Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Những Mảnh Đời Sau Song Sắt


"Những Mảnh Đời Sau Song Sắt" - nhan đề mà Tủ Sách Tiếng Quê Hương chọn cho tác phẩm của Phạm Thanh Nghiên - có thể được hiểu là "cuốn hồi ký đầu tiên viết bởi một nữ tù nhân lương tâm về kinh nghiệm lao tù dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam".
Nói như thế phải chăng là phản lại bản chất của tác giả qua những lời tự thuật vốn rất nhẹ nhàng khiêm tốn của cô trong suốt tác phẩm?
Nhưng, với cương vị nhà xuất bản, chúng tôi không thể làm khác để nhấn mạnh một vài điểm liên quan đến nội dung cuốn sách:
Thứ nhất, chế độ cộng sản Việt Nam không bao giờ thừa nhận trước dư luận về sự hiện hữu của "tù nhân lương tâm" hoặc "tù chính trị". Tất cả những người lên tiếng phản đối các chính sách hay hành vi bất nhân, bạo ngược, man trá của chế độ đều bị gọi là "tù hình sự", bởi vì họ đã bị áp đặt các bản án hình sự (chiếu theo vài điều luật quái gở nhằm hình sự hóa mọi hoạt động đối kháng) và bị tống vào trại giam để ở tù chung với những tội phạm hình sự như giết người, buôn bán ma túy v.v...
Thứ hai, riêng về trường hợp Phạm Thanh Nghiên, cô bị bắt ngày 18-9-2008 trong lúc đang tọa kháng tại nhà của mình với biểu ngữ "Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam" và "Phản đối công hàm bán nước ngày 14/9/1958 của Phạm Văn Đồng". Trước đó một tuần, cô đã bị cơ quan an ninh điều tra "triệu tập" đi "làm việc" liên tục mỗi ngày để hạch hỏi, đe dọa về các hoạt động đối kháng. Trước đó nữa, cô bị giam lỏng bởi một hàng rào công an ngày đêm đóng chốt quanh nhà, khiến cô không thể đi từ Hải Phòng về Hà Nội để dự cuộc biểu tình chống Trung Cộng ngày 14-9-2008, chính vì vậy mà cô quyết định phổ biến trên mạng "Lời Tuyên Bố Tọa Kháng" và thực hiện việc tọa kháng. Cô bị "tạm giam để điều tra" suốt 18 tháng trời, rồi ra tòa ngày 29-1-2010 để lãnh bản án hình sự 4 năm tù giam, 3 năm quản chế. Phiên tòa không đề cập chút gì đến hành động tọa kháng, mà lại buộc tội Phạm Thanh Nghiên về một bài viết của cô hồi tháng 3-2008. Đó là bài "Uất ức biển ta ơi", một phóng sự về hoàn cảnh các thân nhân của 8 ngư dân ở Thanh Hóa đang đánh cá trong lãnh hải Việt Nam thì bị hải quân Trung Cộng bắn chết vào ngày 8-1-2005. Vì trước sau đảng và nhà nước CSVN vẫn giấu nhẹm vụ tàn sát thảm khốc này, do đó họ đã dàn dựng phiên tòa với hai nhân chứng bị công an cưỡng bức phản cung, nhằm áp đặt tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" cho người cầm bút dám vạch trần sự thật qua bài phóng sự.
Thứ ba, các sự kiện nêu trên cho thấy Phạm Thanh Nghiên chính là một tù nhân lương tâm tiêu biểu, nhưng bị giam giữ chung với những người tù hình sự, ngay từ giai đoạn tạm giam trong trại Trần Phú ở Hải Phòng cho đến khi cô bị chuyển đến trại tù số 5 của Bộ Công an ở Thanh Hóa.
Xin mở dấu ngoặc để nói thêm về ý niệm "tù nhân lương tâm".
Ngày 28 tháng 5 năm 1961 được ghi nhận là lần đầu tiên ba chữ "prisoner of conscience" xuất hiện trong một bài viết của người sáng lập tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), cố luật sư Peter Benenson, với tựa đề "Những Tù Nhân Bị Bỏ Quên" (The Forgotten Prisoners) đăng trên tuần báo Người Quan Sát (The Observer) tại Anh Quốc, nhân dịp phát động một chiến dịch đòi ân xá cho những tù nhân lương tâm - mà Ân Xá Quốc Tế định nghĩa là: "Bất cứ người nào bị giam cầm thân xác (trong nhà tù hoặc ở một nơi khác) chỉ vì đã bày tỏ (bằng chữ nghĩa hoặc biểu tượng) một quan điểm mà người đó thành thật tin tưởng và quan điểm đó không cổ xúy hoặc tán trợ bạo lực".
Chẳng những cuốn hồi ký của Phạm Thanh Nghiên đưa ra ánh sáng các thủ đoạn quỷ quyệt của bộ máy cầm quyền cộng sản (từ lực lượng công an đến hệ thống tòa án) nhằm tròng bản án "tù hình sự" lên đầu những người tranh đấu bất bạo động, mà cuốn hồi ký còn cho thấy rằng, những lời tuyên bố theo kiểu "ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm hay tù chính trị" chỉ là trò dối trá để gạt gẫm dư luận mà thôi, còn trên thực tế thì các trại tù đều nhận chỉ thị thi hành triệt để chính sách "cô lập hóa" các tù nhân chính trị bằng cách dụ dỗ hoặc đe dọa những người tù hình sự ở chung với họ.
Thực tế này nói lên rằng bất cứ tình huống nguy hiểm nào cũng có thể xảy ra khi nhà cầm quyền cần mượn tay tù hình sự để trả thù và trù dập các tù nhân lương tâm đối kháng chế độ. Thế nhưng, cũng qua những trang hồi ký của Phạm Thanh Nghiên, người đọc lại nhận ra một điều thú vị khác. Đó là, "chính sách cô lập hóa", kể cả bằng thủ đoạn chiêu dụ và bằng bạo lực, vẫn không thể ngăn được các tù nhân hình sự và tù nhân chính trị tìm đến với nhau trong sự chia xẻ tình người đồng cảnh ngộ, nghĩa là giữa những người cùng chung thân phận tù đày và cùng hứng chịu vô vàn oan ức, đắng cay, dưới một guồng máy cai trị bất công, thối nát, tàn bạo, phi nhân tính.
Những cảm xúc tích tụ qua kinh nghiệm bản thân cộng với bao nhiêu điều mắt thấy tai nghe đã trở thành động lực để Phạm Thanh Nghiên viết về "những mảnh đời sau song sắt", và viết với tất cả sự thành thật để nói lên tiếng nói đúng nghĩa của một tù nhân lương tâm:
"Con người luôn có xu hướng "nói tốt về mình" và cảm thấy dễ dàng khi kể về những thành công hơn là những điều thất bại. Người ta hay lảng tránh hoặc giấu kín những sai lầm của bản thân, nhất lại là những sai lầm "ngoài mình không ai biết". Nhưng, thành thật với chính mình phải được xem là điều kiện bắt buộc để trở thành một con người chính trực. Để thấy rằng, mục đích chính không phải trở thành người hùng mà là cách ta đối mặt và vượt qua những khoảnh khắc sợ hãi, mềm yếu của mình trước những thử thách đầy cam go, khốc liệt.
"Tôi không định cất giữ những "bí mật" của riêng mình trong thời gian bị cầm tù mặc dù tôi hoàn toàn có thể và có quyền làm như thế. Nhưng, tôi sẽ kể cho bạn một cách trung thực nhất không chỉ những câu chuyện của chiến thắng, của khí phách và lòng quả cảm mà cả những câu chuyện về thất bại, về phút giây hèn yếu của tôi, một tù nhân lương tâm dưới thời cộng sản. Đơn giản vì sự thật cần phải được biết tới và tôn trọng. Nếu bạn (không may) trở thành một tù nhân lương tâm như tôi thì hy vọng, những trải nghiệm này sẽ giúp bạn có thêm một vài kinh nghiệm. Nhất định bạn sẽ chiến thắng, một chiến thắng trọn vẹn vì bạn giỏi hơn tôi, dũng cảm và thông minh hơn tôi nhiều..."
"...Nhắc đến hai chữ "nhà tù", người ta liên tưởng ngay đến sự trừng phạt và khốn cùng. Cuốn sách nhỏ này, không có tham vọng làm thỏa mãn mọi hình dung hay đáp ứng những tìm hiểu cần thiết của quý độc giả về nhà tù cộng sản. Song, hy vọng rằng người đọc sẽ nhìn thấy một góc nho nhỏ trong nhà tù với những câu chuyện còn chưa kể hết trong khoảng thời gian bốn năm tù của tôi. Tất nhiên, tùy thuộc vào từng vùng miền cụ thể, hay mỗi giai đoạn lịch sử, câu chuyện tù của mỗi người mỗi khác. Cho dù như thế, cũng cần thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng nhà tù cộng sản là hiện hữu của mọi khổ đau cùng cực, mọi nỗi uất hận nghẹn ngào. Là đau thương, rệu rã, mệt mỏi, tăm tối và cả chết chóc. Là sự tàn bạo và bất lực, là nhẫn tâm, thù oán, là trông đợi, tuyệt vọng, là nỗi chết. Và là "địa ngục". Địa ngục của những con người vẫn còn đang hít thở, đi lại và cười khóc".
Cuốn hồi ký của Phạm Thanh Nghiên chứa đựng những ghi nhận và cảm nghĩ khác hẳn với các tác phẩm thuộc thể loại "hồi ký tù" mà chúng ta từng đọc, không phải chỉ do văn phong độc đáo của cô, mà chính vì cô là một tù nhân lương tâm, là một phụ nữ dấn thân tranh đấu cho quyền làm người giữa một xã hội mà mọi giá trị nhân bản đều đảo lộn, là một người cầm bút dấn thân tranh đấu kêu gọi lòng yêu nước trong khi những kẻ cai trị đất nước luôn luôn sẵn sàng bán nước để bảo vệ quyền lợi và quyền lực cá nhân.
Khi bị ném vào chốn "địa ngục trần gian" để chia xẻ thân phận khốn cùng của các tù nhân hình sự, ý thức của một tù nhân lương tâm đã giúp Phạm Thanh Nghiên bắc được nhịp cầu cảm thông với nhiều bạn tù đến từ những góc đời tối tăm nhất của một xã hội băng hoại. Và ý thức ấy đã mang lại cho chúng ta những đoạn hồi ký đáng suy ngẫm:
"Người tù xa lánh tôi không phải vì ghét, mà vì sợ bị liên lụy. Song vẫn có những mối quan hệ, giao tiếp rất khéo léo, đủ để không bị phạt hay vào tầm ngắm của cai tù.
"...Mấy hôm trước cả Phân trại đã xôn xao vụ chị Chanh ở đội 29 bị cai tù gọi lên rằn mặt, đe dọa vì "tội" dám bán cho tôi chiếc hòm đựng đồ dùng cá nhân. Kết quả là sáng hôm qua, chị Chanh bị bêu mặt giữa sân chung, trước sự chứng kiến của hơn một ngàn người tù và tất cả các cai tù của Phân trại. Tuy chưa đến mức phải vào "nhà chó", nhưng chị Chanh bị chuyển đội, và mất giảm án năm ấy sau khi bị đấu tố. Không khí sợ hãi bao trùm cả Phân trại. Người ta bảo nhau phải dè chừng và tránh xa "con phản động" nếu không muốn gặp tai họa.
"...Không riêng gì Mai, nhiều người tù khác cũng từng phải đi "uống cà phê" để nghe cai tù đe nẹt, cấm đoán về tội chơi (hoặc ngồi chơi) với tôi. Có người phải làm cam kết từ nay xin chừa không bén mảng đến "con phản động" nữa. Sau mỗi chầu cà phê như thế, chị nào cũng nhận được lời mặc cả "đừng nói lại với cái Nghiên". Nhưng chả mấy cái miệng tù giữ được lời hứa. Không nói ngay thì cũng nói eo, không nói trực tiếp thì cũng nhờ đứa tù khác mách lại. Lúc mới lên trại, tôi cũng hơi buồn. Tính tôi hay chạnh lòng, tủi thân. Sau quen dần, kệ.
"Những người dám công khai gần gũi với tôi thường là thành phần cứng đầu, không còn gì để mất. Tức là họ không được giảm án hoặc sắp mãn hạn tù. Không được giảm án vì vi phạm nội quy trại giam. Có nhiều kiểu vi phạm: buôn bán, tiêu tiền mặt, đánh cãi chửi nhau, làm không đủ mức khoán, thiếu lễ tiết với cán bộ (không chào chẳng hạn), giúp đỡ bạn tù không xin phép v.v...
"Người bị Aids, bệnh nặng hay những người sắp chết cũng thích chơi với tôi. Thời gian là thứ không thể sờ mó được. Nhưng người tù sắp chết, hình như họ chạm được bằng tay và thấy được bằng mắt những ngày tháng đời người đang ngắn lại trong khoảng thời gian lao tù dài đằng đẵng. Nhìn thấy, và sờ thấy màu tím tái, cái khô rát trên môi miệng. Trên thân người trơ trụi với da bọc xương. Trong bước đi chậm dần, chậm dần và những cơn đau hành hạ mỗi ngày. Việc cai tù lấy giảm án ra để uy hiếp hay mặc cả với những người không còn gì để mất, thành thừa..."
oOo
Năm 2010, sau 18 tháng "tạm giam để điều tra" (trong đó có 4 tháng bị biệt giam), cộng thêm hơn 2 tháng chờ đợi sau khi đã ra tòa để lãnh án 4 năm tù, 3 năm quản chế, Phạm Thanh Nghiên bị chuyển đến Trại số 5 Thanh Hóa để tiếp tục ở tù cho đến ngày mãn án. Cũng như những tù nhân khác, cô bị cắt lìa với đời sống bên ngoài, và tất nhiên mọi tin tức đều bị bưng bít bởi hai lớp màn sắt chồng lên nhau – nhà tù nhỏ nơi cô đang bị giam giữ và nhà tù lớn là đất nước của cô. Khi bất ngờ nghe được một tin "bên ngoài" qua một người bạn tù mới nhập trại, nhưng lại là tin chẳng lành về hai người bạn tranh đấu vừa bị bắt, cô viết:
"Một trong những điều đáng sợ nhất là nhận được tin anh em của mình bị bắt. Trong suốt thời gian bốn năm ở tù, tôi nhẩm tính có hàng chục người bị bắt vì đấu tranh cho Nhân quyền, Dân chủ và Tự do tôn giáo. Không ít người trong số đó là người tôi thân quen hoặc từng may mắn được gặp mặt. Tổng cộng số năm tù cho những người đấu tranh ôn hòa này lên tới hàng trăm năm (...) Tôi không khỏi lo lắng và nghĩ tới những ngày tồi tệ của phong trào tranh đấu bên ngoài. Đếm trên đầu ngón tay, chỉ còn lại dăm ba người là... chưa bị bắt hoặc mới về hết án nhưng còn bị giam lỏng tại nhà
"Sự kiện bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân bị bắt sau hàng loạt những vụ bắt bớ khác ít nhiều khiến tôi xuống tinh thần. Chị Hương, một người bạn tù khác buồng nói với tôi: "Phải nghĩ tích cực lên chứ. Em chả bảo chị là nhiều người trong số những người bị bắt, em còn chưa từng nghe đến tên của họ là gì. Chứng tỏ đang có thêm nhiều người cùng đấu tranh như em. Thế thì cần mừng chứ sao lại ủ rũ vậy".
Quả không sai chút nào: ngay từ lúc Phạm Thanh Nghiên đang ở tù và liên tục cho đến ngày hôm nay, lời khích lệ của người bạn tù đã được chứng minh bằng thực tế. Suốt 10 năm trở lại đây, con số những người dấn thân vào cuộc đấu tranh cho Tự do Dân chủ Nhân quyền tại Việt Nam quả thật chỉ ngày càng tăng lên chứ không hề có dấu hiệu giảm đi. Những tiến bộ không ngừng của kỹ thuật tin học, nhất là sự lan tỏa vượt bực của mạng xã hội (Facebook) từ 2011-2012, đã tạo điều kiện để phong trào đấu tranh dân chủ thực hiện được những liên lạc và nối kết rộng rãi đến mức nhà cầm quyền cộng sản không còn ngăn chận nổi; đồng thời mở đường cho việc phổ biến những tin tức vừa xác thực vừa mau lẹ từ trong nước ra hải ngoại và ngược lại, khiến cho hệ thống kiểm duyệt tin tức của chế độ lâm vào tình trạng bất lực, và cả một cơ chế truyền thông "lề đảng" cũng lung lay và buộc phải tìm phương cách mới để thích ứng.
Đã thất bại trong việc bưng bít tin tức để che dấu sự thật, lại phải lúng túng đối phó với đủ mọi vấn đề từ nội bộ (đấu đá quyền lực, cạn kiệt ngân sách...) cho đến đối ngoại (áp lực nặng nề của Trung Cộng trên Biển Đông, rắc rối ngoại giao với Đức và Liên Hiệp Âu Châu), đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam bèn trở lại thủ đoạn dùng bạo lực để trấn áp dư luận. Mấy năm liên tiếp, gần đây nhất là từ tháng 6 đến tháng 8-2017, đã diễn ra hàng loạt các vụ hành hung, khủng bố, bắt bớ và xử án tù, nhắm vào giới đấu tranh ôn hòa và các cựu tù nhân lương tâm, đến độ các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền phải lên tiếng báo động, như Human Rights Watch qua bản phúc trình 65 trang "No Country for Human Rights Activists: Assaults on Bloggers and Democracy Campaigners in Vietnam" và thông cáo báo chí "Vietnam: End Attacks on Activists and Bloggers", cũng như Amnesty International qua bản phúc trình "Detained for Defending Human Rights", báo động về các vi phạm mới nhất và nhắc lại trường hợp cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài bị bắt trở lại từ ngày 16-12-2015 cho đến nay chưa biết số phận ra sao.
Dư luận thế giới kinh hãi trước hình ảnh những người tay không vũ khí –kể cả phụ nữ – bị đàn áp bằng bạo lực, nhưng đó là phản ứng đương nhiên của tập đoàn lãnh đạo cộng sản mỗi khi cảm thấy bị đe dọa bởi bất kỳ tiếng nói nào khác biệt với lý luận một chiều của chế độ. Những người dấn thân vào cuộc đấu tranh dân chủ hiểu rất rõ điều đó, và họ giúp nhau trang bị tinh thần để đối đầu với tình huống xấu nhất, như Phạm Thanh Nghiên đã viết trong một đoạn hồi ký:
"Tôi xin tặng câu chuyện này cho bạn, những Tù Nhân Lương Tâm "dự bị" dưới chế độ cộng sản, để thấy được những khoảnh khắc của một người tù. Tôi luôn hy vọng, trong tương lai gần sẽ không còn nhiều người Việt Nam phải trải nghiệm cuộc đời mình trong chốn ngục tù đầy đau thương và mất mát như một cái giá để trả cho Khát vọng Tự do".
Nhờ mạng lưới thông tin toàn cầu giúp phá vỡ bức tường bưng bít sự thật, dư luận thế giới hiện nay có thể biết tường tận rằng cái giá mà các tù nhân lương tâm tại Việt Nam phải trả cho sự lựa chọn con đường đấu tranh không chỉ dừng lại ở những năm tháng tù đày mà còn tiếp tục đeo đuổi cuộc sống hàng ngày của họ. Khi Phạm Thanh Nghiên được Human Rights Watch chọn vào danh sách nhận Giải thưởng nhân quyền Hellman/Hemmett (tháng 10-2009), cô đang ở trong trại tạm giam, chờ ngày ra tòa lãnh án 4 năm tù. Bảy năm sau đó, cô đã mãn án tù và - trên nguyên tắc - đã hết hạn 3 năm quản chế, thế nhưng cô và thân nhân của cô vẫn bị theo dõi, bị sách nhiễu, thậm chí bị hành hung một cách dã man.
Ngày 30-3-2017, Front Line Defenders (www.frontlinedefenders.org), một tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Dublin (Ái Nhĩ Lan) chọn Phạm Thanh Nghiên vào vòng chung kết cho giải thưởng "Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền Bị Đàn Áp Năm 2017" cùng với 4 người ở các châu lục khác nhau.
Theo thông cáo báo chí của tổ chức này, "Front Line Defenders Award for Human Rights Defenders at Risk là giải thưởng hàng năm, khởi đầu từ năm 2005, nhằm công nhận thành tích của các nhà hoạt động bênh vực quyền con người, bất chấp rủi ro và thường xuyên bị đe dọa đến mạng sống, vẫn có những đóng góp đặc biệt để bảo vệ và quảng bá nhân quyền tại đất nước mình". Năm nay ban giám khảo đã cứu xét các phiếu đề cử 142 nhà hoạt động nhân quyền từ 56 quốc gia. Cuối cùng 5 nhà hoạt động tại Ukraine (Emil Kurbedinov), Nicaragua (Francisca Ramírez Torres), Nam Phi (Nonhle Mbuthuma), Kuwait (Abdulhakim Al Fadhli) và Việt Nam (Phạm Thanh Nghiên) được chọn vào vòng chung kết.
Thông cáo viết: "...Phạm Thanh Nghiên, một blogger người Việt, đã trải qua bốn năm tù giam vì đã công khai viết ra những vi phạm nhân quyền đối với gia đình các ngư dân bị tuần duyên Trung Cộng giết hại. Sau khi ra tù, cô bị quản chế tại gia, trong thời gian đó cô đã thực hiện nhiều chiến dịch bảo vệ nhân quyền và là đồng sáng lập Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Nhà của cô bị đột nhập, cô bị cản trở khi đi khám bệnh, chữa bệnh, cửa nhà bị khóa trái nên cô không ra ngoài được, và khi làm giấy đăng ký kết hôn, cô cũng bị chính quyền bác. Cô là nạn nhân của nhiều vụ tấn công gây thương tích nhằm ngăn chận những hoạt động tranh đấu mạnh mẽ nhưng ôn hòa của cô trong nỗ lực phơi bày các vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam".
Thông cáo trích dẫn lời phát biểu của ông Andrew Anderson, Giám đốc Điều hành Front Line Defenders: "5 nhà bảo vệ nhân quyền nằm trong danh sách chung kết của giải thưởng năm 2017 đã chứng tỏ sự kiên cường, ý chí bền bỉ khi đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng, thường là những mối đe dọa đối với mạng sống của họ. Những nhà hoạt động nhân quyền này cũng như gia đình của họ đều phải chịu đựng các cuộc tấn công, các chiến dịch phỉ báng, quấy rối bằng pháp luật, hăm dọa an ninh cá nhân kể cả đe dọa tính mạng, và án tù. Họ cho biết rất cần được dư luận thế giới biết đến việc họ làm, nhất là vì họ thường xuyên bị chính quyền nước họ phỉ báng và xuyên tạc cuộc tranh đấu bất bạo động của họ. Việc Front Line Defenders đề cử giải thưởng nhằm giới thiệu trước công luận và bảo vệ 5 nhà hoạt động này, những người đóng vai trò quan trọng đối với các phong trào nhân quyền tại đất nước và cộng đồng của họ".
Ngày 22-5-2017, tức mới cách đây vài tháng, trong loạt video do Front Line Defenders đưa lên YouTube để giới thiệu 5 ứng viên được chọn vào chung kết, một số nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam đã trình bày những cảm nghĩ về nhân cách của Phạm Thanh Nghiên, song song với những lời Phạm Thanh Nghiên phát biểu về tình trạng đàn áp nhân quyền đang tiếp tục diễn ra trên đất nước cô, mà chính cô là một nạn nhân (*):
"Có lẽ rất khó hình dung và khó mà liệt kê hết những rủi ro, những hiểm nguy, những sự đàn áp mà những người đấu tranh phổ biến các vấn đề nhân quyền như tôi gặp phải. Nếu nói đến rủi ro thì tôi nghĩ rằng không riêng gì cá nhân tôi mà tất cả những người dân Việt Nam lên tiếng chỉ trích các chính sách sai lầm của nhà nước hiện hành, đặc biệt là lên tiếng bày tỏ quan điểm một cách mạnh mẽ về các vấn đề nhân quyền, dân chủ, thì đều là mục tiêu để bị nhà cầm quyền đàn áp, thậm chí bắt bỏ tù. Tôi đã từng bị kết án 4 năm tù giam và 3 năm tù nhà. Khi tôi bị quản chế thì bản thân tôi không được đi ra khỏi địa phương nơi cư trú, thậm chí là tôi bị nhốt ở trong nhà, không được đi ra khỏi nhà, không được đi khám, chữa bệnh.
"Cách đây chừng 1 năm, vào ngày 11 tháng 5 năm 2016, khi nổ ra cuộc biểu tình chống Formosa, bảo vệ môi trường, thì trên đường đi đến điểm biểu tình, chúng tôi bị bắt. Trong nhóm của tôi gồm có vợ chồng tôi và một vài người bạn – những người đấu tranh nhân quyền khác – đã bị công an mật vụ rất là đông dùng vũ lực bắt ngay giữa đường, thậm chí tôi còn bị một tên an ninh dí giầy vào mặt khi hắn quật ngã tôi xuống đất.
"Vào trong đồn công an thì chúng tôi đã bị giam cầm trái phép và đánh đập suốt 14 tiếng đồng hồ, bản thân tôi đã bị đánh 3 lần trong đồn công an ngày hôm đó. Riêng cá nhân tôi thì những điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như tinh thần của tôi. Suốt 4 năm kể từ khi ra tù đến bây giờ, tôi hầu như lúc nào cũng phải dùng thuốc, lúc nào cũng phải phụ thuộc vào thuốc, và không ít lần tôi phải nằm điều trị ở bệnh viện trong sự rình rập canh gác của công an mật vụ.
"Chúng tôi coi những điều như là đánh đập, bắt bớ, sách nhiễu, khủng bố, tù đầy là những điều đương nhiên chúng tôi gặp phải trên con đường tìm kiếm tự do và đòi hỏi nhân quyền. Ở các quốc gia khác thì những người hoạt động nhân quyền thường có được một mạng lưới để hỗ trợ lẫn nhau, nhưng tại Việt Nam thì hoàn toàn khác. Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy. Thậm chí chúng tôi chỉ cần liên kết các cá nhân với nhau, gặp nhau, thì kể cả sự gặp gỡ thường xuyên cũng đã khó khăn, chứ còn nói gì đến mong ước có được môt mạng lưới để bảo vệ mình. Khi mình lên tiếng về một vấn đề tiêu cực trong xã hội thì ngay lập tức mình sẽ bị đối mặt với, ngoài những rủi ro, còn có thể là án tù. Và những điều luật mơ hồ sẽ được nhà nước dùng để trả thù, trừng trị chúng tôi, như "lật đổ chính quyền", "chống nhà nước", hay "lợi dụng các quyền tự do dân chủ để chống nhà nước..."
Dưới một chế độ tàn bạo như vậy, và trong những điều kiện hoạt động đầy bắt trắc như vậy, câu hỏi đặt ra là, động lực nào giúp cho những người đấu tranh dân chủ giữ vững được tinh thần bất khuất để nắm tay nhau đi tiếp con đường đầy chông gai thử thách mà họ đã lựa chọn? Đây là câu trả lời của Phạm Thanh Nghiên trên video của Front Line Defenders:
"Chúng tôi không thể sống và thức dậy mỗi sáng để đón nhận sự sợ hãi. Không còn cách nào khác. Chúng tôi phải bước qua. Và chính khát vọng tự do, khát vọng được sống với đầy đủ quyền con người của mình, đã thúc đẩy chúng tôi tiếp tục đi lên phía trước".
Đọc hồi ký "Những Mảnh Đời Sau Song Sắt" của Phạm Thanh Nghiên, do vậy, không phải chỉ để thu lượm thêm một số dữ kiện về nhà tù cộng sản, mà còn là dịp ghi nhận thêm nhiều yếu tố giúp chúng ta theo dõi những chuyển biến chắc chắn sẽ tới từ cuộc đấu tranh kiên cường, quyết liệt của những con người tự nguyện dấn thân để đòi lại nhân quyền căn bản cho 90 triệu đồng bào, giành lại chủ quyền lãnh thổ cho tổ quốc, và trồng lại cây trái tình người trên những mảnh đất chết khô vì một chủ thuyết vô nhân tính.(NPH tô đậm và tô mầu)
Đào Trường Phúc
danlambaovn.blogspot.com
_____________________________________
Những Mãnh Đời Sau Song Sắt - Phạm Thanh Nghiên
Sách song ngữ Việt-Anh
NXB Tủ Sách Tiếng Quê Hương - 512 trang - giá 25USD
• Liên lạc: VLAC / TS Tiếng Quê Hương. Địa chỉ: P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044, USA. Email: uyenthaodc@gmail.com / uyenthao174@yahoo.com

Tình Người và Tình Quê

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Bài Học Lịch Sử



Bài Học Lịch Sử 


Bài học lịch sử không bao giờ cũ
chỉ sợ mình không đủ sức đi theo
nếu không thể, nhắn cháu con lời nhủ:
Việt Nam ta - một Dân Tộc anh hùng 

khởi đầu học từ vua Hùng dựng nước 
giòng Văn Lang sau trước vẫn kiên trì 
chống giặc ngoại xâm bảo tồn nòi giống 
quyết đấu tranh giữ vững đất biên thùy 

học lịch sử để biết làm lịch sử 
Độc Lập Tự Do không tự phát sinh 
mà phải đổi bằng chính mình xương máu 
vì Non Sông, vì Tổ Quốc Việt Nam 

đời cha ông đang dần dần xa khuất 
nhưng tấm lòng, hào khí mãi còn nguyên 
trọng hiếu nghĩa nuôi mối giềng đạo đức 
ngẩng cao đầu và ưỡn ngực đi lên 

khôi phục lại những trang hùng sử Việt 
trách nhiệm này tha thiết gọi cháu con 
biết tự hào là con Rồng, cháu Lạc 
hiên ngang đi khao khát nghĩa sinh tồn 

học lịch sử là thắp hương thừa tự 
trên lâu đài Văn Hóa Sử Việt Nam 
giữ sáng mãi gương tiền nhân bất tử 
và bảo tồn dòng Quốc Ngữ chính danh . 

Cao Nguyên 


History lessons 

The lessons of history are timeless 
Only that we are not able to learn them 
If so, just send our children this message: 
Vietnam is the country of a heroic people 

The first lesson begins with Hùng Kings 
Being of Văn Lang descent,we are ever-consistent 
in fighting the foreign invaders to preserve our race 
and struggling drastically for holding the frontier lands 

Learning the history is learning to make history 
Independence and freedom are never free 
We could only gain those by shedding our blood 
For the country,for the Vietnamese fatherland 

The generation of our forefathers has gradually faded 
Yet their spirit and patriotism are forever unlost 
With a philosophy that values loyalty and morality 
They always held their heads up moving forward 

To restore the heroic chapters of Vietnam history 
we earnestly call the descendents to do their duty 
to be proud of being the offsprings of fairy and dragon 
to step up haughtily in the struggle for existence 

To learn history is to burn the heritage incense 
on the temple of culture and history of Vietnam 
thus conserving the examples of the immortal predecessors 
and maintaining the originality of the national language 

Cải Cách Ruộng Đất





Nhà thơ Hữu Loan:
KỂ CHUYỆN BỐ MẸ VỢ BỊ HÀNH QUYẾT TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung tôi cũng học tại Thanh Hóa, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến năm 1938 – lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi – Tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khóa ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi , Hồ Trọng Gin, Trịnh văn Xuấn , Đỗ Thiện và …tôi – Nguyễn Hữu Loan.
Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới.Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà.
Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi- mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: ” Em chào thầy ạ!” Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một “bà cụ non”. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chổ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn, những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt …..
Có lần tôi kể chuyện ” bà cụ non” ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận! Suốt một tuần liền, em nằm lì trong buồng trong, không chịu học hành… Một hôm bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ… Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý: “Mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu” Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi …..Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi:- Thầy có thích ăn sim không ?- Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ …
Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng.- Thầy ăn đi.Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ:-Ngọt quá.Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết qủa này đến qủa khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì….tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo! Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi… lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng ,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi…Tôi quay đầu nhìn lại… em vẫn đứng yên đó … Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa.
Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đên ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ …
Chín năm sau, tôi trở lại nhà…Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em , hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp….Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm ” soạn kịch bản”.
Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là: ” yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả”. Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay…lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo. Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết! Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ.
Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ em không còn cô bé Ninh nữa mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại…..Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống. Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời! Em chết thật thảm thương: Hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối! Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi tôi nỗi đau không gì bù đắp nỗi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi.Tôi phải giấu kín nỗi đau trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn …
Dường như càng kềm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao, sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong lòng tôi được bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra: “Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội… Những em nàng có em chưa biết nói. Khi tóc nàng đang xanh…” Tôi về không gặp nàng…Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hóa… Anh bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh.
Đó là bài thơ Màu Tím Hoa Sim. Đến đây, chắc bạn biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2-4-1916 hiện tại đang “ở nhà trông vườn” ở làng Nguyên Hoàn – nơi tôi gọi là chỗ “quê đẻ của tôi đấy” thuộc xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi viết mới nổi những câu : “Chiều hành quân, qua những đồi sim… Những đồi sim, những đồi hoa sim.. Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết.. Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt…Và chiều hoang tím có chiều hoang biết…Chiều hoang tim tím thêm màu da diết.”
Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội, từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi” hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi”. Bọn họ chê tôi ủy mị, hoạch hoẹ đủ điều, không chấp nhận đơn từ bỏ kháng chiến của tôi. Mặc kệ! Tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá! Với lại tôi cũng chán ngấy bọn họ quá rồi!
Đó là thời năm 1955 – 1956, khi phong trào văn nghệ sĩ bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những kẻ bồi bút đan tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cạn. Làm thơ thì phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì! Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng….Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn một tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông …
Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc? Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có hai cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại tôi …
Nhưng lúc nào cũng có người cứu tôi! Có một cái lạ là thơ của tôi đã có lần cứu sống tôi! Lần đó tên công an mật nói thật với tôi là nó được giao lệnh giết tôi, nhưng nó sinh ở Yên Mô, thường đem bài Yên Mô của tôi nói về tỉnh Yên Bình quê nó ra đọc cho đỡ nhớ, vì vậy nó không nỡ giết tôi. Ngoài Yên Mô, tôi cũng có một vài bài thơ khác được mến chuộng. Sau năm 1956 , khi tôi về rồi thấy cán bộ khổ quá, tôi đã làm bài Chiếc Chiếu, kể chuyện cán bộ khổ đến độ không có chiếc chiếu để nằm!
Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954, 1955. Lúc đó tôi còn là chính trị viên của tiểu đoàn. Tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học , lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa.
Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng. Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần năm trăm mẫu tư điền. Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chổ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông.
Thế rồi, một hôm, tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố. Hai vợ chồng ông bị đội Phóng tay phát động quần chúng đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại hai cái đầu đó cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội Phóng tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng. Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói. Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ.
Sự quyết định của tôi không lầm. Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó , bữa đói bữa no…. Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa!
Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ, thế mà chúng vẫn trù dập, không chịu để tôi yên. Tới hồi mới mở cửa, tôi được ve vãn, mời gia nhập Hội Nhà Văn, tôi chẳng thèm gia nhập làm gì.
Năm 1988, tôi ” tái xuất giang hồ” sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gió. Tôi lang bạt gần một năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian tổ chức để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí – xuất bản và đổi mới thực sự. Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyển bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với giá 100 triệu đồng. Họ bảo đó là một hình thức bảo tồn tài sản văn hóa. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia “lộc” cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi già, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan. Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác, nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán.
© Hữu Loan 

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Tự điển tiếng Việt mới

Đôi Lời Phi Lộ:

Bất cứ một dân tộc nào nếu đã hình thành một nền văn học, đều có hai loại văn chương bác học và văn chương bình dân. Ngôn ngữ cũng có ngôn ngữ trí thức và ngôn ngữ đường phố. Phê bình văn học, phê bình cách sử dụng ngôn ngữ là điều phải có để đất nước tiến lên. Trước đây ở Miền Nam, một số nhà văn, nhà báo dùng chữ hay viết văn không đúng cũng đã bị phê phán chứ không phải muốn viết gì thì viết. Ngày nay, ngôn ngữ ít học, đứng bến, mánh mung, đường phố giống như cỏ dại lan tràn rất nhanh vì nó được phổ biến qua các bản tin, báo chí, các trang điện tử, truyền hình, đài phát thanh, các diễn đàn… cho nên nó dễ dàng giết chết ngôn ngữ “văn học” thường phải xuất hiện qua sách vở. Nếu không ngăn chặn kịp thời, loại ngôn ngữ lai căng, bát nháo, quái đản sẽ trở thành dòng chính của văn học…và khi đó thì hết thuốc chữa. Việt Nam ngày nay đang đứng trước thảm họa đó! Ngoài ra, “văn dịch” phần lớn từ các bản tin tiếng Anh của những người không rành tiếng Anh lại kém tiếng Việt đã phá nát cú pháp (văn phạm) Việt Nam. Hiện nay radio Việt Ngữ đã góp phần rất lớn vào việc tàn phá tiếng Việt truyền thống.

Xin nhớ cho, thay đổi mà tốt hơn, hay hơn thì người ta hoan nghênh. Thay đổi mà xấu, tệ hơn là phá hoại. Ngoài ra, không có gì “lớn” cho bằng “cầm bút” nhưng cũng không có gì “xấu xa” cho bằng viết bậy, viết nhảm, viết sai sự thật và nhất là phá hoại ngôn ngữ truyền thống của dân tộc. Sau hết, tôi xin nhắc những người làm báo trong nước và cả radio tiếng Việt: Dân đường phố, mánh mung, đứng bến vì ít học cho nên ăn nói bậy bạ. Nhà báo là người có học phải hướng dẫn “đường phố” để họ từ từ tiến lên, ăn nói mẫu mực, viết cho đàng hoàng, thế nhưng lại chạy theo “đường phố” để phá nát tiếng Việt. Thật đáng buồn!
Dưới đây là bảng so sánh tiếng Việt truyền thống và tiếng Việt đổi đời xếp theo thứ tự A,B,C…
-Ăn uống trở thành ẩm thực. Thói quen/cách ăn uống trở thành văn hóa ẩm thực, giống như mấy ông Ba Tàu ở Chợ Lớn nói chuyện với nhau năm xưa. Các “món ăn miền Bắc” trở thành “Ẩm thực miền Bắc”. Người ta thích là thích các “món ăn” miền Bắc chứ miền Bắc có đồ uống (ẩm) gì ra hồn đâu mà thích? Rồi nào là, “Du khách nước ngoài tham gia tour trải nghiệm ẩm thực tại Hội An” (Báo Sài Gòn Giải Phóng). Thực ra câu chuyện chỉ là, “Du khách ngoại quốc vừa du lịch vừa thưởng thức các món ăn ở Hội An” nhưng lại viết dưới dạng cầu kỳ vì ít học. Xin nhớ cho ăn uống không phải là văn hóa vì loài thú cũng ăn uống. Con hổ sau khi ăn thịt con nai xong bèn ra bờ suối uống nước. Nhưng nếu biết nấu nướng cho đàng hoàng, lịch sự, biết mời chào nhau thì nó là một nét của văn hóa.
-Ăn mặc dâm ô, ăn mặc hở hang, ăn mặc bẩn mắt trở thành ăn mặc phản cảm. Một hình ảnh gây bất binh, xúc phạm, khó chịu cho người ta cũng gọi là phản cảm. Chỗ nào cũng thấy phản cảm và không còn một tính từ nào khác. Ăn mặc phản cảm là ăn mặc thế nào? Chẳng hạn một cô gái đến chùa “ăn mặc phản cảm” thì cô gái đó ăn mặc ra sao? Hoặc váy ngắn quá, hoặc áo hở vú, hở lưng, hoặc mặc quần đùi (short) hoặc mặc đồ mỏng dính (bây giờ gọi là xuyên thấu) thì phải nói ra cho người ta biết chứ. Tiếng Việt trong nước càng ngày càng trở nên nghèo nàn và kho tàng ngôn ngữ truyền thống sẽ chỉ còn một nửa hay bị hủy diệt bởi những chữ như: hoành tráng, phản cảm, giải mã, kinh điển, ấn tượng, sốc, kịch tính, kịch bản, cơ bản, thi công, xử lý, nóng (hot), khắc phục, tiếp cận … Những danh từ đơn giản, thuần Việt do tổ tiên sáng tạo cả ngàn năm nay từ từ biến mất để thay thế bằng tiếng Tàu nhức đầu, lạ hoắc… và quá nhiều tiếng lóng, tiếng Tây, tiếng Anh “ba rọi” chen vào.
-Bạch phiến trở thành ma túy đá
-Bài giải, đáp số trở thành đáp án. Thật điên khùng quá mức! Thí dụ: “Đáp án bài toán lớp 7 thử tài tư duy” (VnExpress). Làm toán mà “tư duy” cái gì? Chì cần nói “giỏi toán”. Câu văn gọn gàng, sáng sủa mà không bắt độc giả phải “tư duy” sẽ là: “Thử tài các bạn. Hãy giải một bài toán Lớp 7.” Nghe nói VnExpress là tờ báo điện tử được nhà nước/chính phủ cấp bằng khen.
-Bài giảng trở thành giáo án. Soạn bài giảng trở thành “soạn giáo án”. Nghe thấy mà ghê!
-Ban nghi lễ trở thành ban lễ tân (ông nào chế ra chữ này chắc trước đó có học ở bên Tàu thời Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình). Xin nhớ,”lễ tân” chỉ là tiếp khách. Còn “nghi lễ” là cả một thể thức có khi vô cùng phức tạp để hoàn tất một buổi lễ lớn hoặc tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia.
-Bản tiếng Việt, bản tiếng Anh, bản tiếng Hoa (cùa một tờ báo) trở thành phiên bản tiếng Việt, phiên bản tiếng Anh, phiên bản tiếng Hoa. Mở các Từ Điển English-Chinese Dictionary ra sẽ thấy người Tàu định nghĩa “copy” là phiên bản. Thậm chí “version” là bản mô phỏng, phỏng theo cũng trở thành phiên bản. Đúng là “điếc không sợ súng”. Không được đi học, không hỏi người lớn, không tra từ điển, không nghiên cứu mà cứ viết, cứ nói. Một đất nước, một cộng đồng như vậy thật đáng sợ! Dân tộc Nhật tiến lên là họ biết xấu hổ (Khổng Tử gọi là tu ố). Khi biết mình sai, họ rất xấu hổ và có khi phải tự sát. Một dân tộc mà không biết xấu hổ thì hết thuốc chữa.
-Bàng hoàng, choáng váng, hết sức ngỡ ngàng trở thành sốc (shock)
-Bánh xe/vỏ xe trở thành lốp
-Bao gồm, bao hàm, hàm chứa (một số vấn đề) trở thành nội hàm. Ông nào dùng hai chữ này chắc là viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học,Văn Chương và Ngôn Ngữ Việt Nam.
-Bảo đảm trở thành đảm bảo, bảo hành. Xe cộ, món đồ, máy móc được bảo đảm (warranty) trong bao lâu trở thành bảo hành. Hành nghĩa là làm, làm gì ở đây mới được chứ?
-Bảo trì, giữ gìn trở thành bảo quản
-Bắp thịt trở thành cơ bắp. Biểu diễn/khoe bắp thịt trở thành biểu diễn cơ bắp. Phô diễn sức mạnh quân sự cũng gọi là biểu diễn cơ bắp. Đúng là loại ngôn ngữ đường phố, bát nháo, đứng bến, mánh mung.
-Bắt ngay trở thành bắt khẩn cấp, bắt nóng. Trong nước cái gì cũng nóng hay lạnh. Ngôn ngữ truyền thống sẽ lần hồi diệt chủng. Thưởng ngay trở thành thưởng nóng! Thế mới hay ngu dốt mà làm văn hóa thì nguy hại ngàn đời!
-Bên trong (của chiếc xe hơi) biến thành nội thất! Đúng là tiếng Việt kiểu cung vua phủ chúa.
-Bệnh viện nhi đồng cắt cụt chi còn bệnh viện nhi trong khi từ điển trong nước nói rằng chữ “nhi” không bao giờ đứng một mình. Nó phải đi kèm với một chữ khác. Như vậy Tết Nhi Đồng giờ đây chỉ còn Tết Nhi! Đúng là chữ nghĩa quái đản, muốn viết gì, nói gì thì nói.
-Bích chương (dán lên tường) trở thành Áp-phích
-Biến cải, thay đổi trở thành cải tạo. Thí dụ: Trung Quốc cải tạo bãi đá ngầm thành đảo. Trong nước nên bỏ hai chữa “cải tạo” vì nó gợi lại hình ảnh cả triệu quân-cán-chính VNCH bị “tù cải tạo”.
-Biển, tấm bảng trở thành Pa-nô (Panneau)
-Biểu ngữ trở thành Băng-rôn (Bande de role)
-Bình điện trở thành bình ác quy, nạp điện trở thành sạc (charge)
-Bổ túc, trau dồi (kiến thức) trở thành bồi dưỡng (giống như ăn uống để lấy lại sức sau cơn bệnh)
-Bộ đôi, một đôi, một cặp (hai người) trở thành cặp đôi (bốn người)
– Bộ mặt, dáng vẻ biến thành ngoại hình. “Cô ta có dáng vẻ đẹp” nay biến thành “ Cô ta có ngoại hình đẹp”. Ai dùng hai chữ “ngoại hình” chắc chắn không được cắp sách đến trường hoặc du học Trung Quốc cho nên tiêm nhiễm tiếng Tàu.
-Buổi trình diễn văn nghệ trở thành show. Ca sĩ hát một lúc hai, ba phòng trà gọi là “chạy show”. Ngày xưa các chiêu đãi viên ở các phòng trà đang tiếp khách này, xin lỗi chạy qua tiếp khách kia gọi là “chạy bàn”.
-Buồn nản, chán đời (depressed) trở thành trầm cảm . Sao dùng chữ khó khăn quá vậy? Nếu tôi là một tâm lý gia, một bệnh nhân tới nói, “Thưa bác sĩ, tôi cảm thấy buồn nản, chán đời” thì tôi hiểu ngay. Nhưng nếu bệnh nhân nói, “Tôi bị trầm cảm” thì tôi sẽ phải hỏi lại, “Ông/bà nói thêm về tình trạng tâm lý của ông/bà thế nào.” Ngoài ra, từ điển Việt Nam trước và sau 1975 không hề có hai chữ “trầm cảm”.
-Buồng lái /phòng lái trở thành cabin. Thậm chí khoang hành khách trên máy bay cũng gọi là cabin (BBC tiếng Việt)
-Cà-phê cứt chồn trở thành cà-phê chồn. Những người đang chế “cà- phê cứt chồn” có lẽ trước 1975 họ chưa hề biết gì về loại cà-phê này cho nên bây giờ mới gọi đó là “cà-phê chồn”.
-Cách chức, bãi chức, cất chức biến thành miễn nhiệm. Trong nước không phân biệt được thế nào là nhiệm vụ thế nào là chức vụ. Nhiệm vụ là các việc hay bổn phận phải làm. Còn chức vụ là quyền hạn, địa vị để làm những việc đó. Thí dụ: Tổng thống là chức vụ. Còn nhiệm vụ của tổng thống là thi hành luật pháp, đối nội đối ngoại để bảo vệ quyền lợi của đất nước trên khắp thế giới…có cả ngàn việc. Ngoài ra, người ta chỉ nói mãn nhiệm kỷ (hết nhiệm kỳ) chử không ai nói miễn nhiệm. Miễn có nghĩa là “không” hay “không phải”. Thí dụ: Miễn thuế là không phải đóng thuế. Miễn dịch là không phải nhập ngũ. Miễn tố là không truy tố. Miễn chiến bài là treo bảng không đánh nhau. Miễn lễ là không cần thủ lễ. Do đó, miễn nhiệm có thể gây hiểu lầm là miễn trừ trách nhiệm cho ai đó.
-Căn bản, chính yếu biến thành cơ bản. Hai tiếng cơ bản được dùng tràn lan trong mọi lãnh vực. Thí dụ: “Mọi việc gần như /hầu như đã hoàn thành”, bây giờ trong nước, từ nhà quê đến con nít đều nói, “Mọi việc cơ bản đã hoàn thành.” Giống như ông “Thạc Sĩ” nói chuyện vậy. Nhức đầu quá!
-Căn nhà trở thành căn hộ. Căn nhà đắt giá trở thành căn hộ cao cấp. Gia đình trở thành hộ dân. Nghe lạ hoắc, giống như người Tàu nói chuyện với nhau.
-Cảng bốc dỡ các kiện hàng trở thành cảng container
-Căng thẳng thần kinh trở thành stress. “Gác chân lên tường 10 phút mỗi ngày để xả stress” (VnExpress)
Nói như thế người ta mới nể vì tưởng mình là dân Mỹ, hoặc các chữ “căng thẳng thần kinh/căng thẳng đầu óc” đã bị xóa mất trong ngôn ngữ Việt Nam?
-Cao cấp trở thành cấp cao (BBC tiếng Việt): Cố vấn cấp cao. (Thích đảo ngược chữ nghĩa để làm ra vẻ mình khác đời)
-Cao Học (Master Degree) trở thành Thạc Sĩ (Agregé) trên Tiến Sĩ. Trước 1975, muốn có bằng Thạc Sĩ, sau khi đậu bằng Tiến Sĩ (Doctor) phải thi để trở thành Giáo Sư Thực Thụ của các đại học. Miền Nam trước 1975 chỉ có vài giáo sư Thạc Sĩ như GS. Vũ Văn Mẫu, GS. Nguyễn Cao Hách, GS. Vũ Quốc Thúc, GS. Phạm Biểu Tâm và Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ nhưng Tiến Sĩ thì khá nhiều. Ngày nay, ở Việt Nam, hang cùng ngõ hẻm, xã ấp nhan nhản Thạc Sĩ. Ngày xưa “Ra ngõ gặp anh hùng”. Ngày nay “Ra ngõ gặp Thạc Sĩ”. Thật kinh hoàng!
-Cầu thủ nước ngoài trở thành ngoại binh. Thí dụ: “Ngoại binh nổ súng, Sài Gòn FC quật ngã SHB Đà Nẵng” (Đài Tiếng Nói Việt Nam VOV). Đọc tiêu đề giật mình tưởng lính Nga, lính Mỹ, lính Tàu tiến vào tấn công Việt Nam.
-Cặp tức hai người trở thành cặp đôi=bốn người. Nếu có học sẽ nói bộ đôi /một đôi tức hai người. Vì không có học cho nên nói cặp đôi tức bốn người. Xin nhớ cho đôi là hai người như đôi bạn, đôi lứa, đôi nơi, đôi ngả. Cặp cũng là hai người. Cặp gà=hai con gà, cặp bánh chưng=hai chiếc bánh chưng, đóng cặp=hai tài tử thường đóng chung với nhau. Như thế, “cặp đôi” là bốn người chứ không phải hai người.
-Câu độc giả, câu khách trở thành câu view. Lai căng mất gốc.
-Cây trở thành cây xanh. Trồng cây trở thành trồng cây xanh. Chặt cây trở thành chặt cây xanh. Đúng là tiếng Việt đổi đời! Nếu theo đúng loại tiếng Việt đổi đời này thì phải nói: Chúng tôi vừa trồng 100 cây phượng xanh, 50 cây cau xanh , 50 cây dừa xanh và khoảng10 cây chuối xanh. Rồi các loại cây ăn trái như ổi, nhãn, soài, đu đủ…trở thành “cây trồng”. Đúng là loại tiếng Việt điên khùng. Cây nào mà chẳng phải trồng. Thậm chí hành, ớt, tỏi, cũng phải trồng. Thêm chữ “trồng” là điên rồ.
-Cây cảnh, cây kiểng trở thành bonsai . Nếu cây trồng trong vườn, công viên cắt tỉa theo kiểu cây cảnh/kiểng thì không thể gọi là bonsai vì bon sai là bồn tài – nghĩa là “trồng trong chậu”. Bồn là chậu, tài là trồng.
-Chảo không dính trở thành chảo chống dính. Trong nước cái gì cũng chống, Chẳng hạn, thay vì nói, phòng ngừa ung thư lại nói phòng chống ung thư. Thay vì nói bài trừ ma túy lại nói phòng chống ma túy tức chỉ phòng ngừa và chống lại chứ không bài trừ, tiêu diệt. Rồi “Làm thang sắt để tránhlấn chiếm vỉa hè” trở thành “Làm thang sắt chống lấn chiếm vỉa hè”. (Báo Thanh Niên) Cũng giống như “Tôi đội nón để tránh nắng/che mưa nắng” nay trở thành “Tôi đội nón để chống nắng”. Thật ngu đần! Làm sao chống được nắng? Chỉ có che nắng hoặc tránh nắng mà thôi.
-Chạy tin giật gân/đưa tin giật gân/ đưa lên tin hàng đầu trở thành chạy tít, giựt tít.
-Chết trở thành tử vong. Tai nạn làm bốn người chết trở thành tai nạn khiến bốn người tử vong. Nói vậy mới tỏ ra mình giỏi tiếng Tàu à quên “tiếng Trung”.
-Chết bất ngờ, chết đột ngột trở thành đột tử. Ngã quỵ, ngất xỉu trở thành đột qụy.Thích dùng chữ nghĩa khó khăn mà kêu gào tiếng Việt trong sáng.
-Chết đuối trở thành đuối nước. Cả ngàn năm nay cha ông mình, văn chương đều dùng hai chữ “chết đuối” sao bây giờ bịa đặt thêm để làm gì? Đổichết đuối ra đuối nước có làm cho đất nước mình biến thành Mỹ, Âu Châu, Nhật Bản không? Một trăm năm nữa cũng chưa chắc bằng Tân Gia Ba. Hãy đổi đầu óc, lối sống sao cho đàng hoàng, tử tế, chân thật và có trách nhiệm. Đừng làm xáo trộn gia tài ngôn ngữ của tổ tiên.
-Chi tiền, trả tiền trở thành chi trả. Sao rắc rối quá vậy?
-Chiến cụ, vật dụng chiến tranh trở thành khí tài. Từ điển Việt Nam trong nước không có danh từ “khí tài”.
-Chính sửa, cắt xén trở thành photoshop
-Cho lãnh sự tiếp xúc/gặp gỡ trở thành “tiếp xúc lãnh sự” (VOA, BBC và các bản tin trong nước). Đúng là tiếng Việt đổi đời.
-Cho máy chạy lại, mở máy lại (restart) trở thành tái khởi động. Đúng là dốt hay nói chữ.
-Choáng váng, choáng ngợp chỉ còn choáng . Bát nháo quá đỗi! Đây là ngôn ngữ của bọn đứng bến, mánh mung hay buôn lậu. Thế nhưng loại chữ bát nháo này lại được phổ biến lan tràn trên các diễn đàn Yahoogroups ở hải ngoại.
-Chữ nghĩa trở thành con chữ. Thí dụ: Nhà văn bắt đầu từ những con chữ. Nếu thế thì các triết gia bắt đầu từ những con tư tưởng. Các nhà tâm lý bắt đầu từ con phân tích (sự phân tích)
-Chưa đầy đủ, còn thiếu sót, còn nhiều khuyết điểm trở thành bất cập. Đọc đoạn văn “Việc xử lý xe quá tải vẫn còn nhiều bất cập” tôi thật sự không hiểu người viết muốn gì. Trong nước thích dùng những chữ “bí hiểm” chỉ có mình hiểu, không ai hiểu cả hoặc để che dấu sự thật. Chẳng hạn Miền Nam trước đây giảng dạy môn Việt Văn (Vietnamese Language) cho học sinh từ Tiểu Học tới Trung Học. Ngày nay các ông trong nước đổi thành Ngữ Văn. Nhưng định nghĩa thế nào là Ngữ Văn thì giải thích lung tung. Một số giải thích: “Ngữ Văn”: Ngữ là ngôn ngữ (Language), Văn là văn học (Literature) là nghành học nghiên cứu về ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Trong khi đó Ô. Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Đỗ Ngọc Thống lại nói rằng đó là môn giống như đang được giảng dạy ở Trung Quốc, “Chúng tôi lấy tên Ngữ Văn vì cho rằng nó có thể bao quát chung cho cả ngữ và văn.” Giải thích như ông này thì thà không giải thích còn hơn. Ngữ văn là ngữ và văn thì chẳng khác nào văn chương là văn và chương. Thế mà cũng khoe bằng Tiến Sĩ. Đã bao quát nghĩa là bao gồm rồi, lại còn chung. Ông này nên học lại Việt Văn bậc Trung Học.
-Chứng tỏ được trở thành khẳng định. Thí dụ: Thay vì nói,”Diễn viên X chứng tỏ được tài năng của mình” lại nói, “Diễn viên X đã khẳng định được tài năng”. Đúng là ngôn ngữ lộn sòng. Khẳng định là xác định một cách mạnh mẽ một sự kiện, một lời tuyên bố. Còn tài năng thì phải chứng tỏ cho người ta thấy.
-Chương trình giảng dạy trở thành giáo trình. Nghe nói thấy mà mệt!
-Có thể (possible, may happen) trở thành có khả năng.Thí dụ: Trời có thể mưa trở thành trời có khả năng mưa. Trên diễn đàn của người Việt hải ngoại 25/1/2016: “Trung Quốc có khả năng trả đũa Hoa Kỳ ở Biển Đông”. Tôi không rõ người viết tiêu đề này muốn nói, “Trung Quốc có đủ sức mạnh/khả năng đề trả đũa Hoa Kỳ” hay, “Trung Quốc có thể (possible, may) sẽ trả đũa Hoa Kỳ”. Xin thưa, khả năng (capable) là năng lực của một người. Thí dụ: Ông ta không có khả năng làm việc.
-Có tổ chức, có học, có nghiên cứu, quy củ, đâu vào đó trở thành bài bản. Chỗ nào cũng nghe nói “bài bản”. Cả dân nuôi cá, nuôi tôm, trồng cây ăn trái, mò cua bắt ốc cũng nói “bài bản”.
-Cô lập / để riêng ra trở thành cách ly.
-Cô ta có đôi mắt đẹp trở thành Cô ta sở hữu đôi mắt đẹp. Sao nói năng cầu kỳ quá vậy?
-Coi trọng trở thành trọng thị. Tiếp đón long trọng trở thành tiếp đón trọng thị. Xin nhớ cho “thị” là coi, nhìn. Trọng thị là coi trọng. Một buổi lễ không thể là “coi trọng” mà phải là “long trọng” hoặc “trọng thể”.
-Cờ bạc lớn, sát phạt lớn, có tổ chức trở thành đánh bạc quy mô (Báo Tuổi Trẻ). Thật lạ đời, đánh bạc mà cũng quy mô như các sòng bài ở Las Vegas vậy. Đúng là dốt hay nói chữ.
Cỡ lớn, cỡ nhỏ biến thành kích cỡ lớn nhỏ. Tôi không hiểu sao lại phải thêm chữ “kích” vào đây trong khi nói cỡ lớn, cỡ nhỏ là người ta đã hiểu và hiểu cả ngàn năm nay. Nghe các nông dân ở Miền Tây (bây giờ gọi là Nam Bộ) nói hai chữ “kích cỡ” tôi vừa cười vừa rơi nước mắt vì dân Miền Nam trước đây chết hết cả rồi!
-Con đường, đoạn đường biến thành tuyến đường. Xin nhớ cho “tuyến” nghĩa là đường. Thí dụ: Cát tuyến=Đường cắt. Trung tuyến=Đường ở giữa. Trực tuyến=Đường thẳng đứng.
-Công nhân đổi đời thành lao động. Rồi chủ nhân trở thành người sử dụng lao động. Thí dụ: “Xí nghiệp A có 2000 lao động.” Trong khi từ điển tiếng Việt trong nước định nghĩa lao động là “Sự khó nhọc đem ra để làm việc như giới lao động”.
-Công du trở thành thăm chính thức, thăm cấp nhà nước. Chỉ cần nói, thủ tướng…sẽ công du Hoa Kỳ là người ta hiểu rồi…còn bày ra thăm chính thức, thăm cấp nhà nước. Công du (state visit) là đi thăm một quốc gia khác vì việc công, việc của đất nước, việc của chính phủ. Chẳng lẽ ông Chủ Tịch Nước đi chơi, thăm cấp tỉnh, cấp bộ, cấp xã sao? Thật quái đản!
Đào Văn Bình. 

Quốc Ngữ Xuân Thì



những con Chữ đừng nên ngủ muộn 
dậy mà đi kẻo quá giấc Xuân 
theo mạch đất trở về đồng ruộng 
mở tim ra đón lúa lên hương ! 

mỗi Chữ vướng trên từng nỗi nhớ 
lúc nào nhìn cũng thấy yêu thương 
những mùa Xuân da vàng máu đỏ 
theo Nghĩa đi rộn rã vô cùng ! 

quê hương Mẹ ngàn năm còn đó 
mãi trong lòng Con Cháu muôn phương 
mong ước được một lần gặp gỡ 
trong một ngày Sông Núi toả hương ! 

Nghĩa trăm năm từng con Chữ nhớ 
gọi vào Xuân rạng rỡ cùng đi 
nối lời viết nồng nàn nhịp thở 
Quốc Ngữ ơi ! Mãi mãi Xuân Thì ! 

Cao Nguyên 

Tưởng Niệm Những Nạn Nhân Bị Thảm Sát


Từ vụ thảm sát tại Las Vegas, Nevada ngày 1 tháng 10 năm 2017 đã giết chết 58 người. Tôi nhớ lại những vụ thảm sát trên nước Mỹ trong những năm trước:
- June 12, 2016, 49 people were killed at nightclub in Orlando, Florida
- April 16, 2007, Virginia Tech student Seung-Hui Cho shot 32 people to death on the Blacksburg, Virginia
- Dec. 14, 2012, 20-year-old Adam Lanza killed 27 people, at Sandy Hook Elementary School in Newtown, Connecticut
- Oct. 16, 1991, a 35-year-old named George Hennard crashed his pickup through Luby's Cafeteria, a packed restaurant in Killeen, Texas
.........
***
Mời bạn đọc lại bài tôi viết về cuộc thảm sát tại trường Đại Học Virginia Tech ngày 16 tháng 4 năm 2007, đã giết chết 32 sinh viên, để mặc niệm chia buồn cùng gia đình nạn nhân của các cuộc thảm sát . Chia buồn cùng nước Mỹ với những tang thương do bọn khủng bố gây ra.
@
Tưởng Niệm Những Sinh Viên Bị Thảm Sát
Giữa khi vùng Đông Bắc Mỹ bị vùi trong cái lạnh cóng người vì tuyết và gió. Không gian im lắng với tuyết trắng vây quanh, tưởng đã đủ buồn. Thế nhưng, chưa thấm với cái lạnh đến rùng mình, nỗi buồn cúi mặt và thổn thức, khi nghe các bản tin liên quan về cuộc thảm sát tại văn phòng tuần báo Charlie Hebdo ở Paris.
Nhìn màu tuyết trắng quanh nhà và những vết máu ở Charlie trên truyền hình, tôi nhớ lại những cuộc thảm sát tại trường Tiểu Học Sandy Hook tại Newton / Connecticut - December 14, 2012 và tại trường Đại Học Virginia Tech / Virginia - April 16, 2007. Bởi vì cả 2 cuộc thảm sát ở 2 trường học đều đúng vào thời điểm tuyết rơi. Những giọt máu đỏ loang trên tuyết trắng là một tương phản giữa hòa bình và chiến tranh gây ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng người.
Chẳng lẽ không gian sống phải ghi nhận những thảm cảnh và thời gian nhắc chừng sự tưởng niệm! Hỏi và tự trả lời: Nhân Bản không bao giờ được nhìn thấy trong con mắt của những kẻ cuồng tín và thù hận.
Rất tiếc, thế lực của tự do dân chủ không đủ mạnh để tiêu diệt chúng. Nhân loại chỉ còn biết chung chia sự đau buồn của người dân Pháp hôm nay, và tưởng niệm những học sinh của nước Mỹ bị thảm sát hôm qua! Thời gian quả thực không có sự giới hạn trong nỗi buồn và sự tưởng niệm!
@
Tưởng niệm các học sinh bị thảm sát ở trường Đại Học Virginia Tech:
Ơi Blacksburg!
Ơi Blacksburg! một thành phố núi
đang bình yên, bỗng nhức nhối vì sao?
những hoa cỏ vừa thắm màu nắng mới
bỗng loang dòng máu đỏ từ đâu?
Ơi Virginia Tech! ngôi trường yêu dấu
có thể nào vương vết máu em tôi
những gương mặt thiên thần phúc hậu
mới tinh khôi mà giã biệt cuộc đời!
Ơi hoài bão và tin yêu khao khát
bỗng nhiên thành cát bụi bay qua
nỗi chết kinh hoàng, nhân loại buồn cúi mặt
nhìn tuyết rơi trộn lẫn máu trên hoa!
trật tự mới, người cần mang vũ khí
bảo vệ mình giữa thế kỷ cuồng tâm
những viên đạn tự đi tìm công lý
trên mặt đời hùng vĩ cuộc khai hoang!?
Ơi đồ tể, tên giết người đốn mạt
mày quá hèn khi bắn nát mặt mình
vì hoảng sợ cùng lương tâm đối chất
(ta là người hay ma quỉ trá hình?)
Ơi em tôi, những tuổi thơ vừa khuất
đi bình yên, xa thế giới căm hờn
khi ngọn nến thương yêu còn sáng rực
cười nhé em, cho khỏi lạnh trong hồn!
Ơi Blacksburg! ơi Virginia Tech!
giữa tháng tư mà tuyết vẫn còn rơi
trời muốn xóa những con đường vấy máu
loài người ơi! sao bắn giết không thôi !?
Cao Nguyên
April18, 2007
@
Oh Blacksburg!
Oh Blacksburg! lovely town by the mountains
Oh Blacksburg, peaceful town
Why sudden pain
Beautiful flowers blooming under the sky
Why, Oh why, blood suddenly flows
Oh VT! beloved Virginia Tech
How can it be..Who made it so…
That so many wonderful angels
Fell and died in prime of life
And hope, and trust , those innocent souls
Turned into sorrows and dust
And Death came and We all helpless
And snow, and blood on pretty flowers
The new order? We all need guns?
What Century do we live in ?
When bullets have their own justice
As if this earth of ours is back to the beginning
Killer of killers
Your face broken by your own hand
Are you human, are you devil incarnate
Can you not bear to look at our eyes ?
Dear brothers, lovely sisters
Go peacefully into the other world
Away from this life of sorrows and hatred
Keep your smile, keep your love
Keep your souls forever warm
Oh Blacksburg, beloved Virginia Tech
Mid April and snow still falls
As if covering blood on your roads
Please God, no more, no more Death!
CAO NGUYEN
(bản dịch của giáo sư Đàm Xuân Linh)

HỘI TẾT TRUNG THU 2017