Quan niệm xưa về Kẻ Sĩ như thế nào?
Sĩ là gì? -Kẻ Sĩ là người xuất thân từ khoa bảng. Đó là lớp người được đào tạo để trị nước, an dân. Học là cơ sở để trở thành Kẻ Sĩ. Kẻ Sĩ có đầy đủ những đức tính Nhân, Trí, Dũng. Mục tiêu phục vụ của Kẻ Sĩ là Chân-Thiện-Mỹ mà thực tiễn là Giúp Đời, làm cho cuộc sống của người dân trong sạch, có đạo đức, và tươi đẹp.
Kẻ Sĩ là hiện thân của người Quân Tử mà Khổng Tử đã viết: “Có thể đem vận mệnh quốc gia mà giao phó cho họ. Dẫu có gặp nguy hiểm đến tính mạng thì họ cũng không dao động.”
Trong thi văn, cụ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) là Nhà Nho đã đề cao vai trò của Kẻ Sĩ rõ nét nhất. Ông viết:
Tước hữu ngũ, Sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ, Sĩ vi chi tiên
Có giang san thì Sĩ đã có tên
Từ Chu, Hán, vốn Sĩ này là qúy
Suốt cuộc đời của ông là gương sáng của Kẻ Sĩ: tận tụy phục vụ cho lợi ích của nhân quần, xã hội với tinh thần công, minh, chính, trực.
Chính từ quan niệm rất cao đẹp về Kẻ Sĩ kể trên mà từ trước đến nay đất nước Việt ta vẫn luôn luôn sản sinh những con người đã sống đúng với tinh thần của Kẻ Sĩ.
Sở học của Kẻ Sĩ ngày trước bao gồm đủ cả thiên văn, địa lý, dịch lý, tướng số, văn học, lý luận, số học, và đạo đức chính trị dựa vào học thuyết của Khổng Mạnh mà mẫu người của thời đại là Quân Tử.
Quân tử là gì? Không có một từ ngữ nào của Tây Phương dịch đúng ý nghĩa từ quân tử. Những từ như true gentleman, superior man, hay man-at-his best, chỉ diễn đạt được một phần hình ảnh của người quân tử.
Khổng Tử, khi mô tả về người quân tử, đã đưa ra nhiều dẫn dụ về phẩm chất tương phản cụ thể giữa tiền nhân và quân tử như:
Quân tử hoà nhi bất đồng.
Tiểu nhân đồng nhi bất hòa.
(Quân tử hòa mà không đồng; kẻ tiểu nhân đồng mà không hòa.)
Quân tử khoan hòa mà không kiêu căng.
Kẻ tiểu nhân kiêu căng mà chẳng khoan hoà.
Quân tử chi giao đạm nhược như thủy.
Tiểu nhân chi giao điềm như mật.
(Lòng người quân tử giao thiệp trong như nước) [ai cũng thấy được]
Lòng kẻ tiểu nhân giao thiệp kín đặc như mật).
Nhưng không phải Kẻ Sĩ nào học sách thánh hiền đều trở thành người quân tử cả. Có nhiều Kẻ Sĩ giả nhân, giả nghĩa, đời gọi là ngụy quân tử.
Nước ta trong suốt thời gian lập quốc từ thời Nhà Đinh (968-1009), Lê, Lý, Trần Lê, đến thời Nhà Nguyễn (1802-1955), tinh thần Nho Giáo, Phật Giáo, đã là nòng cốt để tạo nên những bậc Sĩ anh hùng, hào kiệt tên tuổi còn để lại đến ngày nay như Ngô Quyền, Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Vương), Trần Quang Khải, Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liêm, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Lê Qúy Đôn, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Trường Tộ, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thần, …
Điểm đặc thù trong trong quá trình tranh đấu của nước ta chống ngoại xâm đặc biệt chống Trung Quốc xâm lược, hầu hết các chiến sĩ đều là thi sĩ.
Cố thi sĩ Trần Quốc Thái (CA) viết trong Lời Mở trong thi phẩm Bài Thơ Trên Cát của ông:
Tự phân tích bản than tôi, tôi khám phá ra một điều rất kỳ thú: cái hồn thi nhân tạo ra cái thần chiến sĩ … Hầu hết các đại thi hào của dân tộc ta, điển hình là hai thời vàng son – Lý và Trần - đều là những chiến sĩ anh hùng kiêm thi sĩ. Thừa hưởng di thống của tiền nhân, hấp thụ khí thiêng của sông núi, con cháu đời này sang đời khác đều là chiến sĩ kiêm thi sĩ.
Thi sĩ Trần Quốc Thái đã ra người thiên cổ, nhưng những lời thơ khảng khái của ông còn đây trong bài “Bức Thư Không Gửi”:
Cha ơi,
Con sẽ về dựng cờ cho lá cây rừng mở hội
Chặt xích xiềng cho toàn dân vùng lên hỏi tội
Loài Cộng nô quên gốc cội Tiên Rồng
Trước tham vọng xâm lăng của Nhà Tống, Trung Quốc, Thi Chiến Sĩ Lý Thường Kiệt viết lên bốn câu thơ bất hủ:
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư Đất nước Nam ta Nam Đế ngự
Tiệt nhiên định mệnh tại Thiên Thư Tuyệt nhiên số đã định nơi Trời
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? Cớ sao nghịch tặc qua xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư Nhất định nếm mùi thất bại thôi
Trong cuộc kháng chiến chống quân nhà Nguyên (Mông Cổ), kẻ sĩ Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời Thoát Hoan: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc.”
Kẻ Sĩ Cận Đại
Trong giai đoạn đất nước lâm nguy sắp sửa rời vào tay thực dân Pháp, nhiều sĩ phu đã vùng lên kháng Pháp như Nguyễn Công Trực, Trương Định, Thiên Hộ Vương, Đoàn Hữu Trưng, Thủ Khoa Huân, Đặng Như Mai, Tôn Thất Thuyết, Vua Hàm Nghi, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Bội Châu, Vua Duy Tân, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Giang, Lý Đông A, Nguyễn Hải Thần, …
Họ là những Kẻ Sĩ mạnh dạn đứng lên xướng nghĩa hay ứng nghĩa, lãnh đạo những phong trào chống thực dân Pháp, tiếp nối ngọn lửa đấu tranh của dân tộc Việt từ ngàn xưa cho đến khi giành được độc lập, tự chủ mới thôi.
Nhóm lãnh đạo của Đảng Cộng Sản VN như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Phạm văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, v.v. có thể coi là Kẻ Sĩ không?
Câu trả lời là “Không” bởi vì nhóm CS này đã mắc vào một phẩm tính đại kỵ đối với Kẻ Sĩ là “lừa dối” hay “trí trá” có nghĩa là Đảng CS chủ trương sử dụng mọi phương tiện dù có đê hèn hay dã man đến đâu để họ đạt được mục đích. Đó đó là phương châm hành động mà họ đã dạy cho tất cả các đảng viên: “Cứu cánh biện minh phương tiện”.
Tóm lại, các chính sách của Đảng CSVN đưa ra đều đã và đang thất bại và càng ngày càng đưa đất nước đến chỗ tan rã về mọi mặt.
Đảng CS Trung Quốc và đất nước TQ cũng thế: đang đứng trước một sự tan rã không thể tránh được khiến lãnh tụ Tập Cận Bình đã lập đi lập lại câu hỏi: “Tôi còn biết làm gì bây giờ?” trong bài nói chuyện nội bộ mới đây được lọt ra ngoài đăng trên Tạp Chí Tiền Tiêu ở Hồng Kông, số ra Tháng 4/2013.
Trong bài nói này, họ Tập nêu ra những hiện tượng (Đổi Mới) của Khrushchev, Gorbachev (nga) và khuynh hướng thượng tôn pháp luật ở TQ hiện nay. Và ông đưa ra những thú nhận rằng:
“Kỳ thực, tôi chỉ là người duy trì sự cân bằng quyền lực của nhóm lợi ích”; “quân đội của chúng ta hiện có thực sự đáp ứng được không khi chiến tranh xảy ra?”, “chủ nghĩa duy vật đã làm cho con người mất đi niềm tin chân chính, chạy theo vật chất và vụ lợi”, “Bản thân lý luận của chúng ta có mâu thuẫn”; “Chúng ta lại đang mất đi niềm tin vào chính lý luận và chính thể chế đang tồn tại hiện nay do chúng ta lập ra”; và “Vấn đề hiện nay không phải là giữ cho lá cờ hồng bay được bao lâu mà là vấn đề bảo vệ non sông đất nước này được bao lâu”. …
Những sự kiện này có phải là những chỉ dấu cho thấy rằng CSTQ sẽ phải có sự thay đổi lớn để tránh một cuộc cách mạng mới như ở Tunisia, Libya, và Syria hiện nay?
Kẻ Sĩ Thời Nay
Kẻ Sĩ Việt khoa bảng thời nay nhiều lắm nhưng bị phân hoá khiến cho một số không ít đã đứng bên ngoài dòng chính của thời cuộc. Mặt khác, một số vẫn còn mang nặng tính cục bộ, địa phương, bè phái, và những tư tưởng lỗi thời khiến cho những nỗ lực đất tranh cho quê hương sớm thoát khỏi ách Cộng Sản bị trì trệ. Từ đó, cộng đồng Việt ở hải ngoại chưa có một tiếng nói thống nhất, chưa có lãnh tụ. Một lý do khác nữa là quá trình xây dựng cộng đồng Việt còn quá non trẻ. Có lẽ chúng ta còn phải chờ cho lớp trẻ, lớp thế hệ thứ ba hay thứ tư đứng ra lãnh đạo mới đủ điều kiện (kiến thức, điạ vị, và tài chính) để có thể có sức mạnh đáng kể.
Tuy nhiên, trước sự lãnh đạo hèn kém và tàn bạo của các Đảng Cộng Sản, nhiều Kẻ Sĩ của thời đại ở trong nước đã can đảm lên tiếng chống chế độ kể từ những ngày Đảng CSVN mới tiếp thu Miền Bắc vào năm 1954.
Nhóm nhân vật rất đông đứng lên chống chế độ rất sớm là:
Kỹ Sư Hồ Đắc Liên (con của ông Hồ Đắc Điềm), Học Giả Đào Duy Anh, Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường, Triết Gia Trần Đức Thảo, Nhà Văn, Nhà Báo Phan Khôi, Nhà Thơ Trần Dần, Nhà thơ Phùng Quán, nhà văn Bùi Quang Đoài, nhà văn Minh Hoàng (Vũ Tuyên Hoàng), nhà văn Phùng Cung (viết “Con Ngựa Già của Chúa Trịnh”), nhà giáo Trần Lê Văn (viết “Bức Thư Gửi Người Bạn Cũ”), kịch tác gia Hoàng Tích Linh (em nhà văn Hoàng Tích Chu, viết vở: “Xem Mặt Vợ”), nhà soạn ca khúc kiêm họa sĩ Văn Cao (viết bài “Đàn Chim Việt”, “Tiến Quân Ca”, “Không Quân Việt Nam”, “Hải Quân VN”), nhà nghị luận Trần Duy (viết bài: “Những Người Khổng Lồ”), kịch tác gia kiêm trước tác giả Hoàng Cầm (viết: kịch thơ “Viễn Khách”, sách dịch “Một Nghìn Đêm Lẻ”), nhà văn kiêm nhà thơ Hữu Loan (viết: “Màu Tím Hoa Sim (thơ), “Cũng Những Thằng Nịnh Hót”, Lộn Sòng”, hoạ sĩ Sĩ Ngọc (Hà Nội, viết bài “Làm Cho Hoa Nở Bốn Mùa” nhằm đả kích Trường Chinh), nhà soạn giả kiêm đạo diễn Chu Ngọc (Vĩnh Yên, viết “Chúng Ta Gắng Nuôi Con” nhằm chế diễu cái thói xấu đương thời.); Kịch tác gia kiêm nghệ sĩ Như Mai (Hà Nội, viết “Tiếng Trống Hạ Hồi” và “Thi Sĩ Máy” chế diễu chính sách chỉ huy văn học của Đảng CS.); nhà biên soạn từ điển Đào Duy Anh (Thanh Hoá, viết bài “Muốn Phát Triển Học Thuật” nhằm chỉ trích chủ nghĩa giáo điều và tôn sung lãnh tụ và đề cao tự do sáng tác.); nhà triết học Trần Đức Thảo (Hà Nội, viết bài “Nội Dung Xã Hội và Hình Thức Tự Do” phê phán chính sách Cải cách Ruộng Đất” và đề quyết rằng bịnh giáo điều, quan liêu, bè phái, và sùng bái cá nhân là căn nguyên làm xã hội trì trệ.” Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (Hà Nội, viết bài “Những Sai Lầm Trong Chính Sách Cải Cảch Ruộng Đất (CCRĐ)” mạnh dạn lên án chính sách CCRĐ của Mao Trạch Đông là dã man và ông nêu câu: “Người nào chỉ biết khóc thôi, hoặc cười thôi, không phải là trí thức” và “Kẻ thù số một của trí thức là bọn chụp mũ.”) [xem Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, Mặt Trận Bảo Vệ Tự Văn Hóa, Nhà In Lion Press, 3018 S Akron CT, Denver, CO 80231]
Hải Bằng
*