


Vân Khánh diễn ngâm: 

@

NS Đỗ Quân phổ nhạc và trình bày:

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

Cao Nguyên & Tuyển Tập Thơ "Nhà Việt Nam"



Có câu nói rằng: "Trái tim ta ở đâu, nơi ấy chính là nhà." Nhưng cũng có câu nói khác: "Nơi nào ta muốn sống, nơi ấy chính là nhà". Đối với Cao Nguyên, chắc chắn ông muốn sống tại một xứ sở tự do như Hoa Kỳ, nhưng trái tim vẫn để ở một nơi khác. Vậy thì, nhà của Cao Nguyên ở đâu?
Tác phẩm "Nhà Việt Nam" của Cao Nguyên gồm 42 bài thơ.
Đó là 42 lần đối diện với câu hỏi: "Quê nhà ta nơi đâu?"
Cao Nguyên là một tên không xa lạ với những người Việt yêu thơ. Thơ ông được bạn đọc ưu ái đón nhận vì ý mới, chữ lạ, nhưng lý do chính có lẽ vì bài thơ nào cũng luôn ẩn hiện hai chữ "Việt Nam". Như những vần thơ của bài thơ mang tên "Không".
cứ kể như mình chẳng có chi
danh đành không, lợi chẳng còn gì
ngày sinh, quê quán - ghi trên giấy
nhẹ vóc trần, "sinh ký tử qui"!
mà rõ khổ, "qui" về đâu chứ
quê đã không, nhà cửa cũng không
chỉ còn nhớ cánh đồng quá khứ
thương luống cày, ngô lúa trổ bông
Điểm đặc biệt hiếm có của tuyển tập "Nhà Việt Nam" còn ở chỗ toàn thể 42 bài thơ đều được chuyển qua Anh ngữ, với nguyện vọng chia sẻ cùng những thế hệ trẻ tại hải ngoại. Cao Nguyên đã thổ lộ như sau:
"Dù trong hay ngoài, mọi người đều có chung một ngôi nhà - Nhà Việt Nam - khi dòng máu Lạc Hồng còn luân chuyển trong thân. Hãy gọi điêu tàn thức dậy, để cùng chung tay dọn sạch những rác rưởi, san bằng những đổ nát, xoa dịu những vết thương còn lưu trong ký ức. "
"Bằng sự dấn thân của chữ nghĩa của một trái tim Việt Nam, tôi muốn thực hiện một chương sử thi mới, như một sự đóng góp vào việc phục hưng quốc gia với tinh thần Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm. "
"Nhằm giúp các bạn trẻ trên toàn cầu thấu hiểu được tâm tư của lớp người đi trước trong trách nhiệm giữ nước và dựng nước, hiểu được sức chiến đấu và sự hy sinh của các chiến bình thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, hiểu được tại sao những giọt lệ hồng mãi chảy sau bốn mươi năm kết thúc cuộc chiến bảo vệ Miền Nam Việt Nam."
Tuyển tập thơ Nhà Việt Nam gồm 2 Chương – Chương 1 : Hồi Tưởng , Chương 2 : Hy Vọng . Quả thật, thơ Cao Nguyên dù trong trùng trùng nỗi đau, vẫn trổi lên điều tuyệt diệu: Niềm Tin và Hy Vọng.
Người lính Cao Nguyên dù ở nơi đâu vẫn luôn giữ quê nhà trong tim, trong những giòng thơ, trong những ước nguyện, và trong cả ánh mắt dõi nhìn vào cõi vô cùng...
một mai còn chút lời thơ mộng
sẽ gởi quê mình di chúc thơ
thương yêu, nhân ái và hy vọng
mãi đẹp bên đời như ước mơ
nếu thêm được niềm tin thắp lửa
rọi sáng từng khung cửa phương đông
cho dẫu lịm bên thềm đất hứa
cũng nhẹ hồn vào cõi mênh mông! 
---
(Trích lời giới thiệu tuyển tập thơ "Nhà Việt Nam")
@
Trịnh Bình An giới thiệu tác giả và tác phẩm của nhà thơ Cao Nguyên:

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Nguyện Kết




hôm nay trời nắng đẹp 
sau mưa tuyết chiều qua 
xem online chợ Tết 
càng thêm nỗi nhớ nhà 

bao nhiêu năm xa xứ 
ngắm mùa Đông tuyết sa 
buốt lòng người lữ thứ 
trên tuổi đời xót xa 

quê nhà bên kia biển 
luôn hiển hiện trong tâm 
như triệu lời đưa tiễn 
trong lòng người luyến thương 

giữa lằn ranh cũ mới 
thời gian và cuộc đời 
còn bao lời nhắn gọi 
nghe tâm thức bồi hồi 

ngày mai Mùng Một Tết 
đêm nay đón Giao Thừa 
với những lời nguyện kết 
giữ tin yêu ngàn xưa ! 

Cao Nguyên 
Xuân Kỷ Hợi 2019

XUÂN KHỞI ĐIỂM




Mỗi năm khởi điểm bằng một mùa Xuân 

          “Xuân khứ, Xuân lai, Xuân bất tận”, hàng muôn triệu Xuân qua,  chìm vào dĩ vãng.  Rồi hai ngàn năm cận đại cũng lặng lẽ trôi đi.   Mới ngày nào, nhân loại còn e dè trước thềm Đệ tam Thiên niên kỷ;  Thì vụt cái, nay “con tầu nhân loại” đã lướt mình qua 18 vòng “chu kỳ Thái dương hệ” rồi đó!
Và hôm nay, bước qua cái khoảnh khắc “thời gian tích tắc” mong manh nửa đêm Giao thừa, niên kỷ Mậu Tuất vĩnh viễn khép lại sau lưng. 

 Chúng ta lại đang đứng ở khởi điểm của một mùa Xuân Mới – Tân Xuân KỶ HỢI -
          Xuân đến, Xuân đi, Xuân lại đến … cứ thế, thời gian vùn vụt qua mau … Nhìn thời gian cuồn cuộn trôi đi tựa gió cuốn mây bay, chúng ta thường cảm nhận như khách nhàn du, đứng trên cầu, nhìn xuống dòng sông nước chảy.  Nhưng thật sự, cảm nhận bàng quan ấy không đúng, nó đánh lừa ta, bởi điểm đứng của con người không trên cầu cao; mà chính chúng ta ở trong con thuyền, đang cùng trôi đi với nước. – Trên sông thời gian, loài người đã dùng những con số, để  ghi khắc dòng đời hữu hạn ngắn ngủi của mình, trong cái miên viễn vô cùng của Tạo Hóa.

          “Tân Xuân KỶ HỢI” lại thêm một mùa Xuân Tha hương về, với nặng chĩu ưu tư trong lòng người vong quốc.  - Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, thì ngày Đầu Xuân, cũng vẫn là khởi điểm của Giai đoạn Mới ; Một Hành trình Mới mà chúng ta sắp phải vượt qua.
          Xin hãy hình dung “mỗi Năm” như một “cột-lô-mét” (kilomètre) có ghi niên kỷ mỗi năm, cạnh đường rầy xe lửa; Chúng ta, đoàn lữ hành trên xe, thường mang chung cảm tưởng, mình luôn luôn đứng yên tại chỗ; để mỗi lần chợt thấy “cột-lô-mét” vùn vụt chạy lùi lại sau, thì giật mình hiểu rằng chúng ta đang phóng tới trước với tốc độ lanh không tưởng, và từ đó, niềm hoài vọng qúa khứ, nỗi băn khoăn tương lai tràn ngập tâm hồn
Xin mời nghe dòng Thơ: Tâm tình cuối năm – của Thi sĩ  Đinh Hùng
Từng cơn mưa lạnh đến dần
Đời chưa trang điểm, mà Xuân đã về
Hững hờ để nước trôi đi
Giấc chiêm bao hết, lấy gì mà say!
Quê ai đầm ấm đâu đây
Cho tôi về sống mấy ngày trẻ thơ
Ứơc gì trăng đón, gió đưa
Mặt chờ gặp mặt, tay chờ cầm tay
Cầm lòng nhận chút hương bay
Tình thương đất bạn, cỏ cây là người
Quê nhà ai sẵn nụ cười
Núi sông hiền hậu, mà trời bao dung
Cho tôi về hưởng Xuân cùng
Bao giờ hoa nở, thì lòng cũng  vui.
(Tâm tình cuối năm – Đinh Hùng

          Lời thơ của “người xưa” , mà sao từng chữ, từng câu,nghe thiết tha, cay đắng … như lời nói nội tâm của chính mình: … “Đời chưa trang điểm mà Xuân đã về! Hững hờ để nước trôi đi …”  Hỡi ôi! cho tới ngày “mất nước”, lênh đênh phiêu bạt quê người, ta mới nhìn ra và thấu triệt cái ý nghĩa bao hàm của thơ Đinh Hùng – Thi nhân nay đã là “người thiên cổ” nhưng ý thơ,  như lời tiên tri, thật qủa vẫn chứa chan linh động.
“…Cầm lòng nhận chút hương bay, Tình thương đất bạn, cỏ cây là người…” Ở xứ người, ở đất bạn, trước bàn thờ Tổ Quốc. đỉnh trầm ngào ngạt hương bay, nỗi thương nhớ Quê nhà tràn ngập cõi lòng – nơi nào phần mộ Tổ Tiên, nơi nào con đường góc phố, quán làng thân yêu, nay tiêu điều hoang vắng. Niềm hoài hương dẫn ta vào kỷ niệm xa vời, với đình làng cũ, con đò xưa, với cô thôn nữ, mái tranh hiền và dàn thiên lý, dậu mùng tơi … 

Thi sĩ Hàn Mạc Tử đã phóng họa bức tranh Quê hương đó bằng Thơ như sau:
Trong làn nắng ửng khói mờ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt, gió trêu tà áo biếc
Trên dàn thiên lý – bóng Xuân sang
Sóng cỏ xanh tươi, gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi …
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi
Tiềng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của gió mây
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý nhị và thơ ngây
Khách xa gặp lúc mùa Xuân chín
Lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông vắng, nắng chang chang?
(Mùa Xuân chín – Hàn Mặc Tử)

          Từ trong tiềm thức mênh mông, hiển hiện hình ảnh nàng thôn nữ gánh thóc bên bờ sông vắng, hoặc cô gái quê tát nước dưới ánh trăng vàng
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
(Ca dao)

          Nỗi nhớ thương chồng chất, dào dạt như sóng trùng dương dội vào ghềnh đá, ta muốn vươn rộng hai tay ôm hết kỷ niệm vào lòng – như Hồ Dzếnh, Thi sĩ thời tiền chiến tha thiết nhắc lại như sau:
Dải lúa cô trồng nay đã tươi,
Gió Xuân ý nhị vít bông cười
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con, đã héo rồi!

Cô gái Việt Nam ơi!
Tứ thuở sơ sinh, lận đận rồi
Tôi biết, tình cô u uất lắm!
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi!

Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng mơi tiết, mỗi phôi pha
Khi cô vui thú là cô đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già

Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Ngàn năm vằng vặc ánh trăng soi

Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ hái mơ xưa
Rau sam vẫn ,mọc chân rào trước
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ

Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ “hy sinh” có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi!
(Quê Ngoại – Hồ Dzếnh

         Vâng, tôi muốn nạm vàng những hình ảnh nghèo nàn, khổ cực của cô gái Việt Nam, trên mảnh đất khô cằn sỏi đá, nơi Quê hương tôi. Tôi muốn tôn vinh hình bóng tiêu biểu của người thôn nữ, suốt đời im lặng cần cù, đã dệt nên lịch sử xa xưa của giống nòi tôi. Xin hãy nghe Nguyễn Bính, một Thi sĩ rất mực đa tình kể chuyện xưa:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
Giá đừng có dậu mùng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Có con bướm trắng thường sang bên này
Bướm ơi!, bướm hãy vào đây
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi …
Chả bao giờ thấy nàng cười
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên
Mắt nàng đăm đắm trông lên
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Bỗng dưng, tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn, tự hỏi … Hay tôi yêu nàng?
-Không! … từ ân ái lỡ làng
Tình tôi than lạnh, tro tàn làm sao!

Tơ hong nàng chả cất vào
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang
Mấy hôm nay chẳng thấy nàng
Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong
Cái gì như thể nhớ mong
Nhớ nàng? – Không! quyết là không nhớ nàng!
Vâng!  Từ ân ái lỡ làng
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa
Tầm tầm, trời cứ đổ mưa
Hết hôm nay nữa, là vừa bốn hôm
Cô đơn, buồn lại thêm buồn
Tạnh mưa, bươm bướm hết còn sang chơi
Đêm qua … Nàng đã … chết rồi !
Nghẹn ngào, tôi khóc … qủa tôi yêu nàng!

Hồn trinh còn ở trần gian
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này.
(Người hàng xóm – Nguyễn Bính

“Nàng” đã chết đêm qua? Ngẫu hứng của “người xưa” khơi lại, trùng hợp hình ảnh cận đại của “Người con gái Việt Nam da vàng”, tan vỡ trong bọt sóng trùng dương. Những xót xa, những ngậm ngùi, sao vương vấn mãi trên Quê hương đau khổ! – Nỗi buồn của người xưa, làm chạnh nhớ bài thơ Xuân, của cố thi sĩ Trần Quốc Thái (Colorado), có nhắc đến hai câu thơ Lý Bạch:
“Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương”
Người xưa buồn thế ấy
Ta nay ôm hận trường!
(thơ Trần Quốc Thái)
          Mối sầu cố hương phải chăng là sầu vạn cổ.  Huyền Kiêu, một thi sĩ thời tiền chiến, uống rượu tiêu sầu, nhìn trăng Xuân mà ngâm:
Thức suốt đêm trường không nói năng
Ngậm ngùi chén rượu ánh vàng trăng
Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ
Có giống như mình lưu luyến chăng?
Sớm biệt ly nhau không nhớ nhau
Nửa đêm chợt tỉnh bỗng dưng sầu
Trăng mùa Xuân đó ai tâm sự?
Anh đã xa rồi, anh biết đâu !
(Tương dạ biệt – Huyền Kiêu

          Chúng ta xa thật rồi!  - Xa Dân tộc, xa Quê hương … Nhưng không xa Tổ Quốc,  vì Tổ Quốc linh thiêng, ở trong lòng chúng ta.  Còn hơi thở, còn tiếng nói, thì ta còn ngưỡng vọng, tôn thờ Tổ Quốc Việt Nam của ta.  Không ai có thể tách rời ta với Tổ Quốc, với Việt Nam yêu qúi ngàn đời trong ta.
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã hạ bút viết những lời đắng cay chua xót về Quê hương và thân phận mình như sau:
Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở, này sông cát bồi
Lang thang từ thuở luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về
Trong ta, bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ, dù đục … đừng vương gót này
Để ta trọn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời
(Nguyện cầu – Vũ Hoàng Chương

          Trên con tầu thời gian, chúng ta - đoàn lữ hành Việt Nam di tản – nhìn về quá khứ, đã bao Xuân đi qua trong nhịp điệu lắc lư êm đềm của con tầu. Nhìn ra chung quanh … “Kìa non đá lở, này sông cát bồi” Tự hỏi mình:  Chúng ta sẽ lang thang thế này cho tới bao giờ?  và tới đâu? – chẳng lẽ điểm đến lại là “bến hoặc, bờ mê” ?
          Không! Không thể như thế! – Chúng ta phải giành lấy tay lái, phải hướng con tầu về Tổ Quốc vinh quang. Phải tìm cho ra Con đường hoa mộng vào đời!  nếu chẳng phải đời ta, thì đời con cháu chúng ta.  Nghiã là chúng ta phải trang điểm đẹp cho cuộc đời di tản. Xin đừng để bụi đường làm hoen ố gót chân và tâm hồn người Việt tha hương.
          Một ngày nào đó, không xa: chúng ta, chẳng phải một cách tay, mà hàng trăm triệu cánh tay, đồng bào trong nước, ngoài nước, cùng giơ lên biểu lộ ý chí, quyết một lòng vùng dậy cứu lấy Quê hương -  Ngày ấy sẽ đến và phải đến, đó mới chính thật “Ngày Khởi điểm Mùa Xuân Dân Tộc Việt Nam”
                    Trần Quốc Bảo